Tinsley Yarbrough*
“Tôi mơ thấy một ngày kia bốn đứa con
của tôi sẽ được sống trong một quốc gia tại đó chúng sẽ không bị đánh giá căn cứ
trên màu da mà theo tư cách con người của chúng”**
(Martin Luther King, Jr.*)
Các nhà soạn thảo hiến pháp Hoa Kỳ để cho thế hệ sau giải
quyết vấn đề nô lệ. Cuộc nội chiến và thời kỳ tái thiết chỉ đem lại sự giải
thoát nhất thời cho những người trước kia là nô lệ và con cháu của họ. Tuy
nhiên, vào khoảng giữa những năm 1950, Toà Tối cao Mỹ đã xét rất kỹ các luật kỳ
thị trên căn bản nòi giống, màu da hay nguồn gốc chủng tộc và ngăn cấm hầu hết
mọi hình thức kỳ thị chủng tộc của chính quyền.
Quốc hội cũng bắt đầu đặt ra ngoài
vòng pháp luật những kỳ thị trong việc đi bầu, việc làm, nhà ở của chính phủ
cũng như tư nhân và trong các chương trình của liên bang. Về sau, Tòa Thượng thẩm
cũng xét kỹ lại các luật về phương diện kỳ thị theo giới tính. Còn Quốc hội thì
không những hủy bỏ kỳ thị theo giới tính trong nhiều lĩnh vực mà còn cấm đối xử
không công bằng đối với những người khuyết tật.
Các cuộc tranh luận trên khái niệm về
công bằng mở rộng đã tạo ra những giai đoạn đau thương nhưng cũng sâu xa nhất
trong lịch sử Hoa Kỳ. Ngoại trừ tại các xã hội thật là thuần nhất, việc đối xử
công bằng với thành phần thiểu số là một vấn đề cơ bản nhất và cũng là điều bận
tâm nhất trong nước. Một xã hội không thể nào vừa đối xử với mọi người y hệt
như nhau trong khi vừa hoàn tất được tất cả các chức năng chính đáng của nó.
Các chính quyền thường bắt buộc phải đặt ra những giới hạn trong luật, chia hay
phân loại mọi người ra thành từng nhóm khác nhau rồi ưu đãi thành viên của một
nhóm này hơn thành viên của nhóm kia không nhiều thì ít. Thuế suất thay đổi
theo mức thu nhập và tuổi tối thiểu để được đi bầu hay lái xe là những thí dụ
cho những quy định như vậy. Chừng nào mà các quy định đó còn đáp ứng được những
lợi ích quan trọng và hợp pháp của xã hội thì sự phân loại đó còn được coi là hợp
lý và người dân phải tuân theo.
Ngược lại, các chính sách phân biệt
thành phần trên cơ sở chủng tộc, nguồn gốc dân tộc, lai lịch sắc dân, giới
tính, tín ngưỡng hay các yếu tố liên hệ thì từ cơ bản không thích hợp với các mục
đích của chính quyền mà người dân có suy xét cho là chính đáng. Khi chính quyền
không ưu đãi một thành phần này bằng các thành phần khác dựa trên các đặc tính
bẩm sinh hay các yếu tố khác hầu như không có liên hệ gì tới điều lợi mà họ được
nhận hay gánh nặng mà họ phải chịu thì người ta có thể nghĩ rằng viên chức thi hành
công việc đó làm việc chỉ vì thành kiến hay định kiến về giá trị hay cách hành
động của một người, chứ không phải đang thực thi một mục đích hợp pháp nào của
xã hội.
Tuy nhiên, ngoài những nguyên tắc này
ra thì mức độ mà việc chia xã hội thành từng thành phần khác nhau có bị coi là
bất công và đáng phê phán lại tùy thuộc phần lớn vào thái độ thịnh hành của xã
hội. Khi các nhóm đối tượng là một thành phần thiểu số trong xã hội, có những đặc
trưng bề ngoài hay lối sống đặc biệt mà những người khác coi là lạ hay khó coi,
hay từ lâu họ đã bị kiềm chế bởi những trở ngại do chính quyền chủ trương hoặc
có những chính kiến hay tín ngưỡng và cách hành động không có tính chính thống
thì sức đề kháng của xã hội lại càng mạnh, khiến cho việc đưa các thành phần đó
hoàn toàn hội nhập vào xã hội là một điều khó khăn hầu như không thể vượt qua
được.
Ngược đãi thành phần thiểu số và các
nhóm khác không phải chỉ xảy ra trong các chế độ chuyên chế coi thường luật
pháp. Vào những năm 1960, người Anh, mặc dầu có truyền thống lâu đời tôn trọng
các nguyên tắc dân chủ và công bằng cơ bản, đã phải đương đầu với cách đối xử của
họ với các di dân da màu. Thêm vào đó, cuộc đấu tranh lịch sử chống lại chế độ
nô lệ và tàn dư của chế độ nô lệ hiển nhiên đã là những phát triển pháp lý và
xã hội sâu đậm nhất trong kinh nghiệm của Hoa Kỳ.
Ngay cả khi một quốc gia đã quyết định
chấm dứt kỳ thị các thành phần thiểu số hay các nhóm yếu kém khác thì vẫn còn
phải giải quyết những vấn đề liên hệ tới việc trợ giúp thế nào là thích hợp. Có
nên chỉ áp dụng chính sách chống kỳ thị cho các viên chức chính quyền hay
không? Hay phải áp dụng cho cả cá nhân lẫn các định chế tư nhân? Chấm dứt vấn đề
kỳ thị đã đủ chưa? Hay còn cần phải sửa chữa những hậu quả của những bất công
trong quá khứ, chẳng hạn bằng cách nâng đỡ những thành viên của các nhóm đã bị
thiệt thòi, giúp họ tìm công ăn việc làm, thăng tiến sự nghiệp, vào đại học và
hưởng các quyền lợi khác? Nói tóm lại, có nên vì những sự bất công trong quá khứ
mà tạo ra các đặc quyền được hưởng trong hiện tại không? Và nếu như vậy thì có
nên chỉ giới hạn đặc quyền đặc lợi cho những người thực sự là nạn nhân của nạn
kỳ thị trong quá khứ hay nới rộng cho tất cả các thành viên của thành phần xã hội
đó?
Kỳ thị – một điều sỉ nhục đối với xã
hội dân chủ
Hầu như trong suốt lịch sử của mình,
Hoa Kỳ đã phải đối mặt với những vấn đề này khi giải quyết những chuyện ảnh hưởng
tới các thành phần thiểu số và thành phần yếu kém khác – từ cuộc đấu
tranh đau thương về vấn đề nô lệ và những tàn tích của nó cho tới chủ trương nới
rộng các nguyên tắc bình đẳng tới các lĩnh vực khác như giới tính, những kỳ thị
không có tính chất chủng tộc, những nỗ lực định rõ và bảo đảm môi trường cạnh
tranh công bằng cho người khuyết tật Hoa Kỳ và những nỗ lực mới đây nhằm bao gồm
cả xu hướng tình dục vào trong các quyền riêng tư được bảo đảm bởi luật pháp.
Nhiều chủ đề cơ bản đã bao trùm tất cả
các phong trào này. Trước hết là quan niệm cho rằng một số hình thức kỳ thị là
một điều sỉ nhục đối với một xã hội cởi mở như Hoa Kỳ. Tổng thống John F.
Kennedy đã tuyên bố nguyên tắc này một cách hùng hồn trong diễn văn trước toàn
dân sau khi tòa ra lệnh hủy bỏ lệ giáo dục riêng biệt tại trường Đại học
Alabama, mặc dù thống đốc bang này là George Wallace, người chủ trương giáo dục
riêng biệt, đã chống đối. Tối hôm đó, tổng thống đã nhắn nhủ: “Tôi mong rằng mỗi
một người dân Mỹ, bất cứ ở đâu, hãy dừng lại và tự hỏi lương tâm mình về sự kiện
này và những sự kiện khác có liên quan. Quốc gia này được xây dựng lên bởi những
người thuộc nhiều dân tộc và nguồn gốc khác nhau. Quốc gia này cũng đã được xây
dựng trên nguyên tắc con người sinh ra đều bình đẳng và nguyên tắc khi quyền của
một người bị đe dọa thì quyền của những người khác cũng bị suy giảm đi”.
Ít lâu sau, cũng trong mùa hè năm đó,
Martin Luther King, Jr., nhà lãnh tụ tiên phong tranh đấu cho quyền công dân
vào thời đó đã gây xúc động khi nói lên một điều cơ bản đã được nhắc đi nhắc lại
nhiều lần phong trào bình quyền trong bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ…,” đánh
dấu giây phút tột đỉnh của cuộc biểu tình tuần hành đòi bình quyền tại
Washington. Nói trước một đám đông 200 ngàn người tại đài kỷ niệm tổng thống
Abraham Lincoln, người ký bản Tuyên ngôn Giải phóng chấm dứt nạn nô lệ, Mục sư
King đã đả kích sự bất công trong một xã hội mà cách làm việc trong lĩnh vực
công cũng như tư lại căn cứ vào những thiên kiến rập khuôn cố hữu về giá trị của
con người. Mục sư King đã tuyên bố: “Tôi mơ thấy một ngày kia bốn đứa con của
tôi sẽ được sống trong một quốc gia mà tại đó chúng sẽ không bị đánh giá căn cứ
trên màu da mà căn cứ theo tư cách con người của chúng”.
Sau hết, các phong trào bảo vệ quyền
của những thành phần thiểu số và các thành phần yếu kém khác đã được thúc đẩy
và hỗ trợ bởi những yếu tố thực tiễn liên quan tới quyền lợi riêng tư. Nếu một
xã hội cho phép kỳ thị một nhóm người thì làm sao có thể ngăn cản xã hội đó có
những thành kiến khác? Nhiều công dân thấy rằng việc kỳ thị những người thuộc một
chủng tộc, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hay những người có cách hành động hay xu
hướng không có tính chất chính thống có thể đưa đến việc đả kích các nhóm khác
nữa.
Chiến dịch chống nạn nô lệ
Vì những mối quan tâm đó, Hoa Kỳ đã dần
dần gia tăng những loại kỳ thị mà quốc gia không chấp nhận và tấn công những loại
kỳ thị đó trong các lĩnh vực tư pháp, lập pháp, hành pháp cũng như trước các
tòa án công luận. Chiến dịch chống nạn nô lệ và những tàn tích của nô lệ là một
trong những chiến dịch cam go và trường kỳ nhất. Khi Hoa Kỳ mừng kỷ niệm lần thứ
200 ngày ban hành Hiến pháp trong thập niên 1980, Thurgood Marshall, người Mỹ gốc
Châu Phi đầu tiên được bổ nhiệm vào Toà Tối cao vào năm 1967, đã khẳng định rằng
những người cùng chủng tộc với ông không có lý do gì để hoan nghênh việc thi
hành bản Hiến pháp nguyên thủy. Ông Marshall nói, thay vì (hoan nghênh Hiến
pháp), những người Mỹ gốc Châu Phi nên dành lời khen ngợi cho các khoản Tu
chính số 13, 14 và 15 của Hiến pháp được ban hành trong thời kỳ Nội chiến và
Tái thiết mà quy định ngăn cấm nô lệ và kỳ thị trong việc đi bầu và trong các
các hoạt động khác của quốc gia.
Có thể nói rằng, thẩm phán Marshall
đã nói đúng về nhiều phương diện. Thực vậy, Hiến pháp năm 1787 quy định rằng
người nô lệ chỉ được coi là (có giá trị bằng) 3/5 người (da trắng) trong việc
tính dân số của mỗi tiểu bang để ấn định số đại biểu của tiểu bang trong Hạ viện.
Hiến pháp cũng bao gồm một khoản cấm thông qua các tu chính hay luật giới hạn
việc du nhập thêm nô lệ cho tới năm 1808. Hiến pháp cũng bảo đảm cho các chủ nô
lệ là những nô lệ chạy trốn sẽ bị bắt trả lại dù họ đã chạy sang các tiểu bang
cấm nô lệ. Hơn thế, khi sắp xảy ra cuộc nội chiến đẫm máu vì vấn đề nô lệ và
các vấn đề có liên quan, trong vụDred Scott kiện Sandford (1857),
Toà Tối cao đã phán rằng những người Mỹ gốc Châu Phi, dù là nô lệ hay người tự
do, không phải là công dân Mỹ và cũng không được hưởng quyền công dân do Hiến
pháp bảo đảm.[1]
Sau cuộc Nội chiến, Quốc hội thông
qua và các tiểu bang cũng phê chuẩn một số tu chính Hiến pháp nhẳm bảo đảm đầy
đủ quyền công dân cho những người trước kia là nô lệ đã được giải phóng trong
chiến tranh theo Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ của tổng thống Lincoln năm 1863.
Quy định then chốt trong Tu chính thứ 14, được thông qua năm 1868, nói rằng:
“Không tiểu bang nào được ban hành hay thi hành luật có tính chất làm giảm những
đặc quyền hay quyền bất khả xâm phạm của các công dân Hoa Kỳ; không một tiểu
bang nào có quyền xâm phạm đến cuộc sống, tự do hay tài sản của bất cứ người
nào trước khi đã tiến hành các thể thức tố tụng theo luật định. Trong phạm vi
thẩm quyền của mình, không một tiểu bang nào được ngăn cản không cho người dân
được hưởng sự bảo vệ bình đẳng của pháp luật”.
Việc thông qua và thi hành các tu
chính tái thiết này lúc đầu chỉ tạm thời chấm dứt một phần nạn kỳ thị những
thành phần thiểu số ở Mỹ. Hành xử quyền lực thi hành các quy định của tu chính,
Quốc hội thông qua một số luật quan trọng về quyền công dân. Chẳng hạn, Luật
Quyền Công dân năm 1875 cấm cách ly chủng tộc trong chuyên chở công cộng, khách
sạn và nhà hát. Nhưng chính Quốc hội đã thông qua Tu chính thứ 14 cho phép cách
ly chủng tộc trong các trường học ngay tại thủ đô Washington, D.C. Hơn thế, khi
cao trào tái thiết đã giảm bớt vào các năm 1870 và 1880, Toà Tối cao suýt nữa
đã diễn dịch và bác bỏ những luật về quyền công dân mà Quốc hội đã thông qua với
lý do là các luật này không hợp hiến.
Sự thăng trầm của các luật cách ly chủng
tộc
Toà Tối cao sau thời kỳ Tái thiết
cũng chấp thuận một cách tổng quát các luật cách ly chủng tộc. Trong vụ Plessy
kiện Ferguson (1896)[2],
Tòa ủng hộ quyền của các tiểu bang đòi phải có phương tiện cách ly chủng tộc
trong các toa xe lửa và trong các trường học, miễn là các phương tiện cách ly
đó “như nhau”. Đa số (thẩm phán) cho rằng các luật cách ly chủng tộc ảnh
hưởng tới người da đen và da trắng như nhau và không khiến cho một chủng tộc
nào bị coi là thấp kém. Một tiểu bang cũng có thể quyết định một cách hợp lý là
các luật cách ly chủng tộc đều nhằm gia tăng sự an bình và trật tự của dân
chúng.
Chỉ có thẩm phán John Marshall
Harlan, nguyên là một chủ nô lệ tại Kentucky, là bất đồng ý kiến. Harlan chê
quan niệm của đa số thẩm phán cho rằng các luật cách ly chủng tộc đối xử với
dân da trắng và dân da đen như nhau. Ông nói rằng trong những tu chính của Thời
kỳ Tái thiết, “Hiến pháp của chúng ta đã không phân biệt mầu da và cũng không hề
biết tới hoặc dung túng việc phân chia giai cấp trong các công dân. Đứng về
phương diện quyền công dân, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Harlan
tiên đoán việc Tòa đồng lõa cho các tiểu bang giữ những người Mỹ gốc châu Phi
trong tình trạng hầu như là nô lệ (quasi-slavery) “sau này sẽ nguy hại
chẳng khác phán quyết của Toà trong vụ Dred Scott” (phán quyết này hợp pháp hóa
chế độ nô lệ trong khắp các vùng lãnh thổ Mỹ, năm 1857).
Hàng nửa thế kỷ sau vụ Plessy, “phân
cách nhưng bình đẳng” tiếp tục là luật ở khắp nước Mỹ. Đôi khi chỉ có những vụ
kỳ thị chủng tộc trắng trợn mới bị xử thua tại tòa. Tuy nhiên, vào những thập
niên 1930 và 1940, Toà Tối cao mới bắt đầu xét những luật cách ly chủng tộc và
các hình thức kỳ thị chủng tộc một cách khắt khe hơn. Cước chú số 4 nổi tiếng
ghi ý kiến của thẩm phán Harlan Fiske Stone phát biểu nhân danh Toà trong vụ Hoa
Kỳ kiện Carolene Products Co.(1938) bao gồm việc có thể xét lại cả các
đạo luật “có tính chất thành kiến đối với các thành phần thiểu số bị tách rời
và cô lập”. Tuy Toà chấp thuận, vì lý do nhu cầu quân sự, việc xúc phạm quyền
công dân đối với những người Mỹ gốc Nhật trong Thế chiến thứ hai nhưng thẩm
phán Hugo L. Black, thay mặt cho đa số thẩm phán, nhấn mạnh rằng: “Tất cả những
hạn chế pháp lý thu hẹp quyền công dân của một nhóm chủng tộc nào đó đều đáng
nghi ngờ”. Một trong những phán quyết đáng ghi nhớ của Tòa trong thời kỳ đó là
việc Tòa bắt đầu loại bỏ việc cách ly chủng tộc trong giáo dục đại học và
chuyên nghiệp. Trong phán quyết về vụ Sweatt kiện Painter (1950),
Tòa không những kết luận rằng một trường luật mới được mở ra dành riêng cho người
da đen có trình độ thấp hơn trường luật dành riêng cho người da trắng tại trường
Đại học Texas mà Tòa còn nói rằng khi quyết định là các trường cách ly có bình
đẳng hay không, các tòa án phải xét tới cả những yếu tố hữu hình và vô hình – tức
là những đặc trưng (như danh tiếng của học hiệu) tuy không thể đo lường một
cách khách quan nhưng rất quan trọng cho danh tiếng của một trường luật”.
Vững tâm bởi lời giảì thích chặt chẽ
của Toà Tối cao trong vụ này về chủ thuyết cách ly nhưng bình đẳng, Thurgood
Marshall, lúc bấy giờ là luật sư cho Hiệp hội Quốc gia cho sự thăng tiến của
dân da màu (National Association for the Advancement of Colored People,
NAACP) và các luật sư về quyền công dân khác quyết định là đã đến lúc phải
đặt vấn đề với ngay chính chủ thuyết đó, đặc biệt là giả định của chủ thuyết
cho rằng các cơ sở cách ly vẫn có thể bình đẳng. Sau một thời gian tranh tụng
lâu dài, ngày 17 tháng 5 năm 1954, Toà Tối cao mới thuận theo quan điểm đó.
Trong vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục và các vụ liên quan đến
Chánh thẩm Earl Warren, thay mặt cho toàn thể hội đồng thẩm phán, đã kết luận rằng
việc phải theo học tại các cơ sở giáo dục cách ly khiến cho con em dân da màu cảm
thấy tự ty và do đó có ảnh hưởng bất lợi cho khả năng học tập. Vì thế, việc
giáo dục trong các cơ sở đó không thể nào có tính bình đẳng và hợp với những
yêu cầu của “quyền được bảo vệ bình đẳng” trong Tu chính thứ 14. Trong một phán
quyết khác vào năm sau, vụ Brown II, Chánh thẩm Earl Warren
yêu cầu các tòa án cấp dưới và các hội đồng giáo dục phải “nhanh chóng” chấm dứt
giáo dục cách ly trong các trường công.
Trước khi Chánh thẩm Warren về hưu
năm 1969, Toà Tối cao và các tòa cấp dưới cũng bác bỏ luật cách ly trong một số
các lĩnh vực sinh hoạt khác tại Mỹ, trong đó có việc bãi bỏ luật cấm hôn nhân
giữa những người khác chủng tộc tại tiểu bang Virginia. Trong nhiệm kỳ của các
chánh thẩm Warren Burger (1969 – 1986) và William H. Rehnquist (1986-)[3],
Toà Tối cao đã chấp thuận một số quyền rộng rãi để cho các thẩm phán giải quyết
những vụ kiện về cách ly, trong đó trao cho tòa quyền ra lệnh phải cho các học
sinh (khác chủng tộc) đi chung một xe buýt để bảo đảm tình trạng giáo dục hội
nhập tại các trường trong những vùng vẫn sinh hoạt theo lề lối cách ly chủng tộc
và lệnh bắt buộc phải có hạn ngạch nhất định cho người da mầu trong số học sinh
và nhân viên nhà trường. Tuy nhiên, các thẩm phán cũng phân biệt rõ ràng giữa
việc cách ly chính thức và việc cách ly trên thực tế (chi phối hoàn toàn bởi
nơi cư ngụ của dân chúng) và Tòa cho rằng việc cách ly do hoàn cảnh thực tế này
không bị ngăn cấm trong Hiến pháp. Đa số thẩm phán cũng yêu cầu các tòa án xử
kiện chấm dứt lệnh cấm cách ly một khi các trường đã hoàn tất phần lớn việc
chuyển hệ thống giáo dục cách ly thành giáo dục thống nhất. Sau cùng, Toà Tối
cao cũng giới hạn tầm hiệu lực của tu chính thứ 14 bảo vệ quyền bình đẳng chỉ
áp dụng với những chính sách cố ý kỳ thị chứ không chi phối những chính sách chỉ
(vô tình) gây ra hậu quả phân biệt chủng tộc.
Trong khi hệ thống các tòa án ở Mỹ đi
tiên phong trong việc áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện bình đẳng chủng tộc,
thì Nhà Trắng và Quốc hội cũng thiết lập những bảo đảm quan trọng nhằm ngăn ngừa
nạn kỳ thị chủng tộc. Tiếp theo những vụ đụng độ bạo động giữa cảnh sát và những
người biểu tình đòi nhân quyền tại Birmingham, Alabama, khiến cho dân chúng
trong nước ngao ngán, chính quyền Kennedy đưa ra những dự luật sâu rộng về quyền
công dân. Những dự luật này đã được tổng thống Lyndon B. Johnson tiếp tục vận động
Quốc hội thông qua sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963. Đạo luật Quyền
Công dân năm 1964 – được ban hành dưới thẩm quyền của Quốc hội trong việc quy định
việc giao thương giữa các tiểu bang và quyền thi hành các quy định của Tu chính
thứ 14 – đã ngăn cấm kỳ thị chủng tộc và những hình thức liên quan trong các
lĩnh vực gia cư công cộng, việc làm và trong các chương trình do liên bang tài
trợ. Chính việc áp dụng luật trong những lĩnh vực này đã đẩy mạnh việc chấm dứt
giáo dục cách ly trong các trường công nhanh hơn là các lệnh của tòa án. Sau cuộc
bạo động của những người biểu tình đòi quyền bỏ phiếu tại Alabama, Quốc hội ban
hành Luật bầu cử vào 1965, trong đó hủy bỏ việc trắc nghiệm biết chữ và các trắc
nghiệm khác tại những tiểu bang đã có quá khứ kỳ thị trong việc đăng ký bầu
cử và bắt các tiểu bang đó phải được các viên chức liên bang thông qua những dự
luật mới về bầu cử. Luật năm 1965 khiến cho số người Mỹ gốc Châu Phi đăng ký đi
bầu cử tại các tiểu bang miền Nam gia tăng vượt bậc, đồng thời cũng làm giảm
các vụ khiếu nại kỳ thị chủng tộc trong hoạt động chính trị. Thêm vào đó, năm
1968, Quốc hội tiếp tục tiến hành hủy bỏ kỳ thị trong các hoạt động về gia cư
qua việc ban hành Luật Công bằng Gia cư.
Quyền của các thành phần thiểu số
Lẽ dĩ nhiên những người Mỹ gốc Châu
Phi không phải là những đối tượng duy nhất bị kỳ thị ở Mỹ. Quá trình lịch sử của
Hoa Kỳ trong việc đối xử với thổ dân da đỏ ở Mỹ cũng có những điều đáng tiếc
không kém. Trong bao nhiêu năm, Quốc hội và các tòa án, trong khi tiếp tay cho
việc bành trướng của người da trắng về phía Tây, đã vi phạm quyền sở hữu của thổ
dân, chiếm hữu đất đai của họ và dồn họ vào những khu riêng biệt với điều kiện
sinh hoạt tồi tệ.
Nhưng rốt cuộc những thổ dân cũng được
nhận là công dân Mỹ và có quyền đi bầu. Hơn nữa, vào những năm 1960, các nhóm
tranh đấu cho quyền công dân của thổ dân đã vận động và giành được nhiều thắng
lợi quan trọng về quyền săn bắn, quyền đánh cá và quyền sử dụng đất đai, trong
đó có quyền bảo vệ những nơi an táng và địa khu linh thiêng khác của thổ dân.
Tuy nhiên, năm 1990 có một vụ quan trọng trong đó Toà Tối cao đã không cho nới
rộng quyền bảo vệ tới việc dùng peyote (lophophora williamsii), một loại
cây xương rồng gây ảo giác cho người dùng (chú thích của người dịch)
trong nghi lễ của một số bộ lạc thổ dân. Tòa phán rằng những nghi lễ tôn giáo
phải tuân theo luật hình sự (là luật không có tính tôn giáo được áp dụng
cho toàn thể mọi người), trong đó có các quy định về việc cấm dùng ma túy.
Dân Mỹ gốc Hispanic (bán đảo của Tây
Ban Nha ở tây nam châu Âu, đa số đến từ châu Mỹ – La tinh) gồm nhiều dân tộc
cũng có những khó khăn tương tự trong việc hòa nhập vào xã hội Mỹ. Những khó
khăn về ngôn ngữ cùng với thiên kiến cho rằng họ là di dân không hợp pháp, nhất
là đối với những người gốc Mê-hi-cô, đã khiến họ thường bị kỳ thị trong các
lĩnh vực việc làm, nhà ở và giáo dục. Tuy nhiên, đã có phong trào đòi đưa tiếng
Tây Ban Nha lên thành ngôn ngữ chính thức thứ hai sau tiếng Anh. Trong những
năm gần đây, người Mỹ gốc Hispanic, như các thành phần thiểu số khác, cũng đạt
được những tiến bộ (trong việc đòi hỏi bình quyền). Năm 1982, Toà Tối cao đã
bác bỏ chính sách của tiểu bang Texas không cho con của những người di dân bất
hợp pháp được đi học miễn phí. (Trong phán quyết đó) các thẩm phán đã nhấn mạnh
tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển tương lai của trẻ em.
Tuy về số lượng, phụ nữ Mỹ không phải
là thiểu số nhưng, cũng giống như ở các nước khác, phụ nữ Mỹ vẫn bị yếu thế vì
những thiên kiến về giới tính. Trước khi có Tu chính Hiến pháp thứ 20 vào năm
1920, các tòa án thường chấp thuận các luật tiểu bang không cho phụ nữ quyền bỏ
phiếu. Trước kia còn có những phán quyết chấp thuận các luật cấm phụ nữ làm nghề
luật, nghề y và một số nghề khác. Thực vậy, cho tới năm 1961, Toà Tối cao còn
chấp thuận một luật ở Florida không cho phụ nữ làm thành viên của bồi thẩm
đoàn, trừ phi họ minh thị ý muốn được làm bồi thẩm. Tuy nhiên, giới tính có vẻ
bị coi là cơ sở không mấy thích hợp bằng chủng tộc trong việc phân chia nhiệm vụ
và quyền lợi. Phụ nữ Mỹ, cũng giống như các phụ nữ Mỹ gốc Châu Phi, trong một
thời gian dài đã bị loại ra khỏi diễn trình chính trị và do đó không được có cơ
hội quyết định vận mệnh mình.
Nhận định như vậy nên Quốc hội đã đưa
kỳ thị giới tính trong việc làm vào những hình thức kỳ thị bị cấm khi thông qua
Luật về Quyền Công dân năm 1964. Mục IX của các Tu chính về giáo dục năm 1972 cấm
các trường nhận tài trợ của liên bang kỳ thị sinh viên nữ. Cũng trong năm đó,
do áp lực của Tổ chức Phụ nữ Quốc gia (National Organization for Women – NOW)
và các đoàn thể khác, Quốc hội đã đề nghị các viện lập pháp tiểu bang phê chuẩn
Tu chính về Quyền bình đẳng (Equal Rights Amendment – ERA) quy định rằng
“quyền bình đẳng trước pháp luật không thể bị từ chối hay giản lược trên cơ sở
giới tính tại Hoa Kỳ hay bất cứ một tiểu bang nào” và Quốc hội cũng yêu cầu
(các tiểu bang) giao quyền lực thực thi cho Quốc hội . Nhưng sau đó ERA không
được sự chấp thuận của số tối thiểu cần phải có của các tiểu bang và do đó Toà
Tối cao thường không xem kỳ thị giới tính là cùng một loại với kỳ thị chủng
tộc. Tuy nhiên, năm 1971, lần đầu tiên Toà bác bỏ một luật có tính chất kỳ thị
giới tính trên cơ sở “bảo vệ quyền bình đẳng”. Vài năm sau đó, đa số thẩm phán
của Toà Tối cao kết luận rằng các luật về giới tính cũng phải được coi là “cần
lưu tâm” và chúng chỉ có giá trị nếu phù hợp với những quan tâm lớn của chính
quyền. Vì chỉ có phụ nữ mới mang thai nên quyền được phá thai – một vấn đề gây
tranh cãi – được ghi nhận trong vụ Roe kiện Wade (1973) (trong
vụ này, phán quyết của Toà Tối cao bác bỏ luật của nhiều tiểu bang giới hạn việc
phá thai – chú thích của người dịch) cũng được nhiều phụ nữ coi là
đảm bảo chống lại kỳ thị giới tính và cũng đảm bảo quyền riêng tư của cá nhân.
Nói chung, Hoa Kỳ đã do dự nhiều hơn
trong việc ngăn cấm kỳ thị trên cơ sở xu hướng tình dục hay trong việc công nhận
quyền của những người thành niên đồng ý quan hệ tình dục đồng giới tính. Một số
thành phố, quận hạt và tiểu bang đã liệt xu hướng tình dục vào những hoạt
động cấm nhưng cũng có một số địa phương khác công nhận hôn nhân đồng giới
tính. Trong vụ Romer kiện Evans (1996), với đa số 6-3,
Toà Tối cao đã dựa trên cơ sở quyền bình đẳng để bác bỏ một tu chính hiến pháp
của một tiểu bang do tu chính này cấm tất cả các quy định bảo vệ những người bị
kỳ thị vì xu hướng tình dục. Tuy không tuyên bố những người đồng tính luyến ái
là một giới đặc biệt cần được bảo vệ, Tòa cũng lên án tu chính đó khi cho rằng
làm như vậy là tiểu bang liệt những người đồng tính luyến ái vào địa vị những
công dân thấp kém.
Năm 1971, Toà Tối cao của (Chánh thẩm)
Burger tuyên bố là vấn đề người nhập cư bất hợp pháp (alienage) cần được
xem xét dưới góc độ tính hợp hiến và Tòa hứa sẽ rà soát kỹ về khía cạnh tư pháp
tất cả các luật phân biệt giữa những người có và không có quy chế công dân. Sau
đó có những phán quyết bác bỏ một số luật chỉ cho công dân có quyền được hưởng
các phúc lợi của lĩnh vực công. Đồng thời, một số thẩm phán cũng nói rõ là các
luật liên bang phân biệt giữa công dân và người nhập cư bất hợp pháp phải được
tôn trọng nhiều hơn các luật tương tự ở cấp tiểu bang. Các thẩm phán cũng công
nhận một ngoại lệ trong đề nghị tổng quát về đối xử bình đẳng giữa những người
là công dân và người không phải là công dân và duy trì một số quy định giới hạn
việc tuyển dụng nhân viên chính quyền chỉ dành cho các công dân.
Vì có sự liên hệ giữa tuổi tác và khả
năng phục vụ, Toà Tối cao đã từ chối không liệt vấn đề tuổi tác và việc làm vào
loại các vấn đề dù chỉ là “cần lưu tâm”. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chính trị ngày
càng gia tăng của giới cao niên, người ta cũng không ngạc nhiên khi thấy Quốc hội
đã thi hành một số biện pháp bảo vệ chống kỳ thị vì tuổi tác. Ví dụ, Luật
Quyền Công dân năm 1964 xem kỳ thị tuổi tác trong việc làm cũng là một trong những
hình thức kỳ thị bị cấm.
Từ Thế chiến thứ hai, các cựu chiến
binh và người khuyết tật đã vận động Quốc hội đưa ra những bảo vệ chống lại sự
kỳ thị vì khuyết tật. Năm 1990, một liên minh tranh đấu cho dự luật đó đã thuyết
phục Quốc hội thông qua Luật về người Mỹ khuyết tật (Americans with
Disabilities Act – ADA). Với định nghĩa người khuyết tật là người có yếu
kém về tinh thần hoặc thể xác khiến cho sinh hoạt bị giới hạn, luật bao trùm
các vấn đề như việc ra vào tại các cơ sở công cộng, việc làm, dịch vụ truyền
thông, đồng thời bắt buộc các chủ nhân và những chủ thể khác phải thực hiện những
điều chỉnh cần thiết để tuân thủ các mục tiêu của luật. Đạo luật đã tạo ra nhiều
tiến bộ trong việc loại bỏ những trở ngại đối với người khuyết tật trong môi
trường việc làm, giáo dục và các môi trường khác. Tuy nhiên, một số phán quyết
của Toà Tối cao đã giới hạn bớt các quy định của luật. Chẳng hạn, năm 1999, đa
số thẩm phán của Tòa đã nhận rằng ADA không bắt buộc một hãng hàng không phải
thuê phi công cận thị, dù sự khuyết tật đó có thể chữa được.
Tranh luận về chính sách dành đặc quyền
cho thành phần yếu kém (affirmative action)
Toà Tối cao của thẩm phán Burger và
Rehnquist cũng phải đối diện với một vấn đề kỳ thị mà tòa của thẩm phán Warren
không bị bắt buộc phải giải quyết – đó là cuộc tranh luận về vấn đề gay go là
“chính sách dành đặc quyền cho thành phần yếu kém”. Trong nỗ lực sửa lại những
hậu quả của các thiên kiến trong quá khứ đối với thành phần thiểu số và phụ nữ
trong lĩnh vực việc làm và giáo dục đại học, vào các năm 1960, các cơ quan
chính quyền và các trường đại học đã có những chương trình dành ưu đãi ít nhiều
cho thành phần thiểu số và phụ nữ trong việc nhập học, thu dụng và thăng chức.
Những người cổ vũ cho các chương trình đó nói rằng đó là các biện pháp nhất thời
để đảm bảo việc đối xử công bằng cho các thành phần trước đây đã bị cố ý kỳ thị
và để nhanh chóng tạo ra một xã hội thực sự hội nhập. Những người bênh vực cho
chính sách dành đặc quyền cho thành phần yếu kém còn nhấn mạnh rằng, tuy những
người thuộc nam giới da trắng nói rằng họ chính là nạn nhân của chính sách “kỳ
thị ngược” này nhưng những người (đàn ông da trắng) đó thuộc thành phần đã có
thân thế vững chắc trong xã hội, do đó không thể so sánh với những người Mỹ gốc
Châu Phi và các nhóm khác từ lâu đã bị ngược đãi vì màu da và chủng tộc nên họ
phải được luật pháp bảo vệ đặc biệt. Mặt khác, những người chỉ trích chính sách
dành đặc quyền cho thành phần yếu kém là “kỳ thị ngược” lại nêu rằng các chương
trình này đi ngược lại quan niệm “không phân biệt mầu da” của Hiến pháp, vi phạm
nguyên tắc thăng chức theo tài năng, đào sâu sự chống đối giữa các sắc dân và
có lẽ sẽ khiến cho chính những người được nâng đỡ có mặc cảm tự ty.
Phản ứng của Toà Tối cao đối với các
vụ kiện chống các chương trình dành đặc quyền cho thành phần yếu kém cũng không
thuần nhất. Trong vụ kiện quan trọng đầu tiên, vụ Ủy ban Quản trị trường Đại học
California kiện Bakke (Regents of the University of California v. Bakke) (1978),
Tòa phải trực diện với một hệ thống hạn ngạch (quota) dành riêng 16 trên
tổng số 100 chỗ trong trường y khoa của tiểu bang cho sinh viên thuộc thành phần
thiểu số. Thẩm phán Lewis Powell, người công bố ý kiến chính trong vụ này, đã
giữ một vai trò then chốt trong phán quyết của Toà. Nhân danh mình và bốn vị thẩm
phán khác, thẩm phán Powell đã bác bỏ chế độ hạn ngạch. Ông nói rằng tất cả mọi
sự phân loại theo chủng tộc phải được cứu xét về phương diện pháp lý, bất kể sự
phân loại đó nhắm vào chủng tộc nào và một mối quan tâm thúc bách nào có thể biện
minh cho chế độ tuyển sinh chỉ căn cứ vào chủng tộc. Tuy nhiên, thẩm phán
Powell và bốn vị thẩm phán kia cũng nhận rằng mối quan tâm của tiểu bang muốn
có một số sinh viên đủ mọi thành phần cũng là một mối quan tâm có tính chất
thúc bách đủ để coi chủng tộc là một trong những yếu tố được cứu xét cùng với
các yếu tố khác khi nhận sinh viên.
Năm sau đó, trong phán quyết về vụ Công
nhân ngành Thép kiện Weber, Tòa lại chấp thuận một quyết định
chung giữa công ty và công đoàn mà theo đó dành riêng 50 phần trăm một số công
việc cho những người thuộc thành phần thiểu số cho tới khi tỷ số những người
làm các công việc đó tương đương với tỷ số người thuộc thành phần thiểu số
trong lực lượng lao động ở vùng đó. Brian Weber, một công nhân da trắng, phản đối
chính sách hạn ngạch của công ty, chủ yếu qua lập luận là chính sách đó vi phạm
quy định chống kỳ thị trong lĩnh vực việc làm của đạo luật về quyền công dân
năm 1964. Tuy nhiên, đa số thẩm phán của Tòa kết luận rằng luật đó không nhắm
vào các công ty tự nguyện áp dụng hạn ngạch dựa theo chủng tộc như một phương
tiện để sửa lại hậu quả của chế độ kỳ thị trong quá khứ về việc làm trong một
vùng.
Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ
của chánh thẩm Burger, Tòa có lúc thì chấp thuận nhưng cũng có lúc lại bác bỏ một
số biện pháp dành đặc quyền cho thành phần yếu kém. Trong vụ Fullilove
kiện Klutznick(1980), khi quyết định chấp thuận một đạo luật của Quốc hội
dành riêng một ngân khoản của chính quyền liên bang cho giới kinh doanh thuộc
thành phần thiểu số, các thẩm phán đã cho biết rõ ràng là những chương trình của
chính quyền liên bang dành đặc quyền cho thành phần yếu kém được tôn trọng về
pháp lý nhiều hơn là các chương trình như vậy ở cấp tiểu bang và địa phương. Dưới
nhiệm kỳ của chánh thẩm Rehnquist, mới đầu các thẩm phán cũng áp dụng quan điểm
của toà dưới thời Burger. Nhưng trong vụAdarand Constructors, Inc kiện
Pena (1995), đa số thẩm phán lại chủ trương là các chương trình dành đặc
quyền cho thành phần yếu kém của cả liên bang lẫn tiểu bang đều phải được cứu
xét về phương diện pháp lý như nhau.
Gần đây, quan điểm của tòa chống đối
chính sách dành đặc quyền cho thành phần yếu kém đã áp dụng cả tới lĩnh vực bầu
cử. Trong phán quyết về vụ Shaw kiện Hunt (1996) và các phán
quyết khác, Toà đã cho phép các cử tri da trắng phản đối việc phân chia các khu
bầu cử theo cái tiêu chuẩn gọi là đa số – thiểu số để bầu dân biểu Hạ viện. Sau
cuộc kiểm kê dân số năm 1990 và dưới áp lực của bộ Tư pháp, nhiều tiểu bang đã
lập ra những khu bầu cử, trong đó cử tri thuộc thành phần thiểu số người Mỹ gốc
Châu Phi và người Mỹ gốc Hispacic chiếm đa số. Trong các khu bầu cử đó, các ứng
cử viên thuộc thành phần thiểu số có nhiều triển vọng đắc cử vào Quốc hội hơn.
Về một phương diện thì Tòa đã có chiều hướng thuận lợi cho việc chấp thuận các
khu bầu cử đặc biệt đó khi cho rằng các tu chính năm 1982 cho đạo luật về Quyền
Bầu cử năm 1965 là hợp hiến. Các tu chính đó nói là các luật bầu cử cấp tiểu
bang không có giá trị nếu không những các luật lệ này có ý định kỳ thị mà lại
còn có hậu quả là khiến cho các cử tri thuộc thành phần thiểu số bị giảm mất cơ
hội để bầu cử tri của họ. Nhưng bằng một đa số rất sít sao, Toà Tối cao lại
phán quyết rằng các khu bầu cử dựa theo tiêu chuẩn đa số – thiểu số là không hợp
hiến nếu được ấn định chủ yếu với mục đích chủng tộc để khiến cho các ứng viên
thuộc thành phần thiểu số được thắng cử.
Tín điều về bình đẳng cá nhân
Qua các phán quyết của Tòa Tối cao,
các luật của Quốc hội, các biện pháp thi hành của ngành hành pháp và cũng qua
những sự thay đổi thái độ của công chúng, xã hội Hoa Kỳ đã dần dần công nhận
quyền của thành phần thiểu số trước pháp luật. Hoa Kỳ đã loại bỏ phần lớn sự bất
công mà từ lâu những người Mỹ gốc Châu Phi và các thành phần yếu kém khác trong
lịch sử đã phải chịu đựng. Chúng ta đã tiến được gần hơn tới cái ngày mà thẩm
phán Harlan đã khẳng định một các đanh thép trong bản tuyên bố bất đồng ý kiến
của ông đối với phán quyết của Toà trong vụ Plessy năm 1896 –
mà cho tới bây giờ mới phần lớn trở thành hiện thực: “Theo Hiến pháp và trước
pháp luật, tại quốc gia này không thể có một tầng lớp công dân cao cấp hơn giữ
quyền thống trị. (Xã hội này) không có giai cấp”.
Cuộc tranh đấu chống kỳ thị các thành
phần thiểu số tại Hoa Kỳ phần lớn đã diễn ra tại các toà án và tại Quốc hội
cùng các viện lập pháp của tiểu bang. Những nỗ lực đó đã thành công vì hai lý
do. Thứ nhất là, chế độ pháp trị cùng với niềm tin của dân Hoa Kỳ, là các cá
nhân hay đoàn thể nào, dù có bất đồng ý kiến với kết luận của toà hay của các
viện lập pháp trong việc ấn định chính sách, nhưng họ vẫn tuân theo chính sách
đó. Nếu họ có bất đồng ý với một chính sách hay một đạo luật thì họ vận động với
viện lập pháp hay khiếu kiện toà chứ không “xuống đường” bạo động.
Lý do thứ hai, là niềm tin tôn giáo của
người công dân Hoa Kỳ, như đã thể hiện qua Hiến pháp, trong Tuyên ngôn Độc lập
và qua truyền thống lâu đời của các viện lập pháp và các tòa tư pháp, là con
người sinh ra là bình đẳng và phải được bảo vệ công bằng trước pháp luật. Dù cá
nhân người Mỹ có thể không thích một nhóm vì màu da, vì nếp sống hay vì ngôn ngữ
của họ nhưng tín điều được mọi người công nhận -“cá nhân bình đẳng”- buộc các
cá nhân này phải xét lại thành kiến của họ. Tuy trong lịch sử, nước Mỹ không phải
là không có nạn kỳ thị đối với một thành phần xã hội nào đó nhưng nước Mỹ đã
công khai quyết tâm là sẽ quét sạch mọi tàn tích của kỳ thị chủng tộc cũng như
các loại kỳ thị khác.
Tuy hai niềm tin này – chế độ pháp trị
và bình đẳng cá nhân – liên quan chặt chẽ đến kinh nghiệm lịch sử của Hoa Kỳ
nhưng nói chung thì có thể áp dụng vào các nơi khác nữa. Cá nhân phải được đối
xử bình đẳng trước pháp luật, nếu không thì đất nước sẽ lâm vào tình trạng bị
phân tranh.
Ghi chú
[1] Vào
giữa thế kỷ XIX, có hai loại người da đen tại nước Mỹ: những người da đen tự do
và những người da đen nô lệ. Một số tiểu bang đã bãi bỏ chế độ nô lệ nên những
người da đen sinh sống tại đó được coi là tự do. Dred Scott là một nô lệ đã từng
sống trong tiểu bang tự do Illinois và lãnh thổ tự do Wisconsin trước khi dọn về
sống tại tiểu bang Missouri, tiểu bang còn giữ nô lệ. Scott đưa đơn kiện
Sandford về việc đã giữ bản thân Scott và gia đình ông ta như nô lệ. Vụ kiện được
đưa lên tòa liên bang vì Scott cho mình là công dân của Missouri, còn Sandford
là công dân của New York. Chánh thẩm Tòa Tối cao Robert B. Taney, một người nhiệt
thành ủng hộ các tiểu bang giữ nô lệ, ra phán quyết năm 1857 rằng Dred Scott
không phải là một công dân – một người da đen chỉ bằng 3/5 người da trắng – của
Hoa Kỳ nên không có tư cách thưa kiện tại tòa án.
[2] Plessy
kiện Ferguson là một vụ kiện xảy ra năm 1896 tại Louisiana, tiểu bang có luật
phân cách nhưng bình đẳng. Plessy là một người có 1/8 dòng máu da đen đi toa xe
lửa dành cho người da trắng. Plessy bị bắt và bị thẩm phán Ferguson kết tội phạm
luật “Phân cách chuyên chở” của Louisiana. Plessy kháng án lên Tòa Tối cao vì
cho rằng Luật Phân cách chuyên chở của Louisiana vi hiến. Tuy nhiên, Tòa Tối
cao vẫn phán quyết đạo luật đó của Louisiana là hợp hiến. Phán quyết này bị đảo
ngược vào năm 1954 trong vụ Brown kiện Hội đồng Giáo dục Topeka. Trong vụ này,
Tòa Tối cao phán quyết là mọi hành vi phân cách chủng tộc đều vi hiến (vi
phạm Tu chính thứ 14).
[3] William
Hubbs Rehnquist làm chánh thẩm Toà Tối cao cho tới khi qua đời năm 2005 (chú
thích của người dịch).
*Tinsley E. Yarbrough là giáo sư ưu tú ngành nhân văn và
khoa học [Arts and Sciences Distinguished Professor] của Khoa Chính trị học trường
Đại học Đông California tại Grenville, North Carolina, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của
nhiều cuốn sách về các nhân vật trong ngành tư pháp, trong đó có các vị như
Chánh thẩm Toà Tối cao Hugo L. Black và hai thẩm phán John Marshall Harlan (một
người là ông và một người là cháu nội). Hai tác phẩm mới nhất của ông là cuốn “Toà
Tối cao của Chánh thẩm Rehnquist và Hiến pháp” [The Rehnquist Court and the
Constitution (Oxford, 2000)] và cuốn “Toà Tối cao của
Chánh thẩm Burger: các thẩm phán, các phán quyết và di sản” [The Burger Court:
Justices, Rulings and Legacy (ABC-CLIO, 2001)].
** Diễn văn trong cuộc Biểu tình tuần hành tại
Washington, tháng 8/1963.
Biên dịch: Đỗ Kim Thư, Trần Lương Ngọc, Nguyễn Hồng
Liên, Nông Duy Trường
Hiệu đính: Nguyễn Trang Nhung, Vũ Công Giao
Nguồn: https://cungviethienphap.wordpress.com/2013/02/07/bao-ve-quyen-cua-thanh-phan-thieu-so-tinsley-yarbrough/