Làm sao để duy trì một nền dân chủ? Từ số liệu nghiên
cứu về sự tồn tại và sụp đổ của các chế độ chính trị ở 135 nước trong khoảng thời
gian từ năm 1950 đến 1990, câu trả lời mà nhóm các nhà nghiên cứu Adam Przeworski,
Michael E. Alvarez,..,đưa ra là việc duy trì nền dân chủ phụ thuộc vào các yếu
tố sau: dân chủ, sự thịnh vượng, tăng trưởng kinh tế với mức độ lạm phát vừa phải,
bất bình đẳng giảm, hệ thống đại nghị, và môi trường quốc tế thuận lợi.
1. Dân chủ
Hai nhận thức sai lầm về dân chủ trong giới hàn lâm và
chính trị (đặc biệt là ở Mỹ) từ những năm 1950 là: (a) trong các nước nghèo, chế
độ độc tài tạo ra tăng trưởng kinh tế tốt hơn, và (b) khi đất nước đã phát triển
đến một mức nào đó, thì chế độ độc tài tự động chuyển dịch sang chế độ dân chủ.
Do đó, họ cho rằng để tiến tới chế độ dân chủ thì mọi người phải ủng hộ và chấp
nhận chế độ độc tài trong một giai đoạn nào đó.
Cả hai nhận định trên đều sai lầm vì:
a)
Theo
kết quả phân tích về ảnh hưởng của dạng chế độ đối với tăng trưởng kinh tế cho
thấy, các chế độ độc tài không tạo ra mức tăng trưởng kinh tế cao hơn các chế độ
dân chủ. Tính trong những quốc gia nghèo, so với các nước theo thể chế độc tài
thì các nước theo thể chế dân chủ thường có tỷ lệ đầu tư trung bình cao hơn,
nguồn đầu tư được phân bố hiệu quả hơn, mức tăng trưởng dân số thấp hơn, đồng
thời hiệu suất lao động cao hơn.
Thật vậy, theo
khảo sát đầu tiên của nhóm vào năm 1985, 56 quốc gia theo chế độ độc tài có thu
nhập bình quân đầu người hàng năm dưới 1.000 USD đều đã thất bại trong việc
thúc đẩy sự phát triển. Từ đó cho tới năm 1996, chỉ 18 quốc gia trong số đó
nâng mức thu nhập bình quân đầu người chạm ngưỡng 1.000 USD/năm, 6 quốc gia lên
tới 2.000 USD, và chỉ 3 quốc gia vượt mức 3.000 USD. Hàn Quốc và Đài Loan là hai
trường hợp ngoại lệ: Đây là hai chế độ độc tài duy nhất có thu nhập bình quân dưới
1000 USD vào năm 1950, song cho tới năm 1990, họ đã có thu nhập bình quân lớn hơn
5.000 USD.
Những con số này
đủ để bác bỏ luận điểm cho rằng, trong các nước nghèo, chế độ độc tài tạo ra
tăng trưởng kinh tế.
b)
Các
chế độ dân chủ không được tạo ra từ sự phát triển của các chế độ độc tài. Thực
vậy, chuyển dịch từ độc tài sang dân chủ mang tính ngẫu nhiên, và phụ thuộc vào
nhiều yếu tố hơn là chỉ dựa vào mức độ phát triển. Các nước giàu như Singapore
hay Trung Quốc đã không hề chuyển sang chế độ dân chủ ngay cả khi có mức phát
triển cao và trở nên thịnh vượng. Trong khi đó, các nước nghèo như Ấn Độ và Myanmar
lại có thể chuyển đổi sang nền dân chủ.
Như vậy, vì chế độ độc tài không tạo ra mức phát triển
cao (a), và vì khả năng chuyển đổi sang nền dân chủ ở các nước giàu không cao
hơn so với các nước nghèo (b), nên các chế độ độc tài không phải là phương tiện
để đạt được mục tiêu kép là phát triển
và dân chủ.
2. Sự thịnh vượng
Theo nhóm nghiên cứu, mức độ phát triển kinh tế có ảnh
hưởng lớn đến khả năng tồn tại của một nền dân chủ. Các nền dân chủ nghèo, đặc biệt
là các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.000 USD/năm rất dễ sụp đổ. Tuổi
thọ trung bình của một nền dân chủ là 8,5 năm khi nước đó có thu nhập bình quân
đầu người hằng năm dưới 1.000 USD, 16,5 năm khi từ 1.000 đến 2.000 USD, 33 năm
khi từ 2.000 đến 4.000 USD, và 100 năm khi từ 4.000 đến 6.000 USD.
Từ số liệu thống kê cho thấy chưa có nền dân chủ nào sụp
đổ khi thu nhập bình quân theo đầu người lớn hơn 6000 USD/năm. Do đó, Lipset
hoàn toàn đúng khi khẳng định rằng “một quốc gia càng giàu có thì nền dân chủ của
nó càng bền vững”.
Câu hỏi tại sao nền dân chủ lại bền vững trong các nước
thịnh vượng là một chủ đề dành được nhiều sự quan tâm. Trong tác phẩm Con người Chính trị [Political Man], Lipset
đã đưa ra một giải thích là, mức xung đột về phân phối thu nhập sẽ thấp đi khi
thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Larry Diamond đưa ra một cách giải thích
khác, tập trung vào khía cạnh thể chế, rằng quốc gia nào càng phát triển thì chất
lượng thể chế chính trị càng tốt.
3. Thành tích kinh tế
Tại các nước giàu có, tuổi thọ của nền dân chủ không
chịu ảnh hưởng của thành tích kinh tế. Còn tại các nước nghèo, các nền dân chủ
chỉ có thể tồn tại nếu chúng tạo ra được sự tăng trưởng kinh tế với mức độ lạm
phát vừa phải.
Khi các nền dân chủ có nền kinh tế tăng trưởng vượt mức
5% mỗi năm, chúng luôn có khả năng tồn tại cao hơn. Khi ở mức độ phát triển thấp,
các nền dân chủ dễ bị sụp đổ. Điều này chủ yếu là do nó dễ bị tác động khi đối
mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế.
Tại các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người dưới
1.000 USD mỗi năm, thì khi kinh tế chậm tăng trưởng, nền dân chủ sẽ có tuổi thọ
dưới 5 năm, và tuổi thọ này sẽ là 12,5 năm nếu tăng trưởng nhanh. Các nền dân
chủ tại các nước có thu nhập trung bình (từ 1.000 – 6.000 USD mỗi năm) dễ bị sụp
đổ khi rơi vào trình trạng đình trệ kinh tế kéo dài. Tuổi thọ của chúng là 17
năm khi nền kinh tế sụt giảm, và là 37 năm khi nền kinh tế tăng trưởng.
Do đó, Larry Diamond và Linz đã đúng khi cho rằng “khủng
hoảng kinh tế là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định của nền
dân chủ”.
Lạm phát cũng đe dọa sự ổn định của nền dân chủ. Chế độ
dân chủ có tuổi thọ trung bình là 44 năm khi lạm phát hàng năm dưới 6%, và 16
năm khi mức lạm phát lớn hơn 30%.
Tóm lại, thành tích kinh tế có vai trò quan trọng cho
sự sống còn của nền dân chủ trong các nước nghèo hoặc trung bình. Khi nền kinh
tế tăng trưởng nhanh cộng với mức lạm phát vừa phải, nền dân chủ có khả năng tồn
tại lâu hơn, ngay cả ở những nơi nghèo đói nhất.
4. Bất bình đẳng thu nhập
Bất bình đẳng thu nhập khiến cho xã hội phân chia
thành các giai cấp, với một bộ phận đa số nghèo đói và một bộ phận thiểu số
giàu có. Hai lực lượng này theo đuổi các chính sách trái ngược nhau. Trong khi
người nghèo thích các chính sách tái phân phối, thì người giàu thích các chính
sách bảo vệ quyền tư hữu tuyệt đối và chống tái phân phối.
Trong điều kiện của nền dân chủ, khi người nghèo (chiếm
đa số) có quyền bầu chọn lãnh đạo và quyết định chính sách, thì họ có khuynh hướng
ủng hộ việc tái phân phối, điều này đe dọa tới lợi ích của người giàu. Do đó, với
quyền lực và địa vị trong tay, người giàu có thể tiến hành đảo chính lật đổ nền
dân chủ để bảo vệ quyền lợi của mình.
Vì vậy, nền dân chủ nào có mức độ bất bình đẳng càng
cao thì nguy cơ bất ổn càng lớn, và khi đó tuổi thọ của nó sẽ giảm. Kết quả
nghiên cứu cho thấy tuổi thọ của nền dân chủ là 84 năm khi bất bình đẳng giảm,
và 22 năm khi bất bình đẳng tăng.
5. Hệ thống đại nghị
Sự tồn tại của các nền dân chủ phụ thuộc vào hệ thống
chính trị của chúng. Trong số các mô hình chính trị, thì hệ thống đại nghị có
thể tồn tại lâu hơn trong điều kiện đa dạng hơn so với hệ thống tổng thống.
Theo số liệu khảo sát, trong số 50 quốc gia theo hệ thống
đại nghị, có 14 nền dân chủ sụp đổ (tức 28%); trong khi đó, tại 46 quốc gia
theo hệ thống tổng thống, có đến 24 nền dân chủ sụp đổ (52%). Các nền dân chủ
trong hệ thống đại nghị có tuổi thọ trung bình là 71 năm, trong khi trong hệ thống
tổng thống là dưới 20 năm.
Phải thừa nhận rằng, hệ thống đại nghị gặp phải bế tắc
khi không thể hình thành liên minh đa số. Tuy nhiên, vấn đề của hệ thống tổng
thống còn nghiêm trọng hơn. Trong hệ thống tổng thống, nhánh hành pháp có nhiệm
kỳ cố định, có thể tồn tại độc lập bên cạnh nhánh lập pháp, điều này khiến cho
bế tắc chính trị giữa hai nhánh một khi xảy ra sẽ kéo dài; và nó khiến cho nền
dân chủ trong hệ thống tổng thống dễ có nguy cơ sụp đổ. Một điều đáng lưu ý
thêm là, hệ thống tổng thống ít có khả năng tồn tại trong các nước nằm ngoài khu
vực Mỹ Latin, trong khi hệ thống đại nghị có khả năng tồn tại ở mọi nơi.
6. Môi trường quốc tế
Ngoài các yếu tố kinh tế và thể chế chính trị, thì môi
trường quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng đối với sự bền vững của dân chủ.
Whitehead cho rằng Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) đã tác động mạnh mẽ tới sự tồn
tại của các nền dân chủ Nam Âu. Chính các hỗ trợ và khuyến khích kiên định của
EEC (điều kiện để một quốc gia trở thành thành viên của EEC là nó phải là nền
dân chủ tự do) đã giúp các nền dân chủ Nam Âu nhanh chóng củng cố và gia nhập
vào cộng đồng. Ngược lại, ở Nam và Trung Mỹ, thái độ mơ hồ và nước đôi của Mỹ
đã tác động tiêu cực tới sự củng cố của các nền dân chủ ở các quốc gia nơi đây.
Tại khu vực Mỹ Latin này, có rất ít nền dân chủ được coi là hoàn chỉnh.
Điều tương tự cũng đã xảy ra đối với khối Đông Âu sau
chiến tranh thế giới thứ hai. Các nước phía tây gần với Tây Âu (như Ba Lan, Séc)
nhanh chóng trở thành các nền dân chủ ổn định và gia nhập Liên minh Châu Âu,
trong khi tại các nước phía đông giáp Nga (như Ukraine, Belarus) thì chế độ dân
chủ rơi vào bất ổn, và có xu hướng quay lại với chế độ độc tài.
Tài liệu tổng hợp
- Jose Antonio Cheibub, Adam Przeworski, Fernando
Papaterra Limongi Neto, Michael M. Alvarez. “What Makes Democracies Endure?”.
Journal of Democracy
1:7, tháng 2 năm 1996, trang 39-55.
- Timothy Power và Nancy Powers, Issues In The Consolidation Of Democracy In Latin America And Southern Europe
In Comparative Perspective, Viện Nghiên cứu Quốc tế The Helen Kellogg, tháng 10
năm 1988.