NGUYÊN NHÂN DÂN CHỦ HÓA p2

Posted on
  • Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • B. CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI
    Ngoài các yếu tố trong nước, thì các yếu tố quốc tế cũng có vai trò quan trọng đối với sự thay đổi chế độ; đó là ảnh hưởng của các thế lực quốc tế gồm Mỹ, Liên Xô, Giáo hội Công giáo, Liên minh Châu Âu (EU) – cùng với toàn cầu hóa.

    1. Chính sách ngoại giao của Mỹ
    Ngay sau Chiến tranh Thế giới II, Mỹ thực hiện chính sách khuyến khích dân chủ trên toàn thế giới, thậm chí đã áp đặt chế độ dân chủ cho một số nước. Mỹ cũng đã cung cấp hỗ trợ to lớn về kinh tế và chính trị cho Pháp và Hi Lạp, những nơi mà nền dân chủ có nguy cơ bị lật đổ bởi chủ nghĩa cộng sản, đồng thời cũng giám sát tiến trình dân chủ hóa ở các quốc gia Phát xít cũ như Đức, Ý, Nhật.
    Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh leo thang, Mỹ trở nên thỏa hiệp, khi nó ủng hộ bất cứ nhà lãnh đạo quân sự và độc tài nào miễn là họ liên minh với nó để chống lại Liên Xô. Với sự không nhất quán này trong việc thúc đẩy dân chủ của Mỹ, các lực lượng phản dân chủ có được sức mạnh và trở nên chính danh ở nhiều nước ở nhiều nước; chính điều này góp phần dẫn đến sự sụp đổ dân chủ ở Brazil năm 1964, Argentina năm 1966, Chile năm 1973, cũng nhiều nước khác. Vì vậy, ta thấy rằng sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ đã góp phần cả thúc đẩy cho Làn sóng Dân chủ hóa Thứ hai, song cũng góp phần vào Làn sóng Đảo ngược sau đó.
    Vào những năm 1970s, và đặc biệt là những năm 1980s, sau chiến tranh Việt Nam, chính sách ngoại giao của Mỹ bắt đầu thay đổi một lần nữa, giờ đây Mỹ tái định nghĩa lại lợi ích quốc gia của nó là ủng hộ cho dân chủ và nhân quyền. Chẳng hạn, vào những năm 1970s và 1980s, Quốc hội Mỹ bắt đầu ra điều kiện về nhân quyền cho các quốc gia nhận viện trợ của Mỹ. Các chính sách này tiếp tục dưới thời chính quyền Reagan và Bush cha, khi mà các tổng thống này muốn cho thấy sự tương phản giữa sự tự do của Mỹ với tình trạng đàn áp trong chế độ toàn trị của Liên Xô.
    Sự thay đổi chính sách của Mỹ có nghĩa rằng, các nhà cai trị độc tài sẽ mất đi một liên minh bên ngoài quan trọng nếu họ không dân chủ hóa; điều này đã làm suy yếu cơ sở của sự cai trị độc tài, cũng như góp phần thúc đẩy phe đối lập huy động, tổ chức người dân thay đổi chế độ trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba.

    2. Chính sách ngoại giao của Liên Xô
    Sau chiến thắng của Liên Minh trước Phát xít Đức trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, Liên Xô chiếm đóng và thiết lập các chế độ cộng sản bù nhìn ở một vài nước Đông Âu. Nó cũng cung cấp hỗ trợ cho các cuộc nổi dậy cộng sản ở khắp nơi trên thế giới. Lúc này, Liên Xô là đại diện cho mô hình phi dân chủ: cấm cạnh tranh bầu cử, hạn chế sự tham gia của người dân, và nhà nước kiểm soát toàn bộ nền kinh tế.
    Sự tranh đua giữa Liên Xô và Mỹ trong giai đoạn này không dẫn đến một cuộc chiến tranh ‘nóng’, tuy nhiên Chiến tranh Lạnh là một thời kì nguy hiểm – và sự hỗ trợ của Liên Xô cho các chế độ phi dân chủ - cộng sản, cùng với sự hỗ trợ của Mỹ cho các chế độ phi dân chủ - chống cộng sản, khiến cho môi trường toàn cầu thời kì Chiến tranh Lạnh bất lợi cho việc thúc đẩy dân chủ.
    Vào những năm 1980s, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô khủng hoảng. Lãnh đạo đất nước lúc đó là Mikhail Gorbachev đã nỗ lực cải cách hệ thống từ bên trong, nhưng thất bại, và chế độ Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Điều này có nghĩa rằng chế độ phi dân chủ hùng mạnh nhất trên thế giới đã sụp đổ. Từ ảnh hưởng của sự sụp đổ của Liên Xô, năm quốc gia cộng sản ở Đông Âu – Ba Lan, Czechoslovakia, Bulgaria, Romania, và Hungary – nhanh chóng chuyển đổi thành nền dân chủ. Ngoài ra, 15 tỉnh thuộc Liên Xô tách ra trở thành các quốc gia độc lập, và một số trong đó đã trở thành nền dân chủ, như Latvia, Lithuania, và Estonia.
    Với sự sụp đổ của Liên Xô, sau năm 1990, không còn siêu cường toàn cầu nào nỗ lực thúc đẩy mô hình phi dân chủ cho các quốc gia khác. Dân chủ dường như là chế độ duy nhất có tính chính danh còn lại; chủ nghĩa Phát xít đã mất hoàn toàn tính chính danh của nó sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, và tương tự như vậy với Chủ nghĩa Cộng sản 45 năm sau đó.

    3. Thay đổi trong chính sách của Giáo hội Công giáo
    Giáo hội Công giáo có lẽ là tác nhân phi nhà nước toàn cầu duy nhất được tổ chức theo hệ thống cấp bậc – với giáo hoàng ở đỉnh hệ thống – mà có thể vươn tới các cộng đồng địa phương ở mọi khu vực trên thế giới. Trong các Làn sóng Dân chủ hóa thứ nhất và thứ hai, phần đa các quốc gia dân chủ là theo đạo Tin lành. Và dân chủ không phổ biến ở các nước mà người Công giáo chiếm đa số như Ba Lan, Tây Ban Nha, Chile, Mexico, hay Brazil. Tuy nhiên, tất cả những quốc gia này và nhiều quốc gia mà Công giáo khác đã dân chủ hóa trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba.
    Nhiều quốc gia Công giáo vẫn thuộc dạng phi dân chủ trước Làn sóng thứ ba một phần bởi thái độ dửng dưng hoặc thậm chí phản đối dân chủ của Giáo hội. Tuy nhiên, vào những năm 1960, Giáo hội đã chuyển sang lập trường ủng hộ cho dân chủ. Các nhà lãnh đạo Giáo hội cũng chỉ định một hồng y từ một nước cộng sản – Ba Lan – trở thành Giáo hoàng vào năm 1978, biểu thị cho thấy sự ủng hộ cho tự do tôn giáo chống lại chủ nghĩa vô thần và toàn trị của cộng sản.
    Giáo hoàng John Paul II (1978–2005) tích cực vận động cho dân chủ trong thời gian trị vì của mình cho quê hương ông cũng như trên khắp thế giới. Sự chuyển đổi trong chính sách của Giáo hội là một tác nhân quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ trong nhiều nước trong Làn sóng Thứ ba, bởi vì nó có nghĩa rằng các nhà lãnh đạo độc tài trong các nước Công giáo mất đi một trong những liên minh chính của nó, và bởi vì sự thay đổi trong chính sách khiến cho người dân Công giáo trong các chế độ này nhận thấy một dấu hiệu tôn giáo ủng hộ cho sự thay đổi chế độ.

    4. Liên minh Châu Âu
    Tác nhân quốc tế cuối cùng thúc đẩy cho dân chủ trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba là Liên minh Châu Âu (EU). EU là một tổ chức siêu nhà nước có vai trò phân phối các hỗ trợ, lợi ích, kiểm soát hay có ảnh hưởng đến các chính sách quan trọng trong các lĩnh vực tiền tệ, thương mại, nông nghiệp của 27 nước thành viên. Điều quan trọng ở đây là EU áp đặt quy chế chặt chẽ cho việc trở thành thành viên của EU: các nước muốn gia nhập EU phải là nền dân chủ hoàn chỉnh.
    Điều kiện này giúp thúc đẩy Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba, đặc biệt ở Đông và Nam Âu. Chẳng hạn, từ khi đạt được tư cách ứng viên chính thức để trở thành thành viên của EU vào năm 1999, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực thi các chính sách nhân quyền mới, loại bỏ án tử hình, và trao thêm quyền cho các sắc tộc thiểu số.
    Tóm lại, bởi vì nhiều nước mong muốn gia nhập vào EU vì các lợi ích kinh tế, chính trị của nó, nên EU với các điều kiện của mình, góp phần thúc đẩy mở rộng dân chủ.

    5. Toàn cầu hóa
    Chính sách ngoại giao không phải là tác nhân quốc tế duy nhất có thể ảnh hưởng đến việc thay đổi chế độ. Toàn cầu hóa – sự mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, xã hội vượt qua biên giới của các quốc gia – cũng là một nhân tố quan trọng.
    Hiệu ứng láng giềng, trong đó các nước trong khu vực có xu hướng theo sau các nước láng giềng của mình về mô hình chính quyền. Cụ thể, khả năng một nước lựa chọn thể chế dân chủ là khoảng 75% nếu hơn một nửa các nước láng giềng của nó là dân chủ - nhưng chỉ khoảng 15% nếu hơn một nửa các nước láng giềng của nó là phi dân chủ.
    -         Trường hợp của Chile minh họa cho hiệu ứng này: năm 1989, tất cả các nước láng giềng Mỹ Latin của nó đã chuyển đổi sang nền dân chủ, khiến cho sự tồn tại của chế độ độc tài quân sự ở Chile là một cái gì đó không bình thường, và vì vậy mà giới quân sự phải đi theo xu hướng của khu vực, do đó tiến hành dân chủ hóa.
    Một tác động toàn cầu khác xuất hiên trong các làn sóng gần đây là: mức độ dân chủ trên toàn thế giới – được tính bởi điểm số trung bình của Freedom House cho tất cả các quốc gia – cũng ảnh hưởng đến việc một nước có dân chủ hóa hay không.
    -         Ở mức độ toàn cầu, khi các chế độ phi dân chủ là phổ biến, thì các nhà cai trị độc tài thấy việc tiếp tục cai trị độc tài là dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi dân chủ trở thành một xu thế thời thượng, thì những người cai trị độc tài sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc duy trì quyền lực.
    Những điều này có thể giải thích thông qua Làn sóng Dân chủ hóa thứ ba. Trong làn sóng đó, các đảng chính trị, các phong trào xã hội, và các tổ chức ủng hộ dân chủ có thể theo dõi và bắt chước các sự kiện chính trị ở các nước láng giềng. Và nếu một sự thay đổi chế độ xảy ra ở nước láng giếng, thì các công dân sẽ mong muốn hành động, với lập luận rằng ‘nếu những dân tộc này – vốn tương tự với chúng ta – có thể có dân chủ, thì chúng ta cũng có thể’. Các nhà lãnh đạo chính quyền trên thế giới cũng thấy các cơ hội chính trị khi mà thể chế của họ trở nên tương đồng với láng giềng – có lẽ bởi vì các chính quyền cùng dạng thân thiện hơn với nhau, ít có khả năng đánh lẫn nhau, cũng như có nhiều hơn các cơ hội đầu tư, thương mại.
    Nhìn chung, các tác nhân bên trong dài hạn mà chúng ta đã bàn ở trên – văn hóa dân sự và tăng trưởng kinh tế - là tương đối quan trọng đối với Làn sóng Dân chủ hóa Thứ nhất; thì các tác nhân quốc tế mà ta vừa trình bày có vai trò quan trọng trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ hai và Thứ ba.

    C. CÁC YẾU TỐ NGẮN HẠN ĐỐI VỚI VIỆC THAY ĐỔI CHẾ ĐỘ
    Như đã trình bày, các yếu tố trong nước và quốc tế có thể thúc đẩy thay đổi chế độ. Trên cơ sở phân tích ở trên, chúng ta có thể đưa ra các dự đoán, chẳng hạn như ‘một nước giàu có thì khả năng dân chủ hóa cao hơn’, hoặc những sự thay đổi trong môi trường chính trị toàn cầu, như thay đổi chính sách của các cường quốc, có thể ảnh hưởng đến triển vọng dân chủ hóa của các quốc gia nhỏ yếu hơn.
    Tuy nhiên, các giả thiết như thế không nhất thiết giải thích một cách chính xác tất cả các trường hợp chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, và ngược lại. Trong thực tế, ảnh hưởng của các yếu tố ngắn hạn đến sự thay đổi chế độ cũng rất lớn, và điều quan trọng là các yếu tố này khác nhau tùy mỗi nước.
    -         Đôi khi một cuộc khủng hoảng kinh tế cũng dẫn đến sụp đổ một chế độ, như từng xảy ra với chế độ dân chủ ở Đức năm 1933, nhưng điều này cũng không luôn đúng – khi khủng hoảng toàn cầu năm 2008 đã không ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ dân chủ ở đâu trên thế giới.
    -         Tương tự, cái chế của nhà độc tài lâu năm cũng có thể khiến cho chế độ độc tài chuyển sang dân chủ, chẳng hạn như ở Tây Ban Nha vào năm 1975 khi tướng Franco chết, nhưng lại không đúng với Bắc Triều Tiên khi Kim Il-Sung chết vào năm 1994.   
    Chúng ta có thể dùng hình ảnh tưởng tượng sau để tương phản ảnh hưởng của các tác nhân dài hạn với các tác nhân ngắn hạn: giải sử bạn muốn giải thích tại sao tàu Titanic chìm. Một mặt, bạn có chế cho rằng tàu Titanic chìm bởi nó đâm vào núi băng trôi. Mặt khác, bạn có thể cho rằng bạn đã biết tàu chìm có thể chìm trước khi nó dời cảng bởi vì thiết kế của nó không có khả năng tốt trong việc chống lại va chạm với băng trôi.
    Giải thích nào hợp lý hơn? Con tàu chắc chắn sẽ không chìm nếu không va vào núi băng trôi, nhưng nó cũng có thể không chìm nếu nó được thiết kế tốt hơn, ngay cả khi nó va vào núi băng. Cả hai giải thích – điều kiện nền tảng và nguyên nhân trực tiếp – đều quan trọng; và cả hai đều cho cùng kết quả, nhưng nhấn mạnh vào các yếu tố khác nhau.
    Từ minh họa trên, chúng ta xem sự chuyển đổi sang dân chủ ở Argentina, Brazil, Chile, và Paraguay vào những năm 1980. Một mặt, cả bốn chế độ này đều chịu áp lực quốc tế phải dân chủ hóa. Tuy nhiên, mỗi chế độ sụp đổ bởi vì các nhân tố ngắn hạn khác nhau: chế độ quân sự của Argentian sụp đổ vì thất bại thảm hại của nó trong cuộc chiến với Anh về chủ quyền đối với quần đảo Falkland vào năm 1983. Chế độ quân sự của Brazil bị chia rẽ về cách điều hành đất nước trong thời kì khủng hoảng kinh tế, dẫn đến trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự; ở Paraguay, việc nhà lãnh đạo độc tài quân sự lâu đời chết song không có người kế thừa khiến nó sụp đổ; còn ở Chile thì nhà độc tài quyết định tuân theo kết quả trưng cầu ý dân, khi người dân bác việc ông nắm quyền thêm một nhiệm kì nữa.
    Trong nhiều trường hợp thay đổi chế độ, các tác nhân ngắn hạn tương tự núi băng làm chìm con tàu. Các cuộc khủng hoảng phơi bày những yếu kém của chế độ, làm mất tính chính danh của nó trong mắt người dân. Chẳng hạn, chế độ mất đi lãnh đạo của nó, thua trong chiến tranh...cung cấp chất xúc tác thúc đẩy người dân đứng lên chống lại chế độ. Và bởi vì các chế độ độc tài không có van an toàn như quay vòng lãnh đạo, bầu cử định kì, nên chúng có thể dễ sụp đổ trong thời kì khủng hoảng. Trong trường hợp các nước Mỹ Latin, các nguyên nhân ngắn hạn rất khác nhau, nhưng cùng dẫn đến một kết quả: chuyển đổi dân chủ.
    Các sự kiện ngắn hạn như vậy luôn luôn quan trọng, nhưng bởi vì chúng quá khác biệt, nên chúng không thể phân tích một cách có hệ thống như với các nguyên nhân trong nước và quốc tế. Không như các nguyên nhân này, các nhân tố ngắn hạn chỉ áp dụng cho các trường hợp cụ thể, không có mô hình cho toàn bộ.
    Nguồn
    -         David Samuels. Comparative Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org