TIỂU SỬ
JOHN STUART MILL (1806 - 1873), còn gọi là J.S
Mill, triết gia và nhà kinh tế học chính trị người Anh, là tư tưởng gia tự do
có nhiều ảnh hưởng của thế kỷ XIX. Ông ủng hộ triết lý vị lợi, một học thuyết
đạo đức do cha đỡ đầu của ông là Jeremy Bentham đề xướng.
John Stuart Mill ra đời tại Pentonville, London, con trai đầu của
James Mill. Mill được cha trực tiếp dạy học, với sự khuyên bảo và giúp đỡ của
Jeremy Bentham và Francis Place. Ông được giáo dục cực kỳ nghiêm khắc, không
được tiếp xúc với những cậu bé cùng tuổi. Ông không biết tới trường lớp và dạy
học. Cha ông buộc ông phải học từ những ngày thơ ấu: tiếng Hy Lạp ở tuổi lên
ba, tiếng Latin, số học và một khối lượng sử học khổng lồ từ lúc bảy tuổi; đọc
các tác giả Xenophone, Herodotus, Lucian, Diogenes, plato... lúc tám tuổi, học
nhiều ngành toán học cao cấp ở tuổi mười hai. Cha ông, một người theo triết lý
của Bentham và là người ủng hộ thuyết liên tưởng, quyết tâm đào tạo ông trở thành
một thiên tài trí tuệ để tiếp tục truyền bá sâu rộng thuyết vị lợi sau khi
Bentham và cha ông qua đời.
Tới tuổi mười bảy, ông bắt đầu làm việc cho Công
ty Đông Ấn (nơi cha ông là một trong những viên chức kỳ cựu nhất) và ông vẫn ở
đây cho tới khi công ty ngừng hoạt động 35 năm sau, năm 1858. Bị cha ông chi
phối hoàn toàn trong mọi phương diện của cuộc sống từ nhỏ cho tới tuổi ba mươi
khiến ông bị trầm cảm. Năm 25 tuổi, Mill gặp người đàn bà có chồng, Harriet
Taylor, và cùng nàng dệt nên mối tình say mê gắn bó đến độ cuối cùng chồng nàng
cũng phải chấp nhận, nhưng nó vẫn gây chấn động cho xã hội thường tình lúc bấy
giờ. Sau khi John Taylor mất vào năm 1851, Mill cưới Harriet, nhưng bảy năm sau
Harriet cũng qua đời. Việc sống chung với Harriet Taylor đã gợi cho Mill nhiều
suy nghĩ về quyền của phụ nữ. Và khi là nghị viên quốc hội từ năm 1865 đến
1868, Mill đã kiến nghị quyền bầu cử cho phụ nữ.
TRIẾT HỌC
Tác phẩm Hệ thống lôgic (1843)
của ông là một nỗ lực tham vọng đưa ra một tường trình không chỉ về lôgic, như
cái tựa đề gợi lên, mà còn về các phương pháp khoa học và những ứng dụng của
chung vào các hiện tượng xã hội cũng như các hiện tượng tự nhiên thuần túy.
Khái niệm của Mill về lôgic hoàn toàn không như khái niệm của các nhà lôgic
hiện đại; ngoài lôgic hình thức, điều mà ông gọi là “lôgic của sự nhất quán”,
ông nghĩ rằng, có một lôgic của bằng chứng, tức là, một lôgic sẽ cho thấy bằng
chứng xác nhận hay thường xác nhận những kết luận chúng ta rút ra từ bằng chứng
như thế nào. Điều đó dẫn ông tới sự phân tích nguyên lý nhân quả, và sự tường
trình về suy luận quy nạp vẫn còn là khởi điểm của những tranh luận thời thượng
nhất. Sự lý giải của Mill trong khoa học thường là sự lý giải truy tìm nhưng
nguyên nhân của các biến cố; hoặc tìm kiếm những quy luật phổ quát hơn nơi
chúng ta quan tâm lý giải những quy luật ít phổ quát hơn như những trường hợp
đặc biệt của những quy luật đó. Sự tranh luận của Mill về khả năng tìm thấy một
lý giải khoa học về những biến cố xã hội cũng vẫn còn giá trị; Mill không muốn
nghĩ rằng, các khoa học xã hội sẽ biết hết tất cả về hành vi con người cũng như
ông không muốn nghĩ rằng, thông có triển vọng lý giải nhưng vấn đề xã hội ở bất
luận cấp độ nào sâu hơn cấp độ của lý thường tình.
Luận điểm trung tâm của tác phẩm Bàn về
tự do (1859*) là cá nhân cần phải được tự do làm bất cứ điều gì mình
thích miễn là không gây thiệt hại đáng kể cho bất luận ai, vì ở điểm này, như
một vị thẩm phán có lần đã nói với một bị cáo: “Tự do của anh trong việc vung
cánh tay phải kết thúc ở vị trí cái mũi của tôi''. Cuốn sách của Mill vẫn là
công trình nghiên cứu kinh điển về quan niệm tự do của cá nhân, và đến nay vẫn
còn được tìm đọc rộng rãi.
Trong suốt tác phẩm Hệ thống lôgic,
Mill công kích triết học ''trực giác'' của William Whewell và Sir William Hamilton.
Đây là quan điểm cho rằng, những lý giải dựa vào những nguyên tắc bắt buộc về
mặt trực giác hơn là những quy luật phổ quát, nhân quả, và rằng, một cách tối
hậu, việc nghiên cứu những nguyên tắc bắt buộc về mặt trực giác như vậy dựa
trên sự nhận thức vũ trụ như một tạo phẩm thần thánh bị thống trị bởi những
nguyên tắc mà một vị thần lý trí phải lựa chọn. Mill cho rằng, thuyết trực giác
là một triết lý tồi, và đó còn là niềm an ủi cho chủ nghĩa bảo thủ về chính
trị. Tác phẩm Khảo về triết học của Sir William Hamilton (1865)
gây nhiều tranh cãi trong hơn hai chục năm, nhưng hiện tại là tác phẩm ít được
đọc nhất của Mill.
Đối với công chúng nói chung, Mill được biết
nhiều hơn với tư cách là tác giả của Những nguyên lý của kinh tế chính
trị (1848), một tác phẩm tìm cách chứng minh rằng, kinh tế học không
phải là ''khoa học ảm đạm'' mà những nhà phê bình cực đoan của nó vẫn tưởng.
Tầm quan trọng triết học của nó nằm trong những suy tư của Mill về sự khác biệt
giữa những gì kinh tế học đo lường và những gì con người coi trọng. Điều đó đưa
Mill đến chỗ lập luận rằng, chúng ta nên hy sinh sự tăng trưởng kinh tế vì môi
trường, và nên hạn chế dân số để cho chúng ta có nhiều không gian thư giãn cũng
như để tránh nguy cơ đói cho người nghèo. Mill cũng nhận rằng, sự phân tích
kinh tế theo lối chính thống không thể chứng minh được chủ nghĩa xã hội là khả
thi, và đề xuất như lý tưởng của riêng ông một nền kinh tế của các hợp tác xã
do người lao động làm chủ. Các luận giả đã tranh cãi triền miên mà không có kết
quả nào về việc đây có phải là một hình thái của chủ nghĩa xã hội hay chỉ là
''chủ nghĩa tư bản của người lao động''. Tuy nhiên, Mill hầu như vẫn là người
cùng thời của chúng ta trong lĩnh vực của triết học chính trị và luân lý. Tác
phẩm Thuyết vị lợi (1861) của ông vẫn là sự biện hộ kinh điển
cho quan điểm nêu rằng, chúng ta phải nhắm đến việc tối đa hóa phúc lợi của các
tạo vật có tri giác. Sự biện hộ của Mill cho quan điểm rằng, chúng ta phải theo
đuổi hạnh phúc bởi vì chúng ta cần theo đuổi hạnh phúc, từng là mục tiêu công
kích của nhiều người, trong đó có F. H. Bradley trong cuốn sách Những
khảo cứu đạo đức (1874) và G. E. Moore trong Nguyên lý đạo đức (1903).
Nhưng nhiều người khác lập luận, về vấn đề cụ thể này, Mill đã bị các nhà phê
bình hiểu lầm. Trước sau ông vẫn khẳng định rằng, hạnh phúc sẽ được đánh giá
không chỉ bởi số lượng mà còn bởi chất lượng - một Socrates thất cơ lỡ vận
không chỉ tốt hơn một kẻ xuẩn ngốc hạnh phúc, mà còn phần nào đó hạnh phúc hơn
nữa - đã làm bối rối nhiều thế hệ các luận giả.
Sinh thời, chính khảo luận Bản về tự do của
ông đã khơi lên rất nhiều tranh cãi, cùng những lời lẽ tán thành hay phản đối
mành liệt nhất. Tác phẩm đó được đốt cháy từ những cảm xúc mà Mill và vợ ông,
Hamet Taylor, thường xuyên bày tỏ cho nhau qua thư từ: rằng; họ đang sống trong
một xã hội mà những con người dũng cảm và phiêu lưu ngày càng hiếm hoi. Các nhà
phê bình đôi khi nghi Mill sợ hãi viễn cảnh một nền dân chủ của quần chúng nhân
dân trong đó tiếng nói của tầng lớp lao động sẽ trở nên trấn áp và có lẽ tàn
bạo. Sự thực là Mill sợ hãi chủ nghĩa bảo thủ của tầng lớp trung lưu nhiều hơn
bất cứ thứ gì mà tầng lớp lao động tìm lại được. Đó là nỗi sợ mà ông chợt nhận
ra khi đọc cuốn sách Dân chủ ở Hoa Kỳ (1836- 1840) của Alexis
de Tocqueville. Hoa Kỳ là một xã hội trung lưu giàu có, và Mill e rằng, nó cũng
là một xã hội không quan tâm gì tới tự do cá nhân.
Mill nêu lên ''một nguyên tắc rất đơn giản'' để
kiểm soát việc sử dụng vũ lực trong xã hội – khi nói vũ lực, ông muốn nói cả
những hình phạt pháp lý lẫn hoạt động của công luận; nghĩa là chúng ta chỉ có
thể dùng vũ lực với người khác trong trường hợp tự vệ - hoặc để tự bảo vệ chính
mình, hoặc để bảo vệ người khác khỏi bị tổn hại. Điều chủ yếu là, quan điểm này
loại bỏ những can thiệp gia trưởng để cứu mọi người thoát khỏi chính họ, và
loại bỏ những can thiệp lý tưởng để làm cho mọi người cư xử ''tốt hơn''. Một
thời gian dài các nhà phê bình tìm cách giải thích bằng cách nào mà một nhà tư
tưởng vị lợi có thể tán thành một nguyên tắc tự kiềm chế như vậy. Về bản chất,
Mill lập luận, chỉ có chọn nguyên tắc kiềm chế chúng ta mới có thể tìm ra chân
lý, trải nghiệm chân lý như ''của riêng mình'', và phát triển trọn vẹn cái tôi
của mình.
Trong số những tác phẩm ngắn, có hai cuốn đáng
được đề cập. Nô dịch phụ nữ (1869) được coi là cực đoan trong
thời của Mill nhưng hiện nay thì chỉ được xem là những phát biểu cổ điển về
thuyết nữ quyền tự do. Một đoạn điển hình trong sách nói rằng, nếu tự do là tốt
cho đàn ông, thì cũng tốt cho phụ nữ, và rằng, mọi luận chứng chống lại quan
điểm này rút ra từ ''bản chất'' được cho là khác biệt của đàn ông và phụ nữ đều
là lời bào chữa đặc biệt mê tín. Nếu phụ nữ có bản chất khác biệt, cách duy
nhất để khám phá họ là thông qua thực nghiệm, và điều đó đòi hỏi phụ nữ phải
tiếp cận với mọi thứ mà đàn ông tiếp cận được. Chỉ sau khi trải qua nhiều thế
kỷ tự do như đã từng trải qua nhiêu thế kỷ áp bức, chúng ta mới thực sự hiểu
được bản chất của chúng ta là gì. Mill xuất bản Nô dịch phụ nữ vào
lúc cuối đời để tránh gây tranh cãi có thể làm giảm hiệu quả của những tác phẩm
khác. Ông chọn không cho xuất bản cuốn Ba khảo luận về tôn giáo (1874)
cho đến sau khi ông qua đời. Trong nhiều vấn đề tranh cãi, ông nêu lên vấn đề
không thể có chuyện vũ trụ được điều khiển bởi một Thượng Đế toàn năng và nhân
ái, nhưng không phải không thể có một sức mạnh nhân từ ít toàn năng hơn đang
hoạt động trong vũ trụ. Những quan điểm như thế thường gây thất vọng cho những
người ngưỡng mộ Mill vốn tìm kiếm một lập trường bất khả tri mạnh mẽ hơn, nhưng
chúng vẫn là những hình mẫu của sự tranh luận điểm tĩnh về những đề tài bất
động, và rất đáng đọc đến hôm nay.
Ảnh hưởng mà các tác phẩm của ông lưu dấu trên
tư tưởng Anh đương thời chắc chắn là không được đánh giá quá cao, cũng như
người ta vẫn nghi ngờ về giá trị của tinh thần tự do và tìm tòi mà với nó ông
xử lý những vấn đề quan trọng của thời đại ông. Tuy nhiên, vượt qua vấn đề đó,
có sự khác biệt ý kiến đáng kể về giá trị lâu bền trong triết học của ông.
Thoạt nhìn, ông cô vẻ là là triết gia sáng sủa nhất. Nhiều người từng nói về
tính dễ hiểu tuyệt vời trong trước tác của ông. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau sự
ngờ vực đã xuất hiện. Mặc dù sự sáng sủa vẫn còn, nhưng không nhiều nữa; và có
lúc người ta khó chịu khi thấy rằng, ông viết dễ hiểu ở cả hai mặt của một vấn
đề.
Tuy nhiên, sự đánh giá này không làm người ta
thờ ơ Mill. Tên tuổi ông vẫn tiếp tục xuất hiện trong những cuộc tranh luận
triết học. Một phần vì Mill cung cấp một học thuyết và một hệ thống thuật ngữ
trên nhiều lĩnh vực học thuật (nhất là về phương pháp quy nạp) tỏ ra cực kỳ hữu
ích. Nhưng lý do quan trọng hơn là ông đã được coi như hiện thân của một số
khuynh hướng trong triết học luôn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với những trí tuệ
nghiêm túc.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
A System of lôgic (1843; Một hệ
thống lôgìc)
Principles of Political Economy (1848; Những
nguyên lý của kinh tế chính trị)
On Liberty (1859; Bàn về tự do)
Utilitarianism (1861; Thuyết vị lợi)
The Subjection of Women (1869; Nô dịch phụ
nữ)
Autobiography (1873; Tự truyện)
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)