ĐỘC TÀI QUÂN SỰ

Posted on
  • Thứ Tư, 11 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,


  • Độc tài quân sự là gì
    Độc tài quân sự là chế độ trong đó quân đội kiểm soát toàn bộ tiến trình chính trị. Đứng đầu chính quyền là một tướng quân đội; hoặc trong một số trường hợp một nhóm sĩ quan quân đội đồng thời nắm quyền. Thỉnh thoảng có trường hợp quân đội đảo chính song vẫn trao cho một quan chức dân sự đứng đầu chính quyền, tuy nhiên thực quyền vẫn nằm trong tay quân đội.
    Chế độ độc tài quân sự thường được tổ chức theo kiểu quân đội, đó là hệ thống cấu trúc thứ bậc chặt chẽ, rõ ràng và kỉ luật. Một số chế độ thậm chí còn thiết lập nguyên tắc cho việc luôn chuyển giao quyền lực (giữa các lãnh đạo quân sự).
    Trong chế độ độc tài quân sự, quân đội nắm độc quyền đối với các lực lượng an ninh và các thiết chế chính phủ. Các chính sách được thực thi bởi giới chuyên môn quân sự. Như Samuel E. Finer chỉ ra, đặc trưng của chế độ độc tài quân sự là các cá nhân làm việc trong nhánh hành pháp là thành viên của quân đội, được quân đội sắp đặt sau đảo chính.
    Eric Nordlinger phân chia chế độ độc tài quân sự thành ba dạng dựa trên mục tiêu của quân đội: giám sát, bảo hộ, và cai trị.
    -         Dạng giám sát tìm cách cai trị đất nước từ phía sau (rèm). Quân đội không công khai nắm quyền, song kiểm soát các chính sách một cách kín đáo. Mục tiêu chính của quân đội trong mô hình này là duy trì trật tự và ổn định.
    -         Dạng bảo hộ tiến thêm một bước nữa so với dạng giám sát: quân đội thay thế các chính trị gia dân sự và kiểm soát hoàn toàn chính quyền, nhưng mục tiêu của nó tương tự với dạng giám sát.
    -         Dạng cai trị là dạng tham vọng nhất, ngoài các mục tiêu trên, nó còn tìm cách tiến hành các cải cách nhằm thay đổi hệ thống kinh tế và chính trị, qua đó có thể cai trị không giới hạn.

    Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại của chế độ độc tài quân sự
    Trong số cá chế độ độc tài, thì độc tài quân sự là chế độ có tuổi thọ thấp nhất. Sau đây là một số lý do giải thích tại sao nó lại dễ sụp đổ như vậy.
    Ưu tiên của giới chóp bu quân sự
    Giới chóp bu quân sự khác với các đồng nghiệp của họ trong các chế độ độc tài khác ở một điểm quan trọng: họ xem sự tồn tại và thống nhất của quân đội quan trọng hơn việc nắm giữ chức vụ chính trị. Vì vậy, trái với giới chóp bu trong các chế độ độc tài khác, giới chóp bu quân đội không luôn muốn nắm quyền (chính trị). Thay vào đó, mục tiêu quan trọng nhất của quân đội là các lợi ích của nó được đảm bảo. Sự thống nhất là điều kiện tiên quyết để quân đội có thể bảo vệ được quốc gia khi đối mặt với các mối đe dọa an ninh và trật tự quốc gia.
    Bởi vì giới chóp bu quân sự coi sự sống còn của quân đội trên mọi thứ, nên họ có xu hướng tự nguyện rời bỏ quyền lực khi nguyên tắc trên bị đe dọa. Như Claude Welch chỉ ra, sự rút lui của quân đội khỏi chính trường thường là do “niềm tin rằng sự thống nhất và hiệu quả của quân đội sẽ bị suy giảm khi nó tiếp tục nắm quyền”. Và nếu nó tiếp tục nắm quyền, tính chính danh của nó (cùng giới chóp bu quân sự) sẽ biến mất trong mắt người dân, cũng như trong chính quân đội. Do đó, hầu hết quan chức quân đội “thích trở lại doanh trại nếu các lợi ích của nó được đảm bảo”.

    Ảnh hưởng gây bất ổn của phe phái
    Việc bước chân vào chính trường có thể mang đến những nguy cơ đối với sự thống nhất của quân đội. Bởi khi đó, nó buộc phải thực thi các chính sách, và điều này có thể gây ra những chia rẽ tiềm năng. Các thành viên trong giới chóp bu quân sự có thể xung đột với nhau về dạng chính sách nên theo đuổi, về cách đối phó với khủng hoảng, và vấn đề ngân sách.
    Sự thống nhất của quân đội cũng có thể bị đe dọa bởi sự cạnh tranh lợi lộc đến từ các chức vụ chính trị. Khi giới chóp bu tranh giành nhau để tiếp cận với các nguồn lợi kinh tế, xung đột có thể xuất hiện giữa họ, giữa các nhánh quân sự khác nhau, cũng như trong hệ thống thứ bậc của quân đội. Chẳng hạn, trong chế độ độc tài quân sự ở Nigeria, sự xung đột đã xuất hiện khi mà một bộ phận quan chức quân sự cấp cao bất mãn với việc trở nên giàu có nhanh chóng của các tướng lĩnh (đang nắm chính quyền).
    Sự chia rẽ nội bộ đặc biệt có khả năng xuất hiện khi chế độ đối mặt với các cuộc khủng hoảng. Quân đội thường tiếm quyền do thành tích nghèo nàn của chính quyền dân sự; tuy nhiên các quan chức quân sự lại không được đào tạo để đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng. Chẳng hạn, các cuộc khủng hoảng trong nước và quốc tế gây sụp đổ chế độ độc tài quân sự ở Argentine vào năm 1983. Như Barbara Geddes chỉ ra, chế độ độc tài quân sự “dễ tổn thương với khủng hoảng kinh tế hơn các dạng độc tài khác bởi vì thành tích nghèo nàn về kinh tế thúc đẩy hơn nữa sự chia rẽ trong giới chóp bu nắm quyền”.

    Cam kết với sự cai trị tạm thời
    Quân đội thường đi đến nắm quyền cùng hứa hẹn với công chúng rằng sự cai trị của họ là tạm thời.
    Chế độ độc tài quân sự ở Nigeria (1966-1979) minh họa cho điều này. Khi lên nắm quyền, giới quân sự tuyên bố rằng nó chỉ nắm quyền tạm thời. Tướng Johnson Aguiyi-Ironsi tuyên bố “chính phủ quân sự không có tham vọng chính trị; nó không muốn kéo dài chính quyền chuyển tiếp của nó lâu hơn thời gian cần thiết để quốc gia có thể chuyển đổi trật tự sang một chính quyền mà người dân mong muốn”. Vào năm 1970, tướng Yakubu Gowon hứa sẽ chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự vào năm 1976. Tuy nhiên, vào năm 1974, có ít dấu hiệu cho thấy một sự chuyển giao như vậy, và Gowon tuyên bố rằng đất nước vẫn chưa sẵn sàng cho sự cai trị quân sự. Việc Gowon không thực hiện lời hứa khiến cho một phe trong quân đội lật đổ ông vào năm 1975. Ngay sau đó, tướng Murtala Mohammed tuyên bố rằng “giới lãnh đạo quân sự hiện tại không có dự định nắm quyền lâu hơn thời gian đã định, dù chỉ một ngày”. Với việc tính chính danh của nó suy giảm trong mắt công chúng, nó đã trao trả quyền lực cho chính quyền dân sự sau đó.
    Cam kết cầm quyền tạm thời khiến cho chế độ độc tài quân sự rời bỏ quyền lực một khi nó hoàn thành các mục tiêu dự định ban đầu khi đảo chính, hoặc khi nó đánh mất tính chính danh của mình trong mắt công chúng khi tiếp tục cai trị.

    Nhạy cảm với áp lực dân chủ hóa
    Bởi vì quân đội nhanh chóng rời bỏ quyền lực khi đối mặt với các vấn đề, nên nó đặc biệt nhạy cảm với áp lực của công chúng cho dân chủ hóa. Như George Klay Kieh nhấn mạnh, quân đội có thể từ bỏ quyền lực từ lời kêu gọi của một nhóm chính trị có tổ chức như liên đoàn lao động, hiệp hội sinh viên, hay các tổ chức nghề nghiệp. Với sự gia tăng của bất tuân dân sự, phản đối trên diện rộng, áp lực nước ngoài, sự thiếu tin tưởng của giới kinh doanh, cùng với đó dẫn đến khó khăn kinh tế và chia rẽ trong nội bộ, có thể thúc đẩy quân đội đi đến từ bỏ quyền lực. Các chế độ độc tài quân sự ở Mỹ Latin là ví dụ minh họa. Hầu hết các chế độ này nhận được sự viện trợ quân sự lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, khi căng thẳng của Chiến tranh Lạnh qua đi, sự hỗ trợ cho các chế độ này cũng giảm xuống. Từ các vi phạm nhân quyền trên diện rộng, Quốc hội Mỹ bắt đầu gây áp lực yêu cầu các chế độ này dân chủ hóa. Trong trường hợp của chế độ độc tài quân sự ở Chile, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã giúp đỡ cho các tổ chức đối lập trong nước thúc đẩy cho dân chủ hóa. Chế độ đồng ý rời bỏ quyền lực vào năm 1988 sau khi thất bại trong cuôc bỏ phiếu trưng cầu về tương lai chính trị của mình.

    Ví dụ về chế độ độc tài quân sự ở Argentina (1976–1983)
    Trong thời kì này, dưới chính quyền của Isabel Perón, nền kinh tế Argentine suy thoái nhanh chóng, bất mãn xã hội leo thang thành bạo lực, với xung đột vũ trang giữa các nhóm du kích cánh tả và các nhóm dân quân cánh hữu.
    Quân đội quyết định lật đổ chính quyền dân sự vào năm 1976 với chủ trương bảo vệ Argentina khỏi các cuộc nổi dậy của cánh tả.
    Tuy nhiên, chính bản thân quân đội cũng thể hiện sự yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế cũng như sự xung đột nội bộ giữ họ.
    -         Trong thời kì lãnh đạo của Jorge Videla (1976–1981), chế độ gặp phải khó khăn trong việc quyết định chính sách thích hợp để khôi phục nền kinh tế.  Có rất nhiều chính sách khác nhau được đưa ra. Về mặt cá nhân, Videla ủng hộ tự do hóa kinh tế, nhưng các đồng nghiệp của ông không đồng ý. Bất mãn nội bộ quá lớn đến mức Videla phải từ bỏ quyền lực. Đối với ông, từ chức là thích đáng hơn việc theo đuổi chính sách kinh tế mà không có sự đồng thuận của phần còn lại của giới chóp bu quân sự. Bởi nếu ông thực hiện các chính sách đó mà không có sự hỗ trợ của quân đội, thì ông đang làm cho sự chia rẽ trong quân đội sâu sắc thêm.
    -         Tuy nhiên, sau khi Videla từ chức, tình hình không được giải quyết, mâu thuẫn trong giới quân sự tiếp tục gia tăng. Chẳng hạn khi Roberto Viola, một thành viên khác của quân đội, người kế nhiệm Videla, nắm quyền trong giai đoạn (3/1981-12/1981), thì một thành viên khác của quân đội là Leopoldo Galtieri đưa ra tuyên bố công khai bác bỏ sự cầm quyền của Viola.
    Những chia rẽ như vậy trong giới chóp bu, cùng năng lực hạn chế của quân đội trong việc điều hành, cũng như việc các quan chức ngày càng quan tâm các mục tiêu cá nhân hơn.. đã đe dọa sự thống nhất và tính chính danh của quân đội đã khiến nó đi đến quyết định từ bỏ quyền lực vào năm 1983, sau thất bại quân sự đáng xấu hổ trong cuộc chiến tranh với Anh về chủ quyền đối với đảo Falkland.

    Tài liệu tham khảo
    -         Natasha M. Ezrow, Erica Frantz. Dictators and Dictatorships: Understanding Authoritarian Regimes and Their Leaders
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org