Nền dân chủ bị kìm hãm của Nhật Bản

Posted on
  • Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Trong lịch sử lâu dài của mình tính từ khi là một quốc gia, Nhật Bản hầu như chưa bao giờ là một nền dân chủ, ngoài trừ kinh nghiệm ngắn ngủi vào những năm 1910s – 1920s thời hoàng đế Taisho ("nền dân chủ Taisho"). Các chế độ độc tài, phát xít, phong kiến hay quân sự vẫn luôn chi phối.
    Sau khi Nhật Bản đầu hàng vào cuối Thế chiến Thứ hai cách đây hơn 70 năm, chế độ chiếm đóng thời hậu chiến dưới quyền tướng Douglas MacArthur (Mỹ) đã thiết lập nền dân chủ ở Nhật Bản. Không giống như Pháp, Hàn Quốc và nhiều trường hợp khác, người dân Nhật Bản không đấu tranh cho nền dân chủ của họ.
    Đây có thể là lý do tại sao Nhật Bản vận hành gần như là nhà nước độc đảng trong phần lớn thời kỳ hậu chiến, với Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cánh hữu nắm giữ quyền lực chính thức. Tuy nhiên, trong thực tế, thực quyền chính trị về cơ bản được thực thi bởi bộ máy quan liêu mạnh mẽ của Nhật Bản, với "tam giác sắt" gồm các quan chức, các doanh nhân và các chính trị gia, các lực lượng đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi thần kỳ của Nhật Bản từ tro tàn của thất bại quân sự.
    Ngày nay, chúng ta có thể ngạc nhiên trước cơ sở hạ tầng tuyệt vời của Nhật Bản như là bằng chứng cho thấy hiệu quả to lớn của tam giác sắt. Nhưng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cũng đóng vai trò khác, như cung cấp tài chính cho hệ thống bầu cử của Nhật Bản thông qua các khoản lót tay cho các chính trị gia từ các công ty xây dựng, mua sự ủng hộ của công chúng cho các chính trị gia LDP, và hối lội các quan chức. Và câu chuyện thành công của các tập đoàn quốc tế của Nhật Bản như Toyota một phần đến từ bức tường bảo hộ chống lại cạnh tranh quốc tế, và vì vậy các tập đoàn này tăng cường sự hỗ trợ của họ cho hệ thống tam giác sắt. Trong khi đó việc phân chia gian lận khuc vực bầu ở địa phương, và hỗ trợ tài chính lớn cho nông dân Nhật Bản, tiếp tục tăng cường sự ủng hộ cho LDP.
    Sự tín nhiệm đối với chính phủ do LDP dẫn dắt đã dần dần bị xói mòn trong những năm qua, do hậu quả của một loạt các vụ tham nhũng, bê bối, cùng sự bất lực của nó trong việc giải quyết một cách hiệu quả đối với sự đổ vỡ của nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản đầu những năm 1990s. Đất nước đã xây dựng lại nền kinh tế (sau thế chiến) với sự chính xác của kiểu tổ chức quân đội, song không biết làm thế nào để chuyển đổi bánh răng. Nó không thể giải quyết được nhiều thách thức mới mà nó đối mặt như đối phó với khủng hoảng tài chính, lão hoá dân số và sự nổi lên của các đối thủ cạnh tranh mới ở Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc.
    Nhìn chung, vào thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra vào những năm 1990, lợi ích của các phe nhóm trong tam giác sắt không còn tương thích với lợi ích quốc gia nữa, song chúng vẫn chi phối quốc gia. Chính sách kinh tế Abe, chương trình cải cách của Thủ tướng Shinzo Abe, là một phiên bản muộn màng và nửa vời mà Nhật Bản nên làm cách đây 25 năm.
    LDP mất quyền lực
    Vào năm 2009, LDP đã đánh mất quyền lực trong cuộc bầu cử với chiến thắng lớn của Đảng Dân chủ cánh tả Nhật Bản (DPJ), vốn giành được 64% số ghế quốc hội. Sự thay đổi quyền lực này đã làm dấy lên nhiều hy vọng rằng Nhật Bản cuối cùng đã trở thành một nền dân chủ thật sự.
    Nhưng nhiệm kỳ của DPJ là một thất vọng lớn. Nó thể hiện sự thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực, xung đột với bộ máy quan liêu, gây xung đột và hiểu lầm với Hoa Kỳ về căn cứ quân sự của họ ở Nhật Bản, nơi vẫn còn khoảng 50.000 quân. Liên minh Nhật Bản/Hoa Kỳ vẫn còn rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản trong điều kiện các hoạt động quân sự của Nhật Bản bị giới hạn theo Hiến pháp hòa bình của nó.
    Sự phản ứng kém cỏi đối với ba cuộc khủng hoảng hồi tháng 3 năm 2011 gồm động đất, sóng thần và thảm họa hạt nhân là bằng chứng nữa cho thấy sự yếu kém mang tính hệ thống của hệ thống quản lý của Nhật Bản. Theo kết luận của Ủy ban điều tra độc lập tai nạn hạt nhân Fukushima, cuộc khủng hoảng hạt nhân không phải là thảm họa tự nhiên, "… đây là một thảm hoạ "Made in Japan". Nguyên nhân cơ bản của nó được tìm thấy trong các truyền thống văn hóa thâm căn cố đế của Nhật Bản: sự tuân phục mang tính phản xạ của chúng ta, sự miễn cưỡng của chúng ta khi tra vấn chính quyền, sự tận tâm của chúng ta dẫn đến việc "mắc kẹt với chương trình", chủ nghĩa tập thể của chúng ta, và sự tách biệt của chúng ta. "
    LDP trở lại nắm quyền dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe
    Trong thời gian ba năm, DPJ có ba nhà lãnh đạo, điều đó có nghĩa rằng có rất ít sự liên tục về chính sách và rất ít thành tựu. Chính vì vậy, LDP đã trở lại nắm quyền vào tháng 12 năm 2012, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong cuộc bầu cử này, DPJ chỉ giành được 12% ghế quốc hội. Nhưng đây không phải là một thắng lợi thực sự của LDP mà đó là một sự bác bỏ đối với của DPJ.
    Thủ tướng Abe thề sẽ khôi phục nền kinh tế thông qua chương trình "kinh tế Abe" (Abenomics). Hai mục tiêu đầu tiên của Abenomics là mở rộng tiền tệ và kích thích tài chính, đã được đưa ra nhanh chóng, vì chúng không gặp phải các nhóm đối lập. Thật đáng tiếc, mũi tiêu thứ ba của Abenomics vẫn còn chưa triển khai. Việc mở cửa thị trường Nhật Bản đối với thương mại, đầu tư và người lao động nước ngoài vẫn bị ngăn chặn bởi những nhóm lợi ích cố hữu, vỗn đã kìm hãm đất nước trong hơn hai thập niên qua. Như một chuyên gia về Nhật Bản gần đây đã nói, "Japan Inc (tam giác sắt) vẫn sống sót và rất mạnh".
    Hứa hẹn về dân chủ, được gợi lên qua chiến thắng của DPJ năm 2009, đã biến mất trong tích tắc. DPJ đã bị thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012 và bây giờ là một lực lượng đang lụi tàn. LDP, và đối tác liên minh của nó, đảng "Komeito" (một đảng Phật giáo), giờ đây đang cai trị mà không có bất kỳ sự đối lập hữu hiệu nào. Cũng như trong phần lớn thời kỳ hậu chiến, cạnh tranh chính trị Nhật Bản chủ yếu diễn ra sau những cánh cửa đóng kín giữa các phe phái khác nhau trong LDP, một hoàn cảnh tương tự với sự cai trị một đảng ở Trung Quốc cộng sản. Và cho thời điểm này, Abe đã có thể ngăn chặn sự phản đối từ các nhà lãnh đạo phe đối lập.
    Chương trình nghị sự của Shinzo Abe
    Điều này có nghĩa là, mặc dù nhiệm vụ chính của Abe là khôi phục nền kinh tế thông qua Abenomics, song ông đã dành nhiều năng lượng hơn cho các vấn đề chính sách khác, những vấn đề có rất ít sự ủng hộ của công chúng.
    Các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa kể từ thảm họa hạt nhân năm 2011 tại Fukushima, hiện đang được khởi động lại để làm vừa lòng ngành công nghiệp hạt nhân bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của công chúng. Các nhà máy điện này chủ yếu nằm trong các cộng đồng nghèo hơn, mà sự ủng hộ của họ có thể mua được thông qua các trợ cấp của chính phủ.
    Abe cũng đã thúc đẩy việc thông qua một sự thay đổi trong chính sách an ninh hòa bình sau chiến tranh của Nhật Bản trong cụm từ "tự vệ tập thể" bằng cách diễn đạt lại Điều 9 của Hiến pháp, gây quan ngại cho hầu hết các học giả pháp lý. Điều này sẽ giúp quân đội Nhật có thể tự vệ cùng các đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Một nhóm dư luận rộng lớn cho rằng chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản là bản sắc cốt lõi của đất nước trong thời hiện đại, và do đó phản đối mạnh mẽ hành động này.
    Có một số điều đáng chú ý về quản lý của Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Shinzo Abe.
    -         Ông tập trung vào các vấn đề an ninh hơn là kinh tế, thứ cần dành được sự chú tâm lớn hơn. Và rồi ông dường như không sẵn lòng và cũng không thể giải thích rõ ràng các chính sách của mình với dân số được giáo dục cao và được thông tin đầy đủ của ông. Thay vào đó, dường như ông có ý định thúc đẩy thông qua những thay đổi chính sách của mình bằng những phương tiện thô bạo nhất có thể.
    o   Những thay đổi chính sách trong lĩnh vực tự vệ tập thể là những thay đổi rất khiêm tốn và được cho là hợp lý trong bối cảnh tình hình hậu Chiến tranh lạnh, từ nhu cầu tăng cường liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ, tính không thể đoán trước của Bắc Triều Tiên, và sự hiếu chiến của Trung Quốc.
    o   Khởi động lại một số nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt là các nhà máy nằm trong các khu vực không dễ bị động đất, cũng có thể được giải thích do sự phụ thuộc gần như hoàn toàn của Nhật vào năng lượng nhập khẩu.
    -         Tuy nhiên, nếu Abe có những nỗ lực tốt hơn trong việc giải thích các chính sách này, ông sẽ không phải chịu sự phản ứng dữ dội như vậy.
    Chế độ dân chủ bị kìm hãm của Nhật Bản
    Ngày nay, nền dân chủ của Nhật Bản bị làm suy yếu bởi nhiều yếu tố - một số cũ và một số gần đây hơn.
    -         Thứ nhất, Nhật Bản đã quay trở lại với nhà nước một đảng dưới sự thống trị của LDP và lãnh đạo của nó Shinzo Abe. Sau sự thất bại của DPJ, không có đảng đối lập chính trị lớn nào. Đảng DPJ chỉ cạnh tranh ít hơn một nửa số ghế trong cuộc bầu cử vào năm 2014. Không có đảng đối lập nào nổi lên như một đối thủ của LDP, bất chấp nhiều tiếng nói phản đối trong công chúng, chẳng hạn như trong các cuộc biểu tình tổ chức ở phía trước Diet (quốc hội), nơi ở của Thủ tướng và ở Kasumigaseki, khu vực của chính phủ của Tokyo. Và hầu như, không có sự đối thủ thực sự nào nào đối với sự cai trị của Abe trong LDP.
    -         Thứ hai, Nhật Bản chưa bao giờ có một nền truyền thông tự do và độc lập thực sự, và điều này tiếp tục đúng. Các câu lạc bộ báo chí ("kisha clubs") mà các bộ của chính phủ điều hành, thúc đẩy mối quan hệ ấm cúng không lành mạnh giữa các nhà báo và các quan chức chính phủ, vốn ngăn cấm việc làm báo mang tính phê phán. Chính phủ cũng ban hành hướng dẫn cho các phương tiện truyền thông về cách báo cáo thích hợp. Tầm quan trọng về mặt tài chính của quảng cáo của các doanh nghiệp lớn như TEPCO là một yếu tố khác làm ảnh hưởng đến tính khách quan của phương tiện truyền thông. Kênh truyền hình quốc gia, NHK, rõ ràng là nằm dưới bàn tay của chính phủ, sau khi Abe bổ nhiệm những người thân cận của mình vào ban quản lý cấp cao, đặc biệt là Chủ tịch Katsuto Momii. Một số nhà bình luận cho rằng NHK hoạt động giống như đài phát thanh quốc gia ở Trung Quốc cộng sản.
    -         Thứ ba, "Japan Inc" (tam giác sắt) vẫn còn sống sót và rất mạnh, không chỉ đối với ngành công nghiệp hạt nhân, nơi mà các công ty lớn đang thông đồng với chính phủ mở lại các nhà máy điện hạt nhân. Các vụ săn bắt cá voi hàng năm của Nhật Bản, vốn khiến nhiều nước bất bình, cũng được duy trì bởi một tam giác sắt bao gồm Cơ quan Thủy sản của Chính phủ, Viện nghiên cứu Cetacean và Hiệp hội Nghề cá Nhật Bản, vốn là một nhóm vận động hành lang cho toàn ngành đánh cá, và bản thân nó nhận được nhiều tiền ủng hộ từ việc đánh bắt cá voi. Các tổ chức xã hội dân sự thực hiện các hoạt động vận động chính sách hoặc phản kháng thường được coi là những kẻ bị ruồng bỏ trong xã hội. Sự tham gia của công dân được coi là nền tảng của nền dân chủ, nhưng ở Nhật Bản thì không phải như vậy. Và mặc dù bộ máy quan liêu bây giờ có ít quyền lực hơn trong quá khứ, song rõ ràng là một lực lượng (dân sự) mạnh thích đứng về phía LDP, hơn là trở nên độc lập.
    -         Thứ tư, Nhật Bản đã trở thành một "nền dân chủ bạc", nơi mà tiếng nói của người cao tuổi trong xã hội ngày càng lão hóa này có ảnh hưởng quá mức và không lành mạnh đối với chính sách. Với sự vượt trội của người già trong xã hội Nhật Bản, các trợ cấp về y tế và hưu trí hầu như quá lớn về mặt tài chính, song chính phủ lại không thể làm gì.
    Tại sao nền dân chủ còi cọc của Nhật Bản là một vấn đề
    Chế độ dân chủ còi cọc của Nhật Bản ảnh hưởng đến đất nước theo nhiều cách.
    -         Một là, ý chí của người dân không được phản ánh đúng trong chính sách của chính phủ. Và đây là vấn rất quan trọng bởi vì chính phủ chắc chắn sẽ không dẫn dắt đất nước đi đúng hướng (như mong muốn của người dân) trong các vấn đề như dân số già, chính sách an ninh và mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo OECD, chỉ có 23% cử tri Nhật tin tưởng vào chính phủ, mức thấp thứ tư trong số 34 nước được khảo sát.
    -         Thứ hai, sự trì trệ kinh tế kéo dài trong 25 năm qua, với năng suất thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp, và nợ công khổng lồ chiếm 250% GDP, tất cả đều là sản phẩm của sự thất bại của chính phủ về mặt chính sách. Và thất bại chính sách này là do ảnh hưởng quá mức của các doanh nghiệp lớn lâu đời, mà các lợi ích cố hữu của nó chứ không phải lợi ích quốc gia chi phối quá trình hoạch định chính sách quốc gia. Mặc dù sự thành công của một vài công ty như Softbank, Uniqlo và Muji, có rất ít tinh thần kinh doanh mới và sự năng động mới mẻ trong nền kinh tế.
    Nói tóm lại, Nhật Bản cần một liều thuốc mạnh không chỉ cho sự dân chủ hóa chính trị, mà còn cho sự dân chủ hóa nền kinh tế. Chỉ có người Nhật mới có thể giải quyết vấn đề này bằng cách trở nên chủ động hơn về mặt chính trị. Nhưng xã hội của họ khiến họ không được trang bị để làm điều đó vì nhiều lý do.
    -         Ví dụ, nền văn hoá đẳng cấp ăn sâu của Nhật Bản có nghĩa rằng tra vấn đối với quyền uy là không được phép.
    -         Hệ thống giáo dục của nó dựa trên sự học thuộc lòng và ghi nhớ, chứ không dựa trên tư duy phê phán và các kỹ năng phân tích, làm cho thanh thiếu niên không đủ khả năng phân tích thế giới xung quanh họ.
    -         Chủ nghĩa yêu nước mãnh liệt và ý thức phóng đại về tính duy nhất về văn hoá đã hạn chế khả năng của người Nhật trong việc ứng xử với sự phê phán và rút ra bài học kinh nghiệm từ các nước khác.
    -         Và xã hội tuân phục và bảo thủ của Nhật Bản được duy trì bởi cái mà Yoshio Sugimoto gọi là một hệ thống "độc tài thân thiện". "Xã hội Nhật Bản có các hình thức tổ chức đoàn thể khác nhau được thiết kế để chuẩn hóa các mô hình và thái độ tư duy của người Nhật và làm cho họ phục tùng trong cuộc sống hàng ngày ... Nó có tính độc đoán ở khía cạnh nó khuyến khích mỗi thành viên trong xã hội tiếp thu và chia sẻ hệ thống các giá trị liên quan đến việc kiểm soát và tổ chức thành đoàn thể như là điều tự nhiên, đồng thời chấp nhận các chỉ thị và mệnh lệnh của những người ở các vị trí cấp trên mà không cần thắc mắc."
    Đâu là tương lai cho nền dân chủ Nhật Bản?
    Các nhà quan sát Nhật Bản lâu năm sẽ nói với bạn rằng Nhật Bản có khả năng thay đổi, ngay cả khi sự thay đổi chỉ diễn ra dần dần. Vì vậy, những người lạc quan có thể cho rằng sự bất mãn của công chúng với ông Abe cuối cùng sẽ dẫn đến một đảng đối lập đủ mạnh được hình thành theo cách mà DPJ đã làm. Nhưng cũng có thể là Nhật Bản vẫn tiếp tục trong tình trạng luẩn quẩn hiện nay. Xét cho cùng, thì chúng ta đã chờ đợi một nền dân chủ thực sự trong 70 năm, nhưng vô ích.
    Dĩ nhiên là không có một nền dân chủ hoàn hảo, ngay cả trường hợp Hoa Kỳ. Ở mọi nơi, dân chủ là một quá trình và một cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng phản dân chủ. Nhưng nền dân chủ của Nhật Bản lại ở trọng tình trạng trì trệ. Trên hết, nó cần một sự đối lập vững chắc mà có thể đại diện cho nhiều tiếng nói bất đồng, và đứng lên như là một đối thủ cạnh tranh thực sự với Abe và LDP.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org