THUYẾT TINH HOA

Posted on
  • Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Thuyết tinh hoa nổi lên với tư cách là một lý thuyết phê phán đối với các ý tưởng quân bình như dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Nó chú ý tới thực tế cai trị của giới tinh hoa, vốn được coi hoặc là một đặc trưng đáng mong muốn và không thể tránh được trong đời sống xã hội, hoặc là một thực tại đáng tiếc song có thể khắc phục được.
    Những người theo thuyết tinh hoa cổ điển như Vilfredo Pareto (1848–1923), Gaetano Mosca (1857–1941) và Robert Michels (1876–1936) ủng hộ quan điểm trước. Đối với họ, dân chủ (dù trong bất cứ hình thức nào) chỉ là một sự lừa mị ngớ ngẩn, bởi vì quyền lực chính trị luôn nằm trong tay thiểu số đặc lợi: giới tinh hoa.
    Chẳng hạn, trong tác phẩm The Ruling Class (1896), Mosca cho rằng, trong tất cả mọi xã hội ‘luôn có hai giai cấp xuất hiện – một giai cấp cai trị và một giai cấp bị cai trị’. Theo quan điểm của ông, các nguồn lực hay đặc tính cần thiết cho sự cai trị luôn phân phối không bình đẳng, và một thiểu số kết dính sẽ luôn có thể thao túng và kiểm soát đám đông, ngay cả khi đó là ở trong một nền dân chủ nghị viện.
    Pareto đề nghị rằng các phẩm chất cần thiết cho sự cai trị thuộc về hai dạng sau: ‘cáo’ (cai trị bằng sự xảo tráo, và có thể thao túng sự đồng thuận của đám đông) và ‘sư tử’ (chi phối thông qua bạo lực và ép buộc).
    Tuy nhiên, Michels phát triển một dòng lập luận khác dựa trên một xu hướng xuất hiện trong mọi tổ chức, đó là quyền lực luôn tập trung vào tay một nhóm nhỏ những nhật vật chi phối, những người có thể tổ chức và đưa ra quyết định. Ông gọi điều này là ‘luật sắt về đầu sỏ’.
    Trong khi các nhà lý thuyết tinh hoa cổ điển cố gắng chứng tỏ rằng dân chủ chỉ là một huyền thoại, thì các nhà lý thuyết tinh hoa hiện đại có xu hướng nhấn mạnh đến khoảng cách giữa một hệ thống chính trị cụ thể với lý tưởng dân chủ. Một ví về điều này có thể thấy trong giải thích nhiều ảnh hưởng của Wright Mills về cấu trúc quyền lực ở Mỹ.
    Trái với quan điểm đa nguyên về sự phân tán quyền lực rộng rãi trong nền dân chủ, Mills, trong tác phẩm The Power Elite (1956), mô tải Mỹ bị chi phối bởi một số nhóm (đầu sỏ). Theo quan điểm của ông, nhóm tinh hoa này gồm liên minh giữa ba lực lượng là giới doanh nghiệp lớn (đặc biệt giới công nghiệp quốc phòng), giới quân sự Mỹ, và giới chính trị gia tập trung xung quanh tổng thống. Từ một sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế, với kiểm soát bộ máy quan liêu cho đến việc tiếp cận với các chức vụ cao nhất trong nhánh hành pháp của chính quyền, giới tinh hoa quyền lực có thể định hình các ‘quyết định lịch sử’, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và chính sách ngoại giao, cũng như các chính sách kinh tế chiến lược.
    Mô hình quyền lực tinh hoa này gợi ý rằng nền dân chủ tự do ở Mỹ chỉ mang tính hình thức (giả tạo). Hơn nữa, các nhà lý thuyết tinh hoa cho rằng các nghiên cứu thực nghiệm ủng hộ cho các kết luận của trường phái đa nguyên đơn giản chỉ vì Dahl và những người khác đã lờ đi tầm quan trọng của các cơ chế như thao túng quyền lực.
    Tuy nhiên một số nhà lý thuyết tinh hoa cho rằng cơ chế dân chủ là phù hợp với thuyết tinh hoa (có vai trò kiểm soát giới tinh hoa). Trong khi mô hình quyền lực – tinh hoa mô tả giới tinh hoa như một tập thể gắn kết, ràng buộc với hau bởi các lợi ích chồng lấp, thì lý thuyết tinh hoa cạnh tranh (đôi khi còn gọi là ‘thuyết tinh hoa dân chủ’) nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đối địch trong giới tinh hoa.
    Nói cách khác, giới tinh hoa, bao gồm các nhân vật hàng đầu từ một số nhóm và lợi ích cạnh tranh, luôn có một sự chia rẽ, phân mảnh. Quan điểm này thường được gán cho mô hình dân chủ ‘duy thực’ của Joseph Schumpeter, như thể hiện trong tác phẩm Capitalism, Socialism and Democracy (1942):
    Dân chủ đơn thuần là thủ tục thể chế để đạt đến các quyết định chính trị, trong đó những người giành được quyền quyết định là những người chiến thắng trong cuộc cạnh tranh giành lá phiếu cử tri.




    Các mô hình tinh hoa
    Cử tri có thể quyết định nhóm tinh hoa nào cai trị, nhưng không thể thay đổi được thực tại là quyền lực luôn nằm trong tay giới tinh hoa. Mô hình tinh hoa cạnh tranh này được phát triển bởi Anthony Downs (1957) trong ‘lý thuyết kinh tế về dân chủ’. Nhìn chung, cạnh tranh bầu cử tạo ra một thị trường chính trị trong đó các chính trị gia hành động như các doanh nhân theo đuổi quyền lực, còn cử tri hành xử như người tiêu dùng, bỏ phiếu cho đảng nào có chính sách phản ánh gần nhất sở thích của họ.
    Downs cho rằng một hệ thống bầu cử mở và cạnh tranh đảm bảo cho sự cai trị dân chủ bởi vì nó đặt chính phủ vào trong tay của đảng mà triết lý, giá trị và các chính sách của nó tương thích nhất với sở thích của nhóm cử tri lớn nhất. Như Schumpeter khẳng định ‘dân chủ là trò chơi của các chính trị gia’.
    Với tư cách một mô hình chính trị dân chủ, thuyết tinh hoa cạnh tranh có ưu điểm là nó phản ánh gần nhất với sự hoạt động thực tế của hệ thống chính trị dân chủ tự do. Đơn giản bởi nó ra đời từ một nỗ lực để miêu tả cách tiến trình dân chủ hoạt động hơn là đi định nghĩa dân chủ.
    Nguồn
    -         Andrew Heywood. Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org