Nước Nhật đã cải cách nội dung chương trình và sách giáo khoa phổ thông các môn xã hội như thế nào sau chiến tranh thế giới thứ hai?

Posted on
  • Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Nguyễn Quốc Vương
    Tính từ thời điểm năm 1945 tới nay, giáo dục Nhật  đã trải qua nhiều lần cải cách. Trong đó lần cải cách lớn nhất tạo nên bước ngoặt lịch sử cho dân tộc Nhật  xuất phát ngay sau khi  Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc và cuộc cải cách giáo dục gần đây nhất được đánh dấu bằng sự ra đời của Bản hướng dẫn học tập sửa đổi do Bộ giáo dục ban hành tháng 3 năm 2008. Bài viết này xin được điểm qua những nét lớn về sự thay đổi nội dung chương trình và sách giáo khoa phổ thông qua những lần cải cách ấy.
    Vượt qua khủng hoảng
     Sau ngày 15-8-1945, giáo dục Nhật trải qua một khoảng thời gian “hỗn loạn” ngắn  do hậu quả của chiến tranh. Bất ngờ trước kết cục  chiến tranh, phần lớn  người dân Nhật chìm trong tâm trạng bi quan, chán nản và tuyệt vọng. Hai thành phố bị dội bom nguyên tử, nhiều trường học bị cháy vì những trận không kích của quân Đồng minh, kinh tế đình trệ và nạn khan hiếm lương thực trở nên trầm trọng. Trong  tình thế ấy Bộ giáo dục Nhật đã nhanh chóng có những bước đi cần thiết để đưa họat động trường học trở lại bình thường. Tròn một tháng sau ngày Thiên hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, Bộ giáo dục Nhật công bố bản “Phương châm giáo dục nhằm xây dựng nước Nhật Bản mới”. Bản phương châm 11 điểm  này nêu rõ nước Nhật cần xây dựng ngay một nền giáo dục mới để “loại trừ chủ nghĩa quân phiệt”, “giáo dục tư duy khoa học”, “làm sâu sắc văn hóa quốc dân”, “ xây dựng quốc gia hòa bình” và “đóng góp vào sự tiến bộ thế giới”. Bản phương châm cũng nêu lên những nguyên tắc cơ bản nhất trong việc xử lí nền giáo dục thời chiến,  tổ chức lại các đoàn thể học sinh, tái đào tạo giáo viên , tái tổ chức lại Bộ giáo dục…  Trong thời gian chờ sách giáo khoa mới xuất bản, Bộ giáo dục Nhật chỉ đạo các trường loại bỏ khỏi sách giáo khoa hiện hành những nội dung ca ngợi chủ nghĩa quân phiệt và đưa vào sử dụng đảm bảo cho kì học mới bắt đầu từ tháng 9 được tiến hành bình thường. Môn  Tu Thân vốn là môn học đóng vai trò  trụ cột  giáo dục cho học sinh lòng trung thành với Thiên hoàng và chủ nghĩa quân phiệt bị đình chỉ vĩnh viễn.
    Ngày 3 tháng 11 năm 1946, hiến pháp mới ra đời thay thế cho bản hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản ban hành dưới thời Minh Trị(1). Bản hiến pháp này đã tạo cơ sở pháp lí cho sự ra đời của các bộ luật về giáo dục  trong năm 1947 như: Luật giáo dục cơ bản, luật giáo dục trường học, Luật về cơ cấu tổ chức Bộ giáo dục…làm nền tảng cho cuộc cải cách giáo dục toàn diện  xây dựng nền giáo mới.
    Thực hiện một chương trình chuẩn với nhiều bộ sách giáo khoa
    Tháng 3 năm 1947, Bộ giáo dục Nhật ban hành  Bản hướng dẫn học tập đánh dấu cuộc cải cách giáo dục trên quy mô toàn quốc bắt đầu đi vào quỹ đạo. Đây là bản chương trình khung quy định nội dung cơ bản của các môn học được giảng dạy  tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các trường đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật không phân biệt trường quốc lập, công lập hay tư thục.
    Cùng với việc ban hành Bản hướng dẫn học tập, Bộ giáo dục Nhật cho thực hiện chế độ kiểm định sách giáo khoa áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Các nhà xuất bản tư nhân căn cứ trên nội dung cơ bản của Bản hướng dẫn học tập mà tiến hành biên soạn sách giáo khoa. Những cuốn sách này nếu vượt qua sự xét duyệt của Hội đồng thẩm định do Bộ chủ trì sẽ được công nhận là sách giáo khoa chính thức sử dụng trong các trường phổ thông. Việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào là do hiệu trưởng hoặc Ủy ban giáo dục ở các địa phương quyết định. Kể từ năm 1947, cứ khoảng 10 năm Bộ giáo dục Nhật lại tiến hành sửa đổi Bản hướng dẫn học tập một lần và đi kèm theo là sự phát hành sách giáo khoa mới. Tính đến nay  nước Nhật đã trải qua 7  lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa vào các năm : 1947,1958, 1968, 1977, 1989, 1998, 2008. Hiện tại Bản hướng dẫn học tập  mới nhất được ban hành vào tháng 3 năm 2008 nhưng sự phát hành sách giáo khoa mới phải đợi đến năm học 2010-2011.
    Không chỉ là thêm bớt nội dung
    Mỗi lần Bản hướng dẫn học tập được ban hành đều có những thay đổi lớn. Những thay đổi đó không phải chỉ dừng ở việc thêm hay bớt nội dung mà mỗi  lần sửa đổi Bộ giáo dục đều đưa ra những phương châm-triết lí giáo dục mới. Phương châm-triết  lí ở đây được hiểu là những nguyên tắc cơ bản nhất chỉ đạo cải cách giáo dục. Nó thể hiện ngắn gọn và tập trung nhất tư duy của Bộ về mục tiêu giáo dục tức hình ảnh con người cần xây dựng.
    Bản hướng dẫn học tập  năm 1947 mang trong mình sự chuyển đổi 180 độ của giáo dục Nhật.Bản hướng dẫn học tập này  được biên soạn dựa trên tinh thần của hiến pháp 1947 và là sự cụ thể hóa những nội dung đã được quy định  trong các bộ luật giáo dục được ban hành trước đó. Chương trình giáo dục mới này ra đời từ sự phản tỉnh sâu sắc về những sai lầm của nền giáo dục trước chiến tranh và tiếp thu những thành tựu giáo dục mới trên thế giới đặc biệt là giáo dục Mĩ. Hình ảnh con người mà nền giáo dục mới giờ đây hướng tới không phải là những thần dân có tinh thần “trung quân ái quốc” mà là những công dân có đầy đủ tri thức, phẩm chất, năng lực phù hợp với xã hội hòa bình, dân chủ và tôn trọng con người. Trong Bản hướng dẫn học tập này môn Xã hội(2) với tư cách môn học hoàn toàn mới được xác định là trung tâm của cuộc cải cách giáo dục. Phương pháp giáo dục chuyển từ truyền thụ tri thức một chiều sang lấy học sinh làm trung tâm, tôn trọng và phát huy tới mức tối đa tư duy độc lập và sự tự chủ  của người học. Nội dung các bài học và  phương pháp dạy học được thiết kế và sử dụng dựa trên kinh nghiệm cuộc sống của học sinh. Các phương pháp học tập như thảo luận, tranh luận, điều tra thông tin, làm dự án,… trở thành những phương pháp học tập chủ yếu.Bản hướng dẫn học tập năm 1947 đã đặt nền tảng quan trọng cho  quá trình cải cách giáo dục tiếp diễn về sau.
    Các bản hướng dẫn học tập tiếp theo đều đưa ra những điều chỉnh về phương châm giáo dục. Theo trình tự thời gian, sự điều chỉnh đó thể hiện như sau:
    Bản hướng dẫn học tập  năm 1958:  nhấn mạnh tính hệ thống của nội dung học tập trong trường phổ thông, coi trọng hình thành học lực cơ bản.
    Bản hướng dẫn học tập  năm 1968:  đề xướng xây dựng chương trình giáo dục có tính thống nhất và hài hòa.
     Bản hướng dẫn học tập  năm 1977:  tập trung xây dựng giờ học hấp dẫn,  phát huy tính sáng tạo của học sinh.
    Bản hướng dẫn học tập năm 1989: nêu ra quan điểm mới về học lực và chủ trương coi trọng cá tính của học sinh.
    Bản hướng dẫn học tập năm 1998: đưa ra khái niệm giờ học tổng hợp( nơi thể hiện mối quan hệ tích hợp giữa các môn học) và khái niệm giáo dục “sức sống”. “Sức sống” ở đây được dùng để chỉ năng lực ứng phó với những biến đổi của xã hội trong đó trọng tâm là năng lực  tư duy độc lập  trong phát hiện vấn đề, năng lực chủ động   học tập tri thức, năng lực  tự chủ  trong phán đoán và hành động giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
    Bản hướng dẫn học tập  năm 2008: nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ cân bằng giữa lĩnh hội tri thức,  kĩ năng với hình thành các năng lực như: năng lực tư duy, năng lực phê phán, năng lực diễn đạt.
    Sách giáo khoa do được biên soạn dựa trên chương trình tiêu chuẩn mà Bản hướng dẫn học tậpvạch ra cho nên nội dung và cách thức trình bày cũng thay đổi theo từng thời kì. Ngoại trừ sách giáo khoa phát hành lần đầu tiên căn cứ trên  Bản hướng dẫn học tập năm 1947 thì  sự thay đổi lớn nhất diễn ra  ở lần thay sách  năm 1991(3). Xin được dẫn ra sự thay đổi ở sách giáo khoa lịch sử tiểu học như một minh chứng.
    Sách giáo khoa lịch sử tiểu học xuất bản năm 1991 không phải chỉ chứa phần văn bản chính, các sử liệu và thông tin giải thích sử liệu mà còn bao gồm cả các vấn đề đặt ra cần phải làm sáng tỏ, những ý kiến  đánh giá về nhân vật lịch sử của giáo viên,  học sinh(4), sự giải thích, thuyết minh về nhân vật. Các thông tin này được hòa trộn trong sự đa thanh điệu( multi-voice) về giọng kể. Sự thuật lại lịch sử không phải chỉ được thể hiện trong phần văn bản chính mà còn được phân tán ở bên lề trang sách. Thêm nữa ở mỗi trang sách còn có cả lời văn  hay những thông tin  thể hiện quan điểm,  tâm tình, động cơ của nhân vật lịch sử cũng như  người đương thời. Đấy là đặc trưng nổi bật  của sách giáo khoa lịch sử tiểu học xuất bản năm 1991 thay thế cho sự đơn điệu về thông tin và giọng kể của các bộ sách giáo khoa trước đó.
    Tiếp  nhận phản biện đa chiều
    Cơ chế thực hiện một chương trình chuẩn với nhiều bộ sách giáo khoa duy trì suốt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay luôn trở thành trung tâm của những cuộc tranh luận về giáo dục và cải cách giáo dục ở Nhật. Những ý kiến phản biện thường tập trung vào ba vấn đề chính : chế độ kiểm định sách giáo khoa, bản hướng dẫn học tập và nội dung, hình thức  sách giáo khoa.
    Về chế độ kiểm định sách giáo khoa và sách giáo khoa có nhiều ý kiến cho rằng nên bãi bỏ kiểm định dần dần đối với từng môn học, từng cấp học tiến tới trao hoàn toàn quyền tự chủ biên soạn và lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà giáo dục và học sinh giống như các nước Mĩ, Phần Lan, Pháp… đang làm. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 846 (tháng 10 năm 2008),  nhà giáo dục học Ishiyama Hisao nêu kiến nghị  trong khi chưa bỏ được chế độ kiểm định thì cần thiết phải công khai minh bạch quá trình xét duyệt và đối với những cuốn sách không lọt qua vòng kiểm định,  Bộ giáo dục phải có trách nhiệm giải thích  đối với tác giả và nhà xuất bản. Trên tạp chí Bình luận lịch sử số 706 ( tháng 2 năm 2009), Obinata Sumio, một nhà giáo dục lịch sử đã ba lần tham gia biên soạn sách giáo khoa, cho rằng đối với sách giáo khoa thì không phải chỉ dừng lại ở việc tranh luận xem chúng được biên soạn như thế nào, nội dung ra sao mà còn cần phải làm rõ chúng  đang được sử dụng như thế nào nữa.
    Cùng với sách giáo khoa, Bản hướng dẫn học tập của Bộ giáo dục cũng thu hút sự chú ý của các nhà chuyên môn đặc biệt là các giáo viên giảng dạy trực tiếp tại các trường phổ thông. Mỗi lầnBản hướng dẫn học tập mới ra đời các tạp chí chuyên ngành như tạp chí Giáo dục, tạp chí Giáo dục phổ thông, tạp chí Giáo dục địa lí-lịch sử đều ra số chuyên đề đăng tải ý kiến phản biện đa  chiều của các nhà nghiên cứu và các giáo viên. Những thay đổi trong Bảnhướng dẫn học tậpcũng trở thành chủ đề của các hội thảo, các buổi Xê-mi-na ở đại học dành cho  sinh viên học chuyên ngành Giáo dục trường học hay Hành chính giáo dục. Những ý kiến phản biện có trọng lượng thường tập trung trên diễn đàn của Hội giáo dục lịch sử. Tạp chíGiáo dục lịch sử-địa lí của Hội đăng tải nhiều ý kiến của các giáo viên phổ thông kiến nghị Bộ giáo dục nên bỏ từ “tiêu chuẩn” trong Bản hướng dẫn học tập và thay  bằng từ “tham khảo” như đã từng xuất hiện trongBản hướng dẫn học tập lần đầu tiên năm 1947 cho phù hợp với tinh thần dân chủ và thực tiễn giáo dục. Gần đây nhất trong Đại hội lần thứ 61 của Hội giáo dục lịch sử tổ chức vào đầu tháng 8 năm 2009 tại Hokkaido, nhà giáo dục lịch sử Muramatsu Kunitaka  đã trình bày bản tham luận  phản biện Bản hướng dẫn học tập ban hành tháng 3 năm 2008. Đứng trên lập trường của người trực tiếp giảng dạy,  ông cho rằng:  “Bản hướng dẫn học tập  là một trong những nguyên nhân chính làm cho cụm từ cải cách giáo dục mất đi sự tươi mới và làm cho giáo dục Nhật đứng trước nguy cơ(5)”. Ông thừa nhận Bộ giáo dục mỗi khi sửa đổi, ban hành Bản hướng dẫn học tập đều tiếp thu ý kiến của các giáo viên và các bậc phụ huynh tuy nhiên cách thức biên soạn vẫn thiên  về hành chính hơn là chuyên môn. Thêm nữa mỗi khi sửa đổi, ban hành Bản hướng dẫn học tậpmới Bộ không chỉ ra những thiếu sót, sai lầm của Bản hướng dẫn học tập trước đó. Ông khẳng định một khi chỉ ra những  thiếu sót sai lầm này sẽ làm rõ được trách nhiệm của những người tham gia biên soạn.
    Những ý kiến phản biện đa  chiều trên thực tế đã được Bộ giáo dục Nhật tiếp thu ở nhiều cấp độ. Những khái niệm chuyên môn khởi đầu từ các cuộc tranh luận học thuật như: “giờ học tổng hợp”, “sức sống”, “giáo dục người làm chủ”, “phẩm chất công dân”…đã được Bộ giáo dục đưa vào cácBản hướng dẫn học tập qua các lần sửa đổi. Những cuốn sách giáo khoa có nội dung đề cập đến các cuộc chiến tranh xâm lược do nước Nhật tiến hành   trong quá khứ hay lịch sử  người Ai-nư  đã vượt qua vòng kiểm định và được sử dụng trong nhà trường.
    Nội dung chương trình-sách giáo khoa phổ thông ở Nhật đã trải qua nhiều lần sửa đổi nhưng mỗi lần sửa đổi  không gây ra những đảo lộn lớn cho dù về mặt học thuật còn tồn tại nhiều điểm bất đồng là vì nền giáo dục Nhật  có tính năng động. Tính năng động này có được là dựa trên mối quan hệ cân bằng giữa chương trình khung do Bộ giáo dục ban hành đi kèm với sách giáo khoa kiểm định và thực tiễn giáo dục do các giáo viên tiến hành ở hiện trường. Hiến pháp và các bộ luật giáo dục Nhật  vừa quy định nghĩa vụ chăm lo giáo dục của nhà nước vừa đảm bảo quyền tự do giáo dục của giáo viên và tự do tiếp nhận giáo dục của công dân và đấy là cơ sở pháp lí vững chắc cho sự xác lập quyền tự do thực tiễn giáo dục của các giáo viên. Các giáo viên trong quá trình giảng dạy sẽ căn cứ vào những mục tiêu, nội dung cơ bản trong Bản hướng dẫn học tập  và tình hình thực tiễn của nhà trường, yêu cầu của xã hội, trình độ nhận thức của học sinh để quyết định xem trong bài giảng của mình sách giáo khoa sẽ được sử dụng  như thế nào, những nội dung kiến thức nào sẽ  đưa vào hỗ trợ hoặc thay thế cho nội dung trong sách giáo khoa. Tất nhiên đồng hành  với sự chủ động này là sự hài hòa tương đối của quan điểm về học lực và các chuẩn mực kiểm tra đánh giá đi kèm.
    Cơ chế mở và sự chủ động, sáng tạo nói trên  của giáo viên đã góp phần khắc phục được những  nhược điểm cố hữu của sách giáo khoa và Bản hướng dẫn học tập  là nhanh chóng trở nên lạc hậu và không bao quát được hết những yêu cầu luôn thay đổi của cuộc sống. Bởi vậy cứ 10 năm nội dung chương trình mới chính thức thay đổi một lần nhưng cải cách giáo dục ở Nhật  trên thực tế không ngừng diễn ra hằng ngày, hàng giờ nhờ  vào sự tự chủ, sáng tạo và năng động của các giáo viên trực tiếp giảng dạy tại trường phổ thông. Vì thế cho dù nội dung chương trình hay sách giáo khoa có thêm bớt gì đi chăng nữa thì những vấn đề như “chương trình qúa tải”, “sách giáo khoa nặng nề ” … không trở thành những vấn đề mà các nhà giáo dục Nhật Bản đặt trọng tâm khi tranh luận về giáo dục.
    Nguyễn Quốc Vương
    Nhật Bản 10/2009
    (1) Công bố năm 1889
    (2) Đến năm 1989 môn này chỉ còn tồn tại ở bậc tiểu học, ở trung học cơ sở và trung học phổ thông tách ra thành các môn: địa lí, lịch sử, giáo dục công dân.
    (3) Dựa trên nội dung Bản hướng dẫn học tập ban hành năm 1989
    (4) Bao gồm cả các ý kiến thực được trích dẫn và ý kiến do người biên soạn đóng vai tạo ra
    (5) Kỉ yếu đại hội lần thứ 61 Hội giáo dục lịch sử Nhật Bản, Hokkaido, tháng 8-2009, trang 14
    Nguồn: https://thonsau.wordpress.com/2015/03/21/nuoc-nhat-da-cai-cach-noi-dung-chuong-trinh-va-sach-giao-khoa-pho-thong-cac-mon-xa-hoi-nhu-the-nao-sau-chien-tranh-the-gioi-thu-hai/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org