Chính
trị của Thái Lan từ lâu đã bị chi phối bởi quân đội và nhà vua có uy tín của đất
nước, những người đã đảm bảo rằng nền kinh tế phục vụ cho lợi ích trực tiếp của
tầng lớp tinh hoa ở Bangkok. Các chính phủ thường được giữ cho có một địa vị yếu,
dễ tổn thương, và thường xuyên bị quân đội lật đổ.
Tuy
nhiên, "Vùng đất của nụ cười" đã đạt được thành công lớn trong vài thập
kỷ qua. GDP bình quân đầu người của Thái Lan tính theo sức mua tương đương đã
nhảy vọt từ 4300 USD năm 1990 lên 15700 USD vào năm 2014. Đất nước đứng vị trí
32 trong Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu của
Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Và tình trạng
cực nghèo đã được loại bỏ.
Chìa
khóa thành công của Thái Lan là khả năng thu hút được nhiều dòng đầu tư trực tiếp
nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản, và khách du lịch quốc tế - bất chấp sự mất
ổn định định kỳ. Và nhờ có "lợi thế địa phương", nó đã thu hút trụ sở
khu vực của nhiều tập đoàn.
Thành
công của Thái Lan đặc biệt nổi trội so với Philippines, nước có quy mô tương tự,
nhưng GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương chỉ là 6970 USD, ít
hơn một nửa so với Thái Lan. Cả hai nước đều nổi tiếng vì tham nhũng, với Thái
Lan xếp thứ 76 và Philippines thứ 95 trên thế giới theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ
chức Minh bạch Quốc tế.
Nhưng
như một cựu bộ trưởng Thái đã từng nói, "Chúng tôi có thể tham nhũng,
nhưng chúng tôi làm việc cần thiết phải làm. Thật vậy, các dự án cơ sở hạ tầng
thành công của chúng tôi tạo cơ hội cho tham nhũng, làm thỏa mã sự thèm khát của
giới tinh hoa tham lam của chúng tôi. Còn tầng lớp tinh hoa Philippines chỉ chiến
đấu với chiếc bánh quốc gia nhỏ bé của họ, và không đủ thông minh để xây dựng đất
nước vì lợi ích của mọi người."
Bẫy thu nhập trung bình trong trường
hợp Thái Lan
Mặc
dù sự thành công tương đối của Thái Lan, nó đã rơi vào "bẫy thu nhập trung
bình". Giống như trường hợp của một số quốc gia Mỹ Latinh trước đó, dường
như ít có khả năng để Thái Lan có được thu nhập cao hơn. Có nhiều lý do cho điều
này.
Hệ
thống giáo dục của Thái Lan nghèo nàn, như được phản ánh ở vị trí thấp của nó
trong chương trình giáo dục PISA của OECD. Hiện nay, dân số già đi rất nhanh,
và nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào những người di cư từ nông thôn được đào
tạo nghèo nàn.
Thái
Lan cũng đang phải đối mặt với các thách thức khác, như nó không thể tận dụng
được sự tham gia của nó vào các chuỗi giá trị toàn cầu để tiến đến các các hoạt
động có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, Việt Nam, Myanmar và Indonesia gần
đây nổi lên như những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Thái Lan.
Hơn
nữa, Thái Lan có một xã hội phân cực quá mức. Bất bình đẳng thu nhập cao. Một
trong những khía cạnh nổi bật nhất của bất bình đẳng là khoảng cách lớn giữa
người nghèo ở vùng nông thôn phía bắc và đông bắc, và khu vực Bangkok. Và sự bất
ổn về chính trị cũng đã kéo đất nước đi xuống.
Bầu chọn Thaksin Shinawatra
Từ
bối cảnh này, năm 2001, Thaksin Shinawatra được bầu làm Thủ tướng Thái Lan, như
là "người bảo vệ của người nghèo", điều này gây ra sự không hài lòng
của giới tinh hoa Bangkok (quốc vương, quân đội, tư pháp, giới công chức cao cấp
và Đảng Dân chủ). Bản thân Thaksin cũng không nghèo. Ông là một ông trùm truyền
thông vô cùng giàu có.
Thaksin
đã thực hiện các chính sách vì người nghèo như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục,
y tế công cộng, giảm nợ và tài chính vi mô. Hầu hết đều đồng ý rằng những chính
sách này đã cải thiện cuộc sống của các cộng đồng vùng nông thôn nghèo đói ở
phía bắc và đông bắc. Hơn nữa, Thaksin đã chứng tỏ là một chính trị gia tôn trọng
lời hứa của ông đối với người nghèo, những người hiện nay vẫn ủng hộ đảng của
ông một cách mạnh mẽ.
Những
người phê bình các chính sách vì người nghèo của Thaksin mô tả chúng là
"dân túy" hoặc thậm chí là mua phiếu. Những người khác khâm phục
chúng như là những chính sách "tăng trưởng toàn diện".
Nhưng
có nhiều điều ở Thaksin hơn ngoài các chính sách tăng trên. Các nỗ lực quyết liệt
giải quyết nạn buôn bán ma túy thường được cho tàn bạo, vô pháp luật và rất nhiều
người chết. Các chính sách mạnh tay ở vùng sâu phía nam Thái Lan đã tạo ra một
cuộc nổi dậy ly khai đầy bạo lực. Và Thaksin bị coi là cực kỳ tham nhũng, thậm
chí theo tiêu chuẩn của Thái Lan, khi ông khai thác các hợp đồng của chính phủ
thông qua địa vị của mình. Nói tóm lại, Thaksin chứng tỏ là một người gây chia
rẽ, người đã tự mình chống lại tầng lớp tinh hoa truyền thống của Thái Lan.
Loại bỏ Thaksin
Thaksin
bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006. Ông bị kết tội
tham nhũng, và hiện giờ sống lưu vong ở Dubai. Đảng (ủy nhiệm) của ông tiếp tục
tái đắc cử vào năm 2007. Nhưng các cuộc ly khai đảng đã dẫn đến sự thay đổi
chính phủ vào năm 2009. Đảng Dân chủ, do Abhisit Vejjajiva lãnh đạo, đã cai trị
từ năm 2009-2011. Tuy nhiên, trong năm 2011 đảng này thua trong cuộc bầu cử trước
người em gái của Thaksin là Yingluck Shinawatra và Đảng Phue Thai của bà.
Triều
đại của Yingluck cũng bị đánh dấu bởi những tranh cãi như cáo buộc can thiệp từ
đằng sau hậu trường của Thaksin, lạm dụng quyền lực trong việc bổ nhiệm các vị
trí chính phủ, và một kế hoạch trợ cấp giá gạo khiếm khuyết và tham nhũng đã tạo
ra thảm hoạ tài chính quốc gia, với tổn thất ước tính là 15 tỷ USD. Một chất
xúc tác chính cho những bất ổn xã hội hơn nữa là nỗ lực khiêu khích thiếu tính
toán để thông qua Đạo luật Ân xá nhằm cho phép Thaksin trở lại Thái Lan mà
không phải đối mặt với án phạt 2 năm tù vì tham nhũng.
Trở lại với sự cai trị của quân đội
Yingluck
đã bị phế truất bởi Toà án Hiến pháp vào tháng 5 năm 2014, thay vì thông qua tiến
trình bầu cử dân chủ. Quân đội sau đó đã tiếm quyền trong một cuộc đảo chính,
đây là cuộc đảo chính thứ 20 kể từ năm 1932. Một trong những lý do đưa ra cho cuộc
đảo chính là bất ổn bạo lực nổ ra giữa những người ủng hộ hai phe chính trị
chính, "áo vàng" (tượng trưng cho hoàng gia, giới đầu sỏ) và "áo
đỏ" (phe Shinawatra và ủng hộ dân chủ). Có tin đồn rằng các thành viên
hoàng gia kích động những cuộc biểu tình đường phố này.
Nhưng
cuộc đảo chính năm 2014 của quân đội có một chương trình nghị sự lớn hơn.
Thứ
nhất, quân đội quyết tâm loại bỏ gia đình Shinawatra và phong trào áo đỏ khỏi đời
sống chính trị Thái Lan ("phi Thaksin hóa). Nó xem nền dân chủ đa số là một
mối đe dọa hiện hữu đối với sự thống trị của nó đối với đời sống chính trị Thái
Lan, vì tầng lớp thượng lưu ở Bangkok không có đủ số lượng để giành chiến thắng
trong một cuộc bầu cử dân chủ. Thật vậy, các đảng liên kết của Shinawatra đã
giành chiến thắng tất cả các cuộc bầu cử từ năm 2001.
Yingluck
bị kết tội vào năm 2015, và cấm tham gia chính trị trong 5 năm. Về cơ bản quân
đội đã loại bỏ phong trào áo đỏ. Luật lese-majesty (chống phỉ báng, xúc phạm hoặc
đe dọa chế độ quân chủ) được tự do sử dụng để kiềm chế bất đồng chính trị và loại
bỏ các nhân vật chống đối. Chính phủ quân sự đang áp đặt những hạn chế rộng rãi
đối với tự do ngôn luận, báo chí và lập hội, và đã có nhiều báo cáo cho thấy việc
lạm dụng nhân quyền.
Các
nhà hoạt động nhân quyền và dân quyền, các nhà báo và các nhà nghiên cứu phải
chịu những sự giới hạn lớn. Ví dụ, Pavin Chachavalpongpun, một nhà khoa học
chính trị, đã bị ra lệnh bắt giữ, bị thu hồi hộ chiếu và phải xin tị nạn tại Nhật
Bản, gia đình ông bị đe doạ; và chính phủ quân sự đã cố gắng yêu cầu chính phủ
Nhật dẫn độ ông (và các vụ tương tự khác) về Thái Lan, song không thành công.
Thứ
hai và quan trọng nhất, là quân đội muốn kiểm soát Thái Lan để quản lý việc kế
vị hoàng gia trong tương lai nhằm bảo vệ quyền lực của nó. Nhà vua, Bhumibol
Adulyadej, đã bị đau ốm trong một vài năm (mới qua đời, vua mới đã lên kế vị). Vua
Bhumibol, 88 tuổi, đã cai trị từ năm 1946, khiến ông trở thành quốc vương trị
vì lâu nhất thế giới. Ông được người dân Thái Lan yêu mến và tôn kính và là
chìa khóa cho sự ổn định của đất nước. Ông không chỉ là một biểu tượng, mà còn
can thiệp định kỳ như người hòa giải quốc gia với sự hỗ trợ của quân đội.
Do
đó, nhà vua đã ngăn cản sự phát triển của các thiết chế để giải quyết hòa bình
các tranh chấp và những khác biệt chính trị. Thật vậy, giới tinh hoa mong đợi
nhà vua và quân đội giải quyết các vấn đề xã hội và chính trị cho nó. Trớ trêu
thay, điều này đã là một yếu tố chính trong việc đánh thức các tình cảm chống
chế độ quân chủ tại Thái Lan. Vấn đề chính đối với sự kế vị hoàng gia của Thái
Lan là Hoàng thái tử, Maha Vajiralongkorn, không bao giờ có thể giống như một
nhân vật bán thần như vua Bhumibol. Thái tử được coi là một tay chơi, ít quan
tâm đến triều đình. Ông ta không được người Thái hay quân đội thích. Thật vậy,
đã có tin đồn về mối quan hệ gần gũi giữa Thái tử và Thaksin.
Tuy
nhiên, khi sự kế vị hoàng gia không thể tránh khỏi đến gần hơn, Thái tử đang
xây dựng các liên kết với quân đội, mà ông cần sự ủng hộ của nó. Và việc ly hôn
vào năm 2015 với vợ ông, người mà gia đình đã lợi dụng tên của ông, cũng được
xem là một bước đi mang tính xây dựng để chuẩn bị cho sự kế vị. Cũng có những
tin đồn rằng công chúa Maha Chakri Sirindhorn, vốn được công chúng yêu mến hơn
nhiều so với thái tử, có thể lên ngôi, nhưng điều này dường như giống như không
thực tế.
Chính
phủ quân sự đã chuẩn bị một số bản dự thảo hiến pháp mới, với cái mới nhất được
đưa ra trưng cầu ý dân vào tháng 8 năm 2016. Mặc dù bản dự thảo có vẻ nhằm chuẩn
bị cho việc trở lại của chính phủ dân chủ, song trong thực tế dự thảo hiến pháp
chỉ đơn thuần củng cố vai trò của quân đội với tư cách cơ quan quyền lực tối
cao của đất nước và cản trở những nỗ lực của Thaksin trở lại nắm quyền.
Quá
trình soạn thảo hiến pháp kéo dài cũng có thể là một thủ đoạn để cho phép quân
đội tiếp tục nắm quyền. Những lời hứa của một cuộc bầu cử vẫn tiếp tục bị trì
hoãn, và hiện nay không có khả năng rằng một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trước
năm 2018. "Lộ trình đến dân chủ" của chính phủ quân đội chỉ là trên lời
nói. Dường như chắc chắn rằng khi vua qua đời quân đội sẽ viện dẫn thiết quân
luật và yêu cầu quốc tang kéo dài cho đến khi sự kế vị của hoàng gia được an
toàn và chắc chắn.
Tương lai chính trị của Thái Lan
Thái
Lan cần thiết lập một nền dân chủ đa số thực sự, dựa trên luật pháp, nhằm đảm bảo
ổn định chính trị lâu dài, và đưa đất nước trở lại con đường tăng trưởng kinh tế
bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn trong ba năm qua, trung bình chỉ trên 2%
mỗi năm. Nhưng nền dân chủ để thành công đòi hỏi một số điều kiện (đầy thách thức).
Thứ
nhất, quân đội phải trở về doanh trại, và không còn can thiệp vào chính trị quốc
gia. Sự can thiệp quân sự vào chính trị bây giờ chỉ làm trầm trọng thêm sự phân
hóa của Thái Lan. Như trong tất cả các nền dân chủ trưởng thành, quân đội phải
dưới sự kiểm soát của chính phủ dân sự chứ không phải ngược lại.
Thứ
hai, chế độ quân chủ cũng nên rút lui khỏi chính trị quốc gia. Trên thực tế,
sau việc kế vị hoàng gia, đó là giải pháp hợp lý hơn cả, vì không có khả năng
Hoàng tử Maha Vajiralongkorn nhận được sự tôn trọng lớn lao như Vua Bhumibol.
Thứ
ba, cần có sự hòa giải dân tộc và một khế ước xã hội mới. Các tầng lớp tinh hoa
của Bangkok phải nhận ra rằng thế giới đã thay đổi. Họ phải học cách thỏa hiệp,
chia sẻ lợi ích của tăng trưởng kinh tế và tìm kiếm sự đồng thuận mới về chính
trị.
Nhờ
Thaksin, người nghèo từ phía bắc và đông bắc Thái Lan đã nếm được lợi ích của
tăng trưởng toàn diện, và nhiều người sẵn sàng chiến đấu vì công bằng xã hội.
Hơn nữa, Thái Lan hiện đang có phong trào dân chủ phát triển nhờ tầng lớp trung
lưu mới nổi và dân số có trình độ học vấn cao hơn, có quyền truy cập Internet
và truyền thông xã hội, cũng như với một ý thức và mong muốn tham dự lớn hơn vào
chính trị.
Ngày
nay, Thái Lan cần có một chính phủ mới được bầu cử một cách dân chủ để cai trị
nhân danh quốc gia, dựa trên một thỏa thuận mới, được coi là công bằng cho tất
cả các phe phái lớn trong xã hội. Nhưng theo tất cả các báo cáo, tầng lớp tinh
hoa ở Bangkok vẫn nhìn người nghèo khổ của đất nước với sự khinh thường, những
người mà họ cho là dốt nát, không có học vấn và ngu ngốc.
Nhìn
về tương lai, triển vọng dân chủ ở Thái Lan rất mờ nhạt. Thái Lan hiện nay có một
xã hội đổ vỡ và hệ thống chính trị phân cực, và không có dấu hiệu cho thấy giới
lãnh đạo tìm muốn tìm ra một con đường thoát khỏi bế tắc hướng đến hòa giải dân
tộc. Tiếp tục đàn áp sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự phân cực của xã hội Thái
Lan. Tại hội nghị ở Brooking vào tháng 2 năm 2016, Duncan McCargo của Đại học
Leeds, đã tổng kết tình hình này một cách ngắn gọn khi ông nói: "Tôi chưa
bao giờ thực sự bi quan hơn lúc này".