Giới thiệu về Rawls

Posted on
  • Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,


  • JOHN RAWLS (1921), triết gia chính trị và đạo đức Mỹ, sinh tại Baltimore, Maryland. Ông tốt nghiệp đại học Princeton. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Thái Bình Dương trong Thế chiến II, ông quay lại Princeton làm luận án tiến sĩ triết học năm 1950.
    Rawls giảng dạy tại Cornell trong những năm 1950, chuyển đến Viện Công nghệ Massachusetts năm 1960, và sau đó là khoa triết tại đại học Harvard năm 1962 và ở đây cho đến khi về hưu năm 1991. Từ khi nhận học vị tiến sĩ cho đến năm 1971, công trình trí tuệ quan trọng nhất của ông là một cuốn sách bàn về lẽ công bằng. Cuốn sách ra đời năm 1971 dưới tựa đề Học thuyết công bằng, trình bày toàn diện một học thuyết mà Rawls gọi là “công bằng là sòng phẳng''. Sau đó, Rawls dành gần 20 năm suy nghĩ lại về những cơ sở của ý niệm ''công bằng là sòng phẳng'', với mục đích trình bày quan điểm của ông nhất quán hơn với chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và triết học là đặc tính của các nền dân chủ hiện đại. Thành quả của những nỗ lực đó xuất hiện năm 1993 trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do chính trị. Năm 1999, Rawls xuất bản tác phẩm Luật lệ của các dân tộc, triển khai những ý tưởng về công bằng của ông thành một hệ thống quốc tế.
    Trong phần lớn thế kỷ qua, ý tưởng về một triết thuyết chính trị bình quân - tự do đối với nhiều người hình như là một mâu thuẫn ngay trong từ ngữ. Những người theo chủ nghĩa binh quân băn khoăn trước những khác biệt to lớn giữa cuộc sống của người giàu và người nghèo thường kết tội chủ nghĩa tự do đã chú ý quá đáng đến những quyền và tự do hợp pháp trong khi tỏ ra thờ ơ với số phận thực sự của dân chúng bình thường. Họ lập luận, bình đẳng chỉ có thể tìm thấy trong một số ít diễn ngôn về luật pháp và chính trị - với những tuyên bố về bình đẳng của con người trước pháp luật và của công dân trong quốc gia. Những người tự do quan tâm đến việc đảm bảo các quyền cá nhân thường tố cáo chủ nghĩa bình quân là gia trưởng và sẵn sàng hy sinh tự do cá nhân nhân danh sự tương đồng vô vị của hoàn cảnh hay xã hội không tưởng tương lai. Thực ra, hệ thống phúc lợi xã hội của các quốc gia dân chủ cố gắng và gần như thành công, tôn trọng những giá trị tự do và bình đẳng: bảo đảm những quyền cá nhân cơ bản đối với sinh hoạt riêng tư và sinh hoạt chính trị, đồng thời bảo vệ cho từng người khỏi những ngẫu nhiên của thị trường. Nhưng những lựa chọn triết học dường như đối chọi nhau. Giữa chủ nghĩa tự do cổ điển của Friedrich Hayek và chủ nghĩa bình quân của Karl Marx, tất cả chỉ là sự nhượng bộ chính trị bấp bênh, hoặc là sự cân bằng tùy tiện những giá trị cạnh tranh nhau.
    Học thuyết công bằng của Rawls vẽ lại đồ hình triết lý này. Rawls đề xuất khái niệm công bằng hứa hẹn đem tới những quyền cá nhân gắn với chủ nghĩa tự do truyền thống, đem tới lý tưởng về sự phân phối công bằng thường được liên kết với truyền thống dân chủ xã hội và cấp tiến, và đem tới sự tin tưởng hợp lý vào khả năng thực tế của một hình thái dân chủ lập hiến bảo đảm cả tự do lẫn bình đẳng. Tóm tắt quan điểm của mình, Rawls nói rằng, công bằng như là sự sòng phẳng nhằm đưa đến ''sự hòa giải giữa tự do và bình đẳng”.
    Để thấy được sức mạnh của sự hòa giải này, hãy xem xét hai nguyên tắc về công bằng mà Rawls giải thích và biện hộ trong Học thuyết công bằng. Nguyên tắc thứ nhất của Rawls - nguyên tắc về những quyền tự do bình đẳng căn bản - nói rằng, mỗi công dân có quyền bình đẳng trước một hệ thống to lớn nhất các quyền tự do riêng tư và chính trị bình đẳng căn bản tương thích với một hệ thống đồng dạng các quyền tự do đối với người khác. Nguyên tắc này không khẳng định quyền đối với “tự do đúng nghĩa'', tức là quyền lên án những hạn định đối với mọi cung cách lựa chọn. Thay vào đó, nguyên tắc thứ nhất đòi hỏi sự bảo đảm nghiêm ngặt cho một số quyền tự do cụ thể: tự do tư tưởng và lương tri; tự do chính trị; tự do hội họp; tự do và chính trực của con người; những quyền hạn và tự do liên kết với luật lệ, và những yêu sách của nó về tính khái quát và tính khả đoán. Nguyên tắc thứ nhất của Rawls cũng đề cập tới một quy phạm khắt khe về bình đẳng chính trị, nguyên tắc này nói rằng, tự do chính trị chắc chắn là một giá trị chính đáng - rằng, cơ hội để có một chỗ đứng quyền lực và thể hiện ảnh hưởng trên hệ thống chính trị phải độc lập với địa vị xã hội-kinh tế. Do đó những công dân có động cơ và khả năng tham gia tích cực vào sinh hoạt chính trị sẽ không bị bất lợi trong những nỗ lực của họ vì không đủ giàu có, hay được lợi thế vì giàu có hơn người khác.
    Nguyên tắc thứ hai của Rawls thể hiện những lý tưởng bình quân về sự công bằng trong phân phối. Nguyên tắc thứ hai có hai phần, cả hai đều đưa ra những giới hạn khả thủ đối với những bất bình đẳng xã hội-kinh tế. Phần thứ nhất nêu rõ, khi những bất bình đẳng đi kèm với chức vụ và địa vị - tức là khi những công việc như nhau được thưởng công khác nhau - thì những chức vụ và địa vị ấy phải mở ra trước mọi người dưới những điều kiện của sự bình đẳng sòng phẳng về cơ hội. Cụ thể là những người có tài năng và động lực như nhau thì phải có những cơ hội như nhau để giành được những địa vị mong muốn, bất chấp thân thế của họ. Việc tiếp cận với công việc trách nhiệm và được đền bù xứng đáng không nên tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội, trong đó người ta ngẫu nhiên sinh ra và lớn lên.
    Nhưng ngay cả một xã hội bảo đảm những quyền riêng tư và chính trị căn bản cho mỗi người và bảo đảm sự bình đẳng sòng phẳng về cơ hội, vẫn có thể có những bất bình đẳng khó chịu. Do đó, giả sử một số người, phần nào vì thiên bẩm, sở hữu những tài năng hiếm có và tìm được nhiều lợi tức trong thị trường, trong khi một số người khác không có những kỹ năng như thế. Giả sử cả hai nhóm người này đều làm việc cật lực và đóng góp theo năng lực của mình. Mặc dù vậy mức thu nhập của họ sẽ rất khác nhau và những khác biệt này sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Nhưng những bất bình dẳng về thu nhập này dựa vào những ngẫu nhiên, sự may mắn không xứng đáng trong trò chơi xổ số cuộc đời và ''không có lý do cho phép sự phân phối thu nhập và của cải giàu sang được quyết định bởi sự phân phối tài sản tự nhiên hơn bởi vận may lịch sử và xã hội''. Do vậy, phần hai trong nguyên tắc thứ hai của Rawls - nguyên tắc khác biệt - đòi hỏi một cấu trúc kinh tế giảm bớt những bất bình đẳng trong thu nhập và của cải do những khác biệt trong tài năng tự nhiên. Thay vì để cho sự khác biệt về thu nhập chỉ đơn thuần phản ánh những khác biệt về thiên bẩm, nguyên tắc khác biệt đòi hỏi chúng ta tối đa hóa những kỳ vọng một đời của những ai ở vào địa vị xã hội ít thuận lợi nhất. Từ đó một người có thể được trả lương nhiều hơn người khác một cách hợp pháp bởi vì thu nhập cao hơn đó bù đắp cho chi phí giáo dục và đào tạo sâu rộng giúp người ấy đảm nhận những bổn phận đáng ao ước trong xã hội; hoặc những bất bình đẳng có thể có ý nghĩa như những khích lệ giúp người ta nhận nhiệm vụ mà nếu không họ sẽ không thể hay đơn giản là không sẵn lòng nhận nhiệm vụ. Theo nguyên tắc khác biệt, những bất bình đẳng như thế hoàn toàn chính đáng chỉ khi nào chúng đem lại lợi ích lớn nhất cho những người kém sung túc thất.
    Như vậy, trong khi yêu sách sự bình đẳng sòng phẳng về cơ hội lên án một xã hội trong đó thân thế giai cấp là nguồn gốc của đặc quyền xã hội và kinh tế, thì nguyên tắc khác biệt lại lên án một xã hội trong đó, như cách nói của nhà xã hội học Emile Durkheim, ''những bất bình đẳng xã hội thể hiện chính xác những bất bình đẳng tự nhiên''. Tóm lại, trong thực tế, Rawls cố thuyết phục chúng ta chống đối ý tưởng cho rằng, hệ thống kinh tế của chúng ta là cuộc tranh đua về dòng dõi và tài năng, nhằm mục đích tưởng thưởng cho những người nhanh nhẹn và những người nhiều năng khiếu. Thay vì vậy, nó phải là một phần của kế hoạch hợp tác sòng phẳng, được thiết kế để bảo đảm một đời sống hợp lý cho mọi người. ''Trong sự công bằng như là sự sòng phẳng'' - Rawls nói - con người đồng thuận chia sẻ số phận của nhau''.
    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    A Theory of Justice (1971; Học thuyết công bằng)
    The Law of Peoples (1999; Luật lệ của các dân tộc)
    Political Liberalism (1993; Chủ nghĩa tự do chính trị)
    (Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org