CHỦ NGHĨA BẢO THỦ

Posted on
  • Thứ Hai, 16 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,

  • Các ý tưởng và nguyên tắc bảo thủ xuất hiện lần đầu tiên vào cuối thế kỉ 18 và đầu thế kỉ 19. Chúng đến từ một phản ứng chống lại sự những chuyển biến nhanh chóng về kinh tế và chính trị, mà ở một mức độ nào đó được thể hiện trong Cách mạng Pháp.
    Theo nghĩa này, chủ nghĩa bảo chủ ủng hộ quay trở lại với chế độ cũ (tức nhà nước chuyên chế của Pháp). Đứng trước các áp lực được tạo ra bởi chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo thủ đứng lên bảo vệ cho một trật tự xã hội truyền thống đang ngày càng bị công kích lúc đó.
    Tuy nhiên, ngay từ đầu, đã có một sự phân chia rõ ràng trong tư tưởng bảo thủ. Ở châu Âu lục địa, một hình thức bảo thủ xuất hiện từ các tác phẩm của các nhà tư tưởng như Joseph de Maistre (1753–1821). Chủ nghĩa bảo thủ này đậm chất quý tộc và phản động, bác bỏ bất cứ ý tưởng cải cách nào.
    Một dạng chủ nghĩa bảo thủ thận trọng hơn, linh hoạt hơn, và cuối cùng thành công hơn được phát triển ở Anh và Mỹ, dựa trên niềm tin của Edmund Burke (1729–97) vào việc ‘thay đổi để bảo tồn (tồn tại)’. Lập trường này cho phép các nhà bảo thủ trong thế kỉ 19 chấp nhận các cải cách xã hội theo khẩu hiệu ‘Một Dân tộc’. Đỉnh điểm của truyền thống này ở Anh (diễn ra vào những năm 1950) khi Đảng Bảo thủ đi đến chấp nhận các dàn xếp hậu chiến cũng như tán thành một phiên bản riêng của nó đối với nền Dân chủ Xã hội kiểu Keynes.
    Tuy nhiên, từ những năm 1970 về sau, mô hình này ngày càng chịu nhiều sự chỉ trích do sự xuất hiện của phe Cánh hữu Mới. Lập trường bảo thủ chống gia trưởng, chống nhà nước của Cánh hữu Mới chủ yếu được rút ra từ các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cổ điển.

    CHỦ NGHĨA BẢO THỦ GIA TRƯỞNG
    Thường có thể truy nguyên đến các tác phẩm thời kì đầu của Benjamin Disraeli (1804–81), thuyết gia trưởng đến từ sự kết hợp giữ sự thận trọng và (việc giữ vững) nguyên tắc. Khi cảnh báo nguy cơ nước Anh bị chia thành ‘hai dân tộc: giàu và nghèo’, Disraeli đã gieo rắc nỗi sợ về một cuộc cách mạng xã hội. Cảnh báo này là một lời nhắc nhở giới đặc lợi, những người cần nhận ra rằng ‘cải cách từ bên trên’ thì đáng mong muốn hơn ‘cách mạng từ bên dưới’.
    Thông điệp này được củng cố thêm bằng cách viện đến các nguyên tắc về bổn phận và nghĩa vụ xã hội vốn nảy sinh từ các ý tưởng tân phong kiến (neofeudal) về bổn phận quý tộc. Theo ý tưởng này, bổn phận là cái giá của đặc lợi; người quyền lực và kế thừa có trách nhiệm quan tâm tới những người kém may mắn hơn vì một lợi ích chung lớn hơn đó là sự cố kết và thống nhất xã hội.
    Nguyên tắc Một Dân tộc, khẩu hiệu của đảng Tory ở Anh đầu thế kỉ 19, không phản ánh ý tưởng về một xã hội bình đẳng, mà đúng hơn phản ánh một hệ thống đẳng cấp cố kết và ổn định, và phát triển một cách hữu cơ (gắn kết giữa các bộ phận, như cá nhân, với tổng thể, xã hội).
    Truyền thống Một Dân tộc chứa đựng không chỉ quan điểm ủng hộ cải cách xã hội, mà còn một thái độ thực dụng đối với các chính sách kinh tế. Điều này dễ thấy trong cách tiếp cận ‘con đường thứ ba’ của những người bảo thủ ở Anh trong những năm 1950s. Cách tiếp cận này tránh hai mô hình tổ chức kinh tế: chủ nghĩa tư bản laissez-faire ; và chủ nghĩa xã hội nhà nước với kế hoạch hóa tập trung. Cái trước bị bác bỏ trên cơ sở cho rằng nó dẫn đến một sự tự do cho tất cả, và điều này khiến cho tính cố kết xã hội bị mất đi, cũng như sẽ dẫn đến tình trạng trong đó bất lợi thuộc về kẻ yếu và dễ tổn thương trong xã hội. Cái sau bị bác bỏ bởi vì nó tạo ra độc quyền nhà nước cũng như sẽ nghiền nát tất cả các hình thức tự trị và kinh doanh tư nhân. Do đó, lời giải nằm ở một sự kết hợp giữ thị trường với điều tiết của nhà nước - ‘kinh tế tư nhân nhưng không vị kỉ’.
    Một kết luận tương tự được rút ra sau năm 1945 bởi các nhà bảo thủ trên lục địa, những người chấp nhận các nguyên tắc Dân chủ Ki tô giáo, hầu hết được phát triển trong triết lý ‘thị trường xã hội’ của Đảng Dân chủ Ki tô giáo Đức (CDU). Triết lý này bao gồm, một mặt thúc đẩy thị trường, như tăng cường các ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân và cạnh tranh; nhưng mặt khác hướng tới xã hội, trong đó tin rằng thịnh vượng thu được (từ thị trường) nên được sử dụng phục vụ cho lợi ích rộng lớn hơn của xã hội. Lập trường này được rút ra từ lý thuyết xã hội Ki tô giáo, trong đó thúc đẩy một quan điểm hữu cơ về xã hội nhấn mạnh đến sự hài hòa. Do đó, dân chủ Ki tô giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của các thiết chế như nhà thờ, liên đoàn và hiệp hội doanh nghiệp, và được ràng buộc với nhau với ý niệm về một ‘sự cộng tác xã hội’. Dòng gia trưởng này của tư tưởng bảo thủ hiện đại thường được gắn liền với ý tưởng ‘bảo thủ trắc ẩn’.

    CÁNH HỮU MỚI
    Cánh hữu Mới thể hiện một khuynh hướng trong tư tưởng bảo thủ, mà thực chất là một dạng phản cách mạng, chống lại không chỉ khuynh hướng chuyển đổi sau năm 1945 hướng tới một sự can thiệp lớn hơn của nhà nước, mà còn sự mở rộng của các giá trị xã hội cấp tiến.
    Các ý tưởng của Cánh hữu Mới có thể truy ngược tới những năm 1970s, thời điểm cho thấy sự thất bại rõ ràng của nền dân chủ xã hội kiểu Keynes, với sự bùng nổ kinh tế thời hậu chiến chấm dứt, cũng như nguy cơ về sụp đổ xã hội và tụt giảm của quyền uy. Cánh hữu Mới có một ảnh hưởng to lớn ở Anh và Mỹ, nơi mà chúng được hiện thực hóa trong những năm 1980 dưới hình thức của chủ nghĩa Thatcher ở Anh và chủ nghĩa Reagan ở Mỹ. Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là Cánh hữu Mới không tạo ra một triết lý có hệ thống và nhất quán mà đúng hơn nó kết hợp hai truyền thống riêng biệt, thường gọi là ‘tân tự do’ và ‘tân bảo thủ’. Dù có một sự xung đột ý thức hệ giữa cả hai, nhưng chúng có thể kết hợp để hỗ trợ cho mục tiêu chung là một nhà nước mạnh nhưng tối thiểu: theo như lời Andrew Gamble thì đó là ‘kinh tế tự do và nhà nước mạnh’.

    Tân tự do
    Tân tự do là một phiên bản nâng cấp của kinh tế chính trị cổ điển, được phát triển trong tác phẩm của các nhà kinh tế học thị trường tự do như Friedrich Hayek, Milton Friedman và triết gia chính trị Robert Nozick.
    Các trụ cột chính của tân tự do là thị trườngcá nhân. Mục tiêu chính của tân tự do là ‘thu hẹp phạm vi của nhà nước’ với niềm tin rằng chủ nghĩa tư bản thị trường không điều tiết mang lại hiệu quả, tăng trưởng và thịnh vượng rộng rãi.
    Theo quan điểm này, ‘bàn tay chết chóc’ của nhà nước bóp nghẹt sáng kiến và làm lản lòng việc kinh doanh; chính quyền, dù với dự định tốt đẹp, lúc nào cũng có một ảnh hưởng tai hại lên các vấn đề của đời sống con người. Điều này được phản ánh trong mối quan tâm của Cánh hữu Mới với vấn đề sở hữu tư nhân, với sự đề cao của nó đối với doanh nghiệp tư nhân hơn doanh nghiệp nhà nước: tóm lại, ‘tư, tốt; công, xấu’. Các ý tưởng như vậy gắn liền với một hình thức chủ nghĩa cá nhân (khá cực đoan), được diễn đạt trong câu nói nổi tiếng của Margaret Thatcher đó là ‘không có cái gọi là xã hội, chỉ có cá nhân và gia đình của họ’. ‘Nhà nước ôm đồm’ được xem như đang nuôi dưỡng cho một thứ văn hóa lệ thuộc và kì cùng làm xói mòn tự do, vốn được hiểu như là tự do lựa chọn trong thị trường. Thay vào đó, cần đề cao các giá trị như tự giúp mình, và trách nhiêm cá nhân, và khởi nghiệp.
    Các ý tưởng này được thừa nhận rộng rãi và thúc đẩy trong quá trình toàn cầu hóa, mà theo nhiều người, toàn cầu hóa thực chất là toàn cấu hóa tân tự do.

    Tân bảo thủ
    Tân bảo thủ tái khẳng định các nguyên tắc bảo thủ của thế kỉ 19. Nhìn chung, phe Cánh hữu Mới tân bảo thủ muốn khôi phục lại quyền uy và trở lại với các giá trị truyền thống, đáng chú ý là các giá trị liên quan đến gia đình, tôn giáo và quốc gia. Thẩm quyền được xem là cơ sở đảm bảo cho ổn định xã hội, khi nó tạo ra kỉ luật, sự tôn trọng; trong khi các giá trị truyền thống và một nền văn hóa chung sẽ giúp kết dính xã hội và làm cho sự tồn tại văn minh trở nên khả hữu. Do đó, kẻ thù của tân bảo thủ là sự dễ dãi, sự sùng bái cái tôi, và ‘làm những gì chỉ của mình’, vốn được coi là những giá trị của những năm 1960.
    Một khía cạnh khác của tân bảo thủ là xu hướng xem sự xuất hiện của các xã hội đa văn hóa và đa tôn giáo với một sự quan ngại, khi cho rằng chúng chứa đựng xung đột và chắc chắn gây ra bất ổn xã hội. Quan điểm này có xu hướng gắn kết với một hình thức chủ nghĩa dân tộc (hạn hẹp) vốn hoài nghi cả chủ nghĩa đa văn hóa lẫn ảnh hưởng ngày càng tăng của các cơ quan siêu quốc gia như UN và EU.
    Tân bảo thủ cũng phát triển một cách tiếp cận riêng với chính sách ngoại giao, đặc biệt ở Mỹ dưới thời George Bush Jr, trong đó khuyến khích củng cố sự chi phối toàn cầu của Mỹ, thông qua áp đặt ‘thay đổi chế độ’ bằng phương pháp can thiệp quân sự.

    CÁC Ý TƯỞNG CHÍNH CỦA CHỦ NGHĨA BẢO THỦ
    -         Truyền thống: chủ đề trung tâm của chủ nghĩa bảo thủ, ‘ước muốn bảo tồn’, có liên quan chặt chẽ với việc đề cao truyền thống, khi thúc đẩy sự tôn trọng đối với các tập tục và thiết chế (đã bền vững qua thời gian). Theo quan điểm này, truyền thống phản ánh sự khôn ngoan của quá khứ được tích lũy lại; và vì các thiết chế và thực tiễn đã được ‘thử thách bởi thời gian’, nên nó phải được duy trì vì lợi ích của thế hệ hiện tại cũng như trong tương lai. Truyền thống còn có giá trị trong việc thúc đẩy cảm quan về một nguồn gốc xã hội, một lịch sử chung (giữa mọi người).
    -         Thực tế: các nhà bảo thủ nhấn mạnh giới hạn của lý trí con người, bởi thế giới chứa đựng sự phức tạp vô hạn. Do vậy, cần bác bỏ các nguyên tắc và hệ thống tư tưởng trừu tượng (được rút ra đơn thuần từ việc sử dụng lý trí); thay vào đó, niềm tin nên dựa vào kinh nghiệm, lịch sử, và trên hết là thực tế: tức là hành động phải dựa trên các hoàn cảnh và mục tiêu thực tế.
    -         Sự không hoàn hảo của con người: quan điểm bảo thủ về bản chất chon người khá bi quan. Theo quan điểm này, con người là sinh vật rất giới hạn, phục thuộc và tìm kiếm an toàn; do đó cần dựa vào sự quen thuộc, thử và sai, và nhu cầu sống sống trong một cộng đồng ổn định và trật tự. Ngoài ra, con người dễ suy đồi về đạo đức: họ bị chi phối bởi sự vị kỉ, thèm khát và ham muốn quyền lực. Do đó, nguồn gốc của tội phạm và bất ổn nằm trong chính cá nhân con người hơn là trong xã hội. Vì vậy, duy trì trật tự đòi hỏi một nhà nước mạnh, củng cố luật nghiêm ngặt, và trừng phạt nặng.
    -         Thuyết hữu cơ: thay vì nhìn xã hội như một sản phẩm nhân tạo, các nhà bảo thủ xem xã hội như một toàn thể hữu cơ, một thực thể sống. Do đó, xã hội được cấu trúc theo nhu cầu tự nhiên, với các thiết chế khác nhau (gia đình, cộng đồng địa phương, và dân tộc...), tất cả đóng góp cho sự lành mạnh và ổn định của xã hội. Toàn thể không chỉ đơn thuần là một tập thể của các bộ phận cá nhân. Mà các giá trị được chia sẻ (truyền thống) và một nền văn hóa chung có vai trò sống còn trong việc duy trì cộng đồng và cố kết xã hội.
    -         Hệ thống thứ bậc: theo quan điểm bảo thủ, thứ bậc địa vị là tự nhiên và không thể tránh khỏi trong một xã hội. Điều này phản ánh vai trò và trách nhiệm khác nhau của mỗi người, chẳng hạn ông chủ và công nhân, giáo viên và học sinh, cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, cũng theo quan điểm này, hệ thống thứ bậc và bất bình đẳng không dẫn đến xung đột, bởi vì xã hội được ràng buộc lại với nhau bằng nghĩa vụ và bổn phận qua lại. Thực vậy, do vị trí của con người trong quộc đời được quyết định một phần lớn bởi may mắn, do đó sự thịnh vượng và đặc lợi đi cùng với trách nhiệm chia sẻ cho những người kém may mắn hơn.
    -         Quyền uy: chủ nghĩa bảo thủ cho rằng, ở một mức độ nào đó, quyền uy cần luôn được thực hành ‘từ bên trên’, để cung cấp sự lãnh đạo, hướng dẫn và giúp đỡ cho những ai thiếu kiến thức, kinh nghiệm hay giáo dục để có thể hành động một cách khôn ngoan khi theo đuổi lợi ích riêng của họ (ví dụ quyền uy của cha mẹ với con cái). Dù ý tưởng về quý tộc tự nhiên từng có nhiều ảnh hưởng (trong quá khứ), song quyền uy và sự lãnh đạo hiện được coi như đến từ kinh nghiệm và đào tạo. Ưu điểm của quyền uy nằm ở chỗ nó là nguồn cho sự cố kết xã hội, mang đến cho cá nhân một cảm nhận rõ ràng về việc họ là ai, họ phải làm gì. Tự do phải đồng tồn tại với trách nhiệm; do đó nó phải bao gồm việc sẵn sàng chấp nhận các nghĩa vụ và ổn phận.
    -         Tài sản: những người bảo thủ xem sở hữu tư nhân là quan trọng bởi vì nó mang đến cho con người sự đảm bảo (sinh tồn) cũng như sự độc lập với chính quyền, và nó khuyến khích họ tôn trọng luật pháp và tài sản của người khác. Tài sản cũng là một sự biểu hiện ra bên ngoài của tính cách con người, trong đó họ ‘thấy’ chính họ trong cái họ sở hữu: nhà của họ, xe của họ... Tuy nhiên, sở hữu tư nhân cũng gắn liền với bổn phận, bởi theo quan điểm này, chúng ta đơn thuần là người trông giữ tài sản hoặc kế thừa từ thế hệ trước hoặc cho thế hệ tương lai.
    Nguồn
    -         Andrew Heywood. Politics.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org