Đâu là bản chất
của quyền lực nhà nước, và đâu là các lợi ích mà nó đại diện? Đây là những câu
hỏi gây ra nhiều tranh cãi. Có nhiều lý thuyết khác nhau về nhà nước, mà mỗi lại
đề nghị một cách giải thích về nguồn gốc, sự phát triển, cũng như ảnh hưởng của
nó đối với xã hội. Ở đây chúng ta cùng tìm hiểu bốn lý thuyết khác nhau về nhà
nước:
-
Nhà nước đa nguyên
-
Nhà nước tư bản
-
Nhà nước leviathan
-
Nhà nước gia trưởng
NHÀ
NƯỚC ĐA NGUYÊN
Những người theo
quan điểm đa nguyên cho rằng quyền lực nên được phân phối rộng rãi trong xã hội,
và vì vậy, nhà nước trong xã hội đa nguyên cần hành động như một người trọng
tài. Nguồn gốc của quan điểm này về nhà nước có thể truy nguyên đến lý thuyết
khế ước xã hội, với các nhà tư tưởng đại diện như Thomas Hobbes và John Locke.
Các nhà tư tưởng
này tìm kiếm các nền tảng của nghĩa vụ chính trị, những nền tảng mà qua đó cá
nhân có nghĩa vụ tôn trọng và tuân theo nhà nước. Họ cho rằng nhà nước ra đời từ
một thỏa thuận tự nguyện, hay một khế ước xã hội, được tạo ra bởi các cá nhân,
khi họ nhận ra rằng chỉ với việc thiết lập một quyền lực tối cao (nhà nước) mới
có thể bảo vệ họ khỏi tình trạng hỗ loạn, bất an, nguy hiểm của trạng thái tự
nhiên (trạng thái không tồn tại nhà nước).
Không có nhà nước,
cá nhân sẽ lạm dụng, bóc lột và nô lệ hóa lẫn nhau; và chỉ với nhà nước thì trật
tự và văn minh mới có thể được đảm bảo, và tư do mới được bảo vệ. Như Locke khẳng
định, ‘nơi đâu không có luật, sẽ không có
tự do’.
Trong lý thuyết
tự do, nhà nước được coi như một người phân xử trung lập giữa các nhóm hay các
cá nhân cạnh tranh trong xã hội; nó là một trọng tài có khả năng bảo vệ cá nhân
khỏi sự xâm phạm của các cá nhân khác. Sự trung lập của nhà nước phản ánh ở thực
tế là nhà nước hành động vì lợi ích của tất cả mọi công dân, và do đó đại diện
cho lợi ích chung.
-
Theo quan điểm của Hobbes, sự ổn định và
trật tự chỉ có thể được đảm bảo thông qua thiết lập một nhà nước tuyệt đối và
không giới hạn, với quyền lực không thể bị thách thức, cũng như không bị đặt vấn
đề. Nói cách khác, ông cho rằng người dân phải đưa ra một lựa chọn khó khăn giữa
chế độ chuyên chế hay tình trạng vô chính phủ.
-
Trong khi đó, Locke phát triển một sự bảo
vệ cho nhà nước giới hạn. Theo quan điểm của ông, mục đích của nhà nước rất cụ
thể: đó là bảo vệ một tập hợp các quyền ‘tự nhiên’ hay các quyền mà Thượng đế
ban cho con người gồm quyền ‘sống, tự do,
và tư hữu’. Điều này thiết lập một sự phân biệt rõ ràng giữa các trách nhiệm
của nhà nước (về cơ bản, duy trì trật tự trong nước và bảo vệ quyền tư hữu) với
các trách nhiệm của cá nhân (thường được coi thuộc về phạm vi của xã hội dân sự).
Hơn nữa, vì nhà nước cũng có thể đe dọa các quyền tự nhiên dễ dàng như khi củng
cố chúng, nên các công dân phải có một số hình thức bảo vệ chống lại nhà nước,
điều mà Locke tin chỉ có thể đạt được thông qua các cơ chế của chính phủ hợp hiến
và đại diện.
Các ý tưởng này
được phát triển trong thế kỉ 20 thành lý
thuyết đa nguyên về nhà nước. Với tư cách một lý thuyết xã hội, thuyết đa
nguyên khẳng định rằng, trong các nền dân chủ tự do, quyền lực nên được phân phối
rộng rãi và cân bằng. Với tư cách nhà nước, thuyết đa nguyên cho rằng nhà nước cần
đứng trung lập. Nhà nước không được thiên vị bất cứ nhóm nào trong xã hội, cũng
không được có một lợi ích nào của riêng nó tách biệt với lợi ích của xã hội.
Như
Schwarzmantel (1994) khẳng định, nhà nước là ‘công bộc của xã hội chứ không phải
chủ của nó’. Do đó nhà nước có thể được mô tả như một ‘pincushion’, trong đó nó hấp thụ một cách thụ động các áp lực tác động
lên nó. Có hai giả định căn bản bên dưới quan điểm này.
-
Thứ nhất, nhà nước thực sự phục tùng
chính phủ. Các cơ quan nhà nước không thông qua bầu chọn (các cơ quan cung cấp
dịch vụ, tòa án, cảnh sát, quân đội...) phải hoàn toàn khách quan, và phục tùng
thẩm quyền của các ông chủ chính trị của họ (các nhà lãnh đạo dân bầu). Do đó,
bộ máy nhà nước phải tuân theo các nguyên tắc phục vụ công và chịu trách nhiệm
trước các nhà lãnh đạo chính trị.
-
Giả định thứ hai là tiến trình dân chủ
phải hiệu quả và thực chất. Nói cách khác, cạnh tranh đảng phái và hoạt động của
các nhóm lợi ích đảm bảo rằng chính quyền lắng nghe và phản ứng trước các yêu cầu
của công chúng. Do đó, kì cùng nhà nước chỉ như một chong chóng chỉ hướng gió
hướng theo bất cứ hướng nào mà đa số công chúng muốn.
Tuy nhiên, các
nhà đa nguyên hiện đại thường sử dụng một qua điểm có tính phê phán hơn về nhà
nước (so với thuyết đa nguyên cổ điển), được gọi là thuyết tân đa nguyên về nhà
nước. Các nhà lý thuyết như Robert Dahl, Charles Lindblom và J. K. Galbraith đi
đến chấp nhận rằng các nhà nước công nghiệp hiện đại ngày càng trở nên phức tạp
và ít phản ứng trước các áp lực của công chúng hơn so với những gì lý thuyết đa
nguyên cổ điển đề nghị. Chẳng hạn, các nhà tân đa nguyên thừa nhận rằng các
doanh nghiệp có một ‘vị trí đặc lợi’ trong quan hệ với chính quyền tới mức các
nhóm khác không phải là đối thủ của họ. Trong tác phẩm Politics and Markets (1980), Lindblom chỉ ra rằng, các nhà đầu tư
và các ông chủ lớn trong xã hội có một sự thống trị đáng kể lên chính phủ, bất
kể ý thức hệ hay tuyên ngôn mà chính phủ cam kết. Hơn nữa, các nhà tân đa
nguyên chấp nhận rằng nhà nước có thể theo đuổi các lợi ích cục bộ của riêng
nó. Chẳng hạn, giới tinh hoa trong nhà nước, bao gồm các công chức cao cấp, các
thảm phán, trưởng cảnh sát, lãnh đạo quân sự..., có thể theo đuổi các lợi ích của
riêng họ hoặc các nhóm khách hàng của họ trong khu vực nhà nước mà họ kiểm
soát. Vì vậy, nếu nhà nước được xem như một tác nhân chính trị đứng về phía
chính nó, thì nó có thể được xem là một nhóm lợi ích quyền lực nhất trong xã hội.
Nhà
nước tư bản chủ nghĩa
Quan niệm
Marxist về nhà nước tư bản đưa ra một cách nhìn khác về nhà nước so với cách
nhìn về nhà nước như một trọng tài trung lập của trường phái đa nguyên. Các nhà
Marxist cho rằng nhà nước không thể được hiểu tách rời với cấu trúc kinh tế của
xã hội. Quan điểm này thường dựa trên công thức cổ điển là nhà nước chỉ đơn thuần
là công cụ cho sự áp bức giai cấp: nhà nước xuất hiện từ, và theo một nghĩa nào
đó, phản ánh hệ thống giai cấp.
Tuy nhiên, một
cuộc tranh luận rộng rãi xảy ra trong lý thuyết Marxist trong những năm gần đây
đã dịch chuyển lý thuyết Marxist về nhà nước khỏi công thức cổ điển này. Theo một
cách nào đó, mức độ điều chỉnh lại quan điểm Marxist về nhà nước đền từ những sự
mơ hồ chứa đựng trong các tác phẩm của Marx.
-
Marx không phát triển một lý thuyết có hệ
thống về nhà nước. Nhìn chung, ông tin rằng nhà nước là một phần của ‘kiến trúc
thượng tầng’, vốn được quyết định bởi ‘cơ sở’ kinh tế, nền tảng thực sự của đời
sống xã hội. Tuy nhiên, mối quan hệ chính xác giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc
thượng tầng, và trong trường hợp này giữa nhà nước và phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa là không rõ ràng.
-
Có hai lý thuyết về nhà nước được tìm thấy
trong các tác phẩm của Marx.
o
Lý thuyết thứ nhất, được trình bày trong
câu nói nổi tiếng của ông trong tác phẩm Tuyên
ngôn Cộng Sản: ‘cơ quan hành pháp của
nhà nước hiện đại chỉ là một ủy ban quản lý các vấn đề chung của giới tư sản’.
Từ cách hiểu này, nhà nước rõ ràng phụ thuộc vào xã hội và phụ thuộc hoàn toàn
vào giai cấp chi phối về kinh tế, mà trong chế độ tư bản là giai cấp tư sản. Như
Lê nin khẳng định, nhà nước chỉ là ‘công cụ đàn áp của giai cấp bóc lột’.
o
Một lý thuyết thứ hai về nhà nước, phức
tạp hơn, thể hiện trong phân tích của Marx về các sự kiện cách mạng ở Pháp
trong thời gian (1848-1851) trong tác phẩm The
Eighteenth Brumaire of Louis Bonaparte. Marx cho rằng nhà nước có thể có được
‘sự tự trị tương đối’ khỏi hệ thống giai cấp, như nhà nước của Napoleon có thể
áp đặt ý chí của nó lên xã hội. Trong trường này, nếu nhà nước đại diện cho lợi
ích của bất cứ giai cấp nào, thì đó không phải lợi ích của giai cấp tư sản, mà đó
là lợi ích của giai cấp đông đảo nhất trong xã hội pháp, giai cấp nông dân tiểu
chủ. Dù Marx không phát triển chi tiết quan điểm này, song rõ ràng rằng, từ
cách nhìn này, sự tự trị của nhà nước chỉ tương đối, trong đó mục đích chính vẫn
là điều hòa sự xung đột giai cấp, và vì vậy giúp duy trì hệ thống giai cấp tồn
tại.
Cả hai lý thuyết
này về nhà nước khác rất nhiều với mô hình tự do, và mô hình đa nguyên về quyền
lực nhà nước sau đó. Đặc biệt, chúng nhấn mạnh rằng không thể hiểu được nhà nước
nếu không hiểu trong bối cảnh giai cấp; và nhà nước xuất hiện và phản ánh xã hội
tư bản, thông qua vai trò là công cụ đàn áp do giai cấp chi phối sử dụng, hoặc
tinh vi hơn, như cơ chế qua đó sự đối kháng giai cấp giảm bớt. Tuy nhiên, thái
độ của Marx với nhà nước không hoàn toàn tiêu cực. Ông cho rằng nhà nước đóng
vai trò tích cực trong quá trình quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa cộng
sản dưới vai trò ‘độc tài của giai cấp vô sản’. Việc lật đổ chủ nghĩa tư bản đồng
nghĩa với việc phá hủy nhà nước tư sản và tạo ra một nhà nước thay thế, nhà nước
vô sản.
Khi miêu tả nhà
nước như công cụ ‘độc tài’ của giai cấp vô sản, Marx sử dụng lý thuyết thứ nhất
về nhà nước, xem nhà nước là công cụ mà qua đó giai cấp chi phối về kinh tế
(lúc đó, giai cấp vô sản) có thể đàn áp và đánh bại các giai cấp khác. Tất cả
nhà nước, từ cách nhìn này, là độc tài giai cấp. ‘Nền độc tài của giai cấp vô sản’
được coi như phương tiện bảo vệ thành quả cách mạng khi ngăn chặn các thế lực
phản cách mạng, mà thực chất ở đây là giai cấp tư sản bị lật đổ.
Tuy nhiên, Marx
không thấy nhà nước như thực thể xã hội vĩnh viễn. Ông dự đoán rằng, khi đối
kháng giai cấp giảm đi, nhà nước tiêu biến, có nghĩa rằng một xã hội cộng sản
hoàn chỉnh sẽ là một xã hội phi nhà nước. Vì nhà nước xuất hiện từ hệ thống
giai cấp, một khi hệ thống giai cấp bị loại bỏ, nhà nước mất cơ sở tồn tại của
nó.
Di sản nước đôi
của Marx cung cấp cho các nhà Marxist hiện đại, hay tân Marxist một khoảng trống
đáng kể trong việc phân tích quyền lực nhà nước. Điều này được củng cố hơn nữa
bởi các tác phẩm của Antonio Gramsci, vốn cho rằng sự chi phối của giai cấp
giai trị không chỉ đơn thuần bằng ép buộc, mà còn thông qua thao túng ý thức hệ.
Theo quan điểm này, sự chi phối của giai cấp tư sản được duy trì chủ yếu thông
qua ‘sự bá quyền’: nghĩa là, thông qua kiểm soát tư tưởng hay văn hóa.
Từ những năm
1960s, lý thuyết Marx về nhà nước bị chi phối bởi các quan điểm công cụ/cấu
trúc về nhà nước. Trong tác phẩm The
State in Capitalist Society, Miliband mô tả nhà nước như công cụ của giai cấp
cai trị thông qua nhấn mạnh khía cạnh trong đó giới tinh hoa nhà nước đa số đến
từ giai tầng có của và đặc lợi. Xu hướng nhà nước ủng hộ cho chủ nghĩa tư bản bắt
nguồn từ sự trùng lặp nền tảng xã hội giữa, một mặt, giới công chức, và mặt
khác, các ông chủ ngân hàng, các doanh nhân, và các nhà tư bản công nghiệp.
Nicos Poulantzas trong tác phẩm Political
Power and Social Classes (1968), bác bỏ cách tiếp cận xã hội học này, thay
vào đó nhấn mạnh vào mức độ cấu trúc mà
các thế lực kinh tế và xã hội chi phối đối với sự tự trị của nhà nước. Quan điểm
này gợi ý rằng nhà nước không thể làm gì ngoài việc vĩnh viễn hóa hệ thống xã hội
trong đó nó vận hành. Trong trường hợp của nhà nước tư bản, vai trò của nó là
phục vụ lợi ích lâu dài của chủ nghĩa tư bản, ngay cả khi các hành động này bị
chống lại bởi chính một bộ phận của giai cấp tư bản. Các nhà tân Marxist ngày
càng xem nhà nước như chiến trường mà trên đó các nhóm lợi ích, các giai cấp
tranh giành. Thay vì là một công cụ, được sử dụng bởi các nhóm hay giai cấp chi
phối, nhà nước là một thực thể năng động phản ánh sự cân bằng quyền lực trong
xã hội, cũng như cuộc đấu tranh vĩnh viễn cho sự bá quyền.
Nguồn:
-
Andrew Heywood. Politics.