Tự do dân chủ: kinh nghiệm Bắc Phi và Trung Đông

Posted on
  • Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,

  • Nguyễn Trường     
       
        
    Từ Ai Cập đến Pakistan, tháng 2-2011 sẽ được nhớ như một tháng đầy biến động bất thường,  gây bối rối cho Hoa Kỳ. Người Mỹ đã say mê trước cảnh tượng tự do dân chủ vì họ cảm thấy chính họ lẽ ra đã phải được tham dự một cách nào đó. Khắp Bắc Phi và Trung Đông, nhiều phong trào quần chúng đã trỗi dậy đòi hỏi tự do và dân chủ trong hòa bình, điều trước đây họ thường nhìn về phía Hoa Kỳ như khuôn mẩu để noi theo.
    Nhiều người đang tự hỏi vì sao ngày nay họ không  còn ngưởng mộ người Mỹ?
    Câu trả lời đã lúc một rõ nét với mỗi lời tuyên bố mập mờ và mỗi bước ngập ngừng của chính quyền Obama trong quá trình tìm giải pháp. Đã là người, mấy ai không bối rối ngượng ngùng khi chân tướng bị bại lộ, nhất là khi đã tìm hết cách che dấu. Điều nầy chẳng những đúng với cá nhân mà ngay cả với các quốc gia. Đã hẳn, các quốc gia đầy đủ chủ quyền  là những chủ thể trừu tượng, không thể có cảm xúc như các cá nhân, nhưng đôi khi vẫn nên tỏ ra biết ngượng ngùng, nếu có thể.
    Tổng Thống Ai Cập Hosni Mubarak cuối cùng đã bị truất phế trước sự trổi dậy của quần chúng bất bạo động, bắt đầu từ Cairo và lan tràn đến Alexandria, Suez và nhiều thành phố khác. Thoạt đầu, Mubarak đã hành xử ưu quyền để cử người kế vị. Tiếp đó, Mubarak đã đổi ý và từ chối rời chức vụ. Cuối cùng, ông đã phải hàng phục trước áp lực đòi hỏi liên tục của nhân dân và quân đội.
    Suốt 18 ngày đêm biến động, Hoa Thịnh Đốn đã luôn nói đến nhu cầu một "chuyển tiếp trong trật tự"[1]. T T Obama và các cố vấn hình như đã đứng về phía người dân biểu tình, một cách mập mờ và đầy cảm tính. Tuy vậy, họ chưa bao giờ tìm cách tiếp xúc, ngay cả với nhân vật nổi tiếng Mohamed ElBaradi, nguyên tổng Giám Đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (International Atomic Energy Agency - IAEA), người năm 2005 đã được giải Nobel hòa bình.
    Người Mỹ đã rất thận trọng không làm mếch lòng Mubarak. Khoảng ba  ngày sau khi Obama gửi đặc sứ Frank Wisner (nguyên đại sứ và bạn của Mubarak) đến gặp Mubarak, thế giới những tưởng người Mỹ đang hoạch định một quá trình tiển biệt lâu dài. Đó là cách trả lời của Mỹ đối với sự biểu hiện ý chí vô tiền khoáng hậu của nhân dân Ai Cập. 
    Nhưng rồi làn sóng chống đối đã cuốn hút hàng triệu người. Theo vài ước tính , khoảng gần 1/4 trong số 81 triệu dân đã hăng say xuống đường tham dự. Các cuộc biểu tình ở quảng trường Tahrir và nhiều thành phố khác không hề mang tính phá  họai của những đám đông cướp bóc bạo động. Ngay cả những công dân đáng kính - bác sĩ, luật sư, giáo sư, chủ nhà hàng, đàn bà, đàn ông... dần dần đều bị cuốn hút, tham gia biểu tình sau giờ làm việc, cùng chung sức tranh đấu ngay cả thâu đêm ở quảng trường.
    T T Obama chỉ công khai ủng hộ khi các cuộc xuống đường đã thành công. Thực vậy, trong một tuyên bố phơi bày sự thật , Obama đã nói ông rất vinh dự được chứng kiến "lịch sử đang diễn tiến"[2]. Tổng Thống còn nói thêm, kết quả chỉ thuộc về chính nhân dân Ai Cập.
    Tuy vậy, một cách công bằng, các người chống đối vẫn có thể trả lời: họ chẳng nợ nần gì ở sự giúp đỡ của Mỹ. Phải chăng thái độ " bàng quan vô cảm" là điều khó tránh?
    Nhìn kỷ lại trình tự các biến cố, chúng ta sẽ thấy một bức tranh đầy mâu thuẩn trong chính sách của Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ vừa qua. Ngay trong ngày đầu của làn sóng phản đối, bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton đã tuyên bố: chính quyền Ai Cập rất "ổn định". Hai ngày sau, trong một bản tin, Phó T T Joe Biden đã từ chối, không  xem Mubarak như một nhà độc tài. Ngày tiếp theo, T T Obama cho biết ông đã nói chuyện với Mubarak, và đã "thúc đẩy Mubarack thỏa mãn các nguyện vọng của nhân dân Ai Cập"[3].
    Nếu điều đó có vẻ mập mờ, nhiều phản ứng sau đó càng mập mờ hơn nữa. Sau khi đã gửi Wisner đến Cairo, Obama cam kết: "một chuyển tiếp trong trật tự phải có ý nghĩa, phải mang tính hòa bình, và phải bắt đầu ngay bây giờ" Một mệnh lệnh mang tính mong ước - không nói rõ ý nghĩa của những từ "trong trật tự", "ngay bây giờ", và "có ý nghĩa".
    Ngày thứ 9, chính quyền Obama dùng từ "quan ngại" khi đề cập sự kiện đàn áp người biểu tình của cảnh sát, nhưng không quan ngại đủ để có hành động. Tuy nhiên, một lần nữa Obama đã gọi điện cho Mubarack. Trong câu chuyện riêng tư, Tổng Thống gợi ý đã đến lúc Mubarack phải ra đi. Mubarack đã không ra đi.
    Biến động ngày thứ 12 đã đem lại một thay đổi đáng ngạc nhiên trong lập trường bàng quan của tòa Bạch Ốc. Từ Cairo trở về, Wisner quả quyết Mubarack cần được tiếp tục nhiệm vụ thêm vài tháng, bởi lẽ "vai trò tiếp tục lãnh đạo thiết yếu của Mubarack"[5]Hillary Clinton cũng xác quyết mọi chuyển tiếp qua dân chủ đều "cần thời gian; còn có vài việc phải làm để chuẩn bị"[6]. Tuy vậy, Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao cũng đã bỏ công chứng tỏ đã không dính dáng gì đến ý kiến rõ ràng bảo thủ trong huấn thị của Wisner.
    Cho đến phút chót, Obama đã không vượt quá giới hạn các lời tuyên bố nhẹ nhàng, với ý nghĩa thực tế rất mù mờ. Chẳng hạn, ngày thứ 13, T T Obama đã phải chấp nhận "Ai Cập sẽ không trở lại tình trạng tiền-khủng-hoảng"[7]. Trong lúc chờ đợi, chính quyền Obama đã công khai tuyên bố ủng hộ các "cải cách thực sự, cụ thể"[8] nhưng không nói rõ những cải cách nào.

    ỔN ĐỊNH TRƯỚC, DÂN CHỦ SAU
    Nếu bảo các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã tự bảo vệ một cách trơ trẽn, đó quả là một nhận định quá bi hài. Nếu nói họ đã tỏ ra bối rối trước những trở ngại không thể tiên liệu, có lẽ chúng ta đã quá rộng lượng. Họ không thể tránh tuyên bố ủng hộ dân chủ bởi lẽ dân chủ là chiêu bài, là lý tưởng, là giáo điều của chính Hoa Kỳ. Nếu hành động của họ đôi khi phản ảnh hay để lộ bộ mặt đạo đức giả, lời nói, tuyên bố, hay tuyên ngôn của họ lại luôn đơn điệu đề cao "lòng chân thật" của chính mình. Như vậy, tại sao chính sách của Hoa Kỳ trong tháng 2-2011 lại thiếu nối kết một cách quá lộ liễu?
    Hoa Kỳ đã liên tục hậu thuẫn một loạt các người hùng ở Ai Cập ngay từ 1952, khi CIA tin chắc Gamal Abdel Nasser là lãnh tụ chống Cộng kiên trì. Hoa Kỳ đã dành cho Ai Cập một khoản viện trợ, phần lớn là quân sự, 1,3 tỉ USD mỗi năm. Trong tất cả các quốc gia khách hàng của Mỹ, chỉ Do Thái là nước được Mỹ viện trợ nhiều hơn, 3 tỉ mỗi năm. Từ lâu, Hoa Thịnh Đốn luôn vững tin Ai Cập và Do Thái là hai quốc gia đại diện cho Hoa Kỳ giám sát vùng Trung Đông. Vì vậy, một cuộc nổi dậy bất bạo động ở West Bank (Bờ Tây), nếu xẩy ra, cũng sẽ gây bối rối cho Hoa Thịnh Đốn không kém các biến động trong tháng 2-2011 ở Ai Cập. Sự lúng túng, khó xử là một phần của thực trạng hiển nhiên.
    Một phỏng đoán công bằng: Obama đã không kém bối rối trong riêng tư cũng như trước công chúng. Khi nói chuyện với Mubarack, lời lẽ của  tổng thống cũng úp mở, mang tính đoan nghiêm: "Ngài phải rời bỏ chức vụ, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi ngài"[9]...hay những lời tương tự. Sự khác biệt giữa thái độ mất tự tin của chính Mubarak trong  lần đầu nói chuyện trực tiếp truyền hình với nhân dân và bình tỉnh tự tin trong lần thứ hai, có thể được giải thích dễ dàng bởi tín hiệu từ phía Mỹ ông ta hiểu như một bằng chứng đang được hậu thuẫn.
    Nhiều người còn nhớ, "tôi sẽ không bỏ rơi bạn" là thông điệp Barack Obama đã gửi cho nguyên Bộ Trưởng Ngân Khố Hank Paulson (khi Obama còn là một ứng cử viên); cho các ngân hàng và các xí nghiệp tài chánh (tháng 2-2009); cho Dick Cheney và các luật sư trong vụ tra tấn tù nhân(trong bài nói chuyện ở Cơ Quan Văn Khố  Quốc Gia, tháng 5-2009); cho Tướng David Petraeus (trong những tháng trước khi tái duyệt cuộc chiến Afghanistan 2009); cho Thủ Tướng Benjamin Netanyahu qua bộ trưởng quốc phòng Do Thái Ehud Barak (mùa hè 2009); và cho Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ (tháng 2-2011).
    Nhu cầu trấn an hình như là đặc điểm không thể tách rời con người Obama. Ông thường củng cố quan hệ với đối tượng trước khi đi đến các quyết định quan trọng, bất kể đối tượng đã mất hết uy tín, bất kể trước đó ông đã khinh thường đối tượng như thế nào. Phản ứng của Obama luôn là nhượng bộ trước người có thế lực, mặc dù ông đang ở vị thế có lợi. Obama không phải kiểu người thích đối kháng.
    Nói một cách khác, Obama rõ rệt không thích hay luôn ghét khủng hoảng. Obama ghét ngay chính ý tưởng bất ổn, đến độ ông không thể sử dụng một khủng hoảng để làm lợi cho chính mình. Theo nhận xét của giới quan sát, cho đến nay, rất hiếm khi Obama là người đầu, người thứ hai hay thứ ba trong pḥng công nhận đang có khủng hoảng.Tính do dự đến mức vô cảm và giọng điệu "siêu quản lý" trong vụ tràn dầu BP là một minh họa sinh động của nét đặc trưng vừa nói. Vụ khủng hoảng Ai Cập là một minh chứng khác.
    Vần đề là những lời tuyên bố và hành động cuả T T Obama và các cố vấn đã tác động như thế nào đến người Ai Cập đã xả thân tham gia biểu tình đòi tự do? Câu chuyện, đăng trên báo The New York Times ngày 6-2-2011, của Kareem Fahim, Mark Landler, và Anthony Shadid, đã kết luận "các động thái của họ tương đương với một sự cự tuyệt đối với phe biểu tình phản đối; và khi nhấn mạnh nhu cầu một thời gian chuyển tiếp tuần tự, chỉ vài ngày sau khi nhấn mạnh sự thay đổi phải bắt đầu ngay tức khắc, chính quyền Obama đã được xem như đang dần dần tách xa các người biểu tình và nghiêng về hướng hậu thuẫn mạnh mẽ nhóm lãnh đạo do chính Mubarack chọn lựa".[10]
    Để nắm bắt lối đi zig-zag trong chính sách của Hoa Kỳ trong suốt 18 ngày trước khi Mubarack bị lật đổ là một việc cực kỳ khó khăn. Công bằng mà nói, với chính quyền Obama - từ ý nghĩ biểu tình chống đối chẳng có ý nghĩa gì, đến biện hộ cho một chuyển tiếp trong trật tự, đến tiến độ chậm chạp cần thiết của giai đoạn chuyển tiếp, đến trách móc Mubarack rõ ràng dậm chân tại chỗ, đến vui mừng trước sự chiến thắng của tự do -  tất cả đã diễn ra chỉ trong vòng hai tuần lễ.
    Vì sao người Mỹ đã không có một tiếng nói thống nhất? Chúng ta thường dùng từ "dân chủ và uy tín của từ nầy" một cách vô cảm đến độ phải ngạc nhiên khi đối mặt với dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp. Nhưng ở đây, sự bối rối chẳng những công cộng và ngoại giao, mà còn mang tính cá nhân và tình cảm. Một tên độc tài, trong một quan hệ lâu dài, có thể trở thành một cộng tác viên thân thiện và thoải mái. Thực vậy, trong tuần lễ thứ hai, tháng 2-2011, tin tức tiết lộ công ty luật của Wisner, công ty Patton Boggs, trước đó đã giữ nhiệm vụ trọng tài và tố tụng, đại diện cho chính quyền Mubarack; và bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton trong tháng 3-2009 đã từng tiết lộ: "Tôi thực sự xem Tổng Thống và bà Mubarack như những người bạn của gia đình ."[11]

    CHÍNH TRỊ MỸ VÀ CHU KỲ BẦU CỬ
    Nếu các quan chức Hoa Kỳ, khi nhìn Ai Cập, thường cảm thấy "gần gũi, thân thiết", bất cứ ai quen thuộc với lịch sử chính sách Trung Đông của Mỹ đều có thể dễ dàng hiểu được lý do. Ở đây, chúng ta chỉ muốn nhắc đến Do Thái và sự hiện diện thường xuyên của Do Thái trong chính trị Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng 3 tháng qua, Sarah Palin đã công bố kế hoạch thăm viếng Do Thái, và Mike Huckabee, người Do Thái theo đạo cơ đốc, đã nóiHoa Kỳ nên "khuyến khích người Do Thái xây dựng [các khu định cư], càng nhiều và càng nhanh nếu có thể"[12]ở Bờ Tây và Đông Jerusalem.
    Barack Obama cũng không dửng dưng trước các áp lực vừa nói. Trong những năm trước đây, Obama đã từng tỏ ra thực sự có cảm tình đối với chính nghĩa độc lập của Palestine. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi vào mấy tháng cuối vận động tranh cử  trong năm 2008. Trong bài nói chuyện trước Ủy Ban Do Thái Vụ Hoa Kỳ (AIPAC - American Israel Public Affairs Committee), tháng 6-2008, Obama đã đưa ra lời tuyên bố mang tính tôn giáo đáng ngạc nhiên: "Cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh Do Thái là thiêng liêng."[13] Trên đường vào tòa Bạch Ốc, Obama đã thanh lọc ban cố vấn, loại những nhân vật như Robert Malley và Zbigniew Brzezinski, những tên tuổi nhóm vận động hành lang Do Thái xếp vào hạng không thích ứng.
    Tháng 6-2009, Obama đã đọc bài diễn văn nổi tiếng ở Cairo, với thông điệp hy vọng và cảm tình đối với đà tiến bộ của cộng đồng Hồi giáo tự do. Tại Đại Học Cairo, Obama cùng lúc kêu gọi ngưng khủng bố Hồi giáo và cả chính sách chiếm đóng của Do Thái. Ít lâu sau, Hillary Clinton cũng đã lặp lại lời yêu cầu Do Thái phải thực sự chấm dứt chương trình xây dựng các khu định cư , không có ngoại lệ ngay cả đối với các "tiền đồn" (outposts) hay "tăng trưởng tự nhiên" (natural growth).
    Benjamin Netanyahu vẫn tảng lờ và bất chấp các đòi hỏi hệ trọng vừa nói. Không những vậy, ông còn nhận thấy lối hành xử của mình đã không gặp phải bất cứ chế tài nào từ phía Mỹ. Cuối mùa hè cùng năm, Obama đã dễ dàng để bị thuyết phục: cứ để mặc Do Thái làm những gì họ muốn, với thái độ không chấp thuận trong yên lặng. Đến gần ngày bầu cử giữa kỳ, Obama còn thấy cần cho phép chánh văn phòng Rahm Emanuel và gia đình viếng thăm và chụp hình ở Golan Heights.
    Trong bối cảnh đó, chính quyền Obama đã tiến dần đến chỗ bối rối ngượng nghịu qua nhiều giai đoạn cần được nhớ rõ. Tháng 3-2010, Phó Tổng Thống Joe Biden viếng thăm Do Thái. Do Thái đã đón chào với lời loan báo: Bộ Nội Vụ Do Thái đã chấp thuận xây thêm 1,600 căn hộ ở Đông Jerusalem - một cử chỉ nhục mạ có tính toán đối với Tổng Thống Obama. Động thái nầy đã khiến Biden giận dữ, công khai lên tiếng quở trách Netanyahu, và Hillary Clinton một lần nữa đã lặp lại chính sách của Mỹ: chống xây cất định cư. Lời yêu cầu thăm viếng Bạch Cung của Netanyahu sau đó cũng đã bị khước từ.
    Tuy nhiên, với Netanyahu,  một cử chỉ làm mất mặt như thế lâm thời vẫn có thể có lợi cho chính ông. Vào cuối tháng 5-2010,vấn đề bầu cử giữa kỳ đã là âu lo hàng đầu của Hoa Thịnh Đốn.  Với chính sách Do Thái không thay đổi, chính quyền Obama lại bắt đầu tìm cách hâm nóng quan hệ với Do Thái. Tính cách nhạy cảm của đề tài đối với bầu cử đã được thể hiện qua việc tiết lộ: trong tháng 1-2011, tòa Bạch Ốc đã nối lại quan hệ với Bộ Trưởng Quốc Phòng Ehud Barak -  thay vì với Thủ Tướng Netanyahu, người trước đây Hoa Kỳ đã rất hài lòng với khả năng và triển vọng, nhưng hiện đang căm giận trước thái độ bất động trong tiến trình hòa bình.
    Như vậy, mẩu mực luôn là: một bước tiến nhằm gây áp lực đối với Do Thái, được tiếp nối bởi một bước lùi vào vòng tay của nhóm vận động hành lang Do Thái. Bước thứ hai trùng hợp với chu kỳ bầu cử sắp tới.
    Hiện nay, cuộc bầu cử 2012 và nhu cầu tài trợ đã là ưu tư hàng đầu của Obama. Không may cho Tổng Thống, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, và các xứ có thiện cảm với số phận của Palestine đã chọn lúc nầy để đề xuất nghị quyết LHQ, lên án chương trình xây cất các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng và nhấn mạnh tính"bất hợp pháp" (illegal) của chương trình.
    Lại một cuộc điện đàm tai họa khác của Obama, lần nầy với  Mahmoud Abbas, Tổng Thống của Palestine (Palestinian Authority - PA). Có thể nào PA hoản lại việc bỏ phiếu? Hay, nếu phải có một tuyên bố của LHQ, có thể nào tuyên bố nầy không buộc Hoa Kỳ vào một nghị quyết mang tính ràng buộc hợp pháp? Nhưng  Abbas đã mất tin tưởng ở Obama và danh tiếng của chính Abbas gần đây cũng đã bị hoen ố bởi những tiết lộ của WikiLeaks về việc PA đã đầu hàng trước những đòi hỏi của Mỹ trước đó.
    Trong mọi trường hợp, việc định cư đã vi phạm luật quốc tế, nhất là điều 49 của Quy ước Geneva IV (Fourth Geneva Convention) : "Nhà cầm quyền chiếm đóng sẽ không được phép trục xuất hay di dời một phần dân mình vào lãnh thổ họ đang chiếm đóng".[14]
    Vì vậy, Abbas đã bác bỏ lời thiết tha yêu cầu của Obama về một nghị quyết mềm dẻo  hơn và tổng thống Hoa Kỳ đã phải ngượng nghịu sử dụng quyền phủ quyết lần đầu của mình ở LHQ, chà đạp lên ngay những hy vọng do chính mình đã vun quén trong bài diễn văn hùng hồn ở Cairo.
    Tuy nhiên, màn chuyển tiếp vẫn chưa chấm dứt. Lý do: Obama đã không thể im lặng trước một thực tế - Hoa Kỳ là trở ngại duy nhất (bên cạnh Do Thái) đối với một nghị quyết được nhất trí chấp thuận -  mà không nói rõ vạn bất đắc dĩ ông đã phải làm như vậy. Vì vậy, Susan Rice, đại sứ Mỹ bên cạnh LHQ, trong một bài nói chuyện, đã phải đưa ra lời giải thích - công khai thú nhận hầu hết các chi tiết của quyết nghị: "tiếp tục chương trình định cư vi phạm các cam kết quốc tế của Do Thái, phá hủy lòng tin giữa các đối tác, và đe dọa viễn tượng hòa bình".[15]
    Nếu có bất cứ một "Giải Thích Biểu Quyết"[16] như thế, tiền lệ tương tự trong quá khứ  thực sự rất hãn hữu. Khác biệt duy nhất giữa lập trường của Obama và nghị quyết của LHQ chính là nghị quyết đã hậu thuẫn lời nói bằng hành động thực thi. Sự bối rối ngượng ngùng đã phải sử dụng quyền phủ quyết trước Hội Đồng Bảo An LHQ là ở chỗ: Obama với một mắt để nhìn công lý, dành mắt kia cho nhu cầu vận động bầu cử [tổng thống]; và thế giới đang ở vị trí thấy được Obama đang chăm chú nhìn về phía nào.

    NGOẠI GIAO VÀ CHỐNG KHỦNG BỐ
    Raymond Davis, nhân viên tình báo Mỹ (CIA) ở Pakistan, chính thức được mô tả  như một cố vấn kỷ thuật, ngày 25-01-2011, đã dừng xe ở Lahore, bắn chết hai công dân Pakistan. Davis đã cẩn thận chụp ảnh tử thi và gọi một xe jeep tiếp ứng. Trong vội vã, xe tiếp ứng cán chết một công dân Pakistan thứ ba. Chưa kịp trở về Lãnh Sự Quán Mỹ, Davis đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ.
    Ngày 20-2-2011, phóng viên báo The Guardian, Declan Walsh, xác quyết: Davis là một nhân viên tình báo. Theo Walsh, chính quyền Pakistan biết rõ căn cước của Davis, vì vậy, đã từ chối không áp dụng quyền đặc miễn ngoại giao cho Davis mặc dù chính quyền Obama đã kiên trì đòi hỏi.
    Hôm sau, báo The New York Times tiết lộ: tòa báo từ lâu đã biết Davis là nhân viên tình báo, nhưng do yêu cầu của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao, đã tự chế không  tường trình chính xác về vụ ám sát và những sự kiện tiếp theo.Tách nước ngượng ngùng của Obama trong tháng 2-2011 đã gần tràn đầy, nhưng ít ra giờ đây đã được chia sớt phần nào bởi một tòa báo. Tại sao báo Times lại dìm sự thật về vụ Raymond Davis?  Câu trả lời thật giản dị: vì những lý do đế quốc. Xét cho cùng, sự thật đã được mọi người Pakistan biết rõ và cũng đã được báo chí Pakistan đăng tải.
    Khi theo lời yêu cầu của Tòa Bạch Ốc không phổ biến nội vụ trên báo chí Mỹ, tờ Times, cùng với Washington Post và Associated Press, đã che chở không phải Davis, mà bảo vệ chính định nghĩa "tài xử trí" (tact) của chính quyền Hoa Kỳ, đồng thời đã khuyến khích động thái che dấu hành động của chính quyền ngay cả với công dân Mỹ. Nghi thức của báo chí theo quy luật đế quốc - như người Anh đã học được trong cuộc chiến Boer War và người Mỹ trong các cuộc chiến Iraq, Afghanistan, và Pakistan - rất đơn giản và có thể lặp đi lặp lại bất tận: quyền lực trước chân lý ngoại trừ trường hợp chân lý đã quá lộ liễu.
    Nhờ những vận động hậu trường của chính quyền Obama, Davis đã được phóng thích ngày 16-3-2011. Theo luật sư của nguyên đơn, Davis  đã gặp gia đình các nạn nhân trong hơn 6 tiếng đồng hồ tại nhà tù. Bộ Trưởng Tư Pháp bang Punjab, Rana Sanaullah,  cũng xác nhận gia đình các nạn nhân đã nhận đủ số tiền bồi thường nợ máu (blood money), khoảng 2,3 triệu USD, và Raymond Davis, 36 tuổi, cũng đã rời khỏi nhà tù. Cử chỉ nhượng bộ nầy của chính quyền Pakistan hiện đang gặp phải phản ứng khá mãnh liệt của dân Pakistan.
    Các nhà báo ngày nay đang học được điều các sử gia đã biết từ lâu - một nhân viên tình báo như Davis là một công cụ của một chính sách sai lầm. Pakistan từ lâu đã luôn có đủ lý do để âu lo về Ấn Độ. Sau khi Liên Bang Xô Viết rút khỏi Afghanistan năm 1989, cấp lãnh đạo Pakistan đã cảm nhận một nhu cầu chiến lược: Afghanistan phải là một lân bang khá ổn định với một chính quyền dễ uốn nắn. Nhưng ngay từ cuối năm 2001, khi chính quyền Bush, để tránh các phí tổn đầu tư vào lực lượng bộ binh trước cuộc tiến chiếm Afghanistan, đã quyết định liên minh với các lãnh chúa trong  Northern Alliance (Liên Minh Phương Bắc), chiến lược đó đã bị phá hỏng. Từ đó, cấp lãnh đạo Pakistan đã xem sự hiện diện của Hoa Kỳ, trong cốt lõi, đã gây bất ổn định, do đó, đã chống đối bằng đủ mọi cách, dù trên danh nghĩa vẫn là đồng minh.
    Trong chính trị quốc tế, người ta luôn gặp kiểu khôn ngoan thực tiễn tương tự.   Trường hợp trao đổi những thông điệp ngoại giao mật do WikiLeaks tiết lộ là một  minh chứng. Thực vậy, trong bức điện từ Islamabad, đề ngày 23-9-2009, chẳng hạn, Đại Sứ Mỹ ở Pakistan, Anne Patterson, đã gửi về Hoa Thịnh Đốn những khuyến cáo sau:
    "Để trả lời các câu hỏi của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Tòa Đại Sứ Islamabad tin không thể chống lại al-Qaeda ở Pakistan nếu không có một chiến lược 1) đối phó với đe dọa của các lực lượng Taliban liên kết giữa Afghanistan và Pakistan, 2) đem lại một chính quyền dân sự ổn định ở Afghanistan, và 3) tái thẩm định vai trò rộng lớn hơn của Ấn Độ trong vùng. Như các câu hỏi đã giả thiết, chấm dứt sự ủng hộ giới lãnh đạo Pakistan dành cho các nhóm khủng bố và cực đoan, một số ở Afghanistan, một số ở Pakistan, là yếu tố then chốt để thành công. Không có cơ may Pakistan sẽ xem mức độ viện trợ gia tăng trong bất cứ địa hạt nào như một sự bù đắp đầy đủ cho việc từ bỏ ủng hộ những nhóm vừa nói, những nhóm chính Pakistan luôn xem như một bộ phận quan trọng trong guồng máy an ninh quốc gia chống lại Ấn Độ. Phương cách duy nhất để thành đạt chấm dứt sự ủng hộ đã nói là phải thay đổi nhận thức của chính quyền Pakistan về các đòi hỏi của an ninh quốc gia."[17]
    Trong số những lời cảnh báo đáng nhớ nhất, Đại Sứ Patterson đã nhiều lần nhắc đến Ấn Độ và ám chỉ cuộc xung đột ở Kashmir. Đây là những sự thật ít khi được ghi nhận trong những mô tả chính thức về những mục tiêu Hoa Kỳ đang theo đuổi ở Pakistan.
    Trong địa hạt nầy, một sự bối rối khác trong hậu trường là bóng dáng của vụ Raymond Davis. Các công điện trao đổi cho thấy chính quyền Obama hoặc không sử dụng hoặc không chia sẻ với dân chúng Mỹ, sự hiểu biết cơ bản nhất về tình trạng phức tạp của cam kết thừa hưởng từ thời tổng thống tiền nhiệm George W. Bush và hiện đang được khai triển rộng rãi hơn. Những công điện nầy cho thấy một lối biện bạch, không phải chỉ một sự đơn giản hóa mà là một sự cố ý xuyên tạc, được lặp đi lặp lại nhiều lần bởi Obama: "kẻ thù" ở Pakistan là al-Qaeda. Có lẽ công bằng hơn, người ta phải nói kẻ thù của Hoa Kỳ ở Pakistan là chính Pakistan, và quan hệ của Pakistan với Ấn Độ, và quan hệ của Mỹ với cả hai [Ấn Độ và Pakistan].

    BỐI RỐI NGƯỢNG NGHỊU: MỘT CẢM GIÁC THIÊNG LIÊNG
    Nguyên do chính của những sỉ nhục và bối rối đang đe dọa Hoa Thịnh Đốn hiện nay đã bắt nguồn từ hình ảnh hai mặt của chính Hoa Kỳ. Như siêu cường duy nhất, người Mỹ muốn hiện diện và làm chủ ở mọi nơi. Nhưng như nguồn hy vọng dân chủ tốt đẹp nhất, Hoa Kỳ cần phải lánh mặt ở mọi nơi và không hành động như chủ nhân ông ở bất cứ nơi nào.  Đe dọa lớn lao nhất, như vậy, là các tài liệu về chính sách ngoại giao và các cuộc chiến của Mỹ đang được WikiLeaks không ngừng tiết lộ. Trong thực tế, chính phản ứng của chính quyền Mỹ đối với WikiLeaks đã là nguyên nhân khiến hiểm họa trở nên lớn lao hơn - không phải đối với  Hoa Kỳ như một siêu cường, mà cả đối với hiến pháp Hoa Kỳ đang chi phối mọi chính sách và hành động của chính quyền Mỹ trên thế giới.
    Sự bối rối ngượng nghịu sâu xa của các giới chức Mỹ có thể dễ dàng khoác hình thức căm giận mang tính ái quốc. Chẳng hạn, Newt Ginrich đã nói: Julian Assange, sáng lập viên WikiLeaks, phải được đối xử như một "chiến binh thù nghịch" (enemy combatant); Sarah Palin đã đòi hỏi Assange phải được truy lùng như người Mỹ đang truy lùng lãnh đạo al-Qaeda và Taliban; Peter King đã khuyến cáo WikiLeaks phải được liệt kê như một tổ chức khủng bố. Những tuyên bố đó rất dễ tiên đoán, chỉ cần xem do ai phát biểu.
    Không ai chờ đợi một ngoại trưởng Hoa Kỳ có thể bị cám dỗ bởi những cảm nghĩ tương tự. Trong thực tế, Hillary Clinton cũng đã hành động không mấy khác. Bối rối trước các sơ hở trong hệ thống an ninh và những hình ảnh đặc biệt ngay thật của bộ ngoại giao, Ngoại Trưởng Clinton đã lên tiếng phát biểu: WikiLeaks đã phát động "một cuộc tấn công trên cộng đồng thế giới".[18]
    Chúng ta có thể tự hỏi: cộng đồng các dân tộc trên thế giới, hay cộng đồng các chính quyền bí mật và các đội quân bí mật? Nếu là kẻ thù của cộng đồng loại hai, Assange phải được đối xử như một nhà báo chân thật. Nếu là kẻ thù của cộng đồng loại một, Assange đã có thể trở thành một tên khủng bố.
    Bộ Trưởng Tư Pháp Eric Holder cũng đã bối rối khi đối diện với cách mô tả tàn nhẫn về Assange, bởi lẽ mọi người đang chờ đợi Bộ Tư Pháp phải truy tố Assange, mặc dù Assange đã không vi phạm một điều luật nào rõ ràng. Quyết định khám phá một điều luật có thể dính dáng đến một hình phạt thích hợp, Holder đã tuyên bố một cách mập mờ, "chúng ta có một căn bản thực sự, có một thuộc tính khẳng định để tin ở đây đã có hành vi  phạm pháp."[19]
    Phải chăng Phó tổng Thống Joe Biden cũng đã bối rối khi nói đến Assange như một "tên khủng bố kỹ thuật cao" (a high-tech terrorist)? Chắc Biden cũng đã phải rất bối rối.  Nếu có một vũ khí khủng bố kỹ thuật cao đáng sợ trên thế giới hiện nay, đó chính là các phi cơ không người lái.  Đây là những drones thường được sử dụng trong cuộc chiến bí mật của CIA dọc biên giới các bộ lạc Pakistan, để phóng hỏa tiễn vào những ngôi nhà nghi ngờ có kẻ thù của Mỹ, và cả những ai vô tình và không may đang ở gần. Và nếu có một lãnh tụ thế giới được biết đã chủ trương loại chiến tranh với phi cơ không người lái drones, đó chính là Phó Tổng Thống Joe Biden.
    Chúng ta đang ở thời điểm trung tuần tháng 3-2011, và sự bối rối vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Ngày 3 tháng 3, Tổng Thống Obama tuyên bố lãnh tụ độc tài Libya Muammar Gaddafi phải ra đi, hay theo mỹ từ ưa thích hiện nay, "cần phải bước xuống"- và phải bước xuống "ngay bây giờ."[20] Điều nầy có thể có nghĩa gì? Bằng cách nào Obama đề nghị thực thi điều đó?
    Ngay đối với một tổng thống, trong địa hạt chiến tranh và hòa bình, có thể tưởng lời nói của mình có trọng lượng nhiều hơn hành động của người khác, cũng vẫn có vài từ rất giống hành động các ngài cũng nên thận trọng và không nên sử dụng một cách quá khẳng định. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải lo xa. Các viên chức Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc đã tìm ra cách diễn tả tế nhị và ít sống sượng hơn từ "thay đổi chế độ" (regime change của chính quyền Bush-Cheney). Ngày nay, chính quyền Obama chỉ dùng từ "sửa đổi chế độ" (regime alteration).
    Trong thực tế, sự khác biệt giữa sống và chết rất có thể tùy thuộc ở những từ loại nầy. Hoa Kỳ thường tự xem như quốc gia chủ nhân về dân chủ trong một thế giới muốn được bảo trợ. Tuy nhiên, còn có nhiều cách khác để nhìn Hoa Kỳ cũng như nhiều cách khác để nhìn bảo trợ. Samuel Johnson đã hoàn tất Tự Điển  Anh Ngữ của ông năm 1755 chẳng cần đến các nhà bảo trợ trưởng giả. Khi Lord Chesterfield đã đến trễ và đề nghị giúp, Johnson đã trả lời trong một bức thư nổi tiếng: "Thưa ngài, có phải chủ nhân không phải  là người đứng nhìn không chút quan tâm [vô cảm] một người đang tranh đấu để sống còn trong dòng nước, và khi nạn nhân đã lên đến bờ, gây rắc rối cho anh ta với đề nghị giúp đỡ?."[21]
    Trong ý nghĩa đó, Barack Obama, Frank Wisner, và Hillary Clinton là những chủ nhân trong các cuộc tranh đấu đòi tự do của các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông. Họ đã đến trễ, đến rất trễ, và gây bối rối cho các dân tộc khác với đề nghị trợ giúp của họ. Vì vậy,  họ thường vấp váp, và đó chỉ là điều tự nhiên. Họ đang mộng du trong nhà của kẻ khác.

    Nguyễn Trường
    Irvine, California, U.S.A.
    20-3-2011



    [1] Orderly transition.
    [2] history taking place.
    [3] ...urged him [Mubarack] to meet the aspirations of the Egyptian people.
    [4] An orderly transition must be meanningful, it must be peaceful, and it must begin now.
    [5] ...his continued leardership is critical.
    [6] ..any transition to democracy'takes some time. There are certain things to be done in order o prepare'.
    [7] Obama allowed that "Egypt was not going to go back to what it was".
    [8] Obama's administration went on the record in favor of "real, concrete reforms".
    [9] You must begin leaving, but I will never desert you.
    [10] The moves amounted to a rebuff to the protesters" . And "by emphasizing the need for a gradual transition, only days after emphasizing that change there must begin immediately, the Obama administration was viewed as shifting away from the protesters in the streets and toward stronger backing for Mr. Mubarack's hand-picked elite.
    [11] I really consider President and Mrs. Mubarack to be friends of my family.
    [12] The U.S. ought to "encourage the Israelis to build as much as they can and as rapidly as they can" onthe West Bank and in East Jerusalem.
    [13] The American commitment toIsrael security was sacrosanct
    [14] The Occupying Power shall not deport or transfer parts of its own civilian population into the territory it occupies.
    [15] Continued settlement activity violates Israel's international commitments, devastates trust between the parties, and threatens the prospects for peace.
    [16] Explanation of Vote.
    [17] In response to queries posed by the National Security Council, Embassy Islamabad believes that it is not possible to counter al-Qaeda in Pakistan absent a comprehensine strategy that 1) addresses the interlinked Taliban threat in Afghanistan and Pakistan, 2) brings about stable, civilian government in Afghanistan, and 3) reexamines the broader role of India in the region. As the queries presuppose, the ending of Pakistani establishment support to terrorist and extremist groups, some Afghan-focused and some India-focused, is a key element for success. There is no chance that Pakistan will view enhanced assistance levels in any field as sufficient compensation for abandoning support to these groups, which it sees as an important part of its national security apparatus against India. The only way to achieve a cessation of such support is to change the Pakistan government's own perception of its security requirements.
    [18] ...an attack on the internatioal community.
    [19] There's a real basis, there's a predicate for us to believe that crimes have been committed here.
    [20] ..".needs to step down", [and must do it] "now".
    [21] Is not a patron, my lord, one who looks with unconcern on a man struggling for life in the water, and when he has reached ground, encumbers him with help?

    Nguồn:http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/kinhte/tudodanchu.htm
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org