Chủ nghĩa tự do cá nhân – Cánh hữu (Right-libertarianism)

Posted on
  • Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Minh Minh dịch
    Chủ nghĩa tự do – cánh hữu gắn liền với các triết lý chính trị tự do vốn tán thành sự tự trị cá nhân và sự sở hữu không đồng đều các nguồn lực tự nhiên, từ đó đi đến ủng hộ mạnh mẽ cho quyền sở hữu tư nhân và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Quan điểm này tương phản với quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân – cánh tả, vốn khẳng định rằng các nguồn lực tự nhiên thuộc về tất cả mọi người theo một số cách quân bình, như không sở hữu hoặc sở hữu tập thể. Chủ nghĩa tự do – cánh hữu bao gồm chủ nghĩa tư bản - vô chính phủ và laissez-faire, và chủ nghĩa tự do minarchist (chủ trương nhà nước tối thiểu).
    1. Triết lý
    1.1 Nguyên tắc không gây hấn
    Nguyên tắc không gây hấn (NAP) là nền tảng của hầu hết triết lý tự do cánh hữu ngày nay. Đây là một lập trường đạo đức khẳng định rằng, sự gây hấn là bất hợp pháp. NAP và các quyền sở hữu có mối liên kết chặt chẽ, vì những gì tạo nên sự gây hấn phụ thuộc vào các quyền mà con người có. Theo NAP, sự gây hấn được định nghĩa là sự khởi xướng bạo lực hay đe dọa bạo lực đối với một người hoặc tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của anh ta. Cụ thể là, bất kỳ hành động nào, không được yêu cầu, nhưng tác động về mặt vật chất đến đến tài sản hoặc thân thể của người khác, bất kể kết quả của những hành động đó là có hại, có lợi hoặc trung tính đối với chủ sở hữu, thì đều được coi là bạo lực hoặc gây hấn vì chúng chống lại ý chí của chủ sở hữu và can thiệp vào các quyền tự sở hữu và tự quyết của anh ta.
    Những người ủng hộ cho NAP thường viện dẫn nó để khẳng định tính vô đạo đức của hành vi trộm cắp, phá hoại, tấn công, và gian lận. Trái ngược với sự bất bạo động, nguyên tắc không gây hấn không loại trừ khả năng sử dụng bạo lực để tự vệ hay bảo vệ những người khác. Những người ủng hộ cho NAP phản đối các chính sách như: các luật phạm tội không có người bị hại, đánh thuế ép buộc và lệnh nhập ngũ.
    1.2 Nhà nước
    Có một cuộc tranh luận giữa các nhà tự do cá nhân cánh hữu là, liệu nhà nước có hợp pháp hay không: trong khi các nhà tư bản – vô chính phủ chủ trương bãi bỏ nó, thì những người minarchist ủng hộ một nhà nước tối thiểu, thường được gọi là nhà nước cảnh sát đêm. Những người minarchist khẳng định rằng nhà nước là cần thiết để bảo vệ các cá nhân khỏi sự gây hấn, trộm cắp, vi phạm hợp đồng, và gian lận. Họ tin các thiết chế chính phủ hợp pháp duy nhất là quân đội, cảnh sát và tòa án, mặc dù một số mở rộng danh sách này để bao gồm sở cứu hỏa, nhà tù, và nhánh hành pháp và lập pháp...
    Các nhà tư bản – vô chính phủ cho rằng nhà nước vi phạm nguyên tắc không gây hấn bởi chính bản chất của nó, đó là chính phủ sử dụng vũ lực chống lại những người không ăn cắp hoặc không phá hoại tài sản tư nhân, không hành hung bất cứ ai, hoặc lừa đảo ai…
    1.3 Quyền sở hữu
    Chủ nghĩa tự do cá nhân cánh hữu ủng hộ sở hữu tư nhân. Các nhà tự do cánh hữu khẳng định rằng các nguồn lực tự nhiên chưa được chiếm hữu "có thể được chiếm hữu bởi người đầu tiên phát hiện ra chúng, bằng cách trộn lao động của mình với chúng, hoặc chỉ đơn thuần yêu sách chúng -  mà không cần có sự đồng ý của người khác, và không cần chi trả hoặc chi trả rất ít cho chúng". Điều này trái ngược với quan điểm của chủ nghĩa tự do  cá nhân cánh tả, vốn khẳng định "các nguồn lực tự nhiên chưa được chiếm hữu thuộc về tất cả mọi người theo một số cách quân bình".
    Các nhà tự do cánh hữu cho rằng các xã hội mà trong đó quyền sở hữu tư nhân được củng cố là những xã hội duy nhất đạo đức và sẽ dẫn đến những kết quả tốt nhất có thể. Họ thường ủng hộ thị trường tự do, và không phản đối bất kỳ sự tập trung quyền lực kinh tế, miễn là nó xảy ra thông qua các phương tiện không có tính ép buộc.
    2. Lịch sử
    Chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) phát triển trong những năm 1950 tại Mỹ khi những người với các niềm tin tự do cổ điển (classical liberal) hay cánh hữu cũ bắt đầu mô tả mình là những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarian). H. L. Mencken và Albert Jay Nock là những nhân vật nổi bật đầu tiên ở Hoa Kỳ tự gọi mình là những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Họ tin Franklin D. Roosevelt đã kết hợp thuật ngữ tự do (liberal) cho các chính sách New Deal của ông, các chính sách mà họ phản đối, và từ đó họ sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa tự do cá nhân để biểu thị lòng trung thành của họ với chủ nghĩa cá nhân (individualism). Mencken đã viết vào năm 1923 như sau: "Lý thuyết văn chương của tôi, cũng giống như lý thuyết chính trị của tôi, chủ yếu dựa trên một ý tưởng, đó là, ý tưởng tự do. Trong niềm tin của tôi, tôi là một người tự do ở dạng cực đoan nhất".
    Trong năm 1950, tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Nga, Ayn Rand đã phát triển một hệ thống triết học gọi là thuyết khách quan (Objectivism), được trình bày trong các tiểu thuyết The Fountainhead Atlas Shrugged, cũng như các tác phẩm khác của bà, chúng có ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng tự do cá nhân. Tuy nhiên, bà đã từ chối nhãn hiệu tự do cá nhân và lên án gay gắt các phong trào tự do cá nhân như phong trào "hippies of the right”. Triết gia John hospers, thành viên một thời thuộc nhóm của Rand, đã đề ra nguyên tắc phi khởi đầu của vũ lực để thống nhất cả hai nhóm; nguyên tắc này sau đó đã trở thành một "cam kết" được yêu cầu cho các ứng cử viên tổng thống của Đảng Tự Do, và chính Hospers đã trở thành ứng cử viên tổng thống đầu tiên của đảng vào năm 1972.
    Nhà kinh tế học của trường phái Áo Murray Rothbard chịu ảnh hưởng nhiều bởi dự án của các nhà vô chính phủ cá nhân chủ nghĩa (individualist anarchists) ở Mỹ trong thế kỷ 19, và chính họ lại chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tự do cổ điển. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng họ đã có một nhân thức sai lầm về kinh tế học: họ chấp nhận lý thuyết giá trị lao động do bị ảnh hưởng bởi các nhà kinh tế học cổ điển, nhưng Rothbard là một học trò của lý thuyết kinh tế học tân cổ điển, lý thuyết vốn bất đồng với lý thuyết giá trị lao động. Rothbard tìm cách pha trộn sự ủng hộ đối với thị trường tự do và bảo vệ sự riêng tư của những người theo chủ nghĩa cá nhân Mỹ thế kỷ 19 với các nguyên tắc kinh tế học của trường pháo Áo: "Trong tư tưởng của 'trường phái kinh tế Áo' có một sự giải thích khoa học về sự vận hành của thị trường tự do (và về các hậu quả của sự can thiệp của chính phủ vào thị trường đó), và đây là điều mà những người vô chính phủ cá nhân chủ nghĩa có thể dễ dàng kết hợp vào trong thế giới quan chính trị và xã hội của họ".
    Chủ nghĩa tự do cá nhân hiện đại giành được sự thừa nhận đáng kể trong giới học thuật với sự xuất bản tác phẩm Vô chính phủ, nhà nước, và xã hội không tưởng của giáo sư Đại học Harvard Robert Nozick vào năm 1974, một phản ứng đối với tác phẩm Một lý thuyết công bằng của John Rawls. Cuốn sách này đề xuất một nhà nước tối thiểu trên cơ sở rằng, đó là một hiện tượng không thể tránh khỏi, và có thể phát sinh mà không vi phạm các quyền cá nhân. Vô chính phủ, nhà nước, và xã hội không tưởng giành được một giải thưởng sách quốc gia vào năm 1975.
    Kể từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do trong những năm 1970, chủ nghĩa cá nhân tư bản thị trường tự do vượt ra ngoài Bắc Mỹ thông qua các think tanks và các đảng chính trị.
    3. Các nhà lý thuyết
    • Walter Block – nhà kinh tế học, nhà lý thuyết người Áo và tác giả của các tác phẩm Defending the Undefendable và Yes to Ron Paul and Liberty
    • Richard Epstein – học giả pháp lý, chuyên gia trong lĩnh vực luật và kinh tế học
    • David D. Friedman – nhà lý thuyết ủng hộ chủ nghĩa tư bản – vô chính phủ, tác giả các sách The Machinery of Freedom, và là con trai của Milton Friedman
    • Milton Friedman – nhà kinh tết học tiền tệ giành giải Nobel, thành viên của trường phái kinh tế Chicago, ủng hộ cho việc tư nhân hóa và phi điều tiết kinh tế
    • Friedrich Hayek – nhà kinh tế học thuộc trường phái Áo, được trao giải Nobel, nối tiếng với tác phẩm The Road to Serfdom
    • Hans-Hermann Hoppe – phát triển lý thuyết đạo đức học tranh luận
    • Michael Huemer – triết gia, người theo thuyết trực giác đạo đức và tác giả của cuốn sách The Problem of Political Authority
    • Rose Wilder Lane – biên tập viên thầm lặng của các bộ sách Little House on the Prairie của mẹ cô, và tác giả của cốn sách The Discovery of Freedom
    • Ludwig von Mises – thành viên trường phái tư tưởng kinh tế Áo, đóng góp cho sự thiết lập các nghiên cứu về hành vi con người
    • Jan Narveson – triết gia chính trị và giáo sư danh dự, thành viên của Order of Canada
    • Robert Nozick – triết gia và tác giả cuốn Anarchy, State, and Utopia
    • Ayn Rand – người thành lập chủ nghĩa khách quan
    • Murray Rothbard – người thành lập chủ nghĩa tư bản – vô chính phủ và là một nhà kinh tế của trường phái Áo
    Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Right-libertarianism
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org