Nguyễn Chí Hiếu
(LLCT) - Trường phái Frankfurt
là một trào lưu tư tưởng lớn ở phương Tây thế kỷ XX. Các đại biểu của trường
phái này đã cố gắng phát triển chủ nghĩa Mác nhằm phê phán xã hội tư sản hiện đại
(lý thuyết phê phán) và chỉ ra con đường khắc phục sự “nô lệ”, “tha hóa” của
con người phương Tây hiện đại. Tư tưởng của trường phái này có ảnh hưởng rất
sâu rộng ở phương Tây, đặc biệt là ở Mỹ. Nó trở thành cơ sở nền tảng cương lĩnh
cho hầu hết phong trào cánh tả ở phương Tây.
Với
tư cách một trào lưu tư tưởng triết học xã hội của cánh tả cấp tiến, trường
phái Frankfurt hình thành vào những năm 1930 mà hạt nhân của nó là Viện Nghiên
cứu xã hội Frankfurt do M.Horkheimer khi đó làm Viện trưởng và Tạp chí Nghiên
cứu xã hội như cơ quan ngôn luận chủ yếu của Viện.
Viện
Nghiên cứu xã hội Frankfurt được thành lập vào năm 1923, dưới sự lãnh đạo của
Viện trưởng đầu tiên là Karl Gruenberg. Ông đứng trên lập trường CNXH và định
hướng các cộng tác viên của mình vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử của CNXH và
phong trào công nhân. Kết quả là Tạp chí Lưu trữ dữ liệu về lịch sử của
chủ nghĩa xã hội và phong trào công nhân(1) được Gruenberg
xuất bản.
Năm
1927, khi K.A.Herlach thay thế Gruenberg làm Viện trưởng, ông tiếp tục công việc
của bậc tiền bối. Nhưng khi M.Horkheimer trở thành Viện trưởng (năm 1930), ông
kiên quyết thay đổi định hướng hoạt động của Viện và các chủ đề của nó. Viện bắt
đầu định hướng vào hệ vấn đề triết học xã hội và bước ngoặt chính trị của Viện
cũng đồng thời diễn ra: chuyển từ CNXH sang chủ nghĩa cấp tiến tả khuynh.
Xét
về mặt hình thức, lịch sử trường phái Frankfurt bắt đầu ở nước Đức từ thời điểm
Horkheimer (1895-1973) lên giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội trực thuộc
Đại học Frankfurt bên sông Main(2). Nhưng trên thực tế, quá trình
hình thành các quan điểm triết học của M.Horkheimer và các cộng tác viên gần
gũi như: T.W.Adorno (1903-1969), F.Pollock (1894-1970), H.Marcuse (1898-1979)
và E.Fromm (1900-1980) đã bắt đầu diễn ra ngay từ những năm 1920.
Khi
Gruenberg chuyển từ Wien đến Frankfurt, Tạp chí Lưu trữ... của
ông công bố bài viết nổi tiếng của Korsch với tiêu đề Chủ nghĩa Mác và
triết học, cùng với những nhận xét của G.Lukács về cuốn sách Lý luận
của chủ nghĩa duy vật lịch sử của N.Bukharin. Sự quan tâm tới công việc
xây dựng CNXH ở Liên Xô cũng có ảnh hưởng tới định hướng tư tưởng lý luận trong
hoạt động của Viện. Sau chuyến đi công tác tại Liên Xô, F.Pollock công bố một hợp
tuyển lớn về 10 kinh nghiệm lịch sử xây dựng kinh tế kế hoạch XHCN(3).
Vào
những năm 60 thế kỷ XX, F.Pollock công bố công trình nghiên cứu sâu sắc về các
hệ quả của tự động hóa sản xuất(4), song vốn trung thành với các tư
tưởng xuất phát của trường phái Frankfurt, ông luận giải vấn đề mà không đề cập
tới cơ sở xã hội của tự động hóa ở các nước công nghiệp phương Tây. Bên cạnh
đó, Gruenberg, Pollock và các cộng tác viên khác của Viện còn xuất bản hàng loạt
công trình luận giải kinh tế học chính trị của Mác theo tinh thần lý luận “chủ
nghĩa duy vật kinh tế”. Thí dụ, trong tác phẩm Quy luật tích lũy và diệt
vong của hệ thống tư bản chủ nghĩa, H.Grossmann phát triển các quan điểm
kinh tế đặc trưng cho các tư tưởng gia của Quốc tế II(5).
Cùng
với việc Horkheimer lên giữ chức Viện trưởng thì việc bỏ qua triết học vốn đặc
trưng cho Gruenberg và nhiều nhà lý luận kinh tế của phái dân chủ xã hội cũng
chấm dứt. Nhiều cán bộ khoa học của Viện có học vấn triết học. Bản thân
Horkheimer cũng bảo vệ luận án tiến sĩ về tác phẩm Phê phán năng lực
phán đoán của I.Kant vào năm 1925.
Đại
diện có ảnh hưởng lớn nhất của trường phái Frankfurt là Herbert Marcuse. Sau
khi kết thúc quá trình học triết học tại các đại học Berlin và Freiburg, vào
năm 1922, ông đã trở thành trợ giảng cho người sáng lập chủ nghĩa hiện sinh Đức
là Martin Heidegger. Trước khi gia nhập trường phái Frankfurt, Marcuse đã cố
xét lại triết học Mác nhờ xuất phát từ triết học hiện sinh của M.Heidegger và
hiện tượng học của E.Husserl.
Ngay
trong tác phẩm triết học đầu tay của Marcuse (Lược khảo hiện tượng học về chủ
nghĩa duy vật lịch sử(6) và bài viết Về triết học cụ
thể)(7), chúng ta đã bắt gặp thử nghiệm đầu tiên trong việc hợp
nhất các quan điểm của Mác và của Heidegger. Lên tiếng chống lại luận giải mang
tính quyết định luận máy móc về chủ nghĩa duy vật lịch sử, Marcuse luận giải
triết học lịch sử của Mác như lý luận về “khả năng lịch sử của hành động cấp tiến
có nhiệm vụ giải phóng hiện thực mới cần thiết cho việc hiện thực hóa con người
toàn vẹn. Đại diện của nó là con người xã hội hữu thức, lĩnh vực hoạt động duy
nhất của nó là lịch sử đang bộc lộ ra như nội dung cơ bản của hiện sinh người”(8).
Việc nhấn mạnh “cấp tiến” yếu tố tích cực của chủ thể được kết hợp với việc phủ
định yếu tố hợp quy luật của phát triển lịch sử xã hội, quan niệm duy vật về lịch
sử được thay thế bằng quan niệm duy tâm về lịch sử như kết quả giả định mục
đích có ý chí của con người. Khách thể như sản phẩm “tác động” biến thành sản
phẩm thuần túy của chủ thể, lịch sử khách quan biến thành kết quả của những quyết
định chủ quan, sự thống trị của quy luật khách quan trở thành biểu hiện thuần
túy của “tha hóa”.
Vào
những năm 1928-1932, Marcuse tiếp tục xét lại chủ nghĩa Mác nhờ đưa ra lý luận
“phủ định hiện tại” như tiền thân của “phép biện chứng phủ định” của Adorno ở
những năm 60 và theo chủ ý của các tác giả này, cần phải thay thế lý luận Mác về
cách mạng vô sản bằng quan niệm hiện sinh chủ nghĩa về “phủ định lịch sử”, tức
sự nổi dậy của trí thức chống lại thống trị của tư bản độc quyền. Theo Marcuse,
không phải phép biện chứng duy vật, mà “hiện tượng học duy vật” cần trở thành
phương pháp nghiên cứu ý thức chủ quan trong lịch sử.
Việc
xét lại triết học Mác cơ bản đã được Marcuse kết thúc trong tác phẩm Những
cội nguồn mới để luận chứng chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận giải các bản thảo lần
đầu tiên được công bố của Mác(9). Dựa vào Bản thảo kinh
tế - triết học năm 1844 lần đầu tiên được công bố, Marcuse yêu cầu xét
lại khái niệm về triết học Mác dưới ánh sáng của tác phẩm này. Ông cố thay thế
cách tiếp cận giai cấp của Mác bằng cách tiếp cận triết học hiện sinh, quy tất
cả mọi mâu thuẫn của xã hội tư bản chủ nghĩa về “tha hóa”. Như vậy, những tác
phẩm đầu tiên của Marcuse cho thấy ông đã đưa luận giải triết học hiện sinh về
chủ nghĩa Mác vào kho tàng tư tưởng của trường phái Frankfurt(10).
Vốn
chủ yếu được đưa vào trường phái Frankfurt thông qua các tác phẩm của E.Fromm,
học thuyết Freud đã trở thành một trong các cội nguồn tư tưởng của trường phái
này, có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hình thành các lý thuyết của nó. Vào những
năm 20, Fromm hoạt động tại Berlin với tư cách một nhà phân tâm học và sau khi
xuất dương sang Mỹ, ông đã cùng với K.Horney (1885-1953) sáng lập trường phái
Freud mới ở Mỹ. Vậy quan điểm Freud mới đã đi vào kho tàng tư tưởng của trường
phái Frankfurt như thế nào? Tất nhiên, bản thân quan điểm phân tâm học của
Freud đã được các nhà lý luận của trường phái Frankfurt xét lại và chỉnh lý.
Thí dụ, trong những bài giảng về học thuyết Freud tại Học viện Tâm thần học
Washington năm 1951-1952 và trong cuốn sách Dục tính và văn minh. Lược
khảo triết học về Sigmund Freud(11) được biên soạn dựa trên
những bài giảng ấy, Marcuse trực tiếp luận chiến chống lại một số tư tưởng của
thuyết Freud mới(12).
Có
thể quy những luận điểm chung của thuyết Freud và thuyết Freud mới được trường
phái Frankfurt tiếp nhận về những điểm sau đây:
Chủ
nghĩa duy vật lịch sử dường như không có khả năng đem lại giải thích thỏa đáng
về hành vi của mỗi con người riêng biệt và do vậy cần bổ sung cho nó các tư tưởng
của thuyết Freud. Theo cách luận giải của Marcuse, cuộc đấu tranh liên tục giữa
các bản năng cơ bản, trước hết là giữa dục tính (Eros) mang tính chất khẳng định
sự sống với bản năng chết (Thanatos), diễn ra trong lĩnh vực hành vi vô thức của
con người. Nhưng, trong cuộc đấu tranh với môi trường tự nhiên và môi trường xã
hội bao quanh, con người buộc phải đè nén, sau đó cải biến các bản năng, các động
cơ vô thức của mình và tuân thủ “nguyên tắc thực tại”. Mọi động vật đều tồn tại
theo nguyên tắc thỏa mãn, tức chúng cố đáp ứng nhu cầu của mình và
né tránh đau khổ. Con người khác với con vật ở chỗ, nó hoãn việc đáp ứng dục vọng
hay thậm chí đè nén chúng, nếu việc trực tiếp đáp ứng chúng đe dọa sự sống còn.
Qua đó, con người thay thế nguyên tắc thỏa mãn bằng nguyên tắc thực tại.
Việc đáp ứng vô hạn dục vọng mang tính bản năng bẩm sinh là nguy hiểm đối với sự
sống của con người trong xã hội, do vậy, con người buộc phải bắt “nguyên tắc thỏa
mãn” phục tùng “nguyên tắc thực tại”. Điều này có nghĩa là con người hạn chế và
cải biến việc đáp ứng những nhu cầu của mình cho phù hợp với các điều kiện xã hội
“thực tại”. Các nhu cầu của nó được thay thế bằng các nhu cầu “văn hóa” hơn,
làm cho con người phục tùng xã hội. Nhưng rốt cuộc, lý tính, sự quan tâm và trí
nhớ, năng lực phán đoán và đánh giá của con người chuyển từ biểu hiện tự do của
tự ý thức thành công cụ “đè nén”, “đàn áp” cá nhân.
Theo
luận giải của Marcuse, được coi là luận giải đặc trưng nhất cho trường phái
Frankfurt ở những năm 60, thì trong điều kiện “xã hội công nghiệp phát triển
cao”, “nguyên tắc thực tại” của Freud chuyển hóa thành “nguyên tắc hiệu suất”
hay “nguyên tắc hiệu quả kinh tế”. Qua đó, bản chất giai cấp của CNTB độc quyền
nhà nước bị xóa nhòa, lao động xã hội chuyển hóa thành nguồn gốc không loại bỏ
được của nô dịch con người. Khái niệm “tha hóa” ở đây mang sắc thái nhân học,
“tâm lý học”.
Cần
nói thêm rằng, thử nghiệm “bổ sung” thuyết Freud cho chủ nghĩa Mác không phải
là độc quyền của trường phái Frankfurt. Với bài viết Chủ nghĩa duy vật
biện chứng và phân tâm học đăng trên tạp chí Dưới ngọn cờ của
chủ nghĩa Mác xuất bản tại Wien vào cuối những năm 20 - đầu những năm
30 thế kỷ trước, W.Reich đã cố xét lại chủ nghĩa Mác, lý giải ảnh hưởng và phổ
biến rộng rãi của hệ tư tưởng phátxít nhờ dựa vào thuyết Freud(13).
Cuối
cùng, phép biện chứng Hegel, hay nói chính xác hơn là luận giải về nó của phái
Hegel trẻ, trở thành một trong các cội nguồn lý luận của trường phái Frankfurt.
Luận án Bản thể luận của Hegel và cơ sở của lý thuyết về lịch sử tính của
Marcuse, tác phẩm Lý tính và cách mạng. Hegel và sự xuất hiện của lý
thuyết về xã hội(14) và đặc biệt là hàng loạt tác phẩm của
Adorno đề cập tới triết học Hegel(15) chứng tỏ nhận định nêu
trên. Những luận điểm cơ bản đóng vai trò quyết định đối với quá trình hình
thành trường phái Frankfurt trước hết là luận giải mọi quá trình đối tượng hóa
và vật hóa các “lực lượng bản chất” nội tại của con người đều là tha hóa tất yếu.
Phủ định biện chứng được thay thế bằng “phủ định tuyệt đối” cấp tiến, “biện chứng
phủ định”.
Tác
phẩm Chủ nghĩa Mác và triết học (1923) của K.Korsch và cuốn
sách Lịch sử và ý thức giai cấp (1923) của G.Lukács cùng với
luận giải độc đáo về triết học Hegel của hai ông đã có ảnh hưởng nhất định đến
quá trình hình thành trường phái Frankfurt. Với Korsch, đây là vấn đề “thủ tiêu
triết học”, vì ông quan niệm mọi triết học đều là hệ tư tưởng, mà hệ tư tưởng là
ý thức giả dối. Do vậy, trong quá trình xây dựng xã hội cộng sản, mọi hình thái
của ý thức giả dối cần bị thủ tiêu. Trên giai đoạn phát triển hiện đại của lịch
sử, chủ nghĩa Mác cần phê phán xã hội tư sản như “tổng thể” và thủ tiêu nó,
song không nên bị quy thành một bộ môn xã hội học “riêng tư” về xã hội. Với
Lukács, vấn đề ở đây là quan niệm về phương pháp biện chứng bắt nguồn từ luận
giải của ông về triết học Hegel, cụ thể là từ việc phủ định biện chứng của tự
nhiên và khẳng định đồng nhất của tồn tại và tư duy(16).
Tiếp
thu tinh thần "phê phán" của Mác, các đại diện của trường phái
Frankfurt đã tiến hành phê phán xã hội công nghiệp phát triển, đã vạch trần các
hình thức biểu hiện đặc thù của tha hóa hiện đại, đã nỗ lực luận giải nguyên
nhân làm xuất hiện tha hóa đó.
Vấn
đề về khoa học và lý tính khoa học - kỹ thuật, về ứng dụng khoa học về mặt kỹ
thuật và những hệ quả văn hóa xã hội của nó làm cho tất cả các đại diện của trường
phái Frankfurt quan tâm. Họ xuất phát từ tư tưởng của Mác về khoa học như lực
lượng sản xuất trực tiếp và từ đó lưu ý tới vai trò ngày một tăng của khoa học
trong phát triển xã hội. Sau đó, xuất phát từ cách mạng khoa học - kỹ thuật diễn
ra ở thế kỷ XX, các đại diện của trường phái Frankfurt có thái độ tiêu cực đối
với cách mạng khoa học - kỹ thuật, vì nó trở thành phương tiện quân phiệt hóa nền
kinh tế của phần lớn quốc gia phương Tây, để tự duy trì loại hình văn minh đã
trở nên lỗi thời - văn minh tư sản. Theo họ, cách mạng khoa học - kỹ thuật (tức
là khoa học truyền thống và tính hợp lý nói chung) không tách rời khỏi cuộc chạy
đua vũ trang và kết quả tất yếu của nó là chiến tranh và tất cả những gì biểu
hiện khát vọng quyền lực. Từ đó, kết luận chung của các đại diện trường phái
Frankfurt là: việc đẩy mạnh cách mạng khoa học - kỹ thuật trong điều kiện văn
minh tư sản có nghĩa là đẩy mạnh cơn mê sảng tâm thần của lý tính điên rồ, mà hệ
quả của nó chính là nạn diệt chủng của chủ nghĩa phátxít.
Nói
tóm lại, tinh thần phê phán xã hội của Mác được các đại diện của trường phái
Frankfurt nỗ lực phát triển vào việc phê phán văn minh công nghiệp phát triển
thông qua phân tích có phê phán hiện tượng cách mạng khoa học - kỹ thuật và những
hệ quả văn hóa xã hội của nó. Cách mạng khoa học - kỹ thuật được nhìn nhận là
quá trình làm cằn cỗi, bóp chết giới tự nhiên và sản xuất, con người và xã hội
bởi bản thân con người. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta về những hệ quả
nhân văn khôn lường do quá sùng bái tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà lãng quên giới
hạn của nó.
Bên
cạnh những đóng góp đáng ghi nhận trong việc dùng “lý thuyết phê phán” xã hội
nhằm phát triển chủ nghĩa Mác trên nhiều luận điểm cơ bản cho phù hợp với xã hội
phương Tây hiện đại, nhận diện về lý luận các mối quan hệ xã hội tư bản chủ
nghĩa đương thời, vạch rõ bản chất bất bình đẳng, cơ chế “cực quyền” của nó, hướng
con người cá nhân tới một thực tiễn xã hội tốt đẹp hơn, giải phóng cá nhân khỏi
sự đè nén, kiểm soát của “thế giới hành chính hóa” v.v.. thì “lý thuyết phê
phán” cũng bị phê phán mạnh mẽ từ các nhà mácxít. Các nhà mácxít chính thống
phê phán nhiều điểm, nhưng tập trung mạnh mẽ vào việc vạch ra tính chất “duy
tâm, tư sản” của “lý thuyết phê phán” xã hội của trường phái Frankfurt, vì nó
không cho thấy mối quan hệ hữu cơ nào với thực tiễn cách mạng và vì thế, “lý
thuyết phê phán” chỉ làm cho phong trào cách mạng trở nên bị cô lập và suy yếu
đi.
Một
trong những đóng góp hết sức to lớn của Horkheimer và các đại biểu của trường
phái Frankfurt chính là đã xác định được vấn đề “cốt tử” của xã hội phương Tây
hiện đại là vấn đề thực trạng sự tha hóa tinh thần của con người phương Tây và
cố tìm con đường, biện pháp khắc phục tha hóa đó.
Phát
triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện thực hiện bước chuyển lên xã hội
hiện đại, vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc,
có phê phán và cầu thị những thành công và thất bại của giới lý luận “mácxít”
phương Tây khi lĩnh hội và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện xã hội phương
Tây hiện đại. Bước đầu giới thiệu trường phái Frankfurt qua lịch sử hình thành
và khảo sát những “bổ sung” học thuyết Mác của nó, bước đầu đánh giá về trường
phái này trên lập trường nhân văn, khoa học của chủ nghĩa Mác. Nếu bỏ qua những
hạn chế, thì có thể nói rằng những “cảnh báo” của trường phái Frankfurt vẫn còn
ý nghĩa thời sự đối với Việt Nam chúng ta đang trong quá trình đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
___________________
(1) Xem thêm: K. Gruenberg (Hrsg). Lưu trữ dữ
liệu về lịch sử của chủ nghĩa xã hội và phong trào công nhân (Archiv fuer
Geschichte des Sozialismus und der Arbeiterbewegung). Wien, 1911-1930; Bd
1-14.
(2)
Xem tuyên ngôn mang tính chất cương lĩnh của Horkheimer: M.Horkheimer. Thực trạng
triết học xã hội và các nhiệm vụ của một Viện nghiên cứu xã hội (Die
gegenwaertige Lage der Sozialphilosophie und die Aufgaben eines Instituts fuer
Sozialforschung). Frankfurt a. M., 1931.
(3)
F.Pollock. Những thử nghiệm kinh tế kế hoạch ở Liên Xô: 1917 - 1927 (Die
planwirtschaftlichen Versuche in der Sowjetution: 1917-1927). Leipzig, 1929.
(4)
F.Pollock. Tự động hóa. Các tài liệu nhằm đánh giá về các hệ quả kinh tế và xã hội
của nó (Automation. Materialen zur Beurteilung ihrer oekonomischen und sozialen
Folgen). Frankfurt a. M., 1964.
(5)
H.Grossmann. Quy luật tích lũy và diệt vong của hệ thống tư bản chủ nghĩa (Das
Akkumulations - und Zusammenbruchgesetz des kapitalistischen Systems) -
Schriften des Instituts fuer Sozialforschung an der Universitaet Frankfurt a.
M., Bd. I. Leipzig, 1929.
(6),(8)
H.Marcuse. Các bài viết về hiện tượng học của chủ nghĩa duy vật lịch sử
(Beitraege zu einer Phaenomenologie des historischen Materialismus. -
“Philosophische Hefte”). 1928, N1, tr.47.
(7)
H.Marcuse. Về triết học cụ thể (Ueber konkrete Philosophie. - “Archiv fuer
Sozialwissenschaften und Sozialpolitik”) 1929, Bd. 62.
(9)
H.Marcuse. Những cội nguồn mới để luận chứng chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận giải
các bản thảo lần đầu tiên được công bố của Mác (Neue Quellen zur Grundlegung
des Historischen Materialismus - Interpretation der neuveroeffentlichten
Manuskripte von Marx. - “Die Gesellschaft”). Berlin, 1932, N 8, tr. 136-174.
(10)
Nhân đây xin xem thêm luận án của Th.Adorno (Th.Adorno. Kierkegaad. Cấu trúc của
cái thẩm mỹ; Kierkegaard. Konstruktion des Aestheischen) 1933, 2. Aufl. 1966.
(11)
H.Marcuse. Dục tính và nền văn minh. Lược khảo triết học về Freud (Eros and
Civilization. A Philosophical Inquiry into Freud). Boston, 1955 (xem thêm:
H.Marcuse. Eros und Kultur. Stuttgart, 1957).
(12)
Sđd, tr. 234-265.
(13)
Xem: W.Reich. Tâm lý học đại chúng về chủ nghĩa phát xít (Massenpsychologie des
Faschismus. Zur Sexualoekonomie der Reaktion und der proletarischen
Sexualpolitik) 2. Aufl.
(14)
H.Marcuse. Bản thể luận của Hegel và cơ sở của lý thuyết về lịch sử tính
(Hegels Ontologie und die Grundlegung einer Theorie der Geschichtlichkeit).
Frankfurt a. M.; Reason and Revolution. Hegel and the Rise of Social Theory.
New York, 1941.
(15)
Th.W.Adorno. Ba nghiên cứu về Hegel (Drei Studien zu Hegel). Frankfurt a. M.,
1963; Biện chứng phủ định (Negative Dialektik). Frankfurt a. M., 1966.
(16)
G.Lukács. Lịch sử và ý thức giai cấp (Geschichte und Klassenbewusstsein).
Neuwied, 1970.
Nguồn:http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/498-truong-phai-frankfurt-va-anh-huong-chinh-tri-tai-phuong-tay.html