CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Posted on
  • Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,

  •  
    Dù các ý tưởng xã hội chủ nghĩa có thể truy nguyên tới những người Levellers và Diggers (những người theo chủ trương bình đẳng và xóa bỏ quyền tư hữu ở Anh) trong thế kỉ 17, hay tới Thomas More với tác phẩm Utopia (1516), hay thậm chí tới Plato với tác phẩm Cộng hòa, song chủ nghĩa xã hội chỉ đi đến định hình thành một học thuyết chính trị vào đầu thế kỉ 19. Nó ra đời như một phản ứng chống lại sự nổi lên của chủ nghĩa tư bản công nghiệp.
    Chủ nghĩa xã hội trước tiên lên tiếng cho quyền lợi của giới thợ thủ công, vốn bị đe dọa bởi sự mở rộng của nền sản xuất cơ giới, nhưng nó cũng sớm thiết lập liên minh với giới công nhân công nghiệp trong giai đoạn công nghiệp hóa thời kì đầu.
    Trong dạng thức sớm nhất của nó, chủ nghĩa xã hội chứa đựng các đặc điểm cách mạng và không tưởng. Mục tiêu của nó là loại bỏ nền kinh tế tư bản, và thay thế nó với một xã hội xã hội chủ nghĩa, thường được xây dựng trên nguyên tắc sở hữu chung. Đại diện ảnh hưởng nhất cho dòng chủ nghĩa xã hội này là Karl Marx, các ý tưởng của ông đã cung cấp nền tảng cho chủ nghĩa cộng sản trong thế kỉ 20.
    Tuy nhiên, từ cuối thế kỉ 19 về sau, một truyền thống xã hội chủ nghĩa cải cách xuất hiện, phản ánh khuynh hướng hòa nhập dần tầng lớp lao động vào trong xã hội tư bản thông qua cải thiện điều kiện lao động và lương, cũng như sự phát triển của các nghiệp đoàn và các đảng chính trị xã hội chủ nghĩa. Khuynh hướng chủ nghĩa xã hội này tuyên bố về một sự chuyển đổi hòa bình, từng bước và trong khuân khổ pháp lý từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội, thông qua áp dụng ‘con đường nghị trường’.
    Chủ nghĩa xã hội cải cách đến từ hai nguồn. Một là từ chủ nghĩa xã hội mang âm hưởng đạo đức, gắn liền với các nhà nhà tư tưởng như Robert Owen (1771–1858), Charles Fourier (1772–1837) và William Morris (1834–96). Hai là từ một dạng chủ nghĩa Marx xét lại, được phát triển bởi Eduard Bernstein.
    Trong phần lớn thế kỉ 20, phong trào xã hội chủ nghĩa phân chia thành hai phe đối địch. Các nhà xã hội chủ nghĩa cách mạng, theo sau Lê nin và những người Bolshevik, gọi chính họ là ‘những người cộng sản’; và các nhà xã hội chủ nghĩa cải cách, theo đuổi chủ trương ‘dân chủ xã hội’.
    Sự đối địch giữa họ không chỉ tập trung vào việc xác định đâu là phương tiện thích hợp nhất để đạt được chủ nghĩa xã hội, mà còn vào bản chất của xã hội chủ nghĩa. Các nhà dân chủ xã hội quay lưng lại với các nguyên tắc như sở hữu chung và kế hoạch hóa, thay vào đó theo đuổi chủ nghĩa xã hội thông qua các biện pháp như phúc lợi, tái phân phối, và quản lý kinh tế.
    Tuy nhiên, cả hai dạng chủ nghĩa xã hội này đều gặp phải khủng hoảng vào cuối thế kỉ 20, dẫn đến một số người tuyên bố về ‘cái chế của chủ nghĩa xã hội’ và sự xuất hiện của một xã hội hậu chủ nghĩa xã hội. Sự kiện kinh ngạc nhất trong tiến trình này là sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu trong những năm 1989-1991; cùng với đó là sự từ bỏ của phái dân chủ xã hội đối với các nguyên tắc nền tảng, khiến cho giờ đây, như nhiều người khẳng định, không còn phân biệt được nó với chủ nghĩa tự do hiện đại.

    CHỦ NGHĨA MARX
    Với tư cách một hệ thống lý thuyết, chủ nghĩa Marx là một lựa chọn thay thế chính cho chủ nghĩa duy lý tự do phương Tây. Với tư cách một lực lượng chính trị, dưới hình thức phong trào cộng sản quốc tế, chủ nghĩa Marx cũng được xem là đối thủ chính của chủ nghĩa tư bản phương Tây, ít nhất trong giai đoạn 1917-1991.
    Điều này dẫn đến một khó khăn lớn khi định vị chủ nghĩa Marx: sự khác biệt giữa chủ nghĩa Marx như một triết học xã hội bắt nguồn từ các tác phẩm (cổ điển) của Marx và Engels, và hiện tượng chủ nghĩa cộng sản trong thế kỉ 20, ở nhiều khía cạnh, đã điều chỉnh lại các nguyên tắc ban đầu mà Marx và Engel đề ra.
    Do đó, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở cuối thế kỉ 20 không đồng nghĩa với cái chết của chủ nghĩa Marx như một ý thức hệ chính trị; trái lại, giờ đây nó có thể mang lại cho chủ nghĩa Marx một sức sống mới khi được tách rời với các vết tích của chủ nghĩa Lê nin và chủ nghĩa Stalin.
    Các ý tưởng và lý thuyết của Marx đạt được một lượng khán giả rộng lớn hơn sau khi ông qua đời, chủ yếu thông qua các tác phẩm của người đồng nghiệp lâu năm của ông Engels, của nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa người Đức Karl Kautsky (1854–1938), và của nhà lý thuyết người Nga Georgi Plekhanov (1856–1918). Một dạng chủ nghĩa Marx chính thống, thường gọi ‘chủ nghĩa duy vật biện chứng’ (thuật ngữ mà Plekhanov đề ra, chứ không phải Marx), đi đến hình thành, mà sau đó được sử dụng làm cơ sở cho chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Phiên bản chủ nghĩa Marx ‘thổ thiển’ này không nghi ngờ gì đã đặt một nhấn mạnh lớn hơn vào các lý thuyết cơ giới cũng như thuyết tất định luận lịch sử so với chính Marx.

    Chủ nghĩa Marx cổ điển
    Cốt lõi của chủ nghĩa Marx cổ điển – chủ nghĩa Marx của Marx – là triết học về lịch sử được Engels miêu tả là ‘khái niệm duy vật về lịch sử’ hay chủ nghĩa duy vật lịch sử. Khái niệm này nhấn mạnh tầm quan trọng của đời sống kinh tế và các điều kiện mà qua đó con người sản xuất và tái sản xuất các phương tiện sinh tồn của họ.
    Marx cho rằng ‘cơ sở’ kinh tế, bao gồm ‘phương thức sản xuất’, hay hệ thống kinh tế, quyết định ‘thượng tầng’ ý thức hệ và chính trị. Theo sau Hegel, Marx tin rằng quy luật thúc đẩy thay đổi lịch sử có tính biện chứng, đó là một quá trình tương tác qua lại giữa các lực lượng đấu tranh mà cuối cùng dẫn đến một giai đoạn phát triển cao hơn.
    Trong phiên bản duy vật, mô hình hàm ý sự thay đổi lịch sử là hệ quả của các mâu thuẫn nội tại trong ‘phương thức sản suất’, được phản ánh trong các cuộc xung đột giai cấp. Giống như tất cả các xã hội giai cấp trước đó, chủ nghĩa tư bản cuối cùng sẽ sụp đổ; và trong trường hợp này, đến từ sự xung đột giữa giai cấp tư sản, những người sở hữu phương tiện sản xuất, và giai cấp vô sản, những người là ‘nô lệ ăn lương’. Sự xung đột này là không thể hòa giải, bởi vì giai cấp vô sản tất yếu bị khai thác một cách có hệ thống trong chủ nghĩa tư bản, còn giai cấp tư sản sống bằng cách bòn rút ‘giá trị thặng dư’ từ lao động của giai cấp vô sản.
    Theo Marx, cuộc cách mạng vô sản không thể tránh khỏi sẽ xảy ra sau một loạt cuộc củng khoảng sâu sắc làm cho giai cấp vô sản hoàn toàn ý thức về tính giai cấp của mình. Đó là khi giai cấp vô sản nhận ra thực tế về sự bóc lột của họ và vì vậy trở thành một lực lượng cách mạng và lật đổ giai cấp tư sản.
    Tiếp theo, cuộc cách mạng vô sản bước vào một giai đoạn phát triển ‘xã hội chủ nghĩa’ quá độ, được đặc trưng bởi ‘sự độc tài của giai cấp vô sản’. Tuy nhiên, sau đó khi sự phân chia giai cấp không còn, thì một xã hội cộng sản sẽ xuất hiện, nhà nước chuyên chính vô sản này sẽ tự động tiêu vong; có nghĩa rằng trong xã hội cộng sản, không giai cấp, không nhà nước. Khi một hệ thống ‘sản suất hàng hóa’ chuyển thành một hệ thống ‘sản xuất cho sử dụng’ và thỏa mãn các nhu cầu thực sự của con người, thì ‘sự phát triển tự do của mỗi trở thành tiền đề cho sự phát triển tự do của tất cả’.

    Chủ nghĩa cộng sản chính thống
    Chủ nghĩa Marx trong thực tiễn được gắn chặt không thể tách rời với chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, và đặc biệt là với các đóng góp của hai nhà lãnh đạo Liên Xô đầu tiên, V.I.Lenin and Joseph Stalin. Thực vậy, chủ nghĩa cộng sản trong thế kỉ 20 được thể hiện rõ ràng nhất dưới hình thức chủ nghĩa Marx – Lenin: trong đó, chủ nghĩa Marx chính thống đã được điều chỉnh, bổ xung nhiều bởi các nguyên tắc và lý thuyết của Lê nin.
    Đóng góp chính của Lê nin cho chủ nghĩa Marx là lý thuyết về đảng cách mạng. Điều này phản ánh nỗi sợ hãi của Lê nin khi ông cho rằng giai cấp vô sản, có thể bị đánh lừa bởi các ý tưởng và niềm tin vô sản, sẽ không thể hiện thực hóa tiềm năng cách mạng của mình bởi vì không thể phát triển vượt qua ‘ý thức nghiệp đoàn’: một ước muốn cải thiện điều kiện làm việc và điều kiện sống hơn là lật đổ chủ nghĩa tư bản. Một đảng cách mạng, được trang bị với chủ nghĩa Marx, cần giữ vai trò như ‘tiên phong của giai cấp lao động’. Đảng ‘tiên phong’, hay đảng ‘Lê nin’, bao gồm các bộ phận cách mạng chuyên nghiệp và tận tụy, trở thành mô hình cho các đảng cộng sản trên toàn cầu.
    Tuy nhiên, Liên Xô bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi ‘cuộc cách mạng thứ hai’ của Stalin trong những năm 1930 hơn là cuộc cách mạng Bolshevik năm 1917. Nhằm tái định hình lại xã hội Liên Xô, Stalin tạo ra một mô hình chủ nghĩa cộng sản chính thống mà sau đó được sao chép bởi nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Cu Ba, các nước Đông Âu sau năm 1945.
    Điều được gọi là ‘chủ nghĩa Stalin trong kinh tế’ khởi đầu với việc tiến hành Kế hoạch Năm lăm Lần thứ nhất vào năm 1928, trong đó nhanh chóng xóa bỏ toàn bộ doanh nghiệp tư nhân. Sau đó là tập thể hóa nông nghiệp vào năm 1929. Tất cả nguồn lực nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, và một hệ thống kế hoạch hóa tập trung do Ủy ban Kế hoạch nhà nước lãnh đạo được thiết lập.
    Những thay đổi chính trị cũng quy mô không kém. Trong những năm 1930, Stalin đã chuyển Liên Xô thành một chế độ độc tài cá nhân thông qua một loạt cuộc thành trừng nhằm xóa bỏ tất cả khuynh hướng đối lập hay tranh luận trong Đảng Cộng sản, bộ máy nhà nước và quân đội. Kết quả, Stalin biến Liên Xô thành một chế độ toàn trị, vận hành thông qua việc hăm dọa, đàn áp, và khủng bố một cách có hệ thống.
    Dù các đặc điểm tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản chính thống không còn tiếp tục tồn tại sau khi Stalin chết, song các nguyên tắc cốt lõi của Đảng Lê nin (tổ chức theo hệ thống thang bậc và kỉ luật) và chủ nghĩa Stalin trong kinh tế (tập thể hóa và kế hoạch hóa) tiếp tục kháng lại áp lực cải cách. Điều này thể hiện trong chương trình cải cách perestroika của Gorbachev (1985-1991), vốn chỉ đơn thuần thành công trong việc cho thấy sự thất bại của hệ thống kế hoạch, cũng như phóng thích các lực lượng chính trị bị đàn áp từ lâu. Những cải cách này cuối cùng đã mang chủ nghĩa cộng sản tới cái mà Trotsky gọi ‘thùng rác của lịch sử’.
    Tuy nhiên, chủ nghĩa Stalin vẫn sống sót ở Trung quốc, dù nước này đã tiến hành các cải cách thị trường, và Bắc Triều Tiên, nước vẫn còn là chế độ cộng sản chính thống triệt để. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trong những năm 1989-1991 được thừa nhận rộng rãi là sự kiện ý thức hệ quan trọng nhất trong giai đoạn hiện đại.

    Tân Marxist
    Một dạng thức phức tạp và tinh vi của chủ nghĩa Marx được phát triển ở Tây Âu. Trái với quan niệm cơ giới và khoa học (tự tuyên bố) của chủ nghĩa Marx ở Liên Xô, chủ nghĩa Marx Tây Âu, hay tân Marxist chịu ảnh hưởng bởi các ý tưởng của Hegel cũng như ý tưởng ‘Con người Kẻ sáng tạo’ được tìm thấy trong các tác phẩm thời kì đầu của Marx. Nói cách khác, con người được xem như kẻ tạo nên lịch sử, và không đơn giản là con rồi bị chi phối bởi các lược lượng vật chất khách quan. Bằng cách nhấn mạnh rằng có một ảnh hưởng qua lại giữa kinh tế và chính trị, giữa hoàn cảnh vật chất của đời sống và khả năng của con người trong việc định hình số phận của họ, các nhà tân Marxist đã phá vỡ khuân mẫu ‘hạ tầng – thượng tầng kiến trúc’ cứng nhắc (trong chủ nghĩa Marx). Điều này dẫn đến việc không coi đấu tranh giai cấp là khởi đầu và kết thúc của việc phân tích xã hội.
    Nhà Marxist Hungary Georg Lukács (1885–1971) là một trong những người đầu tiên trình bày chủ nghĩa Marx như một triết học nhân văn. Ông nhấn mạnh tiến trình ‘đồ vật hóa’, thông qua đó chủ nghĩa tư bản phi nhân hóa người công nhân bằng cách giảm trừ họ xuống trở thành các đối tượng thụ động hay những người tiêu dùng của thị trường. Trong tác phẩm Các ghi chép trong tù, được viết trong giai đoạn 1929-1935, Antonio Gramsci nhấn mạnh chủ nghĩa tư bản được duy trì không đơn thuần dựa vào sự chi phối về kinh tế, mà còn vào các yếu tố văn hóa và chính trị. Ông gọi điều này là ‘sự bá quyền’ về ý thức hệ.
    Một nhánh Hegel của chủ nghĩa Marx được phát triển bởi ‘Trường phái Frankfurt’, với các nhân vật hàng đầu bao gồm Theodor Adorno, Max Horkheimer, và Herbert Marcuse. Các nhà lý thuyết Frankfurt đã phát triển ‘lý thuyết phê phán’, trong đó kết hợp giữa kinh tế chính trị Marxist, triết học Hegel và tâm lý học Freud; và đã tạo ra một ảnh hưởng đáng kể trong giới Cánh tả Mới trong những năm 1960. Người đại diện cho thế hệ sau của trường phái Frankfurt là Jürgen Habermas, một nhà xã hội học hàng đầu hiện nay.
    Trong khi các nhà lý thuyết phê phán thời kì đầu chủ yếu quan tâm với việc phân tích về các xã hội cụ thể, các nhà lý thuyết sau đó có xu hướng chú ý nhiều hơn vào các vấn đề bất bình đẳng và bất đối xứng trong quan hệ quốc tế. Điều này thể hiện trong sự nhấn mạnh vào sức mạnh bá quyền của Mỹ (Cox, 1987), và phân tích chủ nghĩa tư bản như một ‘hệ thống thế giới’ (Wallerstein, 1984).

    DÂN CHỦ XÃ HỘI
    Dân chủ xã hội không có một sự chặt chẽ về lý thuyết giống như chủ nghĩa tự do cổ điển hay chủ nghĩa xã hội chính thống. Trong khi cái trước cam kết với thị trường, và cái sau bảo vệ sở hữu chung, thì dân chủ xã hội ủng hộ cho sự cân bằng giữa nhà nước và thị trường, giữa cá nhân và cộng đồng. Nằm ở trung tâm của dân chủ xã hội là một sự thỏa hiệp giữa, một mặt, chấp nhận chủ nghĩa tư bản là cơ chế duy nhất có thể tạo ra thịnh vượng vật chất và, mặt khác là ước mốn phân phối tài sản theo các nguyên tắc đạo đức hơn là các nguyên tắc thị trường. Đối với các nhà dân chủ xã hội, sự điều chỉnh này với thị trường là một tiến trình khó khăn, song được giải quyết thông qua hoàn cảnh thực tế và cơ chế bầu cử hơn là qua sự thuyết phục về ý thức hệ (như những người cộng sản).
    Các nguyên tắc chính của dân chủ xã hội là chế độ phúc lợi, tái phân phối và công bằng xã hội. Trong hình thức dân chủ xã hội kiểu Keynes,vốn được chấp nhận rộng rãi trong giai đoạn đầu sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nó gắn liền với ước muốn ‘nhân văn hóa’ chủ nghĩa tư bản thông qua sự can thiệp của nhà nước. Mọi người tin rằng chính sách kinh tế Keynes sẽ đảm bảo việc làm đầy đủ, một nền kinh tế hỗn hợp sẽ giúp chính phủ điều tiết các hoạt động kinh tế, và một hệ thống phúc lợi toàn diện được cung cấp bởi thuế lỹ tiến sẽ thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.
    Từ những năm 1980, việc xét lại sâu rộng đã diễn ra trong phong trào dân chủ xã hội. Điều này xảy ra với nhiều lý do. Thứ nhất, những thay đổi trong cấu trúc giai cấp, đặc biệt là sự gia tăng của giới văn phòng và chuyên môn, khiến cho các chính sách dân chủ xã hội vốn hướng tới giai cấp lao động truyền thống (ngày càng ít đi) trở nên kém hấp dẫn về phương diện bầu cử. Thứ hai, toàn cầu hóa làm cho các hình thức quản lý kinh tế kiểu Keynes trở nên lỗi thời. Thứ ba, quốc hữu hóa công nghiệp và kế hoạch hóa kinh tế chứng tỏ không hiệu quả, ít nhất trong các nước phát triển. Thứ tư, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản làm suy giảm sự tín nhiệm về tư tưởng và ý thức hệ không chỉ cho chủ nghĩa tập thể nhà nước, mà còn đối với mọi mô hình xã hội chủ nghĩa mệnh lệnh theo kiểu ‘từ trên xuống’. Trong bối cảnh đó, khiến cho các chính trị gia, các đảng chính trị suy nghĩ lại về dân chủ xã hội ‘truyền thống’.

    Dân chủ xã hội ‘mới’
    Dân chủ xã hội ‘mới’ (thường được gọi là ‘tân xét lại’ hay ‘con đường thứ ba’) là một thuật ngữ đề cập đến một loạt các nỗ lực của các đảng dân chủ xã hội tại các nước như Đức, Ý, Hà Lan nhằm hòa giải dân chủ xã hội kiểu cũ với khía cạnh hấp dẫn (về mặt bầu cử) của chủ nghĩa tân tự do.
    Dù dân chủ xã hội ‘mới’ vẫn còn khá mơ hồ, song có một số đặc trưng như sau. Thứ nhất, là niềm tin rằng chủ nghĩa xã hội, ít nhất theo mô hình can thiệp nhà nước từ trên xuống, đã chết. Với điều này, cùng niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản đã biến đổi thành một ‘nền kinh tế tri thức’, trong đó nhấn mạnh đến công nghệ thông tin, kĩ năng cá nhân, và sự linh hoạt của cả việc kinh doanh lẫn thị trường lao động, nhà nước giờ đây không còn được xem là phương tiện cho tái cấu trúc xã hội, nhưng là phương tiện để thúc đẩy cạnh tranh quốc tế, đặc biệt trong việc thúc đẩy phát triển giáo dục và kĩ năng.
    Một đặc điểm nữa của nền chính trị dân chủ xã hội ‘mới’ là nó đoạn tuyệt với chủ nghĩa quân bình xã hội chủ nghĩa, và chấp nhận ý tưởng của chủ nghĩa tự do về bình đẳng cơ hội và chế độ nhân tài. Các chính trị gia tân xét lại ủng hộ cho việc cải cách chế độ phúc lợi. Họ bác bỏ cả sự nhấn mạnh của tân tự do với chủ trương ‘hãy tự đứng trên đồi chân của mình’ lẫn cam kết dân chủ xã hội ‘truyền thống’ cho chế độ phúc lợi trọn đời, thay vào đó ủng hộ cho niềm tin (mà về cơ bản thuộc về chủ nghĩa tự do hiện đại), đó là ‘giúp mọi người để họ có thể giúp chính họ’. Điều này dẫn đến việc ủng hộ cho cái gọi là ‘nhà nước công việc’, trong đó chính phủ cung cấp giáo dục, hỗ trợ cho cá nhân với điều kiện cá nhân tìm kiếm công việc cũng như có thể tự lo cho mình.

    NHỮNG Ý TƯỞNG CHÍNH CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
    -         Cộng đồng: điều cốt lõi của chủ nghĩa xã hội là tầm nhìn về con người như một sinh thể xã hội gắn liền với sự tồn tại của nhân loại. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công đồng, cũng như nhấn mạnh mức độ mà bản sắc cá nhân được định hình bởi các tương tác xã hội như trở thành thành viên của các nhóm xã hội và các tổ chức tập thể. Những người xã hội chủ nghĩa có khuynh hướng đề cao sự nuôi dưỡng hơn so với tự nhiên khi cho rằng hành vi cá nhân chủ yếu hình thành dựa vào các tương tác xã hội hơn là từ bẩn sinh.
    -         Tình anh em: vì con người chia sẻ bản chất chung, nên bị ràng buộc vào với nhau bởi một cảm quan về tình anh em. Điều này khuyến khích những người xã hội chủ nghĩa thích hợp tác hơn cạnh tranh, chủ nghĩa tập thể hơn là chủ nghĩa cá nhân. Theo quan điểm này, hợp tác cho phép mọi người khai thác khả năng tập thể của họ và tăng cường mối liên kết cộng đồng, trong khi cạnh tranh khiến cho cá nhân chống lại nhau, gây ra thù hằn và xung đột.
    -         Bình đẳng xã hội: bình đẳng là giá trị trung tâm của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội đôi khi còn được mô tả như một dạng của chủ nghĩa quân bình, với niềm tin vào tính tối cao của bình đẳng so với các giá trị khác. Đặc biệt, các nhà xã hội chủ nghĩa đề cao tầm quan trọng của bình đẳng xã hội, một dạng bình đẳng về kết quả, đối lập với bình đẳng về cơ hội. Họ tin rằng một mức độ bình đẳng xã hội là cần thiết cho ổn định và cố kết xã hội, khuyến khích cá nhân đi đến đồng nhất mình với đồng loại của mình. Nó cũng cung cấp cơ sở cho việc thực thi các quyền chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, các nhà xã hội chủ nghĩa bất đồng về phạm vi của bình đẳng xã hội cũng cách thức mang lại nó. Trong khi những người Marxist tin vào sự bình đẳng xã hội tuyệt đối, và đạt được thông qua tập thể hóa phương tiện sản xuất, thì các nhà dân chủ xã hội lại ủng hộ cho một sự bất bình đẳng nào đó, và thường quan tâm đến việc thúc đẩy bình đẳng về cơ hội hơn là bình đẳng về kết quả.
    -         Nhu cầu: sự đồng cảm với bình đẳng cũng thường được phản ánh trong niềm tin của những người xã hội chủ nghĩa là các lợi ích vật chất phải được phân phối trên cơ sở nhu cầu, hơn là đơn thuần trên cơ sở tài năng hay lao động. Công thức cơ bản của nguyên tắc này được tìm thấy trong nguyên tắc phân phối trong chủ nghĩa cộng sản của Marx: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Điều này phản ánh niềm tin cho rằng sự thỏa mãn các nhu cầu (đói, khát, ở, an ninh...) là tiền đề cho một sự tồn tại có ý nghĩa cũng như cho sự tham gia vào đời sống xã hội. Tuy nhiên, sự phân phối theo nhu cầu đòi hỏi mọi người phải được thúc đẩy bởi các động cơ đạo đức, hơn là các động cơ vật chất.
    -         Giai cấp: chủ nghĩa xã hội thường gắn liền với một dạng chính trị giai cấp. Thứ nhất, các nhà xã hội chủ nghĩa có xu hướng phân tích xã hội theo sự phân phối thu nhập, tài sản, và họ chia xã hội thành các giai cấp. Thứ hai, chủ nghĩa xã hội được gắn liền với giai cấp bị áp bức bóc lột, như giai cấp công nhân, và nó cũng xem giai cấp này là tác nhân thay đổi xã hội, thậm chí tiến hóa xã hội. Tuy nhiên, theo sự phân chia giai cấp là có thể tránh được; mục tiêu xã hội chủ nghĩa là xóa bỏ bất bình đẳng về kinh tế và xã hội, hay xóa bỏ giai cấp.
    -         Sở hữu chung: mối quan hệ giữa chủ nghĩa xã hội và sở hữu chung thường gây tranh cãi. Một số xem nó chính là mục đích của chủ nghĩa xã hội, trong khi một số khác xem nó đơn giản là phương tiện để tạo ra sự bình đẳng lớn hơn. Những người xã hội chủ nghĩa ủng hộ cho sở hữu chung (theo kiểu tập thể hóa ở Liên Xô, hay quốc hữu hóa có chọn lọc (trong một nền kinh tế hỗn hợp)) vì coi đó là phương tiện để thúc đẩy cho lợi ích chung, trong khi sở hữu tư nhân được xem như thúc đẩy sự vị kỉ, chiếm hữu, và phân chia xã hội. Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội hiện đại đang ngày càng đi ra khỏi quan tâm hạn hẹp với chính trị sở hữu này.

    Nguồn
    -         Andrew Heywood. Politics.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org