Mô hình kinh tế chính trị Trung quốc

Posted on
  • Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,

  • Nguyễn Trường     

    KỶ NGUYÊN TÂN TRUNG QUỐC
    Tại trung tâm Trùng Khánh, ở miền Tây Trung Quốc trên bờ Sông Dương Tử, một tháp tưởng niệm sáu tầng đã được xây cất  dành cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến chống Nhật. Sau khi ngưởi Nhật phát động cuộc chiến xâm lăng vào năm 1937, chính quyền TQ đã phải di chuyển thủ đô từ Nam Kinh lên Trùng Khánh. Quyết định dời đô đã lôi kéo theo chiến dịch oanh tạc của Nhật, và Trùng Khánh đã bị tàn phá trong chiến tranh.
     Một năm sau ngày thành lập Tân Trung Quốc (1949), Chủ Tịch Mao Trạch Đông đã chính thức khai trương Tháp Tưởng Niệm Nhân Dân Giải Phóng (People's Liberation Memorial Tower). Cách đây 20 năm, Tháp Tưởng Niệm là kiến trúc cao nhất thành phố. Ngày nay, ngôi tháp bị bao che bởi ít nhất cũng ba tòa nhà chọc trời khổng lồ trong khu trung tâm thương mãi. Tọa lạc tại góc một khu phố dành cho du khách tản bộ, tòa tháp nhìn chẳng khác một tiệm hotdog ở Manhattan.
    Sáu thập kỷ vừa qua đã được đánh dấu bằng hai giai đoạn: giai đoạn I (1949-1978), dưới thời Mao, giai đoạn đói kém và cách mạng văn hóa; giai đoạn II, cũng kéo dài ba thập kỷ, dưới thời Đặng Tiểu Bình, giai đoạn cải cách và mở cửa, như người TQ thường gọi.
    Tuy vậy, sau sáu thập kỷ, TQ vẫn còn là một xứ tương đối nghèo nàn. Theo  IMF, TQ đứng  thứ 100 trên thế giới dựa trên lợi tức theo đầu người (per capita income). Yang Jiemian, chủ tịch các Viện Nghiên Cứu Quốc Tế ở Thượng Hải, đã gián tiếp nhắc đến tiềm năng bất ổn trong quá trình phát triển của TQ. Ông nói: "Thiểu số thượng lưu cầm quyền đã đồng thuận, TQ cần phải giữ đúng hướng: ba mươi năm qua đã đem lại nhiều thành tựu trong mọi mặt. Chúng tôi hy vọng trong cùng đường lối, nhưng với trọng tâm hơi khác, TQ có thể tiếp tục như thế  30 năm nữa"[1].
    Nhưng liệu TQ còn có thể có thêm một giai đoạn 30 năm giống ba thập kỷ vừa qua hay không? Giai đoạn 30 năm thứ ba của Tân Trung Quốc bắt đầu, khi cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới phơi bày những nhược điểm quan trọng của chủ nghĩa tư bản tân tự do toàn cầu, khi nguồn cung nhiên liệu hóa thạch tiệm giảm, hiện tượng rối loạn khí hậu tiệm tăng, và sự cạnh tranh kiểm soát các tài nguyên chiến lược  ngày một tăng tốc.
    Trong khi đó, TQ đang trong giai đoạn thực thi một chương trình kỹ nghệ hóa và đô thị hóa lớn nhất trong lịch sử nhân loại, một đề án đòi hỏi những ngạch số đầu tư và nhiên liệu hóa thạch khổng lồ. Chẳng khác gì  chúng ta đang chứng kiến một cuộc đua xe đường núi khi băng tuyết từ đỉnh sụp đổ, đang tuôn tràn xuống trước đoàn xe.
    Trong một dịp tiếp đón du khách tham quan nhà máy sản xuất xe hơi ở Trùng Khánh, hướng dẫn viên của hãng Chang'an Motors, chỉ các minivans hình hộp đang tuôn ra từ dây chuyền lắp ráp, đã hãnh diện tuyên bố: "có khoảng 800 triệu dân quê cần những xe như thế!"[2].
    Đã hẳn, anh ta nói đúng. Như Yu Qingtai, đại diện thương thuyết đặc biệt về thay đổi khí hậu, đã có dịp nói: "Không nên chờ đợi TQ mãi mãi là một vương quốc xe đạp"[3]. Nhưng thử tưởng tượng 800 triệu xe hơi mới!
    Những gì đang diễn ra ở TQ thật lớn lao và gây 'sốc'. Sự pha trộn giữa hoạch định và thị trường, giữa độc đoán và phân quyền, giữa kỷ năng và tham nhũng, vừa củng cố vừa bài bác mọi luận cứ về mô hình kinh tế chính trị. Vì vậy, sau nhiều lần  viếng thăm ngắn hạn một xứ 1,4 tỉ dân, người ta rất dễ đi đến những kết luận sai lầm.
    Nguy cơ sai lầm càng tăng khi khách tham quan thường được tháp tùng bởi những hướng dẫn viên có thể là đảng viên đảng Cộng sản hoặc các cựu quan chức nhà nước.
    Điều cần ghi nhớ, ở TQ, giới thượng lưu có rất nhiều ảnh hưởng. Thực vậy, họ thường là mẫu người Leninist tiên phong với phong cách trí thức kiểu Mỹ (meritocracy). Như Xu Kuangdi, nguyên thị trưởng Thượng Hải và đương kim chủ tịch Viện Hàn Lâm Kỷ Sư TQ (Chinese Academy of Engineering) đã nói," Cho phép tôi nói một cách gẩy gọn, hầu hết các doanh nhân thành công hay học giã hay kỹ sư - họ đều đã trở thành đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CPC)"[4].

    QUAN HỆ GIỮA CHÍNH QUYỀN VÀ NGƯỜI DÂN
    Trong thực tế, một khế ước xã hội bất thành văn chi phối quan hệ giữa cấp lãnh đạo và quảng đại quần chúng. Theo đó, chính quyền bảo đảm đem lại một tỉ suất tăng trưởng từ 8 đến 10% GDP, và 24 triệu việc làm mới mỗi năm. Để đổi lại, người dân sẽ không đặt nặng vấn đề chính đáng của CPC.
    Đây không phải một khế ước dễ thực hiện đối với chính quyền, thực ra, cũng đã có nhiều dấu hiệu rắc rối. Thực vậy, năm 2007 khoảng 80.000 vụ biểu tình phản đối đã được ghi nhận ở TQ, và mạng Internet đã đem lại một diễn đàn phê bình ngày một ồn ào các chính sách của nhà nước. Đề tài nóng bỏng nhất là nạn tham nhũng , đã được công luận chú ý nhiều tiếp theo sau cuộc động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, khi theo nhiều người, chính tham nhũng đã là nguyên nhân và phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của các trường ốc được xây cất không theo đúng luật lệ. Một vài quan chức nhà nước đã phải thú nhận, đe dọa lớn nhất đối với Đảng là nạn tham nhũng, một đe dọa từ bên trong. Mặc dù đã có vài vụ truy tố các viên chức cao cấp, chẳng hạn, vụ án liên quan đến 9.000 nghi can đang tiếp diễn ở Trùng Khánh, một cuộc thăm dò của Cơ Quan Thông Tấn TQ (China News Agency) cho biết: tham nhũng là đề tài quan tâm số một của người TQ.
    Ngoài tham nhũng, còn phải nói đến nhiều thách thức kinh tế thuần túy như duy trì tỉ suất tăng trưởng cao, đặc biệt trong tình trạng suy thoái toàn cầu; xuất khẩu, chiếm 35% GDP của TQ, trong năm 2009, đã sụt giảm 25%; sáu triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đang cần tìm kiếm việc làm. Được hỏi liệu điều gì sẽ xẩy ra nếu tỉ suất thất nghiệp ở TQ tăng lên mức 10%?  Một viên chức chính quyền địa phương gần Đập Tam Hợp (Three Gorges Dam), đã quả quyết: điều đó sẽ không thể xẩy ra trong hệ thống hiện nay. Các quan chức TQ luôn tỏ ra tin tưởng ở tình trạng ổn định. Tuy nhiên, đôi khi các nhà quan sát vẫn có thể bất chợt bắt gặp dấu hiệu những bất trắc và đe dọa đối với trật tự công cộng. Wen Tianping, phát ngôn viên của chính quyền Trùng Khánh, đã tiết lộ, "các quan chức chính quyền TQ đang đối đầu với rất nhiều áp lực. Chúng tôi làm việc dưới nhiều áp lực nặng nề và chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn"[5].
    Khó khăn lớn nhất là vấn đề di trú. Nếu các xứ phát triển như Hoa Kỳ và thành viên Liên Hiệp Âu châu luôn đối diện với dân nhập cư từ thế giới đang phát triển, TQ cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Điểm khác biệt là TQ luôn đối diện với cả hai thế giới, phát triển và đang phát triển, ngay bên trong biên giới của chính mình.
    Phương cách đối phó với dòng nhập cư của TQ cũng không mấy khác các quốc gia  phát triển. Giấy phép cư trú hay chế độ "hộ khẩu" ràng buộc người dân với quê quán, qua hình thức buộc chặt các dịch vụ xã hội - y tế, hưu bổng, và quan trọng hơn cả, trường học - vào nơi cư trú.  Nếu những tường rào cản và luật lệ khó lòng chận đứng dòng di dân từ Mexico đến Hoa Kỳ vì động lực kinh tế quá chênh lệch, những quy luật nội bộ của TQ cũng không ngăn chặn được dòng chảy di dân từ nông thôn ra thành thị.
    Như Paul Mak, một doanh nhân Mỹ gốc Hoa, làm việc cho công ty Mary Kay Hoa Kỳ ở Thượng Hải 12 năm qua, đã nói: "những di dân nầy mãi mãi vẫn là nhân công du cư. Một nhân công du cư không thể trở thành một thường trú nhân ở Thượng Hải.  Ngày nay, nếu có bằng đại học, bạn có thể đến, bằng thiếu học vấn, bạn vô phương. Bạn thuộc tầng lớp vô danh bất định"[6].
    Lớp người đông đảo sống bên lề xã hội đã khiến chính quyền TQ luôn trăn trở, bởi lẽ nhà cầm quyền muốn tránh kinh nghiệm của nhiều xứ đang phát triển, từ Brazil đến Ấn Độ, từng trải nghiệm sự lan tràn của những khu nhà ổ chuột, chen chúc, nghèo khổ, và khó lòng kiểm soát, trong những thành phố lớn của họ.
    Wen, phát ngôn nhân Thành Phố Thượng Hải, đã nói, "Chúng tôi đã học được nhiều bài học từ các xứ khác, kể cả cái gọi là bẩy sập của các xứ Mỹ La Tinh trong quá trình đô thị hóa.  Chính quyền các xứ nầy đã không suy nghĩ chính chắn về chương trình đô thị hóa. Đông đảo dân quê đổ ra thành thị và đã không thể kiếm được việc làm. Chính vì vậy, nhiều khu nhà ổ chuột đã xuất hiện ở các xứ nầy"[7].
    Như một thú nhận đã không thể  kiểm soát dòng nhân công du cư, chính quyền Thượng Hải gần đây đã loan báo những cải cách, cho phép các nhân công du cư gửi con đến các trường công lập trong thành phố nơi họ làm việc. Dù ngăn chặn các nhân công nhập cư trái phép là vấn đề rất quan trọng, nhưng tạo một tầng lớp lao động thấp kém từ các con em thiếu học cũng là một hậu quả nhà cầm quyền Thượng Hải quyết định phải cố tránh bằng mọi giá.
    Bên cạnh hố cách biệt thành thị-thôn quê còn có một hố cách biệt giữa các tầng lớp xã hội. Dân nông thôn là tầng lớp cách mạng nguyên thủy của TQ. Trong khi hàng trăm triệu thôn dân còn bị buộc chặt vào cuộc sống thiếu thốn tiền kỹ nghệ, các tầng lớp thiểu số cầm quyền ở Thượng Hải và Bắc Kinh đang sống cuộc đời vương giả, còn hơn cả các ngân hàng gia Goldman Sachs. Một món khai vị, ở nhà hàng ăn toàn bằng kính, trên lầu thượng bảo tàng viện mỹ nghệ, giá 40 USD, trong khi lợi tức theo đầu người của khoảng 800 triệu nông dân TQ vào năm 2007 chỉ 50 USD mỗi tháng. Quản lý dòng chảy nhân công và định cư các di dân từ nông thôn ra thành thị cũng là  phương tiện quản lý một cội nguồn căng thẳng xã hội rất dễ bùng nổ.

    TRÙNG KHÁNH -  THÍ ĐIỂM ĐẦY THAM VỌNG
    Trùng Khánh là một TQ thu hẹp. Với một diện tích bằng bang Maine ở Hoa Kỳ, Trùng Khánh có một dân số 31 triệu, với môt thị trấn lớn 5 triệu dân và một số thành phố vệ tinh. Trên phương diện hành chánh, năm 1997, Trùng khánh đã được nâng cấp thành tỉnh thí điểm. Và chính quyền địa phương đã tập trung nổ lực giải quyết vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị ngay trong phạm vi lãnh thổ tỉnh. Chính quyền tỉnh hy vọng dùng Trùng Khánh làm mô hình thí điểm để tìm giải pháp cho các vấn đề TQ đang phải đối phó.
    Trong nhãn quan chính quyền Trùng Khánh, hoạch định là yếu tố then chốt. Theo Qian Lee, nhân viên Phòng Kinh Tế Đối Ngoại, "Chúng tôi có sẵn trong đầu kế hoạch, thời khóa biểu , và mục tiêu mỗi khi làm bất cứ việc gì"[8].
    Wen nói: "Chúng tôi, chính quyền cấp tỉnh, hướng dẫn và giúp phân loại những ai có thể đến các thành phố. Di dân được xếp vào vài tầng lớp. Nhóm đầu tiên sẽ đến trung tâm thành phố. Nhóm thứ hai đến sáu trung tâm cấp khu vực chúng tôi đang xây cất. Và nhóm thứ ba sẽ đến những khu phố kế cận làng quê của họ, như các thành phố nhỏ ...Chúng tôi có 31 khu trung tâm và 103 thành phố nhỏ"[9]. Đối với mỗi nhóm - trung tâm Trùng Khánh, sáu thành phố vệ tinh, và 31 khu trung tâm - chính quyền quyết định mức dân số hằng năm cho ba năm sắp tới.
    Trùng Khánh, rất tự hào với viễn kiến hoạch định của chính mình, đã xây một phòng triển lãm 50 triệu USD trên bờ sông Dương Tử, để trưng bày mô hình quá khứ, hiện tại, và tương lai của tỉnh. Trọng tâm của phòng triễn lãm là mô hình thành phố rộng 892 thước vuông. Nhân viên hướng dẫn bấm nút đầu, màn ảnh buông xuống mô hình, các con sông với mầu xanh da trời chói sáng; bấm một nút khác, các khu phố bật sáng cho thấy những công trình xây cất sẽ hoàn thành trong 5 năm tới, rồi 10 năm tới. Cuối cùng, hướng dẫn viên bật tất cả đèn, một Trùng Khánh tương lai thu nhỏ đầy ánh sáng xuất hiện. Sau hết, nhân viên hướng dẫn đưa tới một phòng với màn hình 360 độ, kiểm soát bởi hệ thống vi tính, chiếu toàn cảnh đô thị tương lai. Không giống Trùng Khánh bên ngoài, luôn ảm đạm và mù sương, Trùng Khánh trong mô hình ngập đầy ánh sáng mặt trời, và có lẽ do sơ suất của tác giã mô hình, không một bóng người trong thế giới Trùng Khánh mới - với các căn hộ chung cư dọc bờ sông đắt tiền, vận động trường lộ thiên, và các hành lang trong các tòa cao ốc  - là người Trung Quốc.
    Những nét đặc trưng sống động dọc các hành lang trong khu triễn lãm, phản ảnh một niềm tin cao độ vào hoạch định khoa học tiến bộ, đem lại cho du khách một cảm nhận khác xa bộ mặt chán chường buồn tẻ của nước Mỹ năm 2009. Không có gì phản ảnh niềm tin sinh động tốt hơn là Đập Tam Hợp. TQ đã bỏ ra 15 năm và 30 tỉ USD để xây dựng công trình, ước lượng sẽ cung cấp 4% điện lực TQ, tương đương với 500 nhà máy nhiệt điện. Và 1,25 triệu cư dân dọc bờ sông Dương Tử đã phải giải tỏa, 1.500 địa điểm cổ kính, kể cả đền chùa, đã bị nhận chìm.
    Đối với thiểu số quyền lực ở TQ, tương lai là tất cả. Mặc dù văn minh TQ đã trải dài trên 5000 năm, chằng ai buồn để ý đến những gì đã xẩy ra trước năm 1978. Chủ nghĩa tương lai cực đoan đó rất dễ trở thành đề tài diểu cợt, nhưng hình như đây là thế giới quan duy nhất người ta có thể bám víu trước những thử thách các nhà hoạch định TQ đang phải khống chế. Thử chọn bất cứ thành phố lớn nào ở Hoa Kỳ và bắt đầu nhận thêm 500.000 người mỗi năm. Không lâu, thành phố đó sẽ sụp đổ. Không dễ gì thiết kế một hệ thống cống rảnh cho một thành phố tăng trưởng theo nhịp đó. Thử hỏi 10 triệu cư dân trong các khu ổ chuột ở Mumbai, đời sống của họ chìm đắm trong rác thải hôi hám chỉ vì không ai có thể tiếp cận một hệ thống cống rãnh. Vì vậy, mô hình Trùng Khánh đang đem lại hy vọng, ít ra trên bình diện kỹ thuật, và là viễn kiến xem như đã đạt trình độ tuyệt tác đầy ấn tượng, đang được theo đuổi và thực hiện.

    CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VỚI NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG TRUNG QUỐC
    Thái độ luôn bị ám ảnh bởi hoạch định đô thị của người TQ dính liền với niềm tin ở  tính ưu việt  của hoạch định kinh tế. Theo diễn giải của Phái Tân Tự Do Hoa Kỳ, mô hình TQ chứng tỏ chủ nghĩa tư bản đã giúp giải phóng hàng triệu người dân khỏi đói rách: những cải cách thị trường đã đưa đến tăng trưởng và thịnh vượng qua sự cởi bỏ các xiềng xích can thiệp của nhà nước.
    Lối giải thích "câu chuyện ngụ ngôn TQ" trên đây có quá nhiều thiếu sót: các định chế nòng cốt của kinh tế như viễn thông, năng lượng, vận tải, nhất là tài chánh, đều do nhà nước kiểm soát. Chẳng hạn, bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất ở TQ đã chiếm tới 80% thị phần.
    Hoạch định như chính quyền TQ thực thi được người Mỹ xem như một đường lối lỗi thời tai họa và mất hết uy tín, chẳng khác gì sở khí tượng quốc gia hoàn toàn dựa  vào chiêm tinh.
    Trong thực tế, tạm quên các nhược điểm của sự can thiệp của chính quyền, khu vực tài chánh phần lớn do chính quyền kiểm soát đã giúp TQ  tránh khỏi chẳng những các hệ lụy tai họa của khủng hoảng tài chánh 2008, mà còn các sai lầm tệ hại trong sự phân phối tài nguyên như hệ thống tài chánh toàn cầu đã gây ra ở các quốc gia Tây phương trong mười năm qua. Do đó, Qian Lee, một quan chức chính quyền Trùng Khánh, đã không ngăn được vui mừng trước những thành quả ngoạn mục của đường lối TQ: "Điều nầy đã được giới sử dụng Internet ở TQ thảo luận và họ gợi ý: khi đến TQ, Obama nên thảo luận với Hồ Cẩm Đào về tầm quan trọng của các kế hoạch. Đây là điều tôi nghĩ chúng ta có thể trình bày với người bạn Mỹ của chúng ta"[10].
    Để đối phó với hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, chính quyền TQ đã tập trung nổ lực duy trì tỉ suất tăng trưởng cao và ngăn ngừa tỉ suất thất nghiệp gia tăng. Chính quyền trung ương đã chấp thuận một gói kích cầu 4.000 tỉ nhân dân tệ  - 70% ngân sách hàng năm, và các ngân hàng quốc doanh được chỉ thị không được sa thải nhân viên. Kết quả: hầu hết tỉ suất tăng trưởng của TQ trong năm rồi là do đầu tư công của Nhà Nước. Chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu và sự sụp đổ trong thị trường tiêu thụ Hoa Kỳ kể từ khi TQ bắt đầu các cải cách, chính quyền TQ đã thành công duy trì tỉ suất tăng trưởng 8,7% GDP, giữ được phần cam kết của mình trong khế ước xã hội bất thành văn. Đây là một thành công không nhỏ. Tuy nhiên, liệu TQ có thể duy trì tỉ suất tăng trưởng trong năm tới, nếu số cầu toàn cầu tiếp tục suy giảm, là một vấn đề chưa ai có giải đáp.
    Trong mọi trường hợp, kinh tế TQ, tuy là một nền kinh tế khổng lồ và phồn thịnh, vẫn không phải không có nhiều nhược điểm. Sự thiếu vắng đáng phiền trách một mạng lưới an sinh xã hội, mặc dù đã giúp đem lại một tỉ suất tiết kiệm cao, theo nhiều kinh tế gia, cũng là vật cản lớn nhất trên đường chuyển tiếp cần thiết đến một nền kinh tế lấy tiêu thụ quốc nội làm đầu tàu (đó là chưa kể công bằng và an sinh căn bản đối với hàng trăm triệu công dân). Điều nầy nối kết với vấn đề phân phối lợi tức quan trọng hơn nhiều, một vấn đề  kinh tế chính trị đầy thử thách, mặc dù cả hai có một quan hệ kỳ lạ, đôi khi bí ẩn. Yang Jeimian, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế Thượng Hải, thú nhận: "Chúng tôi cũng âu lo về vấn đề bình đẳng. Chúng tôi cũng cần chú ý đến các vấn đề phân phối, phân phối quyền hạn, thuế, bệnh viện, săn sóc y tế"[11].
    Khi được hỏi về  đề tài phân phối lợi tức, các quan chức TQ xác nhận họ đang có vấn đề, nhưng  họ luôn cảnh cáo: thành đạt một xã hội công bằng hơn sẽ đòi hỏi thời gianXu Kuangdi, nguyên thị trưởng Thượng Hải và người có uy tín trong CPC, chỉ là một trong số vài người luôn nhắc đến lời khuyên các đảng viên của Đặng Tiểu Bình khi họ Đặng phát động phong trào cải cách: "Cứ để vài người làm giàu trước"[12].
    Ở đây một vấn đề cần được đặt ra: bao nhiêu là "vài", bao nhiêu tài sản mới gọi là "giàu", và kéo dài bao lâu mới gọi là "trước"?
    Đã hẳn, TQ đã đạt nhiều tiến bộ trong các địa hạt nầy: cải thiện dịch vụ y tế ở nông thôn, bỏ nhiều loại thuế đối với nông dân, và ban hành luật lao động ấn định lương tối thiểu, giờ phụ trội, và nhiều biện pháp bảo vệ khác (phải nói rõ trước sự chống đối của Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ). Nhưng trong khi mọi việc về phía doanh thương ở TQ đều tiến rất nhanh, dự án đem lại bình đẳng, công lý và an sinh xã hội lại diễn tiến chậm hơn rất nhiều.
    Theo Xu, tất cả đều trong kế hoạch: "Hãy nhìn các xứ láng giềng ở Á châu của chúng tôi. Nam Hàn: tỉ suất phát triển cao nhất đã diễn ra dưới chế độ quân phiệt...Indonesia đã thành công dưới thời Suharto, nhưng gần đây đang gặp trì trệ và khó khăn"[13]. Lý do : dân chủ là một trở ngại cho tiến bộ kinh tế, người nghèo muốn chia tài sản của người giàu... Xu nói "Nếu người TQ chúng tôi, bắt chước bầu cử trực tiếp ngay bây giờ, dân chúng sẽ nói, tôi muốn mọi người đều có việc làm tốt. Vài người khác sẽ nói, tôi sẽ chia tài sản của người giàu cho người nghèo, và anh ta sẽ đắc cử. Tất cả đều vô ích: bình đẳng sẽ không giải quyết vấn đề phát triển kinh tế. Vì vậy, chúng tôi đang theo chính sách cải cách tiệm tiến, từng bước một. Như ông Đặng đã nói,chúng ta sẽ vượt qua sông bằng cách lần bước trên các tảng đá. Chúng tôi sẽ không bị chết đuối, và chúng tôi sẽ qua được bên kia sông"[14].
    Trong khi Xu, một lãnh tụ đảng, có đủ quyền hạn để phát biểu rõ ràng, hầu như không một ai khác có thể thảo luận chính trị một cách thẳng thắn như thế. Ở TQ, kinh tế đã thay thế chính trị - đem lại chất lượng cho các cuộc tranh luận công cộng. Bạn không thể đòi hỏi bầu cử hay một Tây Tạng tự do, nhưng bạn có thể phổ biến các cuộc bút chiến nóng bỏng về các quyết định của chính quyền tiếp tục mua trái phiếu ngân khố của Mỹ.

    ĐÔNG VÀ TÂY
    Nhưng Wang Hui, nhân vật bất đồng chính kiến đơn độc, lại nói, các cố gắng của chính quyền duy trì một ranh giới rõ rệt - giữa những chỉ trích chính đáng quá trình làm chính sách kinh tế và các chỉ trích không chính đáng nền tảng của quá trình nầy - sẽ không luôn thành công. Wang lập luận, xu hướng xã hội chủ nghĩa, trên danh nghĩa, đã đem lại cho người dân ngôn từ để chỉ trích chính quyền. Tình trạng nghịch lý là nhiều người dân có thể dùng chũ nghĩa Mác-Lê để bảo vệ quyền lợi của chính mình, bởi lẽ có một mâu thuẩn thực sự giữa chủ trương lý thuyết và những gì xẩy ra trong thực tế.
    Rõ ràng thảo luận chính trị là một điều cấm kỵ. Nhưng theo Wang, nếu một đề tài được quần chúng quan tâm, chính quyền ngày nay cảm thấy buộc lòng phải đáp ứng. Vấn đề là chúng ta cần phải có đủ khả năng và bản lĩnh tạo ra một không gian cho các tranh luận công cộng.
    Người Mỹ có khuynh hướng xem TQ như đang theo đuổi một mô hình thay thế mang tính đe dọa cho tương lai, một mô hình vừa quyến rủ vừa ghê tởm, đáng thèm muốn và đáng khinh.
    TQ đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một quốc gia độc tài, chuyên quyền, nghèo đói, đến một tập đoàn lãnh đạo kỹ nghệ (industrial, corporatist oligarchy) chấp nhận thảo luận sôi nổi, gay gắt, trong khi vẫn nổ lực bám lấy quyền hành. Có lẽ, một cách nào đó, người Mỹ cũng đang di chuyển về cùng một điểm, từ hướng dân chủ, thảo luận công cộng ồn ào, và phân cực chính trị, che mờ một thực tế quyền hành và tiền bạc tiếp tục tập trung trong tay một thiểu số thượng lưu cầm quyền (Corporate America) luôn cảm thấy đang bị bao vây bởi một quần chúng khó kiểm soát và cũng chẳng biết tri ân.
    Một  bên, một Nhà Nước với đất đai và tài nguyên thiên nhiên được tái xã hội hóa.
    Bên kia, một chính quyền" dân chủ, tự do, đa nguyên đa đảng, tư hữu trên nguyên tắc", trong khi quyền hành thực sự nằm trong tay tập đoàn quân sự kỹ nghệ thiểu số.
    Xét cho cùng,  thật khó lòng thẩm định chính xác mô hình nào ưu việt hơn, hữu hiệu và hoàn hảo hơn mô hình nào.
    GS Ngyễn Trường
    Irvine, CA 92606, U.S.A.
    23-02-2010


    [1] It has become the consensus of the elites that China should stay on the right track: the past thirty years have resulted in remarkable achievements in all aspects of China. We hope that in the same vein, but in different emphasis, China could have another thirty years.
    [2] There are 800 million Chinese peasants who need these cars!
    [3] [China] should not be expected to stay forever as a bicycle kingdom.
    [4] Let me put it simply. Most successful businessmen or scholars or engineers - they have become party members of the CPC.
    [5] Chinese government officials face a lot of pressures. We work under extreme pressures and we have a lot of difficulties.
    [6] They can be migrant workers forever. A migrant worker cannot become a resident of Shanghai. Now if you have a college degree you can come but not without education. You have a class of people in this limbo.
    [7] We have learned many lessons from other countries, including the so-called Latin American trap during the urbanization process. The government didn't think throughly about urbanization. Huge numbers of villagers cà to the cities and they couldn't find a job. That's why they are so many slums.
    [8] We have plans, timetables and goals in our minds whenever we do anything.
    [9] We as a government give guidance and sort of categorize those who want to come to the cities. There are several tiers... The first group of villagers will go to the downtown center. The second group will go to six regional centers we are building. And the third group will go to the urban places that are closest to their home villages, such as the country towns and townships...We have thirty-one district centers and 103 towns.
    [10] This has been discussed by Internet users in China who say, when Obama comes to China, that he can discuss with Hu Jintao about the importance of plans. This is something I think we can present to our American friend.
    [11] We do worry about equality. We do need to focus on distribution, allocation of rights, taxes, hospitals, healthcare.
    [12] Let some people get rich first.
    [13] Let's look at our neighboring Asian countries. South Korea: its peak developing speed was reached using military rule...Indonesia was successful during the reign of Suharto but recently it faces stalemate and difficulties.
    [14] If we Chinese copied the directly elected situation today, people will say, 'I want everyone to have a good job'. Someone will say, 'I will devide the property of the rich people to the poor people', and he will be elected. It is useless: parity will not solve the problem of economic development. That is why we are taking a gradual and step-by-step approach in reform. As Mr. Deng said, we will cross the river by touching the stones. We will not get ourselves drowned, and we will cross the river.
    Nguồn:http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/kinhte/mohinhktcttq.htm
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org