NHÀ NƯỚC HIỆN ĐẠI

Posted on
  • Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Nhà nước là gì?
    Ngày này chúng ta thường sử dụng từ nhà nước (state), như nhà nước Pháp, nhà nước Mỹ...vậy cụ thể nhà nước là gì?
    Có hai cách hiểu về nhà nước, một theo nghĩa hẹp và một theo nghĩa rộng, mà chúng ta vẫn hay sử dụng qua lại.
    -         Theo nghĩa hẹp thì nhà nước là tập hợp các thiết chế có chức năng thực thi các quyết định chung của cả cộng đồng như hành pháp, lập pháp, tư pháp, bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương, quân đội, công an.v.v.
    -         Theo nghĩa rộng thì nhà nước không chỉ bao gồm các thiết chế trên mà còn cả người dân, lãnh thổ, và cũng như chủ quyền trong phạm vi lãnh thổ đó.  
    Thông thường, trong cách hiểu hàng ngày khi nói đến nhà nước, hoặc khi so sánh nhà nước với các thiết chế khác trong xã hội như nhà thờ, đoàn hội...chúng ta thường sử dụng nhà nước theo nghĩa hẹp. Tuy nhiên, trong khoa học chính trị, thì khi nói đến nhà nước, người ta sử dụng nghĩa rộng, để chỉ một thực thể ra đời ở châu Âu vào thế kỉ 17 (nhà nước hiện đại), cũng như tương quan nó với các nhà nước khác trong quan hệ quốc tế.  

    Các đặc điểm của nhà nước hiện đại
    Trong phần này, khi nói về nhà nước chúng ta sẽ nói theo nghĩa rộng. Sau đây chúng ta tìm hiểu một số đặc điểm chung của các nhà nước hiện đại (ra đời từ thế kỉ 17 – cho đến nay).
    Lãnh thổ
    Một nhà nước phải có lãnh thổ, hay một khu vực với biên giới được xác định rõ ràng trong đó nhà nước tuyên bố chủ quyền.
    -         Hiện có khoảng 200 nhà nước trên thế giới, với lãnh thổ rất khác nhau, từ nhà nước Nga với hơn 17 triệu km2, đến nhà nước Singapore chỉ có chưa đến 1 nghìn km2.
    -         Lãnh thổ của các nhà nước không hoàn toàn cố định, trong thực tế luôn luôn có nhiều thay đổi do biến chuyển của lịch sử, như chiến tranh giữa các nhà nước, hay do các nhà nước mới hình thành. Chẳng hạn việc Nga sát nhập bán đảo Crimea năm 2014 khiến cho biên giới giữa Nga, Ukraine, cũng như châu Âu nói chung bị thay đổi.

    Chủ quyền bên trong và chủ quyền bên ngoài
    Chủ quyền có nghĩa rằng nhà nước có thẩm quyền tối cao đối với người dân và lãnh thổ của mình. Điều này được thể hiện ở hai khía cạnh, đó là đối nội (bên trong), và đối ngoại (bên ngoài).
    -         Chủ quyền bên trong thể hiện ở việc nhà nước là thiết chế duy nhất có thẩm quyền quyết định mọi vấn đề bên trong nước như ban hành luật, chính sách. Nhà nước khẳng định chủ quyền bên trong của mình thông qua việc chống lại tất cả các lực lượng trong nước thách thức quyền lực của nó, như các nhóm tội phạm, các nhóm ly khai.
    -         Chủ quyền bên ngoài thể hiện ở việc nhà nước được các nhà nước khác thừa nhận thẩm quyền của nó đối với ranh giới lãnh thổ mà nó yêu sách, và qua đó có địa vị pháp lý quốc tế bình đẳng với các nhà nước khác. Nhà nước thể hiện chủ quyền bên ngoài của mình bằng việc tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình, cũng như duy trì địa vị độc lập với các nhà nước khác.
    Một nhà nước không thể khẳng định được chủ quyền bên trong của mình như không thể thu thuế, trấn áp tội phạm, cung cấp các dịch vụ công cho người dân được gọi là một nhà nước yếu. Tương tự, khi nó phụ thuộc vào các nhà nước khác về nguồn lực, an ninh, khiến cho nó bị các nhà nước khác chi phối trong chính sách đối ngoại thì được gọi là nhà nước ‘bù nhìn’, ‘lệ thuộc’.

    Tính chính danh
    Tính chính danh ở đây là quyền cai trị được thừa nhận. Quyền này có hai mặt: thứ nhất, là nhà nước tuyên rằng nó có quyền cai trị dựa trên một số cơ sở nào đó, và thứ hai, bằng chứng về việc người dân có chấp nhận yêu sách đó hay không.
    Dựa trên nguồn gốc của tính chính danh, Weber phân biệt ba dạng tính chính danh như sau:
    -         Tính chính danh (dựa trên) truyền thống, tức quyền cai trị dựa trên các mô hình, hay các thực tiễn lâu đời của xã hội. Chẳng hạn trong xã hội phong kiến ở Đông Á, trong hàng ngàn năm, các triều đại cai trị dựa truyền truyền thống cha truyền con nối, cũng như ý tưởng về ủy nhiệm từ trên trời.
    -         Tính chính danh (dựa trên) tài năng cá nhân, tức quyền cai trị dựa trên phẩm chất cá nhân như tài lãnh đạo, sự hi sinh, hay các tài năng xuất chúng khác. Các nhà lãnh cách mạng như Mao Trạch Đông trong những năm đầu cầm quyền có tính chính danh này, mọi người thừa nhận thẩm quyền cai trị của ông bởi vì họ tin tưởng vào tài năng và phẩm chất của ông.  
    -         Tính chính danh (dựa trên) cơ sở pháp lý – duy lý, tức là quyền cai trị của người lãnh đạo được lựa chọn theo các luật lệ đã quy định trước. Các nhà lãnh đạo nắm quyền thông qua bầu cử và cai trị theo luật, hiến pháp có tính chính danh dạng này. Weber cho rằng tính chính danh dựa trên cơ sở pháp lý – duy lý phân biệt sự cai trị hiện đại với sự cai trị tiền hiện đại, song ông cũng thừa nhận rằng trong thực tế quyền lực mà có được tính chính danh nhất khi kết hợp được cả ba dạng tính chính trên. Chẳng hạn, một nhà lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ có được tính chính danh pháp lý – duy lý, song nếu anh ta có thêm tính chính danh dựa trên địa vị truyền thống hay tài năng cá nhân thì sẽ củng cố hơn nữa tính chính danh của anh ta khi nắm quyền.
    Tính chính danh tăng cường cho chủ quyền của nhà nước. Các nhà nước hiện đại thường sở hữu một sức mạnh cưỡng chế lớn (qua quân đội và cảnh sát), tuy nhiên sử dụng đơn thuần sức mạnh như vậy rất tốn kém và nhiều khi không hiệu quả. Tính chính danh, dù từ bất cứ cơ sở nào, cũng giúp củng cố chủ quyền với chi phí thấp hơn nhiều. Nếu người dân tuân theo chính quyền bởi vì họ tin rằng nó có quyền cai trị, thì không cần phải dùng bạo lực để duy trì trật tự. Vì lý do này, chính quyền luôn cố khẳng định tính chính danh của nó, hoặc thông qua thuyết phục người dân, hoặc sản xuất ra tính chính danh thông qua tuyên truyền.

    Bộ máy hành chính (quan liêu)
    Đặc điểm quan trọng cuối cùng của nhà nước là bộ máy hành chính, trong đó bao gồm một lượng lớn các quan chức được bổ nhiệm (không qua bầu cử), có chức năng thực thi luật. Trong xã hội hiện đại, nhà nước thực hiện nhiều chức năng khác nhau, như quản lý hành chính, thu thuế, cung cấp dịch vụ công; và tất cả những điều này muốn thực hiện được thì cần phải có một bộ máy hành chính. Giống như tính chính danh, bộ máy hành chính cũng giúp tăng cường chủ quyền, bởi một bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả trong việc thực thi luật, thu thuế, tăng ngân sách dưới sự hướng dẫn của chính quyền trung ương sẽ mang đến cho nhà nước sức mạnh lớn hơn.

    Phân biệt khái niệm nhà nước với các khái niệm liên quan
    Chúng ta vừa tìm hiểu bốn đặc điểm chung nhất của nhà nước hiện đại. Giờ chúng ta cần phân biệt khái niệm nhà nước với một số khái niệm quan trọng khác có liên quan, mà đôi khi thường được dùng lẫn lộn với nhà nước.
    -         Chính phủ (government) là một nhóm người nắm giữ thiết chế nhà nước và thực thi ý chí của nó. Ví dụ như chính phủ của Obama, chính phủ của Trump.
    -         Chế độ (regime) là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước. Ví dụ chế độ độc tài, chế độ dân chủ.
    -         Ý thức hệ (ideology) là tập hợp các giá trị, niềm tin mà nhà nước nên theo đuổi. Ví dụ ý thức hệ cộng sản, ý thức hệ tự do.
    Ví dụ về nhà nước trong nhà nước Việt Nam hiện nay, người đứng đầu nhà nước là chủ tịch Trần Đại Quang, đứng đầu chính phủ là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam thuộc chế độ độc tài độc đảng, và theo ý thức hệ Cộng sản.

    Tài liệu tham khảo
    -         Carol Ann Drogus and Stephen Orvis. Introducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org