TÍNH CHÍNH DANH CHÍNH TRỊ

Posted on
  • Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Tính chính danh, hay quyền cai trị hợp pháp của một chế độ, liên quan đến một trong những vấn đề cổ xưa nhất và nền tảng nhất trong chính trị, đó là vấn đề nghĩa vụ chính trị. Tại sao công dân có nghĩa vụ phải tôn trọng nhà nước và tuân theo luật của nó? Đâu là những cơ sở khiến cho người dân đi đến xem quyền uy (nhà nước) là hợp pháp, và do đó củng cố cho sự ổn định của một chế độ?
    Max Weber là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống về tính chính danh. Ông quan tâm phân loại ‘các hệ thống chi phối’ cụ thể, và xác định xem trong mỗi hệ thống tính chính danh được thiết lập trên cơ sở nào.
    Ông làm điều này bằng cách xây dựng ba mô hình khái niệm (hay ba loại hình - lý tưởng), mà ông hi vọng sẽ giúp hiểu rõ hơn bản chất phức tạp của sự cai trị chính trị. Ba loại hình lý tưởng này thực chất là ba dạng thẩm quyền:
    -         Thẩm quyền truyền thống
    -         Thẩm quyền charismatic (đến từ uy tín, tài năng cá nhân)
    -         Thẩm quyền duy lý – pháp lý
    Mỗi thẩm quyền này có một nguồn tính chính danh chính trị cụ thể, và cùng với đó là các lý do mà người dân có thể đưa ra khi tuân theo một chế độ.
    Cũng trong quá trình này, ông tìm cách hiểu sự chuyển dịch của chính các xã hội, thông qua tương phản các hệ thống chi phối được tìm thấy trong các xã hội truyền thống tương đối đơn giản với các hệ thống được tìm thấy trong các xã hội công nghiệp và có mức hành chính hóa cao độ.
    -         Dạng (loại hình) chính danh chính trị đầu tiên dựa trên các tập tục và truyền thống được thiết lập từ lâu đời. Kết quả, thẩm quyền truyền thống được xem là chính danh bởi vì nó ‘luôn tồn tại ở đó’ từ trước tới nay: nó được linh thiêng hóa từ từ bởi lịch sử vì các thế hệ từ xa xưa đã chấp nhận nó. Nó hoạt động theo một tập hợp các quy tắc cụ thể: đó là các tập tục cố định không cần biện minh bởi chúng phản ánh cách thức mà mọi thứ vẫn luôn diễn ra như vậy.
    o   Các ví dụ rõ ràng nhất về thẩm quyền truyền thống có thể được tìm thấy trong các bộ lạc hay các nhóm nhỏ mang hình thức gia trưởng (người cha chi phối trong gia đình, hay ‘người chủ’ chi phối đối với ‘nông nô’) và trong các xã hội ‘gerontocracy’ (trong đó những người cao tuổi nắm quyền cai trị).
    o   Thẩm quyền truyền thống có mối liên hệ chắt chẽ với các hệ thống quyền lực và đặc lợi được tổ chức theo kiểu thứ bậc, như được thể hiện trong sự cai trị của các triều đại mà một số vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở Saudi Arabia, Kuwait and Morocco.
    o   Mặc dù chỉ còn ý nghĩa tượng trưng trong các xã hội công nghiệp phát triển, song sự sống sót của chế độ quân chủ, dù trong hình thức hợp hiến, như ở Anh, Bỉ, hay Hà Lan, góp phần định hình nền văn hóa chính trị khi giữ cho các giá trị như tôn trọng, bổn phận được tiếp tục duy trì.
    -         Dạng chi phối chính danh thứ hai là thẩm quyền charismatic. Dạng thẩm quyền này dựa trên sức mạnh của các phẩm chất cá nhân của một người; nghĩa là, dựa vào charisma (‘uy tín’ hay tài năng); nó vận hành thông qua khả năng của nhà lãnh đạo trong việc lôi cuốn mọi người đi theo mình, kiểu như người anh hùng, hay vị thánh.
    o   Dù các nhà lãnh đạo chính trị hiện đại như de Gaulle, Kennedy và Thatcher chắc chắn đã mở rộng thẩm quyền của họ thông qua các phẩm chất và năng lực cá nhân, tuy nhiên đó không thực sự là tính chính danh charismatic, bởi vì về bản chất thẩm quyền của họ vẫn dựa trên quyền lực của các chức vụ (đã được quy định trong hiến pháp) mà họ nắm giữ. Napoleon, Mussolini, Hitler, Ayatollah Khomeini, Fidel Castro và Colonel Gaddafi là các ví dụ phù hợp hơn về tính chính danh charismatic.
    o   Tuy nhiên, thẩm quyền charismatic không đơn giản chỉ là món quà hay thiên hướng tự nhiên; mà các hệ thống cai trị cá nhân nhìn chung vẫn luôn được chống đỡ bởi ‘sùng bái cá nhân’, mà mục đích không nghi ngờ gì của nó là ‘sản xuất ra’ charisma.
    o   Tuy nhiên, khi tính chính danh được xây dựng chủ yếu, hoặc toàn bộ, thông qua charisma của cá nhân nhà lãnh đạo, thì luôn có hai hệ quả.
    §  Đầu tiên là, vì thẩm quyền charismatic không dựa trên các quy tắc hay thủ tục chính thức, nên nó thường không có giới hạn. Các nhà lãnh đạo là một vị cứu tinh, người không thể sai lầm và không thể nghi ngờ; và đám đông trở thành người người học trò, hay môn đệ, được yêu cầu chỉ phục tùng.
    §  Thứ hai, thẩm quyền gắn liền với cá nhân cụ thể, do đó rất khó cho hệ thống cai trị cá nhân tiêp tục tồn tại sau khi người thành lập nó qua đời. Chắc chắn điều này đúng cho các trường hợp của Napoleon, Mussolini và Hitler.
    -         Dạng chính danh chính trị thứ ba, thẩm quyền duy lý – pháp lý, trong đó thẩm quyền đến từ một tập hợp các quy tắc được định nghĩa rõ ràng cũng như theo thủ tục pháp lý.
    o   Theo quan điểm của Weber, thẩm quyền duy lý – pháp lý là dạng thẩm quyền điển hình trong các nhà nước hiện đại. Quyền lực của tổng thống, thủ tướng hay quan chức chính quyền được quy định trước bởi các quy định chính thức trong hiến pháp, vốn giới hạn những điều gì mà những người giữa các chức vụ đó có thể làm.
    o   Thuận lợi của hình thức thẩm quyền này so với thầm quyền truyền thống và thẩm quyền charismatic là nó được gắn liền với vị trí (chức vụ) chứ không phải với cá nhân, do đó nó ít có khả năng bị lạm dụng hoặc dẫn tới những sự bất công.
    §  Vì vậy, thẩm quyền duy lý – pháp lý duy trì một chính quyền giới hạn, và ngoài ra, thúc đẩy sự hiệu quả thông qua sự phân chia lao động một cách duy lý.
    §  Tuy nhiên, Weber cũng thừa nhận mặt tối của dạng thẩm quyền này. Cái giá của sự hiệu quả lớn hơn sẽ là một môi trường trở nên phi nhân hơn, thể hiện ở sự lan rộng của các hình thức tổ chức quan liêu.
    Dù sự phân loại của Weber về các dạng tính chính danh được coi là khá toàn diện, song nó cũng có những giới hạn.
    -         Một trong số đó là nó tập trung vào tính chính danh của một chế độ hay một hệ thống cai trị, mà ít nói cho chúng ta biết về hoàn cảnh trong đó thẩm quyền chính trị bị thách thức do các chính sách không được người dân ủng hộ, hay do chính phủ hoặc nhà lãnh đạo kém cỏi.
    -         Quan trọng hơn, như Beetham (1991) chỉ ra, việc xem tính chính danh, như kiểu Weber, không ngoài gì hơn ‘tin vào tính chính danh’, là đang lờ đi việc làm thế nào để mang lại tính chính danh. Điều này có thể để cho việc quyết định tính chính danh chủ yếu nằm trong tay những kẻ quyền lực, những kẻ có thể ‘sản xuất’ tính chính danh thông qua các chiến dịch quan hệ công chúng.v.v.
    Beetham đề nghị rằng quyền lực chỉ có thể được coi là chính danh nếu đáp ứng ba điều kiện sau.
    -         Thứ nhất, quyền lực phải được thực thi theo các quy tắc đã được thiết lập, dù các quy tắc này chứa trong các bộ luật hay trong các thỏa ước không chính thức.
    -         Thứ hai, các quy tắc này phải được biện minh dựa vào niềm tin chung của chính quyền và người dân.
    -         Và thứ ba, tính chính danh phải thể hiện được là nó được một bộ phận người dân ủng hộ.
    Từ đây, hai đặc trưng cơ bản của tiến trình chính danh hóa cần được nhất mạnh.
    -         Thứ nhất là sự tồn tại của bầu cử và cạnh tranh đảng phái, một hệ thống thông qua đó sự đồng thuận của người dân được thực thi.
    -         Thứ hai là sự tồn tại của các quy tắc hợp hiến trong đó phản ánh rộng rãi cảm nhận của người dân về cách nên được cai trị.

    Nguồn:
    -         Andrew Heywood. Politics.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org