THUYẾT ĐA NGUYÊN

Posted on
  • Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Dù mọi người vẫn tiếp tục tranh cãi về đâu là hình thức dân chủ đáng mong muốn nhất, song hiện nay hầu hết tranh luận tập trung vào cách nền dân chủ làm việc trong thực tế như thế nào, và ‘dân chủ hóa’ là gì. Điều này phản ánh thực tế là có một sự chấp nhận rộng rãi về một mô hình dân chủ cụ thể, thường được gọi là dân chủ tự do, với một số đặc điểm trung tâm sau:
    -         Dân chủ tự do là hình thức dân chủ gián tiếp hay dân chủ đại diện, trong đó các chức vụ chính trị được bầu chọn thông qua các cuộc bầu cử đều đặn, tự do, và công bằng.
    -         Nền dân chủ tự do ủng hộ cho sự đa nguyên về chính trị, trong đó khoan dung với sự đa dạng của các niềm tin, sự tồn tại của các triết lý xã hội xung đột, và các phong trào hay đảng phái đối lập.
    -         Có một sự phân biệt rõ ràng giữa nhà nước và xã hội dân sự; và sự phân biệt này được duy trì thông qua cho phép tồn tại các nhóm, đoàn thể tự trị.vv.
    -         Bảo vệ quyền cá nhân và những người thiểu số, đặc biệt thông qua các tuyên ngôn về các quyền căn bản nhằm chống lại ý chí của đa số.
    Tuy nhiên, vẫn có một sự bất đồng lớn về ý nghĩa của dân chủ tự do. Chẳng hạn, nó có đảm bảo một sự phân tán quyền lực thực sự hay không? Sự bình đẳng chính trị (bình quyền) có thể đồng tồn tại với sự bất bình đẳng về kinh tế hay không? Tóm lại, có rất nhiều lý thuyết đưa ra giải thích cho mô hình dân chủ này, và đây là một số cách giải thích quan trọng nhất:
    -         Thuyết đa nguyên
    -         Thuyết tinh hoa
    -         Thuyết nghiệp đoàn
    -         Cánh hữu Mới
    -         Thuyết Marxist

     Thuyết đa nguyên
    Về nguồn gốc của các ý tưởng đa nguyên có thể truy ngược trở lại tới triết học chính trị tự do thời kì đầu, đáng chú ý nhất là trong các ý tưởng của Locke và Montesquieu. Tuy nhiên, người đầu tiên phát triển nó một cách có hệ thống là James Madison, như ông trình bày trong tác phẩm The Federalist Papers.
    Khi nghiên cứu sự chuyển đổi của nước Mỹ từ một liên hiệp lỏng lẻo giữa các bang thành một nhà nước liên bang, thì một trong quan tâm chính của Madison là ‘vấn đề phe phái’. Giống như hầu hết các nhà tư tưởng tự do, Madison cho rằng sự cai trị dân chủ không chịu sự kiểm soát có thể dẫn đến sự khuynh loát của đa số, trong đó các quyền cá nhân và quyền tư hữu có thể bị xâm phạm nhân danh nhân dân.
    Tuy nhiên, điều làm cho tác phẩm của Madison đáng chú ý là sự nhấn mạnh của ông đối với sự đa dạng các nhóm, các lợi ích trong xã hội, và ông nhấn mạnh rằng, nếu các nhóm như vậy không có được tiếng nói chính trị, thì sự ổn định và trật tự sẽ không thể đạt được.
    Do đó, ông đề nghị một hệ thống chính quyền (tản quyền) dựa trên nguyên tắc phân chia quyền lực, chế độ hai viện và mô hình liên bang, qua đó trao cho đa dạng các nhóm, các lực lượng cạnh tranh cơ hội tiếp cận với quyền lực. Hệ thống cai trị với sự tham gia đa dạng các nhóm như vậy thường được gọi là ‘nền dân chủ Madison’.
    Với việc thừa nhận không chỉ sự tồn tại của đa dạng các nhóm trong xã hội, mà còn cả thực tế là sự đa dạng như vậy là một điều đáng mong muốn, mô hình dân chủ của Madison là hình ảnh đầu tiên về một mô hình đa nguyên.
    Nhân vật đương đại ảnh hưởng nhất ủng hộ cho chủ thuyết đa nguyên là Robert Dahl. Trong tác phẩm Who Governs? Democracy and Power in an American City (1961), Dahl tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về sự phân bố quyền lực ở New Haven, Connecicut, Mỹ. Ông kết luận rằng, dù giới đặc lợi về chính trị và kinh tế có ảnh hưởng lớn hơn đối với quyền lực (chính quyền) so với người dân thường, song không giới nào có thể chi phối tiến trình chính trị. Ông cho rằng ‘New Haven là một ví dụ về cách hoạt động của hệ thống dân chủ’.
    Dahl thừa nhận hệ thống dân chủ hiện đại khác rất nhiều so với các nền dân chủ cổ điển ở Hi Lạp cổ đại. Cùng với Charles Lindblom, họ đưa ra thuật ngữ ‘polyarchy’, để chỉ sự cai trị của nhiều người, nhằm phân biệt với sự cai trị của tất cả mọi người (dân chủ). Đặc trưng của hệ thống dân chủ đa nguyên (polyarchy) là sự cạnh tranh giữa các đảng phái trong các cuộc bầu cử, cùng khả năng của các nhóm lợi ích, các nhóm áp lực trong việc tự do thể hiện cũng như gây ảnh hưởng lên chính phủ, qua đó thiết lập một liên kết giữa người dân và chính quyền.
    Trong khi điều này có thể còn lâu mới đạt tới được lý tưởng về một sự tự cai trị của người dân (nền dân chủ trực tiếp), song những người ủng hộ mô hình này cho rằng nó đảm bảo một mức độ giải trình và trách nhiệm với người dân đủ để có thể được xem là dân chủ.
    Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chủ nghĩa đa nguyên và dân chủ có thể không phải là một mối quan hệ êm ấm.
    -         Chẳng hạn, một trong những mục đích của hệ thống Madison là kiềm chế dân chủ nhằm đảm bảo quyền tư hữu. Nói cách khá, hệ thống cai trị với sự tham gia của nhiều nhóm khác nhau có thể chỉ đơn thuần là công cụ ngăn chặn đa số (công chúng không có của) khỏi thực thi quyền lực chính trị.
    -         Một vấn nữa là nguy cơ của cái gọi là ‘tình trạng trì trệ (do sự) đa nguyên’. Điều này xảy ra khi các nhóm có tổ chức, các nhóm lợi ích kinh tế trở nên quá quyền lực đến nỗi chúng có thể khiến cho chính phủ đình trệ, thể hiện trong vấn đề chính phủ ‘quá tải’. Trong trường hợp như vậy hệ thống đa nguyên trở nên không thể vận hành.
    -         Cuối cùng, một vấn đề mà Dahl chỉ ra trong các tác phẩm sau đó, A Preface to Economic Democracy (1985), đó là bất bình đẳng về kinh tế, và qua đó khiến cho tập trung quyền lực vào tay một số ít. Luận điểm này về cơ bản tương tự với phê phán của những người Marxist với nền dân chủ đa nguyên, và sau đó đã thúc đẩy hình thành một lý thuyết mới gọi là tân đa nguyên. 
    Nguồn
    -         Andrew Heywood. Politics.

     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org