Đỗ Kim Thêm
1. ĐẠI Ý
Công bình một đề tài tranh cãi quen
thuộc trong đời sống gia đình hằng ngày, thí dụ như chuyện ba đứa trẻ, Anne,
Bob và Clara, cùng đòi làm chủ một cây sáo. Anne nhất quyết dành cây sáo cho
riêng mình với lý do khá thuyết phục vì là người duy nhất trong gia đình biết
chơi sáo, Bob lại dành phần là vì mình không có trò chơi nào và Clara phản đối
vì là người đã bỏ công làm ra cây sáo mà lại không có quyền hưởng. Bố mẹ phải
giải quyết làm sao đem laị công bình cho cả ba? Nhưng sâu xa hơn, công bình là
một luận đề triết học xa xưa, mà nhận xét chua chát của Thomas Hobbes trong tác
phẩm Levithian từ năm 1651 đến nay vẫn còn giá trị: "Đời người là sống
khốn khổ như thú vật và ngắn ngủi", thì còn tìm đâu ra công bình cho
kiếp người?
Với hai khởi điểm này Sen đã đưa người
đọc đi vào thế giới suy tưởng của ông về công bình, một công trình tổng hợp nhiều
luận thuyết của Thomas Hobbes, John Lockes, Immanuel Kant, Adam Smith,
Condorcet, Mary Wollstone, Karl Marx, Stuart Mill, đặc biệt nhất là phê bình
thuyết công bình của John Rawls. Vì là người gốc Ấn Độ, ông cũng không quên đem
giáo lý của Phật giáo và Ấn Độ giáo để giới thiệu và so chiếu. Mục đích của ông
không xây dựng một học thuyết mới về công bình mà đưa ra một phương cách hành động
thực tiễn làm cho thế giới bớt bất công hơn. Theo ông, lập luận và phản biện
công khai trong một môi trường xã hội dân chủ là một điều kiện tiên quyết để đạt
được công bình. Đó là nội dung chủ yếu của Sen trong tác phẩm mới nhất The
Idea of Justice và sẽ được giới thiệu trong bài viết này.
Sen hiện là giáo sư đại học Harvard
và đã đoạt giài Nobel về Kinh tế năm 1998. Một tác phẩm nổi tiếng của ông trước
đây là Development as Freedom, nhằm đề cao vai trò kinh tế thị trường
trong công cuộc phát triển tại các nước chậm tiến.
Sách được chia làm bốn phần và có 18
chương. Phần một đưa ra những đòi hỏi về công bình, phần hai giới thiệu những
hình thức biện luận, phần ba đề cập đến những khả năng thực hiện và phần cuối
cùng phân tích mối quan hệ giữa những biện luận công khai và phát triển dân chủ.
2. ĐỊNH NGHĨA CÔNG BÌNH TRONG MÔT
HOÀN CẢNH CỤ THỂ
Phần một gồm có sáu chương đề cập những
vấn đề mối quan hệ giữa tri thức và tính khách quan, phê bình lý thuyết công
bình của Rawls, vai trò của định chế đối với con người, sự phản kháng trong xã
hội và tính trung dung trong các phương cách lập luận. Trong phần này ông đưa
ra định nghĩa về công bình trong một hoàn cành cụ thể để tìm hiểu vấn đề.
Trước tiên, ông dựa trên một định
nghĩa công bình theo quan điểm luật Ấn Độ thời xưa để thảo luận. Công bình gồm
có hai khía cạnh chủ yếu cần phân biệt là niti và natya. Niti xét
đoán về vai trò của các định chế và các thái dộ đúng đắn chung, trong khi natya là
một khái niĐộ ệm bao quát hơn để đánh giá về sự thực hiện công bình trong thực
tế. Ấn đã biết tôn trọng natya hơn niti, và thuật
ngữmatsyanyaya là một lối diễn đạt bất công do cá lớn nuốt cá bé đã
có đã có từ thời kỳ này.
Để thí dụ, Sen nêu lên trường hợp
Kautilya là quân sư của Chandragrupta, vị vua đầu tiên của Ấn Độ, cũng là nội tổ
của vua Ashoka. Kautilya luôn đề cao vai trò định chế và những cấm đoán nghiêm
minh để đạt đến công bình xã hội. Trong khi vua Ashoka của Ấn Độ lại cho rằng
giáo dục mới cải thiện thái độ của con người, và quan trọng hơn là nghiêm cấm
qua định chế và luật lệ. Thấm nhuần lời Phật dạy về lòng khoan dung, vua Ashoka
đề cao sự công bình giữa các tôn giáo. Ông cho rằng người nào chỉ biết tôn trọng
tôn giáo mình mà bất kính tôn giáo khác thì thái độ này là bất kính với tôn
giáo mình. Cả hai khuynh hướng này bổ sung cho nhau trong hoàn cảnh của Ấn Độ
lúc bấy giờ.
Để tránh chủ quan, cục bộ và địa
phương khi nhận chân giá trị công bình, Sen đề nghị nên sử dụng khái niệm „nhà
quan sát độc lập“ của Adam Smith. Adam Smith cho rằng phải lấy quan điểm của
đa số làm chuẩn và dựa trên các sự dị biệt về kinh nghiệm để phán đoán. Sự khác
biệt giữa Ralws và Sen là Ralws theo quan niệm về định chế (trancendental
institutionalism), trong khi Sen thiên về thực tế và theo khảo hướng đối
chiếu (realization-focused comparison). Trong khi Rawls đề xuất về công
bình bằng cách suy diễn dựa trên một định chế độc nhất và khô cứng, thì Sen cho
rằng con người dầu có những vị thế khác nhau vẫn có thể theo đuổi mục tiêu
riêng, nên không thể đưa tất cả vấn đề vào những khuôn mẫu đã định hình trước để
trước để suy luận. Theo Rawls, công bình là khởi điểm để thiết lập định chế cho
xã hội, nhưng Rawls đã đơn giản hoá tối đa một vấn đề cực kỳ phức tạp nhằm đem
lại sự hài hoà của công bình và thái độ của con người. Theo Sen, điểm yếu của
Ralws là giải thích vấn đề một chiều vì định chế chỉ là một phần của vấn đề và
cũng không đưa ra một phương thức kiểm chứng nào cho thấy thuyết công bình này
sẽ đưa tới kết quả tốt hơn. Sen cho rằng phải kiểm nghiệm lâu dài những tình trạng
xã hội phát sinh trong thực tế để có thể so sánh những gì đã xảy ra rồi tìm những
tiêu chuẩn công bình, thay vì đề ra một lý thuyết chung. Ông thí dụ nếu đưa ba
tình trạng X, Y và Z để xét về công bình, khi xác định đưọc X là tốt nhất thì
không nên tiếp tục so sánh giữa Y và Z.
Thật ra, bất mãn trước một bất công
hay cần xác định một cứu cánh cho công bình là đề tài đã được Jean-Charles de
Borda và Condorcet, hai nhà toán học người Pháp, nghiên cứu từ thế kỷ XVIII. Họ
dùng phương thức toán học để tìm ra cách tính gộp lại các ưu tiên cá nhân, dựa
vào cách so sánh do các cá nhân đưa ra, tìm ra các kết quả đối nghịch, rồi từ
đó có thể tìm ra những kết quả chấp nhận được gọi là những ưu tiên của đa số.
Nghịch thuyết của Condorcet đã được nhà kinh tế học Kenneth Arrow triển khai
thành định lý về sự bất khả. Đề nghị này có những khuyết điểm vì theo kiểu định
mẩu cũng không hề quan tâm đến những nhu cầu thực tế của từng nhóm khác biệt
nhau trong xã hội. Nạn đói nghèo, thất học, bệnh tật, kỳ thị, quyền của nữ giới
đòi hỏi cần phải có những tiêu chuẩn về công bình khác nhau. Arrow thú nhận
ngoài những thảo luận lý thuyết, thực tế cho thấy chưa có một mô hình chọn lựa
về công bình nào có thể thoả mãn cho đa số và được coi là thuần lý và dân chủ.
Condorcet cũng đã thấy điểm khó khăn chủ yếu khi xét đoán công bình là thiếu
thông tin. Ông nhấn mạnh vai trò giáo dục nữ giới và những cuộc thảo luận công
khai.
Đồng quan điểm với Condorcet, Sen cho
rằng hiện nay các triết thuyết về công bình chỉ dựa trên sư phân loại trong một
hệ thống nào đó rồi so sánh nên bất bình xảy ra là chuyện đương nhiên. Quan điểm
bất toàn và cục bộ cố hữu này chính là khởi điểm để Sen tìm ra một giải pháp
toàn bộ cho vấn đề công bình, mà theo Sen, thông tin và thảo luận công khai là
phương tiện để giải quyết. Nhưng lập luận như thế nào đó là chủ đề mà ông đề cập
trong phần hai.
3. NHỮNG HÌNH THỨC LẬP LUẬN
Phần hai gồm có bốn chương nhằm giới
thiệu những hình thức lập luận cụ thể trong một hoàn cảnh cụ thể để đạt được
công bình. Thực ra, ông đã dùng giáo lý vị tha và tương thuộc của Phật giáo để
phê bình các thuyết duy lý và duy lợi của phương Tây.
Theo ông, trong thời đại toàn cầu hoá
thì quan điểm về một nhà quan sát độc lập của Adam Smith càng cần hơn bao giờ hết,
vì nó giúp ta tránh được tinh thần cục bộ, địa phương, chạy theo tư lợi mà quên
mình đang sống trong một thế giới đại đồng. Sen cho rằng thuyết duy lý và duy lợi
đã đưa con người đến những thái độ cực đoan trong lúc chọn lựa: người tiêu thụ
chỉ muốn mua hàng tốt nhất mà giá lại rẻ nhất, nhà sản xuất muốn tạo ra sản phẩm
ít vốn nhất mà bán lời nhiều nhất và doanh nghiệp tìm cách tăng thu doanh lợi bằng
cách bớt đi phức lợi của công nhân. Thái độ duy lợi tối đa phản ảnh một sự giới
hạn của lý trí trong lập luận, vì không chú ý tới những lập luận khác cũng như
những lối chọn lựa khác có thể hợp lý hay công bình hơn mà thiện cảm và vị tha
là điều kiện thiết yếu để ta quan tâm đến tha nhân và đóng góp hữu ích cho xã hội.
Ông phân biệt có hai mối quan hệ:
trong mối quan hệ tương thuộc cá nhân thì vấn đề đối xử sao cho công bình tương
đối dể giải quyết, nhưng khi đặt vấn đề này trong tinh thần trách nhiệm thì
chuyện bất công có thể xảy ra, nhất là khi trách nhiệm đi kèm với quyền lực. Vấn
đề càng rõ nét hơn khi đặt mối quan hệ bất cân xứng giữa con người với thú vật,
vì chúng ta luôn tự hào thông minh và trách nhiệm nhiều hơn so với thú vật, từ
đó mà chúng ta có lý do để đối xử bất công không những đối với thú vật mà còn với
đồng chủng yếu kém hơn. Trong mối quan hệ xã hội hiện nay có quá nhiều bất
công, mà chủ yếu bắt nguồn từ việc lạm quyền. Ông dùng lời Phật dạy trong kinh
Sutta Nipata và các tác giả phương Tây để soi sáng vấn đề nhân quyền. Ông nhấn
mạnh đến bổn phận của cá nhân trong việc để giảm bớt bất công, nhưng xác định
khả năng để hành động đó là chủ đề mà ông thảo luận trong phần ba.
4. LƯỢNG GIÁ KHẢ NĂNG HÀNH ĐỘNG
Phần ba có bốn chương đào sâu các vấn
đề tự do, hạnh phúc, công bình và đánh giá khả năng để thực thi công bình.
Ông phê bình các lý thuyết về phát
triển kinh tế trước đây khi quá đề cao vai trò các chỉ số về gia tăng tổng sản
lượng quốc dân và lợi tức tính theo đầu người, cách này không những không diễn
đạt được thực trạng xã hội mà còn lầm lẫn giữa mục tiêu và phương tiện. Theo
ông, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi khái niệm phúc lợi xã hội mà các chỉ số
khác quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng hơn là phẩm chất cuộc sống, phúc lợi
chung và tự do cá nhân. Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên quá nghiêng về thuyết
duy lợi cá nhân của Jeremy Bentham, vì chỉ lấy mức hưởng thụ tối đa của cá nhân
làm thước đo hạnh phúc chung xã hội, trong khi đó khà năng chuyên môn, mức thu
nhập lợi tức, nhất là sự may mắn của từng cá nhân vẫn còn quá dị biệt nhau
trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Theo Sen, điều quan trọng trong việc
đạt đến công bình làm thế nào để xoá bỏ mọi chướng ngại cho cá nhân trong việc
thực hiện tự do để mưu cầu hạnh phúc. Lượng giá khả năng không chỉ là mơ mộng
và chờ đợi mà tìm những tiêu chuẩn hành động cụ thể trong môi trường riêng biệt,
nhất là dám chọn những lối sống khác biệt, để từ đó tìm may mắn của đời mình,
có thể là công danh, tiền tài hay địa vị xã hội. Dĩ nhiên, nỗ lực tối đa của cá
nhân trong thể hiện tự do là điều chủ yếu, nhưng môi trường xã hội phù hợp cũng
góp phần cho sự thành đạt. Khi phân tích khả năng của từng cá nhân, ông so sánh
đến những vấn đề nổi bật trong một vài nhóm người bị phân biệt đối xử, thí dụ
như người khuyết tật hay phụ nữ tại các xã hội còn theo chế độ phụ quyền.
Ông sử dụng khái niệm agency để
diễn đạt khà năng và tư cách hành động để chuyển hoá tự do của từng cá nhân,
khái niệm này không thể dịch chính xác trong tiếng Việt mà phải hiểu trong ngữ
cảnh mà Sen lập luận. Thực ra, ông phê bình các lý thuyết về kinh tế phúc lợi
trước đây đã không quan tâm đến khả năng hành động và những nổ lực nhằm thoát
ra những nghịch cảnh, thí dụ như công nhân bị bóc lộc trong xã hội tư bản, nông
dân trong xã hội nông nghiệp và gia nhân trong xã hội phong kiến. Vấn đề là làm
sao để họ hưởng công bình hơn và có một đời sống đáng sống hơn, nhưng khi họ an
tâm chịu đựng và cố thích nghi với nghịch cảnh thì bất công sẽ kéo dài.
Ông dùng agency để
phân tích hai mối quan hệ. Một là mối quan hệ giữa khả năng hành động của từng
cá nhân và phúc lợi chung, hai là mối quan hệ giữa tự do và kết quả thực hiện.
Về mối quan hệ đầu tiên, ông cho rằng cần tìm hiểu mục tiêu cá nhân theo đuổi,
dĩ nhiên mục tiêu này nhằm phản ảnh ước muốn cá nhân, có gắn liền với phúc lợi
chung hay không. Về mối quan hệ giữa tự do hành động và kết quả đạt được đem so
chiếu với phúc lợi chung và khà năng đạt được mục tiêu riêng. Tổng hợp hai lối
suy luận này chúng ta sẽ có bốn khái niệm khác biệt để có thể đánh giá được
toàn bộ vấn đề công bình:
1. Phúc lợi chung thu hoạch được,
2. Phúc lợi riêng cho cá nhận qua hành động của riêng mình,
3. Tự do qua phúc lợi và
4. Mức độ tự do trong hành động.
2. Phúc lợi riêng cho cá nhận qua hành động của riêng mình,
3. Tự do qua phúc lợi và
4. Mức độ tự do trong hành động.
Phân tích của ông đưa đến những suy
luận mới hơn và có lẽ quan trọng nhất là đề cao tự do cá nhân trong hành động.
Đây là điểm mà các nhà hoạch định chính sách phải ưu tiên chú ý, vì cá nhân
không chỉ là người nhận phúc lợi xã hội, mà nên xem họ là một con người có ý thức
trách nhiệm hành sử trong tự do và sẽ mang đến phúc lợi chung. Hơn thế nữa,
hành động này còn góp phần việc mở rộng dân chủ. Đó là đề tài mà ông dẫn chứng ở
phần bốn.
5. BIỆN LUẬN CÔNG KHAI LÀ THỰC THI
DÂN CHỦ
Phần bốn gồm có bốn chương bàn về các
vấn đề thực thi dân chủ, nhân quyền và công bình trên toàn thế giới. Ông cho rằng
lập luận công khai sẽ là điều kiện thực hiện công bình và dân chủ.
Sen định nghĩa rất đơn giản về dân chủ.
Dân chủ, theo ông, không gì khác hơn là thực tập việc lập luận và phản biện
công khai trong mọi sinh hoạt xã hội. Chính những cuộc thảo luận các vấn đề
chung một cách công khai thì các tiếng nói, dù cô thế hay dị biệt, đều được
quan tâm và phân tích, có như thế thì xã hội sẽ dễ đạt đến công bình hơn. Nhưng
thực thi các quyền dân sự và chính trị của người dân rất cần đến báo chí. Chính
một nền báo chí độc lập và tự do sẽ hỗ trợ thiết thực cho việc thực thi dân chủ,
vì báo chí không những đóng góp thuần túy trong vai trò thông tin mà còn là
phương tiện tranh đấu cho người cô thế và hướng dẫn dư luận. Ông dẫn chứng nạn
đói không hề xảy ra trong một nước dân chủ nào trên thế giới, mà chỉ có ở các
nước bị ngoại thuộc, mà nạn đói Bangal, Ấn Độ năm 1943 là một thí dụ điển hình,
nguyên nhân là báo chí Anh và Ấn độ đều im tiếng. Nhiều nạn đói khác tại như
Liên Xô, Trung Quốc, Cambodia, Ethopia, Somalia và Bắc Hàn, mà bưng bít thông
tin là lý do giải thích.
Sen cho rằng chính thảo luận công
khai các dị biệt giúp chúng ta tìm hiểu và thông cảm nhau nhiều hơn trước những
vấn đề phức tạp như tôn giáo, chủng tộc hay bản sắc. Đây là một điều kiện giúp
chúng ta có cơ hội đạt được đồng thuận, khoan dung, nhân ái, và nhất là giảm đi
mọi đạo đức giả mang danh tôn giáo, mà Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm này. Những cuộc
thảo luận của dân chúng tại thành Athens Hy Lạp thời xưa về các vấn đề công cộng
là một thí dụ lý tưởng. Theo Sen, từ xa xưa thảo luận công khai là một đặc điểm
tại các nước Á Đông. Truyền thống tốt đẹp trong các cuộc hội luận của Phật giáo
ngay sau khi Đức Phật nhập niết bàn là những bài học về dân chủ. Trong ba cuộc
họp tại Rajagriha, Vaisali và Patna để thảo luận về việc kết tập kinh điển, Phật
giáo đã chứng tỏ tinh thần thảo luận công khai, khoan dung và tôn trọng dị biệt
giửa các tăng đoàn, đây là một điểm son trong quá khứ. Một thí dụ khác của Nhật
Bản cũng chứng minh tương tự. Năm 604 sau Công nguyên, Thái tử Shotoku, một Phật
tử thuần thành, khi nhiếp chính đã soạn thảo hiến pháp với 17 điều khoản, cũng
đề cao tinh thần thảo luận. Ông viết trong điều 7 của hiến pháp là "Mọi
quyết định quan trọng không được phép do một người tạo ra, mà cần có sự thảo luận
của nhiều người. Đừng bất bình khi người khác bất đồng quan điểm với mình. Mỗi
người đều có một tấm lòng, mà mỗi tấm lòng đều có những lý lẻ riêng. Nếu cái
đúng dành cho họ thì cái sai là của chúng ta, và cái đúng dành cho ta thì cái
sai là của họ". Các nhà luật học cho rằng hiến pháp của Nhật nhờ thấm
nhuần giáo lý Phật giáo là bước đầu tiên để phát triển dân chủ.
6. NHẬN XÉT
Tác phẩm của Sen là một công trình
không những có giá trị về mặt tư tưởng mà còn là một phương châm hành động và
đem lại nhiều thú vị cho nhiều giới khác nhau.
Đối với độc giả chưa đọc Sen bao giờ
thì đây là một cơ hội hiểu rõ tư tưởng cơ bản của Sen đã trình bày trước đây,
thí dụ như nạn đói tại các quốc gia không có tự do, phê bình các lý thuyết cổ
điển về phát triển kinh tế và đề cao vai trò của thị trường và báo chí cho các
nước chậm tiến. Đối với người đã đọc Sen rồi, thì đây là một công trình bổ
sung, nhất là ông đi sâu vào việc phê bình thuyết công bình của Ralws.
Đối với đọc giả phương Tây đang được
sống trong môi trường tự do, quen thuộc với tinh thần duy lý và văn hóa tranh
luận thì điều mới lạ mà Sen mang lại là giáo lý Phật giáo và triết học Ấn Độ.
Khi hiểu được tinh thần vị tha trong một thế giới tương thuộc, nhất là các mối
quan hệ đến thú vật, tha nhân và môi trường sống, họ có cơ hội để xét lại về
khái niệm công bình và cảm thấy trách nhiệm hơn là tiếp tục theo đuổi duy lý và
duy lợi.
Nhưng quan trọng và đặc sắc nhất của
Sen là đưa ra một chương trình hành động cho người đọc đang sống trong các chế
độ độc tài. Những luận điểm chính của Sen là:
- Kinh tế thi trường là phương cách tốt
nhất để phát triển kinh tế
- Tự do báo chí là nền tảng để thực
thi dân chủ
- Chấp nhận tranh luận công khai các
dị biệt để thuyết phục và đồng thuận là phương tiện để đạt được công bình xã hội.
Sen thú nhận đây là một tham vọng khó
thực hiện trên toàn thế giới. Người Việt có thể thất vọng vì Sen không đề cập đến
tinh thần dân chủ của hội nghị Diên Hồng và nạn đói năm Ất Dậu trong lịch sử Việt
Nam cũng như tình trạng báo chí và nhân quyền ở Việt Nam hiện tại, nhưng hy vọng
phương cách của Sen là nguồn cảm hứng bố ích và trở thành một thông điệp thời đại
giúp cho những người đang tha thiết muốn đóng góp cho Việt Nam hôm nay và mai
sau được công bình và dân chủ hơn.
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20110308/do-kim-them-tim-hieu-ve-khai-niem-cong-binh-cua-amartya-sen-qua-tac-pham-the-idea