PHI BẠO LỰC VÀ DÂN CHỦ HÓA

Posted on
  • Thứ Ba, 3 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:


  • GIỚI THIỆU
    Dân chủ hóa hiểu như quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ thường phức tạp và kéo dài. Có rất nhiều trường hợp dân chủ hóa thất bại, khi nỗ lực đấu tranh cho dân chủ lại dẫn đến một chế độ độc tài khác (như Ai Cập), hoặc có nhiều trường hợp chuyển đổi dân chủ được một thời gian lại suy thoái trở lại chế độ độc tài (như Thái Lan), hoặc có nhiều trường hợp chuyển đổi dân chủ song lại không đi đến củng cố, trở thành nền dân chủ tự do (như Philippines), và chỉ có một số ít trường hợp dân chủ hóa thành công trong việc dẫn đến các nền dân chủ tự do (như Hàn Quốc). Tại sao trường hợp này thành công, trường hợp kia thất bại.
    Có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong bài viết này, chúng tôi muốn chỉ ra vai trò của phản kháng dân sự phi bạo lực như là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đối với sự thành công của quá trình này.
    Phản kháng của người dân chống lại chế độ độc tài có nhiều hình thức, tuy nhiên, ở đây có thể chia đơn giản thành hai dạng chính là phản kháng bạo lực và phản kháng phi bạo lực. Và trong bài viết này, chúng tôi muốn chỉ ra những số liệu cũng như lý do tại sao phản kháng phi bạo lực lại thành công hơn trong việc thúc đẩy dân chủ hóa. 

    PHẢN KHÁNG PHI BẠO LỰC VÀ DÂN CHỦ HÓA
    Như chúng ta đã biết trong bài Chuyển đổi và Củng cố Dân chủ, dân chủ hóa gồm nhiều giai đoạn, ở đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu ảnh hưởng của phản kháng phi bạo lực đối với một số giai đoạn này.

    Giai đoạn chuyển đổi
    Nghiên cứu của Chenoweth and Stephan (2011) từ tất cả 323 phong trào phản kháng phi bạo lực và bạo lực lật đổ chế độ độc tài từ năm 1940 đến 2006 cho thấy các phòng trào phản kháng dân sự phi bạo lực ngày càng thành công.
    Tỷ lệ thành công của hai dạng phản kháng, 1940-2006
    Đường xanh: phi bạo lực; đường đỏ: bạo lực
    Nhiều nghiên cứu khác  cũng cho thấy kết quả tương tự, như nghiên cứu của Celestino and Gleditsch (2013) gần đây, sử dụng cả các kết quả từ Mùa xuân Ả rập (2011) để đánh giá về tác động của các chiến dịch phản kháng phi bạo lực đối với chuyển đổi dân chủ.
    -         Nghiên cứu cho thấy rằng “các phong trào phản kháng phi bạo lực làm gia tăng đáng kể khả năng chuyển đổi dân chủ”, đồng thời cũng cho thấy  rằng “các hành động phản kháng bạo lực ít hữu hiệu trong việc làm suy yếu chế độ độc tài, cũng như nhiều khả năng có thể dẫn đến việc chuyển đổi sang các chế độ độc tài khác (như độc tài quân sự) hơn là sang chế độ dân chủ”.

    Giai đoạn củng cố
    Nghiên cứu của Karatnycky and Ackerman (2005) dựa trên dữ liệu của Freedom House về 67 trường hợp chuyển đổi (47 chuyển đổi phi bạo lực, 20 chuyển đổi bạo lực) trong giai đoạn 1972-2005 cho thấy:
    -         Trong số 47 trường hợp chuyển đổi phi bạo lực, thì trước khi chuyển đổi, 23 nước xếp hạng tự do một phần, và 24 nước là không tự do.
    -         Tuy nhiên, sau khi chuyển đổi, 31 nước xếp hạng tự do, 11 nước xếp hạng tự do một phần, và chỉ 5 nước xếp hạng không tự do. Điểm tự do trung bình của 47 trường hợp trước chuyển đổi là 5.22, và sau khi chuyển đổi là 2.53.

    -         Trong khi đó, trong số 20 nước chuyển đổi qua bạo lực, thì trước chuyển đổi, 8 nước xếp hạng tự do một phần, 12 nước xếp hạng không tự do.
    -         Sau khi chuyển đổi, thì hiện chỉ có 4 nước xếp hạng tự do, 12 nước xếp hạng tự do một phần, và 4 nước xếp hạng không tự do. Và một điều quan trọng là sau chuyển đổi điểm tự do trung bình của nhóm nước này chỉ cải thiện 1.52 điểm so với 2.69 điểm của các trường hợp chuyển đổi phi bạo lực.
     
    -         Nhìn chung, số liệu cho thấy rằng xác suất các nền dân chủ chuyển đổi thông qua phản kháng phi bạo lực đi đến củng cố cao hơn (66%) gấp ba lần so với các nền dân chủ chuyển đổi thông qua phản kháng bạo lực (20%).  
    Tương tự, nghiên cứu của Bayer, Bethke and Lambach (2016) cho thấy rằng tuổi thọ của nền dân chủ tăng nên đáng kể khi phản kháng phi bạo lực là tác nhân chuyển đổi chính.
    -         Trong những nước mà phản kháng bạo lực dẫn đến chuyển đổi chế độ, họ thấy rằng nền dân chủ có tuổi thọ trung bình khoảng 5 năm.
    -         Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của các nền dân chủ chuyển đổi thông qua phản kháng phi bạo lực là 47 năm.
    -         Nói cách khác, các nền dân chủ tồn tại lâu hơn, và khả năng sụp đổ giảm mạnh nếu sự chuyển đổi đó được thúc đẩy bởi các phong trào phản kháng phi bạo lực.
    Các nghiên cứu khác, như nghiên cứu của  Bethke and Pinckney (2016) cho thấy rằng chất lượng của nền dân chủ (chủ yếu ở khía cạnh tự do biểu đạt) được cải thiện đáng kể trong các trường hợp nếu các nền dân chủ đó chuyển đổi thông qua phản kháng phi bạo lực.
    Rõ ràng rằng, những số liệu trên cho thấy chuyển đổi dân chủ thành công hơn và củng cố hơn nếu chúng được dẫn dắt bởi các phong trào phản kháng phi bạo lực.

    TẠI SAO BẠO LỰC LẠI BẤT LỢI CHO DÂN CHỦ HÓA
    Trong bài giảng của mình về dân chủ Democratic Development (Phát triển Dân chủ), Larry Diamond chỉ ra sáu điểm sau cho thấy tại sao phản kháng bạo lực lại gây bất lợi cho dân chủ hóa.
    -         Thứ nhất, bạo lực thúc đẩy sự thống nhất của các lực lượng an ninh trong việc bảo vệ chế độ độc tài (và chính nó). Vì khi đối mặt với sự tấn công bằng đá, súng, và các công cụ bạo lực khác, thì bản năng của nó là sử dụng bạo lực để phản ứng lại. Và bộ máy an ninh của chế độ độc tài thường sử dụng bạo lực tốt và hiệu quả hơn nhiều so với đám đông đối lập không được trang bị và đào tạo bài bản.
    -         Thứ hai, bạo lực có xu hướng làm xa lánh những lực lượng ôn hòa trong xã hội. Một bộ phận người dân muốn ổn định và an toàn, do đó khi đối mặt với hành vi bạo lực họ sẽ không ủng hộ, mặt khác họ có thể quay ra ủng hộ chế độ độc tài trong việc đàn áp những người sử dụng bạo lực. Và bản thân trong lực lượng đối lập, có lực lượng ôn hòa, muốn chuyển đổi dân chủ, nhưng không chấp nhận bạo lực như phương tiện. Do đó bạo lực có xu hướng gây chia rẽ và phân hóa lực lượng đối lập. Và điều này đi ngược lại với logic chung của chuyển đổi thành công là chia rẽ chế độ và thống nhất đối lập.
    -         Thứ ba, đó là vấn đề về văn hóa. Khi bạn sử dụng bạo lực, thì đó là biểu hiện cực đoạn nhất sự bất khoan dung. Bên cạnh đó, việc sử dụng bạo lực, bạn cần một cấu trúc tổ chức theo kiểu quân sự, và vì vậy sẽ thúc đẩy một kiểu văn hóa mệnh lệnh, như tuân lệnh, tuân theo quyền lực tuyệt đối. Đó là thứ văn hóa bất khoan dung, không có sự tra vấn với quyền lực và có hại cho sự thành công của nền dân chủ sau chuyển đổi.  
    -         Thứ tư, khi sử dụng bạo lực sẽ dẫn đến những việc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng, không chỉ ở phía chế độ độ độc tài, mà còn ở phía những người sử dụng bạo lực lên nắm quyền.Vô số người sẽ bị giết bị thương do hệ quả sử dụng bạo lực đến từ hai bên.
    -         Thứ năm, khi nhìn vào các cuộc cách mạng bạo lực lớn trong lịch sử như Cách mạng Pháp, Nga, Iran; trong những cuộc cách mạng như vậy, bộ phận lên nắm quyền cuối cùng không phải là những người dân chủ tự do, mà là những người cấp tiến, quân sự, cực đoan và thiết lập nên các hình thức độc tài khác.
    -         Thứ sáu, khi sử dụng bạo lực để đánh bại chế độ độc tài, có thể dẫn đến hoàn cảnh nhà nước bị sụp đổ và tình trạng nội chiến như xảy ra tại Libya. Bạn cần phải phân biệt hai thực thể tách biệt là nhà nước và dân chủ. Nhà nước liên quan đển việc tập trung quyền lực, còn dân chủ liên quan đến việc kiểm soát quyền lực của nhà nước. Do đó nhà nước phải có trước, và một khi nhà nước sụp đổ, để xây dựng lại nó cần một thời gian dài và phức tạp hơn nhiều so với việc tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ.
    KẾT LUẬN
    Từ những số liệu và lý do ở trên, cho thấy rằng đấu tranh bất bạo bạo lực là con đường đúng đắn trong việc thúc đẩy dân chủ hóa. Trước những diễn biến gần dây về sự gia tăng đàn áp của nhà nước, cũng như phản ứng gia tăng trong một số lực lượng đối lập đòi phải dùng các biện pháp bạo lực đáp trả, chúng ta cần kiên định với con đường đấu tranh phi bạo lực. Bởi chính con đường đó không chỉ hướng đến lật đổ chế độ độc tài, mà còn thiết lập nên nền tảng văn hóa như khoan dung, thỏa hiệp, phi bạo lực như là cơ sở cho sự củng cố của nền dân chủ sau chuyển đổi và đó mới chính là mục tiêu mà những người đấu tranh dân chủ hướng đến.
    Tài liệu tham khảo
    -         Erica Chenoweth and Maria J. Stephan. Why Civil Resistance Works: The Strategic Logic of Nonviolent Conflict
    -         Adrian Karatnycky and Peter Ackerman. From Civic Resistance to Durable Democracy
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org