Bùi Văn Nam Sơn
Người
dẫn chương trình: Mời quý vị theo dõi buổi tranh
luận “trực tuyến” (tưởng tượng!) với ba vị tổ sư chung quanh câu hỏi: Nhà nước
để làm gì? Dân quyền cần được thể chế hoá ra sao? Xin nhiệt liệt giới thiệu cụ
Jean-Jacques Rousseau (1712 – 1778) người Pháp và hai cụ tiền bối người Anh là
Thomas Hobbes (1588 – 1679) và John Locke (1632 – 1704).
“Kính lão đắc thọ”,
thưa cụ Hobbes, cụ là người sáng lập triết học về nhà nước hiện đại. Tại sao cụ
đặt tên cho tác phẩm chính năm 1651 của cụ là Leviathan?
Hobbes:
Ờ, như đã có người giới thiệu (Sài Gòn Tiếp Thị, Con người và chính trị tiền –
hiện đại, 3.8.2011), trong Kinh Thánh, Leviathan là con thuỷ quái
hung dữ khiến ai cũng khiếp sợ. Tôi dùng hình ảnh ấy để minh hoạ quyền lực vô
biên của nhà nước. Nó gieo rắc sợ hãi và buộc mọi người phải khuất phục.
Người
dẫn: Thật khác hẳn với quan niệm cổ đại và trung đại!
Aristoteles xem con người là sinh vật xã hội và nhà nước mang lại sự hoà hợp hơn
là kẻ gieo rắc sợ hãi.
Hobbes: Đúng
thế, tôi không còn xem con người là sinh vật xã hội nữa mà xuất phát từ con người
riêng lẻ với sự tự do cá nhân của họ. Theo bản tính tự nhiên, không ai chịu phục
tùng ai, do đó, sự hạn chế quyền tự do chỉ có thể được chấp nhận khi mọi người
đều tán thành. Trong Leviathan, tôi chứng minh rằng nhà nước có quyền lực vô
biên và hung dữ là nhờ có sự tán thành của mọi người.
Người
dẫn: Lạ vậy? Xin cụ nói rõ hơn.
Hobbes: Thì
ông nhìn đấy! Muốn biện minh cho sự tồn tại của nhà nước, phải bắt đầu từ trạng
thái tự nhiên, tức bắt đầu từ cái ngược lại.
Người dẫn: Nhưng
trạng thái tự nhiên làm gì có trong thực tế! Có ai đang sống trong trạng thái ấy
đâu?
Hobbes: A,
đừng hiểu lầm. Trạng thái tự nhiên không phải là tình trạng sơ khai trong lịch
sử mà chỉ là một thử nghiệm tư duy của tôi thôi. Tôi thử giả định trường hợp
con người sống không có nhà nước, không có luật pháp… để xem thử sẽ xảy ra chuyện
gì và gặp phải những khó khăn nào. Từ đó cho thấy nhà nước là cần thiết để khắc
phục những khó khăn, khiếm khuyết ấy.
Người
dẫn: Vâng, tôi hiểu. Vậy khó khăn, khuyết điểm nào
vậy?
Hobbes: Đó
là tình trạng “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả”. Không phải tôi bảo rằng
nếu không có nhà nước thì cứ chiến tranh liên miên, mà bảo rằng, trong tình trạng
đó, con người luôn nghi kỵ nhau và sẵn sàng choảng nhau bất kỳ lúc nào. Nói một
cách hình tượng: “người là chó sói với người”.
Rousseau
(chen vào): Ồ, cụ quá lời rồi! Bản tính tự nhiên của
con người đâu có ích kỷ và xấu xa như cụ nghĩ! Tôi đã chứng minh điều ấy trong
Luận văn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng của con người.
Người
dẫn: Xin cụ Rousseau cứ để cho cụ Hobbes nói hết ý
đã. Lát nữa sẽ xin mời cụ có ý kiến!
Hobbes: Này
anh bạn trẻ Rousseau, hãy có cái nhìn thực tế đi! Con người quan tâm đến sự an
toàn và hạnh phúc của mình trước hết, đấy không phải ích kỷ thì là gì? Tôi có
cái nhìn hơi bi quan về con người cũng là do kinh nghiệm thực tế trong thời nội
chiến ác liệt của nước tôi, khiến năm 1640 tôi phải chạy sang nước Pháp của anh
để tị nạn suốt mười năm đấy. Điều thứ hai là: tự nhiên sinh ra con người ai ai
cũng gần như nhau. Ngay kẻ yếu nhất cũng có thể thanh toán người mạnh nhất, nếu
anh ta dùng mưu mẹo hay liên kết với người khác. Do đó, trong trạng thái tự
nhiên, không ai có ưu thế hơn hẳn ai cả. Không có nhà nước thì mạnh ai nấy làm.
Đó chính là tình trạng “chiến tranh của tất cả chống lại tất cả” mà nói bằng tiếng
Latinh cho oai là “bella omnium contra omnes”!
Người
dẫn: Thế làm sao tránh được một cuộc chiến tranh
toàn thể như thế hả cụ?
Hobbes: Cách
duy nhất là phải thiết lập một quyền lực phổ biến, tức là nhà nước. Tôi đã gọi
hành vi khai sinh ra nhà nước ấy là “khế ước xã hội”. Người đầu tiên đấy nhé!
Nhưng đừng lẫn lộn “khế ước xã hội” với “khế ước cai trị”. “Khế ước cai trị” là
giữa kẻ cầm quyền với nhân dân. Còn “khế ước xã hội” là giữa những người công
dân với nhau, chứ không phải với kẻ cầm quyền. Nếu nguyên nhân của chiến tranh
là do ai cũng có quyền thì để có hoà bình, ta phải thoả thuận với nhau một khế
ước, trong đó tuyên bố rõ rằng ta từ bỏ cái quyền muốn làm gì thì làm ấy đi và
uỷ thác cái quyền ấy cho một kẻ cai trị. Với quyền hạn được trao, kẻ cai trị mới
có thể ngăn ngừa sự tấn công lẫn nhau và sự tấn công của ngoại bang. Nhiệm vụ
này cũng hoàn toàn có thể do một tập thể hay một nghị hội đảm nhận.
Người
dẫn: Thế cụ nghĩ người ta sẵn sàng tự nguyện từ bỏ
quyền hạn của mình à?
Hobbes: Tại
sao không? Ngay cả kẻ ích kỷ nhất cũng thấy thế là có lợi cho mình, được yên
tâm ăn ngon ngủ kỹ!
Người
dẫn: Thế nếu có người không chịu ký khế ước thì làm
thế nào?
Hobbes: Đúng
là có vấn đề ấy! Người ta chỉ chịu từ bỏ quyền hạn nếu ai ai cũng đồng lòng làm
như thế. Khế ước sẽ không thành nếu không được mọi người – trừ kẻ cầm quyền – tự
nguyện từ bỏ quyền hạn. Đây chỉ là kịch bản thử nghiệm để chứng minh sự cần thiết
của nhà nước thôi mà! Nhưng tôi vẫn tin rằng sau khi suy nghĩ kỹ, chắc mọi người
đều chịu ký!
Người
dẫn: Vâng, thôi cũng được, vậy theo cụ, nhà nước có
quyền lực đến đâu?
Hobbes: Tuyệt
đối! Bao lâu nhà nước bảo đảm được sự ổn định và an ninh, thì mọi người phải
tuân lệnh, không ai được chống lại, cho dù thấy mình bị đối xử bất công. Kẻ cầm
quyền có thể trấn áp, kết án, bỏ tù, thậm chí xử tử người vô tội, nếu thấy có lợi
cho cuộc trị an! Nghĩa vụ vâng lời chỉ kết thúc khi nhà nước không làm tròn
trách nhiệm ấy!
Rousseau
(la to): Trời ơi là trời! Thế là cụ muốn
bênh vực cho chế độ quân chủ chuyên chế rồi! Là nhà dân chủ, tại hạ kiên quyết
phản đối!
Hobbes: Cuộc
nội chiến ở nước tôi chỉ kết thúc khi Cromwell thiết lập chế độ độc tài năm
1649 đấy thôi! Tôi thấy nguy cơ độc tài chuyên chế còn đỡ hơn nguy cơ hỗn loạn
vô chính phủ!
Rousseau: Ồ,
ồ…
Người
dẫn: Xin hai cụ bớt nóng! Chúng ta còn chờ nghe cao
kiến của cụ Locke để xem có lựa chọn nào khác không!
Chúng ta vừa
nghe cụ Hobbes chủ trương một nhà nước mạnh, có quyền lực vô biên để đảm bảo an
ninh công cộng. Thưa cụ Locke, là tác giả của Hai khảo luận về chính quyền
(1689 – 1690), cụ nghĩ gì về quan niệm ấy của cụ Hobbes?
John
Locke: Tôi không ngờ tác phẩm của tôi lại có tác động
mạnh đến thế, khi trở thành tư tưởng dẫn đạo cho bản Hiến pháp Hoa Kỳ, rồi được
trích dẫn lại cả trong Tuyên ngôn độc lập của nước các bạn! Tôi cũng thích thú
được biết quyển Khảo luận thứ hai đã được ông nghè Lê Tuấn Huy dịch sang tiếng
Việt (NXB Tri Thức, 2007), tuy muộn đến hơn… 300 năm! (cười) (Người dẫn chen
vào: Muộn còn hơn không, thưa cụ!) Trở lại với câu hỏi, có hai mặt. Việc biện
minh sự tồn tại của nhà nước bằng khế ước xã hội quả là một trong những ý tưởng
thiên tài nhất trong triết học chính trị. Chỗ này tôi khâm phục và xin tiếp thu
cụ Hobbes. Nhưng, tôi lại có một quan niệm hoàn toàn khác cụ về trạng thái tự
nhiên và, do đó, về vai trò của nhà nước. Theo tôi, trạng thái tự nhiên không
phải là một trạng thái hỗn loạn, bởi nó luôn được những quyền hạn và nghĩa vụ tự
nhiên điều chỉnh.
Người
dẫn: Cụ đã gọi đó là những “nhân quyền tự nhiên”?
Locke: Đúng
thế! Con người có lý trí, và chính lý trí sẽ dạy cho ta biết rằng không ai có
quyền cướp bóc, đả thương, giết hại hay tước đoạt tự do của người khác. Đấy ông
xem: nếu mọi người là bình đẳng, thì điều gì ta muốn người khác tôn trọng, ta
cũng phải tôn trọng như vậy cho người khác, đó là quyền sống, quyền an toàn
thân thể, quyền tự do và quyền sở hữu tài sản. Đó là những quyền bất khả xuất
nhượng, bởi chúng thuộc về con người xét như là con người, chứ không phải chờ
nhà nước ban phát. Chúng đã hiện diện ngay trong trạng thái tự nhiên, khi con
người ý thức mình là con người.
Người
dẫn: Xin hỏi ngay: vậy, nhà nước có nhiệm vụ gì?
Locke: Hỏi
hơi vội, nhưng có thể trả lời: nhà nước chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo đảm và
bảo vệ những quyền tự nhiên ấy!
Rousseau
(chen vào): Nhà nước, trong mọi trường hợp,
không được vi phạm các quyền ấy à?
Locke: Không!
Tuyệt nhiên không được phép! Tôi khác với cụ Hobbes ở chỗ ấy đấy. Việc nhà nước
có sự độc quyền vũ lực là mối nguy hiểm lớn đối với sự tự do của người công
dân. Vì thế, vấn đề cốt yếu là phải thiết kế nhà nước thế nào để nhà nước không
thể lạm quyền.
Người
dẫn: Bằng cách nào hả cụ?
Locke: Bằng
sự phân quyền, thế thôi! Tôi chủ trương phân quyền giữa lập pháp với hành pháp.
Sau này, ông bạn Montesquieu (1689 – 1755) mở rộng thành tam quyền phân lập,
thêm cả tư pháp nữa. Bây giờ, có người còn gọi báo chí, truyền thông là quyền lực
thứ tư và gọi các tổ chức của xã hội là quyền lực thứ năm. Ồ, đó là một câu
chuyện dài, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ ý tưởng ban đầu của tôi đấy!
Rousseau
(nhấp nhổm): Nhân quyền, phân quyền… hay đấy,
còn phải cãi nhau cho ra lẽ. Tôi sốt ruột lắm rồi!
Người
dẫn: Rồi sẽ đến lượt cụ, cụ Rousseau ạ! Thưa cụ
Locke, xin bàn về nhân quyền trước.
Locke: Vâng,
nhân quyền và việc bảo vệ nhân quyền là một hành trình rất dài. Ban đầu chỉ
trong tư tưởng, rồi được thể chế hoá trong mỗi quốc gia và sau cùng, trên bình
diện quốc tế. Ở phương Tây, ngay trong triết học Hy Lạp cổ đại đã có tư tưởng về
sự bình đẳng của mọi người. Sau đó, tư tưởng Kitô giáo tiếp tục truyền thống
nhân quyền tự nhiên do thượng đế ban cho. Hai nguồn tư tưởng có yêu sách phổ
quát ấy phải chờ đến thời của tôi mới từng bước được thể chế hoá.
Người
dẫn: Hình như nước Anh của cụ vẫn là kẻ tiên phong?
Locke: Tôi
tự hào mà xác nhận điều đó! Ngay từ năm 1215, Đại hiến chương Magna Charta
Libertatum đã hạn chế một số quyền lực của ông vua. Năm 1628, bảo đảm quyền an
toàn thân thể của người dân. Năm 1679 lại có bước đột phá mới: các nhân quyền
được cụ thể hoá trong luật pháp: công dân không bị bắt bớ vô cớ và phải được thẩm
phán xét xử. Các quyền này cũng được dành cho cả các thuộc địa, chẳng hạn ở Mỹ.
Dựa vào các ý tưởng của tôi, năm 1776 ở Mỹ hình thành hai văn bản bất hủ: Tuyên
bố nhân quyền Virginia và Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Văn bản trước thật
đáng nhắc tới, vì nó xác định rõ các quyền cốt lõi bất khả xâm phạm: quyền sống,
quyền tự do, quyền sở hữu tài sản, quyền tự do hội họp và tự do báo chí, quyền
tự do đi lại, quyền khiếu tố, khiếu nại, quyền được pháp luật bảo vệ và quyền ứng
cử, bầu cử. Ở lục địa châu Âu, cách mạng Pháp bùng nổ với khẩu hiệu “Tự do,
bình đẳng, bác ái”, cho ra đời Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng vào
ngày 26.8.1789, rồi các nước khác lần lượt theo chân trong suốt thế kỷ 19. Tư
tưởng triết học đã trở thành hiện thực trong các định chế chính trị và pháp lý.
Nhưng, …
Người
dẫn: Nhưng sao cụ?
Locke: Chuyện
này xảy ra sau khi tôi mất đã lâu! Chỉ biết rằng người ta gặp vấn đề lớn: các
nhân quyền có giá trị phổ quát, trong khi các định chế chỉ có giá trị trong
khuôn khổ các quốc gia. Chính thảm hoạ của hai cuộc thế chiến ở thế kỷ 20 buộc
mọi người nhận ra rằng: nhân quyền không chỉ là chuyện của từng quốc gia riêng
lẻ mà còn của cộng đồng quốc tế. Thế là ra đời Hiến chương của Liên hiệp quốc
vào ngày 26.6.1945 (nhất là điều 56) và Tuyên bố chung về nhân quyền ngày
10.10.1948 có tính ràng buộc cho mọi nước thành viên. Sau đó còn có nhiều công
ước liên quan nữa.
Người
dẫn: Hiến chương, tuyên bố, công ước… giống như những
luật chơi quốc tế. Thế còn trọng tài?
Locke: Trọng
tài chính ở đây là Liên hiệp quốc với các định chế tài phán. Còn trọng tài biên
là các cơ quan, tổ chức phi chính phủ không có quyền tài phán nhưng theo dõi,
phát hiện, cảnh báo. Giống như trong một trận bóng, cầu thủ hai đội lẫn khán giả
thường không ưa thích trọng tài chính lẫn trọng tài biên, còn la ó và đổ lỗi nữa!
Bao nhiêu vụ chơi xấu vẫn diễn ra sau lưng trọng tài, nhưng thử tưởng tượng một
trận đấu mà không có trọng tài… Vì thế, nâng cao đạo đức của cầu thủ và tăng cường
quyền hạn của trọng tài là hai mặt của một đồng tiền! Tôi thấy bà Mary
Robinson, cựu cao uỷ Liên hiệp quốc có lý khi bảo rằng: “Những vi phạm nhân quyền
hôm nay là nguyên nhân cho những xung đột ngày mai”. Cả ông cựu Tổng thư ký
Liên hiệp quốc Kofi Annan nữa: “Một Liên hiệp quốc mà không bảo vệ được nhân
quyền thì cũng không thể bảo vệ được chính mình”. Tôi mà còn sống, chắc tôi sẽ
phải viết thêm vài quyển Khảo luận nữa!
Người
dẫn chương trình: Thưa cụ Rousseau, cụ đã nhiều lần
tỏ ra sốt ruột, vì hình như cụ không mấy đồng tình với cụ Hobbes lẫn cụ Locke.
Thế nhưng, tại sao cụ, một trong những người cha tinh thần của đại cách mạng
Pháp, lại đặt tên cho tác phẩm nổi tiếng của mình là Khế ước xã hội (1762), một
thuật ngữ thuộc bản quyền của hai cụ kia?
John Locke
J.
J. Rousseau: Tôi sinh sau đẻ muộn so với hai cụ
nên bây giờ mới được phát biểu! Nói thật nhé, ngoài nhan đề ấy ra, tôi chả có
điểm gì chung với hai cụ ấy cả! Tôi dám nói rằng, tuy có vay mượn thuật ngữ,
nhưng chính tôi mới là người thật sự hiểu đúng ý nghĩa của “khế ước xã hội”. Động
cơ lớn nhất của tôi là bảo vệ tự do của con người. Trong trạng thái tự nhiên,
con người là hoàn toàn độc lập và tự do, thế nhưng nhìn đâu cũng thấy con người
đang ở trong xiềng xích. Vì thế, vấn đề cơ bản của triết học chính trị là: làm
sao tìm ra được một hình thức nhà nước vừa bảo vệ con người, đồng thời con người
cũng không phải từ bỏ quyền tự do của chính mình?
Hobbes: Không
thể có chuyện “lưỡng toàn” như thế được đâu, ông Rousseau ạ!
Rousseau: Thưa
cụ, hoàn toàn có thể được! Miễn là phải đáp ứng một số điều kiện mà do thời lượng,
à quên, do khuôn khổ bài báo, tôi chỉ đề cập ngắn gọn hai điểm thôi. Thứ nhất,
khi ký kết khế ước, mọi người phải tuyệt đối được đối xử bình đẳng, không ngoại
lệ. Nghĩa là, khác với hình dung của cụ Hobbes, không được phép có kẻ cầm quyền
đứng bên ngoài khế ước xã hội. Điều khiển nhà nước không phải từ ý chí độc đoán
của kẻ cầm quyền mà từ “ý chí phổ biến” của nhân dân. Trong mọi vấn đề chính trị,
ý muốn của nhân dân là quyết định, cho nên khế ước xã hội nhất thiết phải dẫn đến
nền dân chủ và cộng hoà. Tôi hiểu đó là quyền phúc quyết tối hậu của nhân dân
cũng như việc trưng cầu dân ý thường xuyên về mọi quyết định chính trị. Một khi
ý chí của nhà nước và ý chí của từng công dân phù hợp với nhau thì công dân mới
được tự do, bởi khi tuân lệnh nhà nước, người công dân kỳ cùng chỉ tuân theo
chính mình!
Locke: Nói
nghe hay lắm, nhưng ông thừa biết khi trưng cầu ý dân thì chín người mười ý, chẳng
bao giờ đi đến được một ý chí thống nhất. Tại sao thế? Vì lẽ giản dị là lợi ích
của mỗi người và của nhiều nhóm người trong xã hội là khác biệt nhau.
Rousseau: Tôi
đồng ý với cụ ở điểm ấy. Nhưng đừng quên rằng ý chí phổ biến không đồng nhất với
tổng số những ý chí cá biệt. Và từ đó tôi đi đến điều kiện thứ hai. Nếu những
khác biệt về ý kiến và lợi ích là do sự khác biệt về các quan hệ sở hữu mà ra,
thì ta phải làm cho sự khác biệt ấy không còn nữa. Cho nên, theo tôi, trong khế
ước xã hội, con người không chỉ tự từ bỏ những quyền hạn mà còn phải từ bỏ cả sở
hữu của mình nữa. Từ đó, nhiệm vụ của nhà nước là phải quân phân, nghĩa là,
chia đều sản phẩm xã hội. Bấy giờ, chỉ còn lợi ích chung là đảm bảo đời sống cộng
đồng hoà hợp. Cụ thấy không, như thế là thoả mãn được cả hai điều: sự ngự trị của
ý chí phổ biến và tự do của cá nhân trong nhà nước.
Hobbes: Mơ
mộng hão huyền thôi, anh bạn trẻ ạ! Lịch sử cho thấy những ý tưởng ấy chẳng bao
giờ thành hiện thực được cả! Thứ nhất, về nền dân chủ trực tiếp thì có thể
tương đối dễ thực hiện trong phạm vi nhỏ như thành phố Genève là sinh quán của
anh, chứ làm sao thực hiện được ở những quốc gia đông dân? Còn việc quân phân
tài sản là một ý tưởng tốt đẹp, nhưng tôi e không khéo sẽ vấp phải vết xe đổ của…
quan liêu bao cấp!
Rousseau: Đấy
chỉ là vấn đề kỹ thuật, thưa cụ Hobbes! Ở những nước đông dân, tôi cũng đã dự
kiến hình thức dân chủ đại diện. Nhưng, nguyên lý lớn nhất của tôi vẫn là: chủ
quyền và quyền phúc quyết, tức việc lập hiến, là thuộc về nhân dân theo nguyên
tắc nhất trí, còn việc lập pháp có thể theo nguyên tắc đa số. Chủ quyền thống
nhất nơi nhân dân – chứ không phải nơi nhà nước – là không thể phân chia, không
thể uỷ thác, và do đó, không cần đặt ra vấn đề phân quyền nữa! Chính phủ chỉ
đơn thuần thực hiện những gì nhân dân đã biểu quyết và bị giám sát thường
xuyên, có nhiệm kỳ và có thể được thay thế bất kỳ lúc nào. Còn, thưa cụ, nếu
không có đòi hỏi quân phân tài sản của tôi thì đã không có các cao trào đấu
tranh cho sự bình đẳng xã hội để dẫn đến sự hình thành các loại hình nhà nước
phúc lợi như ngày nay. Nhà nước mà không lo cho người nghèo, người thất nghiệp,
đau ốm thì lo cho ai? Chính vì thế, xin lỗi cụ Locke, dưới mắt tôi, nhà nước của
cụ chỉ là anh chàng gác đêm, lo canh cửa và giữ của cho bọn nhà giàu!
Locke: Anh
Rousseau ạ, tôi thấy ý tưởng của anh về chủ quyền thuộc về nhân dân là rất hay,
nhưng cái “ý chí phổ biến” của anh thì mù mờ, rất dễ bị thần thánh hoá và lợi dụng
để lạm quyền đấy. Robespierre chẳng đã nhân danh “ý chí phổ biến” để tiến hành
khủng bố trong thời cách mạng Pháp đó sao? Phát triển tư tưởng của anh, việc
xoá bỏ sự phân quyền để thay bằng sự phân công như chủ trương của anh Hegel sau
này trong quyển Các nguyên lý của triết học pháp quyền (1820 – NXB Tri Thức,
2010) chỉ là một khả năng lý thuyết, tiền giả định một xã hội tự nó đã đa dạng
hoá đến cao độ, có tính tự trị rất cao, trong đó quyền của vị nguyên thủ chỉ
mang tính tượng trưng như dấu chấm trên chữ i mà thôi. Còn nhà nước phúc lợi, đến
mức nào đó, có thể làm cho nhà nước phá sản như chơi!
Người
dẫn chương trình: Xem ra ba cụ khó đi đến chỗ hoàn
toàn đồng ý với nhau. Là kẻ hậu sinh, chỉ xin phép tóm tắt theo kiểu… dung hoà
như sau: cao kiến của ba cụ thật ra không hoàn toàn loại trừ nhau! Có một nhà
nước mạnh để bảo đảm an ninh và hoà bình là cần thiết theo ý cụ Hobbes. Nhà nước
hiện đại với tính đa dạng, năng động đi liền với nguyên tắc “kiểm tra và cân bằng”
cũng đang chứng tỏ sức sống theo hình dung của cụ Locke. Sau cùng, một nhà nước
phúc lợi dân chủ mang lại sự an sinh và bình đẳng xã hội là hoàn toàn phù hợp với
nguyện vọng của cụ Rousseau. Cái gì cực đoan quá cũng không tốt cho con người,
phải không thưa các cụ? Xin cảm ơn sự hiện diện của ba cụ và sự theo dõi của
quý vị!
------
(viết lại theo kịch bản của Bernd Rolf)
------
(viết lại theo kịch bản của Bernd Rolf)
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/giao_luu_voi_hobbes_locke_rousseau.html