Khổng giáo và siêu cường Trung Quốc

Posted on
  • Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,

  • Nguyễn Trường           
     Thế vận hội Bắc Kinh đã bế mạc. Cơn bão phê bình, biểu tình phản đối, những âu lo ô nhiễm ban đầu, hay hoan hô, ca ngợi các vận động viên giành được huy chương sau đó, đã cùng với thời gian giảm dần và trôi qua. Kế đó, việc phóng phi hành gia đi bộ lên không gian cũng đã thành công trong không khí phấn khởi , tự hào của quần chúng. Trong quá trình đó, hình ảnh Trung Quốc (TQ) cũng đã đổi thay. Lợi dụng các cuộc tranh tài để phân ranh giữa quá khứ của chính mình và những ước mong của thế giới về một tương lai tươi sáng hơn, TQ đã khéo léo giới thiệu với toàn cầu hình ảnh một quốc gia vừa thoát khỏi nghèo đói, chiến tranh, cách mạng, những tai ương tự tạo, để trỗi dậy như một siêu cường trên đường tiến tới phú cường và văn minh.

    VẤN NẠN LỊCH SỬ
    Kể từ khi những chiến thuyền của Anh Quốc xuất hiện ở biển Nam Hải vào giữa thế kỷ thứ 19, giới trí thức và lãnh đạo TQ đã phải thường xuyên đối phó với tình trạng yếu kém và luôn tìm cách phục hồi sự phú cường của xứ sở. Cuộc đấu tranh ngày một cấp thiết hơn khi Tây phương liên tục ép buộc TQ phải chấp nhận ký kết một chuỗi nhiều hiệp ước bất bình đẳng . TQ đã dần dà mất hết tự tin sau khi đế quốc Nhật đánh bại nhà Thanh trong cuộc chiến Trung-Nhật 1895 và tiến chiếm nhiều vùng rộng lớn của TQ trong hai thập kỷ 1930s và 1940s. Nhật đã mở đầu một quá trình qua phân đen tối của TQ.
    Vào đầu thế kỷ 20, nhiều sĩ phu thuộc khuynh hướng cải cách đã phải tự hỏi tại sao người phương Tây luôn đầy sức sáng tạo trong khi TQ vẫn luôn trì trệ tê liệt, và đã phải lên tiếng báo động: 'TQ cần phải cải cách nếu không muốn tự vẫn'.
    Trong suốt thế kỷ 20, khát vọng nhìn thấy một TQ lấy lại uy thế và sự kính nể của thế giới đã trở thành một leitmotif ám ảnh trong tư duy chính trị. Thực vậy, tình trạng bất lực tủi hổ TQ phải trải nghiệm đã là một trong những động lực đưa đến cách mạng cực đoan của Mao Trạch Đông. Dưới bề mặt ý thức hệ và xáo trộn, điều mà Mao tìm kiếm là một sự phú cường - hay ít ra môt bộ mặt phú cường xã hội chủ nghĩa mới - như phương cách đem lại cho người TQ một ý thức hãnh diện về xứ sở của mình. Mặc dù mang tính cực đoan và độc tôn, Mao đã cảm nhận và nắm bắt được khát vọng của người dân được thấy TQ phục hồi địa vị trung tâm và vĩ đại của đất nước.
    Tạm gác tư tưởng chính trị của Mao qua một bên, TQ đã gần như hoàn toàn tái thống nhất đất nước với sự trở về của Hong Kong và Macao (ngoại trừ Đài Loan), và thành đạt một nhịp phát triển 10% GDP/năm trong gần hai thập kỷ vừa qua, trở thành một trong những đối tác thương mãi năng động nhất thế giới, hiện đại hóa lực lượng quân sự, phát động một chương trình không gian đầy tham vọng, và đăng cai thành công thế vận hội 2008. TQ không những đã đạt được một điểm mốc quan trọng trong hành trình một thế kỷ rưỡi thoát khỏi đói nghèo, yếu kém, và đạt được phú cường, mà cũng đã thành công trong cuộc vận động giao tế ngoạn mục trong lịch sử thế giới.
    Tuy nhiên, trong thành tích biểu trên đây của chính quyền TQ, người ta chưa thấy có những thành tích đạo đức. TQ, đầy dẫy những vi phạm nhân quyền trong quốc nội, giao hảo với nhiều chế độ bạo tàn trên thế giới - từ tướng Than Schwe ở Miến Điện, và Kim Jong Il ở Bắc Hàn, đến Omar al-Bashir ở Sudan, và Robert Mugabe ở Zimbabwee - cần một hồi sinh đạo đức tiếp theo sau hồi sinh kinh tế. Không may, những giáo điều Mác-Lê rõ ràng không mấy thích ứng để khích lệ nhân dân TQ trong nỗ lực xây dựng một quốc gia hiện đại, cởi mở, và thịnh vượng.

    KHỔNG GIÁO VÀ NHÂN TRỊ
    Tuy nhiên, lịch sử TQ còn có một truyền thống văn hóa thuận lợi cho việc tái tạo những nguyên tắc và đạo lý thiết yếu cho việc điều hành quốc gia. Đúng vậy, TQ thừa hưởng một gia tài truyền thống cổ điển khổng lồ, có thể làm căn bản cho việc xây dựng một hình thức chính quyền mới vững chắc, mặc dù không hẳn hoàn toàn dân chủ, ít ra không dân chủ theo nghĩa Tây phương. Hơn thế nữa, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ Tướng Ôn Gia Bảo cũng đã bắt đầu chắt lọc , vận dụng từ truyền thống quý giá đó những nhân tố tô điểm cho những ý niệm định hình guồng máy quản trị quốc gia.
    Biểu hiện rõ nét nhất của khuynh hướng nầy là sự tái khẳng định gần đây tầm quan trọng của 'ý niệm hòa hợp trong một xã hội ổn định' của tư tưởng Khổng giáo. Mặc dù lúc khởi đầu, Mao đã kiên quyết nhấn mạnh những mâu thuẫn xã hội và đấu tranh giai cấp, với lời tuyên bố quyết liệt: 'một cuộc cách mạng không phải là một bữa tiệc tối, mà là một cuộc nổi dậy, một hành vi bạo động nhờ đó một giai cấp lật đổ một giai cấp', Hồ Cẩm Đào đột nhiên khởi động một mục tiêu hòa bình hơn, nhằm hòa hợp các nhóm đối nghịch trong xã hội Trung Hoa.
    Hồ Cẩm Đào đã công khai đưa ra ý niệm phi-Marxist nầy lần đầu trong bài diễn văn năm 2005. Âu lo về tình trạng phân hóa trong xã hội TQ, ông tuyên bố:'Khổng Tử đã từng dạy, hòa hợp là một điều đáng trân quí'. Vài tháng sau, ông lại lên tiếng khuyến cáo các đảng viên Cộng Sản phải 'dồn hết khả năng xây dựng một xã hội hòa hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa'.
    Từ đó, cụm từ 'xã hội hòa hợp' đã trở thành một khẩu hiệu lan truyền thật nhanh chóng. Tháng 3 năm 2007, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo tiếp lời: 'Từ Khổng Phu Tử đến Tôn Dật Tiên, văn hóa truyền thống của TQ chứa đựng nhiều thành tố quí giá'. Và khắp TQ, cán bộ Đảng răm rắp vồ vập ý niệm 'xã hội hòa hợp', và chẳng bao lâu hầu như bất cứ ý tưởng, diễn đàn, hội nghị, lý thuyết hay dự án nào được giới thiệu hay liên hệ với câu thần chú mới mẻ đó đều được tán thưởng. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy ở TQ, văn hóa 'Lãnh Tụ Vĩ Đại' vẫn rất thịnh hành.
    Ngay cả nhà đạo diễn danh tiếng, đồng thời giám đốc Lễ Khai Mạc Thế Vận Hội, Dương Nghệ Mưu, cũng không cưỡng nổi câu khẩu hiệu thần chú vừa nói. Như khán giả truyền hình toàn cầu đã được thấy qua màn ảnh nhỏ, họ Dương đã trang trí trên sàn gạch từ 'Hòa [Hợp]' như một phần dàn dựng hoành tráng, sống động và kiêu sa kiểu Las Vegas.
    Học thuyết Khổng Tử, đã từng được sử dụng làm cơ sở cho thuật trị nước của các vua chúa TQ, nhấn mạnh đến sự hòa hợp. Thực vậy, ý niệm lịch sử'Thuận Hòa' vẫn còn vang vọng đối với người TQ. Nhưng Khổng Giáo cũng nhấn mạnh khía cạnh đạm bạc, làm việc thiện, công lý, và ngay cả giá trị của những ý kiến dị đồng. Khổng Tử nói với Mạnh Tử: 'Giàu có, danh vọng, mà thiếu công lý, cũng chỉ là phù vân'.
    Trong triết lý chính trị Khổng Giáo, chính danh có lẽ là đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo. Và vị 'Vạn Thế Sư Biểu' xem chính danh là cách ứng xử của người quân tử, một cách lý tưởng hóa ý niệm lãnh đạo tốt tương tự với ý niệm 'triết gia-quân vương' (philosopher-king) của Plato. Theo Khổng Tử, quân tử lãnh đạo không bằng luật pháp khắt khe, cưởng chế, và độc tài, mà bằng thiện tâm, đức tính tốt, và nêu gương sáng. 'Nếu người lãnh đạo chỉ muốn làm việc tốt, người dân sẽ tốt. Uy lực đạo đức của người quân tử tựa như gió, uy lực đạo đức của thần dân tựa như cỏ. Gió thổi, cỏ sẽ uốn theo'.
    Khổng Tử tin, chúng ta có thể hiểu được thế nào là uy lực đạo đức khi nghiên cứu Tứ Thư và Ngũ Kinh và tìm hiểu cách trị dân của các vị minh quân như vua Nghiêu vua Thuấn. Nhà lãnh đạo lấy đức độ để trị dân cũng giống như sao Bắc Đẩu, đứng yên ở chân trời trong khi các tinh tú khác phải quần tụ chung quanh.
    Về nhiều phương diện, cách ứng xử đức độ căn bản của một lãnh đạo khôn ngoan theo quan niệm của Khổng Tử có nhiều điểm tương đồng với học thuyết nhân bản (humanism) của các nhà tư tưởng Pháp thời Khai Sáng. Khác với Mao tin ở giá trị giai cấp thay vì phổ quát, Khổng Tử và các tư tưởng gia thời Khai Sáng tin có những quyền và giá trị phổ quát bẩm sinh trong mỗi người. Người quân tử, trong Khổng giáo, không bao giờ rời xa nhân bản, dù phải trải qua nhiều thử thách, gian truân.
    Giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay hình như đã cảm nhận: chính trị TQ đã rơi vào một khoảng trống đạo đức. Họ cũng đã chứng tỏ sẵn sàng nhìn về quá khứ của TQ, thay vì thế giới bên ngoài, để tìm phương thức cứu chữa. Xét cho cùng, Khổng giáo là truyền thống đặc thù của TQ và đã in rõ nét trong mả văn hóa di truyền DNA của người Hoa. Chấp nhận bất cứ một lý thuyết chính trị Tây phương nào, nhất là ý niệm dân chủ, cũng hàm chứa một sự đầu hàng chủ nghĩa ngoại lai.

    CHỦ THUYẾT PHÁP TRỊ
    Vẫn luôn đặt nặng 'sức mạnh mềm' của đạo đức thay vì 'sức mạnh cứng' của quyền cưởng chế, chủ thuyết lý tưởng của Khổng giáo nhiều khi không đem lại một hệ ý thức hữu hiệu cho các giới lãnh đạo cứng rắn, đặc biệt trong những thời loạn ly, chia rẽ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi TQ cổ xưa cũng đã cùng lúc khai sinh nhiều trường phái tư tưởng chính trị trái ngược. Một trong những trường phái nầy là Phái Pháp Trị hay Pháp Gia. Trường phái nầy - đặt nặng trung ương tập quyền, lãnh đạo mạnh mẽ, luật pháp và chế tài nghiêm minh - là chủ thuyết đối lập với Khổng Giáo.
    Thay vì tin 'nhân chi sơ tánh bổn thiện', và vì vậy, luôn noi theo gương tốt, Phái Pháp Gia tin bản tính con người vốn xấu, thiếu can đảm, yếu hèn. Vì vậy, họ xem những nhà lãnh đạo đặt niềm tin ở đức độ - như phương cách duy trì trật tự xã hội trong khi con người bản chất vốn ác và bất trị - là ngây thơ. Thay vì đức độ, Phái Pháp Gia tin ở luật pháp, một hệ thống thưởng phạt nghiêm minh, đáng sợ và đàn áp. Họ xem nhẹ khả năng cải hóa của các nhà lãnh đạo gương mẩu, trị dân một cách nhân đạo, qua cách ứng xử phản ảnh đạo đức Khổng giáo. Đối với họ, điều đó chỉ là triết lý suông.
    Như Hàn Phi Tử, một triết gia thế kỷ thứ ba trước công nguyên và là người chủ trương pháp trị nổi danh, đã viết: 'Nhà lãnh đạo sáng suốt không bàn tới những việc làm đầy nhân tính và đức độ, và cũng không lắng nghe lời của các học giả'. Hàn Phi hiểu 'học giả theo nghĩa 'quân tử' của Khổng giáo. Ông cũng viết: 'Người trị nước không quan tâm đến đức độ mà chỉ quan tâm đến luật pháp'. Và ông hiểu luật theo nghĩa trừng phạt hơn là công lý. Hình thứcMachiavellianism nầy của TQ khuyến cáo các chính trị gia không nên tin tưởng bất cứ ai, phải nghi ngờ ý định của mọi người và phải bao che mình bằng những màn chắn bí mật. 'Từ chỗ ẩn trong bóng tối, quan sát những lỗi lầm của người khác', Hàn Phi viết. 'Thấy nhưng đừng tỏ ra thấy; lắng nghe nhưng đừng để lộ đang lắng nghe; biết nhưng không để ai biết mình biết. Che giấu mọi hành tung và che giấu mọi nguồn tin, để người dưới không thể dò tìm cội nguồn hành động của bạn. Đừng tỏ ra khôn ngoan và có khả năng để kẻ dưới không thể đoán bạn đang toan tính gì'.
    Thuật trị nước của Phái Pháp Gia đã trở thành nguồn cảm hứng cho Tần Thủy Hoàng, vị quân vương thống nhất TQ đầu tiên - lăng tẩm của ngài gồm cả hình tượng một đội lính canh nổi tiếng, tượng trưng cho ý chí bám chặt lấy quyền lực ngay cả cho đời sau.
    Chính Hàn Phi là một trong những người nhắc đến ý niệm phú cường sớm nhất. Một lãnh đạo anh minh phải biết nắm vững nghệ thuật làm giàu và quyền lực, Hàn Phi tuyên bố, nêu rõ một trong những nhiệm vụ căn bản của người cầm quyền là làm giàu cho Nhà Nước và tăng cường sức mạnh quân sự.
    Một quan niệm về thuật trị nước phi đạo đức như thế là một phản đề đối với chủ thuyết đạo đức của Khổng Tử. Khổng Phu Tử đã nhận xét một cách khinh bỉ: trong khi người quân tử luôn trọng chính danh, kẻ tiểu nhân chỉ biết cầu lợi. Thực vậy, đồ đệ của Khổng Tử luôn coi thường cái mà sử gia nổi tiếng của Harvard, trong tác phẩm 'In Search of Wealth and Power: Yen Fu and the West', mô tả như thứ triết lý phú cường tàn nhẫn và vô lương tâm của Phái Pháp Gia.
    Cố nhiên, Hàn Phi và Phái Pháp Gia cũng khinh thường Khổng Phu Tử không kém. Hàn Phi viết: "Ngày nay, đồ đệ của Khổng Tử, khi cố vấn về thuật trị nước, không hề bàn đến phương cách đem lại trật tự hiện giờ, mà chỉ đề cao sự thành đạt một trật tự tốt đẹp trong quá khứ. Với lời nói bọc đường, đồ đệ của Khổng Tử nói:'Nếu ngài lắng nghe lời chúng tôi, ngài sẽ có thể trở thành lãnh tụ của tất cả các bộ lạc phong kiến'. Các vị cố vấn nầy chỉ là những phù thủy và thầy tu".
    Mặc dù nhiều trường phái tư tưởng khác cũng đã phát triển ở TQ cổ xưa, như Phật Giáo và Lão Giáo, Phái Pháp Gia và Khổng Giáo luôn mang tính thực tiễn, do đó, giữa hai phái đã có một quan hệ âm-dương đặc biệt, với ảnh hưởng của mỗi phái lúc lên cao khi xuống thấp qua các triều đại kế tiếp khác nhau. Kết quả là tác động hỗ tương đã đem lại cho các triều đại đương nhiệm một mô hình hỗn hợp mang tính vừa chính đáng vừa thực tiễn chính trị - một thuật trị nước đặc thù TQ, thấm nhuần một sức sống nhị nguyên sinh động.
    Trong sáu thập kỷ dưới chế độ độc tài theo định hướng thị trường và xã hội chủ nghĩa vừa qua, TQ đã dựa trên cảm hứng của Hàn Phi và Phái Pháp Gia nhiều hơn là Khổng Giáo. Những nhà cách mạng Leninist kiểu Mao Trạch Đông đã bị ảnh hưởng và mê hoặc bởi Tần Thủy Hoàng. Tư tưởng Marxist-Leninist-Mao Trạch Đông - vay mượn nhiều yếu tố từ Phái Pháp Gia - hình như đã là con đường đưa TQ đi từ chiến tranh, hỗn loạn đến phú cường nhanh nhất.
    Nhưng hiện nay, khi địa vị trung tâm, uy tín, cũng như phú cường đã đến trong tầm tay, giới lãnh đạo TQ đang đối mặt với một thời vận mang tính quyết định. Trong hành trình tiến tới địa vị một đại cường, TQ - sau khi đã gây ấn tượng với thế giới bên ngoài với thành tích phát triển kinh tế - đang bước vào một giai đoạn lịch sử mới đòi hỏi phải đa dạng hóa các mục tiêu theo đuổi xứng danh một siêu cường thực sự. Trong trường hợp TQ, một trong những thành tố quan trọng nhất của sự vĩ đại còn thiếu vắng, đó chính là uy lực đạo đức.
    Sự thiếu vắng đó ngày một rõ nét hơn đối với giới lãnh đạo TQ. Một phương cách bổ khuyết là họ phải ứng xử theo đúng truyền thống Khổng giáo hơn là Pháp Gia.Thực vậy, với việc chính quyền TQ cho thành lập  Viện Khổng Học nhiều nơi trên thế giới, các phương tiện truyền thông và truyền hình giải thích và đề cao lời dạy của đấng Vạn Thế Sư Biểu, và một học giả lên tiếng hậu thuẫn đổi tên nước thành Cộng Hòa Khổng Giáo Xã Hội Chủ Nghĩa, hình như thời cơ thực sự đã đến.
    Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một sự kiện lố bịch và mang tính đạo đức giả thường gặp trong sinh hoạt thế giới hiện nay. Tây phương nói chung, đặc biệt là Hiệp Chủng Quốc, luôn rao giảng đạo đức - tự do, dân chủ, nhân quyền... - cho các nước khác, kể cả TQ. Tây phương và Hoa Kỳ cũng nên nhìn lại lịch sử đế quốc và chế độ nô lệ, để tự điều chỉnh cách ứng xử hợm hỉnh của mình trên khắp thế giới, đặc biệt là trong thế giới thứ ba và các xứ cựu thuộc địa. Thời đại 'Thành Phố Trên Đỉnh Đồi' và 'Ngọn Hải Đăng' đã lùi xa vào dĩ vãng. Trong nhiều thập kỷ gần đây, người Mỹ cũng đã tận mắt chứng kiến uy thế đạo đức của mình ngày một mờ nhạt. Trên bình diện nầy, Hoa Kỳ và TQ cũng chỉ là hai người bạn đồng hành cùng hội cùng thuyền.
    Liệu Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, cả hai đều ưa thích Tứ Thư, Ngũ Kinh, có thể nào trở thành hai quân tử thời nay bằng cách vay mượn triết lý Khổng Giáo; liệu các giá trị đạo đức có thể nào được hồi sinh - từ văn hóa cổ truyền đã bị Mao ruồng bỏ - dưới hình thức một Tân Khổng Giáo đầy ý nghĩa, là một điều, vào thời điểm nầy, không ai có thể đoan chắc. Nhưng sự kiện, TQ hiện nay đang đặc biệt lưu tâm đến Khổng Giáo, chứng tỏ: chính người TQ đã bắt đầu cảm nhận được sự trống vắng đạo đức trong cách ứng xử của chính quyền.
    Vì vậy, khi TQ nhìn lại Thế Vận Hội và khi Hoa Kỳ đón chờ một chính quyền mới, cả hai thấy mình đang ở trong một trạng huống giống nhau. Cả hai đang đứng trước thách đố phải tái khám phá, trong những giá trị truyền thống, những suối nguồn đạo đức đủ để tăng cường vốn liếng của sự phú cường - sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao - cùng với yếu tố tế nhị nhưng tuyệt đối thiết yếu cho sự vĩ đại thực sự.
    Trong tác phẩm In Search of Wealth and Power xuất bản cách đây gần nửa thế kỷ, Benjamin Schwartz đã thấy rõ tình trạng bối rối khó xử đang đối diện TQ và Hoa Kỳ hiện nay: 'Vấn đề tương quan giữa hệ thống giá trị Faustian - chạy theo tiền tài, quyền lực, phú cường -  và sự thể hiện những giá trị chính trị và xã hội, cả những giá trị nhân bản đích thực, vẫn còn là một vấn nạn đối với cả hai quốc gia'.
    GS Nguyễn Trường
    Irvine, California, U.S.A.
    28-10-2008
    Nguồn:http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/kinhte/khonggiao-sieucuongquoc.htm
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org