Giới thiệu về Jürgen Habermas

Posted on
  • Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,


  • JÜRGEN HABERMAS (sinh 1929), triết gia và lý thuyết gia xã hội Đức, Đại diện hàng đầu của trường phái lý thuyết phê bình Frankfurt. Trường phái tư tưởng này phát triển tại Viện Nghiên cứu Xã hội ở Frankfurt, Đức vào năm 1923. Lý thuyết phê bình của họ dựa vào những ý tưởng của triết gia Đức Karl Marx để nghiên cứu nguồn gốc sự thống trị và uy quyền của xã hội đã hạn chế tự do con người. Thế hệ đầu tiên của trường phái ''này gồm có các nhà triết học như Max Horkheimer, Theodor Adorno, Herbert Marcuse và Walter Benjamin.
    Jürgen Habermas sinh tại Düsseldorf, Đức. Ông theo học tại các trường đại học ở Göttingen, Zürich và Bonn sau Thế chiến II, lấy bằng tiến sĩ năm 1954. Từ năm 1956 đến 1959, ông là phụ tá của Adomo tại Viện Nghiên cứu Xã hội Flankfurt. Từ năm 1961, ông giảng dạy triết học tại đại học Heidelberg và Franfurt trước khi trở thành đồng chủ tịch Viện Max Planck ở Starnberg năm 1971. Năm 1983, ông quay về đại học Frankfurt, nơi ông là giáo sư triết học cho đến khi nghỉ hưu năm 1994.
    Đóng góp chính của Habemlas cho triết học là sự triển khai lý thuyết về sự hợp lý. Xuyên suốt các tác phẩm của ông là sự phê phán các nền dân chủ công nghiệp Tây phương đã giảm trừ thế giới nhân văn thành một thứ hình thức hiệu quả kinh tế. Theo Habermas, sự hợp lý - nghĩa là khả năng suy tư một cách lôgic và có phân tách - còn hơn cả sự tính toán chiến lược để làm sao đạt được mục đích đã chọn lựa. Thay vì vậy, sự hợp lý là một hình thức của “hành vi thông đạt'' hướng đến sự đồng thuận với người khác.
    TƯ TƯỞNG
    Cuộc đời và tư tưởng của Habermas chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi những biến cố đau thương của những năm tuổi trẻ dưới chế độ quốc xã. Từ những năm 1960 khi ông tham gia vào phong trào sinh viên Đức, ông đã là một trong những trí thức công chúng nổi bật nhất của nước Đức, phát biểu về nhiều vấn đề, từ sự vi phạm những quyền tự do dân sự và những mưu toan ''lịch sử hóa'' Holocaust (vụ tàn sát hàng triệu người Do Thái dưới thời Hitler), đến chính sách nhập cư và tiến trình thống nhất nước Đức.
    Công trình học thuật của Habermas, với tham vọng trở thành một lý thuyết phê bình toàn diện xã học hiện đại, trải rộng qua các khoa học nhân văn và xã hội. Những trước tác đầu tiên và sau cùng của ông đều tập trung vào những nền tảng quy phạm và những điều kiện tiên quyết của sự tự quản dân chủ. Ba mươi năm sau, Habermas trở lại với những chủ đề này trong tác phẩm Giữa sự kiện và chuẩn mực (1992), trong đó ông trình bày tỉ mỉ “lý thuyết diễn ngôn'' của dân chủ biểu quyết xoay quanh ý tưởng hợp pháp hóa bằng cách viện đến những lý lẽ được trắc nghiệm trong diễn ngôn công cộng của những công dân tự do và bình đẳng trong nền dân chủ lập hiến.
    Người ta có thể đọc những trước tác sâu rộng khác của Habemnas như sự khảo sát kéo dài về những điều kiện tiên quyết về văn hoá, tâm lý học, xã hội và những chướng ngại đối với việc thực hiện hiệu quả của hình thái dân chủ thảo luận này. Vào thập niên 1960, trong những tác phẩm như Lý thuyết và thực hành (1963), Về lôgic học của các khoa học xã hội (1967), Trí thức và sự quan tâm của con người (1968), ông phê phán về phương pháp luận và tri thức luận đối với chủ nghĩa thực chứng để mở đường cho lý thuyết xã hội phê phán như một phương tiện soi sáng ý thức chính trị và hướng dẫn thực hành chính trị. Trong hai thập niên sau đó, trong những tác phẩm như Khủng hoảng hợp pháp hóa (1973), Thông đạt và tiến hóa xã hội (1976), ý thức đạo đức và hành vi thông đạt (1983) và Diễn ngôn triết học về tính hiện đại ( 1985), ông mô tả chi tiết sự thông đạt, sự xã hội hóa, sự phát triển văn hoá xã hội, sự hợp lý, đạo lý và sự hợp pháp hóa - những cái trụ đỡ của lý thuyết phê phán xã hội hiện đại.
    Trong những năm sau khi xuất bản Giữa sự kiện và quy phạm., Habermas còn đào sâu hơn khái niệm dân chủ thảo luận và chứng minh sự liên đới của nó đối với những cuộc tranh luận hiện thời về chủ nghĩa đa văn hóa, chủ nghĩa dân tộc, toàn cầu hóa và chủ nghĩa thế giới trong một loạt tiểu luận được tuyển chọn in trong các tác phẩm như Chấp nhận kẻ khác (1996) và Những ý tưởng hậu dân tộc (1998). Chủ đề trung tâm của hai tác phẩm này là điều mà Habermas cho là “tương quan nội tại'' trong lý thuyết dân chủ giữa một mặt là sự nhấn mạnh theo phái tự do những quyền tự do tiêu cực'' được pháp luật bảo vệ, chẳng hạn quyền tự do lựa chọn của cá nhân; và mặt khác là sự nhấn mạnh của phái cộng hoà về “những quyền tự do tích cực'' được tham gia hoạt động chính trị. Ông lập luận chức năng của hệ thống những quyền công dân cơ bản là cùng lúc bảo đảm cả sự tự trị cá nhân lẫn sự tự trị chính trị; và môi trường để chức năng này hoàn thành là đạo luật tích cực hiện đại. Những quyền hạn và tự do cá nhân là ''điều kiện cho phép'' của đạo luật đó, và những thỏa thuận đạt được thông qua diễn ngôn và thảo luận công cộng là nguồn hợp pháp duy nhất của nó.
    Chỉ mình đạo đức phổ quát không thể hợp pháp hóa đạo luật tích cực. Thực ra, sự biện chính về mặt đạo đức chỉ là một yếu tố của các tiến trình ra quyết định một cách dân chủ bao gồm thảo luận và dàn xếp, những đánh giá thực tế và những câu hỏi “luân lý'' liên quan đến những điều thiện hảo, những giá trị tập thể đóng vai trò chủ yếu đối với sự tự nhận thức về các chính thể dân chủ cụ thể. Kết quả, ''những công trình'' lập pháp giải thích rõ và thực hiện những nguyên tắc cơ bản của chính quyền dân chủ và những quyền cơ bản của công dân chắc chắn cũng thể hiện những khung cảnh văn hóa và những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong đó chúng được tạo dựng và phát triển. Chúng là những nỗ lực liên tục được định vị, trong những hoàn cảnh không ngừng thay đổi, lý giải và thể hiện trong các công cuộc thực hành và các thiết chế lý tưởng của sự tự quyết dân chủ của những công dân tự do và bình đẳng.
    Một hàm ý quan trọng trong quan điểm của Habermas về tương quan nội tại giữa những giá trị cơ bản của chủ nghĩa cá nhân tự do và chủ nghĩa cộng hòa là những quyền cá nhân có thể được bảo đảm chỉ thông qua sinh hoạt dân chủ công cộng: để có được bình đẳng thực chất - trái với hình thức đơn thuần - đòi hỏi phải đi đến một hiểu biết chung nào đó về những lĩnh vực cụ thể, trong đó các công dân sẽ được đối xử bình đẳng. Như những nhận định của ông đối với khoa chính trị về sự bình đẳng của phụ nữ cho thấy, điều này đến lượt nó đòi hỏi sự nhạy cảm đối với những nguyên nhân hệ thống của những bất bình đẳng trên thực tế (de facto) trong năng lực của công dân sử dụng những quyền bình đẳng về pháp lý (de jure). Và điều đó có thể được cổ vũ và duy trì, ông khẳng định, chỉ bằng cách thông qua sự tham gia của các công dân vào diễn ngôn chính trị công cộng, vì không có phương thức phi gia trưởng nào khác quyết định ý nghĩa và những điều kiện tiên quyết cụ thể của những quyền bình dẳng, sự tôn trọng bình dẳng, đánh giá bình đẳng, đối xử bình đẳng, và v.v…
    Theo quan điểm này, tính chất chính yếu của xã hội dân chủ là phạm vi chính trị công cộng, mà Habermas đã viết ngay từ buổi đầu sự nghiệp trí thức của ông. Chính nhờ thông qua sự tranh luận am hiểu, phê phán, công khai của những người bị cai trị mà quyền lực của nhà nước có thể được giám sát hiệu quả và được điều hướng bởi ''quyền lực thông đạt'' của các công dân. Các diễn dàn công cộng độc lập, các hội đoàn tự nguyện, các phong trào xã hội và những mạng lưới và tiến trình thông đạt không chính thức khác trong xã hội dân sự, trong đó có các phương tiện thuyền thông đại chúng, là cơ sở của sự tự quản dân chủ. Và những con người bình thường được tập hợp về phương diện văn hóa và phương diện chính trị sử dụng các diễn đàn ấy để nhận diện, lý giải và bàn cãi các vấn đề xã hội là huyết quản của sự tự quản dân chủ. Ngay cả những nguyên tắc lập hiến cũng không được loại trừ khỏi việc sử dụng lý trí công cộng này. Lý thuyết chính trị quy phạm không thể làm được gì khác ngoài việc giải thích rõ những điều kiện và giả định căn bản của sự thảo luận dân chủ và để những vấn đề lớn lao cho sự sử dụng lý trí công cộng bởi chính những người tham gia.
    Hơn bất kỳ triết gia Đức nào của thời kỳ hậu chiến, Habermas đã mang những ý tưởng của Trường phái Frankfurt vào cuộc đối thoại với những dòng tư tưởng chủ đạo đương thời.
    NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
    Theorie und Praxis (1963; Lý thuyết và thực hành)
    Erkenntnis und Interesse (1968; Tri thức và sự quan tâm của con người)
    Theorie des Kommunikativen Handelns (1981; Lý thuyết hành vi thông đạt)
    Der Philosophische Diskurs der Moderne (1985; Diễn ngôn triết học về tính hiện đại).
    (Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org