CÁC LÝ THUYẾT VỀ BẢN CHẤT QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC p2

Posted on
  • Thứ Tư, 18 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Đâu là bản chất của quyền lực nhà nước, và đâu là các lợi ích mà nó đại diện? Đây là những câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi. Có nhiều lý thuyết khác nhau về nhà nước, mà mỗi lại đề nghị một cách giải thích về nguồn gốc, sự phát triển, cũng như ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Ở đây chúng ta cùng tìm hiểu bốn lý thuyết khác nhau về nhà nước:
    -         Nhà nước đa nguyên
    -         Nhà nước tư bản
    -         Nhà nước leviathan
    -         Nhà nước gia trưởng


    Nhà nước leviathan
    Hình ảnh nhà nước giống như một ‘leviathan’ (một con quái vật tư lợi chỉ chăm chăm bành trướng) là hình ảnh gắn liền với Cánh hữu Mới trong chính trị hiện đại. Quan điểm này về nhà nước có nguồn gốc từ chủ nghĩa tự do cổ điển, và đặc biệt là từ chủ nghĩa tự do cá nhân.
    Cánh hữu Mới, hay ít nhất là nhóm tân tự do, gồm những người đặc biệt có ác cảm với sự can thiệp của nhà nước vào đời sống kinh tế và xã hội, được hình thành từ niềm tin cho rằng nhà nước là một sinh vật kí sinh ngày càng bành trướng, và sẽ đe dọa tới tự do cá nhân và nền tảng kinh tế. Theo quan điểm này, nhà nước không phải là một trọng tài vô tư như chủ nghĩa đa nguyên đề nghị, mà là một ‘bà vú em’ độc đoán, luôn can thiệp thô bạo vào mọi khía cạnh của đời sống con người.
    Điểm mấu chốt của quan điểm này là nhà nước theo đuổi các lợi ích khác biệt với lợi ích của xã hội, và những lợi ích đó đòi hỏi một sự gia tăng liên tục vai trò của chính nhà nước. Do đó, các nhà tư tưởng Cánh hữu Mới cho rằng xu hướng can thiệp của nhà nước trong thế kỉ 20 không đến từ áp lực của người dân cho việc đảm bảo an ninh về kinh tế xã hội, hay sự cần thiết phải điều hòa chủ nghĩa tư bản thông qua giảm bớt xung đột giai cấp, mà đúng hơn từ chính động lực nội tại của nhà nước.
    Các nhà lý thuyết Cánh hữu Mới giải thích động lực bành trướng quyền lực này của nhà nước thông qua đề cập đến áp lực từ phía cầu cũng như từ phía cung. Áp lực từ phía cầu là những áp lực đến từ chính xã hội, thường thông qua cơ chế bầu cử dân chủ. Các nhà Cánh hữu Mới cho rằng cạnh tranh bầu cử khuyến khích các chính trị gia ‘vượt lên’ trước nhau bằng cách hứa hẹn đưa ra các chương trình chi tiêu rộng rãi hơn bất chấp tác hại lâu dài mà các chính sách như vậy đối với nền kinh tế dưới dạng gia tăng thuế, lạm phát cao và ‘giảm bớt’ đầu tư.
    Mặt khác, áp lực từ phía cung là những áp lực nội tại trong nhà nước. Những áp lực này có thể được giải thích dựa vào các thiết chế và các cá nhân trong bộ máy nhà nước. Và thể hiện nổi tiếng nhất trong ‘giả thiết chính phủ quá khổ’.
    Giải thiết này thường gắn liền với các nhà lý thuyết lựa chọn – công, trong đó họ khảo sát cách thức đưa ra các quyết định công dựa trên giải định là các cá nhân liên quan hành động một cách duy lý tư lợi. Trong khi những người Marxist cho rằng nhà nước phản ánh lợi ích của giai cấp, thì Cánh hữu Mới mô tả nhà nước như một thực thể độc lập theo đuổi lợi ích của chính nó. Theo đó, giới quan liêu tư lợi luôn ủng hộ cho chính phủ ‘lớn – quá khổ’ và sự can thiệp của chính phủ, bởi điều này dẫn đến mở rộng chính bộ máy quan liêu, qua đó giúp đảm bảo cho nghề nghiệp, lương, triển vọng và địa vị của giới quan liêu.
    Hình ảnh bộ máy quan liêu tư lợi này rõ ràng xung đột với quan niệm đa nguyên về bộ máy nhà nước, vốn có bổn phận phục vụ cộng đồng cũng như phùc tùng sự lãnh đạo của giới chính trị gia (lãnh đạo dân bầu).

    Nhà nước gia trưởng
    Tư duy hiện đại về nhà nước chứa đựng các luận điểm của thuyết nữ quyền. Tuy nhiên, lại không có một thuyết nữ quyền (có tính hệ thống) về nhà nước. Thuyết nữ quyền bao gồm đa dạng các truyền thống và quan điểm, và do đó đã tạo ra đa dạng các thái độ khác nhau đối với quyền lực nhà nước. Hơn nữa, các nhà nữ quyền thường không xem bản chất quyền lực của nhà nước là vấn đề chính trị trung tâm, mà họ nhấn mạnh hơn vào cấu trúc quyền lực của nam giới (ẩn) trong các thiết chế như gia đình và hệ thống kinh tế, vốn được xem có vai trò quan trọng hơn.
    Thực vậy, một số nhà nữ quyền hoài nghi tính đúng đắn của định nghĩa truyền thống về nhà nước, ví dụ họ cho rằng định nghĩa nhà nước có độc quyền sử dụng bạo lực không thỏa đáng khi không phản ánh được tình trạng bạo lực và đe dọa thường xảy ra trong đời sống gia đình (mà đàn ông gây ra cho phụ nữ). Nhìn chung, dù ẩn tàng hay công khai, thuyết nữ quyền làm phong phú thêm cho tranh luận về nhà nước thông qua phát triển một cách tiếp cận mới lạ và nhiều thách thức với quyền lực nhà nước.
    Các nhà nữ quyền (the khuynh hướng) tự do, những người tin rằng bình đẳng giới có thể đạt được thông qua cải cách từng phần, có xu hướng đi đến chấp nhận quan điểm đa nguyên về nhà nước. Họ thừa rằng, nếu phụ nữ bị phủ nhận sự bình đẳng về pháp lý và chính trị, và đặc biệt là quyền bầu cử, thì rõ ràng nhà nước đó đang thiên vị cho nam giới.
    Tuy nhiên, niềm tin của họ về tính trung lập của nhà nước (như trong lập trường đa nguyên) được phản ánh trong quan điểm cho rằng bất cứ thiên vị như vậy có thể và sẽ được khắc phục thông qua cải cách. Theo nghĩa này, các nhà nữ quyền tự do tin rằng mọi nhóm (bao gồm phụ nữ) có quyền tiếp cận bình đẳng với quyền lực nhà nước, và điều này sẽ được sử dụng để thúc đẩy công bằng và lợi ích chung cho toàn xã hội.
    Do đó, các nhà nữ quyền tự do thường nhìn nhà nước với con mắt khá tích cực, khi xem sự can thiệp của nhà nước là phương tiện để điều chỉnh sự bất bình đẳng giới cũng như gia tăng vai trò của phụ nữ. Điều này có thể thấy trong các chiến dịch hợp pháp hóa lạo phá thai, cung cấp cơ sở hỗ trợ chăm sóc trẻ em, mở rộng phúc lợi .v.v.
    Tuy nhiên, các nhà nữ quyền (theo khuynh hướng) cấp tiến lại phát triển một quan điểm chỉ trích cũng như tiêu cực hơn về nhà nước, họ cho rằng quyền lực nhà nước chỉ là hiện thân của một cấu trúc đàn áp sâu hơn, đó là chế độ gia trưởng. Có một số sự tương tự giữa quan điểm Marxist và quan điểm nữ quyền cấp tiến về quyền lực nhà nước. Chẳng hạn, cả hai nhóm phủ nhận nhà nước là một thực thể tự trị theo đuổi lợi ích của chính nó. Thay vào đó, nhà nước chỉ có thể hiểu được khi dựa vào một ‘cấu trúc sâu hơn’ của xã hội. Trong khi những người Marxist nghĩ đó là nền tảng kinh tế, thì các nhà nữ quyền cấp tiến nghĩ đó là bất bình đẳng giới và nhấn mạnh rằng về bản chất nhà nước là một thiết chế phản ánh quyền lực của nam giới. 
    Giống như thuyết Marxist, trường phái nữ quyền cũng phát triển các phiên bản công cụcấu trúc. Trong luận điểm công cụ, nhà nước được xem như một công cụ mà qua đó nam giới sử dụng để bảo vệ lợi ích của họ cũng như củng cố cấu trúc gia trưởng. Đối với luận điểm này, hệ thống gia trưởng đến từ sự phân chia của xã hội thành hai lĩnh vực đời sống riêng biệt là công và tư, và đàn ông chi phối cái trước trong khi phụ nữ bị giới hạn trong cái sau. Vì vậy, nhà nước  bị kiểm soát bởi đàn ông, và cho đàn ông.
    Trong khi luận điểm công cụ tập trung vào khía cạnh con người của nhà nước, thì luận điểm cấu trúc có xu hướng nhấn mạnh đến mức độ mà hệ thống gia trưởng quy định các thiết chế nhà nước. Các nhà bình đẳng giới hiện đại dành nhiều chú ý vào sự xuất hiện của nhà nước phúc lợi, xem nó như một biểu hiện của một dạng quyền lực gia trưởng mới. Phúc lợi có thể củng cố chế độ gia trưởng bằng cách mang đến một sự chuyển dịch từ hệ thống phụ thuộc tư (trong đó phụ nữ ở nhà phụ thuộc vào đàn ông, người lao động chính) tới một hệ thống phụ thuộc công (trong đó phụ nữ ngày càng bị kiểm soát bởi các thiết chế của một nhà nước đang được mở rộng). Ví dụ, phụ nữ ngày càng trở nên phụ thuộc vào nhà nước như khách hàng của các dịch vụ nhà nước (như các thiết chế chăm sóc trẻ, giáo dục nhà trẻ, công việc xã hội) và như người làm công, đặc biệt trong cái gọi là các nghề ‘chăm sóc’ (như y tá, công việc xã hội, giáo dục).

    Nguồn:
    -         Andrew Heywood. Politics.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org