Vấn đề tri thức trong “trật tự tự phát” của Hayek (P2)

Posted on
  • Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Lữ Phương
    4
    Một câu hỏi tất yếu sẽ phải đặt ra: đàng sau tất cả những kỳ diệu của sự điều hợp đồng bộ, vừa mang lại hiệu nghiệm về mặt kinh tế, vừa làm xuất hiện tự do như một giá trị đạo đức ấy là gì mà khiến Hayek đặt hết niềm tin vào đó? Bàn tay vô hình là gì? Là không có một bàn tay nào cả như lý luận về “người máy” đã cho là vậy? Nhưng nếu cho rằng đó chỉ là một cách nói, rằng xã hội con người không thể nào là một guồng máy vô nhân xưng, phi nhân tính thì có thể cho rằng “bàn tay vô hình” vẫn hàm nghĩa có một bàn tay, nhưng bàn tay ấy lại tự giấu đi không cho chúng ta trông thấy hoặc do khả năng giới hạn của mình, con người không thể thấy? Vậy thì làm sao nhận ra được cái bàn tay kỳ diệu ấy trong thứ lý luận của chủ nghĩa tự do và của chủ nghĩa tự do của Hayek?

    Chúng ta không thể không nhớ tới những đơn tử (monade) siêu hình của Leibniz, những thực thể được xem là “không có cửa cái lẫn cửa sổ”, sống biệt lập với nhau hoàn toàn, nhưng do thông phần với bản chất của Chúa nên cuối cùng vẫn chung sống trong trạng thái hài hoà cực kỳ tốt đẹp.  Lực lượng điều hợp những khác biệt của những cá thể trần gian ở đây rõ rệt là “bàn tay của Chúa”.  Nhưng về sau càng có nhiều người khước từ lối giải thích thần bí ấy, do sự phát triển của khoa học, cho nên đã quay về dựa vào tự nhiên để giải thích.  Thí dụ như lý luận về khế ước xã hội: giả định từ nguồn gốc của nó, xã hội bao gồm những cá nhân mạnh ai nấy theo bản chất tự nhiên của mình  (bản chất này khác nhau tuỳ theo các tác giả như Thomas Hobbes, John Locke, Jean-Jacques Rousseau…) nhưng do phải sống chung nên đã phải đồng ý với nhau thảo ra những hợp đồng (vâng phục hoặc hợp tác), biểu hiện thành ý chí chung, căn cứ vào đó điều hành đời sống xã hội.  Bên cạnh đó có nhiều lý luận dựa vào tính chất tự nhiên mang đặc trưng của xã hội con người để đưa ra các thứ lý luận ngược lại: không có những cá nhân tồn tại tự thân như những đơn vị cô lập mà chỉ có những con người của một cộng đồng sống trong những tổng thể siêu cá nhân (gia đình, xã hội, giai cấp, dân tộc, nhân loại…) mà nội dung của những thực thể ấy hàm chứa ý nghĩa của một cái gì đó vượt khỏi con số cộng các thành phần riêng lẻ (Auguste Comte, Karl Marx…). 
    Chủ nghĩa tự do cổ điển có phương cách của mình.  Mandeville nói đến bản chất ích kỷ có thể tạo ra giàu có là đã giả định một mối quan hệ tự nhiên tạo ra được sự hoà hợp chung.  Những người theo thuyết duy lợi (Jeremy Bentham, John Stuart Mill…) cũng có những lập luận tương tự khi cho rằng cá nhân và xã hội có thể đạt được hoà hợp dựa trên lợi ích riêng biệt.  Có khác biệt, Hayek vẫn không thoát khỏi được xu hướng tự nhiên đó, nhưng với quan niệm riêng về tri thức luận của mình, ông đã mang đến cho chủ nghĩa tự do một cách lý giải mới: giống như những sơ đồ tiên thiên trong hệ thần kinh trung ương, các thứ trật tự tự phát của ông mang đậm nội dung văn hoá, truyền đạt qua thời gian do bắt chước, học tập, giáo dục thường xuyên mà trở thành “những quy tắc ứng xử đúng đắn” mang tính chất truyền thống để con người cứ theo đó mà noi theo không cần suy nghĩ, tính toán trong hành động.  Có thể gọi đó là một thứ chủ nghĩa tự nhiên văn hoá vì văn hoá chính là một thứ “tự nhiên thứ hai” tuy do con người tạo ra nhưng lại mang tính chất tất yếu như những quy tắc không thể đi ngược lại.  Hayek cho rằng cái hình thái văn hoá đó là đặc trưng của xã hội con người, nó tự hình thành, tự tích tụ dần dà qua lịch sử, bật ra vào một lúc nào đó như nước ngầm ở dưới đất vọt lên mặt đất, bất ngờ, không ai tiên đoán được, không biết ai là người tạo ra.  Một sản phẩm thuần tuý cộng đồng tự phát.
    Quan niệm về thứ trật tự ấy thật sự cũng không có gì mới mẻ.  Cuộc sống con người là một dòng chảy liên tục ở đó bao giờ truyền thống cũng có sức nặng chi phối đời sống hiện tại như một điều không thể tránh khỏi, vừa là kinh nghiệm đã tích tụ thành thói quen, cần noi theo để tạo ra sự liên tục trong tiến hoá, nhưng mặt khác cũng lại là sức ỳ quán tính ngăn cản những đổi thay nhanh chóng cần phải có để thích ứng.  Hayek không nhìn truyền thống như vậy, ông chỉ nhìn thấy mặt thuận lợi của những cái đã đọng lại thành nếp quen, coi đó chính là di sản của văn minh, dựa vào đó kết hợp với tri thức luận về tính chất phụ thuộc của lý trí vào những sơ đồ đã định hình trong hệ thần kinh, phát triển thành một chủ nghĩa phi lý tính, đẩy vào hàng đối lập mang tính phá hoại mọi ý định muốn thừa kế truyền thống theo đường lối canh tân hoặc cách mạng.  Mặc dù có lần đính chính không phải là người bảo thủ, nhưng xét về mặt lý luận, Hayek không thể nào thoát khỏi sự vây bọc của thứ chủ nghĩa phi lý tính do ông tạo ra để tự trói chân mình vào một thứ chủ nghĩa truyền thống bảo thủ vào bậc nhất của chủ nghĩa tư bản tự do; lý do thì chúng ta đã biết, đáng nói nhất là chủ trương chống lại tất cả mọi hình thức can thiệp vào sự vận hành của thứ chủ nghĩa tư bản tự do ấy, dù chỉ là những dự án điều tiết khiêm tốn hoặc cải cách cục bộ.[10]
    Trước những lập luận cực đoan đó, Hayek vẫn tìm cách giữ sự nhất quán của hệ thống của mình bằng cách viện đến những phương thức giấu mặt hoặc đưa vào những yếu tố ngoại lai.  Để tranh luận với những nhà “thiết kế” (đủ loại) ông hay dựa vào một thứ tri thức toàn diện giả định có thể có được, tuy con người không thể nhận ra, nhưng vẫn ẩn tàng và phân tán trong cơ chế thị trường, dựa vào đó đả kích những ảo tưởng toàn tri của những ai muốn có được một thứ trí thức như vậy để phục vụ các chương trình kế hoạch hoá.  Đó là cách lý luận có mục đích đẩy người đối thoại vào đường cùng mà họ không bao giờ đặt ra và muốn đạt tới.  Vấn đề ở đây không phải là bảo vệ hay phủ định kinh tế kế hoạch hoá mà là vấn đề của những người làm kế hoạch: các kế hoạch họ dựng nên có thể sai lầm từ đầu, nhưng không người làm kế hoạch nào lại đặt cho mình mục tiêu phải có được những tri thứ toàn diện thì mới hành động, và khi làm như vậy lại cho là đã đầy đủ để có thể bắt tay thực hiện, không cần phải điều chỉnh, bổ sung, kể cả làm lại những gì đã phác hoạ.  Với Hayek, những “quy tắc ứng xử đúng” của trật tự tự phát có thể hình thành từ quá trình “thử và sai” nhưng với sự thao tác của lý trí thì lại không được ông cho phép.  Cái lôgíc đẩy sự kiện tới chỗ tuyệt đối như vậy để buộc phải chọn hoặc “có” hoặc “không” là hoàn toàn xa lạ với cái biện chứng của đời sống thực tiễn. 
    Nhưng điều đó đã trở thành tự nhiên trong tư duy của Hayek.  Ông chỉ thấy điều ông cần đạt về mặt lập thuyết là làm sao chứng minh cho được sự tất yếu của những trật tự tự phát.  Ngoài việc dựa vào một thứ tri thức tuyệt đối để đẩy lui các đối thủ ra khỏi tầm mắt, ông còn dựa vào cái tri thức toàn diện bí mật nằm phục trong cơ chế thị trường để mặc nhiên bảo vệ cái tri thức luận phi lý tính.  Giả định về một tri thức toàn diện chứa đựng trong các trật tự tự phát, dưới hình thức phân tán, không nhận thức được bằng lý trí phân tích, với Hayek cũng là giả định cho rằng, ngoài chuyện thứ tri thức toàn diện ấy chỉ có thể thu gom và sử dụng được trong điều kiện con người buông xuôi để mặc cho thị trường muốn làm gì thì làm, muốn dắt mình đi đâu cũng được, còn là chuyện buộc con người phải nhắm mắt lại, tuyệt đối tin vào một thứ sức mạnh vô hình, toàn trí, toàn tri mà mình chỉ có thể phủ phục vâng lời, không cần nhìn thấy, không cần tìm hiểu.  Không thể nói khác đi về một thứ sức mạnh như thế: đó chính là sức mạnh của một đấng bậc có thể tạo những điều kỳ diệu mà không cho ai thấy mặt.  Một đấng bậc như vậy rất cần đến sự biện luận của Hayek về sự mờ đục trong tri thức luận của con người.  Sự ngu dốt [11] ở đây đã được thăng trật lên đỉnh cao nhất của quyền lực tinh thần: nó thực hiện được một cách không có ý thức sức mạnh vạn năng của một Ông Trời giấu mặt! “Thiên hà ngôn tai …”!
    Jean-Pierre Dupuy tìm hiểu cơ sở lý luận của chủ nghĩa tự do đã gọi thứ tri thức vạn năng giấu mặt trên đây trong hệ thống của Hayek là một “Tri thức Tuyệt đối”,[12] một trong những yếu tố “ngoại tại” mà những người theo chủ nghĩa tự do thường đem vào để bù đắp cho hệ thống nội tại của mình: phải có một cái tuyệt đối nào đó mang ý nghĩa trần gian thay cho cái tuyệt đối siêu việt (như cái monade của Leibniz).  Điều này cho biết hệ thống của tất cả những nhà lý luận của chủ nghĩa tự do đều không thể tự đứng vững được trên nền tảng nội tại của nó: dựa vào tính vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, tham lam, ham mê vật chất, đố kỵ, tranh giành mù quáng… coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nếu để cho tự do phát huy hết năng lực, thì tất yếu chúng sẽ đưa xã hội trở lại trạng thái tự nhiên thật khủng khiếp mà Hobbes đã hình dung ra: đó là “cuộc chiến tranh của mọi người chống mọi người”.  Cũng chính vì thế mà lý luận tự do, dù mỗi xu hướng có khác nhau, đều tìm cách tìm ra một yếu tố bền vững bao hàm một giá trị nào đó để vừa hạn chế bớt những hỗn loạn lại vừa duy trì được thành quả chung do cuộc cạnh tranh gây ra. 
    Nhưng những giá trị mà chủ nghĩa tự do thường viện tới, do dựa vào những yếu tố vẫn mang ý hướng nội tại, không thoát khỏi tiền đề coi những tác nhân biệt lập là những bản vị, đã tỏ ra không mấy hiệu nghiệm: thiện cảm, điều hoà lợi ích, lòng tốt tự nhiên… dù có lặp lại bao nhiêu lần vẫn không đem lại được một hệ thống giá trị làm nền cho một xã hội văn hoá và chính trị phát triển trong ổn định, nhân đạo.  Nó chỉ tạo ra một cái mà người ta gọi là “xã hội dân sự” có nội dung cạnh tranh thuần kinh tế mang tính chất tư bản chủ nghĩa tự do.  Sự hiện diện của các định chế nhà nước trong điều kiện đó được giao cho vai trò hạn chế cuộc tranh giành hỗn loạn giữa những cá nhân, nhưng trên thực tế, trong nhiều thời kỳ, nhiều trường hợp đã bị những kẻ có ưu thế chiếm lĩnh và biến thành công cụ, làm cho cường độ bất bình đẳng cá nhân phát triển thành bất bình đẳng xã hội, hình thành các đường lối chính trị tước đoạt, thống trị, mở rộng thành xâm lược diễn ra trên quy mô toàn cầu, dưới nhiều hình thức khác nhau trong lịch sử. 
    Đưa ra một thứ “Tri thức Tuyệt đối” đạt được bằng ngu dốt để làm mới học thuyết tự do nhằm chống đỡ cho cái trật tự thị trường tự phát trước những bất toàn của chủ nghĩa tư bản không ngớt bị công kích gay gắt và bị đe doạ thay thế, lập luận của Hayek không thể đem lại nhiều thuyết phục, do tính chất lén lút và không sòng phẳng trong biện luận của ông như chúng ta đã thấy.  Lập luận ấy không bao giờ có thể dập tắt được những mưu toan thay đổi hệ thống giá trị của chủ nghĩa tư bản tự do, những phương án canh tân, dù nhiều lần tỏ ra không tưởng và thất bại, nhưng vẫn không giảm bớt sự kiên trì trong tìm kiếm.
    5
    Nhưng hệ thống của Hayek chưa phải đã chấm dứt tại đó.  Ngoài yếu tố ngoại tại được gọi là “Tri thức Tuyệt đối” nói trên, Hayek còn sử dụng một yếu tố ngoại tại khác, lần này được biện luận một cách công khai, minh bạch, không cần giấu mặt: đó là việc vận dụng lý luận tiến hoá sinh vật của Darwin để giải thích sự vận hành của trật tự tự phát, mục đích làm cho lý luận của ông mang một màu sắc khách quan, không cần viện đến những lối giải thích cũ của các trường phái duy lợi, khế ước, hoà hợp lợi ích… Nhưng cũng chính từ nỗ lực này mà hệ thống của Hayek đã bộc lộ tất cả tính chất ngộ biện và mâu thuẫn trầm trọng của nó. 
    Lý luận của Darwin mô tả sự tiến hoá của các giống loài; bất cứ giống loài nào, kể cả con người, đều nằm trong vòng sàng lọc tự nhiên: giống nào thích nghi với tự nhiên thì mới tồn tại, giống nào không làm được điều đó thì bị diệt vong.  Dựa vào quan niệm sàng lọc tự nhiên đó, Hayek đã mang đến cho lý luận về tri thức và trật tự tự phát một chiều kích mới gọi là sự sàng lọc văn hoá: chỉ thích hợp với nhu cầu tồn tại của con người những định chế và những quy cách ứng xử được thời gian tuyển chọn và đọng thành truyền thống có thể giao lại cho các thế hệ đi sau như một di sản.  Nhiều nhà nghiên cứu nhân việc này cho rằng lý luận tiến hoá theo kiểu “cha truyền con nối” liên tục như vậy đã nghiêng về phía Lamarck nhiều hơn là Darwin.  Điều đó thật ra không quan trọng lắm vì Hayek chỉ mượn thuyết tiến hoá nói chung như một luận cứ mới để củng cố cái khung nội tại cho hệ thống của ông, làm cho hệ thống ấy có được một cơ sở tự nhiên vững chắc hơn các thứ lý luận tự nhiên mang hơi hám “bản tính người” vẫn còn còn tỏ ra mơ hồ.    
    Cũng giống những phạm trù tiên thiên lấy nguồn cảm hứng từ triết học Kant, lý luận tiến hoá sinh vật mượn từ Darwin ở đây đã được giao cho một vai trò có tính chất chức năng: kết hợp với lý luận về tri thức và các trật tự tự phát, nó khoác cho chủ nghĩa phi lý tính của Hayek cái vòng hoa chiến thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn dai dẳng cho con người và được con người tuyển chọn, bảo vệ như một truyền thống không thể nào thay đổi được.  Ý nghĩa của lý luận đấu tranh sinh tồn về mặt văn hoá cũng dẫn xuất từ đó: những con người tự do ngu dốt trước đây không biết được mình là gì trong cuộc vận hành vô ngã, phi nhân tính của những thứ trật tự tự phát thì bây giờ dưới ánh sáng của lý luận về tiến hoá văn hoá do Hayek tạo ra, đã có thể sử dụng cái phần lý trí ít oi của mình để hiểu rằng cái trật tự tự phát phủ đầy những vòng hoa đó là do chính mình tạo nên và nên thoả mãn với vị trí khiêm tốn của mình trong cái vòng trật tự ấy.  Ở đây, người chiến thắng không phải chiến thắng cho bản thân mà là tạo động lực để những người khác noi gương bắt chước đi theo, làm cho trật tự thị trường ngày trở thành một thứ giá trị phổ biến, đương nhiên.  Còn kẻ thua cuộc thì dù đắng cay như thế nào đi nữa cũng nên chấp nhận số phận và nên coi đó là bài học về sự tiến thân mà giả sử như có thất bại nhiều lần nữa thì cũng phải hiểu đó là sự hy sinh cần thiết cho cuộc sàng lọc tiến hoá của văn minh nhân loại. 
    Tính chất huyễn hoặc trong một viễn cảnh lý luận như vậy là không thể nào che giấu được.  Không ít người nghiên cứu đã nhận ra những mảnh ghép không nhất quán và cả mâu thuẫn trong hệ thống của Hayek.[13]  Muốn vượt qua chủ nghĩa duy lợi trực tiếp, tầm thường, nhưng sau khi đi qua một vòng chân trời, Hayek vẫn không thoát khỏi chủ nghĩa duy lợi dưới một hình thức gián tiếp mượn từ thế giới sinh vật áp dụng vào xã hội con người: chỉ những gì có ích cho sự tồn tại của con người được sàng lọc qua cạnh tranh sinh tồn mới được lưu giữ để biến thành truyền thống.  Và như vậy cái cơ chế vận hành của những trật tự tự phát vẫn không khác bao nhiêu với cái cơ chế đặt trên tiền đề về sự điều hợp tự nhiên của những lợi ích vị kỷ, bây giờ mờ đục hơn, quanh co hơn thôi.  Về một mặt khác, trong khi mượn lý luận tiến hoá sinh vật tạo cho hệ thống của mình cái dáng vẻ khoa học để, vừa bảo vệ các thứ trật tự tự phát như một sự kiện hiện thực, lại vừa cấp cho hiện thực ấy khả năng phát khởi tự do để thưởng công cho những tác nhân đã phục vụ nó hết lòng, Hayek đã tự dẫn mình vào môt cung cách tư duy ngược với nguyên lý sơ đẳng của biện luận triết học: lợi ích và lý tuởng, cái tồn tại và cái phải tồn tại, là hai bình diện khác nhau hoàn toàn về bản chất – tự do như một giá trịkhông thể phát khởi từ những cuộc tranh giành vô minh, mù quáng giữa những cá nhân không bao giờ biết nghĩ đến người khác và không bao giờ có ý định san sẻ cho người khác bất cứ một điều tốt đẹp nhỏ bé nào. 
    Những gì Hayek, dựa vào lý luận sàng lọc đó đề xuất một số luận điểm liên quan đến các lĩnh vực văn hoá, chính trị cho toàn xã hội, không đề xuất nào được xem là hài hoà về lý thuyết có thể đem áp dụng vào thực tế.  Lý do chủ yếu là Hayek đem lý luận sàng lọc sinh vật vận dụng vào cuộc cạnh tranh tự do để biến cuộc đấu đá sinh tồn của những cá nhân miệt mài chạy theo lợi nhuận thành một trò chơi, căn cứ vào đó giải quyết vấn đề gây căng thẳng nhiều nhất từ trước đến nay là “công bằng xã hội”.  Theo lập luận của Hayek thì trong cuộc chơi mạnh được yếu thua ấy, chuyện công bằng hay không công bằng chỉ liên hệ đến những thành viên tham dự, nghĩa là chỉ thành vấn đề cho cuộc chơi khi có những thành viên nào cố ý lừa bịp, tước đoạt, ăn gian.  Vậy mà mấy chuyện đó chẳng có gì rắc rối cả: trong bất cứ cuộc chơi nào cũng có những trọng tài và hãy để cho họ làm việc và những trọng tài xã hội ấy không ai khác hơn là Nhà nước pháp trị mà Hayek coi là không thể thiếu để cơ chế thị trường giữ được tính chất nghiêm chỉnh của nó trong hoạt động.  Vì thế việc thắng hay thua của những thành viên trong cuộc chơi ấy là thuộc vận may của mỗi người, chẳng thể đổ lỗi cho bản thân cuộc chơi, cũng chẳng dính dáng gì đến các cơ quan công quyền do nhà nước đảm trách. 
    Dựa trên quan niệm đó, Hayek công kích gay gắt những người đưa ra khái niệm gọi là “công bằng xã hội”, một khái niệm hàm nghĩa đòi hỏi “công bằng” trên phạm vi toàn “xã hội” bằng biện pháp phân chia lại thu nhập chung, thực hiện qua áp lực của những tổ chức dân sự (như các nghiệp đoàn), hoặc bằng sự can thiệp của nhà nước dưới nhiều hình thức (đáng chú ý nhất là Nhà nước phúc lợi).  Hayek cho rằng đó là những điều hết sức vô lý, vô nghĩa và chúng ta đã biết lập luận của ông ra sao: thị trường là một cơ chế phi nhân tính, tự vận động như một guồng máy không có chủ thể, guồng máy ấy lại là một trật tự được sàng lọc có lợi cho sự phát triển của xã hội, cho nên đặt vấn đề “công bằng” hay “không công bằng” với cái trật tự đại biểu cho xã hội đó là vô lý, vô nghĩa, không thể giải quyết được, vì không có ai giải quyết, nếu nhà nước nhẩy vào thì không thể tránh khỏi vi phạm chức năng trọng tài mà thị trường đã giao cho nó.  Vả lại như chúng ta cũng đã biết: với Hayek bất cứ hình thức can thiệp cố ý nào của con người vào cơ chế tự phát ấy sẽ là bất khả vì sẽ không có cách nào hiểu được sự vận hành tự động của nó, đã như vậy mà lại dựa vào “sự ngạo mạn của lý trí” để tìm cách cải tạo này nọ thì tai hại với nền “văn minh” lâu đời của loài người sẽ vô cùng tồi tệ. 
    “Ý đồ” biện hộ của Hayek cho tính điều hợp vô minh của thị trường như thế nào thì chúng ta cũng đã biết và có thể hiểu được trong cái văn cảnh thuần lý của nó.  Nhưng lý luận và thực tế là những chuyện khác nhau.  Mải mê trong tư biện, Hayek không chịu nhận ra sự kiện rất đơn giản này: những người chiến thắng và những người thua cuộc, có thể luân phiên thay nhau với tư cách là những cá nhân, nhưng dần dà trong mối quan hệ với nhau như là những thực thể xã hội (Hayek không thể nói đây không phải là truyền thống) họ đã mặc nhiên cùng nhau hình thành những tập hợp liên-cá nhân (vì những lợi ích nhiều mặt, không nhất thiết là kinh tế), và mọi thứ sẽ không còn diễn ra như lúc cuộc chơi mới bắt đầu nữa: không còn là sự tranh giành của những cá nhân mà sẽ là cuộc đối đầu của những tổng thể, những quan hệ xã hội biểu hiện dưới hình thức những tầng lớp, những tập đoàn, những siêu tập đoàn, những giai cấp, những dân tộc… – những thực thể mà Hayek nhất quyết không thừa nhận nhưng vẫn cứ diễn ra trong thực tế, hôm qua và cả hôm nay. 
    Những tổng thể ấy sẽ dẫn cuộc chơi đến những viễn cảnh khác hẳn với sự trông chờ của Hayek: không còn có sự thắng thua mù quáng, vô minh của hãnh tiến, hả hê hoặc của quy phục, nhẫn nhục mà sẽ là sự mù quáng, vô minh của những đam mê, thống trị, oán ghét, hận thù, tất cả có thể dẫn đến nhiều con đường trước mặt như những khả thể, con đường nào cũng có đầy đủ lý do để tồn tại: hoà bình hay chiến tranh, ổn định hay loạn lạc, cải tổ hay cách mạng, tất cả sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào cái cách mà những cá nhân tồn tại trong cái trật tự tự phát ấy có biết bừng tỉnh để sử dụng hay không: cầu viện đến cái phần lý trí nhỏ bé của mình (như Hayek cho là vậy) để giải quyết những vấn đề do cái trật tự tự phát mù quáng ấy gây ra, với tư cách là những con người của một giống loài biết liên đới với nhau trước những tai hoạ chung, chứ không còn là những monade của một cơ chế vô minh lén lút đi tìm một Chúa Trời cho mình như Hayek đã tin có thể tìm được.
    Chủ trương của Hayek giao cho nhà nước vai trò làm trọng tài điều hành cơ chế thị trường hoạt động cũng có thể hiểu như sự biểu hiện của lòng tin đó.  Mọi thứ đã do một đấng bậc giấu mặt nào đó (Tri thức Tuyệt đối, Trật tự Sàng lọc) lo liệu tất cả rồi, việc còn lại của con người chỉ là tuân theo để tổ chức vận hành thôi.  Xã hội con nguời vốn phức tạp, nên để ngăn chặn những cái quá đà, những lạc hướng, những hồi đầu thụt lùi, nhất là những toan tính dùng lý trí phá vỡ trật tự đã an bài, phải có một thực thể duy nhất được phép độc quyền sử dụng cưỡng chế để bảo đảm cho cái trật tự ấy vận hành suôn sẻ.  Nhà nước đặt trong viễn cảnh ấy đã trở thành công cụ của trật tự tự phát, trật tự thị trường: nó phải tự tạo ra một cơ chế luật lệ và tổ chức để không cho phép xẩy ra những mưu tính lộng quyền vượt qua khỏi cái chức năng đã được quy định của nó.  Nhưng cũng giống như tự do cá nhân thuần tuý hình thức, luật pháp của nhà nước cũng là luật pháp mang tính chất hoàn toàn hình thức như vậy: tất cả những cá nhân đều bình đẳng trên giấy tờ còn trong thực tế thì không bình đẳng lại là tất yếu, trên luật pháp ai muốn làm gì thì làm nhưng trong thực tế không ai được đụng tới cái nền luật pháp do bản thân cơ chế thị trường tạo ra: luật pháp đó bảo vệ mọi người để mọi người cúi đầu vâng phục trật tự thị trường. 
    Đấy chính là nguyên tắc tồn tại của nhà nước pháp quyền theo viễn cảnh Hayek, và từ nguyên tắc ấy, ngoài việc hoàn thành những dịch vụ công cộng, an ninh, luât pháp…,[14] nhất quyết không cho phép nhà nước can thiệp vào sự vận hành tự động của thị trường và cũng từ những nguyên tắc ấy thúc đẩy các hoạt động tư nhân, cá thể đến mức tối đa, toàn diện: quyền tư hữu tài sản là thiêng liêng cũng như quyền thừa kế (dù là nguồn tích tụ tài sản tạo ra không bình đẳng trong cuộc chơi ), không cho phép thực hiện thuế luỹ tiến, bài bác những đòi hỏi của công nhân và đại biểu của họ là công đoàn (những yêu sách gây ra lạm phát, tạo ra bè phái tìm kiếm lợi ích), cho phép tư nhân hoá tiền tệ, hình thành những tập đoàn độc quyền, thừa nhận sự hợp lý của đầu cơ … nói chung là tạo ra những điều kiện tối đa để cái xã hội dân sự thuần tuý kinh tế khẳng định mình như một thực thể độc lập, vận hành như một guồng máy tự động, tự đầy đủ với mình, tự làm luật cho mình, không có một tác nhân nào bên ngoài xen vào can thiệp.  
    Đối với một hình thái xã hội dân sự như vậy, cái duy nhất còn mang hơi hám một thứ không gian công cộng nào đó trong lý luận của Hayek chính là sự tồn tại của một nhà nước mang chức năng của một cơ quan quản lý thuần về kỹ thuật, một nhà nước trên danh nghĩa – Hayek thích gọi đó là một “chính quyền” hơn là một nhà nước – nhưng trong thực tế đã hợp nhất với xã hội dân sự thành một bộ phận hữu cơ tự phát của nó, một xã hội ở đó cái tinh thần tự động của cơ chế thị trường đã được mở rộng và trùm lấp tất cả mọi lĩnh vực của đời sống, một xã hội tiến tới chỗ tự định nghĩa như một xã hội kinh tế.  Một nhà nước như vậy thực tế cũng đã mang ý nghĩa của một “nhà nước tiêu vong”, tồn tại trong một xã hội mà chính trị được định nghĩa như những dự phóng có ý thức khác nhau trong một thứ xã hội do con người làm chủ đã không còn lý do để tồn tại.  Theo viễn quan của Marx,[15] người ta có thể cho rằng sự tiêu vong của một nhà nước như vậy không phải là sự nhường ngôi cho một cộng đồng phổ quát ra đời mà chính là sự hoàn tất của cái quá trình vô minh hoá toàn bộ thế giới mà sự chiến thắng của quá trình này đã trở nên đồng nghĩa với sự chiến thắng phổ biến của một thứ trật tự ở đó từ nay trở đi ý thức cộng đồng, ý thức xã hội trong đời sống cũng đã trở thành thừa thãi.      
    6    
    Có thể nói Hayek đã hoàn tất giấc mơ của những nhà tự do của thế kỷ 18 muốn hình thành một xã hội trần tục, dân sự, thoát khỏi mọi sự khống chế của những bàn tay hữu hình của các giáo hoàng, những ông vua, những lãnh chúa – kể cả những thực thể chính trị định hướng trực tiếp đời sống tự nhiên do những nhà theo chủ nghĩa khế ước tạo ra – bằng cách tìm ra từ nội tại xã hội con người một động cơ tự sinh, tự vận hành, ở đó những lợi ích về kinh tế được xem như giữ vai trò quyết định, chủ đạo, trùm lấp.  Theo cách nói của Pierre Rosanvallon, ở đây, cái kinh tế đã được quan niệm như phương cách thực hiện cái chính trị để một xã hội kinh tế ra đời thay cho xã hội chính trị thoát khỏi những can thiệp mang tính chất chủ quan của những thực thể xâm phạm vào sự tồn tại độc lập của những cá nhân, hoàn thành phương châm mộng tưởng của những người theo chủ nghĩa tự do: “đem sự quản lý những đồ vật thay cho sự quản lý những con người”.[16]
    Để thực hiện mục tiêu ấy, Hayek đã tiến hành một cuộc đảo lộn triệt để về phương pháp tư duy: một mặt tẩy trừ khỏi chủ nghĩa tự do cổ điển, rồi sau này là chủ nghĩa tân cổ điển, mọi dấu vết của những biện luận lý tính, những yếu tố chủ quan về đam mê hoặc trách nhiệm của con người có liên hệ đến những vấn đề tổng quát về xã hội và lịch sử, mặt khác đã đẩy về phía tiêu cực (và cả thù địch) hầu hết những thành tựu đã trở thành truyền thống – không thể nói là không “tự phát” – của những công trình suy tưởng lý tính do nhiều trường phái học thuật tạo ra – không ít là những công trình của những người gần gũi với chủ nghĩa tự do, ngay cả với những nỗ lực bảo vệ chủ nghĩa tư bản như lý luận của Keynes – và thế vào đó một truyền thống gọi là tự phát tự động, trong đó thị trường với cơ chế vận hành vượt lên khỏi mọi nhận thức đối với lý trí của con người, được coi là mẫu mực, căn cứ vào đó đề xuất cho chủ nghĩa tự do một mô hình tư bản chủ nghĩa lầm lũi đi tới như một chiếc xe ủi đất đã cài đặt chương trình.
    Tồn tại như một mô hình không có chủ thể như vậy, chủ nghĩa tư bản đã được bảo vệ một cách hiệu nghiệm như chưa bao giờ có được: ngoài việc dùng chủ nghĩa phi lý tính để khẳng định sự hiệu nghiệm kinh tế của một cơ chế mang lại tự do giả định cho các cá nhân, lý luận của Hayek còn giúp cho chủ nghĩa tư bản chối bỏ mọi trách nhiệm trước những tệ hại mà nó có thể gây ra.  Với một guồng máy như thế con người không biết làm gì hơn là khuất phục, có phản kháng thì mọi thứ cũng sẽ rơi vào hư vô: không thể thay đổi được gì mà cũng chẳng phản kháng được gì bởi vì ở đó mọi lời nói sẽ trở thành vô nghĩa, vô hiệu, ở đó không ai có đủ lý trí để nói chuyện vớí nhau, mà giả sử như có thể cất tiếng thì cũng chỉ là cuộc đối thoại với … một cục sắt thôi! Ý định chống đỡ cho một thứ trật tự xã hội như vậy đã đẩy thế giới vào một tình thế cực đoan: ban cho con người một thứ tự do hoàn toàn hình thức – dù sau này có tặng thêm cho nó cái gọi là “một mức sống tối thiểu” như một nhân nhượng từ thiện [17] – để vĩnh viễn tước mất hết tính nhân loại của nó, làm cho nó trở nên một kẻ lạ mặt với cái xã hội do chính nó tạo ra. 
    Xét về lâu dài và xét trên tổng quát, hệ thống lý luận của Hayek không thể xem là thật sự nghiêm chỉnh: nhiều lắm nó chỉ đưa ra một số lý lẽ phủ định được những chế độ có tính chất trại lính kiểu xôviết, vốn là một mô hình mạo danh “chủ nghĩa xã hội” đã được chỉ ra từ lâu, điều mà Hayek đã không cần biết đến.  Dựa vào những sai lầm hiển nhiên của thứ “chủ nghĩa xã hội” đó để tiên đoán sự sụp đổ của nó, Hayek đã cung cấp cho những người sùng bái ông ảo tưởng về tính chất hiệu nghiệm và phổ biến của những giải pháp do ông đề xuất để bảo vệ nền văn minh của loài người, quên hẳn rằng những giải pháp đó chỉ mang ý nghĩa tình thế, thường xuyên diễn ra trong sự chuyển động của xã hội như những chuyển đổi thay thế khi cần thiết, không hề có giá trị như một chọn lựa cuối cùng cho chính nền “văn minh” ấy.  Nhất là khi những giải pháp đề xuất đã đi ngược lại cái truyền thống thông thường của lý trí, phủ nhận bừa bãi mọi vận động của lý tính, ở đây là những phê phán nhắm vào nền móng chế độ tư bản chứa đầy bất toàn, những phê phán đã làm cho chế độ ấy mất đi tính chất hoang dại vào thời ban sơ của nó. 
    Xuất hiện ngay vào đầu thế kỷ 20, trước mọi xoay sở lúng túng của các ý thức hệ bảo vệ chủ nghĩa tư bản rơi vào khủng hoảng, lý luận có tham vọng chống đỡ triệt để cho chủ nghĩa tư bản ấy của Hayek luôn bị gạt ra khỏi dòng chính thống, chưa lúc nào được thừa nhận như giải pháp phổ biến cho mọi trường phái thuộc chủ nghĩa tự do: chỉ vào giai đoạn cuối đời, Hayek, gặp một số tình thế thuận lợi, chưa hẳn có thể kéo dài, mới được đề cao quá mức, cố ý bỏ qua rất nhiều khuyết điểm trong phương pháp tư biện của ông, Nhưng đối chiếu với thực tế, đẩy các tiền đề lý luận đến những kết quả rốt ráo của chúng, không ít những nhà nghiên cứu đã nhận ra những gì mà Hayek cố gắng làm mới chủ nghĩa tự do về phương diện lý luận để củng cố chủ nghĩa tư bản đã không mang đến điều gì khác hơn là đưa chủ nghĩa tư bản trở lại thời kỳ khởi đầu hoang dại, được bổ sung thêm một tính chất tệ hại hơn nhiều lần nhờ những đóng góp mới của ông: biến môi trường sống của con người thành một cấu trúc vô minh, một guồng máy phi nhân tính ở đó con người trở thành công cụ của nó.[18]
    Những sai lầm, mâu thuẫn trong hệ thống của Hayek, được nhiều nhà nghiên cứu đưa ra như đã phân tích ở trên, chứng tỏ cái trật tự tự phát mà Hayek coi là vừa hiệu nghiệm vừa đem đến tự do cho con người thực chất chỉ là một “thiết kế” tạo ra bằng tư biện và lôgíc, là kết quả của một phương pháp suy lý vượt lên trên hiện thực, thoát ly khỏi các điều kiện lịch sử.  Điều quan trọng làm nên triết học Hayek chính là tính chất ý thức hệ của nó và do vậy không tưởng cũng chính là đặc trưng của nó.  Như tất cả những hệ thống tự biện khác, chính tính chất không tưởng đó đã tạo ra sức hấp dẫn cho lý luận của Hayek nhưng đồng thời cũng lại là sự tự phủ định trước thực tế của lý luận ấy với tư cách là một hệ thống: thứ chủ nghĩa tư bản mà những người sùng bái Hayek muốn đem vào thực tế để cứu vớt nền “văn minh” lâu đời của nhân loại, cuối cùng vẫn chỉ là một thứ sơ đồ trừu tượng dẫn xuất từ cái chủ nghĩa phi lý tính về nhận thức luận của người sáng tạo ra nó, chứ không phải là cái gì khác. 
    LP
    21.4.2008
     Chú thích
      [1] Denis Boneau: “Friedrich von Hayek, pape de l’ultra- libéralisme”, Voltairenet
    [2] Robert Nadeau: “Frederich Hayek et la théorie de l’esprit”, trong La Philosophie autrichienne de Bolzano à Musil, Histoire et actualité,collectif publié sous la dir.  de Kevin Mulligan et Jean-Pierre Cometti, Paris, Librairie Philosophique J.  Vrin, 2001, p.  209-227.
    [3] Steven Horwitz: “From The Sensory Order to the Liberal Order: Hayek’s Non-rationalist Liberalism”, Review of Austrian Economics, 13: 23-40 (2000).
    [4] Ngoài “non-rationalist”, có người sử dụng khái niệm “anti-rationaliste” để nói về lý luận nhận thức xã hội của Hayek, nhưng theo tôi, khái niệm “irrationaliste” (phi lý tính) có vẻ thích hợp hơn: chủ nghĩa phi lý tính ( l’irrationalisme) chỉ thị những kinh nghiệm, những khả năng nhận thức các hiện tượng, các thực thể, không phải bằng lý trí, không tuân theo quy luật của lý trí, cho rằng những cách hiểu đó đích thực hơn, sâu sắc hơn nhưng lại không thể diễn tả được, không giải thích được (Wikipédia).  Từ đó có thể nói chủ nghĩa phi lý tính về xã hội của Hayek không phải là cái hỗn loạn, cái phi lý (l’absurdité), cái trực giác, cái bất khả tri… mà là cái trật tự hiện thực, phổ quát, tất yếu, tự vận hành, tự thực hiện, không thể nhận thức được bằng lý trí, không cần nhận thức bằng lý trí. 
    [5] Xem Gilles Dostaler: “Hayek et sa reconstruction du libéralisme”Wikiberal
    [6] Eric Oudin:”Hayek et Mandeville”, Catallaxia
    [7] Alain de Benoist: “Contre Hayek”, Telos, Winter 98, Issue 110, http://evans- experientialism.freewebspace.com/benoist.htm.
    [8] Jean-Pierre Dupuy: Éthique et philosophie de l’action, Ellipses, Paris, 1999, Chương VIII “Friedrich Hayek ou la morale de l’économie” p.  259
    [9] Xem Đinh Tuấn Minh: “Sử dụng tri thức trong xã hội”, talawas 18.7.2006 (dịch và giới thiệu bài “The Use of Knowledge in Society” (1945) của Hayek)
    [10] Không ít tác giả đã liệt Hayek vào hàng “Cánh hữu Mới” (Simon Marginson), hoặc gọi ông là “một người hùng của Cánh hữu” (Jesse Larner).
    [11] Ignorant, từ mà Hayek hay dùng, nghĩa là “không hiểu biết”, cũng có thể diễn đạt bằng từ “ngu dốt” về phương diện tri thức.  Giống như từ “vô minh”( ở đây không theo nghĩa Phật giáo mà chỉ nói đến thái độ chấp nhận trạng thái mờ đục của xã hội với con người), từ “ngu dốt” có tính chất trung lập nói về nhận thức luận của Hayek: cá nhân (và tập thể những cá nhân) là ngu dốt nhưng cơ chế tự phát là sáng suốt, toàn tri (biết tất cả), sự toàn tri của cơ chế ấy chỉ có thể tự biểu hiện được qua hành động của những cá nhân ngu dốt không tự biết (để không can thiệp), cho nên tốt nhất với con người là nên sử dụng cái lý trí cá nhân có được để chấp nhận mọi cái đã có, đã định hình một cách vô điều kiện. 
    [12] Jean-Pierre Dupuy: sđd, p.  288
    [13] Bài viết của Alain de Benoist: “Contre Hayek”, sđd, đã phân tích một cách toàn diện những sai lầm , mâu thuẫn và nguỵ biện về mặt phương pháp luận của Hayek (Xem “Chống Hayek”, Lữ Phương dịch , viet-studies 31-3-2008 )
    [14] “Các loại công ích chính có thể cung cấp cho tất cả mọi người, không phân biệt, theo Hayek là: chống bạo lực, dịch bệnh thiên tai, lụt lội, động đất, hoả hoạn; phân lớn đường xá (trừ những đường phải đóng tiền), một số dịch vụ đô thị; chuẩn mực hoá cân đo, cung cấp thông tin như địa bạ, bản đồ, thống kê linh linh, chứng nhận chất lượng hàng hoá.  Vấn đề ô nhiễm môi trường được Hayek quan tâm và thừa nhận như là tác động bên ngoài.  (Gilles Dostaler: “ Hayek et sa reconstruction du libéralisme ”).
    [15] Nhiều tác giả đã so sánh Hayek với Marx và cho rằng giữa hai người đã có rất nhiều điểm tương đồng! Đây là một nghịch lý khá thú vị, hy vọng có dịp nào đó, có thể đề cập vấn đề này. 
    [16] Pierre Rosanvallon: Le libéralisme économique, Éditions du Seuil, Paris, 1999, “Penser le libéralisme”, p.  10.
    [17] “Bảo đảm cho mỗi cá nhân một mức nguồn lực tối thiểu, hay một kiểu mức cơ bản mà d­ưới mức ấy không ai có nguy cơ rơi xuống cho dù không có khả năng tự trang trải cuộc sống.  Có thể xem đó không những chỉ là sự phòng vệ hoàn toàn chính đáng chống lại một rủi ro chung cho mọi ngư­ời, mà còn là một yếu tố cần thiết của Xã hội mở rộng trong đó từ nay cá thể không còn món nợ tinh thần nào đối với các thành viên của nhóm đặc biệt trong đó mình sinh ra”.  (Dẫn theo Gilles Dostaler: Le libéralisme de Hayek – Paris, La Découverte, 2001, bản tiếng Việt: Chủ nghĩa tự do của Hayek do Nguyễn Đôn Phước dịch, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2008, tr.116).  Người ta không biết khi thực hiện chủ trương của Hayek không chấp nhận thuế luỹ tiến, chống công bằng xã hội, nhà nước sẽ lấy tiền ở đâu để thực hiện công cuộc từ thiện nói trên! Chẳng lẽ ghép quỹ từ thiện đó vào quỹ an ninh bảo vệ cơ chế catallaxie!
    [18] “Đọc Hayek là một niềm vui, mặc dù nỗ lực mà đôi lúc việc này đòi hỏi và sự cáu giận tạo ra không tránh khỏi”.  (Gilles Dostaler: như trên,tr.172). 
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org