Immanuel Kant
Lê Tuấn Huy dịch
Lê Tuấn Huy dịch
Trên
tờ Berlinische Monatsschrift ngày 05/12/1783, có đăng một tiểu luận của đức cha
Zöllner nhan đề “Chuẩn thuận hôn nhân thông qua tôn giáo có thích hợp không?”.
Ông viết trong đó: “Khai sáng là gì? Câu hỏi này, hầu như cũng quan trọng như câu hỏi Chân lý là gì?, phải được trả lời trước khi bắt đầu khai
sáng người khác. Nhưng tôi lại không tìm thấy nó được trả lời ở bất cứ đâu”. Lời
đáp của Kant cũng xuất hiện trên mặt báo ngày, vào ngày 12/12/1784. Với một lượng
câu chữ không nhiều so với các tác phẩm xuất chúng khác của ông, nhưng tiểu luận
đáp lời này đã trở thành một trong những bản văn chính yếu của Khai sáng Đức
nói riêng và toàn bộ phong trào Khai sáng nói chung, trở thành một trong những
tác phẩm không thể không đề cập đến trong số các trước tác về chính trị của
Kant.
..............................................................................................................................
Khai sáng là sự vượt thoát của con người khỏi trạng thái vị thành niên tự kỷ. Tính vị thành niên, là tình trạng bất lực của con người trong việc sử dụng nhận thức của chính mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Tính tự kỷ ở đây, là việc nguyên nhân của tình trạng này không nằm ở sự thiếu vắng lý trí, mà là thiếu vắng sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng nó mà không cần đến sự chỉ đạo. Sapere aude! [1] Hãy dũng cảm sử dụng lý trí của chính mình! - đó là phương châm của khai sáng.
Khai sáng là sự vượt thoát của con người khỏi trạng thái vị thành niên tự kỷ. Tính vị thành niên, là tình trạng bất lực của con người trong việc sử dụng nhận thức của chính mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Tính tự kỷ ở đây, là việc nguyên nhân của tình trạng này không nằm ở sự thiếu vắng lý trí, mà là thiếu vắng sự quyết đoán và dũng khí để sử dụng nó mà không cần đến sự chỉ đạo. Sapere aude! [1] Hãy dũng cảm sử dụng lý trí của chính mình! - đó là phương châm của khai sáng.
Lười biếng và yếu
hèn là nguyên do tại sao một phần lớn nhân loại, thậm chí khi đã giải phóng khỏi
sự chi phối ngoại tại từ tự nhiên, lại cứ vẫn vui sướng sống trong tình trạng vị
thành niên trọn đời. Và cũng nguyên do đó giải thích tại sao lại dễ dàng có những
người tự cho mình quyền giám hộ người khác. Quá dễ để người ta không trưởng
thành! Nếu tôi có một quyển sách - cái có hiểu biết thay cho tôi, có một cha đạo
- người có sẵn lương tâm dành cho tôi, có một thầy thuốc - người phán cho tôi
chế độ ăn uống, v.v…, thì tôi đâu cần phải có bất kỳ một cố gắng nào nữa làm
gì. Tôi đâu cần phải suy nghĩ nếu có thể chỉ cần trả tiền và người khác sẽ lập
tức đảm nhận công việc chán ngắt đó cho tôi.
Những người giám
hộ, vốn đã tử tế khi tự giành lấy công việc giám sát này, sẽ nhanh chóng nhận
thấy rằng một đại đa số nhân loại (gồm cả toàn thể phái đẹp) xem việc tiến bước
đi đến trưởng thành không chỉ là khó khăn mà còn hết sức hiểm nguy. Sau điều đầu
tiên là làm cho đàn gia súc mê muội, và cẩn thận ngăn chặn số sinh vật ngoan
ngoãn này dám bước đi - dù chỉ một bước - nếu không có sợi dây dẫn đường mà
chúng bị cột vào; tiếp theo, những người giám hộ chỉ cho thấy rằng nguy hiểm sẽ
đe dọa chúng nếu thử đi một mình. Thực tế thì mối hiểm nguy này không phải là
quá sức lớn, vì bằng việc té ngã vài lần, cuối cùng chắc chắn chúng sẽ có thể học
được cách đi một mình. Nhưng chỉ một lần thử là đáng kinh sợ rồi, và thường thì
hãi hùng sẽ khiến chúng không thử sức thêm nữa.
Vì thế mà khó
cho một cá nhân riêng rẽ hành động để thoát khỏi tình trạng bất trưởng thành
này, điều mà hầu như đã trở thành một bản chất thứ hai của anh ta. Anh ta thậm
chí đã lớn lên trong sự yêu thích nó và đến nay thì thật sự mất khả năng trong
việc sử dụng nhận thức của chính mình, vì đã không bao giờ được cho phép làm
như vậy. Những giáo điều và công thức - những công cụ máy móc này của công việc
lý trí (hay đúng hơn là việc sử dụng sai chúng) nơi năng lực tự nhiên của anh
ta, là gông xiềng giữ chân anh ta vĩnh viễn trong tình trạng vị thành niên. Nếu
có ai đó vứt bỏ xiềng xích này, anh ta cũng không chắc là sẽ vùng bật khỏi con
đường quá sức chật hẹp này, vì vốn đã không được làm quen với vận động tự do.
Do vậy, có rất ít người, bằng sự trau dồi trí tuệ của chính mình, có được sự
thành công trong việc giải phóng bản thân khỏi tình trạng bất trưởng thành và
tiếp tục mạnh dạn bước đi trên con đường của mình.
Có nhiều cơ hội
hơn [so với cá nhân riêng rẽ] cho sự khai sáng tự thân của cộng đồng. Thật vậy,
nếu công chúng được tự do, chỉ duy điều đó thôi, thì sự khai sáng hầu như là
không tránh khỏi. Vì sẽ luôn có một số người suy nghĩ cho chính mình, ngay cả
trong số những người đã được chỉ định vai trò giám hộ đám đông công chúng đó.
Những người giám hộ như vậy, một khi tự mình vứt bỏ gông xiềng bất trưởng
thành, sẽ truyền bá một tinh thần tôn trọng đầy lý tính đối với giá trị cá nhân
con người và bổn phận của tất cả phải suy nghĩ về chính mình. Điều đáng nói ở
đây là nếu công chúng, vốn trước đây bị đặt dưới ách giám hộ, chịu sự thúc đẩy
hợp lý của những người vốn thiếu khả năng khai sáng này, rồi sẽ buộc chính những
người giám hộ sống dưới cái ách đó. Sẽ rất tai hại khi gieo rắc những thành kiến,
vì họ cuối cùng sẽ trả thù cho mình đối với chính những người ban đầu đã khuyến
khích họ (hay những người đi trước) làm như thế. Vì thế mà công chúng chỉ có thể
đạt tới sự khai sáng một cách chậm chạp. Một cuộc cách mạng rất có thể đưa đến
kết cục của nền chuyên chế độc đoán, một nền áp bức dựa trên quyền lực tham
tàn, mà sẽ không bao giờ tạo ra một cuộc cải cách thật sự về tư tưởng. Thay vào
đó, những thành kiến mới, như cái mà chúng thế chỗ, sẽ lại đóng vai trò như những
thành kiến cũ, để lại thắng một dây cương khác, chi phối lên đám đông quần
chúng rất thiếu suy nghĩ.
Với khai sáng
theo kiểu này, tất cả những gì cần đến chính là tự do. Và cái tự do đang được nói đến đây là hình thái vô hại nhất
trong tất cả - cái tự do trong việc sử dụng
mang tính cộng đồng lý lẽ của một
người, trong mọi vấn đề. Vậy mà tôi lại nghe tiếng hét từ mọi phía: “Đừng có tranh luận!”. Viên sĩ quan nói:
“Đừng có tranh luận, diễu binh đi!”. Người thu thuế nói: “Đừng có tranh luận, nộp
tiền đi!”. Cha đạo thì: “Đừng có tranh luận,
tin tưởng đi!”. Chỉ một ông vua trên cái thế giới này nói: “Cứ tranh luận, trong chừng mực mà anh muốn,
và đối với điều mà anh muốn, chỉ là - hãy
tuân phục đi!”. Đâu đâu cũng chỉ là sự giới hạn đối với tự do mà thôi. Loại
giới hạn nào ngăn chặn khai sáng, và giới hạn nào không phải là chướng ngại mà
thực sự thúc đẩy nó? Tôi trả lời rằng: việc người ta sử dụng tính công cộng của lý trí phải luôn được
tự do, và chỉ tự một điều này thôi đã có thể đem lại khai sáng giữa con người với
nhau. Việc sử dụng có tính cá nhân đối
với lý trí, mặt khác, có thể thường bị một ít giới hạn nhỏ nhưng không có sự cản
trở quá đáng lên tiến trình khai sáng. Bằng việc sử dụng [thuật ngữ] tính cộng
đồng của lý trí của chính một người, tôi muốn nói đến người thực hiện điều đó với tư
cách một học giả phát biểu lý luận hướng đến toàn bộ giới bạn đọc. Còn thuật ngữ sử dụng lý trí có tính cá nhân là cái
tôi gọi cho việc một người có thể thực hiện điều đó ở một vị thế hay chức vụ dân sự cụ thể được giao phó cho anh ta.
Ngày nay, trong
một số sự vụ ảnh hưởng đến quyền lợi quốc gia, chúng ta cần đến một cơ chế mà
theo đó một số thành viên cộng đồng phải hành xử một cách hoàn toàn thụ động,
trong chừng mực mà họ có thể, bằng một thỏa thuận chung giả tạo, được thực hiện
bởi chính quyền, cho những mục đích chung (hay ít nhất là ngăn chặn sự mất hiệu
lực của nó). Tất nhiên, trong những trường hợp như vậy, không cho phép sự tranh
luận; việc tuân lệnh là cấp thiết. Nhưng trong chừng mực mà cá nhân này hay cá
nhân kia hành động như một bộ phận của cơ chế này, anh ta cũng suy xét về chính
mình với tư cách là một thành viên của toàn quốc gia, hay thậm chí của xã hội
toàn thế giới, và vì thế, trong vai trò của một học giả, người trình bày quan
điểm trước công chúng, theo nghĩa chân thật nhất của từ này, anh ta có thể thật
sự tranh luận mà không gây hại cho các sự việc mà anh ta được giao thực hiện
trong đó, vào lúc nào đó trong một thế thụ động. Vì thế sẽ có hại nếu một sĩ
quan, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ, nhận mệnh lệnh từ các chỉ huy mà lại
phản đối một cách công khai về tính thích hợp hay hữu dụng của mệnh lệnh đang
được đề cập. Anh ta đơn giản là phải tuân lệnh. Nhưng sẽ là không hợp lý nếu cấm
cản anh ta quan sát, như một học giả, về những sai trái trong quân ngũ và trình
bày chúng trước công chúng để phán xét. Một công dân không thể từ chối những
khoản thuế đánh xuống anh ta. Những chỉ trích bạo gan về các khoản thuế mà người
ta bị gọi đi đóng - điều có thể bị trừng phạt như một hành động mạ lỵ - có thể
dẫn đến sự bất phục chung. Tuy vậy, cùng công dân đó, sẽ không mâu thuẫn với bổn
phận dân sự của anh ta khi, với tư cách một cá nhân học thức, công khai phát
ngôn tư tưởng của mình về sự không thích đáng, hoặc thậm chí là sự bất công của
những khoản tài chính như vậy. Tương tự, một cha đạo có trách nhiệm thuyết giáo
trước chủng sinh và giáo đoàn, phải tuân theo giáo lý nhà thờ mà ông phụng sự,
vì ông ta đã được nhà thờ dùng đến theo điều kiện như vậy. Nhưng với tư cách một
học giả, ông hoàn toàn tự do, cũng như có nghĩa vụ truyền đạt đến công chúng tất
cả những tư tưởng được suy ngẫm và có thiện ý của ông về những khía cạnh sai lầm
trong giáo lý này, và có những đề xuất về sự tổ chức tốt hơn cho các sự vụ giáo
tín và giáo phẩm. Và khi thực hiện điều đó, không cần thiết phải ray rứt lương
tâm. Vì những điều mà ông giáo huấn khi thực hiện bổn phận của mình như người
phụng sự tích cực của nhà thờ, là cái gì đó mà ông không có thẩm quyền để giáo
huấn theo suy ngẫm của chính ông, mà là những gì ông được sử dụng để trình bày,
theo một kiếu cách bắt buộc và trên danh nghĩa của người khác. Ông sẽ nói: Giáo
hội của chúng ta dạy điều này điều kia, và đó là những lý lẽ mà nhà thờ sử dụng.
Và rồi ông dẫn ra cho giáo đoàn của mình càng nhiều càng tốt những giá trị thực
tế từ các tín luật mà bản thân ông không tán thành bằng sự tin tưởng hoàn toàn,
mà bằng cái ông đảm nhận để trình bày, và thực tế nó hoàn toàn bất khả ở việc
chúng chứa đựng sự thật. Trong bất kỳ trường hợp nào, không có gì là chống lại
bản chất của tôn giáo hiện diện trong giáo lý. Vì nếu người cha đạo nghĩ rằng
mình mà nhận thấy điều gì như thế, ông sẽ không thể thực hiện một cách tận tâm
bổn phận theo chức trách của mình - ông ta sẽ phải từ bỏ nó. Vì thế, ai đó được
sử dụng như một người giảng truyền, khiển lý trí của anh ta thể hiện nơi giáo
đoàn, thì đó đơn thuần là công dụng riêng tư của lý trí, vì một giáo đoàn, dù có lớn đến đâu cũng không bao
giờ lớn hơn là một tập hợp nội bộ. Theo cách nhìn này, ông không và không thể tự
do, với vai trò một linh mục, vì ông đang hành động trên cơ sở một phận sự được
áp đặt từ bên ngoài. Ngược lại, với tư cách một học giả phát biểu trước một
công chúng thực (tức trước cái thế giới trọn vẹn này), thông qua những gì được
viết ra của mình, người cha đạo đang sử dụng công dụng công cộng, thụ hưởng sự tự do vô hạn khi dùng đến lý trí
của chính mình và nói bằng chính con người của mình. Người giám hộ của nhân dân
trong các vấn đề tinh thần, để duy trì sự giám hộ đó, chính họ cũng cần phải bất
trưởng thành, và đó là một điều ngu xuẩn, cái mà rốt cuộc lại là vĩnh viễn hóa
những cái ngu xuẩn.
Nhưng phải chăng
là thành phần giáo phẩm, chẳng hạn một hội đồng chức sắc, hay là một hội đồng
trưởng lão đáng tôn kính - như ở Hà Lan họ gọi vậy - có quyền tự mình cam kết bằng
một phát nguyện trung thành với hệ thống giáo lý không thể thay đổi nào đó, để
bảo đảm cho quyền giám hộ thường trực và bất biến lên từng thành viên của nó,
và bằng cách đó, lên toàn thể nhân dân? Tôi trả lời rằng điều đó hoàn toàn
không thể được. Một khế ước loại này, kết thúc bằng một nhãn quan hướng đến
ngăn chặn vĩnh viễn mọi bước tiến khai sáng của nhân loại, là hoàn toàn vô hiệu
và trống rỗng, ngay cả nếu nó được phê chuẩn bởi một quyền lực tối cao, bởi nghị
viện đế chế, hay bởi những hiệp ước hòa bình trang trọng nhất. Một thời đại
không thể gia nhập một liên minh trên cơ sở thề nguyền để rồi đặt thời đại kế
tiếp vào một vị thế bất khả trong việc phát triển và hiệu chỉnh tri thức của
mình, đặc biệt là ở những vấn đề quan trọng như vậy, hay trong việc thúc đẩy bất
kỳ loại tiến bộ nào bằng khai sáng. Đó sẽ là một tội ác chống lại bản chất con
người, mà vận mệnh căn nguyên của họ vốn đặt cơ sở trên chính những tiến bộ như
vậy. Các thế hệ sau vì thế sẽ hoàn toàn có quyền bác bỏ những thỏa thuận này
như là những cái vô thẩm quyền và phạm tội. Để kiểm chứng một phương cách cụ thể
bất kỳ có đạt được sự đồng thuận, với tư cách một luật định cho nhân dân hay
không, ta chỉ cần hỏi người dân xem họ có tự nguyện buộc mình tuân thủ một luật
như vậy hay không. Điều này có thể là rất khả thi cho một thời điểm ngắn xác định,
với tư cách một công cụ để giới thiệu một trật tự nào đó khi còn đang “treo” đợi
- như đã vậy rồi - một giải pháp tốt hơn. Điều này cũng có nghĩa là một công
dân, đặc biệt là cha đạo truyền giảng, sẽ được gỡ trói, để có thể đóng vai trò
là một học giả có những bình giải công khai, thông qua viết lách của mình, về
những gì bất tương xứng của các thiết chế hiện hành. Trong khi đó, cái trật tự
được thiết lập gần đây sẽ tiếp tục tồn tại, cho đến khi sự thấu suốt của công
chúng đối với bản chất của những vấn đề như vậy có được tiến bộ, và tự nó chứng
minh là đến thời điểm quyết định, bằng sự đồng ý chung (nếu không phải là hoàn
toàn nhất trí), một đề xuất có thể được đệ trình lên nhà vua. Đề xuất đó nhắm bảo
vệ một giáo đoàn mà, chẳng hạn, các thành viên của nó đã đồng ý cải biến tổ chức
tôn giáo của mình theo chính những quan niệm của họ về những gì được cho là thấu
thị cao hơn; mà không nhắm gây cản trở cho những người muốn mọi thứ duy trì như
trước đây. Nhưng tuyệt đối không thể cho phép, cho dù chỉ ở một cuộc đời đơn lẻ,
việc đồng ý với một thiết chế tôn giáo vĩnh viễn, vốn không một ai có thể công
khai đặt vấn đề về nó. Vì điều này gần như vô hiệu hóa “pha” hướng đến tiến bộ
của con người, do nó sẽ khiến cho kết quả còi cọc và thậm chí gây hại cho các
thế hệ sau. Một người có thể vì riêng mình, và ngay cả trong một thời đoạn giới
hạn, đình hoãn khai sáng bản thân trong các vấn đề mà lẽ ra anh ta cần phải biết
đến. Nhưng việc từ bỏ hoàn toàn sự khai sáng đó, dù chỉ cho cá nhân anh ta hay
ngay đến cho nhiều thế hệ sau, là đã xâm phạm và giẫm đạp lên các quyền thiêng
liêng của con người. Dù sao, điều gì đó mà cho dù dân chúng có tự áp đặt lên
mình thì vẫn còn ít hơn là cái bị áp đặt từ một nhà vua; vì thẩm quyền lập pháp
của ông chính là tùy thuộc vào sự hợp nhất ý chí tập thể của nhân dân nơi chính
ông. Miễn là ông nhìn thấy rằng mọi chân lý hay tiến bộ được hình dung đều là
những cái tương hợp với trật tự dân sự, bằng cách làm khác đi so với hiện thời,
ông có khả năng để cho thần dân của mình thực hiện bất cứ điều gì họ nhận thấy
là cần thiết cho sự cứu rỗi tinh thần của họ, những việc mà chẳng liên can đến
ông. Nhưng công việc của ông là chặn lại bất kỳ ai dùng vũ lực ngăn cản người
khác thực hiện những công việc tốt nhất nhằm xác định và thăng tiến phúc lợi
tinh thần đó. Sẽ thật sự làm giảm uy phong nếu ông can thiệp vào các sự vụ bằng
cách buộc thuần phục đối với những viết lách mà trong đó thần dân của ông nỗ lực
làm rõ những ý tưởng giáo tín của họ trước sự giám sát của chính quyền. Điều
này có thể áp dụng nếu ông hành động trên cơ sở những quan niệm cao thượng của
mình - trong trường hợp ông đặt chính mình trước sự phê phán. Caesar non est
supra grammaticos [2] -
nhưng sẽ là tự hạ phẩm giá thẩm quyền cao quý của mình nếu ông ủng hộ cho nền
chuyên chế tinh thần của một số ít kẻ chuyên quyền trong nhà nước của ông để chống
lại những thần dân còn lại.
Nếu được hỏi rằng
chúng ta hiện đang sống trong một thời đại đã khai sáng rồi chăng. Câu
trả lời là không, ta chỉ đang sống trong thời đại của sự khai sáng. Với
mọi thứ đang hiện diện, ta vẫn còn một con đường dài phải đi trước khi toàn bộ
mọi người có thể ở vào vị thế (hay có thể được đặt vào vị thế) sử dụng nhận thức
của chính họ một cách tự tin và thuần thục trong các vấn đề tôn giáo, mà không
cần đến sự hướng dẫn từ bên ngoài. Nhưng chúng ta có những chỉ dấu cho thấy
khác biệt về con đường mà nay đang được phát quang cho hoạt động của công
chúng, với những gì cản trở sự khai sáng phổ quát, đối với sự vượt thoát của
con người khỏi tình trạng vị thành niên tự kỷ, thì nay đang dần ít đi. Ở khía cạnh
này, thời đại của chúng ta là thời đại của khai sáng - thế kỷ của Frederick.
Một quân vương
mà không xem như hạ thấp mình khi nói rằng bổn phận của ông, trong các vấn đề
tôn giáo, là không quy định bất cứ điều gì cho dân chúng, mà cho phép họ hoàn
toàn tự do; một quân vương mà còn thập chí hạ mình để chấp nhận danh hiệu táo bạo
là người khoan dung, thì chính ông đã được khai sáng. Ông xứng đáng được
tôn vinh bằng sự biết ơn của mọi người và hậu thế như là người đầu tiên giải
phóng loài người khỏi sự bất trưởng thành (trong chừng mực mà chính quyền có
liên quan), và để cho tất cả mọi người tự do sử dụng lý trí của mình trong mọi vấn
đề của tâm thức. Dưới sự cai trị của ông, giới chức sắc tôn giáo, trong khi thực
hiện bổn phận chính thức, vẫn giữ năng lực học giả của họ, tự do và công khai
trình bày những đánh giá và quan niệm của mình trước sự phán xét của mọi người,
ngay cả nếu những điều này đâu đó đi trệch khỏi giáo lý chính thống. Điều này
thậm chí còn áp dụng nhiều hơn cho những người không bị giới hạn bởi những bổn
phận chính thức. Tinh thần tự do này đang lan tỏa ra khỏi biên giới, đến cả những
nơi phải đấu tranh với các chướng ngại ngoại tại mà các chính quyền hiểu sai chức
năng của họ đã áp đặt lên công chúng. Những chính thể như vậy nay đang chứng kiến
một ví dụ sáng ngời về cách thức mà tự do có thể tồn tại mà không có sự hủy hoại,
dù là tối thiểu đối với sự hòa hợp chung và sự thống nhất của quốc gia. Con người
luôn tỏ ý chí của chính mình, sẽ dần dần rời bỏ sự hoang dại, với điều kiện là
những kế sách giả tạo không chủ tâm cầm giữ họ trong đó.
Tôi đã phác họa các
vấn đề về tôn giáo như là tiêu điểm của khai sáng, tức sự vượt thoát của
con người khỏi tình trạng vị thành niên tự kỷ. Điều này trước hết là vì các nhà
cai trị của chúng ta không có lợi ích trong việc đóng vai trò là người giám hộ
đối với thần dân, trong các vấn đề về nghệ thuật và khoa học; và thứ hai, vì sự
bất trưởng thành tín giáo là nguy hại nhất và đa dạng đến hỗ thẹn hơn tất thảy.
Nhưng thái độ tư duy của người đứng đầu nhà nước mà ủng hộ tự do nghệ thuật và
khoa học, và thậm chí mở rộng hơn thế, vì ông nhận ra không có nguy hiểm nào đối
với quyền làm luật của ông trong việc cho phép thần dân sử dụng tính
cộng đồng của lý trí và công khai tư tưởng của họ trước công chúng là thể
thức tốt hơn để vạch ra luật pháp, và ngay cả nếu điều này đưa đến sự phê phán
thẳng thắn pháp chế hiện thời. Chúng ta đã có một tấm gương sáng chói như vậy,
và không một ông vua nào vượt trội hơn người mà chúng ta đang kính trọng.
Nhưng cũng chỉ một
người cai trị đã tự khai sáng mình và không hề sợ ma quỷ, thêm vào là có một đội
quân hùng hậu, kỷ luật tốt để bảo đảm an ninh công cộng, là có thể dám nói điều
mà không một người cộng hòa nào cất tiếng, rằng: “Cứ tranh luận, trong giới
hạn mà anh muốn và đối với điều mà anh muốn, chỉ là - hãy tuân phục đi!”. Điều thể hiện trước chúng ta là một hình
mẫu lạ lùng và không mong đợi trong nội vụ con người (như ta sẽ luôn nhận thấy
khi xem xét họ với một nghĩa rộng nhất, khi mà gần như mọi thứ đều là nghịch
lý). Ở mức độ cao của tự do công dân [sử dụng khía cạnh công cộng của tư duy]
dường như thuận lợi cho tự do tư duy của nhân dân, nhưng nó vẫn không thể vượt
qua những rào cản đối với chính nó. Phía bên kia, ở mức độ tự do dân sự thấp
hơn [sử dụng khía cạnh riêng tư của tư duy] đem đến sự tự do trí năng một
không gian đủ lớn để mở rộng nó đầy đủ nhất. Vì thế, một khi hạt mầm được thiên
nhiên chăm chút cẩn thận, thiên hướng và khuynh hướng đi đến suy nghĩ độc lập
sẽ phát triển bên trong lớp vỏ cứng, dần tạo nên phản ứng tinh thần nơi người
dân, vốn đang càng tăng dần năng lực hành động tự chủ. Cuối cùng, điều
đó ảnh hưởng đến nguyên tắc của chính thể, khi nó nhận ra rằng chính nhà nước
có được lợi ích từ việc đối xử với con người đúng với chân giá trị của họ, hơn
là xem họ chỉ như những cái máy.
Königsberg, nước Phổ, ngày 30 tháng 9 năm 1784.
(Kant, An
Answer to the Question: What is Enlightenment?, in: Political Writings,
Cambridge University Press, 2000, pp. 54-60.)
Nguồn:
Lê Tuấn Huy, Triết học chính trị
Montesquieu với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nxb Tổng Hợp
TP. HCM, 2006, Phụ lục 5, tr. 289-299.