Có
thể nói, giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế -
chính trị - xã hội của mỗi một quốc gia. Nhật Bản, vào những năm cuối thế
kỷ XIX, là nước đã thực hiện thành công cải cách Minh Trị (1868 - 1912)) - một
sự kiện trọng đại, có tính bước ngoặt làm rạng danh đất nước này. Nhờ thế, Nhật
Bản đã phát triển đất nước theo con đường hiện đại hoá và tránh được sự xâm lược
của các nước phương Tây vào thời Cận đại. Thành quả vĩ đại ấy là sự cộng hưởng
của rất nhiều tác tố, trong đó không thể không kể đến công cuộc“cải cách
giáo dục” và “vai trò” to lớn của nó. Cải cách giáo dục
ở Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị đã làm chấn động, lung lay mô hình giáo dục
xưa cũ và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc Duy
Tân của quốc gia này. Hơn thế, cho đến ngày nay, những tư tưởng cải cách đó vẫn
còn có giá trị chiến lược có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Không chỉ với Nhật
Bản, ở Việt Nam để tăng cường những yếu tố nội lực, việc tìm hiểu cải cách giáo
dục ở các nước trên thế giới là điều hết sức cần thiết trong công cuộc công
nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước hiện nay.
1.
Xây dựng hệ thống giáo dục kiểu mới
Cũng
giống như một số quốc gia châu Á khác, trước năm 1868, Nhật Bản chịu ảnh hưởng
nặng nề của giáo dục Nho giáo. Sự bén rễ của hệ thống giáo dục kiểu cũ này hết
sức sâu đậm trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ. Do đó, quá trình đấu tranh để đi
đến một sự lột xác gần như hoàn toàn sang hệ thống giáo dục kiểu mới ở thời kỳ
Minh Trị là một quá trình “không bình lặng” và thắng thế cuối cùng đã thuộc về
những tư tưởng cấp tiến.
Các
nhà lãnh đạo Minh Trị từ rất sớm đã nhận thức rõ tính phi tập trung và thiếu
tính chặt chẽ, thiếu sự tổ chức, quản lý của Nhà nước trong mô hình giáo dục
Nho giáo nên muốn sử dụng giáo dục như là một công cụ của sự thống nhất quốc
gia thông qua những thay đổi về mục tiêu và nội dung dạy học.
Như
chúng ta đã biết, vào thời Cận đại, trước làn sóng văn minh phương Tây nhiều quốc
gia Châu Á đã khép mình trong tù đọng để rồi đưa đến hệ quả mất độc lập, chủ quyền
và phải tranh đấu suốt một thời gian dài để giành lại nó. Riêng Nhật Bản, với sự
sáng suốt của đội ngũ các nhà lãnh đạo tài hoa và tân tiến như: Iwakura,
Fukuzawa Yukichi... đã sớm nhận thức được rằng: chính giáo dục là chìa khoá bí
mật của sức mạnh phương Tây. Từ đó, Nhật Bản “phải học tập rất nhiều về công
nghệ, các thiết chế, các tư tưởng của phương Tây và phát triển một năng lực xã
hội trên cơ sở giáo dục để hỗ trợ cho một nền kinh tế và xã hội hiện đại” nhằm
mục tiêu “phú quốc cường binh” (fukoku kyohei) với tinh thần “học tập phương
Tây, đuổi kịp phương Tây, đi vượt phương Tây” trên nền tảng định hướng “kỹ thuật
phương Tây, đạo đức phương Đông” để thông qua đó thiết lập hệ thống giáo dục kiểu
mới một cách có chọn lọc.
Từ
trước năm 1868, ở Nhật Bản đã có một số cá nhân có tư tưởng Âu hoá đã cho con
em mình sang các nước phương Tây học tập. Sau đó, chính Mạc phủ đã thực hiện việc
gửi học sinh ra nước ngoài học tập, mời các kỹ sư nước ngoài sang giúp đỡ về kỹ
thuật, giảng dạy về khoa học và ngôn ngữ(1).
Nhưng phải từ 1868 trở đi việc nghiên cứu hệ thống giáo dục phương Tây ở Nhật Bản
mới thực sự diễn ra mạnh mẽ. Thông qua việc kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý
giáo dục các cấp, Nhật Bản đã hướng tới việc xác lập khuôn mẫu giáo dục phương
Tây. Bắt đầu từ năm 1870, các trường học ở Nhật Bản tổ chức theo 3 cấp học bao
gồm tiểu học, trung học và đại học. Năm 1871, thành lập Bộ Giáo dục và công bố
luật Gakusei (Học chế - Trật tự giáo dục Chính phủ). Trên cơ sở đó, chính phủ
Minh Trị đã điều chỉnh và ban hành một bộ luật mới cũng được gọi là Luật Giáo dục
(Kyoiku Rei), công bố năm 1879. Theo luật Gakusei, giáo dục Nhật Bản sẽ được thực
hiện theo mô hình giáo dục 3 cấp của Pháp.
Việc
ban hành luật giáo dục được xem là một quá trình thử - sai để tìm ra cái phù hợp
với thực tiễn Nhật Bản lúc bấy giờ. Vì thế, luật giáo dục thường xuyên được
thay đổi. Sở dĩ có điều này là do quá trình đấu tranh giữa các trường phái: Nho
học, Quốc học và Âu học vẫn tiếp tục tồn tại. Bên cạnh đó, giáo dục lúc này còn
liên quan đến việc kiện toàn, phân bổ hệ thống quản lý từ trung ương xuống địa
phương nhằm phá vỡ tính nhỏ lẻ, thiếu nhất quán của Nho học trước đây để đi đến
một sự thống nhất toàn diện về mọi mặt trong giáo dục.
Chẳng
hạn, theo Luật Giáo dục năm 1879 đã giao quyền quản lý trường học cho các địa
phương nhưng kết quả là một số học sinh tới trường tiểu học ở nhiều địa phương
giảm đáng kể. Ngay trong năm sau (1880), Chính phủ Nhật Bản đã thay đổi luật
giáo dục để thông qua hệ thống giáo dục quản lý tập trung cụ thể là có sự thống
nhất về thành tố của hệ thống giáo dục như: chương trình, sách giáo khoa, hệ thống
trường lớp... trên khắp cả nước. Đặc biệt, Arinari Mori (1847 - 1889) - Bộ trưởng
Giáo dục đầu tiên của Nhật Bản là người đã thông qua Luật về Giáo dục tiểu học.
Bộ luật này coi giáo dục tiểu học là nền tảng của toàn bộ hệ thống giáo dục, và
theo đó quy định 3 hoặc 4 năm tiểu học là giáo dục bắt buộc(2),
coi giáo dục tiểu học là “điều kiện trước tiên giúp cho nền kinh tế cất cánh”.
Các nhà lãnh đạo Minh Trị đã sớm nhận thức được rằng, muốn xây dựng một nước Nhật
mới không thể bắt đầu với số đông quần chúng mù chữ, xem giáo dục tiểu học là
cái gốc của nền giáo dục và sự phát triển. Chính quyền Nhật Bản đã tổ chức nhiều
loại trường tiểu học khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi địa phương: thành
thị, nông thôn, miền núi... Ở mỗi khu vực lại có những quy định về bố trí thời
gian đến trường cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học sinh. Bằng cách
đó, chính phủ muốn lôi kéo trẻ em đến độ tuổi đi học đến trường càng nhiều càng
tốt, một cách tự nguyện và có ý thức. Giáo dục tiểu học lúc này được coi là rất
quan trọng để tạo ra trong xã hội nếp sống công nghiệp hoá. Vào năm 1900, Nhật
Bản đã cho sửa đổi Luật trường tiểu học trong đó đưa ra những quy định về nghĩa
vụ giáo dục một cách chi tiết, ví dụ như: cha mẹ và những người thuê mướn trẻ
em phải thi hành luật bắt buộc cho trẻ em đến trường đúng theo quy định. Nhờ vậy,
tỉ lệ trẻ em đến trường đã tăng nhanh từ sau năm 1900(3) và
Nhật Bản trở thành nước có tỉ lệ người mù chữ vào loại thấp nhất trong thời điểm
này.
Bên
cạnh việc thiết lập hệ thống các trường tiểu học, Nhật Bản cũng chú trọng phát
triển các trường Đại học trực thuộc nhà vua (Đại học hoàng gia) và các trường
đào tạo giáo viên, cùng với đó là quy định về trường dạy nghề (được thông qua
năm 1899) và sự ra đời của các trường đại học: Đại học Tokyo được thành lập năm
1877, Đại học Keio... Tất cả đã thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống trường lớp ở
Nhật Bản và góp phần đào tạo tầng lớp lãnh đạo cho đất nước. Đặc biệt, sự ra đời
của Đại học Tokyo (trường dạy về tri thức và văn hoá phương Tây) đã đánh dấu sự
ra đời của nền giáo dục đại học ở Nhật Bản, năm 1886 trường này đổi tên thành Đại
học Đế quốc là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực cốt cán cho sự nghiệp
Duy tân “trở thành đòn bẩy không thể thiếu của quốc gia”.
2.
Xác lập chương trình học phong phú và đa dạng
Cùng
với việc xây dựng hệ thống giáo dục tiểu học kiểu mới thì khung chương trình
giáo dục cũng được xác lập theo mô hình của phương Tây rất phong phú và đa dạng
trên cơ sở thống nhất về sách giáo khoa. Các môn học ở trường tiểu học cấp dưới
(giáo dục tiểu học gồm 8 năm, 4 năm đầu gọi là giáo dục tiểu học cấp dưới, 4
năm sau gọi là giáo dục tiểu học bậc cao) bao gồm: học đánh vần, chữ, từ vựng,
đọc hội thoại, đọc, đạo đức, viết thư, ngữ pháp, số học, giáo dục thể chất, địa
lý và vật lý. Ở tiểu học bậc cao, học sinh được học lịch sử, hình học, vẽ, lịch
sử tự nhiên, hoá học và sinh học. Chương trình học này được mô phỏng theo
chương trình của các nước phương Tây.
Do
đó, sách giáo khoa dùng trong các trường tiểu học của Nhật ở giai đoạn đầu là
sách dịch hoặc sách mô phỏng theo sách của các nước châu Âu và Mỹ. Đến trung học
và các bậc học cao hơn, sách nước ngoài đã được nhập khẩu và dịch nguyên văn(4).
Về
phương pháp và phương tiện dạy học cơ bản gần giống với phương Tây. Cơ sở học tập
bao gồm bàn ghế được nhập khẩu nguyên chiếc từ Châu Âu và Châu Mỹ vào giai đoạn
đầu, sau đó thì Nhật Bản tiến hành tự sản xuất, riêng bảng đen, phấn viết là do
người Nhật tự sản xuất để trang bị chủ yếu cho các trường tiểu học.
Riêng
phương pháp giảng dạy mới dựa trên cơ sở quan sát trực tiếp, khuyến khích trao
đổi, thảo luận nhằm phát huy tư duy của người học. Phương pháp này thay thế cho
phương pháp giảng bài và đọc từ sách giáo khoa trước đây. Từ sau năm 1887, Nhật
Bản tiến hành áp dụng phương pháp dạy học 5 bước của Đức. Theo phương pháp này,
giáo viên trước hết chuẩn bị tài liệu và giới thiệu cho học sinh. Sau đó, tự học
sinh sắp xếp lại thông tin dưới hình thức tri thức có tổ chức theo các nhóm nhỏ
để người học có thể dễ dàng chuyển hoá kiến thức đã được học dưới dạng kỹ năng.
Phương pháp này được coi là định hướng quan trọng trong trường tiểu học thời
Minh Trị và đến nay vẫn tiếp tục được áp dụng. Giáo dục Minh Trị còn tiếp thu
hình thức giáo dục trực quan của Mỹ, sử dụng các đồ dùng trực quan vào dạy học:
tranh ảnh, bảng biểu... thay thế cho lối học “tầm chương trích cú” trước đây.
Do
học hỏi từ mô hình giáo dục phương Tây nên Nhật Bản đã xây dựng được một nền
giáo dục mang tính thực dụng cao. Điều này nằm ngay trong tư tưởng của nhà cải
cách giáo dục bậc thầy Fukuzawa Yukichi. Ông cho rằng: học không chỉ là học thuộc
những kiến thức có sẵn trước đây mà phải gắn việc học với những nhu cầu của cuộc
sống hiện đại như đọc, viết (đặc biệt là ngoại ngữ), làm tính... để có thể giao
dịch, trao đổi với bên ngoài một cách hiệu quả. Với trường Đại học Keio của
mình, ông đã đào tạo ra cho Nhật Bản nhiều lớp thương gia và các nhà lãnh đạo
quan trọng trong bộ máy nhà nước. Giáo dục của ông là giáo dục mang tinh thần
khoa học, độc lập và thực dụng. Theo ông, các nước phương Đông sở dĩ chậm tiến
trong thời Cận đại là bởi giáo dục Khổng giáo quá thiên về hư học.
Mục
tiêu chung của cả nước lúc bấy giờ là tập trung cho “phú quốc, cường binh” vì vậy
việc trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật và đi sâu vào thực học lúc này là rất
quan trọng trong sự phát triển kinh tế Tư bản Chủ nghĩa, giáo dục kỹ thuật do
đó đặc biệt được coi trọng. Chính phủ Nhật Bản đã gửi các sinh viên của mình ra
nước ngoài để tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức tiên tiến nhất về áp dụng
cho đất nước mình. Cụ thể, Nhật Bản đã gửi sinh viên sang Anh để học về hải
quân và hàng hải, sang Đức để học về bộ binh, y khoa và sang Mỹ để học về kinh
doanh, sang Pháp để học về luật khoa... Ngoài ra, Nhật Bản còn mời các giáo sư,
giảng viên người nước ngoài (khoảng 5000 người) sang giảng dạy, truyền bá kiến
thức cho người Nhật, nhất là về kỹ thuật. Để tăng cường sự hiểu biết về thế giới
bên ngoài, chính quyền Minh Trị còn chú trọng nhiều đến việc dạy ngoại ngữ, nhất
là tiếng Anh, xem đó là chìa khoá để mở ra thế giới bên ngoài. Bởi vậy, vào năm
1874 ở Nhật Bản đã có tới 91 trường dạy tiếng nước ngoài(5).
Tinh
thần thực học để phục vụ cho sự phát triển của đất nước được thể hiện cao nhất
trong việc chính quyền Nhật Bản dẫn các đoàn chuyên gia ra nước ngoài để học hỏi,
tiếp thu kinh nghiệm, từ đó đưa ra những chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp,
ví dụ: từ năm 1871 – 1873, Iwakura đã đưa đoàn quan chức lãnh đạo ra nước ngoài
khảo sát tình hình ở các nước phương Tây... Như vậy, chính quyền Minh Trị đã rất
quan tâm, tạo điều kiện cho tầng lớp lãnh đạo tiếp thu và nắm bắt thời cuộc. Nhờ
vậy, cả Nhật Bản lúc đó như “một trường học khổng lồ” trong guồng quay của công
cuộc canh tân đất nước.
Bên
cạnh việc khắc phục những hạn chế của hệ thống giáo dục Nho giáo như sự manh
mún, phân tán, tự phát... những cải cách giáo dục thời Minh Trị còn thể hiện
tính chất ưu việt, tiến bộ so với các nền giáo dục châu Á lúc bấy giờ đó là sự
bình đẳng trong giáo dục. Trước năm 1868, ở Nhật Bản tồn tại hệ thống trường lớp
giành riêng cho giới võ sĩ và dân thường, ở đó có sự cách biệt và phân tầng rất
rõ rệt. Và phần lớn các trường tiểu học chỉ được tổ chức cho quan lại nhưng dưới
thời Minh Trị, trường học còn giành cho cả con cái nhà thường dân và “trẻ em đến
tuổi đi học, không phân biệt nam nữ đều phải tới trường và các bậc cha mẹ phải
được thông báo về chính sách này với tất cả lòng ham muốn”. Quan niệm về giáo dục
với nữ giới cũng đã thay đổi. Đây là một tiến bộ lớn lao trong nhận thức về vị
thế của người phụ nữ trong xã hội Á Đông bấy giờ nói riêng và thế giới nói
chung. Trước đó, chưa hề có tiền lệ này. Dưới thời Minh Trị, phụ nữ hoàn toàn
bình đẳng với nam giới trong giáo dục. Nhờ thế, trình độ dân trí của phụ nữ
ngày được nâng cao, nếu như năm 1875 chỉ có 18,58% nữ sinh tốt nghiệp tiểu học
thì tới năm 1910 con số đó đã lên tới 97,38% và đạt mức 99% sau đó không lâu(6).
Được giáo dục, phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động sản xuất, kinh
doanh, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá của
Nhật Bản. Để đáp ứng nhu cầu đó, các trường nữ công lập được thành lập nhiều
hơn. Chính sách giáo dục giành cho nữ giới có thể nói không chỉ là bước tiến lớn
của Nhật Bản mà còn là bước tiến lớn trong lịch sử văn minh nhân loại.
Trong
công cuộc cải cách giáo dục của Nhật Bản thời Minh Trị, ngoài việc đề cao giáo
dục tiểu học thì việc đào tạo đội ngũ giáo viên là hai chính sách được đặc biệt
chú trọng. Do xây dựng hệ thống giáo dục các cấp từ trên xuống, số lượng học
sinh ngày càng tăng nhanh kéo theo tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các cấp
học và ngành học. Do đó, ngay từ khi ban hành Học chế (1872), trường sư phạm đầu
tiên đã được thành lập ở Tokyo với sự giúp đỡ của chuyên gia giáo dục Mỹ
Marison Scott với 54 học viên đầu tiên.
Tiếp
đó là Sắc lệnh về trường sư phạm (1886) và Sắc lệnh về giáo dục sư phạm (1890)
đã khẳng định việc đào tạo giáo viên phải nhấn mạnh đến việc phát triển phương
pháp giảng dạy trên cơ sở những hiểu biết về khoa học phương Tây. Theo đạo luật
năm 1878, mỗi tỉnh ở Nhật Bản ít nhất phải có 1 trường sư phạm. Giáo viên với
tư cách là “người truyền bá tri thức” phải hội tụ đủ các yếu tố đức và tài.
Chính quyền Minh Trị coi việc đào tạo đội ngũ giáo viên là yếu tố tiên quyết
cho một nền giáo dục có chất lượng cao, gián tiếp phục vụ cho công cuộc cải
cách trên các lĩnh vực cụ thể khác. Điều này cho đến nay vẫn được khẳng định bởi
chất lượng của các lớp học trò, các thành viên của xã hội hay rộng hơn là sự
phát triển của kinh tế - chính trị - xã hội phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ “kỹ
sư tâm hồn” này!
3.
Vai trò của công cuộc cải cách giáo dục
Mặc
dù việc chuyển đổi từ nền giáo dục truyền thống sang nền giáo dục hiện đại
không phải dễ dàng, nhất là khi đặt nó trong hệ quy chiếu của văn hoá, lịch sử...
Nhưng ở Nhật Bản, chính giáo dục đã giúp cho sự định hướng xã hội theo kiểu
cách tân khi tính đến truyền thống, sử dụng truyền thống như là tiền đề cho hiện
đại hoá, giúp cho quá trình nắm bắt, sử dụng các thành tựu khoa học một cách hiệu
quả khi hợp thức hoá định hướng xã hội dựa trên các giá trị truyền thống... Và
chính điều này đã khẳng định giáo dục thời Minh Trị là một công cụ quan trọng,
đáng kể để xây dựng cơ cấu hạ tầng của nước Nhật thời kỳ này. Hơn thế, chính
giáo dục đã giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển, trong sự chuyển đổi từ
đời sống nông nghiệp cổ truyền sang một xã hội công nghiệp hiện đại và sau đó,
trong những biến đổi xã hội cao hơn, nó đã tạo ra một loạt các trung tâm dịch vụ
như các trung tâm kỹ thuật mới... Với Nhật Bản, cải cách giáo dục thời kỳ Minh
Trị là chìa khoá để mở cửa đến thế giới hiện đại(7).
Bằng
việc tiếp thu thành quả giáo dục từ rất nhiều nước trên thế giới và biết chắt lọc
thành các kinh nghiệm bản thân theo phương châm “Học là chìa khoá của thành
công trong cuộc sống và không ai không cần đến giáo dục” Nhật Bản đã tạo nên tầm
vóc đáng chú ý của mình từ sau thời kỳ Minh Trị trở đi.
Thông
qua việc xác lập hệ thống giáo dục kiểu mới, các trường học các cấp đặc biệt ưu
tiên cho giáo dục tiểu học đã đặt nền móng cho một nền giáo dục vững bền từ
ngay trong gốc rễ. Nhờ sự thành công của chính sách này mà hiện nay Nhật Bản là
một trong những nước có tỉ lệ người biết đọc, biết viết cao nhất trên thế giới.
Các trường học ở Nhật Bản đã thực sự trở thành phương tiện hữu hiệu trong việc
đào tạo đội ngũ nhân tài có khả năng nắm bắt được công nghệ hiện đại và tham
gia vào việc điều hành, quản lý đất nước trong công cuộc hiện đại hoá, canh tân
đất nước.
Có
thể nói, đóng góp nổi bật nhất của công cuộc cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời
kỳ này là góp phần đẩy mạnh công cuộc hiện đại hoá đất nước. Nhờ công cuộc cải
cách này, “Nhật Bản đã chuyển sang một hệ thống giáo dục mới dựa trên cơ sở thống
nhất giữa chính phủ và các cơ quan giáo dục, đề cao truyền thống dân tộc theo
tinh thần Khổng giáo nguyên thuỷ và phục vụ đắc lực cho lợi ích đất nước đến cuối
thế chiến thứ hai”(8).
Hệ thống giáo dục cải cách đã triển khai việc sử dụng sách giáo khoa chung,
cùng với đó là sự thống nhất trong hệ thống giáo dục từ trung ương xuống địa
phương đã tạo nên chất kết dính, sự thống nhất cao độ của quốc gia - yếu tố tối
quan trọng với Nhật Bản nhằm củng cố sức mạnh nội lực để thực hiện thành công
công cuộc Duy tân và bang giao với thế giới bên ngoài ở một tư thế hoàn toàn
khác với các nước châu Á vào thời điểm bấy giờ. Lúc này ở Nhật Bản “trường học
trở thành động cơ thúc đẩy việc hình thành trong nhân dân cảm giác chung về một
quốc gia, dân tộc, tạo nên việc chuyển đổi lòng trung thành đối với địa phương
mang tính phong kiến thành lòng trung thành đối với đất nước mang tính quốc
gia, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân vào công cuộc hiện đại hoá”(9).
Bên
cạnh đó, thông qua việc tiếp thu hệ thống giáo dục phương Tây (phương pháp dạy
học, dịch sách giáo khoa phương Tây, phát triển việc dạy và học ngoại ngữ...)
đã góp phần phổ biến văn hoá và lối sống phương Tây vào Nhật Bản. Nhật Bản trở
thành quốc gia Châu Á đầu tiên “hiểu” và “biết cách sống” với phương Tây hơn hết
mọi quốc gia! Tiếp thu văn hoá và các giá trị của văn minh phương Tây còn đưa đến
sự đổi mới trong tư duy, trong cách thức triển khai công cuộc cải cách đất nước
của mình đã góp phần tạo nên sự thay đổi kỳ diệu trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến
chính trị, xã hội...
Nhật
Bản vốn là quốc gia nhạy cảm và có khả năng thích nghi rất cao. Phải chăng
chính nét đặc trưng văn hoá trên đã lý giải cho những biến cố thần kỳ của đất
nước này trong suốt chiều dài lịch sử của mình? Với công cuộc cải cách giáo dục
thời Minh Trị đã khẳng định một phần nào điều đó! Cần phải khẳng định rằng sự
thành công của Duy Tân Minh Trị cuối thế kỷ XIX có sự đóng góp không nhỏ của cải
cách giáo dục, nó đã có ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài và quyết định trong việc tạo
dựng chất lượng nguồn nhân lực con người. Sự phát triển của nền giáo dục Nhật Bản
hiện nay, một lần nữa đã khẳng định thêm tính đúng đắn của những cải cách đó và
là bài học về xây dựng nội lực cho nhiều quốc gia trong mưu cầu cất cánh nền
kinh tế. Nhờ cải cách giáo dục nói riêng và thành công từ cải cách Minh Trị nói
chung đã tạo nên bước ngoặt thần kỳ của Nhật Bản thời Cận đại: không bị xâm lược
và phát triển đất nước theo con đường hiện đại hoá sớm và thành công nhất ở khu
vực Châu Á. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn là một tấm gương sáng chứa đựng nhiều bí
quyết về cái gọi là “truyền thống - hiện đại”, sự hun đúc, tôi luyện của cả một
dân tộc, một quốc gia vốn được xem là đặc biệt trên thế giới!
Trần
Thị Tâm
(ThS,
Đại học Khoa học Huế)
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
- Lê
Thị Anh Đào (2004), “Vấn đề cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài ở
hai phong trào Duy Tân châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc) thời Cận đại”, Tạp
chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 49, trang 51- 55.
- Trần
Phương Hoa (2006), “Giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam giai đoạn 1906
– 1945 và cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị”, Tạp chí Nghiên
cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 64, trang 41 - 47.
- Nguyễn
Kim Lai - Đặng Thị Tuyết Dung (2004), “Vai trò của giáo dục đối với
quá trình hiện đại hoá trong thời kỳ Minh Trị ở Nhật Bản”, Tạp chí
Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 51, trang 57 - 62.
- Ngô
Hương Lan (2005), “Giáo dục bậc Đại học và trên Đại học ở Nhật Bản:
những chặng đường đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á,
số 60, trang 52 - 58.
- Phan
Ngọc Liên (chủ biên) (1997), Lịch sử Nhật Bản, Nhà Xuất Bản
Văn hoá, Hà Nội.
- R.H.P
Mason – J.G. Caiger (2003), Lịch sử Nhật Bản, Nhà Xuất Bản Lao
Động, Hà Nội.
- Edwin
O. Reischauer (1998), Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, Nhà
Xuất Bản Thống Kê, Hà Nội.
- Kataoka
Sachihico (2005), “140 năm Cận đại Nhật Bản và đặc trưng văn hoá
Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 56, trang 20
- 27.
- Đông
Á - Đông Nam Á: những vấn đề lịch sử và hiện tại (2004),
Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội.
(1) Đông
Á - Đông Nam Á: những vấn đề lịch sử và hiện tại (2004), Nhà Xuất Bản
Thế Giới, Hà Nội, tr.182.
(2) Trần
Phương Hoa (2006), “Giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam giai đoạn 1906 –
1945 và cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật
Bản và Đông Bắc Á, số 64, tr.43.
(3) Đông
Á - Đông Nam Á: những vấn đề lịch sử và hiện tại (2004), Nhà Xuất Bản
Thế Giới, Hà Nội, tr.186.
(4) Trần
Phương Hoa (2006), “Giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam giai đoạn 1906 –
1945 và cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật
Bản và Đông Bắc Á, số 64, tr.45.
(5) Lê
Thị Anh Đào (2004), “Vấn đề cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài ở hai
phong trào Duy Tân châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc) thời Cận đại”, Tạp chí
Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 49, tr.52-53.
(6) Đông
Á - Đông Nam Á: những vấn đề lịch sử và hiện tại (2004), Nhà Xuất Bản
Thế Giới, Hà Nội, tr.185.
(7) Nguyễn
Kim Lai - Đặng Thị Tuyết Dung (2004), “Vai trò của giáo dục đối với quá
trình hiện đại hoá trong thời kỳ Minh Trị ở Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu
Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 51, tr.57-58.
(8) Nguyễn
Kim Lai - Đặng Thị Tuyết Dung (2004), “Vai trò của giáo dục đối với quá
trình hiện đại hoá trong thời kỳ Minh Trị ở Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu
Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 51, tr.62.
(9) Đông
Á - Đông Nam Á: những vấn đề lịch sử và hiện tại (2004), Nhà Xuất Bản
Thế Giới, Hà Nội, tr.179.
Nguồn:
http://www.inas.gov.vn/560-cai-cach-giao-duc-nhat-ban-trong-thoi-ky-minh-tri-va-vai-tro-cua-no.html