NGHIỆP ĐOÀN, CÁNH HỮU MỚI, MARXIST

Posted on
  • Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Chủ nghĩa nghiệp đoàn
    Nguồn gốc của chủ nghĩa nghiệp đoàn có thể truy nguyên tới nỗ lực của những người Phát xít Ý trong việc xây dựng cái gọi là ‘nhà nước nghiệp đoàn’ thông qua kết nạp cả quản lý lẫn công nhân vào trong tiến trình làm chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, các nhà lý thuyết nghiệp đoàn hiện đại hình thành lý thuyết của họ từ những sự phát triển tương tự (ở Ý), song trong các nước công nghiệp phát triển thời hậu chiến (sau 1945). Dưới hình thức tân nghiệp đoàn, hay chủ nghĩa nghiệp đoàn tự do, lý thuyết này đưa đến hình thành ‘chính phủ tay ba, trong đó các chính sách của chính phủ đến từ sự thỏa thuận trực tiếp giữa các quan chức nhà nước, các nhóm của giới chủcác liên đoàn lao động (của người lao động).
    Ở quy mô rộng lớn hơn, xu hướng kết nạp các nhóm lợi ích kinh tế vào trong chính phủ (điều phổ biến sau 1945, và đặc biệt nổi bật ở Thụy Điển, Na Uy, Hà Lan và Áo) là hệ quả của khuynh hướng gia tăng can thiệp vào nền kinh tế. Khi chính phủ tìm cách quản lý đời sống kinh tế và phân phát đa dạng các dịch vụ công, nó nhận thấy sự cần thiết của việc hợp tác và hỗ trợ từ các nhóm lợi ích kinh tế lớn. Tuy nhiên, bởi khuynh hướng can thiệp này chững lại vào cuối những năm 1970, cùng với đó là sự gia tăng vai của thị trường tự do (như ở Anh từ năm 1979), ảnh hưởng của chủ nghĩa nghiệp đoàn bị suy giảm đáng kể.
    Ý nghĩa của chủ nghĩa nghiệp đoàn với tiến trình dân chủ là rất lớn.
    -         Nhiều người cho rằng chủ nghĩa nghiệp đoàn làm cho các quan điểm và lợi ích của người dân, thông qua các nhóm của họ trong mô hình chính phủ tay ba, được đại diện tốt hơn so với chỉ đơn thuần thông qua cơ chế bầu cử cạnh tranh (của dân chủ). ‘Chủ nghĩa nghiệp đoàn đa nguyên’ xem quan hệ tay ba này là cơ chế qua đó các nhóm lợi ích lớn trong xã hội cạnh tranh để định hình chính sách chính phủ.
    Tuy nhiên, một số nhà bình luận thấy chủ nghĩa nghiệp đoàn là một mối đe dọa với dân chủ.
    -         Thứ nhất, chủ nghĩa nghiệp đoàn chỉ có lợi cho các nhóm có thể tiếp cận (một cách đặc lợi) với chính phủ. Do đó các nhóm ‘bên trong’ sở hữu tiếng nói chính trị, trong khi các nhóm ‘bên ngoài’ bị phủ nhận.
    -         Thứ hai, chủ nghĩa nghiệp đoàn có thể vận hành có lợi cho nhà nước hơn là cho các nhóm lợi ích kinh tế lớn, trong đó các hiệp hội ở đỉnh(đại diện) mà chính phủ lựa chọn để thỏa thuận có thể được sử dụng để áp đặt kỉ luật lên các thành viên của nó (các hiệp hội bên dưới) và loại bỏ ra các yêu cầu cấp tiến.
    -         Cuối cùng, chủ nghĩa nghiệp đoàn đe dọa lật đổ tiến trình của nền dân chủ nghị viện. Các chính sách được làm ra thông qua đối thoại giữa quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo các nhóm lợi ích kinh tế lớn, hơn là thông qua sự cân nhắc của hội đồng đại diện (quốc hội). Các nhà lãnh đạo các nhóm lợi ích vì vậy có quyền lực chính trị đáng kể, dù họ không không phải chịu trách nhiệm với công chúng và ảnh hưởng của họ cũng không chịu sự giám sát của công chúng.

    Cánh hữu Mới
    Sự xuất hiện của Cánh hữu Mới từ những năm 1970 đã tạo ra một sự phê phán rất cụ thể đối với nền chính trị dân chủ. Nó tập trung vào nguy cơ của cái gọi là ‘quá tải dân chủ’: sự tê liệt của hệ thống chính trị (dân chủ) do bị chi phối bởi các nhóm, các áp lực bầu cử không giới hạn. Một trong những khía cạnh của phê phán này là sự nhấn mạnh vào bộ mặt gớm ghiếc của chủ nghĩa nghiệp đoàn.
    Các nhà lý thuyết Cánh hữu Mới ủng hộ nhiệt thành cho thị trường tự do, tin rằng nền kinh tế vận hành tốt nhất khi không có sự can thiệp của chính phủ. Mối đe dọa của chủ nghĩa nghiệp đoàn đến từ việc là nó trao quyền cho các nhóm xã hội, các nhóm lợi ích kinh tế, cho phép chúng đưa ra các yêu cầu cho chính quyền như tăng chi tiêu, đầu tư công, trợ cấp, bảo hộ nhà nước, và vv. Kết quả, chủ nghĩa nghiệp đoàn cho phép các nhóm lợi ích được tổ chức tốt chi phối và ra lệnh cho chính phủ. Theo Cánh hữu Mới, điều này dẫn đến một sự dịch chuyển không thể chống lại hướng tới sự can thiệp của nhà nước, cũng như hệ quả là sự đình trệ kinh tế sau đó.
    Sự quá tải’ của chính phủ cũng có thể được nhìn nhận là hệ quả của tiến trình bầu cử.
    -         Đây là điều được Brittan (1977) đề cập đến như là ‘hệ quả kinh tế của dân chủ’. Theo quan điểm này, nền chính trị bầu cử thực chất là quá trình tự chuốc lấy thất bại bởi trong đó các chính trị gia cố gắng cạnh tranh giành quyền lực thông qua đưa ra các lời hứu hẹn ngày càng phi thực tế với cử tri. Cả cử tri và chính trị gia có lỗi ở đây. Cử tri bị thu hút bởi những lời húa hẹn về chi tiêu công cao hơn; trong khi đó chinh trị gia nỗ lực vượt lên lẫn nhau bằng cách đưa ra những cam kết chi tiêu rộng rãi hơn với cử tri.
    -         Theo Brittan, hệ quả kinh tế của nền dân chủ không bị kiểm soát là mức độ lạm phát cao do nợ công cao, cùng gánh nặng thuế sẽ phát hủy các danh nghiệp cũng như làm xói mòn tăng trưởng.
    Do đó, các nhà lý thuyết Cánh hữu Mới có xu hướng chỉ nhìn dân chủ về phương diện bảo vệ (theo nghĩa chặt), xem nó như một phương tiện bảo vệ chống lại chính phủ tùy tiện, hơn là một phương tiện để thúc đẩy sự biến đổi xã hội, như thông qua chủ nghĩa nghiệp đoàn.  

    Quan điểm Marxist
    Quan điểm Marxist về nền chính trị dân chủ đền từ phân tích về giai cấp. Theo quan điểm này, quyền lực chính trị không thể hiểu được đơn giản chỉ dựa vào quyền bầu cử, hay vào khả năng của các nhóm trong việc gây ảnh hưởng thông qua vận động hành lang. Thay vào đó, ở cấp độ sâu hơn, quyền lực chính trị phản ánh sự phân bố quyền lực kinh tế, và cụ thể là bất bình đẳng về sở hữu phương tiện sản xuất.
    Phê phán Marxist đối với nền dân chủ tự do tập trung vào xung đột cố hữu giữa dân chủ và chủ nghĩa tự bản; nghĩa là giữa sự bình đẳng chính trị mà nền dân chủ tự do bảo vệ và bất bình đẳng xã hội mà nền kinh tế tư bản chắc chắn tạo ra. Vì vậy, các nền dân chủ tự do thường được xem là các nền dân chủ ‘tư bản’ hay ‘tư sản’, bị thao túng và kiểm soát bởi giai cấp cai trị.
    Chủ nghĩa Marx đưa ra một sự phê phán riêng với nền dân chủ đa nguyên. Quyền lực không thể phân tán rộng rãi trong xã hội bao lâu quyền lực (nguồn lực) của các gia cấp không được phân phối  bình đẳng. Thực vậy, ở một góc độ nào đó, quan điểm Marxist tương đồng với phê phán của thuyết tinh hoa đối với chủ nghĩa đa nguyên. Cả hai quan điểm cho rằng quyền lực kì cùng tập trung vào trong tay thiểu số, sự khác biệt chính là thiểu số ở đây được hiểu là ‘giới tinh hoa’ hay ‘giai cấp cai trị’.
    Tuy nhiên, ngoài điều trên, có thể chỉ ra những khác biệt quan trọng giữa lý thuyết tinh hoa và chủ nghĩa Marx. Chẳng hạn, trong khi các nhà lý thuyết tinh hoa cho rằng quyền lực đến từ nhiều nguồn (giáo dục, địa vị xã hội, vị trí trong bộ máy hành chính, mối liên hệ chính trị, của cải, và vv), thì các nhà Marxist lại nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của yếu tố kinh tế; đáng chú ý là việc sở hữu và kiểm soát phương tiện sản xuất.
    Tuy nhiên, hiện nay các nhà Marxist giờ đây không còn coi nền dân chủ bầu cử như một thứ gì đó giả tạo như trước. Chẳng hạn, các nhà cộng sản Âu Châu đã từ bỏ ý tưởng cách mạng, thay vào đó chấp nhận con đường hòa bình, trọng pháp, và dân chủ trong tiến trình tiến lên chủ nghĩa xã hội. 
    Nguồn
    -         Andrew Heywood. Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org