Bàn về tự do

Posted on
  • Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Huy

    A. Sơ lược về quá trình phát triển của chủ nghĩa tự do

    Chủ nghĩa tự do là một triết lý chính trị hay một thế giới quan, được hình thành trên các ý tưởng về tự do pháp lý và bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực cũng như cơ hội. Một số nhà tư tưởng nhấn nhấn vào ý tưởng đầu tiên, tiêu biểu là: Locke & Mill;  trong khi đó, một số khác nhấn mạnh vào ý tưởng thứ hai, tiêu biểu là:  Rousseau,  Marx, Green. Các nhà tư tưởng có thể phát triển ý tưởng về tự do trong nhiều lĩnh vực và theo nhiều hướng khác nhau, tuy nhiên, thường ủng hộ các quan điểm cơ bản như: các quyền dân sự, thị trường tự do, xã hội dân chủ, chính phủ thế tục và hợp tác quốc tế. Ở đây, quá trình phát triển của chủ nghĩa tự do được trình bày thông qua sự phát triển của những tư tưởng tự do và những diễn biến chính trị, kinh tế và văn hóa trong lịch sử.

    Thời kỳ cổ đại, đặc biệt là tại các thành bang Hy Lạp, trong những tác phẩm triết học kinh điển, trong những quy định cơ bản bản về quyền của các công dân, cũng như trong cách vận hành của các thành bang, có “manh nha” những ý tưởng đầu tiên về tự do. Tuy nhiên, cần phải nhận thức một cách rõ ràng, thời điểm đó, các khái niệm cơ bản như “công dân”, “quyền công dân” hay “tự do” được nhận thức theo một cách rất khác so với hiện tại. Các ý tưởng có liên quan đến tự do trong thời kỳ này còn manh mún, chưa được hệ thống hóa thành lý thuyết hay hệ tư tưởng.  Khái niệm tự do thời kỳ này thường được hiểu theo ý nghĩa Cộng hòa, tức là tự do của công dân được thể hiện thông qua việc tham gia vào các  công việc của thành bang ( hiện nay, cách hiểu này được một số nhà tư tưởng hiện đại làm sống lại, khai thác và hình thành nên Khái niệm tự do Cộng hòa).

    Sau đó, cùng với sự sụp đổ của đế chế La Mã là quá trình Châu Âu trải qua những cuộc nội chiến và xâm lược. Chế độ phong kiến được xác lập, nhà nước tập quyền được củng cố, tình trạng cát cứ của các lãnh chúa dần bị thu hẹp, tạo nên cấu trúc kinh tế văn hóa chính trị thời kỳ này. Về mặt tư tưởng, bởi sự thống trị của Chủ nghĩa Kinh viện (có thể hiểu là những nỗ lực của các  nhà thần học trong việc hòa trộn  các giáo lý Kito với các triết lý của Aristotle theo kiểu kinh viện), các ý tưởng liên quan đến chủ nghĩa tự do hầu như bị “khóa chặt” vì không có không gian để phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn này ghi nhận sự hình thành của các trường đại học (chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu thần học) và  chứng kiến đỉnh cao của kiến trúc Gotich. Đặc biệt, Đại hiến chương Magna Carta (1215) ra đời, thường được coi là văn bản đầu tiên đề cập đến các quyền cơ bản của công dân, giới hạn các quyền của nhà vua và chính quyền đối với các cá nhân.

    Ở cuối thời kỳ này, nạn đói, chiến tranh và dịch hạch (đặc biệt là dịch đậu mùa) làm suy giảm dân số Châu Âu một cách nghiêm trọng, nhưng đồng thời cũng tạo nên cơ hội cho những người sống sót. Giáo hội bị chia rẽ nghiêm trọng, trực tiếp và gián tiếp tham gia và các cuộc chiến tranh giành quyền lực và cũng có va chạm liên tục với quyên lực thế tục của nhà vua.  Các nhà thần học tranh cãi quyêt liệt về các cách diễn giải ý nghĩa của Kinh Thánh và việc thực hành các Nghi lễ của Kinh Thánh đối với các đối tượng không phải là linh mục. Những nhân tố trên (sự chia rẽ của giáo hội và các nhà thần học diễn giải Kinh Thánh theo nhiều cách khác nhau) tạo nên những tiền để chính trị, xã hội và tư tưởng quan trọng cho sự phát triển của chủ nghĩa tự do ở giai đoạn tiếp theo.

    Trong giai đoạn Phục Hưng, ghị nhận sự xuất hiện các thành quốc, công quốc độc lập (tiêu biểu là tại bắc Ý), tạo nên cơ hội cho việc thực hành tự do ở các mức độ khác nhau và sự  “bùng nổ” của  các thành tựu về văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc. Trong tôn giáo, quyền lực của Giáo hội liên tục bị thách thức khi các các nhà thần học như  ErasmusZwingliLuther và Calvin đưa ra những luận điểm cải cách, luận giải Kinh Thánh theo xu hướng Chủ nghĩa nhân văn và mô tả lại mối quan hệ giữa con người và Chúa . Sự sống lại của của các ý tưởng triết học cổ đại (thách thức hai trụ cột đang tồn tại là Kinh thành và các triết lý Aristotle được diễn giải theo kiểu kinh viện), những thành tựu mới về lý luận triết học chính trị, những phát kiến khoa học tự nhiên về trái đất và vụ trụ, sự thành công của Chủ nghĩa nhân văn, tạo ra một cơ hội đã “chín muồi” để những  tư tưởng tự do  ra đời vào cuối thời kỳ này.

    Lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ nghĩa tự do được hệ thống hóa thành một hệ tự tưởng bởi John Locke (1632 -1704). Locke , với những quan điểm của ông, đặc biệt là về sở hữu, đã tạo ra những tiền đề để hình thành nên các tư tưởng của Chủ nghĩa tư bản.. Locke đã phát triển khái niệm cho rằng chính phủ phải nhận được sự đồng thuận của người dân và sự đồng thuận phải luôn tồn tại để đảm bảo cho một chính quyền giữ được sự hợp pháp. Tác phẩm nhiều ảnh hưởng của ông  là Hai khảo luận (1690), một văn bản nền tảng của ý thức hệ tự do, phác họa những ý tưởng chính của ông.  Các tư tưởng đó sau này được kế thừa bởi nhiều nhà tư tưởng khác, trong đó tiêu biểu là John Stuarl Mill (1806 -1873) trong tác phẩm “Bàn về tự do” thừa kế các tư tưởng của Locke, tuy nhiên, tập trung bảo vệ các quyền tự do cá nhân trước mối đe dọa chính là các “thiết chế xã hội”, với quan điểm dựa trên thuyết công lợi, cho rằng bảo vệ sự đa dạng của các cá nhân sẽ gia tăng lợi ích cho toàn thể xã hội.

    Ảnh hưởng của những ý tưởng này tăng dần trong suốt thế kỷ 17 ở Anh, mà đỉnh cao là Cách mạng Vinh quang năm 1688, trong đó ủng hộ quyền của Quốc hội dẫn đến việc thành lập nhà nước mà nhiều người xem là nhà nước tự do hiện đại đầu tiên trong lịch sử. Locke đã tham dự sâu sắc vào những biến cố của thời kỳ này, cả ở khía cạnh khai thông tư tưởng lẫn khía cạnh thực hành chính trị.

    Ở một hướng khác, Jean – Jacques Rousseau (1712 -1778), với những quan điểm mà sau này được nhiều nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa khai thác và phát triển,  trong tác phẩm “Kế ước xã hội”, đã hệ thống hóa các quan điểm chủ đạo của mình và đưa ra một quan niệm khác về tự do. Trong đó, nhấn mạnh vào sự tự làm chủ bằng lý trí của mỗi cá nhân và tự do thông qua đồng nhất ý chí của cá nhân với ý chi chung của toàn xã hội.  Các ý tưởng về việc tạo ra các cơ hội bình đẳng để các cá nhân có thể phát triển toàn diện các năng lực cũng như cưỡng bức các cá nhân chưa “đồng nhất” vỡi xã hội đã được kế thừa bởi Karl Marx (1818-1883) và phần nào là T . H. Green (1836-1882)

    Kỷ nguyên Khai sáng (có thể coi là bắt đầu từ Cách mạng Vinh Quang), là một thời kỳ đặc biệt của Chủ nghĩa tự do, ở đó, Chủ nghĩa tự do không những có được những thắng lợi chính trị hết sức to lớn mà còn ghi dấu ấn của mình trong hầu hết các lĩnh vực tư tưởng, kính tế, văn hóa và xã hội. Tron đó, tiêu biểu là thắng lợi của Cách mạng Pháp, Cách mạng Mỹ.

    Cuộc cách mạng Mỹ (1776)  là kết quả của những căng thẳng kéo dài giữa các thuộc địa Bắc Mỹ với Anh Quốc, kéo theo sự ra đời của một nước cộng hòa mới. Bản tuyên ngôn độc lập Mỹ mang đậm dấu ấn của tư tưởng của Locke, nhấn mạnh vào tự do, bình đẳng. Hiến pháp Mỹ cũng coi việc bảo vệ quyền sở hữu của các công dân là điều kiện tiên quyết để tồn tại một nhà nước

    Cuộc cách mạng Pháp (1789), với khẩu hiệu “Tự do – Bình Đẳng – Bác ái”, vơi “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” đã thành công tại đất nước đông dân và giàu có nhất Châu Âu thời kỳ đó. Sau chiến thắng của cuộc cách mạng, quân đội Pháp cũng đã góp phần lật đổ hầu hết các thể chế phong kiến tại các quốc gia đương thời. Chiến thắng của Cách Mạng Pháp có thể được coi là chiến thắng quyết định của Chủ nghĩa tư bản với chế đệ phong kiến và quyên lực của Giáo hội. 

    Thời kỳ này các tư tưởng tự do về kinh tế phát triển và có được những thành tựu quan trọng, tiêu biểu là các tư tưởng của Adam Smith (1723-1790), với lý thuyết bàn tay vô hình , đề cao sự cạnh tranh tự do trong kinh tế, hạn chế sự can thiệp của nhà nước được ghi nhận trong tác phẩm “Nguồn gốc của cải các Quốc gia” (1776) đã tạo nên một nền tảng lý luận mới trong kinh tế. Trong đó vai trò của thị trường, với khả năng tự điều tiết để đem lại sự hiệu quả cao nhất. Nhà nước chỉ tham gia ở mức độ tối thiểu với nhiệm vụ khắc phục các khuyết tật của thị trường.

    Trong quá trình phát triển của mình, Chủ nghĩa tư bản bộc lộ các mặt trái của tại các khía cạnh chính trị và xã hội, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa tạo ra phân hóa giàu ngèo cao độ tại các quốc gia Châu Âu và sự bóc lột cao độ tại các quốc gia thuộc địa. Điều đó tạo điều kiện cho các phong trào phát triển theo quan điểm của Marx (1818-1883) hoặc T . H. Green (1836-1882).

    Quan điểm của Marx giữa vai trò trung tâm trong tư tưởng của Liên Xô (hình thành sau cách mạng tháng Mười), các nước Đông Âu (hình thành sau chiến tranh thế giới thứ 2) , Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác. Tại các nước này, dựa trên quan điểm của Marx, thường nhấn mạnh vào quan điểm phân phối bình đẳng, phủ nhận tư hữu và thiết lập nền kinh tế kế hoạch.  Liên Xô với nên kinh tế tập trung hóa kế hoạch ở thời kỳ đó có được những giai đoạn tăng trưởng ấn tượng và kéo dài. Tuy  nhiên, sau năm 1970, nền kinh tế kế hoạch bắt đầu bộc lộ những điểm yếu hệ thống không thể khắc phục và dẫn tới việc sụp đổ. Các nước Đông Âu phát triển theo hướng dân chủ đại nghị, thị trường tự do. Trung Quốc và Việt Nam thực hiện những cải cách theo hướng mở cửa, nới rộng sự tự do trong lĩnh vực kinh tế nhưng thiết lập các chính sách ổn định cao  về chính trị và xã hội.

    Ở hệ thống tư bản chủ nghĩa, cũng trong giai đoạn này, do nhu cầu khắc phục các nền kinh tế tư bản bị ảnh hưởng bởi cuộc Đại suy thoái (1930) và sự hoài nghi với lí thuyết tự điều chỉnh của thị trường, các tư tưởng kinh tế dựa trên quan điểm của John Maynard Keynes (1883-1946), với quan điểm để cao sự điều tiết của nhà nước thông qua gia tăng chi tiêu chính phủ, kích thích tổng cầu, nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp cao. Những quan điểm kinh tế của Keynes  có ảnh hưởng mạnh mẽ tới Anh quốc,  Mỹ, các nước Tây Âu và Bắc Âu trong suốt một  thời gian dài, góp phần cụ thể hóa tư tưởng về các nhà nước phúc lợi cho đến tận cuộc suy thoái kinh tế những thập niên 70, khi mà các lý thuyết của Keynes không giải quyết được hiện tượng thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại sảy ra đồng thời và các biện pháp đi theo tư tưởng của Keynes không giải quyết được tình trạng thất nghiệp và lạm phát cùng gia tăng.    

    Trong thời gian gần đây, hệ thống tư bản chủ nghĩa, kết hợp giữa dân chủ về chính trị với tự do về kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng chậm chạp và liên tiếp bị ảnh hưởng nặng nề trong các cuộc khùng hoảng ( 1997 và 2008). Trong khi đó, mô hình tự do về kinh tế đi kèm với những chinh sách duy trì sự ổn định cao về chính trị và xã hội của Trung Quốc lại có được một giai đoạn tăng trưởng dài và ấn tượng đặt ra nhiều thách thức về lý luận cho các nhà tư tưởng và các nhà kinh tế học về chủ nghĩa tự do.

    Trong phần tiếp theo, những khó khăn đó sẽ được phân tích thông qua tìm hiểu nội dung của Hai khái niệm về tự do cũng như xem xét sự khác biệt trong cơ sở lý luận và nguồn gốc thế giới quan của hai khái niệm đó.


    B. Hai khái niệm về tự do

    Trong triết học chính trị, Khái niệm “Tự do” là một trong những khái niệm quan trọng nhất, có vai trò trung tâm, liên tục được nghiên cứu và gây nên nhiều tranh luận.Các nhà tư tưởng đã đưa ra rất nhiều định nghĩa khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau về “Tự do”.

    Sự khó khăn trong việc xác định nội hàm Khái niệm “Tự do” với tư cách là một thuật ngữ mô tả mối tương quan giữa Chủ thể - Con người (cá nhân) với Khách thể -“các đối tượng khác” được thể hiện qua ba khía cạnh: 1) Sự đa dạng của các Khách thể và mối quan hệ giữa chúng: chính quyền, xã hội, nhóm (hội), các cá nhân khác, các khía cạnh khác nhau trong một con Con người (cá nhân)…; 2) Sự liên quan mật thiết giữa Khái niệm tự do với các khái niệm khác như : bình đẳng, dân chủ, hạnh phúc, chủ quyền…; 3) Các nhân tố có tính chất “môi trường” chi phối nội hàm của khái niệm như: truyền thống chính trị, đạo đức, luật pháp, tôn giáo, quan niệm xã hội, tập quán văn hóa, trình độ nhận thức  … thường xuyên có sự thay đổi theo thời gian, theo không gian (vùng, quốc gia, khu vực …) và theo từng nhóm đối tượng khác nhau.

    Trong bối cảnh chung đó, cách phân loại của Isaiah Berlin trong tiểu luận “Hai khái niệm về tự do” được nhiều học giả thừa nhận và sử dụng nhất. Isaiah Berlin (1909 -1997), sinh ra tại Riga – Latvia, phần lớn thời gian cuộc đời ông sinh sống tại Anh, nghiên cứu và giảng dạy Triết học tại Oxford, Tiểu luận “Hai khái niệm về tự do”được xây dựng dựa trên bài giảng  khi ông nhậm chức Giáo sư Chichele. Trong tiểu luận của mình, Berlin đã cho rằng, nội hàm của Khái niệm “tự do” đã được hiểu và xây dựng theo hai hướng chính (mà tác giả gọi là): Tự do phủ định (hay tự do tiêu cực) và Tự do khằng định (hay tự do tích cực).

    Thông qua cách phân loại của mình, Berlin đã khái quát hóa quá trình phát triển và phân tích sự khác biết giữa hai khái niệm về tự do; đồng thời, tạo ra nền tảng quan trọng cho nhận thức về “Tự do” trong Triết học chính trị cũng như ảnh hưởng của nó trên thực tế.

    1.  Khái niệm Tự do phủ định:

    Tự do Phủ định ( tự do tiêu cực hay tự do khỏi) nhấn mạnh vào khoảng không gian của các cá nhân, mà ở trong đó, họ thoát khỏi các cản trở và có thể làm bất cứ việc gì (hoặc là bất cứ thứ gì). Trong khái niệm này, sự đe dọa lớn nhất đối với tự do chính là sự can thiệp của các tác nhân khác nhau, dưới các hình thức khác nhau vào khoảng không gian đó. Các nhà tư tưởng hiểu và phát triển khái niệm tự do theo ý nghĩa Phủ định có thể khác biệt với nhau về giới hạn của khoảng không gian, về căn cứ hay nguyên nhân phải có khoảng không gian đó hay về những nhân tố đe dọa nó; nhưng, họ đều thống nhất với nhau ở một quan điểm: phải có khoảng không gian đó, phải vạch ra các “đường biên” và bảo vệ nó trước các nhân tố can thiệp. Khái niệm tự do phủ định được phát triển với nhiều nhà tư tưởng như Locke, Mill, Constant, Berlin, Hayek, Nozik … trong đó, tiêu biểu là hai nhà tư tưởng ở hai thời kỳ khác nhau John Locke (1632 -1704) và John Stuarl Mill (1806 -1873).

    Tư tưởng tự do của John Locke (1632 -1704) chủ yếu được đề cập trong tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền” ( Sách Khảo luận thứ hai về chính quyền, Lê Tuấn Huy dịch, NXB Tri Thức). Luận điểm về Tự do  của Locke được dựa trên quan điểm căn bản: con người được Chúa trời  tạo ra và duy nhất Ngài sở hữu con người.Trước Chúa, các ông vua chuyên chế cũng chỉ là một con người và các luận điểm cho rằng họ được cai trị con người do thừa kế cái quyền uy từ Chúa bị bác bỏ. Dựa trên luận điểm căn bản đó, thông qua quá trình khảo sát Tình trạng tự nhiên và phân tích Luật tự nhiên, Locke kết luận rằng, bản chất vốn có của con người là tự do.

    Locke đã xác định rằng, nhân tố chính đe dọa tự do của  con người (cá nhân) là nhà nước (chính quyền) chuyên chế và khẳng định rằng: Nhà nước phải đặt xếp sau cá nhân vì nó chỉ là kết quả của sự đồng thuận giữa các cá nhân (Chính quyền dân sự hình thành trên cơ sở khắc phục các bất tiện và khó khăn của Trạng thái tự nhiên). Con người, với tư cách là sản phẩm của Chúa, có đầy đủ phẩm chất để tự đưa ra các quyết định của riêng mình, chính vì vậy, quyền lực của nhà nước phải được kiểm soát, giới hạn và tuyệt nhiên không thể tùy tiện can thiệp vào cuộc sống của mỗi cá nhân. Sự hay đổi thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực chính trị, vì vậy, không phải e ngại sự thay đổi. Quyền sở hữu là đương nhiên và các tự do trong hoạt động kinh tế là quan trọng hơn sự bình đẳng.

    Tư tưởng và giải pháp của Locke phản ảnh sâu sắc bối cảnh kinh tế, chính trị và xã hội đầy biến chuyển của Châu Âu nói chung và nước Anh nói riêng. Cuộc đấu tranh quyền lực xã hội đã tác động tới cốt lõi của thể chế quân chủ chuyên chế. Giới quý tộc mới, được hình thành cùng với quá trình hình thành chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường, dần chiếm các vị trí của các quý tộc cũ trong Quốc hội, dẫn dễn xung đột ngày một trầm trọng giữa nhà vua chuyên chế và nghị viện. Các cuộc xung đột tôn giáo giữa những nguời Tin Lành và  người Công giáo đã dẫn nước Anh vào cuôc nội chiến. Kết quả của một loạt những  biến động đó là chiến thẳng của cuộc Cách mạng Vinh Quang  (1688), thiết lập nên nền Quân chủ lập hiến.

    Locke không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình chống lại nhà vua, thậm chí, có giai đoạn đã phải lưu vong trước những biến động của lịch sử. Một số nhà nghiên cứu cho rằng “Khảo luận thứ hai về chính quyền” với kết thúc bằng những nội dung về giải thể chính quyền chính là một trong những  dự trù cách mạng bằng phương pháp vũ trang nhằm lật đổ chế độ chuyên chế. Có thể nói, những tư tưởng của Locke, không chỉ ghi dấu ấn vào lịch sử nhân loài như là một bước tiến quan trọng trong quá trình nhận thức về các quyền của con người, mà còn trực tiếp tạo ra biến chuyển về mặt tư tưởng, chính trị và xã hội tại giai đoạn đương thời.

    Cũng xây dựng quan điểm về tự do theo ý nghĩa Phủ định, tuy nhiên, John Stuarl Mill (1806 -1873), căn cứ vào những luận điểm khác với Locke để giải thích nguồn gốc (hay nguyên nhân) của việc phải bảo vệ Quyền tự do của các cá nhân, cũng như xác định những mối đe doạ đối với nó.

    Mill đã đứng trên quan điểm của Thuyết công lợi để lý giải nguồn gốc (hay nguyên nhân) của việc phải bảo vệ Quyền tự do của các cá nhân; theo đó, quyền tự do của mỗi cá nhân đem lại lợi ích cho chính cá nhân đó cũng như toàn thể xã hội. Một khoảng không gian mà trong đó, các cá nhân có thể tự do hành động mà không phải chịu bất kỳ can thiệp nào, sẽ là điều kiện để  mỗi cá nhân phát huy hết những tiềm năng đa dạng của bản thân cũng như gia tăng dự đóng góp cho toàn xã hội. Khoảng không gian trên, theo Mill, chỉ có thể bị giới hạn để tránh xâm phạm vào (gây hại) khoảng không gian của người khác; ngoài giới hạn đó ra, sự can thiệp của các yếu tố khác ( nếu có), phần lớn là không cần thiết và mang lại những kết quả tiêu cực ( với chính cá nhân đó và với toàn thể xã hội )

    Dựa trên lý giải về nguồn gốc (hay nguyên nhân) của việc phải bảo vệ Quyền tự do, Mill đã đưa ra luận điểm cho rằng ngoài những “thiết chế chính trị”, còn một nguy cơ khác đe dọa tự do của các cá nhân là những “thiết chế xã hội” được xây dựng trên “những quan điểm và tình cảm đang thịnh hành”. Sự khắt ke của các giá trị đạo đức, quan niệm xã hội, thói quen suy nghĩ thông thường, theo Mill, còn bó buộc tự do của con người một cách sâu sắc và chặt chẽ hơn so với những bó buộc mà các thiêt chế chính trị gây ra. Bên cạnh đó,   những khó khăn trong việc xây dựng các giải pháp để  thoát khỏi các rằng buộc đó, khiến nó còn là mối đe dọa lớn hơn đối với tự do cá nhân.

    Chính vì vậy, trọng tâm trong các luận điểm về Tự do của Mill là vạch ra các giới hạn để bảo vệ các nhân trước mối đe dọa đó. Trong luận văn Bàn về tự do, thông qua phân tích các dẫn chứng trong lịch sử, Kinh Thánh và xã hội đương thời, Mill đã chỉ ra những hậu quả tai hại khi những mối nguy cơ trên khóa chặt tự do cá nhân. Đồng thời, tác giả đã  bảo vệ  các nội dung (nội hàm) trong quyền tự do, đó là quyền tự do tư tưởng, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do tranh luận và bày tỏ ý kiến.

    Quan điểm bảo vệ tự do cá nhân của Mill có tính chất vượt thời đại, trong số đó có những quan điểm còn ảnh hưởng tới thời đại ngày nay hơn con hơn giai đoạn mà Mill  còn sống. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ngoài ảnh hưởng của Thuyết công lợi mà Mill là một trong hai người phát biểu chính, những quan điểm trên được hình thành từ chính trải nghiệm của bản thân khi tiếp thu trực nền giáo dục từ ngươi cha nghiêm khắc, có thể nói là phản ánh các đặc trưng khắt khe của các thiết chế xã hội thời kỳ đó . Mill đã được dạy để trở thành một quý ông trí thức, nhân ái và tài ba – chuẩn mực con người của thời kỳ đó, và sự thực ông là một người như vậy trong suốt cuộc đời của mình. Tuy nhiên, trong giai đoạn suy sụp ở tuổi 20 ( mà được nhiều nhà lịch sử tư tưởng ghi nhận như một huyền thoại), ông đã tự hỏi mình rằng những cải cách mà ông và cha ông tin tưởng thành hiện thực và ông đã kinh ngạc khi câu trả lời là “Không”.

    Hầu hết trong sự nghiệp chính trị của mình, Mill đã luân đứng về phía “cấp tiến” trong những cuộc đấu tranh gay gắt nhất trong thời đại của ông: ông ủng hộ cho cho các quyền bình đẳng giới, chống lại chế độ quý tộc, đứng về phe miền Bắc trong nội chiến Mỹ và tham gia xây dựng các đạo luật Cải Cách. Tương tự như Locke, Mill không chỉ đơn thuần là một nhà tư tưởng, ông còn là một chính trị gia, một nhà cải cách xã hội.

    Từ quan điểm của Locke tới quan điểm của Mill là một hành trình thể hiện bước tiến về nhận thức của con người về Quyền tự do theo cách hiểu Phủ định. Đồng thời, cũng thể hiện sự biến đổi về chính trị, văn hóa và xã hội giữa hai thời kỳ.

    Ở phương diện kinh tế, những tư tưởng tự do đó đã được các nhà Kinh tế học cổ điển ( Adam Smith, David Ricardo, Mill …) cụ thể hóa, mà tiêu biểu là Lý thuyết bàn tay vô hình đề cao sự tự điều thiết của thị trường thông qua cạnh tranh và hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh tế.  Những lý thuyết trên là sự khai thông về tư tưởng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, sự phát triển của thể chế thị trường và khoa học kỹ thuật. Những thành tựu kinh tế đạt được trong thời kỳ này là vô cùng ấn tượng và chưa từng có trong lịch sử loài người.

    Tuy nhiên, chính trong quá trình phát triển, những vấn đề chính trị xã hội nảy sinh như: sự bất công, bất bình đẳng, bóc lột, môi trường, chiến tranh, chủ nghĩa thực dân… đặt ra những thách thức không dễ lý giải và giải quyết. Con người (cá nhân) trong giai đoạn đó, có thể có tương đối đầy đủ các quyền cơ bản, nhưng gặp phải những rào cản khách quan mà mình bản thân họ hầu như không thể vượt qua được.

    Một số nhà tư tưởng cho rằng, trong những điều kiện kinh tế, chính trị xã hội mới,  quan niệm về tự do theo ý nghĩa phủ định là quá  “chật hẹp” và họ đã xây dựng nội hàm của khái niệm theo một hướng khác, nhấn mạnh vào sự tự làm chủ bản thân và những mục đích mà tự do hướng tới: Khái niệm tự do khẳng định.

    2.   Khái niệm Tự do khẳng định

    Tự do khẳng định ( tự do tích cực hay tự do để) nhấn mạnh vào việc các cá nhân tự làm chủ bản thân , nhấn mạnh mà mục đích mà tự do (khẳng định) hướng tới. Tiêu biểu cho quan điểm này là Rousseau, Marx, Rawl, Green … Trong khái niệm này, nguy cơ lớn nhất đối với tự do là việc các cá nhân không được tiếp cận một cách công bằng, bình đẳng với các nguồn lực hoặc cơ hội, và do đó, không phát huy hết tiềm năng của mình.

    Jean – Jacques Rousseau (1712 -1778), trong tác phẩm “Kế ước xã hội”, đã mở đầu bằng câu nói nổi tiếng “Con người sinh ra là tự do, nhưng ở đâu họ cũng bị xiềng xích”. Cụ thể hơn, trong một số tác phẩm khác, Rouseau cho rằng, bàn chất tự nhiên của con người là tự do, tuy nhiên, qua quá trình phát triển của lịch sử, bản chất tự nhiên đó đã bị “sói mòn” bởi rất nhiều nhân tố khác nhau như sự vị kỷ cá nhân, gia đình, xã hội, chính quyền, sự bất bình đẳng trong giàu ngèo hay sự khác biệt về nhận thức. Tiền đề đó, chính là cơ sở để Rousseau xây dựng các quan điểm tự do theo ý nghĩa khẳng định.  

    Ở trong mỗi cá nhân, Rousseau cho rằng nhân tố chính đang “sói mòn” sự tự do của mỗi cá nhân là những động cơ vị kỷ, chính những động cơ đó thúc đẩy con người có xu hướng cố gắng thỏa mãn các nhu cầu tư lợi. Khi đi theo yêu cầu bởi những tác động phi lý tính đó, các cá nhân đang bị điều khiển tức là đang bị mất tự do. Các cá nhân chỉ có thể thực sự có được tự do khi kiềm chế cái vị kỷ trong mỗi con người để tuân theo những quy luật của đạo đức hay những mệnh lệnh của lý trí để tự làm chủ bản thân

    Trên bình diện xã hội,  các cá nhân liên kết với nhau và tạo thành xã hội thông qua Kế ước xã hội, Rousseau thường xuyên nhấn mạnh rằng, một luật như vậy là thứ các công dân tạo ra và áp đặt lên chính họ trên khuân khổ các thể chế chính trị mà họ tham dự. Đi xa hơn với luận điểm trên, Rousseau cho rằng: nếu một cá nhân, sau khi đã tham dự vào thể chế đó, mà vẫn không cảm thấy tự do, thì có nghĩa là cá nhân đó đang chìm trong tình trạng nô lệ thực sự. Trong hoàn cảnh như vậy, Rousseau kết luận, trong hoản cảnh đó, hoàn toàn hợp lý khi buộc cá nhân, nhưng người chống lại xã hội đó,  “phải tự do.”

    Quan điểm về tự do theo hướng tích cực của Rousseau thường xuyên bị chỉ trích tại 03 điểm: 1) Tương tự như Locke, Roussau cũng cho rằng bản chất con người sinh ra là tự do, tuy nhiên, lại đặt con người (cá nhân)  phía sau nhà nước hoặc xã hội, mặc dù, đó là thứ các cá nhân tạo thành khi liên kết với nhau; 2) Rousseau đề cao sự tự làm chủ bản thân bằng việc tuân theo mệnh lệnh của lý trí, điều này cũng có nét tương đồng với Locke khi cho rằng con người là duy lý; tuy nhiên, khi Locke cho răng con người là duy lý nên hoàn toàn có đủ năng lực để hành động theo quan điểm của bản thân thì Rousseau lại đồng nhất lý tính của từng cá nhân với ý chí chung của toàn xã hội và bắt từng cá nhân phải tuân theo nó; 3) Với lý do đem tự do “thực sự” tới từng cá nhân, Rousseau khuyến khích sự cưỡng bức của xã hội và chính quyền đôi với con người.

    Nếu nhìn từ phía quan điểm tự do phủ định, thì rõ ràng, Roussau đã tạo ra những tiền để lý luận thúc đẩy các nhân tố như xã hội và chính quyền “xâm phạm” vào khoảng không gian riêng của từng cá nhân mà các nhà tư tưởng tin vào khái niệm tự do theo ý nghĩa phủ định ra sức bảo vệ.

    Karl Marx (1818-1883), trên cơ sở kế thừa phép biện chứng của Hegel, thể giới quan duy vật của Feuerbach và quan điểm Duy vật lịch sử do chính mình xây dựng và phát triển, Marx cho rằng, nguyên nhân gây nên sự áp bức bóc lột (hay nói cách khác là sự mất tự do của mỗi cá nhân, của mỗi giai cấp và toàn thể xã hội) là do bản chất tư hữu của con người.  Chính vì vậy, theo Marx, chỉ có thể có được tự do cho mỗi cá nhân, cho giai cấp và cho toàn thể loài người thông qua cuộc cách mạng vô sản, xóa bỏ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

    Theo Marx, toàn bộ lịch sử loài người là các cuộc đấu tranh giai cấp, trong chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, dù bề ngoài có được các quyền tự do nhất định về chính trị và xã hội, nhưng về bản chất là đang bị cai trị và bóc lột bởi giai cấp tư sản. Trong điều kiện đó, giai cấp vô sản bị kìm chặt bởi các luật lệ do nhà nước trong tay  giai cấp tư sản, bị bần cung hóa, bị tha hóa và tất yếu phải thực hiện cuộc cách mạng giai cấp. Những con người vô sản, chỉ có thể được tự do, thông qua quá trình giác ngộ lý tưởng cách mạng và được dẫn dắt bởi những chiến sĩ cộng sản để thực hiện cuộc cách mạng đó.

    Marx cho rằng, trong chế độ cộng sản, khi mà không còn tư hữu, không còn sự phân biệt giai cấp, những cá nhân trong chế độ đó là hoàn toàn tự do để phát triển toàn diện các khả năng của mình. Chính vì vậy, sau khi giánh được chính quyền, giai cấp vô sản phải thiết lập một cách toàn diện chế độ công hữu về phương tiện sản suất, về phương tiện giao thông, về tiền tệ tài chính và thậm chí là xóa bỏ quyền thừa  kế.

    Những người chịu ảnh hưởng của Marx, như Lennin, Stalin hay Mao Trạch Động, trong quá trình xây dựng nhà nước (chính quyền) coi giai đoạn xã hội chủ nghĩa là giai đoạn quá độ lên chế độ cộng sản, do đó, tập trung vào sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Đồng thời, thiết lập chế độ kinh tế với sự tập trung và kế hoạch hóa cao độ, phủ nhận sự tồn tại của thị trường. Trong chính trị, văn hóa và xã hội, nhà nước cũng duy trì sự kiểm soát chặt chẽ để định hướng quá trình nhận thức của các công dân ,tạo ra những công dân xã hội chủ nghĩa, tiến lên giai đoạn cộng sản và có được trạng thái tự do theo quan điểm của Marx

    Trong khi đó, T . H. Green (1836-1882), ủng hộ sự can thiệp của nhà nước và đưa ra những cách diễn giải khác về tự do. Green ủng hộ vai trò của nhà nước trong nhiệm vụ thực thi các điều tiết kinh tế xã hội. Tự do, theo cách hiểu của Green, chính là những mục đích mà chính quyền đang theo đuổi.

    Green cho rằng nếu chỉ đơn giản định nghĩa tự do là thoát khỏi các rằng buộc thì quá hạn hẹp. Ví dụ kinh điển nhất là việc một con người hoàn toàn tự do, nhưng nhưng không có đủ năng lực  trong hiện tại  (thể chất và tinh thần) hoặc đang bị hạn chế bởi hoàn cảnh khách quan; trong hoàn cảnh đó, một mình cá nhân đó không đủ năng lực để thoát ra khỏi các khó khăn và phát huy hết các tiềm năng của mình. Theo quan điểm của Mill và Locke, thì con người đó rõ ràng là hội tu đầy đủ các yếu tố của tự do, nhưng trên thực tế “cái con người đang bị đứng trước nguy cơ mất đi cơ hội phát huy các tiềm năng của bản thân mình” có thực sự đang tự do hay không ?

    Theo các luận điểm của Green ( và cũng dễ được chấp nhận trên thực tế) thì rõ ràng nguy cơ  trên là có thật và mang tính phổ biến; như vậy, phần lớn các cá nhân đang hội tụ đầy đủ các yếu tố của khái niệm tự do phủ định thực ra lại là những con người đang mất đi tư do mà họ nên được hưởng. Nhìn từ phía xã hội, thì việc một cá nhân không được tiếp cận các nguồn lực, tài sản hoặc cơ hội nhằm phát huy hết tiềm năng của cá nhân đó cũng đồng nghĩa với một thiệt hại to lớn.

    Từ những giải pháp mà Green đưa ra, có thể thấy rẳng, Green tin tưởng một cách sâu sắc  vào các  nhà nước hiện đại với sự điều tiết khoa học có thể  cùng đạt được các mục tiêu tưởng như là xung khắc với nhau: đạt được sự thịnh vượng của cả xã hội, đạt được sự bình đẳng và thúc đẩy tự do cho từng cá nhân.

    3.  Cái bẫy toàn trị đối với Khái niệm tự do Khẳng định

    Trong luận văn của mình Berlin đã chỉ ra rằng, những quan điểm tự do theo ý nghĩa Khẳng định sẽ luôn phải đi trên một ranh rới mong manh và có thể bị rơi vào cái “bẫy toàn trị” bất kỳ lúc nào. Khi đó, khái niệm tự do khẳng định sẽ cản trở và xâm phạm sâu sắc vào khoảng không gian của khái niệm tự do phủ định.

    Hiểu tự do theo ý nghĩa khẳng định, khi đặt vào từng cá nhân sẽ mang ý nghĩa tự làm chủ bản thân thông  qua việc tuân theo các mệnh lệnh của lý trí để phủ nhận các khát vọng “thấp hèn”, “ dục vong” bị thúc đẩy bởi phần “phi-lý trí” trong mỗi con người. Tôi làm chủ bản thân tôi, như vậy là tôi tự do. Điều đó có thể đúng với từng cá nhân, ở một phương diện nào đó, nó còn thúc đẩy tính liêm khiết, chính trực và sự tự khẳng định mình. Tuy nhiên, sẽ trở nên nguy hiểm nếu áp dụng điều đó với những quy mô lớn hơn.

    Bản thân những “con người lý trí” hẳn sẽ là những con người tuân theo sự lô-gich và khách quan, chính vì vậy, nếu một ai đó chứng mình rằng “cái lý trí” của người đó đúng đẳn hơn cái lý trí của “tôi”, thì bản thân “tôi” sẽ vui vẻ tuân theo và tự nguyện đồng nhất cái lý trí của tôi với cái lý trí của người đó.  Nếu thúc đẩy lô – gich đó lên bình diện toàn xã hội, thì một lý trí nào đó đúng đắn nhất, hẳn sẽ trở thành lý trí chung cho toàn thể xã hội. Và bởi vì, nó là lý trí đúng đắn nhất, nên nó sẽ tốt cho tất cả các thành viên trong xã hội. Nếu có một thành viên nào đó trong xã hội không chấp nhận cái ý chí chung đó, hẳn là tôi, con người lý trí, phải thực hiện các biện pháp giáo huấn, phê bình, trừng phạt để gò ép cá nhân đó có được “điều tốt đẹp” nhất.

    Như vậy, có thể thấy rằng, ở đây đã có một sự suy diễn rất nguy hiểm, mà trong đó, sự cưỡng ép đã được bao bọc bởi một mụch đích hết sức cao thượng và tốt đẹp là đem lại tự do cho cá nhân đó. Phép suy diễn đó đã tạo ra lời biện hộ hoàn hảo cho việc xâm phạm vào tự do của mỗi cá nhân, nếu như nó đang được hiểu theo nghĩa phủ định. 

    4)  Những khó khăn đối với Khái niệm tự do Phủ định

    Trong khi Khái niệm tự do Khẳng định luôn phải đối mặt với “cái bẫy toàn trị” thì Khái niệm tự do Phủ định cũng gặp phải những khó khăn của riêng mình.

    Khái niệm tự do Phủ định, với cái ý nghĩa là khoảng không gian không bị xâm phạm của các cá nhân rõ ràng là an toàn hơn đối với cái bẫy toàn trị, tuy nhiên, không phải vì thế mà nó hoàn hảo. Những khó khăn đối với khái niệm tự do Phủ định có thể khái quát ở ba điểm chính: 1) Sự khó khăn trong việc xác định chính xác khoảng không gian đó; 2) Sự khó khăn trong việc các cá nhân trong xã hội có đầy đủ phẩm chất để thực hiện; 3) Sự dễ dàng bị ảnh hưởng (hi sinh) trong những tình huống cụ thể

    Sự khó khăn trong việc xác định những đường biên tạo nên khoảng không gian tự do của mỗi cá nhân là rất rõ ràng. Vì nó bị chi phối một cách rất sâu sắc bới các nhân tố “môi trường” có tính khách quan như:  thống chính trị, đạo đức, luật pháp, tôn giáo, quan niệm xã hội, tập quán văn hóa, trình độ nhận thức … Ngay cả trong giới hạn mà Mill đã vạch ra một cách rất ngắn gọn, là những hành động không gây tổn hại đến sự tự do của cá nhân khác, thì việc xác định cũng không vì thế mà trở nên dễ dàng hơn, vì hầu hết các hành động của mối cá nhân, đều ít nhiều gây nên sự tổn hại đến các cá nhân khác. Nếu càng cố gắng làm rõ các đường biên, thì đôi khi phải đối mặt với nguy cơ làm hẹp chính khoảng không gian đó lại và đến một lúc nào đó khiến nó trở nên vô nghĩa vì quá nhỏ bé. Tuy nhiện, nếu đẩy các đường biên đi quá xa, nó lại tao ra nguy cơ hỗn loạn và sự phân hóa sâu sắc về mặt kinh tế, chính trị và xã hội.

    Sự khó khăn thứ hai là ở việc thực Hành khái niệm tự do theo nghĩa Phủ định đòi hỏi sự tự giác cao độ và trình độ nhận thức nhất định của những thành viên trong xã hội. Bời vì sự khó khăn trong việc xác định cụ thể các đường biên trong khoảng không gian, nên các cá nhân phải thường xuyên thận trọng và xem lại mình để không xâm phạm vào khoảng không gian của các cá nhan khác. Ở đây vấn đề lớn nhất ở đây, dường như không phải là ở chỗ các cá nhân có tự ý thức hay nhận biết được tầm quan trọng của nó hay không, mà ở chỗ có đủ khả năng nhận thức và tạo lập những thói quen văn minh để bảo vệ khoảng không gian của mình và tôn trọng người khác. Có lẽ vì khó khăn thứ hai này, mà khái niệm tự do phủ định mới chỉ thực sự hiện diện ở một số khu vực nhất định chứ chưa thể thực sự được áp dụng phổ quát.

    Và cuối cùng, nếu đặt trong những tình huống cụ thể, thì dường như các chủ thể thường dễ dàng chấp nhận hi sinh sự tự do theo ý nghĩa phủ định để có được những khái niệm khác, cấp bách hơn. Điều này đúng với chủ thể là cá nhân, nhưng cũng đúng khi áp dụng với các chủ thể khác như một nhóm, một xã hội hay một dân tộc. Các khái niệm khác ở đây, đối với một cá nhân có thể là : danh phận, sự ổn định, hạnh phúc; đối với một dân tộc có thể là: sự phát triển, tính độc lập hay sự đoàn kết.

    Những khó khăn mà khái niệm tự do Phủ định phải đối mặt, phản ánh sự khó khăn của quá trình để Quyền tự do lựa chọn trở thành một giá trị thực sự, mang tính phổ quát cho toàn thể nhân loài.

    5.  Hợp nhất hai khái niệm tự do ?

    Các nhà tư tưởng hiện đại, trong quá trình nghiên cứu Hai khái niệm về tự do đã đặt ra vấn đề: sự phân chia này có thực sự cần thiết hay không? hay có thể hợp nhất hai khái niệm hay không?

    Đây không phải là điều phi thực tế hay viển vông, vì nếu hiểu theo nghĩa nào đó, quan điểm của các nhà tư tưởng của cả phía tự do khẳng định lẫn tự do phủ định đã có những quan điểm tiến lại rất gần nhau: như trong trường hợp của Mill, việc đưa ra quan điểm cho rằng các cá nhân, muốn thể có được tự do phải có quá trình tu dưỡng nhằm có được một trinh độ nhất định, để tự xác định các đường biên của mình cũng như tránh không xâm phạm vào khoảng không gian của của người khác. Hay như trường hợp của Green, “việc thực hiện các biện pháp điều tiết kinh tế xã hội “ nếu hiểu theo nghĩa nào đó thì mức độ “can thiệp” đã bớt đi rất nhiều so với quan điểm “ buộc những cá nhân khác phải tự do” của Rousaeu.

    Thậm chí, Gerald MacCallum, năm 1967, trong một nỗ lực thực hiện điều đó, đã đưa ra công thức : X (chủ thể) tự do khỏi Y ( nhân tố cản trở) để thực thi hoặc để trở thành Z (mục tiêu). Công thức MacCallum là một nỗ lực hữu ích để các nhà nghiên cứu có thể khái thác các khía cạnh khác nhau của Tự do, hiện nay, các nhà ngiên cứu vẫn tiếp tục tranh luận về nhân tố Y trong công thức.

    Tuy nhiên, phải nhận thức vấn đề ở đây không nằm ở phương pháp, sư khác biệt trong nội hàm của Hai khái niệm về tự do không chỉ đơn giản là hai mặt của đồng xu  hay là cách nói phủ định và khẳng định của một chủ đề. Vấn đề ở đây là sự khác biệt sâu sắc của hai thái độ khi nhận thức về cuộc sống cũng như bản chất của con người: nhất nguyên hay đa nguyên.

    C.  Nhất nguyên và đa nguyên; bản chất con người và tự do lựa chọn

    1.  Nhất nguyên và đa nguyên

    Thuyết nhất nguyên, hay nhất nguyên luận là quan niệm, tư tưởng hoặc triết lý cho rằng tất cả thế giới đều thuộc về một bản chấtnguyên lýgiá trị, chất hay năng lượng, tất cả đều có một khởi nguyên. Khởi nguyên này có thể là khởi nguyên vật chất hoặc khởi nguyên tinh thần. Chính vì quan điểm trên, các học giả dựa trên nhất nguyên luận để phân tích sự vật và hiện tượng thường quy chúng về một giá trị, một tư tưởng đồng nhất, phổ quát chung.

    Thuyết đa nguyên, hay đa nguyên luận là quan niệm, tư tưởng hoặc triết lý cho rằng, thế giới có nhiều bản chất khách nhau, có nhiều nguồn gốc khác nhau, có thể độc lập hoặc phụ thuộc lẫn nhau. Chính vì thế, đối với một sự vật hiện tượng, có thể có thể có nhiều nguồn gốc khác nhau nên có thể lý giải theo nhiều cách khác nhau.

    Có thể dễ dàng nhận ra, cách hiểu Tự do theo nghĩa Khẳng định có nền tảng phương pháp luận dựa trên quan điểm nhất nguyên. Các nhà tư tưởng xây dựng quan điểm tự do Khẳng định, đều thống nhất với nhau ở một điểm: có một chuẩn mực chung cho  “tự do”, sự “tự do”của mỗi cá nhân phải đồng nhất với “tự do” của toàn thể xã hội. Những cá nhân chưa nhận thức được cái “tự do thực sự” mà xã hội đã quy định, phải được xã hội điều chỉnh lại theo nhận thức chung đó.

    Tương tự như vậy, chúng ta cũng có thể nhận ra quan điểm đa nguyên trong những luận điểm của  các nhà tư tưởng bảo vệ Khái niệm tự do phủ định. Locke và Mill đều bảo vệ các quyền của cá nhân và vạch ra các giới hạn đối với các tác nhân can thiệp vào khoảng không gian riêng. Những quan điểm cho rằng, mỗi cá nhân có toàn quyền tự do hành động trong khoảng không gian đó hay việc Mill khẳng định việc bảo vệ sự khác biệt, sự đa dạng của mỗi cá nhân đem lại lơi ích không chỉ cho mình cá nhân mà còn gia tăng tổng lợi ích của của toàn xã hội đều có thể hiểu là phản ánh của thái độ đa nguyên về cuộc sống và con người. 

    Tương tự như hai khái niệm về tự do, hai thái độ hay hai quan điểm đó, đều hướng tới mục đích là giải thích thế giới, đem lại tự do cho từng cá nhân và toàn thể loài người; nhưng sự khác biệt đã dẫn dắt chúng đi quá xa, và hiện tại những khác biệt rõ ràng là không chỉ nằm ở phương diện lý luận, tư tưởng hay ý thực hệ. Trên thực tế, lịch sử nhân loài đã không ít lần chứng kiến những va chạm gay gắt thậm chí là xung đột mãnh liệt của những cá nhân, tổ chức, quốc gia, liên minh hay những nền văn hóa, khi chúng thực thi những phương pháp khác nhau để hướng tới tự do.Có một điều nghịch lý đã xảy ra là, đôi khi chính trong những va chạm hay xung đột đó, con người và tự do lại bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.

    2.  Bản chất con người và tự do lựa chọn

    Việc đưa ra hai khái niệm về tự do chỉ là “bề nổi của tảng băng”. Thông qua luận văn, đóng góp lớn nhất của Berlin cho Tự do và cho lịch sử loài người là đã thúc đẩy những con người đang loay hoay với Tự do đi đến được với cái gốc của vấn đề, đấy chính là cách nhận thức nhất nguyên hay đa nguyên về bản chất con  người.

    Có rất nhiều lý lẽ để các nhà nhất nguyên luận sử dụng để tấn công quan điểm đa nguyên, ví dụ như: thế giới phải hoạt động theo quy luật,  nếu không thế giới đã trở nên hỗn loạn và không thể tồn tại được; những quy luật đó nằm trong chính sự đa dạng của thể giới và quan điểm nhất nguyên không hề phủ định khoảng không gian riêng của từng cá nhân mà chỉ tìm cách dung hợp các khoảng không gian đó; hay đã có nhiều quy luật để mô tả lại thế giới, nhất là trong những lịch vực tự nhiên hay vật lý.

    Tuy nhiên, những luận điểm đó không giúp những nhà nhất nguyên luận hay những nhà tư tưởng hiểu Tự do theo nghĩa phủ định tránh xa được cái bẫy toàn trị nguy hiểm và chính bản thân những luận điểm đó cũng có những khó khăn không thể tránh khỏi.  Thế giới có thể hoạt động theo những quy luật nào đó, nhưng cái con người (các nhà khoa học, các nhà tư tưởng) tìm ra không phải và sẽ không bao giờ thực sự là những quy luật đó, cái con người tìm ra chính là những cách mô phỏng gần đúng nhất có thể của những quy luật đó, và cách mô phỏng đó sẽ còn được thừa nhận là đúng đến khi có những giải pháp phù hợp hơn. Điển hình nhất là việc một số quy luật vật lý đã được thừa nhận là những quy luật phổ quát cho đến khi  nhân loài phát hiện ra những hiện tượng mà các quy luật đó không còn có thể lý giải nổi, và các nhà khoa học lại phát hiện ra các quy luật khác, tổng quát hơn để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đó.

    Trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa và xã hội, vì những đặc điểm riêng của nó, vì mối tương quan giữ cái riêng,  cái đơn nhất (cá nhân) và cái chung (xã hội), các “quy luật” lại càng trở nên mong manh hơn. Các nhà tư tưởng, nếu cứ giữ mãi lập trường nhất nguyên; tức là tin rằng có thể hợp nhất mọi giá trị của tất cả các cá nhân để đi đến những chân lý phổ quát phù hợp với mọi thành viên chứa trong nó; thì sẽ dẫn đến một cái tất yếu là các giá trị mà họ tìm được (nếu có thể tìm được) cũng sẽ trở nên không tưởng để thực thi.

    Khát vọng làm chủ bản thân, thông qua đó làm chủ thế giới và gắn kết nó với tự do là một trong những khát vọng lâu đời và lớn lao nhất của loài người. Khát vọng đó, cũng như phương pháp luận nhất nguyên, tại những thời điểm cụ thể, có thể chấp nhận được vì nó tạo ra sức mạnh lớn lao để giải quyết những vấn đề cấp bách của từng cá nhân, của từng dân tộc và của toàn thể nhân loài. Nhưng tuyệt đối hóa khát vọng đó, coi nó là toàn bộ nguyện vọng của loài người, trong toàn bộ tiến trình lịch sử, khiến khoảng không gian tối thiểu của từng cá nhân bị đe dọa, thậm chí là xóa bỏ, thì ngược lại, là kéo ngược bánh xe lịch sử và đồng thời, phủ định bản chất thực sự của con người.

    Ở một khía cạnh khác, các lý tưởng hay các học thuyết có thể tuyệt đối hóa, vì về bản chất, đó là những phương pháp tổng quát cho các vấn đề cơ bản được xây dựng trên những phép đơn giản hóa, giả định và khái quát cao độ, điều đó tạo nên những thái cực cho sự lựa chọn. Một giải pháp tốt, luôn phải đứng ở đâu đó giữa hai thái cực, đứng quá lâu và quá gần ở một thái cực, khi mà những điều kiện khách quan và chủ quan tương ứng đã mất đi từ lâu, là một điều vô cùng nguy hiểm đối với sự phát triển của từng cá nhân lẫn toàn thể xã hội.  Các giải pháp chính trị hay cụ thể hơn là những chính sách tương ứng phải luôn thực tế và ít nhất là theo kịp với nhịp bước của xã hội nếu không, chính nó lại trở thành vật cản đối với sự phát triển.

    Berlin đã tiến những bước tiến dài khi nhận ra rằng: vấn đề chỉ có thể được giải quyết khi nhận thức bản chất của con người là đa dạng chứ không phải là nhất quán. Con người có nhiều mục đích chứ không chỉ có một mục đích và điều đương nhiên là  không phải tất cả các mục đích đều có thể tương thích được với nhau, chính vì vậy, những xung đột và bi kịch luôn là một phần của lịch sử loài người. Sự thực rằng loài người không thể có được tất cả mọi thứ là chân lý tất yếu chứ không phải là ngẫu nhiên.

    Không phải vô cớ mà Berlin tin tưởng vào khái niệm tự do phủ định hơn, trong khái niệm tự do phủ định, lý tính được mô tả như một phần của con người chứ không nắm toàn quyền chi phối con người. Những khái niệm về khoảng không gian hay ranh giới của tự do dù sao đi chăng nữa cũng đang thừa nhận cá tính của mỗi cá nhân, giúp tránh xa cái bấy toàn trị, thông qua đó, thừa nhận bản chất đa dạng của loài người.

    Cách hiểu theo lập trường đa nguyên về bản chất con người sẽ là phương thức nhân bản và hiệu quả hơn để dẫn dắt loài người tiệm cận với tự do. Ở thời điểm hiện tại, hơn bao giờ hết, các giải pháp chính trị và các chính sách kinh tế, văn hóa xã hội tương ứng, phải dịch chuyển về phía Tự do phủ định một cách nhanh chóng và rõ ràng hơn.

    Hà nội, ngày 22 tháng 10 năm 2015


    Tài liệu tham khảo: Sách và giáo trình
    1. Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự, John Locke, Lê Tuấn Huy dịch, NXB Tri Thức.
    2. Bốn tiểu luận về tự do, Isaiah Berlin, Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Trí Thức
    3. Bàn về tự do, Jonh Stuarl Mill, Nguyễn Văn Trọng dịch, NXB Trí Thức
    4. Khế ước xã hội, Jean Jacques Rousseau, Dương Văn Hóa dịch, NXB Thế Giới
    5. Con người & Tư tưởng  Phương Tây, Nguyễn Kiên trường dịch, NXB Từ điển Bách Khoa.
    6. Giáo trình triết học Mác – Lenin, Bộ giáo dục và đào tạo, NXB Chính trị Quốc Gia.
    7. Modern Political Thinkers and Ideas: An Historical Introduction, Tudor Jones
    8. Những ghi chép về quyền tự do lựa chọn, Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức

    Tài liệu tham khảo từ Internet:
    1.http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/07/chu-nghia-tu-do.html
    2.http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/06/chu-nghia-tu-do-liberalism-p2.html
    3.http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/07/lich-su-phat-trien-cua-khai-niem-tu-do_3.html
    4.http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/07/su-bao-ve-cua-mill-oi-voi-tu-do-ca-nhan.html
    5.http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/08/tu-do-cua-moi-nguoi-la-ieu-kien-am-bao.html
    6.http://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2015/07/cac-khai-niem-chinh-cua-chu-nghia-tu-do.html


     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org