Vận hành hệ thống bán tổng thống ở Nga

Posted on
  • Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Nga áp dụng mô hình bán tổng thống từ khi tách ra khỏi Liên Xô vào năm 1991. Tình trạng hiện tại của Nga giải thích cho nỗi sợ hãi của những người phê phán quyết liệt nhất mô hình này: đó là trong một quốc gia với các thiết chế (còn) yếu, một tổng thống quyền lực bao trùm có thể đe dọa nền dân chủ.
    Hiến pháp Nga 1993 tạo ra hệ thống bán tổng thống với một tổng thống có quyền lực rộng lớn.
    -         Tổng thống được bầu trực tiếp với nhiệm kì bốn năm và giới hạn hai nhiệm kì. Tổng thống phải giành được đa số tuyệt đối (>50%); vì vậy nếu không ứng viên nào giành được đa số trong vòng bầu cử đầu tiên, thì hai ứng viên có số phiếu cao nhất sẽ chạy đua trong vòng hai.
    -         Tổng thống bổ nhiệp thủ tướng với sự chấp thuận của quốc hội, tức Duma, nhưng nếu Duma chống lại ứng viên thủ tướng của tổng thống ba lần, thì nó tự động bị giải tán và một cuộc bầu cử mới được tổ chức. Điều này có nghĩa rằng trừ khi đối thủ của tổng thống trong Duma nghĩ rằng họ sẽ thắng trong cuộc bầu cử, còn không rất khó để họ phản đối sự chỉ định của tổng thống.
    -         Tổng thống cũng bổ nhiệm tất cả các thành viên nội các, mà không cần chấp thuận của Duma. Cả thủ tướng lẫn nội các không cần là thành viên của Duma, và phần lớn họ là như vậy.
    -         Hệ thống Nga không kết nối tổng thống với quốc hội thông qua thủ tướng và nội các như mô hình Pháp. Cấu trúc này cho phép tổng thống thoải mái bổ nhiệm bất cứ ai vào nội các mà ông thích, không quan tâm đến việc đảng nào kiểm soát quốc hội.
    -         Ngoài ra, tổng thống còn kiểm soát trực tiếp các bộ trưởng quan trọng (ngoại giao, quốc phòng, nội vụ) và Cơ quan An ninh Liên bang; trong những lĩnh vực này, ông không cần quan tâm đến ý kiến của thủ tướng và nội các.
    -         Có lẽ quan trọng nhất đó là tổng thống có thể đề ra các sắc lệnh có hiệu lực của luật mà Duma không thể phủ quyết, hay tòa án không thể vô hiệu, điều này khiến cho tổng thống có thể cai trị mà không cần sự ủng hộ của quốc hội.
    -         Một sửa đổi hiến pháp vào năm 2000 cũng trao cho tổng thống quyền bổ nhiệm và sa thải mọi thống đốc của 89 khu vực của Nga, những người có quyền bổ nhiệm một nửa thượng nghị sĩ quốc hội. Duma có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm thủ tướng song phải làm như vậy hai lần mới có thể sa thải anh ta. Nó cũng có thể luộn tội thổng thống với 2/3 số phiếu, và nó chỉ nỗ lực làm điều này một lần vào năm 1999, nhưng thất bại.
    Hai tổng thống lớn của Nga thời kì hậu cộng sản là Boris Yeltsin (1991–2000) và Vladimir Putin (2000–2008), sử dụng quyền lực tổng thống khá khác nhau.
    -         Yeltsin, được bầu làm tổng thống khi Nga vẫn còn là một phần của Liên Xô, là anh hùng của cuộc cách mạng hậu Cộng sản. Ông lãnh đạo phe đối lập chống lại nỗ lực đảo chính của quân đội Liên Xô vào tháng 8/1991, và thành công của phong trào đã đánh dấu chấm hết cho Liên Xô.
    Ông cũng là kiến trúc sư của hiến pháp năm 1993. Tuy nhiên, sự cai trị của ông khá lộn xộn. Bởi vì ông không phải là thành viên của bất cứ đảng chính trị nào, nên ông không thể có được sự ủng hộ rộng rãi cho các cải cách. Trong hầu hết nhiệm kì tổng thống của mình, đối thủ chính của ông là Đảng Cộng sản, vốn chiếm đa số tương đối trong Duma từ năm 1995-2003. Yeltsin phải đối đầu với một quốc hội thù địch, nên cai trị thông qua sắc lệnh.
    Ông bổ nhiệm 7 thủ tướng và hơn 200 bộ trưởng trong nhiệm kì của mình. Thủ tướng cuối cùng của ông là Putin, người được chỉ định kế nhiệm ông; Yeltsin từ chức tổng thống trước cuộc bầu cử năm 2000, đưa Putin lên làm tổng thống tạm quyền.
    -         Putin, cựu lãnh đạo KGB, chứng tỏ là một tổng thống mạnh hơn Yeltsin rất nhiều; và đã giành được 53% số phiếu trong vòng một cuộc bầu cử vào năm 2000. Trong cuộc bầu cử Duma vào năm 2003, những người thân cận của ông đã thành lập đảng Nước Nga Thống nhất, giành chiến thắng và kiểm soát Duma từ đó.
    Putin tiến hành truy tố tham nhũng nhằm loại bỏ giới đầu sỏ nổi lên thời Yeltsin cũng như thay thế giới này với những người thân cận. Ông tập trung kiểm soát xã hội Nga thông qua kiểm soát nền kinh tế, truyền thông.
    Sau khi chiến thắng cuộc bầu cử năm 2004 với hơn 70% số phiếu ngay từ vòng một, Putin tiến hành cải cách hiến pháp nhằm kiểm soát hữu hiệu hơn nữa các chính quyền khu vực của đất nước, và qua đó, kiểm soát thượng viện.
    Vào cuối nhiệm kì hai, Putin chỉ định Dmitry Medvedev làm người kế nhiệm mình, và Medvedev được bầu làm tổng thống vào năm 2008. Chính Putin, sau đó được bổ nhiệm làm lãnh đạo đảng cầm quyền ở Duma, trở thành thủ tướng và trong thực tế là người lãnh đạo đất nước.
    Các nhà quan sát từng tự hỏi liệu Medvedev có thể sử dụng quyền lực của tổng thống để thay đổi chính sách của Putin hay không. Câu trả lời là không. Với tư cách thủ tướng, Putin kiểm soát lòng trung thành của đa số nghị sĩ ở Duma, và sẽ không có sự thay đổi lớn nào về chính sách nếu không có sự ủng hộ của ông.
    Vào năm 2012, Putin trở lại làm tổng thống cho đến ngày nay.
    Nhìn chung, Putin sử dụng quyền lực tổng thống vốn đã mạnh trong hệ thống bán tổng thống của Nga để tích lũy thêm quyền lực cho chính chức vụ tổng thống và cho cá nhân ông. Những sự bổ nhiệm của ông, những thay đổi về hiến pháp, việc kiểm soát nền kinh tế, và giới hạn đối với tự do chính trị mang đến cho ông một sự kiểm soát vô hạn  đối với nước Nga, điều mà khiến cho hầu như tất cả các nhà phân tích đi đến khẳng định Nga không còn là một nền dân chủ thực sự nữa, mà là một chế độ bán độc tài.
    Hiến pháp, về cơ bản đã bị sửa chữa bởi Putin, trao cho tổng thống quyền lực to lớn; ngay cả khi quốc hội do đảng đối lập kiểm soát, thì nó cũng không có khả năng để trở thành người chơi phủ quyết thực sự. Trường hợp của Nga dấy lên nỗi sợ hãi về một tổng thống mạnh quá mức trong hệ thống bán tổng thống, trong bối cảnh nền dân chủ mới với các thiết chế kiểm soát còn yếu.
    Về hình thức, hệ thống được thiết kế có các bộ phận giải trình trách nhiệm theo phương đứng và phương ngang, tuy nhiên, việc Putin kiểm soát hệ thống bầu cử, cũng như tạo ra một đảng chi phối, khiến cho hầu như không còn lực lượng nào có thể phản kháng lại quyền lực của ông.
    NguồnIntroducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context.

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org