PHÂN LOẠI CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ

Posted on
  • Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,


  • GIỚI THIỆU
    Trong bài trước Khái niệm Dân chủ, chúng ta đã phân chia các nước dân chủ thành hai dạng là dân chủ bầu cử, và dân chủ tự do.
    -         Trong đó, dân chủ bầu cử là kiểu thể chế trong đó chính quyền (quan chức đứng đầu hai nhánh hành pháp và lập pháp) được bầu lên thông qua các cuộc bầu cử đều đặn, cạnh tranh, tự do, và công bằng.
    -         Tuy nhiên, ngoài các tiêu chí tối thiểu trên về bầu cử, thì nếu một nền dân chủ đáp ứng được các yêu cầu khác như pháp quyền, giải trình trách nhiệm theo phương ngang, đa nguyên về chính trị dân sự, thì ta gọi đó là một nền dân chủ tự do.
    Trong bài này, chúng ta sẽ đi phân chia một cách có hệ thống hơn tất cả các dạng chế độ chính trị, dân chủ cũng như độc tài.
    -         Trước khi đi vào cách phân chia hiện nay, chúng ta tìm hiểu một cách phân chia các chế độ chính trị rất nổi tiếng trong lịch sử, đó là cách phân chia của Aristotle, trong đó ông dựa trên hai tiêu chí: số lượng người cai trị và mục đích của việc cai trị, như thể hiện bảng sau:
    Số lượng người cai trị
    Cai trị tốt
    “Vì lợi ích của tất cả”
    Cai trị tồi
    “Vì lợi ích của người cai trị”
    Một
    Quân chủ
    Chuyên chế
    Một vài
    Quý tộc
    Đầu sỏ
    Đa số
    Chính thể hỗn hợp “Polity”
    Dân chủ
    -         Ngày nay, chúng ta không còn sử dụng cách phân chia này của Aristotle nữa, song hệ thống khái niệm và các dạng chế độ mà ông đặt ra vẫn được sử dụng. Có một điều lưu ý rằng, trong cách phân chia của Aristole, thì dân chủ là một hình thức cai trị tồi. Tuy nhiên, từ thời của Aristotle cho đến tận thế kỷ 18, thì cách hiểu về dân chủ khác với cách hiểu ngày nay của chúng ta. Đối với các nhà tư tưởng trong giai đoạn này, thì dân chủ ở đây là dân chủ trực tiếp, và thường bị chi phối bởi các vấn đề của đám đông như thao túng, mị dân, chuyên chế đa số. Chính vì cách hiểu như vậy, mà vào thế kỷ 18, thời điểm ra đời của nền dân chủ hiện đại, các nhà lập quốc Mỹ không gọi chính thể của mình là dân chủ, mà là “chính thể đại diện”. Tuy nhiên, với sự mở rộng quyền bầu cử, cũng như cuộc đấu tranh chống lại các hình thức cai trị độc đoán, dân chủ dần trở nên mang nghĩ tích cực như chúng ta thấy ngày nay. Và vì vậy, cần phải nhớ rằng, nền dân chủ hiện đại rất khác so với nền dân chủ trực tiếp (như ở Athen của Aristotle cách đây 2500 năm), đó là sự kết hợp giữa sự cai trị thông qua đại diện với các nguyên tắc như pháp quyền, phân chia và đối trọng, nhằm bảo vệ tự do cá nhân và ngăn chặn mọi hình thức chuyên chế; những thứ không tồn tại trong nền dân chủ trực tiếp của Athen.

    PHÂN CHIA CHẾ ĐỘ 
    Ngày nay, tiêu chí chính để phân chia các chế độ là BẦU CỬ. Với bầu cử, chúng ta phân ra thành hai dạng chế độ là chế độ không bầu cử - được gọi là độc tài đóngchế độ bầu cử. Trong các chế độ bầu cử, tùy theo chúng có đáp ứng các tiêu chí về bầu cử hay không, nếu không thì được xếp vào dạng độc tài bầu cử; và nếu có thì được xếp vào dạng dân chủ bầu cử. Đối với các chế độ dân chủ bầu cử, tùy theo chúng có đáp ứng các tiêu chí về pháp quyền, giải trình trách nhiệm... được phân chia thành hai dạng là dân chủ bầu cửdân chủ tự do như đã trình bày ở trên.
    Bây giờ chúng ta đi vào chi tiết hơn trong việc phân biệt các chế độ độc tài. Cách thông thường để phân loại các chế độ độc tài là dựa vào lực lượng mà các chế độ này đi đến chiếm giữ quyền lực, và có thể chia thành ba dạng: quân chủ (chuyên chế), độc tài quân sự, độc tài dân sự.
    -         Quân chủ chuyên chế là chế độ dựa vào gia đình và dòng tộc để chiếm giữ quyền lực. Các thành viên gia đình và dòng tộc thường thường nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chế độ. Chẳng hạn, trong chế độ quân chủ Qatar, quốc vương Tamim bố trí con cháu mình chiếm giữa hầu hết các chức vụ quan trọng như bộ trưởng quốc phòng, tài chính, kinh tế, nội vụ, y tế. Các ví dụ khác về chế quân chủ chuyên chế là Jordan, Bahrain, Kuwait, và Saudi Arabia.
    -         Độc tài quân sự là chế độ trong đó giới sĩ quan quân đội nắm giữ các chức vụ chính quyền, thường lên nắm quyền thông qua các cuộc đảo chính quân sự nhân danh “bảo vệ lợi ích quốc gia”. Chế độ hiện nay của Thái Lan là độc tài quân sự, khi giới quân sự đảo chính lật đổ chính phủ dân sự vào năm 2014, và thiết lập sự cai trị của mình từ đó đến nay. Các ví dụ khác về  chế độ độc tài quân sự như Myanmar trước 2015, Chad, Cộng hòa Trung phi.
    -         Độc tài dân sự là chế độ trong đó thay vì dựa vào mạng lưới gia đình hay lực lượng quân đội để chiếm quyền lực như trong hai chế độ độc tài trước, mà ở đây các nhà độc tài dân sự tạo ra các thiết chế mới như đảng chính trị hay sùng bái cá nhân để kiểm soát xã hội. Các ví dụ hiện nay như Bắc Triều Tiên, Uzbekistan, Trung Quốc.
    Trong các chế độ độc tài dân sự, chúng ta lại tiếp tục chia thành nhiều dạng con. Nếu các chế độ này không tổ chức bầu cử đa đảng, thì chúng ta gọi là độc tài đóng, còn nếu có thì gọi là độc tài bầu cử.
    -         Độc tài đóng là dạng chế độ trong đó không cho phép tồn tại các tổ chức, đảng phái chính trị đối lập. Đối với chế độ này, chúng ta lại chia thành hai dạng nữa là độc tài độc đảngđộc tài cá nhân.
    o   Trong chế độ độc tài độc đảng, “một đảng chi phối việc tiếp cận các vị trí chính trị và kiểm soát toàn bộ chính sách”. Trở thành thành viên của đảng là điều kiện cần để trở thành một phần trong tầng lớp cai trị. Quyền lực và địa vị sẽ gia tăng theo cấp bậc trong đảng, và đi kèm với nó là các lợi ích khác. Ví dụ điển hình là các chế độ Cộng sản.
    o    Trái với chế độ độc tài độc đảng vốn sử dụng đảng để duy trì quyền lực, thì sự cai trị trong các chế độ độc tài cá nhân phụ thuộc nhiều vào cá nhân nhà độc tài. Nhìn chung, trong chế độ này, quân đội và các đảng phái tồn tại, nhưng không đủ mạnh để kiểm soát nhà lãnh đạo, khiến cho anh ta có thể tự do thực hiện chính sách cũng như lựa chọn nhân sự như ý chí của mình. Trong kiểu chế độ này, nền báo chí yếu kém hoặc hầu như không tồn tại, có một lực lượng cảnh sát mật mạnh, và liên tục sử dụng bạo lực tùy tiện nhằm đe dọa người dân. Ngoài ra, nó có phát triển các hình thức sùng bái cá nhân để duy trì lòng trung thành. Bắc Triều Tiên là một ví dụ điển hình của kiểu chế độ này.
    -         Độc tài bầu cử là chế độ trong đó giới lãnh đạo “tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng và cho phép một số sự đa nguyên và cạnh tranh, song vi phạm các tiêu chuẩn bầu cử tối thiểu khiến cho nó không đủ điều kiện để xếp là chế độ dân chủ”. Đối với chế độ này, dựa theo mức độ cạnh tranh mà đối lập có thể tạo ra đối với đảng cầm quyền, chúng ta có thể chia thành hai dạng con là: độc tài bầu cử đảng thống lĩnhđộc tài cạnh tranh.
    o   Trong các chế độ mà đảng cầm quyền luôn chiến thắng áp đảo đảng đối lập, như trên 95% ở Singapore, 80% ở Ai Cập năm 2000, thì được gọi là chế độ độc tài bầu cử đảng thống lĩnh. Một tiêu chuẩn chung để đánh giá xem chế độ độc tài bầu cử có thuộc dạng này hay không là ở việc đảng cầm quyền có luôn chiến thắng với trên 75% số phiếu hay không. Nếu như vậy, thì nó thuộc dạng độc tài bầu cử đảng thống lĩnh.
    o   Trong các chế độ mà đảng cầm quyền chỉ chiến thắng với một đa số đơn thuần, hay nói cách khác là đảng đối lập dành được một số phiếu đáng kể trong các cuộc bầu cử, thì được xếp vào dạng độc tài cạnh tranh. Ví dụ như Malaysia, trong đó đảng đối lập luôn giành được 40% số phiếu phổ thông, và gần đây nhất là 52% số phiếu phổ thông, nhưng không thể thắng cử do gia lận và thao túng bầu cử của đảng cầm quyền.
    Các chế độ độc tài trong thực tế có thể pha trộn giữa các dạng độc tài trên. Ví dụ, Bắc Triều Tiên vừa là chế độ độc đảng lẫn độc tài cá nhân; Chê độ mà Pinochet tạo ra ở Chile giai đoạn 1973-1989 vừa là độc tài quân sự lẫn độc tài cá nhân.
    Tổng hợp các dạng chế độ chính trị

    TỔNG QUAN VỀ SỐ LƯỢNG CỦA CÁC CHẾ ĐỘ
    Nền dân chủ hiện đại chỉ mới ra đời vào đầu thế kỷ 19, trước thời điểm đó, cũng như từ thới điểm đó cho đến năm 1990, thì độc tài vẫn là dạng thể chế chi phối. Sau năm 1990, khi các quốc gia độc tài cộng sản sụp đổ ở Đông Âu và nhiều nơi khác, số lượng các quốc gia dân chủ đã vượt qua các quốc gia độc tài, và ngày nay trở thành dạng thể chế chi phối. Hiện nay, các quốc gia dân chủ chiếm khoảng 60%, còn độc tài chiếm 40%.

    Số lượng các nền dân chủ tăng nhanh trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba bắt đầu từ Cách mạng Hoa Cẩm chướng ở Bồ Đào Nha, và lên đến đỉnh điểm với sự sụp đổ của khố Xã hội Chủ nghĩa vào những năm 1990. Trong số các nước dân chủ, thì hiện nay khoảng 2/3 trong số đó là các nước dân chủ tự do, như Tây Âu, Bắc Mỹ....

    Các quốc gia độc tài hiện nay chiếm khoảng 40% số nước trên thế giới. Trong đó, nhiều nhất là độc tài dân sự, sau đó đến độc tài quân sự, và cuối cùng là quân chủ chuyên chế. Nhìn chung, gần đây khi nền dân chủ toàn cầu đang chứng kiến một sự suy thoái nhẹ từ 2005 (theo Freedom House), thì số lượng các dạng độc tài dân sự, trong đó chủ yếu độc tài bầu cử tăng lên.

    Bài đọc thêm

    Nguồn tài liệu tham khảo
    1.    Natasha M. Ezrow, Erica Frantz. Dictators and Dictatorships: Understanding Authoritarian Regimes and Their Leaders
    2.    Matt Golder, Nandenicheck Sona Golder, William Roberts Clark. Principles of Comparative Politics
    3.    Larry Diamond. In Search of Democracy
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org