JEREMY BENTHAM

Posted on
  • Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  •  
    TIỂU SỬ
    JEREMY BENTHAM (15/2/1748 – 6/6/1832), Nhà quý tộc Anh, một người lập dị, triết gia, luật gia, nhà cải cách luật pháp và xã hội. Ông được coi là cha đẻ của thuyết vị lợi (utilitarianism).

    Bentham ra đời tại Spitalflelds, London, trong một gia đình giàu có. Bentham được gọi là thần đồng vì khi mới là đứa trẻ đi lẫm chẫm, Bentham đã đọc hết bộ sứ nhiều tập về nước Anh trên bàn làm việc của cha mình. Và ông học tiếng Latinh ở tuổi lên ba.
    Ông vào trường Wesminster School, và năm 1760, cha ông gửi ông đến Queen's College, Oxford, nơi ông lấy bằng cử nhân năm 1763 và bằng thạc sĩ năm 1766. Bentham được đào tạo để làm luật sư và được xử phiên tòa đầu tiên năm 1769. Là một chưởng lý thành đạt, cha ông buộc Bentham theo đuổi nghề luật như mình, và tin chắc rằng, đứa con cực kỳ thông minh của ông một ngày nào đó sẽ là đại pháp quan của nước Anh.
    Tuy nhiên, Bentham đã sớm vỡ mộng vì nghề luật nhất là sau khi nghe các bài thuyết trình của chuyên gia hàng đầu lúc bấy giờ, Sir William Blackstone. Quá nản vì sự phức tạp của hệ thống pháp lý của nước Anh, ông quyết định, thay vì hành nghề luật, viết về nó, ông sẽ dành cả đời mình để phê phán luật pháp hiện hành và đề xuất những phương cách cải thiện nó.
    Cái chết của cha ông năm 1792 buộc ông phải sống độc lập về tài chính, và ông trở thành một tác gia tại Wesminter. Trong gần bốn chục năm ông sống lặng lẽ ở đó, viết mỗi ngày từ mười đến hai chục trang bản thảo, ngay cả khi ở vào tuổi tám mươi.
    THUYẾT VỊ LỢI
    Giống như triết lý khoái lạc, thuyết vị lợi xác định lẽ Chân - Thiện - Mỹ dưới hình thức lạc thú, nhưng mang nặng tính nguyên tắc hơn: Về cơ bản, nó nhằm mang lại “hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất''. Bentham triển khai ý này thành một hệ thống đạo đức xác tín rằng, cái đúng hoặc cái sai của một hành động phải được đánh giá hoàn toàn dựa trên kết quả của nó (vì vậy, các động cơ, chẳng hạn, không liên quan gì tới chuyện này); rằng, những kết quả tốt là những kết quả đem lại sung sướng cho ai đó, trong khi những kết quả xấu là những kết quả gây đau khổ cho người nào đó; và do đó hướng hành động đúng phải theo là nhằm gia tăng tối đa sự sung sướng hoặc giảm tới mức tối thiểu sự đau khổ.
    Triết học vị lợi chủ trương phê phán từng hành động qua tính hữu ích của nó, nghĩa là xét tới sự hữu dụng của hành động trong việc tạo nên những kết quả nào đó. Những người ủng hộ thuyết này áp dụng những nguyên tắc trên vào đời sống đạo đức cá nhân cũng như vào chính sách chính trị, luật pháp và xã hội. Nó có một ảnh hưởng thường trực trên đường lối cai trị của Vương quốc Anh. ''Lợi ích lớn nhất cho số đông lớn nhất'' đi vào ngôn ngữ Anh như một khẩu hiệu quen thuộc của mọi người.
    Một khi nguyên tắc này đã được chấp nhận thì khó khăn duy nhất nảy sinh trong việc đưa ra quyết định là khó khăn trong tính toán hậu quả. Trong bất luận sự tính toán nào như vậy, một nguyên tắc quan trọng khác xuất hiện: ''Mỗi người đều có giá trị bằng một, và không người nào có giá trị hơn một''. Những nguyên tắc đó đưa tới những quan điểm, thái độ rất khác biệt với truyền thống. Chẳng hạn, những hình thái sinh hoạt giới tính không gây đau khổ cho bất cứ ai đều không đáng chê trách đối với người theo thuyết vị lợi, tuy nhiên một số hoạt động như vậy vẫn bị luật pháp thời đó trừng phạt nghiêm khắc. Ngược lại, có rất nhiều phương pháp kinh doanh gây đau khổ không cần thiết cho nhiều người, thậm chí hủy hoại họ, mà chúng lại hoàn toàn hợp pháp. Vì vậy mà sự phổ biến những ý tưởng của thuyết vị lợi đã góp phần đem lại những thay đổi quan trọng trong xã hội. Quan điểm của người theo thuyết vị lợi về sự trừng phạt là hình phạt phải vừa đủ khắc nghiệt để ngăn cản chứ không được khắc nghiệt hơn vì điều này chỉ tạo ra những đau đớn vô ích. Trong suốt nửa sau thế kỷ 19, những nguyên tắc của thuyết vị lợi đã xâm nhập những định chế cai trị và hành chính tại Anh, nơi chúng đã gây một ảnh hưởng sâu đậm suốt từ đó. Ở một mức nào đó, điều này đánh dấu một sự khác biệt giữa Anh và Mỹ, nơi quyền cá nhân thường được chú trọng nhiều hơn do đó người ta miễn cưỡng hơn khi phải hy sinh cá nhân cho hạnh phúc của đa số và ít sẵn sàng hơn khi phải chấp nhận sự can thiệp của chính phủ.
    Trong tác phẩm Dẫn nhập vào các nguyên tắc luân lý và pháp chế (1789), Bentham viết: ''Thực chất, nguyên tắc vị lợi được sử dụng để chuẩn ý hoặc phủ nhận mọi loại hành vi, xét đến ảnh hưởng của chúng đối với lợi ích chung của cả cộng đồng - nói cách khác, xét đến khuynh hướng phát huy hay đối kháng với hạnh phúc và lợi ích của một cộng đồng''. Ông xác định “lợi ích'' là những gì mang đến hoan lạc, hạnh phúc, tiện nghi, tiến bộ hoặc bất cứ hình thức nào ngăn ngừa được khổ đau, tội ác và bất hạnh.
    Sự chính đáng của hành vi tùy thuộc vào sự vị lợi của nó; và sự vị lợi được đo lường bằng những hệ quả mà hành vi thường tạo ra. Trong số những từ ngữ để diễn tả các hệ quả, quan trọng nhất đối với Bentham là hai từ ngữ mà ông đã dùng để mở đầu tác phẩm Các nguyên tắc, đau khổ và lạc thú. Vì Bentham nghĩ rằng, đây là những từ ngữ rõ ràng, dễ hiểu, do đó có thể được dùng để đưa ra một ý nghĩa ngắn gọn đích xác. Vì thế, đối với Bentham, thiện hảo là sự tối đa hóa lạc thú và là sự tối thiểu hoá đau khổ. Ngược lại, như ông nói trong Các nguyên tắc, chúng ta sẽ chia bài ''trong sự đồng bóng thay vì lý trí, trong bóng tối thay vì ánh sáng''. Theo Bentham, nguyên tắc vị lợi - được lý giải bằng các từ ngữ lạc thú và đau khổ - là biện pháp thích đáng duy nhất của giá trị bởi vì nó là biện pháp toàn diện duy nhất.
    E rằng, mọi người không biết cách chọn lựa những lạc thú có giá trị nhất trong phạm vi có thể, Bentham đã sáng tạo ra một công cụ đo lường lạc thú. Nó được gọi là phép tính lạc thú'' (Hedonist Calculus), bao gồm 7 tiêu chuẩn nhằm giản tiện hóa công việc lựa chọn những lạc thú khả dĩ. Khi một cá nhân đứng trước tình huống phải chọn một trong hai thú vui nào đó, anh ta có thể sử dụng 7 tiêu chuẩn dưới đây như cơ sở để đi đến quyết định: 1. Cường độ: mức độ tác động của lạc thú; 2. Thời lượng: thời gian diễn ra lạc thú; 3. Xác định hay bất định: mức độ đảm bảo rằng, một kinh nghiệm đặc biệt nào đó sẽ mang đến khoái cảm trong quá trình tham gia lạc thú; 4. Sự gần gũi hay xa cách: mức độ gần gũi, chặt chẽ của lạc thú xét về mặt không gian và thời gian; 5. Sự phong phú: khả năng tiếp cận với các thú vui phụ khác; 6. Độ thuần thục: mức độ loại trừ các yếu tố gây khó chịu và đau đớn; 7. Phạm vi: khả năng chia sẻ niềm hoan lạc với người khác.
    Và để đảm bảo rằng, mọi người không vượt quá giới hạn quyền lợi cá nhân trong quá trình mưu cầu lạc thú riêng, Bentham đã đề xuất 4 hình thức trừng phạt (hay ngăn ngừa) đối với các hành vi trái đạo đức. Chúng có thể được minh họa như sau: 1. Hình phạt thể xác: nếu một cá nhân ăn uống quá độ, anh ta sẽ chán ứ, bội thực hay đổ bệnh 2. Hình phạt pháp lý: nếu một cá nhân tìm kiếm thú vui bất hợp pháp, anh ta có thể bị phạt tù hay nhận lãnh các án phạt khác; 3. Hình phạt công đạo: nếu một cá nhân tìm đến những thú vui bất công, anh ta có thể bị khai trừ khỏi xã hội cộng đồng hoặc bị công luận chỉ trích; 4. Hình phạt tôn giáo: nếu một cá nhân buông thả mình trong những lạc thú cấm kỵ và vô luân, Thượng Đế sẽ trừng phạt anh ta (ngay trong kiếp này hay ở kiếp khác).
    NHỮNG CẢI CÁCH LUẬT PHÁP VÀ XÃ HỘI
    Sau những rối loạn xã hội nảy sinh từ Cách mạng Pháp và những biến động về kinh tế của cách mạng kỹ nghệ, có nhiều đòi hỏi phải cải cách để hiện đại hóa luật pháp. Khuôn mặt đáng kể nhất trong cuộc vận động cải cách là triết gia vị lợi Bentham, người đã âm thầm chuẩn bị cải cách toàn bộ luật pháp một cách triệt để. Ông làm cho luật pháp bớt tính chất kỹ thuật hơn và dễ tiếp cận hơn đối với công chúng, nhưng mãi đến năm 1789, tác phẩm Dẫn nhập vào các nguyên tắc luân lý và pháp chế mới được xuất bản.
    Ông công kích những thứ luật pháp bịa đặt và những điều không bình thường khác liên quan đến lịch sử. Ông tán thành hay thay đổi cơ bản trong hệ thống luật pháp: để có được hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất, các luật gia, chứ không phải các quan tòa, phải soạn thảo luật pháp; và những mục đích của luật pháp phải thay đổi theo thời gian và không gian.
    Tác phẩm Các nguyên tắc được tìm đọc khắp thế giới. Bentham trở thành công dân Pháp năm 1792 và những lời khuyên của ông được trân trọng đón nhận trong hầu hết các nước châu Âu và Hoa Kỳ. Việc soạn luật là một trong những mối bận tâm chính của Bentham và tham vọng của ông là được phép soạn ra một bộ luật cho nước Anh và vài quốc gia khác. Nhưng ông bị chỉ trích đã đánh giá thấp những khó khăn nội tại của công việc và nhu cầu phải có sự đa dạng của các thiết chế được thích nghi với truyền thống và văn minh.
    Dự phóng lớn nhất của Bentham là pháp chế: thăm dò và đặt nền tảng lý thuyết cho một hệ thống luật và chính quyền hoàn chỉnh. Vì dự phóng này mà ông cần một biện pháp hoàn thiện, hoặc giá trị; và dự phóng này đối với Bentham là nguyên tắc vị lợi, còn được gọi là nguyên tắc hạnh phúc nhiều nhất. Trong tác phẩm Các nguyên tắc, Bentham khởi đầu chương I với lời tuyên bố đầy kích thích rằng, ''Tự nhiên đã đặt con người dưới sự thống trị của hay người chủ, đau khổ và lạc thú''. Mục tiêu của Bentham là tạo ra hạnh phúc, vui vẻ. Phương tiện được sử dụng là ''lý trí và luật pháp'': luật pháp đúng đắn sẽ sinh ra hạnh phúc, và luật pháp đúng đắn là luật pháp phù hợp với lý trí, tức là phù hợp với nguyên tắc vị lợi. Trong bản thảo các hệ thống luật của Bentham, mỗi luật cụ thể gắn với một ''lời diễn giải của lý trí về luật này''. Lời diễn giải cho thấy giá trị của nó đồng thời, Bentham hy vọng, tăng thêm hiệu quả của nó. Bởi vì, như ông từng nói, quyền lực đem lý trí cho luật pháp trong chốc lát, nhưng chính luật phải dựa vào lý trí để có được sự bền vững”.
    Mục tiêu gia tăng hạnh phúc của Bentham là mục tiêu thực tiễn; và ông đưa ra những đề xuất hoàn toàn thực tiễn, như xe lửa mà lực giữa Lon-don và Edinburg, hay kênh đào Panama, hay làm đông lạnh món đậu Hà Lan. Trong số những đề xuất cải cách pháp lý và xã hội có bản thiết kế để xây dựng nhà tù mà ông gọi là panopticon. Nó sẽ có hình tròn sao cho những người giám ngục có thể ngồi ở giữa và thấy hết các tù nhân. Nó cũng sẽ được tư nhân quản lý, bằng một hợp đồng với Bentham như người giám quản. Do đó, Bentham không chỉ, có ý định tạo ra cái mà ông gọi là ''cái cối xay để nghiền những kẻ hư hỏng thành lương thiện'' mà còn kiếm tiền từ quy trình đó. Mặc dù nó không bao giờ được xây dựng, ý tưởng đó đã tác động đến nhiều thế hệ tư tưởng gia sau này và ảnh hưởng đến bản thiết kế cấp tiến của Nhà tù Pentonville cũng như nhiều nhà tù khác.
    Ông trở thành người lãnh đạo một nhóm được biết tới như là những con người cấp tiến trong triết học dẫn đầu phong trào vận động cho sự cải cách sâu rộng nhà tù, chế độ kiểm duyệt, giáo dục, luật lệ chi phối sinh hoạt tình dục, sự thối nát trong các thể chế công cộng - tóm lại là tất cả những gì từ đó đã trở thành chương trình nghị sự phái tự do cánh tả phục vụ cho chính sách xã hội.
    Những ảnh hưởng chính yếu về mặt triết học trên Bentham đến từ các nhà tư tưởng tiền Cách mạng Pháp; và những phát triển xa hơn của chúng qua ông đã đưa tới sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội Anh sau này vào thế kỷ 19. Bentham và những hậu duệ chủ yếu của ông là những con người độc lập về tư tưởng; và vì thời bấy giờ những con người độc lập tư tưởng vẫn chưa được phép theo học tại trường Oxford và Cambridge, nên họ đã thành lập trường đại học đầu tiên của Anh kể từ thời Trung cổ, University College London, xây dựng năm 1826. Jeremy Bentham nay vẫn còn hiện diện ở đó trong nghĩa đen đầy đủ nhất. Tại tiền sảnh, trong một cái hòm kính, xác ướp của ông vẫn ngồi trong bộ trang phục thường ngày của ông, chỉ có cái đầu được thay thế bằng một mô hình bằng sáp. Và mãi cho tới gần dây, ông vẫn còn được mô tả trong cái văn bản của Hội đồng quản trị nhà trường như đang hiện diện nhưng không bỏ phiếu.''
    Bentham ít là triết gia hơn là nhà phê bình luật và của các thiết chế tư pháp và chính trị. Không may là ông không biết hạn chế đó. Ông tìm cách định nghĩa những cái ông nghĩ là những khái niệm cơ bản của đạo đức, nhưng đa số những định nghĩa đó hoặc quá đơn giản hoặc hàm hồ, hoặc vừa quá đơn giản vừa hàm hỗ, và ''phép tính hạnh phúc'' của ông, một phương pháp tính toán định lượng của niềm vui, như ngay cả những người hâm mộ ông nồng nhiệt nhất cũng thừa nhận, là không thể sử dụng được. Với tư cách là một nhà đạo đức và một nhà tâm lý học, Bentham cũng tỏ ra bất cập; những luận chứng của ông, mặc dù đôi khi công phu, vẫn dựa quá nhiều vào những tiền đề bất túc và hàm hồ. Những phân tích của ông về các khái niệm mà con người sử dụng để mô tả và giải thích hành vi nhân bản là quá đơn giản.
    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    Fragment on government (1776; Tản luận về chính quyền)
    Introduction to Principtes of Morals and Legislation (1780, Dẫn nhập vào các nguyên tắc luân lý và pháp chế).
    Punishments and Rewards (1811; Trừng phạt và tưởng thưởng).
    (Nguồn: 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org