Vấn đề tri thức trong “trật tự tự phát” của Hayek (P2)

Lữ Phương
4
Một câu hỏi tất yếu sẽ phải đặt ra: đàng sau tất cả những kỳ diệu của sự điều hợp đồng bộ, vừa mang lại hiệu nghiệm về mặt kinh tế, vừa làm xuất hiện tự do như một giá trị đạo đức ấy là gì mà khiến Hayek đặt hết niềm tin vào đó? Bàn tay vô hình là gì? Là không có một bàn tay nào cả như lý luận về “người máy” đã cho là vậy? Nhưng nếu cho rằng đó chỉ là một cách nói, rằng xã hội con người không thể nào là một guồng máy vô nhân xưng, phi nhân tính thì có thể cho rằng “bàn tay vô hình” vẫn hàm nghĩa có một bàn tay, nhưng bàn tay ấy lại tự giấu đi không cho chúng ta trông thấy hoặc do khả năng giới hạn của mình, con người không thể thấy? Vậy thì làm sao nhận ra được cái bàn tay kỳ diệu ấy trong thứ lý luận của chủ nghĩa tự do và của chủ nghĩa tự do của Hayek?
Read More...

Vấn đề tri thức trong “trật tự tự phát” của Hayek (P1)

Lữ Phương
1 
“Trật tự” là khái niệm then chốt trong hệ thống lý luận của Hayek, nhân vật được một số người gọi là “giáo chủ của chủ nghĩa tự do cực đoan”.[1]  Vị “giáo chủ ” này có vẻ như là một người lạc quan, mọi thứ có như thế nào thì đối với ông, tất cả đều được sắp xếp đâu vào đó rồi, thế giới mà chúng ta đang sống đã tiến theo một lộ trình không hề hỗn loạn, tan vỡ như một số học giả đang thuyết minh.  Hayek hay nói đến khái niệm “trật tự” là như thế: chỗ nào cũng là trật tự, “trật tự tự nhiên”, “trật tự thị trường”, “trật tự tự phát”, “trật tự mở rộng”… nhưng có một thứ trật tự làm nền móng cho tất cả những thứ trật tự: đó là “trật tự giác quan”, được Hayek nghiền ngẫm và phác ra từ những năm 1920 khi ông mới bắt đầu theo trường phái Áo, sau này vào 1952 đem ra sửa chữa, viết lại mang tên The Sensory Order.  Nội dung của cuốn sách đặt ra một vấn đề cực kỳ hóc búa về triết học, thường gọi là vấn đề nhận thức (“nhận thức luận”), đề cập bản chất của cái phần tinh anh nhất của con người là cái hiện thực tinh thần với những câu hỏi quen thuộc nêu ra cả nghìn năm nay vẫn còn tranh cãi – tinh thần con người là gì, nó từ đâu tới với chúng ta, nó quan hệ với thế giới bên ngoài như thế nào, bằng cách nào con người tiếp xúc và hiểu biết thế giới đó …
Read More...

Thế kỷ Hayek

Đinh Tuấn Minh
 “Hầu như không quá khi nói rằng, thế kỷ XX là thế kỷ Hayek."
John Cassidy, The New Yorker, 07/02/2000
Năm 1975, David Young, một thương gia độc lập người Anh, đã quyết định từ bỏ công việc kinh doanh của mình để di cư sang Mỹ bởi vì chính phủ Anh đã khiến ông quá thất vọng. Nền kinh tế của Anh lúc bấy giờ đang rơi vào vực xoáy với mức lạm phát cao, thuế khoá nặng, và các cuộc bãi công của các nghiệp đoàn diễn ra liên miên. Vào buổi sáng ngay sau khi tới Mỹ, trong lúc đang đi dạo ngang qua Nghị viện Boston, Young và vợ bỗng tuôn trào nước mắt. Tuy nhiên, đấy không phải là vì họ nhớ tới quê hương mà họ đã bỏ lại phía sau. Đúng hơn, đó là kết quả của hơi cay do cảnh sát dùng để giải tán cuộc nổi loạn của đám sinh viên bị buộc phải đi xe buýt. Vợ ông đã nói với ông khi họ đang dùng khăn tay lau mắt: “Anh đúng là đã mất trí. Anh thật là điên rồ nếu anh nghĩ là em sẽ từ bỏ gia đình chỉ vì những thứ này”. Nền kinh tế Mỹ dưới thời chính phủ Nixon và Ford cũng chẳng hơn gì. Ngay tối hôm đó, họ đáp máy bay quay trở lại London. Trên đường đi, Young tự nhủ rằng nhất định vẫn phải còn một tia hy vọng nào đó. Và sau đấy, ông đã tìm được niềm tin ở Margaret Thatcher, người được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ trước đấy không lâu. 
Read More...

Trả lời cho câu hỏi: “Khai Sáng là gì?”

Immanuel Kant
Lê Tuấn Huy dịch
       Trên tờ Berlinische Monatsschrift ngày 05/12/1783, có đăng một tiểu luận của đức cha Zöllner nhan đề “Chuẩn thuận hôn nhân thông qua tôn giáo có thích hợp không?”. Ông viết trong đó: “Khai sáng là gì? Câu hỏi này, hầu như cũng quan trọng như câu hỏi Chân lý là gì?, phải được trả lời trước khi bắt đầu khai sáng người khác. Nhưng tôi lại không tìm thấy nó được trả lời ở bất cứ đâu”. Lời đáp của Kant cũng xuất hiện trên mặt báo ngày, vào ngày 12/12/1784. Với một lượng câu chữ không nhiều so với các tác phẩm xuất chúng khác của ông, nhưng tiểu luận đáp lời này đã trở thành một trong những bản văn chính yếu của Khai sáng Đức nói riêng và toàn bộ phong trào Khai sáng nói chung, trở thành một trong những tác phẩm không thể không đề cập đến trong số các trước tác về chính trị của Kant.
Read More...

CHỦ NGHĨA TỰ DO (LIBERALISM) (P2)

Read More...

Chủ nghĩa tự do (Liberalism) (P1)


Chủ nghĩa tự do là một triết lý chính trị, hay một thế giới quan được hình thành trên các ý tưởng về tự do và bình đẳng. Nguyên tắc trước được nhấn mạnh trong chủ nghĩa tự do cổ điển, trong khi nguyên tắc sau nổi bật hơn trong chủ nghĩa tự do xã hội. Các nhà tư tưởng tự do ủng hộ đa dạng các quan điểm, tùy vào cách hiểu của họ về các nguyên tắc trên, nhưng nhìn chung họ đều ủng hộ các ý tưởng và các chương trình như: các quyền dân sự, thị trường tự do, xã hội dân chủ, chính phủ thế tục, và hợp tác quốc tế.
Read More...

Hội thảo "CÁC MÔ HÌNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC HIỆN ĐẠI"


Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - NOZICK (P9)



Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - RAWLS (P8)

RAWLS
Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - MILL (P7)

MILL
Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - MARX (P6)

MARX
Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - LOCKE (P5)

LOCKE
Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - HOBBES (P4)

HOBBES
Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - ARISTOTLE (P3)

ARISTOTLE
Read More...

CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC - C1: PLATO

Will Durant 

Read More...

Nhập môn Triết học chính trị - Plato (P2)

PLATO

Read More...

Giới thiệu về Jürgen Habermas



JÜRGEN HABERMAS (sinh 1929), triết gia và lý thuyết gia xã hội Đức, Đại diện hàng đầu của trường phái lý thuyết phê bình Frankfurt. Trường phái tư tưởng này phát triển tại Viện Nghiên cứu Xã hội ở Frankfurt, Đức vào năm 1923. Lý thuyết phê bình của họ dựa vào những ý tưởng của triết gia Đức Karl Marx để nghiên cứu nguồn gốc sự thống trị và uy quyền của xã hội đã hạn chế tự do con người. Thế hệ đầu tiên của trường phái ''này gồm có các nhà triết học như Max Horkheimer, Theodor Adorno, Herbert Marcuse và Walter Benjamin.
Read More...

Giới thiệu về Rawls



JOHN RAWLS (1921), triết gia chính trị và đạo đức Mỹ, sinh tại Baltimore, Maryland. Ông tốt nghiệp đại học Princeton. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Thái Bình Dương trong Thế chiến II, ông quay lại Princeton làm luận án tiến sĩ triết học năm 1950.
Rawls giảng dạy tại Cornell trong những năm 1950, chuyển đến Viện Công nghệ Massachusetts năm 1960, và sau đó là khoa triết tại đại học Harvard năm 1962 và ở đây cho đến khi về hưu năm 1991. Từ khi nhận học vị tiến sĩ cho đến năm 1971, công trình trí tuệ quan trọng nhất của ông là một cuốn sách bàn về lẽ công bằng. Cuốn sách ra đời năm 1971 dưới tựa đề Học thuyết công bằng, trình bày toàn diện một học thuyết mà Rawls gọi là “công bằng là sòng phẳng''. Sau đó, Rawls dành gần 20 năm suy nghĩ lại về những cơ sở của ý niệm ''công bằng là sòng phẳng'', với mục đích trình bày quan điểm của ông nhất quán hơn với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và triết học là đặc tính của các nền dân chủ hiện đại. Thành quả của những nỗ lực đó xuất hiện năm 1993 trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do chính trị. Năm 1999, Rawls xuất bản tác phẩm Luật lệ của các dân tộc, triển khai những ý tưởng về công bằng của ông thành một hệ thống quốc tế.
Trong phần lớn thế kỷ qua, ý tưởng về một triết thuyết chính trị bình quân - tự do đối với nhiều người hình như là một mâu thuẫn ngay trong từ ngữ. Những người theo chủ nghĩa binh quân băn khoăn trước những khác biệt to lớn giữa cuộc sống của người giàu và người nghèo thường kết tội chủ nghĩa tự do đã chú ý quá đáng đến những quyền và tự do hợp pháp trong khi tỏ ra thờ ơ với số phận thực sự của dân chúng bình thường. Họ lập luận, bình đẳng chỉ có thể tìm thấy trong một số ít diễn ngôn về luật pháp và chính trị - với những tuyên bố về bình đẳng của con người trước pháp luật và của công dân trong quốc gia. Những người tự do quan tâm đến việc đảm bảo các quyền cá nhân thường tố cáo chủ nghĩa bình quân là gia trưởng và sẵn sàng hy sinh tự do cá nhân nhân danh sự tương đồng vô vị của hoàn cảnh hay xã hội không tưởng tương lai. Thực ra, hệ thống phúc lợi xã hội của các quốc gia dân chủ cố gắng và gần như thành công, tôn trọng những giá trị tự do và bình đẳng: bảo đảm những quyền cá nhân cơ bản đối với sinh hoạt riêng tư và sinh hoạt chính trị, đồng thời bảo vệ cho từng người khỏi những ngẫu nhiên của thị trường. Nhưng những lựa chọn triết học dường như đối chọi nhau. Giữa chủ nghĩa tự do cổ điển của Friedrich Hayek và chủ nghĩa bình quân của Karl Marx, tất cả chỉ là sự nhượng bộ chính trị bấp bênh, hoặc là sự cân bằng tùy tiện những giá trị cạnh tranh nhau.
Học thuyết công bằng của Rawls vẽ lại đồ hình triết lý này. Rawls đề xuất khái niệm công bằng hứa hẹn đem tới những quyền cá nhân gắn với chủ nghĩa tự do truyền thống, đem tới lý tưởng về sự phân phối công bằng thường được liên kết với truyền thống dân chủ xã hội và cấp tiến, và đem tới sự tin tưởng hợp lý vào khả năng thực tế của một hình thái dân chủ lập hiến bảo đảm cả tự do lẫn bình đẳng. Tóm tắt quan điểm của mình, Rawls nói rằng, công bằng như là sự sòng phẳng nhằm đưa đến ''sự hòa giải giữa tự do và bình đẳng”.
Để thấy được sức mạnh của sự hòa giải này, hãy xem xét hai nguyên tắc về công bằng mà Rawls giải thích và biện hộ trong Học thuyết công bằng. Nguyên tắc thứ nhất của Rawls - nguyên tắc về những quyền tự do bình đẳng căn bản - nói rằng, mỗi công dân có quyền bình đẳng trước một hệ thống to lớn nhất các quyền tự do riêng tư và chính trị bình đẳng căn bản tương thích với một hệ thống đồng dạng các quyền tự do đối với người khác. Nguyên tắc này không khẳng định quyền đối với “tự do đúng nghĩa'', tức là quyền lên án những hạn định đối với mọi cung cách lựa chọn. Thay vào đó, nguyên tắc thứ nhất đòi hỏi sự bảo đảm nghiêm ngặt cho một số quyền tự do cụ thể: tự do tư tưởng và lương tri; tự do chính trị; tự do hội họp; tự do và chính trực của con người; những quyền hạn và tự do liên kết với luật lệ, và những yêu sách của nó về tính khái quát và tính khả đoán. Nguyên tắc thứ nhất của Rawls cũng đề cập tới một quy phạm khắt khe về bình đẳng chính trị, nguyên tắc này nói rằng, tự do chính trị chắc chắn là một giá trị chính đáng - rằng, cơ hội để có một chỗ đứng quyền lực và thể hiện ảnh hưởng trên hệ thống chính trị phải độc lập với địa vị xã hội-kinh tế. Do đó những công dân có động cơ và khả năng tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị sẽ không bị bất lợi trong những nỗ lực của họ vì không đủ giàu có, hay được lợi thế vì giàu có hơn người khác.
Nguyên tắc thứ hai của Rawls thể hiện những lý tưởng bình quân về sự công bằng trong phân phối. Nguyên tắc thứ hai có hai phần, cả hai đều đưa ra những giới hạn khả thủ đối với những bất bình đẳng xã hội-kinh tế. Phần thứ nhất nêu rõ, khi những bất bình đẳng đi kèm với chức vụ và địa vị - tức là khi những công việc như nhau được thưởng công khác nhau - thì những chức vụ và địa vị ấy phải mở ra trước mọi người dưới những điều kiện của sự bình đẳng sòng phẳng về cơ hội. Cụ thể là những người có tài năng và động lực như nhau thì phải có những cơ hội như nhau để giành được những địa vị mong muốn, bất chấp thân thế của họ. Việc tiếp cận với công việc trách nhiệm và được đền bù xứng đáng không nên tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, trong đó người ta ngẫu nhiên sinh ra và lớn lên.
Nhưng ngay cả một xã hội bảo đảm những quyền riêng tư và chính trị căn bản cho mỗi người và bảo đảm sự bình đẳng sòng phẳng về cơ hội, vẫn có thể có những bất bình đẳng khó chịu. Do đó, giả sử một số người, phần nào vì thiên bẩm, sở hữu những tài năng hiếm có và tìm được nhiều lợi tức trong thị trường, trong khi một số người khác không có những kỹ năng như thế. Giả sử cả hai nhóm người này đều làm việc cật lực và đóng góp theo năng lực của mình. Mặc dù vậy mức thu nhập của họ sẽ rất khác nhau và những khác biệt này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Nhưng những bất bình dẳng về thu nhập này dựa vào những ngẫu nhiên, sự may mắn không xứng đáng trong trò chơi xổ số cuộc đời và ''không có lý do cho phép sự phân phối thu nhập và của cải giàu sang được quyết định bởi sự phân phối tài sản tự nhiên hơn bởi vận may lịch sử và xã hội''. Do vậy, phần hai trong nguyên tắc thứ hai của Rawls - nguyên tắc khác biệt - đòi hỏi một cấu trúc kinh tế giảm bớt những bất bình đẳng trong thu nhập và của cải do những khác biệt trong tài năng tự nhiên. Thay vì để cho sự khác biệt về thu nhập chỉ đơn thuần phản ánh những khác biệt về thiên bẩm, nguyên tắc khác biệt đòi hỏi chúng ta tối đa hóa những kỳ vọng một đời của những ai ở vào địa vị xã hội ít thuận lợi nhất. Từ đó một người có thể được trả lương nhiều hơn người khác một cách hợp pháp bởi vì thu nhập cao hơn đó bù đắp cho chi phí giáo dục và đào tạo sâu rộng giúp người ấy đảm nhận những bổn phận đáng ao ước trong xã hội; hoặc những bất bình đẳng có thể có ý nghĩa như những khích lệ giúp người ta nhận nhiệm vụ mà nếu không họ sẽ không thể hay đơn giản là không sẵn lòng nhận nhiệm vụ. Theo nguyên tắc khác biệt, những bất bình đẳng như thế hoàn toàn chính đáng chỉ khi nào chúng đem lại lợi ích lớn nhất cho những người kém sung túc thất.
Như vậy, trong khi yêu sách sự bình đẳng sòng phẳng về cơ hội lên án một xã hội trong đó thân thế giai cấp là nguồn gốc của đặc quyền xã hội và kinh tế, thì nguyên tắc khác biệt lại lên án một xã hội trong đó, như cách nói của nhà xã hội học Emile Durkheim, ''những bất bình đẳng xã hội thể hiện chính xác những bất bình đẳng tự nhiên''. Tóm lại, trong thực tế, Rawls cố thuyết phục chúng ta chống đối ý tưởng cho rằng, hệ thống kinh tế của chúng ta là cuộc tranh đua về dòng dõi và tài năng, nhằm mục đích tưởng thưởng cho những người nhanh nhẹn và những người nhiều năng khiếu. Thay vì vậy, nó phải là một phần của kế hoạch hợp tác sòng phẳng, được thiết kế để bảo đảm một đời sống hợp lý cho mọi người. ''Trong sự công bằng như là sự sòng phẳng'' - Rawls nói - con người đồng thuận chia sẻ số phận của nhau''.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
A Theory of Justice (1971; Học thuyết công bằng)
The Law of Peoples (1999; Luật lệ của các dân tộc)
Political Liberalism (1993; Chủ nghĩa tự do chính trị)
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn

Read More...

Giới thiệu về Marx


TIỂU SỬ
KARL MARX (5/5/1818 – 14/3/1883), triết gia và nhà cách mạng Đức, cùng với Friedrich Engels sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học (chủ nghĩa cộng sản hiện đại) và là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
Read More...

John Stuart Mill

TIỂU SỬ
JOHN STUART MILL (1806 - 1873), còn gọi là J.S Mill, triết gia và nhà kinh tế học chính trị người Anh, là tư tưởng gia tự do có nhiều ảnh hưởng của thế kỷ XIX. Ông ủng hộ triết lý vị lợi, một học thuyết đạo đức do cha đỡ đầu của ông là Jeremy Bentham đề xướng.
Read More...

Giới thiệu về Burke

TIỂU SỬ
EDMUND BURKE (12/1/1729 – 9/6/1797), triết gia và chính khách Anh, được bầu vào Nghị viện Anh năm 37 tuổi với tư cách là thành viên của đảng Whig (viết tắt chữ Whiggamore. Được thành lập vào cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19 ở Anh, đảng Whig tìm cách hạn chế quyền hành của nhà vua và gia tăng quyền hành của Nghị viện).
Read More...

Giới thiệu về Rousseau

TIỂU SỬ
JEAN-JACGUES ROUSSEAU (28/6/1712 – 2/7/1778), triết gia, lý thuyết gia chính trị, nhạc sĩ tự học người Pháp, một trong những nhà văn hùng biện nhất của Thời kỳ ánh sáng. Rousseau sinh tại Geneva, Thụy Sĩ. Mẹ ông mất vài ngày sau khi sinh ông, từ đó ông được bà dì nuôi nấng bên cạnh người cha tính khí thất thường.
Năm 13 tuổi, ông phải đi học nghề thợ chạm, nhưng sau ba năm ông bỏ đi rồi trở thành thư ký và bầu bạn của Madame Louise de Warens, một phụ nữ giàu có và nhân từ đã ảnh hưởng sâu sắc lên cuộc đời và tác phẩm của Rousseau. Mặc dù bà lớn hơn ông 12 tuổi và đã có gia đình, nhưng hai người vẫn yêu nhau. Năm 1742, Rousseau đến Paris để trình bày trước Viện Hàn lâm Khoa học một hệ thống ký hiệu âm nhạc mới do ông sáng tạo, nhưng bị cho là vô dụng và không có gì độc đáo. Trong thời gian ở Paris, ông kết bạn với Diderot và đóng góp nhiều bài vở cho Từ điển Bách khoa, trong đó có bài viết quan trọng về kinh tế chính trị. Ông sống chung với Thérèse Lavasseur, cô thợ may mù chữ, và hai người có với nhau năm người con. Mặc dù đưa ra những lý thuyết về giáo dục và nuôi dạy con cái, thậm chí tuyên bố ''trẻ em vô tội'', Rousseau thường bị Voltaire và các nhà bình luận hiện đại chỉ trích vì đã ruồng bỏ cả năm đứa con của mình trong Viện mồ côi ngay khi chúng vừa cai sữa.
Sau khi giành được ít nhiều danh tiếng với tác phẩm Luận về khoa học và nghệ thuật (1750) , Rousscau gây ra một loạt những vụ tranh cãi với bạn bè và đồng nghiệp ở Paris. Năm 1754, Rousseau trở lại Geneva, nhưng ông sớm rời Geneva để đến Montmercy năm 1757. Tại đây, ông viết tác phẩm Emile, hay Giáo dục phê phán tôn giáo và bị đốt tại Pháp. Rousseau buộc phải trốn tránh chính quyền Pháp ngày càng thù nghịch với ông. Geneva đã trục xuất ông, nên ông tạm lánh tại Bern. Tháng giêng năm 1766, ông chạy qua Anh trốn tránh trong nhà triết gia David Hume, nhưng sau 18 tháng ông lại ra đi vì hoang tưởng rằng, Hume đang âm mưu hãm hại mình.
Rousseau quay về Pháp dưới tên giả ''Renou'', vì từ năm 1770, ông chính thức bị cấm không được trở lại nước Pháp. Trong một sáng đi dạo tại điền trang của gia đình Marquis de Giradin ở Ermenonville, Rousseu bị xuất huyết não và chết.
Rousseu được an táng trong điện Panthéon ở Paris năm 1794, mười sáu năm sau ngày ông qua đời. Ngôi mộ được thiết kế thật giản dị, để gợi nhớ những lý thuyết về tự nhiên của Rousseau.
LÝ THUYẾT VỀ “NGƯỜI MAN RỢ CAO QUÝ”
Rousseau khẳng định rằng, con người tự bản tính là tốt (nhân chi sơ tính bản thiện), “người man rợ cao quý'' khi ở trong trạng thái tự nhiên (trạng thái của tất cả con vật khác'', và tình trạng mà con người sống trong đó trước khi xuất hiện văn minh và xã hội), nhưng bị xã hội làm cho đồi bại. Ông coi xã hội là giả tạo và cho rằng, sự phát triển của xã hội, nhất là sự gia tăng tính liên thuộc xã hội, có hại cho phúc lợi của con người.
Trong Luận về khoa học và nghệ thuật, tác phẩm được giải thưởng của Viện Hàn lâm Dijon, Rousseau cho rằng, sự tiến bộ của nghệ thuật và khoa học không mang lại lợi ích cho con người. Ông đưa ra luận điểm rằng, sự gia tăng tri thức đã làm cho chính quyền mạnh hơn lên đồng thời tự do cá nhân bị chà đạp. Ông kết luận rằng, sự tiến bộ vật chất đã thực sự làm suy yếu khả năng xây dựng tình hữu nghị chân thành, thay vào đó là lòng ghen tị, nỗi sợ hãi và nghi ngờ.
Tác phẩm tiếp theo của ông Luận về bất bình đẳng, lần theo sự tiến bộ và suy đồi của con người từ trạng thái tự nhiên ban sơ đến xã hội hiện đại. Ông cho rằng, người nguyên thủy là người khỉ (semiape) phân biệt với những con vật bằng khả năng tự nguyện và khả năng hoàn thiện của chúng. Ông còn cho rằng, những con người nguyên thủy này có nhu cầu tự nhiên chăm lo cho chính mình và có khuynh hướng thương yêu hay trắc ẩn một cách tự nhiên. Vì con người buộc phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn, bởi áp lực của sự gia tăng dân số, họ phải chịu sự chuyển đổi tâm lý và đi đến chỗ đánh giá cao ý kiến tốt của người khác như một thành phần thiết yếu cho hạnh phúc của riêng mình. Rousseau gắn sự tự ý thức này với thời hoàng kim của sự hưng thịnh con người. Tuy nhiên, sự phát triển của nông nghiệp và nghề luyện kim, quyền tư hữu và phân chia lao động đã dẫn đến sự liên thuộc và bất bình đẳng ngày càng tăng. Tình trạng xung đột tất yếu xảy ra khiến Rousseau nghĩ rằng, nhà nước đầu tiên được lập ra như một loại khế ước xã hội được ký kết theo đề xuất của giới giàu có và giới quyền lực. Khế ước nguyên thủy này bị hủy hoại nghiêm trọng vì những thành viên giàu có nhất và quyền lực nhất trong xã hội lừa gạt dân chúng, nhằm củng cố thêm tình trạng bất bình đẳng như một đặc điểm thường trực của xã hội loài người. Cuốn Xã ước của ông có được hiểu như một lựa chọn thay thế cho hình thái liên kết lừa dối này. Phần cuối cuốn Luận về bất bình đẳng, Rousseau giải thích khát vọng, để có giá trị trong mắt người khác, điều này có từ thời hoàng kim, đã đi đến chỗ hủy hoại tính nguyên vẹn cá nhân và tính xác thực trong một xã hội được đặc trưng bởi sự liên thuộc, tôn ti thứ bậc và bất bình đẳng.
XÃ ƯỚC
Có lẽ tác phẩm quan trọng nhất của Rousseau là Xã ước, nó vạch ra những đường hướng cơ bản cho một trật tự chính trị hợp pháp. Xuất bản năm 1762 và bị quốc hội Paris kết án khi nó vữa ra mắt,  ước trở nên một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất của tư tưởng chính trị trừu tượng trong truyền thống Tây phương. Rousseau tuyên bố rằng, trạng thái tự nhiên sau cũng sẽ suy đồi thành tình trạng thú vật không luật lệ hay đạo đức, lúc đó loài người phải chọn những thiết chế luật lệ hay phải tự diệt vong. Trong giai đoạn suy đồi của trạng thái tự nhiên, con người dễ sa vào cạnh tranh thường xuyên với những người gần gũi xung quanh đồng thời ngày càng lệ thuộc vào họ. Áp lực kép này đe dọa cả tồn tại lẫn tự do của con người. Theo Rousseau, bằng cách liên kết thông qua khế ước xã hội (xã ước) và quên đi những tuyên bố về quyền tự nhiên, các cá nhân có thể vừa tồn tại vừa giữ được tự do. Vì rằng, khi quy phục uy quyền của ý chí chung của dân chúng như một toàn bộ bảo đảm cho các cá nhân không bị lệ thuộc vào ý chí của người khác và cũng bảo đảm rằng, họ tự vâng phục chính mình bởi vì họ là tác giả tập thể của luật lệ. Rousseau vừa biện luận rằng, chủ quyền quốc gia nên trao vào tay nhân dân đồng thời vừa phân biệt rạch ròi giữa chủ quyền quốc gia và chính quyền. Chính quyền được giao nhiệm vụ thi hành và thúc đẩy thực hiện ý chí chung; nó gồm một nhóm nhỏ các công dân, gọi là các quan chức. Rousseau hết sức phản đối ý tưởng cho rằng, dân chúng sẽ sử dụng chủ quyền quốc gia thông qua quốc hội đại diện. Đúng hơn, họ phải trực tiếp làm ra luật lệ. Có nghĩa là nhà nước lý tưởng của Rousseau chỉ có thể hiện thực, nếu có, trong lòng một xã hội rất nhỏ. Rất nhiều ý kiến tranh cãi về tư tưởng của Rousseau xuất phát từ sự bất đồng với tuyên bố của ông, theo đó, công dân bị cưỡng bách tuân phục ý chí chung cho nên được tự do.
NHỮNG HỆ QUẢ CỦA TƯ TƯỞNG ROUSSEAU
Những ý tưởng của Rousseau gây ảnh hưởng đáng kể trong thời Cách mạng Pháp mặc dù vì chủ quyền quốc gia của dân chúng được thực hiện thông qua những đại diện chứ không phải trực tiếp, nên không thể nói rằng, Cách mạng, về mặt nào đó, là sự thực hiện những ý tưởng của Rousseau.
Rousseau là một trong những nhà văn hiện đại đầu tiên công kích mạnh mẽ thiết chế tư hữu, và do đó ông thường được coi là bậc tiền bối của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản hiện dại (mặc dù vậy, Karl Marx rất hiếm khi nhắc đến Rousseau trong các trước tác của mình). Rousseau còn đặt nghi vấn về giả định cho rằng, ý chí của đa số bao giờ cũng đúng. Ông biện luận rằng, mục tiêu của chính quyền nên là bảo vệ tự do, bình đẳng và công lý cho mọi người trong nhà nước, bất chấp ý chí của đa số.
Một trong những nguyên tắc chủ yếu trong triết học chính trị của Rousseau là chính trị và đạo đức không nên tách biệt nhau. Khi một nhà nước không chịu hành xử theo đạo đức, nó không còn hoạt động đúng chức năng và không còn thể hiện quyền uy thực sự đối với cá nhân nữa. Nguyên tắc thứ hai là tự do, mà nhà nước được tạo dựng nên để giữ gìn nó.
Những ý tưởng của Rousseau về giáo dục đã ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết giáo dục hiện đại. Ông đánh giá thấp tầm quan trọng của lối học dựa vào sách vở, và ông đề xuất nên giáo dục tình cảm cho trẻ em trước khi giáo dục trí tuệ. Ông đặc biệt nhấn mạnh sự học tập qua kinh nghiệm. John Darling - trong cuốn sách Giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm (1994) của ông - nói rằng, lịch sử lý thuyết giáo dục hiện đại là một chuỗi những phụ chú cho Rousseau. Trong những trước tác đầu tiên của mình, Rousseau đồng nhất tự nhiên với trạng thái nguyên thủy của con người man rợ. Về sau, đặc biệt qua sự phê phán của Voltaire, Rousseau lấy tự nhiên để hàm ý nói về tính tự phát của tiến trình qua đó con người tạo dựng nhân cách và thế giới của mình. Tự nhiên, vì vậy, biểu thị tính nội tại, tính trọn vẹn, tự do tinh thần, đối lập với sự cầm tù và nô dịch mà xã hội áp đặt nhân danh văn minh. Vì lý do đó, trở về với tự nhiên có nghĩa là đem lại cho con người những lực lượng của tiến trình tự nhiên này, để đưa hắn ra ngoài mọi ràng buộc áp bức của xã hội và những định kiến của văn minh. Chính ý tưởng đã làm cho lý thuyết của ông trở nên đặc biệt quan trọng trong Phong trào Lãng mạn (Romanticism), mặc dù bản thân Rousseau thường được coi là một nhân vật của Thời kỳ ánh sáng (Enlightenment).
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
Discours sur les sciences et les arts (1750; Luận về khoa học và nghệ thuật)
Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes (1754; Luận về nguồn gốc và nền tảng của bất bình đẳng).
Du Contrat social (1762; Xã ước, tên gọi khác: Khế ước xã hội)
Les Confessions (1770; Tự thuật)
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)
Read More...

Giới thiệu về Voltaire


TIỂU SỬ
VOLTAIRE, tên thật là Francois-Marie Arouet (21/9/1694 – 30/5/1778), triết gia, văn hào Pháp, một trong những lãnh tụ của Thời kỳ ánh sáng. Voltaire sinh tại Paris, con trai thứ năm trong gia đình có năm anh em. Mẹ ông mất khi ông mới bảy tuổi. Cha ông tỏ ra rất nghiêm khắc trong nuôi dạy con cái, do đó ông sớm nhận được sự giáo dục hạng nhất từ các thầy tu Dòng Tên tại trường cao đẳng Louis-le-Grand.
Ông nhanh chóng chọn văn chương làm sự nghiệp, bắt đầu giao du với giới quý tộc và sớm nổi tiếng tại các phòng khách sang trọng ở Paris như một người thông minh sáng láng và đầy châm biếm. Một số trước tác của ông, đặc biệt là bài văn đả kích quan nhiếp chính Pháp Philippe II, ra đời trong thời gian ông bị giam trong nhà ngục Bastille. Trong 11 tháng bị giam cầm, Voltaire đã hoàn tất vở bi kịch đầu tiên của ông, OEdipe, dựa trên tác phẩm của kịch tác gia cổ Hy Lạp Sophocles, và khởi sự viết một thiên sử thi về vua Henry IV của Pháp. OEdipe được công diễn lần đầu tiên năm 1718. Tác phẩm về Henry IV được xuất bản không có tên tác giả tại Geneva với nhan đề Bài thơ liên minh (1723) . Trong bài thơ triết lý đầu tiên, Tán thành và chống đối, Voltaire trình bày một cách lôi cuốn và thuyết phục những quan điểm chống Ki-tô giáo và lập trường duy lý, thần luận của mình.
Sau cuộc tranh cãi với thành viên của một gia đình người Pháp danh giá, hiệp sĩ Rohan, Voltaire bị tống giam vào ngục Bastille lần thứ hai, nhưng chỉ hai tuần sau ông được thả ra vì cam kết rời nước Pháp đến Anh. Ông sống tại Anh khoảng hai năm. Voltaire nhanh chóng thông thạo tiếng Anh, và để chuẩn bị cho công chúng Anh đọc ấn bản bổ sung tác phẩm Bài thơ liên minh, ông viết bằng tiếng Anh hai bài tiểu luận đặc sắc, một về thơ anh hùng ca và một về lịch sử các cuộc nội chiến ở Pháp. Liên tiếp mấy năm, chính quyền Công giáo độc đoán của Pháp tìm cách ngăn cản việc công bố tác phẩm Bài thơ liên minh, đã được đổi nhan đề thành Henriad, và cuối cùng đến năm 1728, nó mới được Pháp xuất bản. Tác phẩm này là một biện giải hùng hồn cho sự khoan dung tôn giáo, giành được thành công gần như chưa từng có, không chỉ tại nước Pháp quê nhà của Voltaire mà còn trên khắp châu Âu lục địa.
Năm 1728, Voltaire trở về Pháp trong bốn năm sau đó, ông sống tại Paris và dành hầu hết thời gian cho sáng tác. Tác phẩm quan trọng trong giai đoạn này là Những lá thư triết học (1734). Ngấm ngầm công kích những thiết chế chính trị và Ki-tô giáo, tác phẩm này khiến Voltaire xung đột với nhiều quyền uy, và một lần nữa ông bị trục xuất khỏi Paris. Ông tìm cách trú ẩn ở lâu đài Cirey trong lãnh địa của công tước Lorraine. Ở đây, ông quen thân với nhà học giả quý tộc Gabrielle Emilie Le Tonnelier de Breteuil, hầu tước Châtelet, người gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc sống và trí tuệ ông.
Chuỗi ngày lưu trú và bầu bạn với hầu tước Châtelet ở Cirey là giai đoạn hoạt động văn học say mê nhất của Voltaire. Cũng trong thời gian này ông thường đến Paris và Versailles, nơi, nhờ ảnh hưởng của hầu tước Pompadour, người tình nổi tiếng của Louis XV, ông trở thành một sủng thần. Đầu tiên ông được bổ nhiệm làm sử quan của triều đình, tiếp đó trở thành bạn quý của vua, và sau cùng được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.
Sau khi bà Châtelet qua đời năm 1749, Voltaire nhận lời mời từ lâu của vua Frederick II nước Phổ đến làm việc thường xuyên tại toà án nước Phổ. Ông đến Berlin năm 1750 nhưng không ở đó quá hai năm, bởi vì lối châm biếm sâu cay của ông va chạm với tính khí độc đoán của nhà vua và dẫn đến tranh cãi thường xuyên. Trong thời gian ở Berlin, ông hoàn thành cuốn Thế kỷ của Louis XIV một khảo cứu lịch sử về giai đoạn của Louis XIV (1638 - 1715).
CÔNG KÍCH TÔN GIÁO
Sau vài năm sống lưu vong, cuối cùng, vào năm 1758, Voltaire định cư tại Ferney, nơi ông sống 20 năm cuối đời. Trước đó, ông đã hoàn thành công trình tham vọng nhất, Luận về tục lệ và tính cách của các dân tộc (1756). Trong tác phẩm này, một khảo cứu về sự tiến bộ của con người, Voltaire lên án chủ nghĩa siêu tự nhiên và chỉ tích mạnh mẽ tôn giáo và quyền lực của hàng giáo sĩ, mặc dù ông cho thấy rõ ràng ông tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế.
Sau khi ổn định ở Ferney, Voltaire viết những bài thơ đầy tính triết lý, như Thảm họa Lisbon (1756); một số tiểu thuyết châm biếm và triết học, trong đó xuất sắc nhất là Candide (1759); bi kịch Tancrède (1760) ; và Từ điển triết học (1764). Được sống trong cảnh tĩnh lặng và an toàn, ông tung ra hàng trăm bài viết châm biếm ngắn và những lời lăng mạ dồn dập. Những người bị bách hại vì tín ngưỡng của họ tìm thấy nơi Voltaire một người biện hộ thuyết phục và mạnh mẽ. Những hoạt động của Voltaire có thể tóm tắt trong câu nói mà ông thường dùng: chúng ta hãy đè bẹp kẻ bỉ ổi. Bằng câu nói này, ông muốn liên hệ tới bất kỳ hình thức tín giáo nào bách hại những người không trung thành hay gây nên sự cuồng tín. Đối với Ki-tô giáo ông sẽ thay thế bằng thần luận (deism), một tôn giáo thuần túy dựa vào lý trí. Candide -mà trong đó Voltaire phân tích vấn đề cái ác – mô tả những tai ương thống khổ chồng chất trong thế giới vì lý do tôn giáo.
TRIẾT HỌC
Triết gia Whitehead cho rằng, ''Voltaire là nhà văn triết học (như Rousseau, Condillac, và các nhà bách khoa khác của Phong trào Ánh sáng) hơn là triết gia''. Ông vay mượn hầu hết những quan điểm về siêu hình học và tri thức luận từ Locke, mà tác phẩm của ông ta, cùng với tác phẩm của Newton, ông bắt dầu làm quen và hết lời ca ngợi trong thời gian ông ở Anh (1726 – 28). Chỗ đứng vinh quang nhất của ông là bên cạnh các nhà văn đạo đức bao gồm Montaigne, Pascal, Diderot và Camus.
Lập trường triết học của Voltaire là hoài nghi, kinh nghiệm và nhân đạo chủ nghĩa. Thuyết hoài nghi của ông không phải là loại hoài nghi nền tảng mà Descaltes quan tâm. Nhưng ông không cho rằng, chúng ta có thể tìm thấy sự ủng hộ đầy đủ cho những tuyên bố siêu hình vĩ đại của các triết gia hệ thống, như Lelbniz, hay cho thần học giáo điều của những tôn giáo nặng tình thiết chế. Chủ nghĩa kinh nghiệm của Voltaire cố thuyết phục chúng ta bằng lòng với tri thức giới hạn và có thể sai lầm của chúng ta về kinh nghiệm hằng ngày và những diễn biến của nó thông qua các phương pháp của khoa học thực nghiệm. Chủ nghĩa nhân đạo của ông đưa ra lời yêu cầu khẩn thiết, dựa trên chủ nghĩa kinh nghiêm hoài nghi của ông, đòi sự khoan dung tôn giáo và tôn giáo: không ai trong chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ để được bào chữa trong việc bách hãi những người bất đồng với chúng ta về những vấn đề triết học và thần học cơ bản. Quan điểm tích cực của Voltaire là thân phận con người chúng ta, vì mọi thiếu sót và hiểm họa của nó, là đầy ý nghĩa và có thể chịu đựng được, hoàn toàn ở ngoài bất kỳ sự liên kết nào với những mối đe dọa hay hứa hẹn của những vương quốc siêu việt mơ hồ.
Lập trường của Voltaire được minh họa rõ nhất rằng những quan điểm của ông về tôn giáo. Mặc dù những học thuyết phức tạp về “Chúa Ba ngôi'' và ''Chúa xuống thế làm người” gây cho ông ấn tượng là những thứ vô nghĩa, nhưng ông vẫn tin chắc vào sự hiện hữu của một Thượng Đế thiện hảo ra lệnh cho chúng ta, thông qua cảm thức đạo đức của chúng ta, phải thương yêu nhau như anh chị em. Thật vậy, chính vì cảm thức đạo đức này mà ông cảm thấy giận dữ trước sự bất khoan dung của Ki-tô giáo. Suy tư tôn giáo sâu sắc nhất của ông liên quan tới vấn đề cái ác, mà ông đề cập tới trong Thảm họa Lisbon và trong hai câu chuyện thời danh Zadig (1747) và Candide (1759). Ông bác bỏ quan điểm của Pangloss (bác sĩ Pangloss trong Candide, một biếm họa về triết gia Leibniz) cho rằng, chúng ta có thể nhìn thấy bàn tay của thiên hựu trong đời sống hàng ngày của chúng ta nhưng chúng ta vui lòng chấp nhận rằng, một Thượng Đế toàn thiện không (theo thần luận cực đoan) để cho vũ trụ của ngài chuyển dòng một cách mù quáng. Bất kể chân lý siêu hình nào có thể có trong tư tưởng cho rằng, cuối cùng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp trong thế giới tốt đẹp nhất của mọi thế giới khả hữu'', Voltaire khẳng định rằng, ý tưởng này là ngớ ngẩn. Ông nói, ''Chúng ta phải vun xới khu vườn của chúng ta đã''.
Voltaire đã và vẫn còn là gương mặt gây nhiều tranh cãi nhất. Triết sử gia Will Durant xem ông là con người vĩ đại nhất từng hiện hữu'', trong khi Joseph de Maistre thì cho rằng, ''Sự ngưỡng mộ dành cho Voltaire là dấu hiệu chắc chắn của một tâm hồn dồi bại''. Có lẽ cũng đủ để nói rằng, ông sáng tác với sự hấp dẫn và thông minh vô song và ủng hộ những giá trị thiết yếu đối với nhân loại.
NHỮNG TÁC PHẨM (TRIẾT HỌC) CHÍNH
Lettres philosophiques (1734; Những lá thư triết học)
Discours sur l’homme (1738; Luận về con người)
Candide (1759)
Dictionnaire philosophique (1764; Từ điển triết học)
Essai sur les moeurs et l’esprit des mations (1756; Luận về tục lệ và tính cách của các dân tộc).
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)


Read More...

Giới thiệu về Montesquieu



TIỂU SỬ
CHARLES-LOUIS DE SECONDAT, BARON DE MONTESQUIEU (1689 - 1755), triết gia chính trị, nhà văn triết học Pháp, sinh tại lâu đài Brède ở Bordeaux, tốt nghiệp luật tại đại học Bordeaux. Năm 1716, ông thừa hưởng của người chú gianh hiệu nam tước Montesquieu. Ông hoạt động chính trị rất tích cực, là chủ tịch hội đồng dân biểu Bordeaux từ 1716 đến 1728.
Read More...

Giới thiệu về Locke

TIỂU SỬ
JOHN LOCKE (1632 - 1704), triết gia Anh, Người sáng lập ra trường phái duy nghiệm. Locke sinh tại làng Wrington, Somerset, ngày 29 tháng tám, năm 1632. Ông học tại đại học Oxford và giảng dạy tiếng Hy Lạp, tu từ học và triết học đạo đức tại Oxford từ năm 1661 đến 1664. Năm 1667, Locke bắt đầu quan hệ với đệ nhất bá tước thành phố Shaftesbury - nhà chính khách Anthony Ashley Cooper, dần dần trở thành bạn thân, cố vấn, rồi bác sĩ riêng của ông ta. Shaftesbury đem đến cho Locke nhiều chức vụ nhỏ trong chính quyền.
Năm 1969, với tư cách một quan chức, Locke soạn hiến pháp cho những người chủ sở hữu của Khu thuộc địa Carolina tại Bắc Mỹ, nhưng nó không bao giờ được đưa ra thi hành. Năm 1675, ông đến Pháp. Năm 1679, ông quay lại Anh, nhưng vì phản đối đạo Công giáo La Mã do chế độ quân chủ Anh ủng hộ lúc bấy giờ, ông sớm thấy tốt thất là quay lại châu Âu lục địa. Từ 1683 đến 1688, ông sống tại Hà Lan, và sau cái gọi là Cách mạng vẻ vang năm 1688 và sự phục hồi của đạo Tin Lành, Locke quay lại Anh một lần nữa. Vị vua mới William III bổ nhiệm Locke vào Hội đồng thương mại năm 1696, một chức vụ mà ông sẽ từ bỏ vì bệnh nặng vào năm 1700. Ông mất tại Oates vào ngày 28, tháng mười năm 1704.
THUYẾT DUY NGHIỆM
Thuyết duy nghiệm của Locke nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm giác quan trong việc truy tìm tri thức thay vì suy đoán trực giác hay diễn dịch. Học thuyết duy nghiệm được trình bày lần đầu tiên bởi triết gia kiêm chính khách người Anh Francis Bacon vào thế kỷ 17, nhưng Locke là người hệ thống hóa nó trong tác phẩm Luận về nhận thức của con người (1690; Essay Conceming Human Understanding), thường được coi là tác phẩm quan trọng đầu tiên của trường phái duy nghiệm. Quyển I bàn về những ý tưởng bẩm sinh để phủ nhận không có bất kỳ ý tưởng bẩm sinh nào; quyển II bàn về những loại ý tưởng đích thực khác nhau; quyển III bàn về ngôn ngữ trong đó nhấn mạnh về ngữ nghĩa; và quyển IV bàn về tri thức và những trạng thái và tiến trình nhận thức liên quan.
Những ý tưởng bẩm sinh là những ý tưởng mà con người có ngay từ lúc mới chào đời. Các triết gia duy lý, như Descartes và Gottfried Wilhelm Lelbniz (1646 – 1716), nghĩ rằng, phải có những ý tưởng như vậy để giải thích sự tồn tại của một số ý tưởng mà con người có. Luận chứng cho những ý tưởng bẩm sinh là: chẳng hạn trong khi những ý tưởng xanh, chó, và lớn có thể được giải thích như kết quả của một vài ấn tượng giác quan nào đó, thì những ý tưởng khác dường như không thể quy cho giác quan. Ví dụ, những con số dường như ở ngoài lĩnh vực của giác quan. Một luận chứng khác thì cho rằng, một số nguyên lý được loài người chấp nhận, chẳng hạn, nguyên lý từ hư vô không có cái gì xảy ra cả. Locke cho rằng, cả hai luận chứng đều không thuyết phục. Ông cho rằng, mọi ý tưởng đều có thể giải thích liên quan đến giác quan, và ông tự đặt cho mình nhiệm vụ cung cấp một giải thích như thế. Thay vì trực tiếp công kích giả thuyết về các ý tưởng bẩm sinh, chiến lược của Locke là phản bác giả thuyết đó bằng cách chỉ cho thấy nó vô dụng và do đó không thiết yếu.
Trong quyển II của Luận về nhận thức của con người, Locke cho rằng, trí tuệ của con người lúc mới sinh ra giống như một tấm giấy trắng (tabula rasa) sẽ được lấp đầy bởi chữ viết. Tấm giấy trắng được lấp đầy bởi chữ viết như thế nào? Locke nói: “Để trả lời câu hỏi này, chỉ có một chữ: kinh nghiệm. Không gì có trong trí tuệ mà không có trước trong giác quan (Nihil est in intellectu quod non fuerit prius in sensu)''. Ông chia kinh nghiệm thành hai loại: quan sát những đối tượng ngoại tại và quan sát những hoạt động trong tâm trí.
Quan sát những đối tượng ngoại tại là sự diễn tả khác về giác quan. Quan sát những hoạt động trong tâm trí không có cách diễn tả riêng của nó theo ngôn ngữ thông thường, và Locke dùng chữ ''hồi niệm'', vì mọi người đạt được những ý tưởng bằng cách nghĩ lại những hoạt động trong tâm trí. Những ví dụ về hồi niệm là lĩnh hội, suy tư, nghi ngờ, tin tưởng, suy luận, nhận biết, tỏ ý chí.
Ý tưởng là cái gì đó mà trí tuệ “lĩnh hội ngay trong bản thân nó, hoặc là đối tượng trực tiếp của sự lĩnh hội''. Những thuộc tính là những nội lực mà cái đối tượng có để gây ra những ý tưởng. Nhiều từ ngữ có nghĩa kép. Chẳng hạn, từ đỏ có thể mang nghĩa hoặc là ý tưởng đỏ trong trí tuệ hoặc là phẩm tính trong một vật gây nên ý tưởng đỏ trong trí tuệ. Một số thuộc tính là bậc nhất trong giác quan mà mọi vật thể đều có. Trương độ, cường độ, hình dáng, chuyển động là những thuộc tính bậc nhất. Những thuộc tính bậc hai là những nội lực mà thông qua những thuộc tính bậc nhất, chúng gây ra những cảm giác về âm thanh, màu sắc, mùi và vị. Quan niệm của Locke là màu đỏ thật ấn tượng của xe cứu hỏa không phải ở trong bản thân cái xe cứu hỏa, mùi thơm dịu dàng thật ấn tượng của một đóa hồng cũng không phải ở trong chính đóa hồng. Thật ra, một vài cấu thể của những thuộc tính bậc nhất gây ra những hiện tượng như màu đỏ hay vị ngọt, và nhờ những cấu thể này mà đối tượng tự nó được cho là có thuộc tính đỏ hay ngọt. Nhưng không có sự tương đồng giữa ý tưởng trong trí tuệ và thuộc tính thứ hai gây ra nó. Tuy nhiên, Locke quả quyết, mà không biện minh được, nên sau này George Berkeley sẽ biện bác lại, rằng, có sự tương đồng giữa những thuộc tính bậc nhất và những ý tưởng về chúng.
Mặc dù Locke cùng với hầu hết những triết gia hiện đại kiệt xuất phản bác triết học Aristotle và hệ quả của nó là triết học kinh viện, nhưng một học thuyết trừu tượng hóa vẫn tồn tại trong triết học của ông. Sự trừu tượng hóa diễn ra khi ''các ý tưởng có được từ những hữu thể riêng biệt trở thành những đại diện chung cho mọi thứ cùng loại”. Nghĩa là, trừu tượng hóa là không chú ý tới những trường hợp cụ thể về thời gian và không gian và dùng một ý tưởng để đại diện cho tất cả những sự vật của một loại nào đó.
Trong quyển IV, Locke rốt cuộc cũng định nghĩa tri thức là ''ý niệm về kết nối, về sự tán đồng, hay bất đồng hay xung đột đối với bất kỳ ý tưởng nào của chúng ta''. Ông cũng phân biệt nhiều cấp độ tri thức. Thứ nhất là tri thức trong đó trí tuệ ''nhận thấy được sự nhất trí hay bất đồng của hai ý tưởng ngay tức thì mà không cần sự can dự của bất kỳ ý tưởng nào khác'', ông gọi đó là ''tri thức trực giác''. (Chỗ này ông giống với Descartes). Những ví dụ đầu tiên của ông là những định đề phân tích như “trắng không phải là đen”, “hình tròn không phải là hình tam giác” và “ba lớn hơn hai”. Nhưng về sau ông nói: ''Tri thức về hiện hữu của bản thân chúng ta có được bằng trực giác''. Dựa vào hình tượng ánh sáng mà Augustine và những người khác đã nói tới, Locke cho rằng, ''trí tuệ lúc này được lấp đầy bằng ánh sáng rõ ràng của trực giác. Mọi sự chắc chắc và bằng chứng tri thức của chúng ta tùy thuộc vào trực giác này''.
Cấp độ thứ hai của tri thức diễn ra khi ''trí tuệ nhận thấy được sự nhất trí hay bất đồng của các ý tưởng, nhưng không ngay tức thì''. Một ý tưởng trung gian nào đó có thể thấy được sự kết nối giữa hai ý tưởng khác. Bằng chứng là những sự vật cho thấy sự kết nối qua trung gian giữa các ý tưởng, và bằng chứng rõ ràng, đơn giản là một chứng minh. Tri thức chứng minh thì chắc chắn nhưng không hiển nhiên như tri thức trực giác, Locke nói, bởi vì nó đòi hỏi sự nỗ lực và chú ý đi qua những bước cần thiết để thừa nhận sự chắc chắn của kết luận.
Cấp độ thứ ba của tri thức, ''tri thức cảm giác'', tương tự như “tri thức trực giác'' (intuitive cognition) của Duns Scotus và Ockham, tức là khái niệm về ''sự tồn tại cụ thể của những vật thể hữu hạn bên ngoài chúng ta''. Không giống với tri thức trực giác thời trung cổ, tri thức cảm giác của Locke ít chắc chắn hơn tri thức trực giác và tri thức chứng minh của ông.
Bên dưới tri thức là khả thể, tức là cái bề ngoài nhất trí hay bất đồng giữa các ý tưởng với nhau. Theo từ nguyên, khả thể là rất có thể đúng. Locke muốn nói rằng, khả thể tùy thuộc vào bằng chứng của những khả thể khác và, giống như tri thức, nó cũng có các cấp độ, mà mỗi cấp độ lại tùy thuộc vào sự chính xác có thể có của những nguồn gốc của định đề. Cấp độ cao nhất của khả thể gắn với những định đề được ủng hộ bởi mọi người qua mọi thời kỳ. Locke có thể có trong đầu sự tán đồng gần như phổ quát của những người cùng thời với ông qua định đề rằng, Thượng Đế hiện hữu. Nhưng ông công khai nêu lên những tín lý về các mối quan hệ nhân quả, là những cái không được lĩnh hội trực tiếp mà được suy luận ra. Cấp độ tiếp theo của khả thể hay sự chắc chắn trong những định đề khả thể gắn với những vấn đề không có giá trị phổ quát nhưng có giá trị hầu hết, chẳng hạn con người thích có lợi thế riêng cho mình hơn là lợi ích công cộng. Kiểu định đề này thường được rút ra từ lịch sử. Cấp độ thứ ba của khả thể hay sự chắc chắn gắn với những tuyên bố về những sự kiện cụ thể, ví dụ, một người tên là Julius Caesar sống cách đây đã lâu. Rắc rối xảy ra khi có những bằng chứng chống lại nhau, như thường vẫn vậy, nhưng không có một quy tắc đơn giản hay một loạt những quy tắc hướng dẫn người ta cách giải quyết những bất đồng.
Ngoài những khả thể liên quan đến những sự kiện cụ thể này, còn có những khả thể về những sự vật không thuộc phạm vi năng lực giác quan. Sự tồn tại, bản chất, và hoạt động của thần thánh, ma quỷ vi trùng, nam châm, và phần tử nói chung thuộc loại này.
Tác phẩm Luận về nhận thức của con nguời sớm trở thành đối tượng chỉ trích từ phía các triết gia, đặc biệt là Berkeley vã Leibniz, nhưng mặc dù vậy nó vẫn là tác phẩm gây ảnh hưởng nhất trong triết học châu Âu ít nhất là một trăm năm.
CHÍNH TRỊ HỌC
Những quan điểm của Locke, trong quyển Hai khảo luận về chính quyền (1690) của ông, công kích lý thuyết về quyền thần thánh của các vua chúa và bản chất của nhà nước theo quan niệm của triết gia kiêm lý thuyết gia chính trị người Anh Thomas Hobbes. Đại để Locke biện luận rằng, chủ quyền không nằm trong tay nhà nước nhưng trong tay quần chúng, và rằng; nhà nước là tối cao, nhưng chỉ khi nó bị bó buộc bởi luật dân sự hoặc cái mà ông gọi là luật ''tự nhiên''. Nhiều ý tưởng chính trị của Locke, như những ý tưởng về quyền tự nhiên, quyền sở hữu, trách nhiệm của chính quyền bảo vệ những quyền này, và nguyên tắc đa số, sau này được thể hiện trong Hiến pháp của nước Mỹ.
Locke còn đi xa hơn khi cho rằng, cách mạng không chỉ là quyền mà thường là bổn phận, và ông ủng hộ một hệ thống đối trọng trong chính quyền. Ông cũng tin vào tự do tôn giáo và sự tách bạch giữa giáo hội và nhà nước.
Nhiều người cho rằng, Locke viết Hai khảo luận về chính quyền là để biện minh cho cuộc cách mạng 1688, nhưng trên thực tế nó được hoàn thành phần lớn bảy năm trước. Tuy nhiên, tác phẩm này đúng là sản phẩm của thời ông sống và là sự phản ánh mối quan tâm to lớn của Locke trong việc biện hộ cho hiến pháp và tự do cá nhân mà lúc bấy giờ cả hai đang bị đe dọa.
Khảo luận đầu tiên, nhằm công kích tác phẩm Patriarcha của Filmer, biện luận rằng, không có cơ sở để quan niệm rằng, Thượng Đế đặt một số người cao hơn những người khác, và rằng, do đó con người tự bản chất không được tự do. Vua chúa không có quyền cai trị thiêng liêng, và Thượng Đế không chọn Adam và hậu duệ của ông ta cai quản trần gian này.
Khảo luận thứ hai trình bày một triết lý chính trị rất tích cực. Trong tình trạng tự nhiên, con người tự do, và do đó mọi người đều bình dẳng. Tuy nhiên, tự do con người không phải là tình trạng phóng túng, vì có một luật tự nhiên do Thượng Đế thiết lập buộc con người phải điều chỉnh hành vi của mình. Luật tự nhiên ban cho mỗi người những quyền tự nhiên. Mỗi người chúng ta có quyền sống, và quyền tự do miễn là những hành vi của chúng ta không xâm phạm những quyền tự nhiên của người khác, và chúng ta có quyền sở hữu thân xác của chúng ta lẫn sản phẩm của lao động chúng ta. Trước khi xã hội dân sự hình thành con người có quyền tích lũy của cải riêng đến mức cần dùng. Ví dụ, một người có quyền đối với lượng ngũ cốc tối đa mà anh ta và gia đình cần dùng, nhưng anh ta không có quyền đối với số lượng thặng dư có thể sẽ hư hỏng thôi.
Rất tiếc tình trạng tự nhiên trong thực tế không bền vững, bởi vì con người, trừ phi bị ép buộc, thường xâm phạm quyền tự nhiên của người khác. Một sự thực sớm trở nên rõ ràng là, để có thể hưởng những quyền tự nhiên của mình, con người phải liên kết với nhau thông qua khế ước xã hội. Chức năng của khế ước là hình thành một xã hội dân sự trong đó mọi người có thể hưởng những quyền tự nhiên của mình trong khuôn khổ của một chính quyền được thiết lập để thi hành những luật lệ nhằm bảo vệ những quyền tự nhiên đó và để phân xử những tranh chấp. Nhà cai trị, nhà vua, có chức năng quan trọng nhất là cung cấp những điều kiện qua đó các công dân có thể thể hiện quyền của mình. Nếu ông ta hoặc vi phạm quyền của mỗi công dân hoặc không thể cung cấp điều kiện nhờ đó các công dân có thể thể hiện quyền của mình, thì dân chúng có quyền phế truất ông ta. Để không bất kỳ quyền tự nhiên nào bị đe dọa, Locke cho rằng, ý kiến đa số phải thắng thế. Cam kết với các quyền tự nhiên, sự thống trị của luật pháp (pháp trị), chức năng của nhà nước là người bảo đảm cho những điều kiện này, và sự thống trị của đa số là những ý tưởng mạnh mẽ góp phần tạo dựng nên hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp và đưa ra những khái niệm cơ bản cho sự phát triển nền dân chủ tự do.
Mối quan tâm đến việc tạo ra sự cân bằng giữa tự do cá nhân và luật pháp được trình bày trong Thư viết về khoan dung (1689) mà đề tài chính là sự khoan dung tôn giáo. Khoan dung là đức hạnh hàng đầu của Giáo hội đích thực và bức hại là hoàn toàn trái ngược với lòng nhân từ. Tự do cá nhân trong việc thờ phụng chỉ phải bị hạn chế bằng cách giảm thiểu sự hành đạo trong các hoạt động không xâm phạm quyền của người khác.
Ảnh hưởng của Locke đối với triết học hiện đại rất sâu xa và, với việc áp dụng sự phân tích duy nghiệm của ông vào đạo đúc học, chính trị, và tôn giáo, ông luôn là một trong những triết gia quan trọng và gây nhiều tranh cãi nhất mọi thời đại.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
Essay Concerning Human Understanding (1690; Luận về nhận thức của con người)
Two Treatises of Government (1680; Hai khảo luận về chính quyền)
Letter Concerning Toleration (1689; Thư viết về khoan dung)
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)

Read More...

Giới thiệu về Hobbes



TIỂU SỬ
THOMAS HOBBES (5/4/1588 – 4/12/1679) là triết gia chính trị lỗi lạc người Anh, lừng danh với tác phẩm Leviathan (1660).
Hobbes ra đời tại Malmesbury, Wiltshire, Anh. Tương truyền ông bị đẻ non vì mẹ ông kinh động khi hay tin đại hạm đội Armanda của Tây Ban Nha đang tiến vào lãnh thổ nước Anh. ''Mẹ tôi sinh ra tôi và sự hãi sợ cùng lúc'', ông thường nói vậy để ám chỉ tính cách hay băn khoăn, lo lắng của ông. Cha ông - một mục sư quản xứ Charlton và Wesport của Giáo hội Anh - bị buộc phải rời bỏ quê nhà để lại ba người con cho anh trai Francis chăm sóc. Hobbes được giáo dục trong nhà thờ Westport khi lên bốn tuổi, rồi vào học một trường tự do một thanh niên tên là Robert Latimer, tốt nghiệp đại học Oxford làm hiệu trưởng. Hobbes là học trò xuất sắc. Năm 1603, ông được gửi đến Oxford. Tại đây, Hobbes dường như chỉ tuân theo chương trình học tập do mình đề ra, vì ông không mấy thích thú trước lối học kinh viện của nhà trường. Và do đó không hoàn thành chương trình đại học cho đến năm 1608, nhưng ông được tiến cử làm gia sư cho William, con trai của William Cavendish, nam tước xứ Hardwick (và sau này là bá tước xứ Devonshire), khởi đầu một mối quan hệ suốt đời với gia đình đó. Ông trở thành bầu bạn của chàng trai William và hai người cùng tham gia một chuyến du lịch lớn vào năm 1610. Hobbes được tiếp xúc với các phương pháp khoa học và phê phán của châu Âu trong chuyến đi này, chúng trái ngược với triết học kinh viện mà ông đã học tại Oxford. Những nỗ lực học hành kinh viện của ông lúc bấy giờ là nhằm nghiên cứu kỹ lưỡng các tác gia văn chương Hy Lạp và La Mã cổ đại. Kết quả là vào năm 1628, ông cho ra đời bản dịch xuất sắc tác phẩm Peloponnesian War của sử gia Hy Lạp Thucydides (mất khoảng năm 401 tCN). Hobbes nghĩ rằng, Thucydides đã cho thấy chính quyền dân chủ không thể tồn tại sau chiến tranh hay mang lại ổn định và do đó không đáng ao ước.
Mặc dù ông kết thân với những khuôn mặt văn chương như Ben Jonson và các tư tưởng gia như Francis Bacon nhưng ông không tận tâm đi vào triết học cho đến sau năm 1629. Ông chủ Cavendish lúc ấy là bá tước xứ Devonshire - chết vì bệnh dịch năm 1628. Bà bá tước goá chồng liền sa thải Hobbes, nhưng ông sớm tìm được việc làm, lại là nghề gia sư, lần này cho con trai của Sir Gervase Clifton ở Paris. Năm 1631, ông lại được gia đình Cavendish gọi trở lại. Ông đi thăm Florence năm 1636 và sau đó trở thành một người tham gia tranh luận thường xuyên trong các nhóm triết học ở Paris, do Marin Mersenne tổ chức. Từ năm 1637, ông tự nhận mình là triết gia.
Theo bạn bè của Hobbes và nhà viết tiểu sử John Aubrey, những mối quan tâm triết lý của ông phần lớn xuất phát từ nhà hình học Euclid. Hobbes yêu thích những chứng minh của ông ta vì phương cách mà chúng dựa vào là suy luận lôgic để rút ra những kết luận kỳ lạ và đôi khi có vẻ như bất hợp lý từ những tiền đề rất hợp lý và có vẻ như vô hại. Tuy nhiên, bản thảo triết lý toàn diện lần đầu tiên của ông mãi đến năm 1640 mới được phổ biến. Tác phẩm này - nhan đề Những thành tố của luật, tự nhiên, và chính trị - ủng hộ sự ra đời của một quốc chủ quyền lực tuyệt đối để bảo vệ hòa bình và ổn định của cộng đồng. Vì cảm thức phản quân chủ lúc ấy (mà sau cùng đưa đến cuộc nội chiến toàn diện và Vua Charles I bị chém đầu), nhiều người, trong đó có các nghị viên, rất giận dữ trước nội dung của bản thảo, và Hobbes buộc phải trốn khỏi nước Anh sang châu Âu để bảo toàn mạng sống (ông từng khoe ông là ''một trong những người đầu tiên trốn khỏi nước Anh''). Như đa số những người lỗi lạc tán thành chế độ quân chủ, ông trải qua phần còn lại cuộc nội chiến ở Paris, nơi ông vui hưởng những cuộc đàm dạo triết học với các nhà trí thức Pháp (như Gassendi và Mersenne) và các nhà tư tưởng Anh bị lưu đày. Trong thời gian này, ông viết tác phẩm Công dân (1642), một phiên bản bổ sung cho luận chứng của ông trong Những thành tố của luật (được viết bằng tiếng La tinh nhưng về sau, năm 1651, xuất bản bằng tiếng Anh dưới nhan đề Những sơ luận triết lý về chính quyền). Năm 1651, ông cho ra đời kiệt tác của mình – Leviathan - chứa đựng luận chứng chín muồi của ông về quốc vương quyền lực tuyệt dối.
LEVIATHAN
Cuốn Leviathan ra đời được quan nhiếp chính Oliver Cromwell lúc bấy giờ hoan nghênh vì phương cách mà luận chứng của nó sử dụng để biện minh cho bất kỳ quyền hành chính trị trong thực tế ngay cả khi quyền hành đó có được bằng sự phản loạn. Do dó, Hobbes được trở về tổ quốc, không như những nhà lưu vong bảo hoàng khác (họ phẫn nộ trước việc Hobbes hồi hương và coi như ông đã bán linh hồn cho chế độ thanh giáo mới. Trở về, ông tiếp tục triết lý trên những lãnh vực khác bên cạnh triết học chính trị, viết các tác phẩm triết học về luật, lịch sử, siêu hình học và tri thức luận (bao gồm bản thể luận, phương pháp khoa học và sự tự ý), và những đề tài trong khoa học và toán học (bao gồm quang học, hình học và sinh lý học con người. Sau khi Vua Charles II trở lại nắm quyền, Hobbes được đặc ân tiếp cận nhà vua thường xuyên vì sự thông minh tài tình của ông. Tuy nhiên, ông vẫn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trên khắp đất nước, một mặt vì chủ nghĩa chuyên chế chính trị và siêu hình học duy vật của ông, mặt khác vì những quan điểm về ý chí tự do và tôn giáo của ông, mà nhiều người cho là có tính “duy mỹ'' và dị giáo.
Luận chứng của Hobbes về quốc vương quyền lực tuyệt đối trong mọi trước tác chính trị đều sử dụng ý tưởng của một ''khế ước xã hội”, một ý tưởng cũng được các tư tưởng gia khác cùng thời với ông sử dụng nhưng Hobbes đã thay đổi hoàn toàn theo những đường hướng gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên tư tưởng chính trị của những triết gia đến sau như Locke, Rousseau và Kant. Theo Hobbes, hãy tưởng tượng một ''nhà nước tự nhiên'' hiện hữu trước khi hình thành tất cả hình thời chính quyền. Trong nhà nước này, hành vi con người sẽ không bị kiềm chế bởi luật lệ, và bởi vì Hobbes tin rằng, loài người phần lớn đều có tính tư lợi (quan tâm đến sự bảo toàn của riêng mình hơn mọi thứ khác), ông biện luận rằng, con người tất yếu sẽ đi đến chỗ xung đột nhau. Cho nên, ông nói, chẳng bao lâu sau, sẽ xảy ra một cuộc ''chiến tranh của tất cả chống lại tất cả, cho nên cuộc sống của mỗi người trong nhà nước tự nhiên này sẽ cô đơn, nghèo nàn, dơ dáy, vũ phu và thiếu thốn''. Để loại bỏ một cuộc chiến tranh như thế và thỏa mãn ước vọng bảo toàn của mình, Hobbes nói, con người sẽ phải dựa trên lý trí để giao ước với nhau tạo dựng một chính quyền do quốc vương nắm quyền lực tuyệt đối điều hành, bởi vì chỉ có quyền lực tuyệt đối mới đủ khả năng giải quyết những tranh chấp, mà nếu không sẽ dẫn đến xung đột làm tan rã khối thịnh vượng chung và đe dọa mạng sống của tất cả mọi người. Một luận chứng như thế phải cho thấy kiểu chính quyền mà con người đương thời chúng ta sẽ dựa trên lý trí để tạo ra và giữ gìn, đề phòng chúng ta rơi vào tình trạng chiến tranh tương tự như cuộc chiến tranh từng xảy ra trong nhà nước tự nhiên. Lưu ý là Hobbes không đòi hỏi quyền hành tối cao chỉ có dưới chế độ quân chủ chuyên chế: ông còn công nhận rằng, quyền hành tối cao có thể được trao cho một thiểu số người, tạo nên chế độ quả đầu hay tập đoàn trị, hoặc trao cho mọi người, để xây dựng chế độ dân chủ. Hobbes dứt khoát ủng hộ chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng ông cho rằng, hai hình thái chính quyền kia cũng có thể thành công. Theo ông, cái không thể tồn tại là một hình thái chính quyền ''hỗn hợp'' nào đó với những phân nhánh chính quyền khác nhau nắm giữ những quyền hành chính trị khác nhau, hoặc những chính quyền mà quyền lực phải bị giới hạn bởi hiến pháp hay bởi một khế ước giữa chính quyền và nhân dân. Nhưng giới hạn và phân quyền như thế - Hobbes nói - sẽ chỉ dẫn tôi xung đột không thể giải quyết được bởi quần chúng tư lợi, những người cho rằng, để có hoà bình phải có một chủ quyền tối cao thống nhất có khả năng quyết định mọi vấn đề có thể dẫn đến xung đột trong thể chế.
Cách sử dụng luận chứng khế ước xã hội này của Hobbes phần lớn là do sự phản đối của ông đối với kiểu triết lý kinh viện của nhiều người đương thời và các vị tiền bối của ông, những người mà ông nghĩ rằng, quá thiên về đòi hỏi uy quyền hơn là lý trí, quá thiên về sử dụng các thuật ngữ vô nghĩa và trống rỗng (như “bản thể vô chất'' hay “thuyết đồng thể chất'' [cho rằng, máu và thịt Chúa Jesus có trong bánh mì và rượu thánh]. Do đó, Hobbes chuyển sang khoa học, đặc biệt là hình học, như người chỉ dẫn việc xây dựng một lý thuyết về cuộc sống đạo đức và chính trị của chúng ta. Xuất phát từ điều mà ông cho là những tiền đề vững chắc, Hobbes tìm cách thiết lập một luận chứng khế ước xã hội để rút ra, theo thể thức hình học, những kết luận vững chắc về đạo đức và chính trị theo cách bắt phải tán thành ngay cả đối với những kẻ lưỡng lự trước những kết luận như thế. Sự xác tín của Hobbes vào sức mạnh lý trí đưa chân lý vào những vấn đề đạo đức và chính trị đã biến ông thành một nhà tư tưởng của Thời kỳ ánh sáng, mặc dù, thật nực cười khi ông từng nghĩ rằng, chính vì lý tính trong bất kỳ cộng đồng người nào sẽ thất bại triền miên nên hòa bình phải được đảm bảo bằng cách trao cho nhà cai trị quyền lực tuyệt đối.
Luận chứng của Hobbes có thể chấp nhận không? Để tạo ra một quốc vương chuyên chế, Hobbes nói rằng, mọi người phải đồng ý với nhau ''chuyển nhượng'' ''quyền hạn đối với mọi thứ'' của mình cho quốc vương, bằng cách ấy, họ ''giao quyền'' cho quốc vương cai trị cộng đồng này. Nhưng liệu những con người vốn hết sức bảo vệ quyền tự tôn của mình trên hết mọi thứ có thể tỉnh trí giao nộp mọi quyền hạn của mình cho người khác không? Không chút ngần ngại, Hobbes so sánh thần dân với nô lệ và quốc vương với chủ. Nhưng một ''tình trạng nô dịch'' chính trị tự nguyện như thế có hiện hữu thậm chí trong tâm lý đối với mọi người như Hobbes mô tả không?
Tóm lại, đối với Hobbes, con người, về mặt lý trí, muốn được sống cuộc sống tự nhiên của mình trong hòa bình và an ninh. Để đạt được điều đó, họ phải cùng nhau đến những thành phố hay quốc gia có quy mô khả dĩ ngăn chặn được những cuộc tấn công của các cộng đồng người khác. Nhưng khi mọi người tụ họp với nhau trong một cộng đồng lớn như thế luôn luôn sẽ có một số người không thể tin cậy được, do đó cần phải thành lập một chính quyền có quyền lập pháp và thúc đẩy thi hành luật. Chính quyền này vừa có quyền hạn điều hành vừa có sức mạnh để thực thi việc đó từ sự đồng thuận của những người bị trị, phải coi sự an toàn là nhiệm vụ chủ yêu của mình. Chừng nào chính quyền còn đem lại sự an toàn này, các công dân buộc phải tuân thủ luật pháp của nhà nước trong mọi phương diện của đời sống. Như thế, lý tính của việc tìm kiếm sự an toàn lâu dài đòi hỏi tìm kiếm hòa bình; và đến lượt mình, nó đòi hỏi thiết lập một nhà nước có đủ sức mạnh để giữ gìn hoà bình. Bất kỳ điều gì đe dọa sự ổn định của nhà nước đều phải được ngăn chặn.
Trong vấn đề thực hành, Hobbes rất coi trọng vấn đề Thượng Đế và tôn giáo, vì ông nghĩ rằng, Thượng Đế và tôn giáo đem đến những động cơ mạnh mẽ nhất cho hành động. Phân nửa cuốn Leviathan được dành để cố gắng chỉ ra rằng, những quan điểm đạo đức và chính trị của ông được Kinh thánh hỗ trợ, và để lật đổ những quan điểm tôn giáo có thể đưa đến nội chiến. Nhưng chấp nhận sự trung thực của những quan điểm tôn giáo của Hobbes không đòi hỏi phải nghĩ rằng, Hobbes coi Thượng Đế là nền tảng của đạo đức. Ông dứt khoát phủ nhận rằng, những người theo thuyết vô thần và các nhà hữu thân đều tuân theo những mệnh lệnh của Thượng Đế, nhưng ông không bao giờ phủ nhận rằng, họ đều tuân theo những luật lệ của tự nhiên hay của nhà nước dân sự. Một khi người ta công nhận rằng, đối với Hobbes, bản thân lý trí là người dẫn đường đến hạnh kiểm mà mọi người đều theo, thì tuyệt đối không cần có Thượng Đế. Vì trong lý thuyết đạo đức và chính trị của ông, không có gì Thượng Đế có thể làm mà lý trí không làm trước rồi.
TÁC PHẨM CHÍNH
De Cive (1642; Công dân)
The Philosophical Rudiments of Covernment (1651; Những sơ luận triết lý về chính quyền).
Leviathan (1660)
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)
Read More...
 
Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org