Nền giáo dục khai phóng là gì?

Posted on
  • Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Thưa tiến sĩ Adler,
    Liệu một nền giáo dục các môn học khai phóng chẳng phải làmột thứ xa xỉ hiếm có trong thế giới ngày nay sao? Các sinh viên đại học của chúng ta nên nghiên cứu vật lý, toán và những khoa học khác thay vì triết học, văn chương và âm nhạc. Chúng ta cần những người trẻ tuổi được đào tạo về các môn khoa học, chứ không phải những con người có thể trò chuyện hấp dẫn về văn hóa. Ngày nay phải chăng bất kỳ ai cũng có thể biện hộ cho giá trị của một nền giáo dục khai phóng?
    W.W.
    W.W. thân mến,
    Trước tiên chúng ta hãy làm rõ nghĩa của khái niệm môn họckhai phóng và giáo dục khai phóng. Các môn học khai phóng, theo truyền thống, đều nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người, những năng lực trí tuệ và trí tưởng tượng mà không có chúng thì ta không thể hoàn tất được một công việc trí tuệ nào. Giáo dục khai phóng không bị trói buộc vào những môn học nào đó, kiểu như triết học, lịch sử, văn chương, âm nhạc, nghệ thuật, và những môn được gọi là khoa học nhân văn khác.
    Theo truyền thống khai phóng, các môn khoa học, kiểu như toán và vật lý, được coi như có tính khai phóng như nhau, nghĩa là, đều có khả năng phát triển năng lực trí tuệ như nhau. Truyền thống khai phóng có từ chương trình giảng dạy thời Trung Cổ. Nó bao gồm hai phần. Phần đầu, tam khoa, bao gồm Ngữ pháp, thuật Hùng biện, và Luận lý. Nó dạy nghệ thuật đọc và viết, nghệ thuật nghe và nói, và nghệ thuật tư duy hợp lý. Phần còn lại, cao đẳng tứ khoa, bao gồm Số học, Hình học, Thiên văn học, và Âm nhạc (không phải loại âm nhạc có thể nghe được rõ ràng, mà là nhạc học được hình dung như một môn toán học). Nó dạy nghệ thuật quan sát, tính toán, và đo lường, làm thế nào để hiểu khía cạnh định lượng của mọi vật. Dĩ nhiên là ngày nay chúng ta sẽ thêm vào nhiều bộ môn khoa học tự nhiên và xã hội nữa. Đấy là những gì đã được thực hiện qua nhiều nỗ lực hiện đại khác nhau nhằm cách tân nền giáo dục khai phóng.
    Nền giáo dục khai phóng, bao gồm tất cả các môn học truyền thống cũng như những ngành khoa học mới hơn, là rất quan yếu cho việc phát triển những nhà khoa học hàng đầu. Không có nó, chúng ta chỉ có thể đào tạo những nhà kỹ thuật, những người không thể hiểu những nguyên lý cơ bản đàng sau những vận động mà họ thực hiện. Chúng ta hầu như không thể mong chờ những người máy tinh xảo như thế tạo ra những phát kiến quan trọng mới mẻ nào. Một chương trình chỉ đơn thuần huấn luyện kỹ thuật có lẽ sẽ kết thúc bằng sự sụp đổ đối với ngành khoa học cơ bản. Mối quan hệ giữa nền giáo dục khai phóng với sự sáng tạo trong khoa học không chỉ là sự võ đoán. Lịch sử đã chứng minh rằng các nhà khoa học vĩ đại người Đức thế kỷ 19 đều có nền móng vững chắc về nghệ thuật khai phóng. Tất cả họ đều trải qua một nền giáo dục khai phóng bao gồm tiếng Hy Lạp, Latinh, Luận lý, Triết học, và Lịch sử, cộng thêm Toán, Vật lý, và những môn khoa học khác.
    Thực tế, cho tới ngày hôm nay, đây là sự chuẩn bị học vấn cho các nhà khoa học châu Âu. Einstein, Bohr, Fermi, và những nhà khoa học hiện đại vĩ đại khác đều phát triển không chỉ nhờ việc học ngành kỹ thuật của mình, mà còn nhờ vào nền giáo dục khai phóng. Từ khi phi thuyền Sputnik I được phóng vào không gian, thì điều này cũng hết sức đúng đối với các nhà khoa học Nga. Về hệ thống giáo dục hiện tại ở Liên Xô, mà có một số người cứ đòi hỏi nước Mỹ phải cố gắng sánh ngang, có vẻ như nó chứa đựng một điều gì đó ngoài việc đào tạo về kỹ thuật và tập trung vào toán học và các môn khoa học tự nhiên.
    Tuy nhiên mục đích của nền giáo dục khai phóng lại không phải là sản sinh ra những nhà khoa học. Nó cố tìm cách để phát triển những con người tự do biết cách sử dụng trí tuệ của mình và có thể độc lập suy nghĩ. Mục đích hàng đầu của nó không phải là phát triển khả năng chuyên môn, dù một nền giáo dục khai phóng là không thể thiếu được đối với bất kỳ một nghề chuyên môn về đầu óc nào. Nó sản sinh ra những công dân có thể sử dụng quyền tự do chính trị của họ một cách có trách nhiệm. Nó phát triển những con người trí thức có thể sử dụng thời gian rỗi của họ một cách hữu ích. Nó là một nền giáo dục cho tất cả những người tự do, d ù họ có ý định trở thành nhà khoa học hay không.
    Vấn đề giáo dục là làm thế nào để sản sinh ra những con người tự do, chứ không phải một đám những nhà kỹ thuật được đào tạo mà không có tri thức. Chỉ có nền học vấn khai phóng tốt nhất mới có thể hoàn tất được điều này. Nó phải bao gồm tất cả môn khoa học nhân văn cũng như toán học và khoa học. Nó phải loại trừ việc chỉ đơn thuần đào tạo kỹ thuật và ngành nghề.
    Nguồn: sách Các tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org