Giới thiệu về Voltaire

Posted on
  • Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • TIỂU SỬ
    VOLTAIRE, tên thật là Francois-Marie Arouet (21/9/1694 – 30/5/1778), triết gia, văn hào Pháp, một trong những lãnh tụ của Thời kỳ ánh sáng. Voltaire sinh tại Paris, con trai thứ năm trong gia đình có năm anh em. Mẹ ông mất khi ông mới bảy tuổi. Cha ông tỏ ra rất nghiêm khắc trong nuôi dạy con cái, do đó ông sớm nhận được sự giáo dục hạng nhất từ các thầy tu Dòng Tên tại trường cao đẳng Louis-le-Grand.
    Ông nhanh chóng chọn văn chương làm sự nghiệp, bắt đầu giao du với giới quý tộc và sớm nổi tiếng tại các phòng khách sang trọng ở Paris như một người thông minh sáng láng và đầy châm biếm. Một số trước tác của ông, đặc biệt là bài văn đả kích quan nhiếp chính Pháp Philippe II, ra đời trong thời gian ông bị giam trong nhà ngục Bastille. Trong 11 tháng bị giam cầm, Voltaire đã hoàn tất vở bi kịch đầu tiên của ông, OEdipe, dựa trên tác phẩm của kịch tác gia cổ Hy Lạp Sophocles, và khởi sự viết một thiên sử thi về vua Henry IV của Pháp. OEdipe được công diễn lần đầu tiên năm 1718. Tác phẩm về Henry IV được xuất bản không có tên tác giả tại Geneva với nhan đề Bài thơ liên minh (1723) . Trong bài thơ triết lý đầu tiên, Tán thành và chống đối, Voltaire trình bày một cách lôi cuốn và thuyết phục những quan điểm chống Ki-tô giáo và lập trường duy lý, thần luận của mình.
    Sau cuộc tranh cãi với thành viên của một gia đình người Pháp danh giá, hiệp sĩ Rohan, Voltaire bị tống giam vào ngục Bastille lần thứ hai, nhưng chỉ hai tuần sau ông được thả ra vì cam kết rời nước Pháp đến Anh. Ông sống tại Anh khoảng hai năm. Voltaire nhanh chóng thông thạo tiếng Anh, và để chuẩn bị cho công chúng Anh đọc ấn bản bổ sung tác phẩm Bài thơ liên minh, ông viết bằng tiếng Anh hai bài tiểu luận đặc sắc, một về thơ anh hùng ca và một về lịch sử các cuộc nội chiến ở Pháp. Liên tiếp mấy năm, chính quyền Công giáo độc đoán của Pháp tìm cách ngăn cản việc công bố tác phẩm Bài thơ liên minh, đã được đổi nhan đề thành Henriad, và cuối cùng đến năm 1728, nó mới được Pháp xuất bản. Tác phẩm này là một biện giải hùng hồn cho sự khoan dung tôn giáo, giành được thành công gần như chưa từng có, không chỉ tại nước Pháp quê nhà của Voltaire mà còn trên khắp châu Âu lục địa.
    Năm 1728, Voltaire trở về Pháp trong bốn năm sau đó, ông sống tại Paris và dành hầu hết thời gian cho sáng tác. Tác phẩm quan trọng trong giai đoạn này là Những lá thư triết học (1734). Ngấm ngầm công kích những thiết chế chính trị và Ki-tô giáo, tác phẩm này khiến Voltaire xung đột với nhiều quyền uy, và một lần nữa ông bị trục xuất khỏi Paris. Ông tìm cách trú ẩn ở lâu đài Cirey trong lãnh địa của công tước Lorraine. Ở đây, ông quen thân với nhà học giả quý tộc Gabrielle Emilie Le Tonnelier de Breteuil, hầu tước Châtelet, người gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc sống và trí tuệ ông.
    Chuỗi ngày lưu trú và bầu bạn với hầu tước Châtelet ở Cirey là giai đoạn hoạt động văn học say mê nhất của Voltaire. Cũng trong thời gian này ông thường đến Paris và Versailles, nơi, nhờ ảnh hưởng của hầu tước Pompadour, người tình nổi tiếng của Louis XV, ông trở thành một sủng thần. Đầu tiên ông được bổ nhiệm làm sử quan của triều đình, tiếp đó trở thành bạn quý của vua, và sau cùng được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.
    Sau khi bà Châtelet qua đời năm 1749, Voltaire nhận lời mời từ lâu của vua Frederick II nước Phổ đến làm việc thường xuyên tại toà án nước Phổ. Ông đến Berlin năm 1750 nhưng không ở đó quá hai năm, bởi vì lối châm biếm sâu cay của ông va chạm với tính khí độc đoán của nhà vua và dẫn đến tranh cãi thường xuyên. Trong thời gian ở Berlin, ông hoàn thành cuốn Thế kỷ của Louis XIV một khảo cứu lịch sử về giai đoạn của Louis XIV (1638 - 1715).
    CÔNG KÍCH TÔN GIÁO
    Sau vài năm sống lưu vong, cuối cùng, vào năm 1758, Voltaire định cư tại Ferney, nơi ông sống 20 năm cuối đời. Trước đó, ông đã hoàn thành công trình tham vọng nhất, Luận về tục lệ và tính cách của các dân tộc (1756). Trong tác phẩm này, một khảo cứu về sự tiến bộ của con người, Voltaire lên án chủ nghĩa siêu tự nhiên và chỉ tích mạnh mẽ tôn giáo và quyền lực của hàng giáo sĩ, mặc dù ông cho thấy rõ ràng ông tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế.
    Sau khi ổn định ở Ferney, Voltaire viết những bài thơ đầy tính triết lý, như Thảm họa Lisbon (1756); một số tiểu thuyết châm biếm và triết học, trong đó xuất sắc nhất là Candide (1759); bi kịch Tancrède (1760) ; và Từ điển triết học (1764). Được sống trong cảnh tĩnh lặng và an toàn, ông tung ra hàng trăm bài viết châm biếm ngắn và những lời lăng mạ dồn dập. Những người bị bách hại vì tín ngưỡng của họ tìm thấy nơi Voltaire một người biện hộ thuyết phục và mạnh mẽ. Những hoạt động của Voltaire có thể tóm tắt trong câu nói mà ông thường dùng: chúng ta hãy đè bẹp kẻ bỉ ổi. Bằng câu nói này, ông muốn liên hệ tới bất kỳ hình thức tín giáo nào bách hại những người không trung thành hay gây nên sự cuồng tín. Đối với Ki-tô giáo ông sẽ thay thế bằng thần luận (deism), một tôn giáo thuần túy dựa vào lý trí. Candide -mà trong đó Voltaire phân tích vấn đề cái ác – mô tả những tai ương thống khổ chồng chất trong thế giới vì lý do tôn giáo.
    TRIẾT HỌC
    Triết gia Whitehead cho rằng, ''Voltaire là nhà văn triết học (như Rousseau, Condillac, và các nhà bách khoa khác của Phong trào Ánh sáng) hơn là triết gia''. Ông vay mượn hầu hết những quan điểm về siêu hình học và tri thức luận từ Locke, mà tác phẩm của ông ta, cùng với tác phẩm của Newton, ông bắt dầu làm quen và hết lời ca ngợi trong thời gian ông ở Anh (1726 – 28). Chỗ đứng vinh quang nhất của ông là bên cạnh các nhà văn đạo đức bao gồm Montaigne, Pascal, Diderot và Camus.
    Lập trường triết học của Voltaire là hoài nghi, kinh nghiệm và nhân đạo chủ nghĩa. Thuyết hoài nghi của ông không phải là loại hoài nghi nền tảng mà Descaltes quan tâm. Nhưng ông không cho rằng, chúng ta có thể tìm thấy sự ủng hộ đầy đủ cho những tuyên bố siêu hình vĩ đại của các triết gia hệ thống, như Lelbniz, hay cho thần học giáo điều của những tôn giáo nặng tình thiết chế. Chủ nghĩa kinh nghiệm của Voltaire cố thuyết phục chúng ta bằng lòng với tri thức giới hạn và có thể sai lầm của chúng ta về kinh nghiệm hằng ngày và những diễn biến của nó thông qua các phương pháp của khoa học thực nghiệm. Chủ nghĩa nhân đạo của ông đưa ra lời yêu cầu khẩn thiết, dựa trên chủ nghĩa kinh nghiêm hoài nghi của ông, đòi sự khoan dung tôn giáo và tôn giáo: không ai trong chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ để được bào chữa trong việc bách hãi những người bất đồng với chúng ta về những vấn đề triết học và thần học cơ bản. Quan điểm tích cực của Voltaire là thân phận con người chúng ta, vì mọi thiếu sót và hiểm họa của nó, là đầy ý nghĩa và có thể chịu đựng được, hoàn toàn ở ngoài bất kỳ sự liên kết nào với những mối đe dọa hay hứa hẹn của những vương quốc siêu việt mơ hồ.
    Lập trường của Voltaire được minh họa rõ nhất rằng những quan điểm của ông về tôn giáo. Mặc dù những học thuyết phức tạp về “Chúa Ba ngôi'' và ''Chúa xuống thế làm người” gây cho ông ấn tượng là những thứ vô nghĩa, nhưng ông vẫn tin chắc vào sự hiện hữu của một Thượng Đế thiện hảo ra lệnh cho chúng ta, thông qua cảm thức đạo đức của chúng ta, phải thương yêu nhau như anh chị em. Thật vậy, chính vì cảm thức đạo đức này mà ông cảm thấy giận dữ trước sự bất khoan dung của Ki-tô giáo. Suy tư tôn giáo sâu sắc nhất của ông liên quan tới vấn đề cái ác, mà ông đề cập tới trong Thảm họa Lisbon và trong hai câu chuyện thời danh Zadig (1747) và Candide (1759). Ông bác bỏ quan điểm của Pangloss (bác sĩ Pangloss trong Candide, một biếm họa về triết gia Leibniz) cho rằng, chúng ta có thể nhìn thấy bàn tay của thiên hựu trong đời sống hàng ngày của chúng ta nhưng chúng ta vui lòng chấp nhận rằng, một Thượng Đế toàn thiện không (theo thần luận cực đoan) để cho vũ trụ của ngài chuyển dòng một cách mù quáng. Bất kể chân lý siêu hình nào có thể có trong tư tưởng cho rằng, cuối cùng mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp trong thế giới tốt đẹp nhất của mọi thế giới khả hữu'', Voltaire khẳng định rằng, ý tưởng này là ngớ ngẩn. Ông nói, ''Chúng ta phải vun xới khu vườn của chúng ta đã''.
    Voltaire đã và vẫn còn là gương mặt gây nhiều tranh cãi nhất. Triết sử gia Will Durant xem ông là con người vĩ đại nhất từng hiện hữu'', trong khi Joseph de Maistre thì cho rằng, ''Sự ngưỡng mộ dành cho Voltaire là dấu hiệu chắc chắn của một tâm hồn dồi bại''. Có lẽ cũng đủ để nói rằng, ông sáng tác với sự hấp dẫn và thông minh vô song và ủng hộ những giá trị thiết yếu đối với nhân loại.
    NHỮNG TÁC PHẨM (TRIẾT HỌC) CHÍNH
    Lettres philosophiques (1734; Những lá thư triết học)
    Discours sur l’homme (1738; Luận về con người)
    Candide (1759)
    Dictionnaire philosophique (1764; Từ điển triết học)
    Essai sur les moeurs et l’esprit des mations (1756; Luận về tục lệ và tính cách của các dân tộc).
    (Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)


     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org