TIỂU SỬ
CHARLES-LOUIS
DE SECONDAT, BARON DE MONTESQUIEU (1689 - 1755), triết gia chính trị, nhà văn
triết học Pháp, sinh tại lâu đài Brède ở Bordeaux, tốt nghiệp luật tại đại học
Bordeaux. Năm 1716, ông thừa hưởng của người chú gianh hiệu nam tước
Montesquieu. Ông hoạt động chính trị rất tích cực, là chủ tịch hội đồng dân
biểu Bordeaux từ 1716 đến 1728.
Ông di du lịch lên nhiều quốc gia, riêng tại
Anh, ông trải qua một thời gian nghiên cứu các thiết chế chính trị, tham gia
các cuộc họp nghị viện, gặp gỡ và trao đổi với những gương mặt kiệt xuất như
David Hume và Lord Chesterfiled. Ông cũng nổi tiếng vì tài năng văn chương,
được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp năm 1728, và Hội Hoàng gia năm 1730, phần lớn là
do tiếng vang rộng rãi của cuốn sách Những lá thư Ba Tư (1721), một tác
phẩm châm biếm gần như toàn diện đời sống nước Pháp, từ chính trị đến văn hóa,
từ văn chương đến tôn giáo.
Và
mặc dù tác phẩm lịch sử Bàn về những nguyên nhân hưng thịnh và suy vong của
người Rome (1734) cũng được nhiều người đánh giá cao, nhưng chắc chắn một
điều Tinh thần pháp luật (1748) mới thực sự là tuyệt tác triết học của
ông. Trong lời nói đầu, Montesquieu. đã nói rõ những mục đích của cuốn sách: a/
trình bày những nguyên nhân quyết định quyết định nền pháp lý cho mỗi quốc gia;
b/ Trình bày sự phù hợp cần thiết giữa luật lệ và chế độ cai trị của một
nước; c/ trình bày những quan hệ giữa những luật lệ với nhau. Ông đã phải mất
gần 20 năm cho tác phẩm này và khi viết xong sách thì ông gần như mù mắt hẳn.
Tuy
nhiên, bất chấp thành công vang dội, Tinh thần pháp luật vẫn vấp phải
nhiều chỉ trích, thậm chí còn bị cấm phổ biến ở thành phố Sorbonne. Montesquieu
viết bài biện hộ cho tác phẩm của mình vào năm 1750, và tiếp tục viết một số
tác phẩm ngắn hơn (không xuất bản lúc ông còn sống), và khai triển thêm cuốn Những
lá thư Ba Tư. Ông mất năm 66 tuổi tại Paris vì bệnh sốt.
NỀN TẢNG CỦA NHÀ NƯỚC
Tinh thần pháp luật là
một trong những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử triết học chính trị và trong lịch
sử luật học. Trong tác phẩm này, Montesquleu cho thấy ông chịu ảnh hưởng các
học thuyết chính trị của John Lock (và Machiavelli), và chịu ảnh hưởng phương
pháp luận của Descartes. Mục tiêu của Tinh thần pháp luật là giải thích
luật pháp con người và các thiết chế xã hội. Đây dường như là một dự án vô
vọng: vì khác với các quy luật vật lý, theo Montesquieu, được Thượng đế xây
dựng và duy trì, những luật lệ nhân loại và các thiết chế xã hội được tạo ra
bởi những con người có thể sai lầm và thường khi bị lôi cuốn bởi những đam mê
mãnh liệt. Tuy nhiên, theo ông, điểm chính yếu để hiểu những luật lệ khác nhau
và các hệ thống xã hội là công nhận rằng chúng phải được thích ứng với nhau yếu
tố khác nhau, và chúng không thể được hiểu một cách đúng đắn trừ phi người ta
xem xét chúng dưới ánh sáng này. Cụ thể, các luật lệ phải được thích ứng với
''những người mà vì họ luật lệ được tạo ra... , với bản chất và nguyên tắc của
mỗi chính quyền,... với khí hậu của mỗi quốc gia, với đặc tính đất đai của nó,
với tôn giáo của cư dân, với khuynh hướng của họ, của cải, việc buôn bán, phong
tục tập quán. Khi chúng ta xem xét các hệ thống luật pháp và xã hội trong tương
quan với những yếu tố khác biệt này, chúng ta sẽ thấy rằng nhiều luật lệ và
thiết chế có vẻ như khó hiểu hay thậm chí ngược đời thực ra là hoàn toàn có thể
hiểu được.
Montesquieu
cho rằng có ba loại chính quyền: cộng hòa, dưới hình thức dân chủ hay quý tộc;
quân chủ và độc tài. Khác với Aristole Montesquieu không phân biệt các hình
thái chính quyền dựa trên đức hạnh của người cầm quyền. Chẳng hạn, sự khác biệt
giữa chế độ quân chủ và chế độ chuyên chế không tùy thuộc vào đức hạnh của quốc
chủ, nhưng tùy thuộc vào việc ông ta có cai trị ''bằng những luật lệ cố định và
đã được chính thức hóa'' hay không. Mỗi hình thái chính quyền có một nguyên tắc
cấu thành: đối với nhà nước cộng hòa dân chủ, nó là đức hạnh; đối với nhà nước
cộng hòa quý tộc, đó là sự điều độ: đối với nhà nước quân chủ, đó là danh dự,
và đối với nhà nước độc tài, đó là sự sợ hãi. Và mỗi chính quyền có thể bị sụp
đổ nếu nguyên tắc của nó bị xói mòn hay bị hủy hoại.
Các
chế độ dân chủ, có thể bị sụp đổ theo hai cách: ''tinh thần bất bình đẳng'' và
“tinh thần bình đẳng cực đoan''. Tinh thần bất bình đẳng nổi lên khi các công
dân không còn đồng nhất quyền lợi của họ với quyền lợi của quốc gia, và do đó
cả hai bên tìm cách gia tăng quyền lợi của riêng mình bằng cái giá quyền lợi
của đồng bào mình, và nhờ đó có được quyền lực chính trị. Tinh thần bình đẳng,
cực đoan nổi lên khi dân chúng không còn bằng lòng được bình đẳng như những
công dân, mà muốn được bình đẳng trên mọi phương diện.
Trong
chế độ quý tộc, một nhóm người nắm quyền cai trị tất cả dân chúng còn lại.
Nguyên tắc điều độ buộc những người cầm quyền trong chế độ quý tộc tự hạn chế
việc áp bức dân chúng và tự hạn chế việc sở hữu quyền lực quá độ. Trong chế độ
quý tộc, luật pháp nhằm làm thấm nhuần và bảo vệ tinh thần điều độ này. Để làm
được điều đó, họ phải thực hành ba nhiệm vụ. Thứ nhất, luật dân chúng. Thứ hai,
luật pháp phải được che đậy càng nhiều càng tốt sự khác biệt giữa giới quý tộc
và dân chúng, sao cho dân chúng cảm thấy họ không thiếu quyền lực. Cuối cùng,
pháp luật phải tìm cách bảo đảm sự bình đẳng ngay trong tầng lớp quí tộc. Không
làm được như vậy, giới quý tộc sẽ mất tinh thần điều độ của mình, và chính
quyền sẽ sụp đổ.
Trong
chế độ quân chủ, một người cai trị ''bằng những luật lệ cố định và đã được
chính thức hóa”. Nhiệm vụ chính của luật pháp trong chế độ quân chủ là bảo vệ
các thiết chế phụ thuộc vốn phân biệt chế độ quân chủ với chế độ chuyên chế. Để
đạt được mục đích này, họ phải bảo đảm gìn giữ nguyên vẹn những điền trang rộng
lớn, bảo vệ những quyền hạn và đặc ân của tầng lớp quý tộc, và thúc đẩy nền
pháp trị. Một chế độ quân chủ sẽ sụp đổ khi người cầm quyền phá hủy các thiết
chế phụ thuộc vốn chế ngự ý chí của mình, hoặc quyết định cai trị một cách độc
đoán, bất chấp luật pháp cơ bản của quốc gia mình.
Trong
các chế độ độc tài, chỉ một người điều hành mọi việc bằng ý chí riêng của mình.
Không có luật pháp kiểm soát và không cần quan tâm đến sự bất đồng, chính kiến,
nhà độc tài có thể làm bất cứ điều gì mình thích. Thần dân của ông ta không
khác gì những tên nô lệ và ông ta có thể loại bỏ họ khi cần. Nguyên tắc của chế
độ độc tài là sợ hãi. Và thần dân của nhà độc tài luôn bị đe dọa. Giáo dục
không cần thiết; nếu nó có tồn tại cũng chỉ nhằm vào việc hạ thấp tâm hồn và
phá nát trí tụệ. Những ý tưởng như danh dự và đức hạnh không hiện hữu đối với
thần dân của nhà độc tài, bởi vì những người có khả năng thiết lập giá trị cho
chính mình chắc chắn sẽ gây ra sự nhiễu loạn. Sự sợ hãi, do đó, phải đè nén
tinh thần của họ, và dập tắt thậm chí một tham vọng tối thiểu''. Vì những lý do
này, chế độ độc tài liên quan với sự sụp đổ khác với các hình thái chính quyền
kia: trong khi các chế độ kia có nguy cơ sụp đổ thì chế độ độc tài là hiện thân
của sự sụp đổ.
SỰ PHÂN QUYỀN
Đây
là học thuyết bàn về ba chức năng của quyền lực nhà nước: lập pháp, hành pháp
và tư pháp. Ba chức năng này phải tách rời nhau hoàn toàn, mỗi chức năng kiểm
soát hai chức năng kia. Chúng phải được tách rời, không chỉ vì về mặt pháp lý
và trong các tổ chức của chúng mà còn trong xã hội; tức là, mỗi quyền lực liên
kết với một tầng lớp xã hội khác nhau: hành pháp là quân chủ; lập pháp, ở hai
viện, đại diện cho tầng lớp quý tộc và tư sản; và tư pháp đại diện cho mọi tầng
lớp và không cho ai cả. Theo đó, các quyền lực được cân bằng một cách tự nhiên,
mỗi quyền lực được kiểm soát bằng một đối quyền. Phân chia quyền hành chính trị
thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp, Montesquieu khẳng định
rằng, trong nhà nước xúc tiến một cách hiệu quả nhất sự tự do, ba quyền lực này
phải được giao cho các cá nhân và tổ chức khác nhau, hành động một cách độc
lập.
Mô
hình của ông được thực hiện phần nào trong cấu trúc lập hiến của nước Anh thế
kỷ XIX, tuy nhiều người cho rằng nhận thức của ông về cấu trúc đó có hơi bị lý
tưởng hóa.
Học
thuyết của ông ảnh hưởng đến những người soạn thảo Hiến Pháp Mỹ và các triết
gia chính trị như Burke và Rousseau. . .
HỌC THUYẾT KHÍ HẬU
Dựa
trên những học thuyết mà ông nghiên cứu qua sách vở, dựa vào kinh nghiệm của
những chuyến đi, và dựa vào thực nghiệm - phải thừa nhận rằng có phần nào chất
phác - được tiến hành ở Boldeaux, ông nhấn mạnh tác động của khí hậu đối với
thể chất của cá nhân và như một hệ quả đối với quan điểm xã hội của họ. Bổn
phận của nhà lập pháp là trung hòa ảnh hưởng đó. Montesquieu cho rằng khí hậu
chỉ là một trong nhiều yếu tố trong tập hợp những nguyên nhân thứ yếu mà ông
gọi là tinh thần tổng quát''. Những yếu tố khác (luật pháp, tôn giáo, và những
châm ngôn chính quyền là quan trọng nhất) có bản chất phi vật chất, và ảnh
hưởng của của chúng, so với ảnh hưởng của khí hậu, tăng lên khi có sự tiến bộ
của văn minh.
Theo
Montesquieu, những người sống trong khí hậu lạnh đầy sinh lực và dũng cảm, thản
nhiên, thẳng thắn, thường đáng ngờ và gian xảo. Họ khá vô tình với niềm vui thú
và nỗi khổ đau. Những người sống trong khí hậu ấm áp có những cảm giác mạnh mẽ
hơn nhưng ít bền bỉ hơn. Họ sợ hãi hơn, say đắm hơn, và dễ bị ảnh hưởng bởi
những cám dỗ khoái lạc và sự đau đớn có thực hay tưởng tượng nhưng họ ít kiên
quyết hơn, và ít có khả năng hành động liên tục hay dứt khoát.
Montesquieu
cho rằng khí hậu và địa lý của châu Á giải thích tại sao chế độ độc tài phát
triển ở đó. Ông nghĩ rằng, châu Á có hai đặc điểm phân biệt nó với châu Âu. Thứ
nhất, châu Á gần như không có vùng ôn đới. Trong khi núi non vùng Scandinavia
che chở châu Âu khỏi những đợt gió rét, thì châu Á không có những tầng đệm như
thế; vì lẽ đó, khác với châu Âu, vùng giá lạnh phương bắc của châu Á trải dài
về phương nam nhiều hơn, và có sự chuyển tiếp khá nhanh từ đó đến phương nam
nhiệt đới. Do vậy, ''những con người hiếu chiến, dũng cảm và năng động tiếp xúc
ngay lập tức với những người lười biếng, ẻo lả, nhút nhát; cho nên, người này
phải chinh phục, và người kia chịu khuất phục''. Ở châu Âu, trái lại, khí hậu
thay đổi dần dần từ lạnh sang nóng; do đó những quốc gia hùng mạnh chống lại
những người mạnh mẽ; và những người tập hợp lại với nhau gần như có chung sự
can đảm''. Thứ hai, châu Á có những bình nguyên rộng lớn hơn châu Âu. Các dãy
núi ở châu Á nằm rời xa nhau, và các con sông của nó không phải là những chướng
ngại vật gì ghê gớm trước các cuộc xâm lăng. Trong khi đó châu Âu, về mặt tự
nhiên, được chia thành những vùng nhỏ, nên rất khó cho một thế lực nào muốn
chinh phục nó toàn bộ; nghĩa là châu Âu có xu hướng có thêm nhiều quốc gia nhỏ.
Châu Á, trái lại, có xu hướng có nhiều Đế quốc rộng lớn hơn, điều đó dẫn đến sự
ra đời các nhà nước độc tài.
NHỮNG TÁC PHẨM CHÍNH
Lettes Persanes (1721;
những lá thư Ba Tư)
Causes de la grandeur et de la décadence des Romains (1734; Bàn về những nguyên nhân hưng thịnh và suy vong của
người Rome).
L’Esprit des Lois (1748;
Tinh thần pháp luật)
(Trích từ tác phẩm 101 Triết gia, Mai Sơn biên soạn)