Giới thiệu về Locke

Posted on
  • Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , , ,
  • TIỂU SỬ
    JOHN LOCKE (1632 - 1704), triết gia Anh, Người sáng lập ra trường phái duy nghiệm. Locke sinh tại làng Wrington, Somerset, ngày 29 tháng tám, năm 1632. Ông học tại đại học Oxford và giảng dạy tiếng Hy Lạp, tu từ học và triết học đạo đức tại Oxford từ năm 1661 đến 1664. Năm 1667, Locke bắt đầu quan hệ với đệ nhất bá tước thành phố Shaftesbury - nhà chính khách Anthony Ashley Cooper, dần dần trở thành bạn thân, cố vấn, rồi bác sĩ riêng của ông ta. Shaftesbury đem đến cho Locke nhiều chức vụ nhỏ trong chính quyền.
    Năm 1969, với tư cách một quan chức, Locke soạn hiến pháp cho những người chủ sở hữu của Khu thuộc địa Carolina tại Bắc Mỹ, nhưng nó không bao giờ được đưa ra thi hành. Năm 1675, ông đến Pháp. Năm 1679, ông quay lại Anh, nhưng vì phản đối đạo Công giáo La Mã do chế độ quân chủ Anh ủng hộ lúc bấy giờ, ông sớm thấy tốt thất là quay lại châu Âu lục địa. Từ 1683 đến 1688, ông sống tại Hà Lan, và sau cái gọi là Cách mạng vẻ vang năm 1688 và sự phục hồi của đạo Tin Lành, Locke quay lại Anh một lần nữa. Vị vua mới William III bổ nhiệm Locke vào Hội đồng thương mại năm 1696, một chức vụ mà ông sẽ từ bỏ vì bệnh nặng vào năm 1700. Ông mất tại Oates vào ngày 28, tháng mười năm 1704.
    THUYẾT DUY NGHIỆM
    Thuyết duy nghiệm của Locke nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh nghiệm giác quan trong việc truy tìm tri thức thay vì suy đoán trực giác hay diễn dịch. Học thuyết duy nghiệm được trình bày lần đầu tiên bởi triết gia kiêm chính khách người Anh Francis Bacon vào thế kỷ 17, nhưng Locke là người hệ thống hóa nó trong tác phẩm Luận về nhận thức của con người (1690; Essay Conceming Human Understanding), thường được coi là tác phẩm quan trọng đầu tiên của trường phái duy nghiệm. Quyển I bàn về những ý tưởng bẩm sinh để phủ nhận không có bất kỳ ý tưởng bẩm sinh nào; quyển II bàn về những loại ý tưởng đích thực khác nhau; quyển III bàn về ngôn ngữ trong đó nhấn mạnh về ngữ nghĩa; và quyển IV bàn về tri thức và những trạng thái và tiến trình nhận thức liên quan.
    Những ý tưởng bẩm sinh là những ý tưởng mà con người có ngay từ lúc mới chào đời. Các triết gia duy lý, như Descartes và Gottfried Wilhelm Lelbniz (1646 – 1716), nghĩ rằng, phải có những ý tưởng như vậy để giải thích sự tồn tại của một số ý tưởng mà con người có. Luận chứng cho những ý tưởng bẩm sinh là: chẳng hạn trong khi những ý tưởng xanh, chó, và lớn có thể được giải thích như kết quả của một vài ấn tượng giác quan nào đó, thì những ý tưởng khác dường như không thể quy cho giác quan. Ví dụ, những con số dường như ở ngoài lĩnh vực của giác quan. Một luận chứng khác thì cho rằng, một số nguyên lý được loài người chấp nhận, chẳng hạn, nguyên lý từ hư vô không có cái gì xảy ra cả. Locke cho rằng, cả hai luận chứng đều không thuyết phục. Ông cho rằng, mọi ý tưởng đều có thể giải thích liên quan đến giác quan, và ông tự đặt cho mình nhiệm vụ cung cấp một giải thích như thế. Thay vì trực tiếp công kích giả thuyết về các ý tưởng bẩm sinh, chiến lược của Locke là phản bác giả thuyết đó bằng cách chỉ cho thấy nó vô dụng và do đó không thiết yếu.
    Trong quyển II của Luận về nhận thức của con người, Locke cho rằng, trí tuệ của con người lúc mới sinh ra giống như một tấm giấy trắng (tabula rasa) sẽ được lấp đầy bởi chữ viết. Tấm giấy trắng được lấp đầy bởi chữ viết như thế nào? Locke nói: “Để trả lời câu hỏi này, chỉ có một chữ: kinh nghiệm. Không gì có trong trí tuệ mà không có trước trong giác quan (Nihil est in intellectu quod non fuerit prius in sensu)''. Ông chia kinh nghiệm thành hai loại: quan sát những đối tượng ngoại tại và quan sát những hoạt động trong tâm trí.
    Quan sát những đối tượng ngoại tại là sự diễn tả khác về giác quan. Quan sát những hoạt động trong tâm trí không có cách diễn tả riêng của nó theo ngôn ngữ thông thường, và Locke dùng chữ ''hồi niệm'', vì mọi người đạt được những ý tưởng bằng cách nghĩ lại những hoạt động trong tâm trí. Những ví dụ về hồi niệm là lĩnh hội, suy tư, nghi ngờ, tin tưởng, suy luận, nhận biết, tỏ ý chí.
    Ý tưởng là cái gì đó mà trí tuệ “lĩnh hội ngay trong bản thân nó, hoặc là đối tượng trực tiếp của sự lĩnh hội''. Những thuộc tính là những nội lực mà cái đối tượng có để gây ra những ý tưởng. Nhiều từ ngữ có nghĩa kép. Chẳng hạn, từ đỏ có thể mang nghĩa hoặc là ý tưởng đỏ trong trí tuệ hoặc là phẩm tính trong một vật gây nên ý tưởng đỏ trong trí tuệ. Một số thuộc tính là bậc nhất trong giác quan mà mọi vật thể đều có. Trương độ, cường độ, hình dáng, chuyển động là những thuộc tính bậc nhất. Những thuộc tính bậc hai là những nội lực mà thông qua những thuộc tính bậc nhất, chúng gây ra những cảm giác về âm thanh, màu sắc, mùi và vị. Quan niệm của Locke là màu đỏ thật ấn tượng của xe cứu hỏa không phải ở trong bản thân cái xe cứu hỏa, mùi thơm dịu dàng thật ấn tượng của một đóa hồng cũng không phải ở trong chính đóa hồng. Thật ra, một vài cấu thể của những thuộc tính bậc nhất gây ra những hiện tượng như màu đỏ hay vị ngọt, và nhờ những cấu thể này mà đối tượng tự nó được cho là có thuộc tính đỏ hay ngọt. Nhưng không có sự tương đồng giữa ý tưởng trong trí tuệ và thuộc tính thứ hai gây ra nó. Tuy nhiên, Locke quả quyết, mà không biện minh được, nên sau này George Berkeley sẽ biện bác lại, rằng, có sự tương đồng giữa những thuộc tính bậc nhất và những ý tưởng về chúng.
    Mặc dù Locke cùng với hầu hết những triết gia hiện đại kiệt xuất phản bác triết học Aristotle và hệ quả của nó là triết học kinh viện, nhưng một học thuyết trừu tượng hóa vẫn tồn tại trong triết học của ông. Sự trừu tượng hóa diễn ra khi ''các ý tưởng có được từ những hữu thể riêng biệt trở thành những đại diện chung cho mọi thứ cùng loại”. Nghĩa là, trừu tượng hóa là không chú ý tới những trường hợp cụ thể về thời gian và không gian và dùng một ý tưởng để đại diện cho tất cả những sự vật của một loại nào đó.
    Trong quyển IV, Locke rốt cuộc cũng định nghĩa tri thức là ''ý niệm về kết nối, về sự tán đồng, hay bất đồng hay xung đột đối với bất kỳ ý tưởng nào của chúng ta''. Ông cũng phân biệt nhiều cấp độ tri thức. Thứ nhất là tri thức trong đó trí tuệ ''nhận thấy được sự nhất trí hay bất đồng của hai ý tưởng ngay tức thì mà không cần sự can dự của bất kỳ ý tưởng nào khác'', ông gọi đó là ''tri thức trực giác''. (Chỗ này ông giống với Descartes). Những ví dụ đầu tiên của ông là những định đề phân tích như “trắng không phải là đen”, “hình tròn không phải là hình tam giác” và “ba lớn hơn hai”. Nhưng về sau ông nói: ''Tri thức về hiện hữu của bản thân chúng ta có được bằng trực giác''. Dựa vào hình tượng ánh sáng mà Augustine và những người khác đã nói tới, Locke cho rằng, ''trí tuệ lúc này được lấp đầy bằng ánh sáng rõ ràng của trực giác. Mọi sự chắc chắc và bằng chứng tri thức của chúng ta tùy thuộc vào trực giác này''.
    Cấp độ thứ hai của tri thức diễn ra khi ''trí tuệ nhận thấy được sự nhất trí hay bất đồng của các ý tưởng, nhưng không ngay tức thì''. Một ý tưởng trung gian nào đó có thể thấy được sự kết nối giữa hai ý tưởng khác. Bằng chứng là những sự vật cho thấy sự kết nối qua trung gian giữa các ý tưởng, và bằng chứng rõ ràng, đơn giản là một chứng minh. Tri thức chứng minh thì chắc chắn nhưng không hiển nhiên như tri thức trực giác, Locke nói, bởi vì nó đòi hỏi sự nỗ lực và chú ý đi qua những bước cần thiết để thừa nhận sự chắc chắn của kết luận.
    Cấp độ thứ ba của tri thức, ''tri thức cảm giác'', tương tự như “tri thức trực giác'' (intuitive cognition) của Duns Scotus và Ockham, tức là khái niệm về ''sự tồn tại cụ thể của những vật thể hữu hạn bên ngoài chúng ta''. Không giống với tri thức trực giác thời trung cổ, tri thức cảm giác của Locke ít chắc chắn hơn tri thức trực giác và tri thức chứng minh của ông.
    Bên dưới tri thức là khả thể, tức là cái bề ngoài nhất trí hay bất đồng giữa các ý tưởng với nhau. Theo từ nguyên, khả thể là rất có thể đúng. Locke muốn nói rằng, khả thể tùy thuộc vào bằng chứng của những khả thể khác và, giống như tri thức, nó cũng có các cấp độ, mà mỗi cấp độ lại tùy thuộc vào sự chính xác có thể có của những nguồn gốc của định đề. Cấp độ cao nhất của khả thể gắn với những định đề được ủng hộ bởi mọi người qua mọi thời kỳ. Locke có thể có trong đầu sự tán đồng gần như phổ quát của những người cùng thời với ông qua định đề rằng, Thượng Đế hiện hữu. Nhưng ông công khai nêu lên những tín lý về các mối quan hệ nhân quả, là những cái không được lĩnh hội trực tiếp mà được suy luận ra. Cấp độ tiếp theo của khả thể hay sự chắc chắn trong những định đề khả thể gắn với những vấn đề không có giá trị phổ quát nhưng có giá trị hầu hết, chẳng hạn con người thích có lợi thế riêng cho mình hơn là lợi ích công cộng. Kiểu định đề này thường được rút ra từ lịch sử. Cấp độ thứ ba của khả thể hay sự chắc chắn gắn với những tuyên bố về những sự kiện cụ thể, ví dụ, một người tên là Julius Caesar sống cách đây đã lâu. Rắc rối xảy ra khi có những bằng chứng chống lại nhau, như thường vẫn vậy, nhưng không có một quy tắc đơn giản hay một loạt những quy tắc hướng dẫn người ta cách giải quyết những bất đồng.
    Ngoài những khả thể liên quan đến những sự kiện cụ thể này, còn có những khả thể về những sự vật không thuộc phạm vi năng lực giác quan. Sự tồn tại, bản chất, và hoạt động của thần thánh, ma quỷ vi trùng, nam châm, và phần tử nói chung thuộc loại này.
    Tác phẩm Luận về nhận thức của con nguời sớm trở thành đối tượng chỉ trích từ phía các triết gia, đặc biệt là Berkeley vã Leibniz, nhưng mặc dù vậy nó vẫn là tác phẩm gây ảnh hưởng nhất trong triết học châu Âu ít nhất là một trăm năm.
    CHÍNH TRỊ HỌC
    Những quan điểm của Locke, trong quyển Hai khảo luận về chính quyền (1690) của ông, công kích lý thuyết về quyền thần thánh của các vua chúa và bản chất của nhà nước theo quan niệm của triết gia kiêm lý thuyết gia chính trị người Anh Thomas Hobbes. Đại để Locke biện luận rằng, chủ quyền không nằm trong tay nhà nước nhưng trong tay quần chúng, và rằng; nhà nước là tối cao, nhưng chỉ khi nó bị bó buộc bởi luật dân sự hoặc cái mà ông gọi là luật ''tự nhiên''. Nhiều ý tưởng chính trị của Locke, như những ý tưởng về quyền tự nhiên, quyền sở hữu, trách nhiệm của chính quyền bảo vệ những quyền này, và nguyên tắc đa số, sau này được thể hiện trong Hiến pháp của nước Mỹ.
    Locke còn đi xa hơn khi cho rằng, cách mạng không chỉ là quyền mà thường là bổn phận, và ông ủng hộ một hệ thống đối trọng trong chính quyền. Ông cũng tin vào tự do tôn giáo và sự tách bạch giữa giáo hội và nhà nước.
    Nhiều người cho rằng, Locke viết Hai khảo luận về chính quyền là để biện minh cho cuộc cách mạng 1688, nhưng trên thực tế nó được hoàn thành phần lớn bảy năm trước. Tuy nhiên, tác phẩm này đúng là sản phẩm của thời ông sống và là sự phản ánh mối quan tâm to lớn của Locke trong việc biện hộ cho hiến pháp và tự do cá nhân mà lúc bấy giờ cả hai đang bị đe dọa.
    Khảo luận đầu tiên, nhằm công kích tác phẩm Patriarcha của Filmer, biện luận rằng, không có cơ sở để quan niệm rằng, Thượng Đế đặt một số người cao hơn những người khác, và rằng, do đó con người tự bản chất không được tự do. Vua chúa không có quyền cai trị thiêng liêng, và Thượng Đế không chọn Adam và hậu duệ của ông ta cai quản trần gian này.
    Khảo luận thứ hai trình bày một triết lý chính trị rất tích cực. Trong tình trạng tự nhiên, con người tự do, và do đó mọi người đều bình dẳng. Tuy nhiên, tự do con người không phải là tình trạng phóng túng, vì có một luật tự nhiên do Thượng Đế thiết lập buộc con người phải điều chỉnh hành vi của mình. Luật tự nhiên ban cho mỗi người những quyền tự nhiên. Mỗi người chúng ta có quyền sống, và quyền tự do miễn là những hành vi của chúng ta không xâm phạm những quyền tự nhiên của người khác, và chúng ta có quyền sở hữu thân xác của chúng ta lẫn sản phẩm của lao động chúng ta. Trước khi xã hội dân sự hình thành con người có quyền tích lũy của cải riêng đến mức cần dùng. Ví dụ, một người có quyền đối với lượng ngũ cốc tối đa mà anh ta và gia đình cần dùng, nhưng anh ta không có quyền đối với số lượng thặng dư có thể sẽ hư hỏng thôi.
    Rất tiếc tình trạng tự nhiên trong thực tế không bền vững, bởi vì con người, trừ phi bị ép buộc, thường xâm phạm quyền tự nhiên của người khác. Một sự thực sớm trở nên rõ ràng là, để có thể hưởng những quyền tự nhiên của mình, con người phải liên kết với nhau thông qua khế ước xã hội. Chức năng của khế ước là hình thành một xã hội dân sự trong đó mọi người có thể hưởng những quyền tự nhiên của mình trong khuôn khổ của một chính quyền được thiết lập để thi hành những luật lệ nhằm bảo vệ những quyền tự nhiên đó và để phân xử những tranh chấp. Nhà cai trị, nhà vua, có chức năng quan trọng nhất là cung cấp những điều kiện qua đó các công dân có thể thể hiện quyền của mình. Nếu ông ta hoặc vi phạm quyền của mỗi công dân hoặc không thể cung cấp điều kiện nhờ đó các công dân có thể thể hiện quyền của mình, thì dân chúng có quyền phế truất ông ta. Để không bất kỳ quyền tự nhiên nào bị đe dọa, Locke cho rằng, ý kiến đa số phải thắng thế. Cam kết với các quyền tự nhiên, sự thống trị của luật pháp (pháp trị), chức năng của nhà nước là người bảo đảm cho những điều kiện này, và sự thống trị của đa số là những ý tưởng mạnh mẽ góp phần tạo dựng nên hai cuộc cách mạng Mỹ và Pháp và đưa ra những khái niệm cơ bản cho sự phát triển nền dân chủ tự do.
    Mối quan tâm đến việc tạo ra sự cân bằng giữa tự do cá nhân và luật pháp được trình bày trong Thư viết về khoan dung (1689) mà đề tài chính là sự khoan dung tôn giáo. Khoan dung là đức hạnh hàng đầu của Giáo hội đích thực và bức hại là hoàn toàn trái ngược với lòng nhân từ. Tự do cá nhân trong việc thờ phụng chỉ phải bị hạn chế bằng cách giảm thiểu sự hành đạo trong các hoạt động không xâm phạm quyền của người khác.
    Ảnh hưởng của Locke đối với triết học hiện đại rất sâu xa và, với việc áp dụng sự phân tích duy nghiệm của ông vào đạo đúc học, chính trị, và tôn giáo, ông luôn là một trong những triết gia quan trọng và gây nhiều tranh cãi nhất mọi thời đại.
    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    Essay Concerning Human Understanding (1690; Luận về nhận thức của con người)
    Two Treatises of Government (1680; Hai khảo luận về chính quyền)
    Letter Concerning Toleration (1689; Thư viết về khoan dung)
    (Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org