Sự bình đẳng của con người

Posted on
  • Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Thưa tiến sĩ Adler,
    Tuyên ngôn Độc lập nói rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng. Làm thế nào mà những tác giả được cho là thông thái của văn kiện này lại có thể viết ra điều quá vô nghĩa như thế? Hãy nhìn quanh bạn xem! Aga Khan và một tá điền da đen miền Nam có được sinh ra bình đẳng không? Marilyn Monroe và người phụ nữ bình thường có được đấng Tạo hóa phú cho tài năng ngang nhau không? Có phải cha ông của chúng ta đã bày trò tuyên truyền chính trị hoặc họ muốn nói một điều gì hợp lý?
    H.P.
    H.P. thân mến,
    Trước tiên chúng ta hãy thử xem cha ông ta muốn nói gì qua tuyên bố kỳ lạ này về quyền bình đẳng của con người. Hầu hết họ đều là những người rất từng trải. Họ ý thức rất rõ rằng con người có thể lực, trí tuệ, hoặc tài sản không như nhau. Hẳn họ chỉ cần nhìn chung quanh là thấy. Họ biết rằng tài năng và đức hạnh được chia không đồng đều trong thế giới này.
    Tuy nhiên họ vẫn cho rằng tất cả chúng ta đều là con người. Tất cả chúng ta đều cùng một loài sinh vật. Mỗi chúng ta đều có cùng, ít nhất là về mặt tiềm năng, những đặc điểm đặc biệt của chủng loài đó. Chúng ta có tính cách, óc suy luận, ý chí tự do và tinh thần trách nhiệm. Do tất cả những điều này nên chúng ta có phẩm chất hoặc giá trị riêng. Chúng ta đều có cùng di sản chung và một số mệnh chung. Nhưng mỗi chúng ta đều có một cách riêng để thực hiện trong thế giới này, một số mệnh riêng lẻ. Theo quan điểm này, một cách chính đáng con người không thể bị đối xử như thể họ là đồ vật chứ không phải con người. Bởi vì họ là con người, nên thật là sai khi sử dụng họ như phương tiện.
    Các tác giả của Tuyên ngôn này không có ý muốn nói rằng không có những khác biệt giữa con người với nhau. Họ thực sự muốn nói rằng tất cả mọi người, bởi vì tất cả họ đều là con người, đều có cùng những quyền nào đó mà không một chính quyền nào có thể cướp đi được. Họ tin những quyền này là tự nhiên và không thể bị tước bỏ. Bây giờ chúng ta hãy nhìn lại những gì họ đã nói:
    Chúng ta thừa nhận những sự thật này là hiển nhiên, rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng; rằng họ được Đấng tạo hóa phú cho những quyền không thể bị tước bỏ nào đó; rằng trong số những quyền đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc .
    Đoạn trích này không có nghĩa là Judy O’Grady và Colonel’s Lady được phú cho cùng một vóc dáng, được nhận cùng cơ hội, và có cùng một số tiền trong ngân hàng. Nhưng đàng sau màu da thì họ là chị em và có cùng quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc. Ứng dụng của cụm từ hay ho này được giải thích rõ trong Luật Dân quyền trong Hiến pháp, trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Mỹ, và trong các văn kiện khác.
    Dĩ nhiên bây giờ bạn có thể thúc ép tôi xa hơn và nói rằng tất cả chỉ là một mớ đạo đức giả. Nơi nào trong thế giới chúng ta tất cả con người đều có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc như nhau? Những người da đen ở miền Nam đôi khi bị người da trắng treo cổ mà những người da trắng đó lại không bị trừng phạt. Dân Ả Rập gào thét đòi quyền bình đẳng ở Bắc Phi thuộc Pháp và Israel. Hiến pháp Liên Xô cũng có luật Dân quyền. Thì đã sao nào? Có vẻ như thể những kẻ nắm quyền đã quyết định sẽ có bình đẳng đến mức nào cho chúng ta. Hoặc như George Orwell đã nói trong cuốn Animal Farm (“Trại súc vật ): Mọi con lợn đều bình đẳng, nhưng một số con lợn bình đẳng hơn những con lợn khác.
    Bạn có thể đã đi xa hơn và ghi nhớ rằng nhiều người ký Tuyên ngôn Độc lập là các chủ nô và rằng Hiến pháp trong văn bản ban đầu của nó đã tính một nô lệ bằng 3/5 của một người. Chế độ nô lệ là một thể chế xã hội đúng đắn vào thời kỳ đó. Có lẽ hầu hết những người ký bản Tuyên ngôn đó đều không thấy sự mâu thuẫn giữa quyền bình đẳng mà họ đã công bố giữa những người Anh và người Mỹ và chế độ nô lệ đã phổ biến khắp cộng đồng người da đen dưới sự thống trị của người da trắng. Tuy nhiên Thomas Jefferson và vài lãnh tụ khác đã phản đối chế độ nô lệ. Và nên nhớ rằng Tuyên ngôn này không hề nói: Tất cả người da trắng sinh ra bình đẳng. Tuyên bố này phổ quát; nó mở cánh cửa tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.
    Nếu bạn chịu khó chú ý kỹ cách con người tranh luận ủng hộ những bất công và bất bình đẳng như thế, bạn sẽ nhận thấy rằng họ đòi hỏi nhu cầu cấp bách thiết thực thay vì quyền tối hậu. Thời gần đây không ai trừ bọn phát xít và bọn quốc xã là thực sự tranh luận ủng hộ sự bất bình đẳng giữa con người như một thứ quyền. Những người viết Tuyên ngôn này chủ yếu đã học từ triết gia người Anh John Locke để hình thành những lý thuyết về quyền tự nhiên cùng những quan điểm về tự do và bình đẳng của họ. Vì thế bạn có thể sẽ hứng thú với đoạn văn dưới dây trong bài tiểu luận của Locke, Về chính quyền dân sự:
    “Dù tôi đã nói ở trên về bản chất tất cả con người đều bình đẳng, tôi cũng không thể cho rằng mình hiểu tất cả các kiểu bình đẳng . Tuổi tác hoặc đức hạnh có thể cho con người một quyền ưu tiên chính đáng. Sự xuất sắc về các mặt và công đức có thể đặt những người khác nằm trên mức chung… nhưng tất cả chuyện này đều nhất quán với sự bình đẳng mà tất cả mọi người đều có được xét về quyền tài phán hoặc quyền thống trị của người này đối với người khác .
    Nguồn: sách Các tư tưởng lớn từ các tác phẩm vĩ đại
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org