Tóm tắt Khế ước xã hội (Q1)

Posted on
  • Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Minh dịch
    Quyển I, Chương I - IV
    Tóm tắt
    Trong Quyển I, Rousseau muốn khám phá ra lý do con người từ bỏ sự tự do tự nhiên, sự tự do mà họ sở hữu trong trạng thái tự nhiên, và làm thế nào để quyền lực chính trị trở nên hợp pháp. Ông bắt đầu với câu nói nổi tiếng “Con người sinh ra tự do, nhưng đâu đâu cũng sống trong xiềng xích”. Xiềng xích này chính là các nghĩa vụ, bổn phận của mỗi người đối với cộng đồng. Theo Rousseau, bổn phận chung này chỉ có ý nghĩa khi chúng bắt nguồn từ sự thỏa ước.
    (1) Ông phủ nhận quan điểm cho rằng tính hợp pháp của thẩm quyền chính trị bắt nguồn từ tự nhiên. Theo Rousseau, xã hội cổ xưa nhất và là xã hội tự nhiên duy nhất đó là gia đình. Tuy nhiên, trẻ con chỉ bị ràng buộc với cha mẹ bao lâu chúng còn cần cha mẹ để chăm sóc cho chúng. Một khi đứa trẻ trưởng thành, các thành viên gia đình lại trở về với trạng thái độc độc lập lẫn nhau trước đó của họ. Gia đình là hình mẫu của tất cả các xã hội chính trị: cha là thủ lĩnh, và con là dân chúng. Mỗi người từ bỏ sự tự do của mình để nhận lấy sự bảo vệ của gia đình, và vì vậy thúc đẩy lợi ích của riêng họ. 
    (2) Theo Rousseau, sức mạnh không thể là cơ sở cho tính hợp pháp của thẩm quyền chính trị. Mọi người tuân theo những kẻ mạnh hơn họ là điều dĩ nhiên, vì họ không có lựa chọn. Do đó, quyền của kẻ mạnh không thể tạo ra một ý nghĩa về bổn phận, vốn cần thiết để thiết lập một quyền thực sự. Ngoài ra, bởi vì sức mạnh có tính tương đối, nên các hệ quả của quyền này thay đổi khi nguyên nhân tạo ra nó thay đổi. Ngay khi một người biến anh ta thành kẻ mạnh nhất, thì tất cả các tuyên bố trước đó vốn được thiết lập trên quyền của kẻ mạnh sẽ trở nên vô nghĩa. Vì vậy, khuyết điểm chính của loại quyền này là nó có thể bị phá vỡ một cách hợp pháp.
    Bởi vì không ai có thẩm quyền tự nhiên đối với người khác, và bởi vì lực không tạo ra quyền, nên tất cả thẩm quyền hợp pháp phải dựa trên sự thỏa ước.
    (3) Rousseau tiếp tục bác bỏ Grotius, người cho rằng nhà nước có thể hợp pháp ngay cả khi người dân là nô lệ và chính quyền là chủ nô. Ông bất đồng với tuyên bố của Grotius là người dân có thể chuyển nhượng sự tự do của họ và trao chính họ cho vua. Theo Rousseau, không ai từ bỏ sự tự do của mình mà không đổi lại được thứ gì. Một luận điểm chung được thừa nhận bởi các triết gia chính trị đó là người dân có thể từ bỏ sự tự do của họ để đổi lại sự yên bình dân sự mà vua mang lại. Tuy nhiên, theo Rousseau thì hứa hẹn về sự yên bình dân sự này sẽ trở nên vô nghĩa khi các ông vua đưa đất nước vào vô số cuộc chiến tranh và đưa ra các đòi hỏi vô cớ đối với dân chúng. Và dù một người sẵn sàng hi sinh sự tự do của anh ta, thì anh ta cũng không thể dâng tặng sự tự do của con cái của họ mà không có sự đồng ý của chúng. Do đó, để cho một xã hội là hợp pháp, mỗi thế hệ phải đưa ra sự chấp thuận công khai của họ về sự từ bỏ sự tự do này.
    (4) Rousseau cũng bác bỏ ý tưởng của Grotius là tình trạng nô lệ có thể được xem như là một khế ước giữa ông chủ và nô lệ. Rousseau cho rằng, không có sự đề bù nào có thể bù đắp cho sự thiệt hại mà một người từ bỏ sự tự do của anh ta. Ngoài ra, Rousseau tin rằng các hành động chỉ có thể có tính đạo đức khi chúng được thực hiện một cách tự do. Một luận điểm khác của Grotius ủng hộ cho tình trạng nô lệ là dựa vào chiến tranh: ông cho rằng kẻ thắng có quyền giết kẻ bại, và kẻ sau có thể bán sự tự do của mình để đổi lấy mạng sống. Roussau bác bỏ luận điểm của Grotius là kẻ chiến thắng có thể giết kẻ chiến bại. Vì chiến tranh là giữa các quốc gia không phải giữa những con người cá nhân, nên sau khi một quốc gia thất trận, các binh sĩ của họ ngừng là kẻ thù đối với quốc gia đối địch, và không ai có quyền đối với mạng sống của họ.
    Phân tích
    Trong quyển 1 của Khế ước xã hội, Rousseau tìm kiếm cơ sở cho tính hợp pháp của quyền lực chính trị. Để thực hiện nhiệm vụ này, ông khảo sát quá trình chuyển biến của con người từ trạng thái tự nhiên đến xã hội dân sự. Rousseau trình bày rõ ràng các quan điểm của ông về trạng thái tự nhiên trong tác phẩm trước đó là, Luận về nguồn gốc của bất bình đẳng. Trong tác phẩm này, Rousseau cho rằng cuộc sống trước khi xuất hiện xã hội dân sự yên bình hơn, bởi vì mọi người có một lối sống đơn giản, không sở hữu tài sản và ít cảm xúc. Do đó, con người tự nhiên không có lý do để xung đột, và họ chỉ no lắng cho sự sinh tồn của mình. Ý tưởng của Rousseau về trạng thái tự nhiên trái ngược với ý tưởng của Thomas Hobbes, người cho rằng cuộc sống trong trạng thái tự nhiên là “cô độc, dơ dáy, nghèo nàn, tàn bạo, và ngắn ngủi”. Sự khác nhau chính giữa hai triết gia là, theo quan điểm của Rousseau, Hobbes đã nhầm lẫn con người tự nhiên với con người hiện đại. Bởi vì Hobbes thấy con người hiện đại luôn đói khát, tham vọng…, nên ông cho rằng những đặc điểm này là một phần của bản chất tự nhiên của con người. Trái lại, Rousseau tin là con người sinh ra với một lòng trắc ẩn tự nhiên, và trạng thái tự nhiên không phải là một “cuộc chiến tất cả chống lại tất cả” như Hobbes tin.
    Điều quan trọng cần nhấn mạnh đó là Rousseau không nói rõ khi nào thì sự chuyển dịch từ trạng thái tự nhiên sang xã hội dân sự xảy ra. Ông cũng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào về việc con người cư xử như ông tuyên bố. Trong thực tế, Rousseau thừa nhận trong Luận về nguồn gốc của bất bình đẳng là giải thích của ông có thể không phải là một sự mô tả chính xác về tiến trình của các sự kiện hiện thực. Những người phê phán Rousseau tập trung vào sự thiếu bằng chứng lịch sử này để làm suy yếu lý thuyết chính trị của ông, tuy nhiên độc giả cần hiểu là Rousseau muốn tạo ra một trạng thái lý tưởng để nỗ lực để làm sáng tỏ hơn luận điểm của ông về thẩm quyền chính trị.
    Ngoài Hobbes, Rousseau còn tranh luận với Hugo Grotius trong Quyển I. Grorius, sinh năm 1583, là một nhân vật xuất chúng trong triết học, lý thuyết chính trị, và luật pháp ở thế kỉ 18. Grotius và Rousseau khác nhau chủ yếu ở ý tưởng của họ về các quyền. Grotius tin là quyền đơn giản bắt nguồn từ sức mạnh, và không đòi hỏi sự chấp thuận về mặt đạo đức. Điều này trái ngược hoàn toàn với khái niệm của Rousseau về quyền, trong đó đạo đức chiếm một vị trí quan trọng. Theo Rousseau, dù kẻ chiến thắng trong chiến tranh có khả năng để giết kẻ chiến bại, tuy nhiên sự chiến thắng không mang lại cho họ quyền làm như vậy. Grotius cũng ủng hộ ý tưởng cho rằng quyền có thể chuyển nhượng hoặc bán như là hàng hóa. Ông sử dụng ý tưởng này để bảo vệ cho tình trạng nô lệ và chế độ quân chủ chuyên chế. Trái lại, Rousseau tin rằng các quyền (như quyền tự do) là không thể san nhượng, vì vậy không thể bị chuyển nhượng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
    Quyển I, Chương V-IX
    Tóm tắt
    Con người hình thành xã hội khi các thách thức mà họ gặp trong trạng thái tự nhiên vượt quá khả năng mà một cá nhân đơn lẻ có thể giải quyết. Mỗi người từ bỏ sự tự do tự nhiên của mình – sự tự do làm bất cứ điều gì mình muốn – đổi lại cho một sức mạnh lớn hơn của toàn thể cộng đồng. Bởi vì mọi người trao bản thân mình và mọi quyền mà mình có cho cộng đồng, nên các điều khoản của khế ước xã hội phải là bình đẳng cho tất cả những người tham gia. Sự kết hợp của nhiều cá nhân với cùng lợi ích tạo ra một thực thể có tính tập thể với một đời sống và ý chí riêng. Thực thể này được gọi là “quốc gia” khi nó bị động, và “quyền tối cao” khi nó chủ động.
    Bởi vì quyền tối cao có thể được coi như là một con người cá nhân, nên không có luật pháp nào cưỡng bách đối với nhân dân xét như là một thực thể. Điều này cũng tương tự như việc một con người cá nhân đưa ra một khế ước với chính anh ta (vô lý). Tuy nhiên, quyền tối cao không thể làm bất cứ điều gì có hại đối với khế ước xã hội, bởi vì điều đó sẽ làm cho xã hội bị tan rã. Ngoài ra, bởi vì nó được hình thành từ sự kết hợp của những cá nhân, nên quyền tối cao không thể có lợi ích mâu thuẫn với các thành viên của nó. Điều tương tự không đúng với mối quan hệ giữa cá nhân và quyền tối cao. Mỗi con người các nhân có thể có lợi ích riêng tư mà có thể gây cản trở hoặc thậm chí có hại cho ý chí chung, nhưng khế ước xã hội ngấm ngầm đòi hỏi cá nhân phải hành động phù hợp với lợi ích chung.
    Rousseau cho rằng sự chuyển dịch từ trạng thái tự nhiên đến xã hội dân sự mang lại một ý niệm về công bằng mà trước đó không có. Trong khi trong trạng thái tự nhiên con người chỉ hành động theo sự thôi thúc thể xác, thì trong bối cảnh xã hội anh ta cảm thấy một nghĩa vụ đối với đồng loại. Từ sự thay đổi về mặt đạo đức này, các năng lực trí tuệ của con người phát triển, và tâm hồn của con người nâng cao. Đây là một sự phát triển tích cực nếu các yêu cầu của xã hội dân sự không quá cao.
    Mỗi người trao chính anh ta – bao gồm tất cả sở hữu của anh ta – cho cộng đồng khi cộng đồng được hình thành. Quyền tối cao không kiểm soát việc sử dụng tài sản tư nhân, nhưng đề nghị cho nó một sự bảo vệ tốt hơn so với sự bảo vệ mà cá nhân có thể mang lại. Điều này là vì sở hữu công là mạnh hơn và dễ được chấp nhận hơn sở hữu tư. Cộng đồng hợp pháp hóa quyền chiếm hữu đầu tiên. Nó chuyển sự chiếm hữu các nguồn lực tự nhiên thành một quyền hợp pháp, bởi vì tất cả công dân thừa nhận sự hợp pháp của sở hữu tư nhân.
    Rousseau kết thúc Quyển I bằng cách nhấn mạnh cơ sở cho mọi hệ thống xã hội. Thay vì phá hủy sự bất bình đẳng tự nhiên, khế ước xã hội làm cho những sự khác biệt về thể xác trong trạng thái tự nhiên trở nên vô nghĩa, vì vậy mọi người có thể bình đẳng bởi thỏa ước và bình đẳng về quyền.
    Phân tích
    Rousseau lập luận rằng, ở một thời điểm nào đó, thách thức mà con người gặp phải trong trạng thái tự nhiên trở nên quá lớn so với khả năng của một cá nhân. Con người hình thành một cộng đồng để kết hợp sức mạnh và tài năng của nhiều cá nhân lại. Tuy nhiên, sự kết hợp này đối mặt với một vấn đề là làm sao để các cá nhân vẫn giữ được sự tự do của mình trong khi anh ta trao bản thân cho nhà nước. Rousseau đưa ra hai điều kiện cho một chính thể hợp pháp. Thứ nhất là công dân không bị phụ thuộc vào người khác, và thứ hai là khi tuân theo luật pháp công dân chỉ tuân theo chính anh ta. Thông qua Khế ước xã hội, Rousseau tạo ra các điều khoản cho khế ước mà đảm bảo để đáp ứng hai điều kiện trên.
    Khi con người liên kết với nhau hình thành một cộng đồng, họ tạo ra một thực thể chính trị với một đời sống và ý chí riêng. Với việc trao tất cả các quyền của anh ta cho quyền tối cao và do đó cho tất cả các thành viên của nó, thì một công dân không trao anh ta cho một ai cụ thể. Anh ta đạt được một sự tự do tương tự sự tự do mà anh ta mất đi, và bây giờ anh ta có một sức mạnh lớn hơn để bảo vệ cuộc sống và tài sản của anh ta.
    Dù tham gia vào khế ước xã hội mang lại nhiều lợi ích, Rousseau thừa nhận là mọi người thường có lợi ích xung đột với lợi ích của quyền tối cao. Ông khẳng định là bất cứ ai không tuân theo ý chí chung sẽ bị cộng đồng buộc phải làm như vậy, và do đó “buộc phải tự do.” Phát biểu này gây bối rối cho các độc giả của Rousseau. Từ phát biểu như vậy, một số cho rằng Rousseau ủng hộ sự chuyên chế và không quan tâm đến các quyền của cá nhân. Dù phát biểu này có vẻ nghịch lý, tuy nhiên điều quan trọng cần nhớ là Rousseau phân biệt một vài dạng tự do. Sự tự do tự nhiên là khả năng làm bất cứ điều gì mình muốn, và chỉ tồn tại trong trạng thái tự nhiên. Khi một người tham gia vào khế ước xã hội, anh ta từ bỏ sự tự do tự nhiên để đổi lấy sự tự do dân sự, và phải tuân theo luật pháp mà anh ta tham gia tạo ra. Rõ ràng Rousseau thích sự tự do dân sự hơn là sự tự do tự nhiên, và khái niệm của ông là một số người phải bị “buộc phải tự do” là tương thích với sự tự do dân sự.
    Phát biểu gây tranh cãi này cũng có thể được hiểu theo cách khác. Rousseau tin rằng tự do và bình đẳng có quan hệ chặt chẽ: vì mỗi người chỉ tuân theo chính anh ta, luật pháp phải áp dụng cho mọi người. Khi một người phá vỡ luật tạo ra một quan hệ bất bình đẳng giữa anh ta và những người tuân theo luật. Trong hoàn cảnh này, nhà nước có thể sử dụng sức mạnh để đảm bảo sự bình đẳng giữa các công dân của nó.  
    Nguồn: http://www.gradesaver.com/the-social-contract/study-guide/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org