Nhà nước cảnh sát đêm

Posted on
  • Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Nhà nước cảnh sát đêm, hay nhà nước tối thiểu, được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau. Theo nghĩa chặt, đó là một dạng chính quyền trong mà chức năng hợp pháp duy nhất của nó là bảo vệ cá nhân khỏi bị tấn công, trộm cắp, vi phạm hợp đồng, và gian lận; và các thiết chế cai trị hợp pháp duy nhất là quân đội, cảnh sát, và tòa án. Theo nghĩa rộng, nó cũng bao gồm các cơ quan dịch vụ dân sự và cứu hộ khẩn cấp (chẳng hạn như cơ quan cứu hỏa), nhà tù, cơ quan hành pháp, tư pháp, và cơ quan lập pháp.
    Sự ủng hộ cho một nhà nước cảnh sát đêm được gọi là thuyết nhà nước tối thiểu. Những người theo thuyết nhà nước tối thiểu cho rằng nhà nước không có quyền sử dụng sự độc quyền vũ lực của mình để can thiệp vào các giao dịch tự do giữa người dân, và xem trách nhiệm duy nhất của nhà nước là đảm bảo rằng các giao dịch như vậy giữa các cá nhân phải được thực hiện một cách tự do. 
    Với cách hiểu như vậy, những người theo thuyết nhà nước tối thiểu thường tin vào cách tiếp cận laissez-faire đối với nền kinh tế. Lý do cho niềm tin này có thể là sự thịnh vượng kinh tế, hoặc sự giới hạn về mặt đạo đức đối với việc sử dụng vũ lực của nhà nước, hoặc cả hai.

    Từ nguyên
    Cụm từ "Nachtwächterstaat" được nhà xã hội chủ nghĩa người Đức Ferdinand Lassalle đưa ra trong một bài phát biểu vào năm 1862 tại Berlin. Ông chỉ trích nhà nước "tư sản" tự do và giới hạn, so sánh nó với người cảnh sát đêm có nhiệm vụ duy nhất là ngăn chặn trộm cắp. Cụm từ này nhanh chóng được sử dụng để chỉ một chính phủ giới hạn. Sau này Ludwig von Mises phát biểu rằng Lassalle đã cố gắng làm cho chính phủ giới hạn trông thật lố bịch, nhưng nó không lố bịch hơn kiểu chính phủ mà quan tâm cả đến việc "chuẩn bị món dưa cải, việc sản xuất những chiếc cúc áo, hay việc xuất bản những tờ báo."

    Biện minh
    Những người theo thuyết nhà nước tối thiểu thường biện minh cho nhà nước trên cơ sở rằng, nó là hệ quả logic đi kèm với nguyên tắc không gây hấn. Họ cho rằng chủ nghĩa vô chính phủ là không thực tế vì nó không đủ khả năng để củng cố nguyên tắc không gây hấn. Một sự biện minh phổ biến khác là các công ty bảo vệ và các tòa án tư nhân có xu hướng đại diện cho quyền lợi của những ai trả tiền đủ cho họ. Robert Nozick trong tác phẩm Vô chính phủ, Nhà nước, và Xã hội không tưởng lập luận rằng nhà nước cảnh sát đêm cung cấp một khuôn khổ cho phép cho bất kỳ ý thức hệ chính trị nào mà tôn trọng các quyền cá nhân cơ bản.

    Phê phán
    Các nhà tư bản vô chính phủ thường cho rằng sự hiện diện của bất cứ hình thức chính phủ hay nhà nước nào là vi phạm nguyên tắc không gây gấn. Họ cho rằng, bởi bản chất của nó, chính phủ luôn sử dụng vũ lực chống lại những người không ăn cắp tài sản tư nhân, không phá hoại tài sản tư nhân, không tấn công bất cứ ai, hay không gian lân. 
    Nhiều người cũng cho rằng sự độc quyền có xu hướng dẫn đến tham nhũng và không hiệu quả. Murray Rothbard cho rằng tất cả các dịch vụ của chính phủ, bao gồm an ninh, là không hiệu quả bởi vì chúng thiếu một cơ chế định giá dựa trên thị trường vốn được quy định bởi các quyết định tự nguyện của người tiêu dùng khi mua các dịch vụ đáp ứng nhu cầu ưu tiên cao nhất của họ và bởi các nhà đầu tư tìm kiếm các doanh nghiệp có lợi nhất để đầu tư. Do đó, sự độc quyền sử dụng vũ lực của nhà nước là một sự vi phạm các quyền tự nhiên.
    Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Night-watchman_state
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org