Giới thiệu về Marx

Posted on
  • Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,

  • TIỂU SỬ
    KARL MARX (5/5/1818 – 14/3/1883), triết gia và nhà cách mạng Đức, cùng với Friedrich Engels sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học (chủ nghĩa cộng sản hiện đại) và là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất mọi thời đại.
    Marx sinh tại Trier (Đức), học đại học tại các thành phố Bonn, Berlin và Jena. Năm 1842, ngay sau khi cộng tác bài báo đầu tiên cho báo Rheinische Zeitung ở Cologne, Marx trở thành chủ biên của tờ báo này. Ông viết nhiều bài báo phê phán hiện trạng chính trị và xã hội đương thời, dấn thân vào những cuộc luận chiến với chính quyền; đến năm 1843, Marx bị buộc phải ra khỏi ban biên tập và không lâu sau tờ Rheinische Zettung bị buộc phải đình bản. Marx đến Paris (Pháp). Tại đây, sau thời gian dài nghiên cứu sâu rộng về triết học, lịch sử, chính trị học, ông quyết định chọn lập trường cộng sản. Năm 1844, khi Engels đến thăm ông tại Paris, hai người nhận thấy rằng, từ hai con đường độc lập họ đã cũng đi đến những quan điểm giống nhau về bản chất của những vấn đề cách mạng. Họ bắt đầu cộng tác để giải thích một cách hệ thống những nguyên tấc của chủ nghĩa cộng sản và để tổ chức phong trào công nhân quốc tế, dấn thân cho lý tưởng cộng sản.

    TUYÊN NGÔN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN
    Năm 1845, Marx bị trục xuất khỏi Paris vì những hoạt động cách mạng của ông. Ông đến định cư tại Brussells (Bỉ), bắt đầu tổ chức và hướng dẫn các nhóm cách mạng tại một số thành phố ở châu Âu. Năm 1847, các nhóm này được củng cố và thống nhất thành Liên đoàn Cộng sản, đồng thời Marx và Engels được ủy nhiệm soạn thảo một tuyên ngôn về những nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản. Cương lĩnh mà họ đưa ra, nổi tiếng khắp thế giới với tên gọi Tuyên ngôn của đảng cộng sản, là phát biểu có hệ thống đầu tiên của học thuyết xã hội chủ nghĩa hiện đại và được Marx soạn, phần nào dựa trên bản đề cương của Engels. Marx đóng góp những cương lĩnh của Tuyên ngôn, thể hiện khái niệm duy vật về lịch sử, hay chủ nghĩa duy vật lịch sử. Lý thuyết này, về sau được trình bày rõ hơn trong tác phẩm Phê phán kinh tế chính trị (1859) của Marx. Những cương lĩnh của Tuyên ngôn là trong mỗi giai đoạn lịch sử, hệ thống kinh tế thịnh hành mà nhờ nó những nhu cầu của cuộc sống nảy sinh sẽ quyết định hình thái tổ chức xã hội và lịch sử chính trị lẫn tinh thần của giai đoạn đó; và rằng, lịch sử xã hội là lịch sử của những cuộc đấu tranh giữa các giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột, tức là, giữa giai cấp cai trị và giai cấp bị áp bức trong xã hội. Từ những tiền đề này, Marx đi đến kết luận trong Tuyên ngôn rằng, giai cấp tư bản sẽ bị lật đổ và nó sẽ bị xóa bỏ bởi cách mạng toàn thế giới của giai cấp công nhân và được thay thế bằng một xã hội không giai cấp. Tuyên ngôn của đảng cộng sản ảnh hưởng đến tất cả dòng văn học cộng sản và tư tưởng cách mạng sau đó; được dịch ra nhiều thứ tiếng và được in hàng trăm triệu bản.

    LƯU VONG CHÍNH TRỊ
    Năm 1848, cách mạng xảy ra ở Pháp và Đức. Chính quyền Bỉ do e ngại làn sóng cách mạng sẽ nhấn chìm nước Bỉ, đã trục xuất Marx. Ông đến Paris (Pháp) rồi sau đến Rhineland (Đức). Tại Cologne, ông sáng lập và làm chủ biên tạp chí cộng sản xuất bản định kỳ Neue Rheinische Zeitung và tham gia vào các hoạt động tổ chức. Năm 1849, Marx bị bắt và bị xét xử tại Cologne vì tội kích động nổi dậy vũ trang; ông được tha bổng nhưng bị trục xuất khỏi nước Đức, và tớ Neue Rheinische Zeitung bị đóng cửa. Cuối năm đó, một lần nữa ông bị đuổi khỏi nước Pháp; ông sống đến cuối đời ở London (Anh).
    Tại Anh, Marx dành hết thời gian nghiên cứu, viết sách và nỗ lực xây dựng phong trào cộng sản quốc tế. Trong thời gian này, ông viết một số tác phẩm được xem là kinh điển của lý thuyết cộng sản, trong đó vĩ đại nhất là Das Kapital (Tư bản; tập 1, 1867; tập 2 và 3, được Engels hiệu đính và xuất bản lần lượt sau khi Marx qua đời vào năm 1885 và 1894). Đó là một công trình phân tích có hệ thống và sử tính về kinh tế của hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa, trong đó ông triển khai học thuyết nói rằng, giai cấp tư bản bóc lột giai cấp công nhân bằng cách chiếm đoạt ''giá trị thặng dư” do giai cấp công nhân làm ra.
    Tác phẩm tiếp theo của Marx - Nội chiến ở Pháp (1871) - phân tích kinh nghiệm của chính quyền cách mạng chết non được lập nên ở Paris trong cuộc Chiến tranh Pháp - Phổ (1871). Trong tác phẩm này, Marx làm sáng tỏ sự hình thành và tồn tại của Công xã như một chứng thực lịch sử cho lý thuyết của ông - lực lượng lao động cần phải nắm quyền lực chính trị bằng khởi nghĩa vũ trang và sau đó thủ tiêu nhà nước tư bản chủ nghĩa. Ông ca ngợi Công xã như “Hình thái chính trị được phát hiện sau cùng mà ở đó sự giải phóng sức lao động có thể xảy ra''. Lý thuyết này được nêu rõ trong Phê phán Cương lĩnh Gotha (1875): ''Giữa hai hệ thống xã hội tư bản và cộng sản có một giai đoạn của sự chuyển đổi cách mạng từ hệ thống này sang hệ thống kia''. Trong thời gian cư trú tại Anh, Marx cũng viết nhiều bài báo về những biến cố chính trị xã hội đương thời cho báo chí châu Âu và Mỹ. Ông là đặc phái viên của nhật báo Mỹ New York Daily Tribune (do Horace Greeley chủ biên) từ năm 1852 đến 1861; và từ năm 1857 đến 1858, ông cộng tác đắc lực cho New America cyclopedia, do hai nhà báo Mỹ Charles Anderson và George Ripley đồng chủ biên.

    NHỮNG NĂM SAU
    Khi Liên đoàn Cộng sản giải tán vào năm 1852, Marx tiếp tục liên lạc với hàng trăm nhà cách mạng nhằm mục đích xây dựng một tổ chức cách mạng khác. Những nỗ lực của ông và những người đồng chí lên đến cực điểm vào năm 1864 khi Đệ nhất Quốc tế được thành lập tại London. Marx đọc diễn văn khai mạc, soạn thảo điều lệ của quốc tế rồi sau đó điều khiển công việc của hội đồng toàn thể và ban quản trị. Sau khi Công xã - một phong trào có nhiều thành viên Đệ nhất quốc tế tham gia - bị đàn áp, quốc tế thoái trào, và Marx đề nghị dời cơ quan đầu não của quốc tế qua Mỹ. Tám năm cuối đời ông là thời gian tranh đấu không ngừng nghỉ với bệnh tật để không gián đoạn hoạt động trước tác và chính trị. Những bản thảo và ghi chép được phát hiện sau khi ông qua đời cho thấy ông dự tính viết tập thứ tư  bản để tóm lược lịch sử các học thuyết kinh tế; những bản thảo tản mát này được nhà luận thuyết xã hội chủ nghĩa Đức Karl (Johann Kautsky hiệu đính và xuất bản dưới nhan đề Những lý thuyết về giá trị thặng dư (4 tập, 1905 - 1910). Các tác phẩm khác nằm trong kế hoạch nhưng chưa hoàn thành của Marx gồm có những đề tài nghiên cứu toán học, nghiên cứu về những ứng dụng toán học vào các vấn đề kinh tế và nghiên cứu những khía cạnh lịch sử của sự phát triển công nghệ đa dạng.

    ẢNH HƯỞNG
    Ảnh hưởng của Marx trong thời ông sống không lớn. Nhưng sau khi ông mất, ảnh hưởng đó tăng theo sự lớn mạnh của phong trào công nhân. Những ý tưởng và lý thuyết của Marx được biết đến như chủ nghĩa Marx (hay chủ nghĩa xã hội khoa học), tạo nên một trong những trào lưu chính của tư tưởng chính trị đương đại. Sự phân tích của ông về chủ nghĩa duy vật lịch sử, đấu tranh giai cấp và giá trị thặng dư đã trở thành nền tảng của học thuyết xã hội chủ nghĩa hiện đại. Có tầm quan trọng quyết định đến hành động cách mạng là những lý thuyết của ông về bản chất của nhà nước tư bản, con đường dẫn đến quyền lực chế độ chuyên chính của giai cấp vô sản. Những học thuyết này được hầu hết các nhà luận thuyết xã hội chủ nghĩa bổ sung, đã phục sinh trong thế kỷ XX bởi Vladimir Ilich Lenin, người kế thừa và phát triển thành chủ nghĩa Marx - Lenin. Chúng trở thành cốt lõi của lý thuyết và thực hành của những người Bolshevikt và Đệ tam Quốc tế và những người Marxist sau này. Những ý tưởng của Marx, được Lenin kết tục và đóng góp sáng tạo, vẫn tiếp tục gieo ảnh hưởng. Ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có châu Phi và Nam Mỹ, những quốc gia đang nổi lên được sáng lập bởi những nhà lãnh đạo tự cho mình là đại diện của giai cấp vô sản.

    NHỮNG ẢNH HƯỞNG LÊN TRIẾT HỌC CỦA MARX
    Tư tưởng của Marx chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi chủ nghĩa lịch sử biện chứng của Georg Wilhelm Friedrich Hegel và kinh tế học chính trị cổ điển của Adam Smith và David Ricardo. Marx cho rằng, ông có thể nghiên cứu lịch sử và xã hội bằng nhãn quan khoa học và phân biệt một bên là những khuynh hướng lịch sử và một bên là hệ quả của những xung đột xã hội. Đo đó, một số hậu duệ của Marx kết luận, cách mạng cộng sản chủ nghĩa tất yếu phải xảy ra. Tuy nhiên, Marx đã có một câu phát biểu nổi tiếng: các triết gia xưa nay đã tìm mọi cách để giải thích thế giới; vấn đề là thay đổi nó”, và rõ ràng ông đã tận hiến đời mình trong nỗ lực tìm cách thay đổi thế giới. Bởi vậy, hầu hết học trò của Marx đều không phải là những người theo thuyết định mệnh, nhưng các nhà hoạt động xã hội tin rằng, các cuộc cách mạng phải tổ chức sự thay đổi xã hội.
    Triết học của Marx lý giải lịch sử theo quan điểm duy vật (mà Engels đã gây nhiều tranh cãi khi gọi là chủ nghĩa duy vật biện chứng) chắc chắn chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của Hegel, theo đó thực tại (và lịch sử) phải được nhìn một cách biện chứng, thông qua sự va chạm của những lực lượng đối nghịch. Hegel tin rằng, chiều hướng của lịch sử con người được đặc trưng bởi sự chuyển động từ phần mảnh đến trọn vẹn và thực chất (còn gọi là sự chuyển động tới sự thuận lý ngày càng nhiều hơn). Thỉnh thoảng, Hegel giải thích, sự phơi bày thăng tiến của cái tuyệt đối đòi hỏi sự bồi đắp từng bước nhưng cũng có lúc đòi hỏi những bước gián đoạn, cách mạng - những biến cố bước ngoặt chống lại nguyên trạng đang hiện hữu. Dù Marx thừa nhận khái niệm lịch sử rộng lớn này, nhưng Hegel là một nhà duy tâm, nên Marx tìm cách viết lại phép biện chứng bằng ngôn ngữ của chủ nghĩa duy vật. Ông cho rằng, chủ nghĩa Hegel đặt sự vận động của thực tại trên đầu nó, nhưng điều cần thiết là phải đặt trên hai chân của nó.
    Sở dĩ Marx chấp nhận ý niệm phép biện chứng duy vật mà phản đối chủ nghĩa duy tâm của Hegel là do ông chịu ảnh hưởng sâu sắc Ludwig Feuerbach. Trong Bản chất của Kitô giáo, Feuerbach cho rằng, Thượng Đế thực ra là sản phẩm của con người và rằng, những phẩm tính mà con người gán cho Thượng Đế thực ra là những phẩm tính của giống người. Từ đó Marx cho rằng, chính thế giới vật chất mới thực hữu và rằng, những ý tưởng của chúng ta về nó là hệ quả, chứ không phải nguyên nhân, của thế giới. Do vậy, cũng như Hegel và câu triết gia khác, Marx phân biệt giữa hiện tượng và bản chất. Nhưng ông không tên rằng, thế giới vật chất giấu không cho chúng ta thấy thế giới ''thực'' của lý tưởng; trái lại, ông nghĩ rằng, những hệ tư tưởng đặc thù về lịch sử và xã hội mới ngăn cản con người nhìn thấy những điều kiện vật chất của cuộc sống một cách sáng tỏ.

    TRIẾT HỌC CỦA MARX
    Ý niệm về lao động là hạt nhân tư tưởng của Marx. Về cơ bản, Marx cho rằng, chính bản chất con người làm biến đổi tự nhiên, và ông gọi tiến trình biến đổi này là ''lao động'' và năng lực biến đổi tự nhiên là sức lao động. Đối với Marx, đây là năng lực tự nhiên đối với một hoạt động thể chất, nhưng nó gắn bó mật thiết với tinh thần con người và sự tưởng tượng của con người: Một con nhện hoạt động giống như người thợ dệt, và một con ong khéo léo hơn nhiều kiến trúc sư trong việc xây dựng những cái tổ của nó. Nhưng cái phân biệt một kiến trúc sư tồi nhất với một con ong giỏi nhất là ở chỗ, người kiến trúc sư hình dung cấu trúc trong đầu óc mình trước rồi mới xây dựng nó trong thực tại. Ngoài tuyên bố khả năng con người có thể biến đổi tự nhiên, Marx không có tuyên bố nào khác về ''bản chất con người''.
    Marx kế thừa biện chứng của Hegel và cũng với nó, là sự khinh bỉ ý niệm bản chất bất biến sâu xa của con người. Đôi khi những người Marxist trình bày quan điểm của mình bằng cách đối chiếu ''bản chất'' với ''lịch sử''. Đôi khi họ dùng công thức hiện hữu có trước ý thức''. Vấn đề là, dù trong trường hợp nào đi nữa, con người hiện hữu được xác định bởi không gian và thời gian cụ thể của hắn - khung cảnh xã hội có trước hành vi bẩm sinh; hoặc, nói cách khác, đặc tính chủ yếu của bản chất con người là sự thích nghi.
    Marx không cho rằng, tất cả mọi người đều lao động cùng một cách, hoặc cách thức con người lao động là hoàn toàn cá thể và riêng biệt. Thay vào đó, ông nói rằng, lao động là một hoạt động xã hội; những điều kiện và hình thái mà nhờ đó và qua đó người ta tiến hành lao động được xã hội quyết định và thay đổi theo thời gian.
    Phương pháp phân tích lịch sử của Marx dựa trên sự phân biệt giữa phương tiện/lực lượng sản xuất tức là những thứ như đất, tài nguyên, công nghệ, cần thiết cho việc sản xuất hàng hoá vật chất, và những quan hệ sản xuất trong xã hội, nói cách khác, là những mối quan hệ xã hội mà con người tham gia khi họ sở hữu và sử dụng phương tiện sản xuất. Hai yếu tố này tạo thành phương thức sản xuất; Marx quan sát thấy phương thức sản xuất thay đổi trong phạm vi một xã hội nhất định, và thấy rằng, các xã hội châu Âu đã tiến triển từ phương thức sản xuất phong kiến đến phương thức sản xuất tư bản. Nói chung, Marx tin rằng, phương tiện sản xuất thay đổi nhanh hơn quan hệ sản xuất (ví dụ, chúng ta phát triển một công nghệ mới, Internet chẳng hạn, và chỉ về sau chúng ta mới tìm ra những luật lệ để kiểm soát công nghệ đó). Theo Marx, sự không tương xứng này giữa nền tảng kinh tế và kiến trúc thượng tầng xã hội) là nguồn gốc của sự đổ vỡ và xung đột xã hội.
    Marx hiểu ''quan hệ sản xuất xã hội'' bao gồm không chỉ những quan hệ giữa các cá nhân mà còn giữa các nhóm người, hoặc giai cấp. Là nhà khoa học và nhà duy vật, Marx không hiểu giai cấp là cái gì thuần túy chủ quan (nói cách khác, các nhóm người nhận diện lẫn nhau một cách có ý thức). Ông tìm cách định nghĩa giai cấp theo những chuẩn mực khách quan, như sự tiếp cận với các nguồn tài nguyên: Theo Marx, những giai cấp khác nhau có những quyền lợi bất động, và đó lại là nguồn gốc của sự đổ vỡ và xung đột xã hội.
    Marx đặc biệt quan tâm đến cách thức con người quan hệ với nguồn tài nguyên căn bản nhất, sức lao động của họ: Marx viết rất nhiều về chủ đề này, về khía cạnh sự tha hóa. Về mặt biện chứng, Marx khởi đầu với ý niệm tha hóa của Hegel nhưng triển khai thành một khái niệm có tính duy vật hơn. Theo Marx, khả năng mà con người có thể từ bỏ quyền sở hữu lao động của bản thân mình - khả năng biến đổi thế giới - chẳng khác gì tha hoá khỏi bản chất của chính mình; đó là một tổn thất về tinh thần. Marx diễn tả sự tổn thất này bằng thuật ngữ tính sùng bái hàng hóa, trong đó con người đi đến chỗ tin rằng, chính những thứ sản xuất ra mới có sức mạnh, và là nguồn gốc của sức mạnh và sáng tạo, chứ không phải bản thân con người. Ông biện luận rằng, khi điều này xảy ra, con người bắt đầu hoá giải tất cả các mối quan hệ giữa họ với nhau và với tha nhân thông qua hàng hóa.
    Tính sùng bái hàng hóa là một dẫn chứng cho điều mà Engels gọi là ngụy ý thức, nó gắn liền với ý thức hệ. Qua ý thức hệ, họ muốn nói đến những ý tưởng phản ánh những quyền lợi của một giai cấp cụ thể tại một thời gian cụ thể trong lịch sử, nhưng được trình bày như là phổ quát và vĩnh cửu. Theo Marx và Engel, không chỉ những tin tưởng như thế là sai lầm; chúng còn có chức năng chính trị quan trọng. Nói cách khác, sự kiểm soát mà một giai cấp thể hiện đối với phương tiện sản xuất không chỉ bao gồm sự sản xuất thực phẩm hay hàng hóa công nghiệp; nó còn bao gồm sự sản xuất ý tưởng nữa (điều này cung cấp một lý giải khả dĩ cho câu hỏi tại sao các thành viên của giai cấp phụ thuộc có thể giữ những ý tưởng trái ngược với quyền lợi riêng của họ). Cho nên, mặc dù những ý tưởng như thế có thể sai lạc, nhưng chúng cũng bộc lộ dưới hình thức mã hóa một chân lý nào đó về các quan hệ chính trị. Chẳng hạn, mặc dù niềm tin cho rằng, những thứ gì do con người sản xuất ra thực sự hữu ích hơn chính con người sản xuất ra chúng là hoàn toàn ngớ ngẩn, nó vẫn phản ánh một sự thật (theo Marx và Engels) rằng, con người dưới chế độ tư bản bị tha hoá khỏi sức lao động của chính họ. Một dẫn chứng khác cho kiểu phân tích này là sự nhận thức tôn giáo của Marx, được tóm tắt trong đoạn văn nổi tiếng trích từ tác phẩm Góp phần phê phán ''Triết học pháp quyền'' của Hegel. “Sự khổ đau tôn giáo là thể hiện sự khổ đau hiện thực và là sự phản kháng lại sự khổ đau hiện thực. Tôn giáo là tiếng thở dài của những kẻ bị đàn áp, là trái tim của một thế giới vô tâm, và là tâm hồn của những hoàn cảnh không hồn. Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng''. Mặc dù luận văn trung học của ông nêu rõ chức năng xã hội chính yếu của tôn giáo là khích lệ tình đoàn kết, nhưng ở đây Marx lại thấy chức năng xã hội ấy là phương cách thể hiện và đối phó với tình trạng bất bình đẳng xã hội, bằng cách ấy nó duy trì hiện trạng (status quo).

    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    Das Manifest der Kommunistischen Partei (1848: Tuyên ngôn của đảng cộng sản)
    Das Kapital (1867-1894; Tư bản)
    The Poverty of philosophy (1845; Sự bần cùng của triết học)
    The German Ideology (1845; Hệ tư tưởng Đức)
    Critique of the Gotha Program (1875; Phê phán Cương lĩnh Gotha)
    (Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org