Vận hành hệ thống đại nghị ở Ấn Độ

Posted on
  • Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Về hình thức, hệ thống đại nghị của Ấn Độ không khác nhiều với hệ thống của Anh. Cũng như trong bất kì hệ thống đại nghị nào, thủ tướng và nội các nắm quyền hành pháp; tuy nhiên Ấn Độ có một tổng thống được bầu gián tiếp. Dù có rất ít khác biệt về hình thức, song vai trò và quyền lực của thủ tướng và quốc hội Ấn Độ khác rất nhiều so với mô hình Anh. Vai trò của tổng thống tương tự vai trò của vua Anh, nhưng đôi khi đóng một vai trò quan trọng hơn.
    Sự khác biệt giữa hai hệ thống chủ yếu nằm ở sự khác biệt về số lượng đảng. Giống như Anh, và hầu hết hệ thống đại nghị, các đảng của Ấn Độ có kỉ luật cao, theo nghĩa hầu hết các nghị sĩ luôn bỏ phiếu theo đảng của họ. Song không như Anh, Ấn Độ hiện không có hệ thống hai đảng, mà là hệ thống đa đảng. Một đảng từng chi phối trong bốn mươi đầu tiên sau khi đất nước độc lập khỏi Anh, nhưng sau đó không đảng nào có được sự chi phối như vậy nữa; không đảng nào giành được đa số ghế trong quốc hội trong 20 năm qua, và vì vậy dẫn đến phải hình thành các chính phủ liên minh.
    -         Trong những ngày đầu độc lập, sự chi phối của một đảng có nghĩa là thủ tướng ít bị giới hạn hơn so với các đồng nghiệp Anh. Đảng Quốc Đại cai trị hầu như liên tục từ khi độc lập vào năm 1947 đến năm 1989. Liên minh đối lập chỉ giành chiến thắng một lần trong giai đoạn này, từ năm 1977 đến 1980.
    Thủ tướng đầu tiên của đất nước, Nehru (1947–1964), là anh hùng của phong trào giải phóng dân tộc, được công chúng mến mộ. Nội các của ông bao gồm các nhà lãnh đạo từ nhiều phe phái lớn trong đảng cầm quyền.
    Ngay sau khi ông chết, cháu gái ông, Indira Gandhi, được lựa chọn làm người đứng đầu đảng, và do đó trở thành thủ tướng. Bà muốn độc lập khỏi sự chi phối của phe cánh trong đảng. Để đạt được mục tiêu này, bà bổ nhiệm các bộ trưởng nội các không phải là lãnh đạo các phe cánh lớn trong đảng mà là các nghị sĩ ít tên tuổi song trung thành với bà, và bà cai trị với sự tư vấn của một đội ngũ thân cận. Con trai bà, Rajiv Gandhi, thậm chí còn cai trị còn tập quyền và cá nhân hơn, cứ mỗi bảy tuần lại bổ nhiệm và sa thải một bộ trưởng.
    -         Đảng Quốc đại đánh mất sự chi phối từ năm 1989 sau một scandal tham nhũng lớn làm xói mòn hình ảnh của Rajiv Gandhi. Mọi chính phủ từ đó đều là chính phủ liên minh của một đảng lớn và một số đảng nhỏ. Điều này thay đổi sâu sắc vai trò của thủ tướng. Ông không còn quyền lực như trước, mà phải thỏa hiệp với các đảng khác để hình thành chính phủ. Nội các chính phủ liên minh bao gồm các bộ trưởng đại diện cho nhiều đảng khác nhau trong liên minh, những người tranh luận quyết liệt về chính sách trong các lĩnh vực cụ thể, một điều tiêu tốn nhiều thời gian và thường không mang lại kết quả gì.
    Hầu hết các thủ tướng từ năm 1989 có quyền lực ít hơn, bởi họ phải liên tục thỏa hiệp với các đối tác trong liên minh. Ngoài ra, nếu một đảng nhỏ quyết định bỏ phiếu chống lại chính phủ, thì nó có thể kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm và loại bỏ thủ tướng.
    -         Các thủ tướng Ấn Độ vẫn còn khá quyền lực, nhưng bởi không đảng nào có thể giành được đa số, nên chính phủ thường không ổn định. Điều này thể hiện rõ thông qua sự thay đổi số lượng thủ tướng của Ấn Độ: trong 30 năm đầu tiên sau độc lập (1946-1977), đất nước chỉ có ba thủ tướng, trong 30 năm sau (1977-2007), có đến hai mươi thủ tướng và chỉ ba trong số đó phục vụ trọn nhiệm kì.
    Bối cảnh đa đảng cũng mang đến cho tổng thống một mức độ ảnh hưởng. Nhìn chung, bổn phận của tổng thống tương tự bổn phận vua Anh: hành động với tư cách đại diện nhà nước, thực hiện các chức năng biểu tượng khác nhau ‘với sự tư vấn của thủ tướng’ – trong thực tế, hầu như luôn làm những gì thủ tướng nói.
    Quyền lực của tổng thống trong việc kêu gọi một lãnh đạo đảng trong quốc hội hình thành chính phủ kế tiếp đôi khi trở nên quan trọng trong bối cảnh chính phủ liên minh. Khi một liên minh sụp đổ, tổng thống phải quyết định liệu có kêu gọi một đảng khác hình thành một liên minh mới hay kêu gọi tổng tuyển cử. Ông thường theo sau lời khuyên của thủ tướng sắp mãn nhiệm, nhưng thỉnh thoảng, nếu ông nghĩ rằng mình có sự ủng hộ chính trị, thì ông có thể đưa ra quyết định độc lập.
    Các vấn đề khác của hệ thống chính trị Ấn Độ là chủ nghĩa khu vực, và tình trạng tham nhũng.
    -     Nhiều trong số các đảng nhỏ là thành viên của chính phủ liên minh song chỉ là các đảng ở cấp bang với ít sự ủng hộ bên ngoài bang, và vì vậy số phận chính trị của nhiều nghị sĩ cột chặt với vai trò của họ trong nền chính trị cấp bang hơn là trong quốc hội quốc gia.
    -     Khi sự lạm dụng quyền lực chính trị ngày càng tăng ở Ấn Độ, việc trở thành nghị sĩ là phương tiện để tiếp cận với các cơ hội tham nhũng. Các tổ chức giám sát của Ấn Độ báo cáo rằng, năm 2009, gần một phần tư nghị sĩ đương nhiệm bị kết án một tội nào đó, và trung bình thì các nghị sĩ chạy đua nhằm tái cử vào năm 2009 trở nên giàu có hơn 300% so với kì bầu cử trước đó vào năm 2004.
    Sự đi lên của chính phủ liên minh đã cho phép phe đối lập trong quốc hội trở nên tự tin hơn trong công việc lập pháp. Dưới thời chi phối của Đảng Quốc đại, các đảng đối lập chỉ có thể thể hiện việc phản đối thông qua dự luât bằng cách bỏ phiên họp quốc hội. Tuy nhiên, sự đi lên của chính phủ liên minh đã thay đổi điều này. Cũng như ở Anh, các ủy ban quốc hội ở Ấn Độ trở nên mạnh hơn. Các nghị sĩ đối lập cũng bắt đầu giới thiệu các dự luật của riêng họ một cách đều đặn. Tương tự, các cuộc tranh luận quốc hội giờ đây trở thành đặc trưng của quốc hội, các nghị sĩ đối lập không còn biểu tình phản đối như trước nữa.

    Tóm tắt
    Mô hình Westminster trong dạng thức thuần túy của nó là hình thức tập trung quyền lực nhất trong số các dạng mô hình dân chủ. Tuy nhiên, sự vận hành của mô hình trong thực tế phụ thuộc vào một số tác nhân, mà quan trọng nhất trong đó là số lượng và sức mạnh của các đảng.
    -         Trường hợp của Anh chỉ có hai đảng mạnh, vì vậy một đảng có thể cai trị mà không gặp cản trở gì. Giải trình trách nhiệm theo phương đứng rõ ràng tồn tại, nhưng giải trình trách nhiệm theo phương ngang rất giới hạn.
    -         Hệ thống Ấn Độ thời Đảng Quốc Đại chi phối vận hành như vậy. Tuy nhiên, từ năm 1989, với sự đi lên của chính phủ liên minh đã làm gia tăng người chơi phủ quyết, đòi hỏi một mức độ đồng thuận cao hơn.
    Tuy nhiên, trái với Anh, Ấn Độ cũng có một hệ thống review tư pháp trong đó Tòa án Tối cao có thể giới hạn hành động của quốc hội và chính phủ nhằm bảo vệ hiến pháp; tòa án ngày càng tự tin khi làm như vậy trong hơn 20 năm qua.
    NguồnIntroducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org