Vấn đề tri thức trong “trật tự tự phát” của Hayek (P1)

Posted on
  • Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Lữ Phương
    1 
    “Trật tự” là khái niệm then chốt trong hệ thống lý luận của Hayek, nhân vật được một số người gọi là “giáo chủ của chủ nghĩa tự do cực đoan”.[1]  Vị “giáo chủ ” này có vẻ như là một người lạc quan, mọi thứ có như thế nào thì đối với ông, tất cả đều được sắp xếp đâu vào đó rồi, thế giới mà chúng ta đang sống đã tiến theo một lộ trình không hề hỗn loạn, tan vỡ như một số học giả đang thuyết minh.  Hayek hay nói đến khái niệm “trật tự” là như thế: chỗ nào cũng là trật tự, “trật tự tự nhiên”, “trật tự thị trường”, “trật tự tự phát”, “trật tự mở rộng”… nhưng có một thứ trật tự làm nền móng cho tất cả những thứ trật tự: đó là “trật tự giác quan”, được Hayek nghiền ngẫm và phác ra từ những năm 1920 khi ông mới bắt đầu theo trường phái Áo, sau này vào 1952 đem ra sửa chữa, viết lại mang tên The Sensory Order.  Nội dung của cuốn sách đặt ra một vấn đề cực kỳ hóc búa về triết học, thường gọi là vấn đề nhận thức (“nhận thức luận”), đề cập bản chất của cái phần tinh anh nhất của con người là cái hiện thực tinh thần với những câu hỏi quen thuộc nêu ra cả nghìn năm nay vẫn còn tranh cãi – tinh thần con người là gì, nó từ đâu tới với chúng ta, nó quan hệ với thế giới bên ngoài như thế nào, bằng cách nào con người tiếp xúc và hiểu biết thế giới đó …

    Có một điều hơi lạ mà nhiều người đã nhận ra (và Hayek dường như cũng đồng ý) khi thấy bước khởi đầu của lý luận nhận thức ấy của Hayek có vẻ hơi… duy vật chủ nghĩa! Tinh thần không thuộc cõi siêu nhiên, thần bí nào đó nhập thể vào con người mà chính là sản phẩm của bộ óc của chúng ta.  Nhưng với Hayek sự giống nhau đó chỉ là bề ngoài: tinh thần tồn tại trong bộ óc và bằng bộ óc, nhưng cơ quan này chỉ giữ vai trò một cái trạm trung gian chuyển hoá các dữ kiện của thế giới bên ngoài thành một thứ trật tự mới hiện diện trong cơ thể con người, trật tự này không phải là bản sao, bản chụp, không “phản ánh hiện thực” bên ngoài, như lập luận của những nhà duy vật (thí dụ như Engels).  Theo cách nhìn đó trật tự ấy chính là một trật tự mang nội dung “tâm lý thần kinh” không có cùng một trật với cái “trật tự tự nhiên” vốn chỉ có ý nghĩa vật lý đơn thuần.  Cần phải ghi nhận tính chất đặc biệt của cái trật tự vật lý này: không biết từ đâu tới, không biết sẽ đi về đâu, nhưng khi tiếp xúc với giác quan của con người thì nó chỉ có tác dụng kích thích, từ đó tạo ra những luồng thần kinh, những luồng thần kinh này đi qua các đầu mối thần kinh dẫn đến hệ thần kinh trung ương, để ở đây chúng được sắp xếp, phân loại theo những sơ đồ đã có sẵn đang chờ đợi chúng. 
    Chính những sơ đồ sắp xếp này trong hệ thần kinh trung ương mới là điều đáng chú ý đặc biệt trong lý luận về tinh thần của Hayek.  Một cách triết học, có thể hình dung những sơ đồ ấy giống như những “phạm trù tiên thiên” trong quan niệm của Kant về giác tính, tức là những cái khuôn có sẵn do giác tính ban cho để sắp xếp những dữ liệu bên ngoài đi vào và biến những dữ liệu ấy thành thứ trật tự lý tính tồn tại trong thế giới loài người có lý tính.  Thật ra đó cũng chỉ là một so sánh đơn giản.  Trong quan niệm của Hayek, không có một thực tại tinh thần tiên thiên nào có sẵn trong bộ óc con người trước khi bộ óc ấy nhận được những kích thích từ bên ngoài, để từ đó cùng với thời gian, nhờ lặp đi lặp lại và được lưu giữ theo kinh nghiệm mà hình thành nên những cái khung mang dáng vẻ các phạm trù của Kant, nhưng lại khác hoàn toàn về nội dung lẫn sự sinh thành.  Nói cách khác, những cái khung sắp đặt dữ liệu ấy trong lý luận của Hayek là những sản phẩm ra đời một cách hậu nghiệm, từ những “trải nghiệm” của con người với thế giới: tuy có nguồn gốc vật chất, từ bên trong (bộ óc) lẫn bên ngoài (thế giới vật lý) nhưng chúng đã trở thành một hiện thực khác biệt, tuy không tách rời nguồn gốc nhưng lại không thể quy giảm vào cái nguồn gốc ấy .  Cái trật tự mới này chính là đặc trưng của thế giới tâm lý, thế giới tinh thần của con người.
    Trong quá trình tự hình thành của cái thế giới tinh thần như vậy, theo Hayek, ý thức và lý trí không hề giữ vị trí hàng đầu trong nhận thức như chúng ta vẫn tưởng.  Với Hayek, vai trò của lý trí trong nhận thức khác xa quan niệm của nhận thức luận cổ điển: không phải nhờ vào thao tác gọi là trừu tượng hoá mà chúng ta nâng những cảm giác lên thành tri giác, sau đó nâng tri giác lên thành những khái niệm, cuối cùng dựa vào những khái niệm đưa ra những phán đoán, và suy luận.  Quá trình trừu tượng hoá ấy không phù hợp với những gì diễn ra trong thực tế và điều này thì có thể nhận ra không mấy khó khăn: trong khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài cảm giác không bao giờ nẩy sinh như những sự kiện “thuần tuý và đơn giản” (sau đó mới được trừu tượng hoá), trái lại luôn luôn được lĩnh hội cùng một lượt với sự gợi lại từ ký ức những sơ đồ đã thiết lập sẵn trong hệ thần kinh trung ương, được những sơ đồ ấy tiếp đón và ban cho nó những ý nghĩa phù hợp.  Cảm giác như vậy chỉ là cái cớ kích thích bộ máy thần kinh bao gồm những sơ đồ có sẵn khởi động.  Nếu nó được những sơ đồ “tiên thiên”đó xem là đồng dạng thì sẽ được thừa nhận mời vào để “giải mã”.  Ngược lại, nếu đó là một cái gì thật mới mẻ, thật xa lạ thì nó sẽ bị khước từ, hắt hủi, sau này sẽ phải khổ cực tiếp xúc, xâm nhập thật nhiều lần mà chưa chắc đã được coi là thân quen. 
    Mặc dù quyết liệt chống mọi thứ lý luận thiết kế, nhưng quan niệm của Hayek về những phạm trù có sẵn trong hệ thần kinh trung ương không thể không gợi đến một trung tâm lưu giữ những sơ đồ thiết kế, một bộ chỉ huy điều hợp dữ liệu để tri thức và hành động.  Robert Nadeau viết: “… không một thực tại có ý nghĩa nào tồn tại đối với tinh thần con người mà không được định hình (formater) tức thời bởi hệ thần kinh trung ương.  Không có một cái gì trong ‘thế giới bên ngoài’ được sắp xếp trước, không có gì tương ứng một cách khách quan theo phương cách mà cơ thể con người cấu trúc và tổ chức cái kinh nghiệm nó có về môi trường xung quanh, không có gì được xem như một vật này, vật nọ, như một phẩm chất này hay một phẩm chất khác, một tính chất này hay một tính chất khác, trước khi hệ thần kinh trung ương chưa diễn giải những ký hiệu đến với nó từ khắp mọi nơi.  Trong tình cảnh đó việc kháng cự lại những cái mới như vậy là thông thường, chuyện xét lại các giá trị cũ trước những tác động mới của hiện thực là ngoại lệ”.[2] Tính chất “tiên thiên” có phần khắt khe và mang tính “bảo thủ” của những sơ đồ tinh thần của Hayek là khá rõ ràng. 
    Chính vì không thể hiểu được vị trí của mình trong trật tự tổng thể ấy mà lý trí thường có nhiều ảo tưởng về mình.  Với viễn cảnh Hayek, điều đó dễ hiểu: ý thức thật sự chỉ là một bộ phận phụ tuỳ, một cái vòng tròn nhỏ nằm trong một cái vòng tròn lớn bao trùm lên nó, mang ý nghĩa cho nó, một cách âm thầm, ngoài sự nhận biết của nó.  Cũng như cảm giác, ý thức cũng mang trong bản thân toàn bộ ký ức về lịch sử của sự hình thành đời sống tinh thần của mỗi con người.  Sự xuất hiện của nó không phải là sự hiện diện của người chỉ huy mà thật sự là một kẻ thừa hành.  Giống như phần nổi của một tảng băng trôi giữa biển không biết đến cái phần chìm nặng nề bên dưới đã quyết định hướng đi của mình, ý thức cũng không biết đến những sức mạnh từ chiều sâu, bao gồm rất nhiều những phần hạ thức, tiềm thức, vô thức đã điều động nó ngay từ lúc nó mới xuất hiện.  Là cái phần sáng chói nhất của tinh thần, nhưng do vị trí đó của nó, lý trí không thể nhận biết về bản thân và cũng vì đó tinh thần cũng không thể có phương cách nào để nhận biết về mình.  Với Hayek, tinh thần (bao gồm lý trí) chìm đắm và đồng hoá với những hoạt động của nó, không có một kẽ hở nào để có thể nhìn lại mình, một cách tự giác.  Nói cho văn vẻ một chút, tinh thần không thể hồi đầu để phản tư.  Diễn giải theo một hình ảnh nôm na của Michael Polanyi, tình thế của tinh thần không khác gì tình thế của một người đeo kính: người đeo kính không thể nhìn thấy cái kính mình đang đeo. 
    Với Hayek, vấn đề tri thức như vậy, đã được xem như là kết quả của một thứ triết lý về tinh thần và cũng là về con người, một thứ triết lý hình thành từ nhiều hệ thống lý luận rất khác nhau được Hayek tuyển chọn, phối hợp theo mục đích xác định: khởi đầu từ cảm giác luận của Ernst Mach (phủ định khái niệm “vật tự thân’”) sau đó kết hợp với những “phạm trù tiên thiên” của Kant để cuối cùng mang nội dung những thói quen được ký ức tạo thành nếp theo quan niệm của Hume.  Tính chất thực chứng của tri thức luận ấy là rõ ràng nhưng đó lại là một thứ chủ nghĩa thực chứng mà theo nhiều nhà nghiên cứu đã bị biến thái, vặn xoáy, bản thân chứa không ít nghịch lý.  Tuy vậy với Hayek điều đó lại là một thao tác tổng hợp để ông căn cứ vào đó biện giải, tạo nên thứ chủ nghĩa tự do riêng biệt mà luận điểm ban đầu thường được ông nhắc lại là tính chất giới hạn của lý trí: con người phải biết khiêm tốn trong nhận thức, phải cảnh gíác với sự “tự phụ của lý trí “ khi đề cập những vấn đề rộng lớn của xã hội.
    2
    Nhiều ý tưởng của ông không phải là không xác đáng .  Chẳng hạn như sự phân biệt về mặt phương pháp luận giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.  Theo Hayek, đối tượng của khoa học tự nhiên là “trật tự tự nhiên” mà bản chất của nó là vật lý, cho nên với thứ trật tự này, chúng ta chỉ có thể nhận ra những sự lặp đi lặp lại trong mối quan hệ của các hiện tượng, có thể đo đạc và định lượng mà người ta thường gọi là “định luật”.  Nhưng dù thế nào đi nữa thì sự hiểu biết của chúng ta trong lĩnh vực này cũng chỉ giới hạn trong những hiện tượng, còn bản chất của thế giới, cái mà những triết gia thường gọi là “vật tự nó”lại là điều vô nghĩa, mù mịt, bất khả tri, nêu ra chỉ đưa tới những tranh cãi không bao giờ có lời giải đáp. 
    Nếu tính chất của đối tượng đã quy định phương pháp thì những gì thích hợp cho khoa học tự nhiên đem ra vận dụng cho các khoa học xã hội là không thoả đáng, sự bắt chước ấy đã bị Hayek phê phán nhiều lần là “duy khoa học”.  Trong lĩnh vực khoa học xã hội, điều mà chúng ta nhận ra vẫn là những cái lặp đi lặp lại nhưng do thuộc về lĩnh vực trật tự tâm lý khác với vật lý cho nên không thể dựa hoàn toàn vào phương pháp định lượng, đo đạc kiểu toán học hoặc thuần kỹ thuật để tìm hiểu, giải quyết.  Hayek cho rằng người ta chỉ có thể đem những phương pháp ấy vào những vấn đề cụ thể, vi mô nhưng nếu đem áp dụng cho những vấn đề có tính chất khái quát về các trật tự của con người và xã hội là không thích đáng.  Theo Hayek trong lĩnh vực này, nhiều lắm chúng ta chỉ có thể đưa ra những ước đoán, thăm dò chứ không thể trông đợi vào một thứ dự báo chính xác.
    Vận dụng học thuyết nhận thức vào vấn đề “hạch toán kinh tế ”, Hayek đã chỉ trích gay gắt một loạt những thứ lý luận mệnh danh “xã hội chủ nghĩa” đòi xoá bỏ thị trường, tập trung hết quyền lực điều hành vào một Trung tâm Kế hoạch Trung ương do nhà nước nắm giữ.  Hayek cho rằng chủ trương này hết sức sai lầm là do nó gán cho cái trung tâm ấy một thứ khả năng mà nó không thể có được: tự cho mình có thể nắm bắt được tất cả những kiến thức, những nhu cầu của xã hội, những điều kiện cần thiết để hoạt động, căn cứ vào đó đề ra đường lối sử dụng và phân phối tài nguyên tốt hơn thị trường thường vốn bị xem là chứa đầy bất trắc và nhiều hỗn loạn.  Việc phê phán liên hệ đến cái phạm trù gọi là “xã hội chủ nghĩa” này có nhiều điều phải bàn cãi , nhưng riêng với cái mô hình kinh tế kế hoạch hoá của những nước gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” thì có thể khẳng định ý kiến của Hayek là đúng hoàn toàn.  Cái cơ chế ấy không những đẻ ra chế độ quan liêu xơ cứng, xa rời thực tế, bất lực trong phát triển mà còn là cơ sở để dựng nên một chế độ chính trị chuyên chế, biến cả đất nước thành một trại lính nữa. 
    Thật ra những ý kiến loại như trên không có gì đặc sắc lắm vì cũng đã có nhiều người đã nói rồi (thí dụ mô hình xã hội chủ nghĩa nhà nước xôviết đã bị chính những người cộng sản phê phán là “duy ý chí”).  Điều đáng quan tâm hơn ở đây là trong khi vận dụng để giải quyết hàng loạt những vấn đề khác, Hayek đã đưa quan điểm gọi là chống “sự ngạo mạn của lý trí” vượt quá xa tầm mức của nó.  Không ngừng đặt giới hạn cho lý trí nhưng trong biện luận Hayek đã đẩy đến chỗ triệt để cái vai trò hầu như là số không của lý trí trong đời sống tinh thần của con người, sự lệ thuộc hầu như toàn bộ của lý trí vào tiềm thức, vào những kinh nghiệm do vô thức tạo nên, bỏ qua hoàn toàn sự xuất hiện của lý trí như bước đột phá trong quá trình hình thành ý thức con nguời với các chức năng đặc biệt của nó là thức tỉnh, phản tư, tổng kết, dự báo trong nhận thức từ đó đưa ra những dự phóng cải tạo hiện thực, cải tạo thế giới.  Steven Horwitz (một người ủng hộ Hayek) gọi học thuyết của Hayek là một chủ nghĩa tự do không duy lý[3](non-rationalist liberalism), theo đó nếu chúng ta có nói đến một thứ chủ nghĩa phi lý tính (l’irrationalisme) trong hệ thống lý luận ông thì không có gì là không thuận lý.[4]
    Lấy quan điểm đó làm nền móng, Hayek đã tuỳ tiện đưa tất cả những trào lưu tư tưởng nào có ý định sử dụng lý trí để phân tích các hiện tượng xã hội vào cái phạm trù gọi là “chủ nghĩa thiết kế duy lý” một cách dễ dàng, từ những nhà Bách khoa toàn thư Pháp cho đến những người chủ trương can thiệp nhà nước vào hoạt động kinh tế, những người khuyến cáo xây dựng các Nhà nước phúc lợi đến những người đòi thay đổi chủ nghĩa tư bản ở nhiều mức độ khác nhau, cải lương như những người dân chủ xã hội, triệt để như những người mácxít, và thật là thú vị: gộp luôn vào danh sách ấy cả những người theo chủ nghĩa dân tộc quốc xã sôvanh và phátxít nữa! Một cách thật nghịch lý, cách thức sắp xếp ấy rõ ràng bắt nguồn từ phương pháp quy giảm trừu tượng hoá rất… duy lý: trong hàng loạt những nguyên nhân phức tạp tạo nên các hiện tượng , người ta chỉ rút ra một yếu tố nào đó chung nhất mà cũng là duy nhất được xem là phù hợp với hệ thống của mình, rối cứ thế mà suy diễn, gán ghép, bỏ qua những yếu tính khác cũng rất quan trọng (rất đáng kể là những nguyên nhân lịch sử, xã hội).  Tất cả những biện luận của Hayek về sự giới hạn của lý trí chỉ là như vậy: nhân danh chống lại “sự tự phụ của lý trí”, với phương pháp quy giảm tư biện và khái quát hoá trên đây, có thể nói Hayek đã tạo ra một thứ lôgic ngược lại đồng tính chất: sự tự phụ của tự duy phi lí tính.  Mặc dù Hayek có lần muốn dựa vào Popper để cho rằng ông đứng về phía chủ nghĩa duy lý “đích thực hơn” và gọi đó là thứ “chủ nghĩa duy lý tiến hoá”, đối lập với thứ chủ “nghĩa duy lý ngây thơ”,[5] nhưng sự biện bạch về chữ nghĩa ấy không thể làm thay đổi được tính chất nhất quán trong hệ thống của ông. 
    Sự quy chụp dẫn xuất từ một phương pháp như vậy là không tránh khỏi.  Điều này bộc lộ rất rõ trong việc Hayek suy luận từ ý đồ ra kết quả của những thứ lý luận mà ông muốn kết tội.  Một trong những lập luận đáng chú ý nhất là lập luận mà Hayek đưa ra trong cuốn The Road to Serfdom (1944) của ông: lòng tốt có thể biến thành tội ác, những người theo đuổi lý tưởng, muốn làm điều thiện cho con người trong thực tế, ngoài ý muốn, đã tự đưa mình và những người khác vào tai hoạ.  Có một câu cách ngôn đã nói như vậy rồi: đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý định tốt.  Với Hayek, địa ngục ở đây là một thứ triết lý chính trị rất cụ thể: cái gọi là chủ nghĩa thiết kế duy lý, biểu hiện dưới mọi hình thức của nó, trong kinh tế là những dự tính kế hoạch hoá ở nhiều mức độ, nếu chỉ nhìn qua đó như lòng tốt thì tất yếu sẽ bị nó dẫn vào chốn ngục tù không còn chút tự do nào.  Với kiểu lập luận này lý trí đã bị đẩy đến tận cùng của sự tệ hại: dù có một lòng tốt đi kèm, lý trí vẫn có thể gây ra tội ác, như một thứ lôgic không thể nhận biết, và điều này đã được Hayek tạo thành một thứ đẳng thức lịch sử tư tưởng: dù là Descartes, Hegel, Marx hay Keynes…thì tất cả đều có cùng bản chất với Mussoloni và Hitler thôi, bởi vì tất cả ít nhiều đều mang hơi hám của cái gọi là “thiết kế duy lý”!
    Thái độ phản trí thức về lý luận đẩy đến chỗ khinh miệt trí thức về mặt con người cũng là kết quả khi Hayek lên tiếng đả kích cả một lớp người mà ông gọi một cách dè bỉu là “những kẻ chuyên nghề mua qua bán lại các ý tưởng” (bài “The Intellectuals and Socialism”).  Nỗi ám ảnh thường xuyên của Hayek lúc nào cũng là “chủ nghĩa xã hội” đủ loại nên trong trường hợp này ông cũng lấy nó ra làm chủ đề và cho rằng chính những người gọi là “trí thức” mới chịu trách nhiệm về sự lan truyền rộng rãi của học thuyết này.  Hayek nói rất rõ rằng chủ nghĩa xã hội chỉ là sản phẩm của trí thức, không quan hệ gì đến nhu cầu của thực tế và quần chúng chỉ là kẻ bị huyễn hoặc.Trong sự mô tả của Hayek, những trí thức ấy là những người có lý tưởng, nhiệt tình, ham mê những khái niệm trừu tượng, phổ quát, thiết tha muốn cải tạo xã hội nhưng vì hiểu biết hời hợt, thiếu chuyên môn, do kiếm sống bằng nghề phổ cập ý tưởng đến đám đông thích chạy theo thời thượng trong hệ thống truyền thông hiện đại, đám đông này trình độ còn thấp hơn một bậc vì thế những gì họ mang đến cho quần chúng chỉ là những thứ phó sản, thiếu nghiêm chỉnh.  Nhưng cũng chính vị vậy mà những người gọi là trí thức ấy không ngờ đã mang đến điều ghê gớm là làm hại tự do, làm hại nền văn minh nhân loại. 
    Hayek tỏ ra thông cảm với những con người như vậy: cái sai lầm của họ là sai lầm chân thật, cần thấu hiểu nhưng dù sao cũng là những sai lầm rất nặng nề.  Tuy vậy trước sự chỉ trích ấy, người ta không thể không đặt ra câu hỏi: anh đứng ở đâu mà anh có thể xem cả tập thể những người được gọi là “trí thức” này là những kẻ hời hợt, trí tuệ lơ mơ? Họ là ai? Tại sao là những người do chế độ đẻ ra, được chế độ nuôi dưỡng, chỉ vì ham mê những tư tưởng cứu đời mà làm hại nền tự do, làm hại nền văn minh như vậy? Có thật tất cả những cái gọi là “xã hội chủ nghĩa” mà họ giới thiệu đều có tác dụng làm hại cho văn minh nói chung, làm hại ngay cả chế độ mà họ đang sinh sống? Trước những câu hỏi ấy rõ rệt Hayek không cần chú ý, ông chỉ chăm chăm vào phần tri thức luận và đi tìm nguyên nhân của chủ nghĩa xã hội thuộc lĩnh vực tư duy, thuộc giới trí thức và cũng chỉ thấy cái phần ảo tưởng mà không thấy những ý nghĩa đóng góp mà các loại tư tưởng này đã đem đến cho chính cái môi trường xã hội đã tạo điều kiện cho chúng ra đời. 
    Cũng chính vì vậy mà Hayek không bao giờ thử đặt vài câu hỏi cho những điều ông nêu ra: tại sao những nhà chuyên nghề buôn bán ý tưởng ấy không đồng loạt ca ngợi chủ nghĩa phátxít, ca ngợi chủ nghĩa toàn thống tôn giáo, ca ngợi chủ nghĩa khủng bố mà hầu hết lại tỏ ra có thiện cảm với các xu hướng xã hội chủ nghĩa để ông phải ông chê trách.  Ông không trả lời nhưng người đọc ông thì thấy rõ: thay vì nhìn vào thực tế để lý giải, Hayek chỉ biết bám chặt vào những sơ đồ tiên thiên trong cái hệ thần kinh trung ương chứa đầy những phạm trù phi lý tính mà ông hình dung ra để suy diễn, căn cứ vào đó đổ hết tội lỗi lên cái bộ não hời hợt, hay theo mốt của những người mà ông gọi là “trí thức”.  Làm sao không nghĩ rằng Hayek không thể nào làm được điều đó nếu không giả định rằng ông đã được tự nhiên ban cho một bộ não có “thiết kế” khác thường! Người ta có thể nghĩ như vậy vì khi trách móc những người “trí thức” ấy, Hayek vẫn muốn đứng trên chín tầng chân lý để chiêu hồi họ, muốn lôi họ về phía những người như ông, cùng ông mở lại một cuộc thập tự chinh hào hùng cho chủ nghĩa tự do do ông đề xướng.  Nhưng khi mong mỏi như vậy, Hayek lại quên hẳn rằng với một thứ nhận thức luận ở đó không có một chỗ nào dành cho lý trí phản tỉnh, ông sẽ không dẫn những con người ấy đi về đâu ngoài cái trật tự tri thức mờ đục mà ông đã tạo ra như một thứ lăng kính để nhìn mọi sự vật, mọi hiện tượng. 
    3
    Cái trật tự mà Hayek gọi là “trật tự tự phát” là kết quả tổng hợp quan trọng nhất của thứ lý luận về tri thức nói trên.  Khái niệm này đã vượt khỏi giới hạn của những sơ đồ tâm lý thần kinh trong bộ óc để trở thành một sơ đồ xã hội, một mô hình văn minh.  Thật sự thì sơ đồ này không mới.  Là người theo chủ nghĩa tự do, tất nhiên với Hayek cái sơ đồ ấy không có gì khác ngoài cái “bàn tay vô hình”, ẩn dụ về cái cơ chế thị trường có khả năng tự điều tiết mang lại ích lợi cho toàn xã hội qua sự trao đổi giữa những tác nhân riêng biệt.  Nhưng khi phát triển ý nghĩa của cái cơ chế đó, Hayek đã thêm vào nhiều thay đổi đáng kể.  Thí dụ, nghịch lý của Mandeville: “những tật xấu cá nhân làm nên sự giàu có cho các dân tộc”, những cái gọi là “tật xấu” ấy Hayek cho là không quan trọng, vì điều cốt yếu của trật tự tự phát không tất định phải dựa trên cái người ta gọi là “bản chất ích kỷ” của con người mà chính là “cái ý tưởng về các cấu trúc toàn thể của xã hội có thể ra đời từ những hành vi của các cá nhân không hề có ý định tạo ra chúng”.[6]  Quan niệm về một trật tự tổ chức, tự điều tiết không cần có sự can thiệp của bất cứ tính toán nào của con người (dù tốt hay xấu) đã được làm rõ nét hơn như một định chế vô tâm, khách quan. 
    Sự diễn giải của Hayek với Adam Smith cũng có những thay đổi như vậy.  Alain de Benoist nhận xét rằng trong chủ nghĩa tự do cổ điển, lý luận về bàn tay vô hình thực sự vẫn thuộc lĩnh vực kinh tế vĩ mô: “hoạt động của những cá nhân, dù bộc lộ ra bên ngoài có vẻ vô trật tự, cuối cùng vẫn đồng quy một cách kỳ diệu về ích lợi chung, nghĩa là sự sung túc cho tất cả.   Vì vậy Smith còn chấp nhận sự can thiệp của công quyền khi nào mục tiêu mang tính chất cá nhân không thực hiện được lợi ích phổ quát.  Hayek, ngược lại, từ chối chấp nhận ngoại lệ đó”.[7]   Cái ý tưởng về một cơ chế tự động tổ chức của thị trường chỉ có thể vận hành được suôn sẻ khi không có sự can thiệp của nhà nước cũng đã được nhấn mạnh thêm.  Đọc Hayek người ta có thể hiểu rằng với những điều chỉnh ấy, trật tự tự phát ở đây chính là một guồng máy vận hành không có chủ thể, một trật tự không có ai được cho là tác giả có danh xưng để nhận diện, và như vậy so ngay với những quan điểm về nhận thức luận của ông thì cái trật tự tự phát ấy cũng đã có những khác biệt: nếu trong bộ óc con người còn có một hệ thần kinh trung ương với những sơ đồ tiên thiên để sắp xếp các dữ liệu từ ngoài vào thì với cơ chế tự phát lại không có trung tâm nào điều khiển cả: nó đã vận hành theo nguyên tắc tự động của người máy (automate), như Pierre-Jean Dupuy khi nghiên cứu về Hayek đã nhận xét.[8]
    Nhưng cái trật tự tự phát ấy không hề cắt rời cuống rốn của nó khỏi nguồn gốc tri thức luận trong quan niệm của Hayek.   Nó vẫn thể hiện điều quan trọng nhất về sự giới hạn của con người trước bản thân và thế giới, sự giới hạn ấy biểu thị ở cái vị trí của lý tính bị chìm ngập trong cái hệ thống vô minh về trí tuệ của con người.   Chỉ có lý trí mới có thể đưa ra ánh sáng mọi vùng tối của ngu dốt, nhưng thân phận của lý trí lại lệ thuộc gần hết vào vô thức thì việc nhận biết được ý nghĩa và sự vận hành của các cơ cấu phức tạp là bất khả.   Nhưng điều đó không có nghĩa là cái trật tự tự phát ấy không có điều lý, không có mục tiêu.  Cái điều lý ấy, cái mục tiêu ấy chỉ vượt khỏi sự chiếm lĩnh của lý trí, nhưng trong thực tế thì vẫn có đó, tự thực hiện, bất chấp ý thức của con người bởi vì bản thân cái ý thức của con người là quá yếu đuối và giới hạn, nếu trí tuệ có le lói ở các cá nhân hoặc tập thể nào đó thì chỉ đem đến tai hoạ mà Hayek đã cảnh giác và chúng ta cũng đã biết.  Trật tự tự phát không phải là sự “tha hóa”, hiểu theo nghĩa con người đánh mất bản thân trong cái thực thể mình làm ra mà ngược lại chính là sự lạc quan và an phận của con người được sống trong một trật tự xa lạ, không thể hiểu, không cần hiểu nhưng chỉ cần đem sức vóc cá nhân ra giành giật những thuận lợi mà nó mang lại để hưởng thụ là đủ.  Trật tự tự phát như vậy có thể hình dung như một thực tại siêu việt với trí óc con người, dù là của cá nhân hay tập thể.
    Có rất nhiều thứ trật tự có tính chất tự phát như vậy trong đời sống mà Hayek thường kể ra như ngôn ngữ, phong tục, luật bất thành văn (luật tục), tiền tệ, luân lý v.v… các trật tự ấy tự sinh ra, tự phát triển, không biết nguồn gốc từ đâu, có từ bao giờ, không biết ai làm ra, nhưng vẫn cứ âm thầm có mặt và tác động theo những chức năng đặc biệt làm trơn tru cuộc vận hành của guồng máy xã hội.  Nhưng trong những trật tự ấy Hayek đã đặc biệt nói nhiều về cơ chế thị trường do tính chất tiêu biểu về khả năng tập trung tri thức của nó.  Trong những dẫn chứng nêu ra để phản bác các hình thức lý luận của những người cổ vũ chủ nghĩa xã hội, Hayek không ngớt chứng minh thái độ ảo tưởng của họ – với tư cách là những cá nhân, những bộ phận – về mặt thu nhặt thông tin được cho là đầy đủ để xây dựng kế hoạch lãnh đạo kinh tế thay cho thị trường.  Trong khi nhắc đi nhắc lại điều tiêu cực đó thì một mặt khác Hayek lại cũng không ngớt nói đến khía cạnh tích cực: chính việc không biết đó mới tạo ra những điều kiện thuận lợi cho công cuộc đi tìm cái mới, thúc đẩy con người dấn thân vào những thử thách tiền phong, lôi cuốn những người khác đi theo.  Nếu tri thức mà được giả định là có sẵn, cho sẵn, biết được đầy đủ rồi thì cũng không còn tìm kiếm, sáng tạo, phiêu lưu hào hứng nữa. 
    Nhưng quan trọng nhất là cũng từ những giới hạn về tri thức ấy, Hayek nói đến sự tuyệt diệu của sự vận hành của guồng máy tự phát thị trường: đứng riêng ra từng cá nhân một, mỗi người không biết gì hơn những cái có trước mũi họ, những nếu mọi người cứ như thế mà lo việc của mình, không cần biết và đặt ra những mục tiêu chung liên hệ đến người khác, thì chính như thế mà kết quả lại bật ra một cách diệu kỳ: trong lĩnh vực kinh doanh trao đổi, tri thức tuyệt vời đó biểu hiện trên những bảng niêm giá trên các hiệu buôn, dấu hiệu chính xác của đường cong cung cầu, tình trạng sức khoẻ của một nền kinh tế, ai cũng có thể dựa vào sự biến động của các bảng giá đó tính toán chuyện làm ăn.  Hayek đã khái quát lên thành lý luận bằng cách dựa theo khái niệm “phân công lao động” trong kinh tế cổ điển để đưa ra khái niệm mới gọi là “phân công tri thức”: tri thức tổng thể, tuy không ai nhìn thấy được, nhưng vẫn tồn tại âm thầm trong sự vận hành của thị trường, và tồn tại dưới những hình thức đặc biệt của nó là chia cho mỗi tác nhân giữ một mẩu nhỏ, trong đó bao gồm phần lớn là những hiểu biết ngấm ngầm, những bí quyết gia truyền không diễn tả ra được, những tri thức để làm chứ không để nói… [9]  Nhưng từ đó mà sự diệu kỳ xảy ra, như chúng ta đã biết về những cái bảng đề giá ở thị trường, và vượt qua cả những cái bảng giá ấy là những hiệu quả vô biên trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, phục vụ nhu cầu sinh sống ngày càng phức tạp, mở rộng của con người.  Ở đây rõ ràng không còn là chuyện tật xấu riêng tạo ra sự giàu có chung mà là sự ngu dốt riêng đã tạo sự khôn ngoan chung
    Không ai có thể ngờ được: khái niệm tự do mà Hayek coi là giá trị thiêng liêng nhất với con người lại xuất hiện từ sự nghịch lý này.  Nhưng đặt vào hệ thống diễn giải của ông thì lại không có gì khó hiểu.  Nó lập cước trên giả định phải chấp nhận hầu như không cần bàn cãi về tính hiệu năng của cái cơ chế thị trường tự phát, cơ chế ấy bảo đảm tạo ra tiến bộ và mang lại lợi ích phổ quát cho tất cả mọi người, mọi người cứ nương theo đó mà sinh sống làm ăn, không cần đặt vấn đề thay đổi hay cải tổ cái trật tự đã thành “tự nhiên” ấy.  Và đó chính là tự do, bởi vì trật tự tự phát ấy đã đặt ra một điều kiện không thể thiếu được cho hình thái tự do đó: anh phải tuyệt đối vâng phục mọi sự sắp xếp đã có của tôi thì anh mới có được tự do để hành động trong phạm vi tôi đã quy định cho anh.  Tự do của anh chỉ được giới hạn trong ứng xử của anh với những cá nhân xung quanh anh, cũng làm một công việc như anh, làm ăn, đi lại, cạnh tranh, giành giật làm giàu, được thua hay thất bại là tuỳ theo anh… Anh cũng không nên ngán ngại cái thực thể gọi là nhà nước bởi vì cái nhà nước ấy, nếu hiểu theo nghĩa chân chính phải là sản phẩm của cái trật tự tự phát, được lập ra cùng với những thứ gọi là pháp chế đi chung với nó, mục đích quan trọng nhất không có gì khác hơn là bảo vệ quyền tự do đó của anh cùng với điều kiện để thực thi là quyền tư hữu của anh.  Nếu quả là như vậy thì đứng về về mặt tri thức mà xét, trong khi sự ngu dốt cá nhân đã tạo ra lợi ích chung thì đứng trên quan điểm đạo đức, sự ngu dốt đó cũng chính là điều kiện để mang lại ý nghĩa cho tự do nữa.  Hiển nhiên tự do ở đây phải được giới thuyết trong hệ thống của Hayek: một thứ tự do hoàn toàn giới hạn trong phạm vi cá nhân và nội dung của thứ tự do đó cũng phải mang tính chất hoàn toàn tiêu cực: không phải tự do để hoàn thành một viễn cảnh nào đó liên hệ đến người khác (liberty to) mà chỉ là thứ tự do không để ai đụng tới bản thân mình và mình không đụng tới bản thân ai (liberty from). 

    Tri thức luận của Hayek không thể không dẫn đến kết quả hiển nhiên này: muốn có tự do cá nhân người ta phải biết phục tùng tuyệt đối cái trật tự tự phát ấy, và điều đó cũng có nghĩa là dùng một chút lý trí le lói của mình để chấp nhận hoàn toàn tình trạng vô minh của con người trước cái trật tự đó, một thứ vô minh dầy đặc, mờ đục không khác gì cái trật tự vật lý ù lì của thế giới tự nhiên mà con người không thể biết được cái đàng sau nó là gì.  Trái ngược hẳn với một quan niệm tự do được giới thuyết theo chiều hướng hoàn toàn mang đặc trưng của con người: không có ý thức về điều mình hành động, không ý thức được mối liên hệ của mình với người khác, với cái xã hội mình sinh sống thì sẽ không bao giờ có thể có tự do: tự do không phải là phải biết tất cả nhưng không bao giờ có thể đi chung với vô minh, ngu dốt trước cái môi trường sinh sống của mình.  Thái độ vô minh và ngu dốt đó không làm nên gì điều gì ngoài sự nô lệ.  Tự do của mỗi cá thể cũng không thể nào tách rời khỏi tự do của toàn thể, hơn nữa của cái toàn thể đem lại tự do cho cá thể.  Quan niệm này không thể không đòi hỏi sự có mặt của lý trí để phán đoán, quyết định và chọn lựa, quan niệm ấy tất nhiên không thể nào được Hayek biết đến vì nó mang quá nhiều hơi hám của “lý trí thiết kế”, nhưng dù sao đó là một quan niệm trong những quan niệm có thể có, cần phải đem ra đối chiếu để rọi sáng thêm quan niệm của Hayek về mối liên hệ giữa tri thức và tự do.
    (còn tiếp)
    .................
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org