TỔNG QUAN VÀ PHÂN LOẠI CÁC DẠNG DÂN CHỦ

Posted on
  • Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • 1. Phân loại các nền dân chủ
    Một nền dân chủ là đại nghị, tổng thống hay bán tổng thống phụ thuộc vào mối quan hệ giữa a) chính phủ, bao gồm trưởng hành pháp chính trị và các bộ trưởng đứng đầu các bộ khác nhau của chính phủ, b) cơ quan lập pháp, và c) tổng thống (nếu có). Và chúng ta phải hỏi hai câu hỏi căn bản nếu chúng ta muốn phân loại các nền dân chủ thành đại nghị, tổng thống, hay bán tổng thống.
    Hình 1: Phân loại chế độ tổng thống, bán tổng thống, và đại nghị

    Chính phủ có chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp hay không?
    Cần nhớ rằng chính phủ bao gồm trưởng hành pháp chính trị và các bộ trưởng đứng đầu các bộ khác nhau của chính phủ. Chịu trách nhiệm trước cơ quan lập pháp có nghĩa đa số trong cơ quan lập pháp có quyền về mặt hiến pháp để loại bỏ chính phủ. Trong những nền dân chủ được đặc trưng bởi sự chịu trách nhiệm này, cơ chế mà qua đó cơ quan lập pháp có thể tiến hành loại bỏ chính phủ được gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Về cơ bản, bỏ phiếu bất tín nhiệm là một cuộc bỏ phiếu trong cơ quan lập pháp về việc liệu chính phủ có tiếp tục nắm quyền nữa hay không. Nếu đa số các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại chính phủ, thì chính phủ phải từ chức.
    Một số quốc gia, như Bỉ, Đức, Israel, và Tây Ban Nha, áp dụng một phiên bản hơi khác của thủ tục này được gọi là bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng. Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng đòi hỏi người phản đối chính phủ cũng phải cho thấy ai sẽ thay thế chính phủ nếu nó bị loại bỏ. Một trong những lý do dẫn đến áp dụng bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng là nó giúp giảm bớt sự bất ổn định của chính phủ. Như chúng ta biết, việc kêu gọi bỏ phiếu chống lại một chính phủ thì dễ dàng hơn nhiều so với việc hình thành một liên minh thay thế cho chính phủ đó. Trong giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới ở nước Đức với nền dân chủ Weimar, rất dễ để hình thành một đa số trong cơ quan lập pháp chống lại chính phủ đương nhiệm; tuy nhiên, cực kì khó để xây dựng và duy trì một đa số ủng hộ cho một chính phủ thay thế. Kết quả, các chính phủ thường có thời gian tồn tại rất ngắn. Để giải quyết vấn đề này, hiến pháp Đức thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã áp dụng cơ chế bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng. Với quy định mới này, chính phủ Đức đương nhiệm chỉ có thể bị hạ bệ nếu đa số trong cơ quan lập pháp đồng ý với một phương án chính phủ khác thay thế nó.
    Ngoài bỏ phiếu bất tín nhiệm, một số nước còn có bỏ phiếu tin nhiệm. Bỏ phiếu tín nhiệm tương tự bỏ phiếu bất tín nhiệm, trong đó chính phủ không có được sự ủng hộ của đa số trong cơ quan lập pháp phải từ chức. Sự khác nhau nằm ở chỗ bỏ phiếu tín nhiệm do chính phủ khởi xướng, trong khi bỏ phiếu bất tín nhiệm do cơ quan lập pháp khởi xướng.
    Bạn có thể hỏi tại sao chính phủ lại kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính nó. Có một số lý do.
    Chẳng hạn, liên quan đến việc thông qua một dự luật. Nếu chính phủ không chắc chắn về khả năng có được sự ủng hộ đủ từ quốc hội để thông qua một dự luật, thì nó có thể lựa chọn coi việc bỏ phiếu cho dự luật như một cuộc bỏi phiếu tín nhiệm đối với việc tiếp tục nắm quyền của chính phủ. Thường thì các nhà lập pháp, những người không thích một phần nào đó trong dự luật mà chính phủ đang cố thông qua, song có thể quyết định bỏ phiếu ủng hộ dự luật trong hoàn cảnh này bởi họ không thực sự muôn hạ chính phủ lúc này. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp hạ bệ một chính phủ đồng nghĩa với việc tiến hành một cuộc bầu cử mới và khả năng cao là các nghị sĩ có thể thất cử.
    Tương tự, chính phủ có thể sử dụng bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nỗ lực thống nhất một đảng chia rẽ hoặc làm câm lặng những người phê phán, những người công khai chỉ trích chính phủ nhưng không thực sự sẵn lòng bỏ phiếu để hạ bệ chính phủ. Dĩ nhiên, việc sử dụng chiến thuật bỏ phiếu tín nhiệm này có thể có tác dụng ngược nếu chính phủ đánh giá sai về ý chí của các đối thủ của mình, và vì vậy mà có thể dẫn đến việc chính phủ bị hạ bệ.
    Tóm lại, cơ quan lập pháp trong các nền dân chủ có thể loại bỏ chính phủ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc thông qua bỏ phiếu tín nhiệm mà chính phủ khởi xướng. Như hình 1 cho thấy, các nền dân chủ tổng thống không được định nghĩa bởi sự hiện diện của một tổng thống. Thay vào đó, chúng được định nghĩa bởi việc không có cơ chế chịu trách nhiệm của chính phủ trước cơ quan lập pháp – nghĩa là cơ quan lập pháp trong hệ thống tổng thống không thể loại bỏ chính phủ. Các nền dân chủ có cơ chế chịu trách nhiệm của chính phủ trước trước cơ quan lập pháp – bỏ phiếu bất tín nhiệm – hoặc là đại nghị hoặc là bán tổng thống. Để phân chia rõ hơn hai dạng này, chúng ta trả lời câu hỏi tiếp theo.

    Người đứng đầu nhà nước có do người dân bầu lên với một nhiệm kì cố định hay không?
    Để quyết định một nền dân chủ với cơ chế chịu trách nhiệm của chính phủ trước trước cơ quan lập pháp là đại nghị hay bán tổng thống, chúng ta cần biết liệu nó có một người đứng đầu nhà nước dân bầu với nhiệm kì cố định hay không.
    Nếu có, thì đó là chế độ bán tổng thống. Và nếu không, thì đó là chế độ đại nghị.
    Người đứng đầu nhà nước được người dân bầu chọn nếu anh ta được bầu chọn thông qua một quá trình mà các cử tri hoặc i) bỏ phiếu trực tiếp cho ứng viên nào mà họ muốn lựa chọn (như ở Mexico, Nam Hàn), hoặc ii) bỏ phiếu bầu chọn một hội đồng, đôi khi được gọi là một cư tri đoàn, mà vai trò duy nhất của các thực thể này là lựa chọn người đứng đầu nhà nước (như ở Cộng hòa Czech, Italy).
    Với một nhiệm kì cố định có nghĩa là người đứng đầu nhà nước phục vụ trong một giai đoạn cố định và không thể bị phế bỏ trong thời gian đó.
    Trong một nền dân chủ, người đứng đầu nhà nước hoặc là một vị vua, hoặc một tổng thống. Bạn cần phải nhớ rằng sự hiện diện của một tổng thống đứng đầu nhà nước không phải là điều kiện cần hay đủ cho việc phân biệt giữa ba dạng dân chủ - tổng thống có thể tồn tại trong các nền dân chủ tổng thống, bán tổng thống, hay đại nghị. Trái lại, sự hiện diện của một vị vua đứng đầu nhà nước trong một nền dân chủ tự động có nghĩa rằng đó là chế độ đại nghị. Điều này là vì các vị vua không phục vụ nhiệm kì cố định, và không do người dân bầu.
    Tóm lại, chúng ta có thể phân loại ba dạng dân chủ như sau:
    -         Dân chủ tổng thống: nền dân chủ trong đó sự tồn tại của chính phủ không phụ thuộc vào đa số trong quốc hội.
    -         Dân chủ đại nghị: nền dân chủ trong đó sự tồn tại của chính phủ phụ thuộc vào đa số trong quốc hội, và người đứng đứng đầu nhà nước không do người dân bầu lên với một nhiệm kì cố định
    -         Dân chủ bán tổng thống: nền dân chủ trong đó sự tồn tại của chính phủ phụ thuộc vào đa số trong quốc hội, và người đứng đầu nhà nước được người dân bầu chọn với một nhiệm kì cố định.  

    2. Tổng quan về các dạng dân chủ
    Hình 2: Phân bố của các chế độ dân chủ tổng thống, bán tổng thống, và đại nghị vào năm 2008
    Bảng danh sách các nước theo chế độ đại nghị, tổng thống, bán tổng thống vào năm 2008
    Hình 2 cho thấy sự phân bố của các nền dân chủ đại nghị, tổng thống, và bán tổng thống trên thế giới vào năm 2008. Các nền dân chủ tổng thống được thể hiện bằng màu đen, các nền dân chủ bán tổng thống bằng màu xám trung bình, các nền dân chủ đại nghị bằng mầu xám sáng, và các chế độ độc tài bằng màu trắng.
    Như mọi người thấy, các nền dân chủ tổng thống thường tập trung ở Châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ Latin. Trái lại, các nền dân chủ tổng thống, ngoài Thụy Sỹ, hoàn toàn không có mặt ở Châu Âu, nơi mà chủ yếu gồm các nền dân chủ đại nghị và dân chủ bán tổng thống. Ở Châu Phi, các nền dân chủ thường hoặc là tổng thống hoặc bán tổng thống.

    Hình 3a: Số lượng của các dạng dân chủ


    Hình 3b: phần trăm của các dạng dân chủ
    Hình 3a,b cho thấy, các nền dân chủ đại nghị là dạng phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng trên 43% (51 trong số 118) các nền dân chủ trên thế giới vào năm 2008 theo chế độ đại nghị. Khoảng 1/3 (39 trong số 118) các nền dân chủ trên thế giới vào năm 2008 theo chế độ tổng thống, và gần 1/4 (28 trong số 118) theo chế độ bán tổng thống.
    Nguồn: Matt Golder, Nandenicheck Sona Golder, William Roberts Clark. Principles of Comparative Politics

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org