Cuộc Cách Mạng của Giai Cấp Trung Lưu

Posted on
  • Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Minh Trang chuyển ngữ
    Francis Fukuyama lập luận rằng trên khắp thế giới, bất ổn chính trị hiện nay đều có một chủ đề chung: các chính phủ thất bại trong việc đáp ứng các nguyện vọng ngày càng tăng của giới nhà giàu và trí thức mới.
    Trong thập kỷ vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil đã được ca tụng khắp nơi như là những quốc gia đạt thành tựu kinh tế vượt trội – những thị trường mới nổi gây ảnh hưởng ngày càng tăng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong hơn ba tháng qua, cả hai quốc gia bị rơi vào tình trạng tê liệt bởi các cuộc biểu tình ồ ạt thể hiện sự bất mãn sâu sắc trước cách quản lý của chính phủ. Vậy điều gì đang xảy ra ở những nơi này, liệu sẽ có nhiều quốc gia khác phải trải qua những biến động tương tự như vậy?
    Chủ đề liên kết các sự kiện diễn ra gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, cũng như với Mùa Xuân Ả Rập 2011 và các cuộc biểu tình kéo dài ở Trung Quốc, là sự xuất hiện của một giai cấp trung lưu toàn cầu mới. Một giai cấp trung lưu hiện đại xuất hiện, dù ở bất cứ nơi nào, đều gây náo động chính trị, nhưng rất hiếm khi giới này có khả năng, bằng chính mình, tạo nên những thay đổi chính trị bền vững. Chúng ta không thấy những gì xảy ra trong thời gian gần đây trên các con phố của Istanbul hoặc Rio de Janeiro gợi cho thấy các trường hợp đó là một ngoại lệ.
    Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, cũng như ở Tuynidi và Ai Cập trước đó, biểu tình chính trị không được lãnh đạo bởi người nghèo, nhưng bởi những người trẻ tuổi có hiểu biết và thu nhập trên mức trung bình. Họ am hiểu về công nghệ và sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Twitter để truyền bá thông tin và tổ chức các cuộc biểu tình. Ngay cả khi họ sống ở trong những quốc gia thường xuyên tổ chức bầu cử dân chủ, họ cảm thấy xa lạ với giới tinh hoa chính trị đang cầm quyền.
    Trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, họ phản đối các chính sách phát triển bằng mọi giá và phong cách lãnh đạo độc đoán của Thủ Tướng Recep Tayyip Erdoğan. Ở Brazil, họ phản đối giới tinh hoa chính trị cố hữu và tham nhũng sâu sắc, những kẻ trưng bày các dự án hoành tráng như giải bóng đá World Cup hay Đại hội thể thao Olympic Rio quốc tế, trong khi lại thất bại trong việc cung cấp các dịch vụ cơ bản như y tế và giáo dục cho cộng đồng. Đối với họ, vẫn là chưa đủ khi Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, bản thân là một nhà hoạt động cánh tả bị chế độ quân sự giam giữ trong những năm 1970, đồng thời cũng là lãnh đạo của Đảng Công nhân Tiến bộ Brazil. Trong mắt họ, chính đảng này cũng đã bị nuốt chửng bởi “hệ thống” tham nhũng, theo tiết lộ về một vụ bê bối mua lá phiếu gần đây, và bây giờ là một phần của vấn đề chính phủ quản lý yếu kém và thiếu nhạy bén.
    Thế giới kinh doanh đã bị ngạc nhiên bởi sự gia tăng của “giai cấp trung lưu toàn cầu” trong ít nhất một thập kỉ qua. Báo cáo năm 2008 của Goldman Sachs định nghĩa nhóm này gồm những người có thu nhập từ $6,000 – $30,000/năm và dự đoán rằng nó sẽ tăng lên khoảng 2 tỷ người vào năm 2030. Báo cáo năm 2012 của Viện Nghiên cứu An ninh của Liên minh Châu Âu sử dụng một định nghĩa rộng hơn cho giai cấp trung lưu, dự báo số người trong nhóm đó sẽ tăng lên từ 1.8 tỉ năm 2009 lên 3.2 tỉ vào năm 2020 và 4.9 tỉ vào năm 2030 (dựa trên dự báo dân số toàn cầu là 8,3 tỷ người). Phần lớn nhất của sự tăng trưởng này sẽ diễn ra ở Châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng vùng miền nào trên thế giới cũng sẽ tham gia vào xu hướng đó, bao gồm cả Châu Phi, nơi mà Ngân hàng Phát triển Châu Phi ước tính rằng giai cấp trung lưu đã đạt tới hơn 300 triệu người.
    Các tập đoàn đang thèm khát sự thịnh vượng của giai cấp trung lưu mới nổi này bởi họ đại diện cho một khối lượng lớn người tiêu dùng mới. Các nhà kinh tế và phân tích kinh doanh có xu hướng định nghĩa địa vị xã hội của giai cấp trung lưu một cách đơn giản trên phương diện tiền tệ, gắn mác trung lưu cho những người nằm ở khoảng giữa của phân bổ thu nhập trong đất nước họ, hoặc những người vượt trên mức tiêu thụ tuyệt đối nào đó, để nuôi sống một gia đình trên mức sinh hoạt phí của người nghèo.
    Nhưng tốt hơn hết, địa vị xã hội của giai cấp trung lưu nên được định nghĩa dựa trên giáo dục, nghề nghiệp và sở hữu tài sản, những thứ có hệ quả lâu dài hơn cho các dự đoán hành vi chính trị. Bất kì số liệu nào từ các nghiên cứu xuyên quốc gia, bao gồm các khảo sát và dữ liệu Pew gần đây từ Cuộc khảo sát các giá trị thế giới của Đại học Michigan, chỉ ra rằng trình độ học vấn cao hơn tương quan với những người gán một giá trị lớn hơn cho dân chủ, tự do cá nhân và sự khoan dung đối với các lựa chọn về lối sống khác. Những người thuộc giai cấp trung lưu không chỉ muốn có được sự an toàn cho gia đình của họ, mà còn có các lựa chọn và cơ hội cho bản thân họ. Những người đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc trải qua một vài năm Đại học rất có thể biết được các sự kiện xảy ra ở những nơi khác trên thế giới và kết nối với những người có đẳng cấp xã hội tương đương ở nước ngoài bằng công nghệ.
    Những gia đình có tài sản lâu bền như nhà cửa hoặc căn hộ có nhiều quyền lợi hơn trong chính trị, bởi vì đó là những thứ mà chính phủ có thể lấy đi của họ. Kể từ khi giai cấp trung lưu có xu hướng trở thành những kẻ phải đóng thuế, họ có lợi ích trực tiếp từ việc chính phủ phải chịu trách nhiệm. Quan trọng hơn cả, nhiều khả năng những thành viên mới gia nhập giới trung lưu bị thôi thúc hành động bởi những gì mà nhà khoa học chính trị đã quá cố Samuel Huntington gọi là “khoảng cách”: đó là, xã hội thất bại trong việc đáp ứng các kỳ vọng đang gia tăng nhanh chóng trước những tiến bộ về kinh tế và xã hội. Trong khi người nghèo phải vật lộn kiếm sống để tồn tại ngày qua ngày, có nhiều khả năng những người thuộc giai cấp trung lưu bị thất vọng tham gia vào các hoạt động chính trị theo cách của họ.
    Động lực này thể hiện rõ ở Mùa Xuân Ả Rập, nơi các cuộc nổi dậy để thay đổi chế độ được lãnh đạo bởi hàng chục nghìn người trẻ có trình độ văn hóa tương đối cao. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã đào tạo một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học từ thế hệ trước. Nhưng các chính phủ độc tài của Zine El Abidine Ben Ali và Hosni Mubarak là các chế độ tư bản chủ nghĩa bè phái cổ điển, trong đó cơ hội kinh tế phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ chính trị. Cả hai nước, trong mọi diễn biến, đã không phát triển đủ nhanh về kinh tế để cung cấp công ăn việc làm cho những lực lượng trẻ tuổi lớn mạnh hơn bao giờ hết. Kết quả là cuộc cách mạng chính trị.
    Không sự kiện nào trong số đó là một hiện tượng mới. Các cuộc cách mạng Pháp, Bolshevik và Trung Quốc đều được lãnh đạo bởi các cá nhân thuộc giai cấp trung lưu bất mãn, ngay cả khi các diễn biến căn bản của họ sau đó bị ảnh hưởng bởi nông dân, công nhân, và người nghèo. “Mùa Xuân của Nhân Dân” năm 1848 chứng kiến cách mạng bùng nổ trên hầu như toàn bộ lục địa châu Âu, một sản phẩm trực tiếp của sự gia tăng giai cấp trung lưu châu Âu trong những thập kỷ trước.
    Trong khi các cuộc biểu tình, các cuộc nổi dậy, cũng đôi khi là các cuộc cách mạng thường được dẫn đầu bởi các thành viên mới gia nhập vào giai cấp trung lưu, họ hiếm khi thành công trong việc đem lại một sự thay đổi chính trị lâu dài. Điều này là do giai cấp trung lưu ít khi đại diện cho một nhóm nào lớn hơn nhóm thiểu số của xã hội trong các nước đang phát triển và chính họ cũng bị chia rẽ trong nội bộ. Nếu họ không thể hình thành một liên minh với các thành phần khác của xã hội, các phong trào của họ sẽ hiếm khi tạo ra sự thay đổi chính trị dài hạn.
    Do vậy, những người biểu tình trẻ tuổi ở Tunis hoặc quảng trường Tahrir ở Cairo, dù đã khiến cho các nền độc tài của họ sụp đổ, đã thất bại trong việc thành lập các đảng phái chính trị có khả năng tranh cử trong các cuộc bầu cử trên toàn quốc. Đặc biệt là các sinh viên không biết làm cách nào để tiếp cận được với giới nông dân và giai cấp lao động để tạo ra một liên minh chính trị rộng rãi. Ngược lại, các đảng phái Hồi giáo – Ennahda ở Tuynidi và Anh em Hồi giáo ở Ai Cập – có một nền tảng xã hội trong tầng lớp dân chúng nông thôn. Trải qua nhiều năm đàn áp chính trị, họ đã thành thạo trong việc thu nạp các tín đồ ít học. Kết quả là họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên sau sự sụp đổ của các chế độ độc tài.
    Có khả năng rằng một số phận tương tự đang chờ đợi những người biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Erdoğan vẫn giữ được sự nổi tiếng bên ngoài khu vực đô thị của đất nước, đã không ngần ngại vận động các hội viên của Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của riêng ông ta để đương đầu với các đối thủ của mình. Hơn nữa, chính giai cấp trung lưu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị chia rẽ. Tăng trưởng kinh tế đáng chú ý của nước này trong thập kỷ qua đã được thúc đẩy trên quy mô lớn bởi giai cấp trung lưu mới, ngoan đạo và giỏi kinh doanh, những người ủng hộ mạnh mẽ Đảng AKP của ông Erdoğan.
    Nhóm xã hội này làm việc chăm chỉ và tiết kiệm tiền bạc của họ. Họ cũng biểu hiện nhiều đức tính mà nhà xã hội học Max Weber nói đến về chủ nghĩa Kitô giáo khắc khổ ở giai đoạn đầu của châu Âu hiện đại, thời điểm mà ông tuyên bố nó là nền tảng cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở đó. Những người biểu tình trong đô thị Thổ Nhĩ Kỳ, ngược lại, vẫn là những kẻ thế tục hơn và kết nối với các giá trị hiện đại của người cùng địa vị xã hội ở châu Âu và Mỹ. Nhóm này không chỉ phải đối mặt với sự đàn áp thô bạo của một vị thủ tướng có bản năng độc tài, nhưng còn gặp phải khó khăn trong việc tạo dựng các mối liên hệ với các giai cấp xã hội khác, những giai cấp đã làm điêu đứng các phong trào tương tự khác ở Nga, Ukraina và những nơi khác.
    Tình hình ở Brazil lại khá khác biệt. Những người biểu tình ở đây sẽ không đối mặt với những đàn áp khắc nghiệt từ chính quyền của Tổng thống Rousseff. Thay vào đó, thử thách sẽ là tiêu diệt sự bám vứu lẫn nhau của những kẻ nắm giữ chức vụ đang tham nhũng và cố thủ trong hệ thống. Địa vị trung lưu không có nghĩa là một cá nhân sẽ tự động ủng hộ cho dân chủ hoặc một chính phủ trong sạch. Thật vậy, một phần lớn giai cấp trung lưu lớn tuổi ở Brazil làm việc trong khu vực Nhà nước, nơi họ bị phụ thuộc vào nền chính trị bảo hộ và sự kiểm soát kinh tế của nhà nước. Giai cấp trung lưu ở đó, và ở các quốc gia Châu Á như Thái Lan và Trung Quốc, đã ủng hộ các chính phủ độc đoán khi thấy có vẻ như đó là cách tốt nhất để đảm bảo cho tương lai kinh tế của họ.
    Tăng trưởng kinh tế gần đây của Brazil đã tạo nên một giai cấp trung lưu khác biệt và giỏi kinh doanh hơn bắt nguồn từ khu vực tư nhân. Nhưng nhóm này có thể theo đuổi các lợi ích kinh tế của riêng họ theo một trong hai hướng. Một mặt, giới thiểu số doanh nhân có thể làm nền tảng cho một liên minh trong giai cấp trung lưu đang tìm cách cải tổ hệ thống chính trị Brazil về tổng thể, gây sức ép để các chính trị gia tham nhũng phải chịu trách nhiệm và thay đổi các quy tắc để khiến cho nền chính trị phục vụ khách hàng trở nên khả thi. Điều này đã diễn ra tại Mỹ trong Kỷ nguyên Tiến bộ, thời điểm mà cuộc vận động rộng lớn của giai cấp trung lưu thành công trong việc tập hợp lực lượng để ủng hộ các cải cách về dịch vụ dân sự và chấm dứt hệ thống bảo trợ chính trị ở thế kỷ 19. Hoặc là, các thành viên của giai cấp trung lưu thành thị có thể tiêu phí năng lượng vào các hoạt động gây sao lãng như chính trị bản sắc hoặc bị mua chuộc cá nhân bởi một hệ thống dành những phần thưởng lớn cho những người học cách tham gia trò chơi của kẻ trong cuộc.
    Không có gì đảm bảo rằng Brazil sẽ đi theo con đường cải tổ trong bối cảnh liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình. Phần lớn sẽ phụ thuộc vào giới lãnh đạo. Tổng thống Rouseff có một cơ hội vô cùng to lớn để sử dụng các cuộc biểu tình như một cơ hội để khởi động một cuộc cải cách đầy tham vọng và có hệ thống hơn. Cho đến giờ, bà đã rất cẩn trọng với việc sẵn sàng thúc đẩy đến mức nào để chống lại hệ thống cũ, trong khi bị ràng buộc bởi những hạn chế trong đảng của bà và liên minh chính trị. Nhưng cũng giống như vụ ám sát Tổng thống James A.Garfield năm 1881 bởi một người chạy chức bị thất vọng đã trở thành cơ hội cho các cuộc cải cách làm trong sạch chính phủ trên diện rộng ở Mỹ, vì vậy Brazil cũng có thể sử dụng các cuộc biểu tình để chuyển hướng sang một tiến trình hoàn toàn khác ngày nay.
    Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã diễn ra từ những năm 1970 – tăng gấp bốn lần sản lượng kinh tế toàn cầu – đã cải tổ giai cấp xã hội trên khắp thế giới. Giai cấp trung lưu trong các quốc gia có cái gọi là “thị trường mới nổi” đang trở nên lớn hơn, giàu có hơn, được giáo dục tốt hơn và kết nối công nghệ nhiều hơn bao giờ hết.
    Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Trung Quốc, nơi dân số thuộc giai cấp trung lưu hiện đang ở con số hàng trăm triệu và có lẽ tạo nên một phần ba trong tổng số. Đó là những người giao tiếp trên Sina Weibo – mạng Twitter của Trung Quốc – và đã quen với việc vạch trần và khiếu nại trước sự ngạo mạn và tráo trở của chính phủ và các thành phần ưu tú của Đảng. Họ muốn một xã hội tự do hơn, mặc dù không rõ họ nhất thiết muốn có một người, một phiếu bầu dân chủ trong tương lai gần hay không.
    Nhóm này sẽ chịu những căng thẳng nhất định trong thập kỉ tới khi Trung Quốc phải gắng sức để chuyển từ mức thu nhập trung bình sang mức thu nhập cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu chậm lại trong hai năm vừa qua và sẽ chắc chắn lùi trở về một mức độ khiêm tốn hơn khi nền kinh tế đất nước trưởng thành. Cỗ máy lao động công nghiệp mà chế độ đã tạo ra từ năm 1978 sẽ không còn phục vụ những nguyện vọng của dân chúng nước này. Hiện Trung Quốc đã đào tạo từ 6 triệu đến 7 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường mỗi năm, những người có triển vọng việc làm mờ mịt hơn so với cha mẹ họ trong giai cấp lao động. Nếu đã từng có một khoảng cách đe dọa giữa những kỳ vọng đang tăng lên nhanh chóng và hiện thực đáng thất vọng, nó sẽ xuất hiện ở Trung Quốc trong vài năm tới, cùng với những tác động to lớn đối với sự ổn định của đất nước.
    Ở đó, cũng như ở các nơi khác trong thế giới đang phát triển, sự nổi lên của giai cấp trung lưu mới làm nền tảng cho hiện tượng được Moises Naím của Quỹ Carnegie mô tả như là “điểm tận của quyền lực”. Các giai cấp trung lưu đã tạo nên những phòng tuyến đối lập chống lại nạn lạm quyền, bất kể là chế độ độc tài hay dân chủ. Thách thức đối với họ là biến các phong trào phản kháng của họ thành sự thay đổi chính trị lâu bền, được thể hiện dưới hình thức của các thể chế và chính sách mới. Ở Châu Mỹ Latinh, Chile đã trở thành quốc gia vượt trội về tăng trưởng kinh tế và tính hiệu quả của hệ thống chính trị dân chủ. Tuy nhiên, những năm gần đây đã cho thấy một sự bùng nổ các cuộc biểu tình bởi các học sinh trung học, những người đã chỉ ra sự thất bại của hệ thống giáo dục công lập nhà nước.
    Giai cấp trung lưu mới không chỉ là một thách thức đối với các chế độ độc tài hay các nền dân chủ mới. Không một nền dân chủ vững chắc nào nên tin rằng họ có thể nghỉ ngơi trên vinh quang của mình, chỉ đơn giản bởi vì đã tổ chức các cuộc bầu cử và có những nhà lãnh đạo được đánh giá tốt trong các cuộc thăm dò ý kiến. Giai cấp trung lưu có được sức mạnh công nghệ sẽ đưa ra những đòi hỏi cao hơn đối với các chính trị gia của họ trên mọi lĩnh vực.
    Mỹ và Châu Âu đang trải qua sự tăng trưởng chậm chạp và tỉ lệ thất nghiệp cao dai dẳng, tỉ lệ này đối với người trẻ ở các nước như Tây Ban Nha là 50%. Trong thế giới người giàu, thế hệ lớn tuổi hơn cũng đã làm thế hệ trẻ thất vọng khi để lại cho họ những gánh nợ nặng nề. Chính trị gia ở Mỹ hoặc Châu Âu không nên xem thường một cách tự mãn các sự kiện đang phơi bày trên đường phố của Istanbul hoặc Sao Paulo. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng, “điều đó sẽ không thể xảy ra ở đây”.
    [*] Ông Fukuyama là một thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford và là tác giả của “Nguồn gốc của Trật tự Chính trị: Từ Thời kỳ trước Con người cho đến Cách mạng Pháp”.
    Một phiên bản của bài viết này xuất hiện ngày 29 tháng sáu năm 2013, trên trang C1 trong ấn bản Mỹ của tờ The Wall Street Journal, với tiêu đề: Cuộc Cách Mạng của Giai Cấp Trung Lưu.
    Nguồn:https://www.danluan.org/tin-tuc/20130705/francis-fukuyama-cuoc-cach-mang-cua-giai-cap-trung-luu
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org