Với
sự mở rộng của dân chủ trong Làn sóng Thứ ba, nhiều câu hỏi quan trọng được đặt
ra là: tại sao một số quốc gia chuyển đổi sang dân chủ trong khi một số quốc
gia khác thì không? Trong tương lai, các quốc gia mới dân chủ hóa gần đây liệu có
sụp đổ trở lại với chế độ độc tài hay không?
Đây
là những câu hỏi mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở đây, thông qua khảo sát các yếu tố
trong nước và quốc tế, để giải thích tại sao các quốc gia lại trải qua những sự
chuyển đổi như vậy.
A. CÁC YẾU TỐ TRONG NƯỚC
Khi
nói về các nhân tố trong nước thúc đẩy thay đổi chế độ, chúng ta cần tìm hiểu
các khía cạnh văn hóa và lịch sử, các nhóm lợi ích, và các thiết chế trong xã hội.
Mục tiêu của chúng ta là xác định những yếu tố nào trong các yếu tố này ảnh hưởng
đến sự thay đổi chế độ: yếu tố nào khiến nhà nước áp dụng chế độ dân chủ, trong
khi yếu tố nào khiến cho duy trì chế độ phi dân chủ?
Ở
đây chúng ta xem xét ba yếu tố chính: văn hóa dân sự, thay đổi về giai cấp và
văn hóa do sự phát triển kinh tế; thái độ của lực lượng vũ trang với các thiết
chế chính trị dân sự.
1. Văn hóa dân sự
Văn
hóa của một quốc gia có ảnh hưởng đến việc dân chủ hóa hay không? Câu trả lời
là có; và luận điểm căn bản trong cách tiếp cận văn hóa này đối với vấn đề dân
chủ hóa có thể tóm gọn như sau: ‘Không có
người công dân với tinh thần dân chủ, thì sẽ không có dân chủ’. Nhìn chung,
nếu công dân của một quốc gia xem trọng bình đẳng chính trị và các quyền tự do
cá nhân (được gọi chung là văn hóa dân sự), thì quốc gia đó dễ
dàng dân chủ hóa hơn so với các quốc gia mà người dân không xem trọng các giá
trị này.
Các yếu tố của văn hóa dân sự
Một
cách tổng thể, thì văn hóa dân sự, thứ tương thích với dân chủ hóa, được cho
bao gồm ba bộ phận sau: tham gia dân sự, bình đẳng chính trị, và cố kết.
Tham
gia dân sự: liên quan đến mức độ tham gia tích cực
của người dân vào các vấn đề chung, như đi bỏ phiếu, tham gia vào các phong
trào xã hội, các nhóm lợi ích, hay các đảng chính trị.
-
Trong một nền văn hóa với sự tham gia
dân sự cao, các công dân không chỉ đơn thuần theo đuổi các lợi ích kinh tế, hay
tập trung vào các vấn đề gia đình của riêng mình, mà họ còn quan tâm và tham
gia vào nhiều hoạt động chung của cộng đồng, như các hoạt động ở trên.
-
Trái lại, các công dân trong nền văn hóa
có mức tham gia thấp thường ít công khai bày tỏ quan điểm của mình, chứ chưa
nói gì đến việc tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng, nhất là các hoạt
động chính trị.
Trong
một nền văn hóa với sự bình đẳng chính trị: các công dân có cả các quyền lẫn các
nghĩa vụ.
-
Các công dân trong các cộng đồng với nền
văn hóa như vậy tin rằng không ai được đứng trên pháp luật. Họ không chấp nhận
việc trao cho một số người các quyền chính trị song lại bác bỏ các quyền đó ở
những người khác, và họ cũng bác bỏ tính chính danh của các chế độ phi dân chủ.
Một nền văn hóa mà càng gần với ý tưởng trên về bình đẳng chính trị, thì càng
có khả năng chuyển đổi sang nền dân chủ.
-
Trái lại, một xã hội mà người dân tin rằng
một số người nên có nhiều quyền hơn những người khác, hoặc một số người nào đó
có thể đứng trên luật, thì xã hội đó vẫn đang ủng hộ cho sự bất bình đẳng chính
trị. Và những xã hội như vậy thường có xu hướng xem trọng quyền uy, cấp bậc, những
thứ đối nghịch với dân chủ.
Cuối
cùng, trong một nền văn hóa dân sự với sự cố kết: các công dân tin tưởng và
tôn trọng lẫn nhau, sẵn lòng hợp tác với nhau, ngay cả khi họ bất đồng về các vấn
đề chính sách. Điều này cho thấy các công dân khoan dung với các quan điểm khác
biệt bởi vì họ tin tưởng vào ý định tốt đẹp của chính đối thủ của họ.
-
Trái lại, trong một nền văn hóa ‘phản
công dân’, các công dân có xu hướng không tin tưởng lẫn nhau, không khoan dung
cho các quan điểm đối lập, và không sẵn lòng chung tay góp sức cho cộng đồng.
Thường thì trong một xã hội phản dân sự như vậy, rất ít người tham gia vào các
tổ chức hay các hoạt động cộng đồng bên ngoài gia đình họ.
Đo đạc văn hóa dân sự
Một
chỉ số quan trọng đánh giá mức độ tham gia dân sự của xã hội là việc cá nhân sẵn
sàng tham gia và hình thành các tổ chức chính trị xã hội. Các tổ chức như vậy
không nhất thiết phải liên quan đến chính trị: các ca đoàn của nhà thờ, các câu
lạc bộ nhận dạng chim, và ngay cả các liên đoàn bowling. Việc tham gia vào các
tổ chức như vậy đóng góp cho dân chủ bằng cách khuyến khích các mô hình hợp
tác, tôn trọng quan điểm của người khác, hình thành tinh thần cộng đồng, khả
năng làm việc với người lạ, cũng như cảm thấy được lòng tin và trách nhiệm
chung đối với số phận cộng đồng. Tham gia vào trong các nhóm thúc đẩy các hành
vi không ích kỉ cùng kì vọng người khác cũng cư xử như vậy.
Nhìn
chung ‘tính dân sự’ – và cùng với đó là chất lượng dân chủ - có thể đo được
thông qua mật độ của các mạng lưới của các tổ chức và hiệp hội trong xã hội. Khi
tỷ lệ các nhóm so với dân số tăng lên, thì chất lượng dân sự trong văn hóa
chính trị của xã hội trở nên lớn hơn và xã hội đó nhiều khả năng chuyển đổi sang
nền dân chủ hơn.
Các vấn đề với luận điểm văn hóa
dân sự
Luận
điểm văn hóa dân sự gặp phải ít nhất hai thách thức.
Thứ nhất,
dù mật độ cao của các nhóm xã hội chắc chắn cho thấy mức độ tham gia của công
dân cao, song không phải tất cả các tổ chức có cùng mục tiêu.
-
Chẳng hạn, một số tổ chức và các thành
viên của nó – như Hội chữ Thập đỏ - thúc đẩy sự tham gia và quan tâm cho người
khác trong xã hội; và chúng ta đồng ý rằng sự tích cực của người dân trong các
nhóm này đóng góp tích cực tới sự phát triển của xã hội.
-
Tuy nhiên, các tổ chức khác có tính phân
biệt – chúng có thể cư xử khinh thường, bất dung, thậm chí hành xử bạo lực với
những người không phải là thành viên. Ví dụ bao gồm các nhóm như KKK, các nhóm
đầu trọc, các nhòm tội phạm đường phố.
Sự
khác nhau giữa tham gia ‘tốt’ và ‘xấu’ cho thấy rằng mật độ tham gia của các tổ
chức không cho thấy chính xác mức độ ‘dân sự’ của xã hội. Thay vào đó, đối với
sự xuất hiện của dân chủ, thì lý do tại sao người dân huy động quan trọng hơn số
lượng nhóm đơn thuần.
-
Vấn đề này được minh họa qua trường hợp
của Đức. Dù mạng lưới các tổ chức và hiệp hội dày đặc trong những năm 1920 và
1930, song điều này vẫn cho phép sự vươn lên của Đảng Quốc Xã.
Vấn đề thứ hai
là vẫn đề con gà quả trứng. Đó là văn hóa dân sự là nguyên nhân của dân chủ,
hay dân chủ mới là nguyên nhân của văn hóa dân sự.
-
Vấn đề này được minh họa trong trường hợp
nước Anh, từng là một nước phong kiến, song đã chuyển đổi sang một nền dân chủ.
Câu hỏi là tại sao thời đó nền dân chủ có thể xuất hiện từ một hệ thống quý tộc
trong đó giới tinh hoa chính trị nhìn người dân với thái độ khinh rẻ? Nếu dân
chủ có thể xuất hiện trong bối cảnh văn hóa đó, thì có lẽ nó có thể xuất hiện
trong bất cứ bối cảnh văn hóa nào. Và vì vậy, ví dụ của Anh cho thấy rằng văn
hóa dân sự có thể tích cực cho dân chủ, nhưng không khiến cho dân chủ xuất hiện.
Với
hai vấn đề này, luận điểm nhấn mạnh vào tầm quan trọng nhân quả của văn hóa
chính trị là không hoàn chỉnh, và chúng ta cần xem xét các giải thích khác cho
sự thay đổi chế độ. Tiếp theo chúng ta tìm hiểu ảnh hưởng của thay đổi kinh tế –
do quá trình công nghiệp hóa tạo ra – đến sự thay đổi chế độ như thế nào.
2. Thay đổi kinh tế
Sự
chuyển biến kinh tế của một quốc gia từ nghèo đến giàu có thể gây ra chuyển biến
về chính trị từ độc tài sang dân chủ. Điều này xảy ra như thế nào?
Để
trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn vào các hệ quả chính trị của Cách mạng
Công nghiệp và quá trình hiện đại hóa kinh tế (đi cùng với Cách mạng Công nghiệp)
ở phương Tây vào thế kỉ 18.
-
Những quốc gia công nghiệp hóa sẽ trải
qua quá trình thay đổi nhanh chóng từ xã hội nông nghiệp sang xã hội đô thị, và
cùng với đó là sự cải thiện nhanh chóng các chỉ số chất lượng cuộc sống như
giáo dục, tuổi thọ; và nhìn chung quá trình này đã làm biến đổi hoặc thậm chí
phá hủy cấu trúc kinh tế xã hội trước đó.
-
Tuy nhiên, những biến đổi như vậy xảy ra
ở thời điểm mà các quốc gia phương Tây lúc đó vẫn còn là các chế độ phi dân chủ;
và kì cùng chúng đã thúc đẩy sự biến đổi về cấu trúc chính trị, dẫn đến chuyển
đổi sang nền dân chủ.
Có
hai cách tiếp cận giải thích sự thay đổi kinh tế dẫn đến sự thay đổi chính trị.
-
Cách tiếp cận đầu tiên tập trung vào giai
cấp – cụ thể, sự phát triển kinh tế dẫn đến sự hình thành các giai cấp xã hội mới,
vốn mong muốn có vai trò lớn hơn trong tiến trình chính trị.
-
Cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh đến văn
hóa – cụ thể, sự phát triển kinh tế làm thay đổi các giá trị của người dân khiến
cho họ ngày càng ủng hộ cho dân chủ.
Xung đột giai cấp dẫn đến thay đổi
chế độ
Giả
thiết kinh tế đầu tiên về thay đổi chế độ cho rằng dân chủ hóa dễ xảy ra hơn
khi một sự phát triển kinh tế trên diện rộng giảm bớt ảnh hưởng của các giai cấp
tinh hoa và gia tăng ảnh hưởng tương đối của các giai cấp mới trong xã hội.
-
Trước Cách mạng Công nghiệp, hệ thống
kinh tế chi phối ở Châu Âu là kiểu tổ chức phong kiến. Trong chế độ phong kiến,
giới quý tộc sở hữu đất đai nông nghiệp, phương tiện chính mang lại cho họ sự
giàu có và quyền lực. Phần còn lại của dân số lao động trong đất đai của quý tộc,
và hầu như không có quyền lực gì cả. Trong các xã hội như vậy, không có một
giai cấp trung lưu thực sự (tầng lớp giữa)
– chỉ có tầng lớp chủ đất giàu có chi phối chính trị (tầng lớp trên), cai trị
đa số người lao động nông nghiệp nghèo đói (tầng lớp dưới).
-
Sự suy giảm của chế độ phong kiến nông
nghiệp và sự vươn lên của chủ nghĩa tư bản công nghiệp có ảnh hưởng to lớn đến
cả phát triển kinh tế lẫn tổ chức chính trị. Sự phát triển của Cách mạng Công
nghiệp và chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến sự vươn lên của giai cấp trung lưu, bao gồm
các chủ doanh nghiệp, vốn làm giàu thông qua kinh doanh, thương mại, cũng như
tích lũy tư bản để thúc đẩy hơn nữa đầu tư công nghiệp, tài chính, và thương mại
của họ. Với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của mình, các thành viên của tầng
lớp trung lưu mới này ngày càng ý thức rằng họ không có được các quyền chính trị
tương ứng. Trái lại, tầng lớp trên (quý tộc đất đai) cố gắng giữ vị trị đặc lợi
của họ thông qua giới hạn cơ hội tiếp cận với quyền lực của các nhóm khác, mà ở
đây là giai cấp trung lưu mới nổi.
Logic
thay đổi chế độ ở đây phụ thuộc vào tương quan sức mạnh giữa chế độ cũ (giới
quý tộc, vua chúa, địa chủ) và các giai cấp kinh tế mới ra đời từ quá trình công
nghiệp hóa (thương gia, tiểu chủ – trung lưu).
-
Nếu giới tinh hoa chủ đất vẫn đủ mạnh để
giữ được quyền lực ngay cả khi quá trình công nghiệp hóa được thực hiện, thì
dân chủ hóa ít có khả năng xảy ra bởi vì giới này tiếp tục phong tỏa việc thay
đổi chế độ.
-
Trái lại, nếu giới tinh hoa chủ đất ngày
càng trở nên yếu đi khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra, thì dân chủ hóa có
khả năng cao diễn ra. Tương tự, nếu giới trung lưu phát triển về số lượng và trở
nên được tổ chức thành các đảng, liên minh, hay các nhóm chính trị, thì chuyển
đổi dân chủ dễ diễn ra hơn nhiều. Tuy nhiên, giai cấp trung lưu còn nhỏ, không
được tổ chức, thì thay đổi chế độ ít có khả năng xảy ra.
Mỗi
quan hệ giữa phát triển kinh tế và dân chủ hóa thông xung đột giai cấp có thể áp
dụng cho một số nước Châu Âu trong làn sóng dân chủ hóa thứ nhất.
-
Chẳng hạn, vào những năm 1800s và đầu những
năm 1900s, các chế độ phi dân chủ tiến hóa thành các nền dân chủ ổn định ở Anh,
Thụy Điển, Hà Lan, nơi mà vai trò của giới tinh hoa chủ đất ngày càng trở nên
suy giảm và giai cấp trung lưu ngày càng gia tăng về số lượng và sức mạnh.
-
Trái lại, nơi mà vai trò của giai cấp
tinh hoa chủ đất vẫn còn quan trọng quan trọng ngay cả khi giai cấp trung lưu
gia tăng về sức mạnh, như ở Tây Ban Nha và Đức, một nền dân chủ yếu xuất hiện
chỉ trong thời gian ngắn sau đó sụp đổ trở lại chế độ phi dân chủ.
Những
kết quả khác nhau này nhấn mạnh giả thiết quan trọng trong luận điểm về xung đột
giai cấp đó là: thay đổi chế độ sang nền dân chủ phụ thuộc vào sự xuất hiện của
một tầng lớp trung lưu của quy mô đáng kể và sự suy yếu của giới tinh hoa. Nơi
đâu mà giai cấp trung lưu yếu và giai cấp tinh hoa chủ đất vẫn còn mạnh, thì nền
dân chủ ổn định không có khả năng xuất hiện.
Luận
điểm xung đột giai cấp này hữu hiệu trong việc giải thích chuyển đổi chế độ ở
những nơi mà xung đột lợi ích giữa các gia cấp dữ dội. Tuy nhiên, nó không còn
nhiều hữu hiệu trong việc giải thích cho những trường hợp dân chủ hóa gần đây
hơn. Điều này là do trong những thập kỉ gần đây nhiều nước đã áp dụng dân chủ
dù họ có một tầng lớp trung lưu yếu hoặc không có.
-
Điều này đúng với các nước Nam Mỹ, như
Paraguay năm 1989, vốn trải qua quá trình dân chủ hóa dù nghèo đói, bất bình đẳng
phổ biến, chưa trải qua quá trình công nghiệp hóa, và một tầng lớp trung lưu rất
nhỏ.
Sự
tồn tại của một vài trường hợp dân chủ hóa song không với một tầng lớp trung
lưu mạnh có nghĩa rằng – giống như luận điểm văn hóa dân sự – chúng ta không chể
dựa vào một mình xung đột giai cấp để giải thích mọi trường hợp thay đổi chế độ.
Lý thuyết này dường như thích hợp cho việc giải thích chuyển đổi xảy ra trong
Làn sóng Dân chủ hóa Thứ nhất, nhưng không áp dụng cho làn sóng dân chủ hóa sau
đó.
Hiện đại hóa và thay đổi chế độ
Làm
sao có thể giải thích cho những trường hợp thay đổi chế độ gần đây? Lý thuyết hiện đại hóa cho thấy rằng dân chủ không chỉ là một hàm của tăng trưởng kinh
tế, mà còn là một hàm của những thay đổi văn hóa vốn đi cùng với phát triển
kinh tế. Trái với luận điểm về xung đột giai cấp, vốn cho rằng sự ra đời của một
tầng lớp trung lưu mạnh là nguyên nhân chính cho sự thay đổi chế độ, thì lý
thuyết hiện đại hóa cho rằng phát triển kinh tế thúc đẩy hình thành các giá trị
tích cực cho dân chủ và dân chủ hóa.
-
Hiện đại hóa kinh tế có xu hướng dẫn đến
các xã hội ngày càng phức tạp hơn, chủ yếu do sự gia tăng của các thành phố lớn.
Sự phát triển này cũng đi cùng với một nền giáo dục tốt hơn, tỉ lệ biết chữ lớn
hơn, và một sự tiếp xúc lớn hơn với truyền thông đại chúng; tất cả khuyến khích
người dân có một ý thức cũng như sự quan tậm rộng mở hơn cho các vấn đề chính
trị.
-
Và như hệ quả của phát triển kinh tế, tỷ
lệ ngày càng tăng người dân đi đến có những ước muốn ủng hộ cho dân chủ, như
mong muốn tham gia nhiều hơn, hay có ý tưởng cho rằng mọi cá nhân có quyền bình
đẳng tham gia vào chính trị.
Yếu
tố then chốt trong lý thuyết hiện đại là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và
thay đổi trong nhận thức của người dân về chính trị.
-
Các xã hội nghèo đói, và ít phát triển
duy trì văn hóa truyền thống đẳng cấp cứng nhắc, trong đó người nghèo vẫn còn
tôn kính đối với giới quyền uy lâu đời.
-
Tuy nhiên, khi một quốc gia trở nên giàu
có, thái độ của các công dân với quyền uy chính trị cũng thay đổi. Chẳng hạn, một
số nhà quan sát gợi ý rằng các đòi hỏi gần đây cho dân chủ ở các nước như
Tunisia và Ai Cập đến từ sự xuất hiện một tầng lớp trung lưu mới có giáo dục
trong đó đề cao tự do chính trị, một điều chưa từng thấy trong lịch sử ở các quốc
gia này.
Trong
viễn cảnh toàn cầu, lý thuyết hiện đại hóa dường như phù hợp với các bằng chứng
thực tế: sự giàu có của quốc gia có tương quan cao với việc nước đó có là dân
chủ hay không.
Tuy
nhiên, cũng như với luận điểm văn hóa và xung đột giai cấp chúng ta vừa thảo luận,
lý thuyết hiện đại không thể giải quyết được cho nhiều trường hợp. Nhiều chế độ
độc tài vẫn tiếp tục tồn tại sau khi chúng trở nên khá giàu có.
-
Vào đầu thế kỉ 20, hiện đại hóa ở các quốc
gia như Đức, Nhật đã củng cố cho các chế độ phi dân chủ, một điều dường như đối
lập với những gì mà lý thuyết hiện đại hóa dự đoán. Các nền dân chủ ổn định chỉ
xuất hiện trong các quốc gia này bởi vì Mỹ và Liên minh áp đặt cho chúng sau Chiến
tranh Thế giới thứ hai.
-
Trong thế giới hiện nay, chúng ta tiếp tục
thấy nhiều ví dụ như thế. Chẳng hạn, Saudi Arabia vẫn giữ văn hóa chính trị cấp
bậc và dường như không đối mặt với nguy cơ dân chủ hóa, bất kể mức độ giàu có của
nó.
-
Đồng thời, dân chủ cũng xuất hiện và sống
sót ở nhiều nước nghèo đói. Ấn Độ chẳng hạn, nó áp dụng chế độ dân chủ từ khi độc
lập năm 1948, lúc là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nếu lý thuyết hiện
đại đúng, thì Ấn Độ không thể là một nền dân chủ.
Sự
tồn tại của các chế độ phi dân chủ song giàu có và các nền dân chủ song nghèo
cho thấy rằng trong khi hiện đại hóa kinh tế có thể giải thích cho một số trường
hợp về thay đổi chế độ, song nó không thể cung cấp câu trả lời toàn diện cho
câu hỏi tại sao dân chủ hóa lại xảy ra.
-
Dù các quốc gia giàu có có xu hướng trở
nên dân chủ và các quốc gia nghèo thì không, những trường hợp ngoại lệ cho thấy
rằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và thay đổi chế độ không phải là một
chiều như lý thuyết hiện đại gợi ý. Điều này một lần nữa chỉ ra rằng có những
nhân tố quan trọng khác đối với sự thay đổi chế độ chứ không đơn thuần chỉ có
tăng trưởng kinh tế.
Một
lý thuyết ra đời cùng với lý thuyết hiện đại hóa tập trung vào bản chất của nền
kinh tế của một nước – liệu nó có đa dạng hay nó phụ thuộc vào một loại hàng
hóa duy nhất, như dầu khí, hay kim cương.
Các
trường hợp không tương thích với lý thuyết hiện đại dẫn chúng ta đi đến hỏi liệu
có một dạng tăng trưởng kinh tế nào đó mà là tiền đề cho dân chủ hóa: trong thực
tế, các chế độ phi dân chủ phát triển nền kinh tế đa dạng có khả cao dẫn đến xuất
hiện một tầng lớp trung lưu muốn tham gia vào chính trị. Trái lại, các chế độ
phi dân chủ mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào một dạng hàng hóa rơi vào cái gọi là
lời
nguyền tài nguyên, trong đó trưởng kinh tế chỉ dựa vào một nguồn tài
nguyên có ảnh hưởng tiêu cực với dân chủ hóa.
-
Logic của lời nguyền tài nguyên như sau:
chính phủ trong các nước có tài nguyên thiên nhiên dư thừa sẽ tiến hành kiểm
soát soát tập trung và chặt chẽ đối với việc sản xuất, tiêu thụ và đánh thuế
hàng hóa đó. Chính phủ sử dụng doanh thu từ việc bán các tài nguyên này để mua
sự ủng hộ chính trị.
-
Bởi vì việc kiểm soát tài nguyên mang lại
tiền dễ dàng, nên các chính phủ ít có khuyến khích để đầu tư vào các ngành khác
của nền kinh tế. Kì cùng, bởi phát triển kinh tế phụ thuộc vào sự kiểm soát của
chính phủ với động cơ chính của nền kinh tế, nên một thị trường đa dạng không thể
phát triển.
Luận
điểm này giúp giải thích tại sao hiện đại hóa kinh tế đóng một vai trò nhỏ hơn
trong quá trình dân chủ hóa ở nhiều nước trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba
(1974-nay). Trong Làn sóng này, sự chuyển đổi dân chủ có khả năng cao hơn ở các
nước với nền kinh tế đa dạng so với các các nước sản xuất dầu khí. Với giả thiết
này, triển vọng dài hạn cho dân chủ có thể tốt hơn ở các nước đang phát triển
như Brazil, hay Ấn Độ, vốn không phụ thuộc vào một hàng hóa và có một nền kinh
tế đa dạng so với các nước như Venezuela, Nga, các nước vốn dựa chủ yếu vào xuất
khẩu dầu khí.
Phát
triển kinh tế có thể mang đến thay đổi chính trị; Bởi nó làm suy yếu tầng lớp
tinh hoa chủ đất truyền thống và mang đến sự xuất hiện một giai cấp trung lưu mới
có mong muốn lớn hơn có các quyền chính trị. Nó cũng thay đổi cách người dân
suy nghĩ về chính trị, thay đổi thái độ của họ với thẩm quyền chính trị. Khi một
đất nước trở nên giàu có hơn, cá nhân trở nên ít tôn trọng cho thẩm quyền truyền
thống hơn, và đòi hỏi nhiều hơn quyền bình đẳng chính trị. Tuy nhiên, như chúng
ta biết phát triển kinh tế không luôn mang lại dân chủ, điều này cho thấy rằng
còn các nguyên nhân khác khiến thay đổi chế độ.
Nguồn
-
David Samuels. Comparative Politics