Mai Thái Lĩnh
Từ đầu thế
kỷ 21 đến nay, nhiều học giả phương Tây đã quan tâm nghiên cứu hiện
tượng “tư bản thân hữu” tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khi vận dụng khái
niệm “tư bản thân hữu” vào hoàn cảnh của quốc gia cộng sản hậu-toàn
trị này, các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng nhận ra một số đặc điểm
riêng biệt. Vì vậy, trong khi một số học giả sử dụng thuật ngữ “Chủ
nghĩa Tư bản Thân hữu với đặc điểm Trung Quốc” (Crony Capitalism with Chinese
Characteristics), một số học giả khác (như Bruce Dickson, Minxin Pei, …)
đã mạnh dạn sử dụng khái niệm “Chủ nghĩa Cộng sản Thân hữu” (Crony Communism)
để nhấn mạnh tính chất đặc thù, riêng biệt đó.
Tư bản đỏ và
Chủ nghĩa cộng sản thân hữu:
Một trong
những nét đặc thù của hiện tượng “tư bản thân hữu” tại Trung Quốc
là bên cạnh các nhà “tư bản-thân hữu” thông thường (nghĩa là những nhà
tư bản có quan hệ “thân thiết” với các quan chức trong bộ máy cầm quyền),
còn có các nhà tư bản đỏ (red capitalists) – tức là các nhà tư bản
đồng thời là đảng viên cộng sản.
Bruce J. Dickson
– giáo sư khoa chính trị học và quan hệ quốc tế tại Đại học George
Washington (Hoa Kỳ), là một trong những học giả chú ý đến chủ đề này.
Trong cuốn Red Capitalists (xuất bản năm 2003) và cuốn Allies of the
State. China’s Private Entrepreneurs and Democratic Change (viết chung với
Jie Chen, xuất bản năm 2010), ông đã phân tích tỉ mỉ những đặc điểm của
loại hình “tư bản đỏ” tại Trung Quốc để tìm cách lý giải tại sao sự
phát triển của giai cấp tư sản thành thị (urban bourgeoisie) tại quốc gia
đông dân nhất thế giới này lại không dẫn đến những thay đổi có lợi
cho tự do, dân chủ. Trong một tiểu luận công bố năm 2008 [1], Bruce Dickson
đã nêu bật một số đặc điểm đáng chú ý của chủ nghĩa cộng sản thân hữu tại
Trung Quốc như sau:
1) Chịu sự chi
phối của đảng cộng sản cầm quyền:
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – tác nhân trung tâm của chế độ chính trị tại Trung Quốc, đồng thời cũng là trung tâm của chủ nghĩa cộng sản thân hữu. Do yếu tố then chốt này, tầng lớp được hưởng lợi từ chủ nghĩa cộng sản thân hữu là các đảng viên cộng sản và gia đình của họ. Ông nhận xét: “Trong khi con cái của các nhà lãnh đạo thuộc các thế hệ thứ nhất và thứ hai thường theo gương cha để vào đảng, chính quyền và quân đội, thì con cái của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ ba và thứ tư đều đi vào lĩnh vực kinh doanh (hoặc trong trường hợp của con gái Hồ Cẩm Đào và con gái Ôn Gia Bảo – đã cưới các nhà kinh doanh nổi bật nhất). Một báo cáo nội bộ (được cho là xuất phát từ Trường Đảng) đã chỉ rõ rằng 90% những người siêu-giàu của Trung Quốc (tức là những người có tài sản trên 100 triệu yuan) là con cái của các quan chức cao cấp. Đây là một ví dụ cực đoan, nhưng hiểu theo một nghĩa rộng hơn, sự tập trung tài sản vào tay những người có quan hệ tốt về chính trị là bản chất của chủ nghĩa cộng sản thân hữu.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – tác nhân trung tâm của chế độ chính trị tại Trung Quốc, đồng thời cũng là trung tâm của chủ nghĩa cộng sản thân hữu. Do yếu tố then chốt này, tầng lớp được hưởng lợi từ chủ nghĩa cộng sản thân hữu là các đảng viên cộng sản và gia đình của họ. Ông nhận xét: “Trong khi con cái của các nhà lãnh đạo thuộc các thế hệ thứ nhất và thứ hai thường theo gương cha để vào đảng, chính quyền và quân đội, thì con cái của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ ba và thứ tư đều đi vào lĩnh vực kinh doanh (hoặc trong trường hợp của con gái Hồ Cẩm Đào và con gái Ôn Gia Bảo – đã cưới các nhà kinh doanh nổi bật nhất). Một báo cáo nội bộ (được cho là xuất phát từ Trường Đảng) đã chỉ rõ rằng 90% những người siêu-giàu của Trung Quốc (tức là những người có tài sản trên 100 triệu yuan) là con cái của các quan chức cao cấp. Đây là một ví dụ cực đoan, nhưng hiểu theo một nghĩa rộng hơn, sự tập trung tài sản vào tay những người có quan hệ tốt về chính trị là bản chất của chủ nghĩa cộng sản thân hữu.”
Tầng lớp “tư bản
đỏ” (red capitalists) này bao gồm hai loại: (1) các đảng viên “hạ hải” [2]
(xia hai 下海),
nghĩa là những đảng viên “dấn thân” vào con đường kinh doanh làm giàu
và (2) các nhà kinh doanh thành đạt được kết nạp vào đảng cộng sản.
2) Phi tập
trung, khuếch tán và có xu hướng bành trướng:
Khác với tư bản
thân hữu ở các nước khác (vd: các nước Đông Nam Á), chủ nghĩa cộng sản thân hữu
của Trung Quốc không chịu sự chi phối bởi một gia đình, một dòng họ hoặc các
nhà lãnh đạo ở trung ương, mà lôi cuốn các quan chức ở tất cả các cấp của bậc
thang chính trị. Khác với nước Nga hậu-cộng sản – nơi mà của cải tập trung vào
tay của một số ít cá nhân có quan hệ tốt về chính trị (các nhà tư bản đầu sỏ,
tycoons), công cuộc tư nhân hóa ở Trung Quốc không dẫn đến một sự tập trung về
của cải. Thay vào đó, khu vực tư nhân ở đây có đặc điểm là sự vượt trội của các
xí nghiệp nhỏ và vừa.
Do chủ trương của
ĐCSTQ, chủ nghĩa cộng sản thân hữu đã phát triển mạnh mẽ theo chiều rộng. Theo
thống kê của Dickson, vào năm 1993, chỉ có khoảng 13% các nhà kinh doanh tư
nhân là đảng viên; khoảng 2007, con số đó tăng gần gấp ba, lên đến 38%.
3) Có tính chất
gia trưởng (paternalistic) và cộng sinh (symbiotic):
các quan chức của
đảng và chính quyền ở các cấp đóng vai trò bảo trợ, hướng dẫn công việc làm ăn
của giới tư bản. Từ tháng 4 năm 2000, dưới thời của Giang Trạch Dân, các trường
đảng đã mở cửa để đón nhận các nhà kinh doanh tư nhân. Tính đến năm 2006, đã có
trên 10 ngàn nhà kinh doanh từ khắp đất nước theo học các lớp tại Trường Đảng
Trung ương. Đó là chưa kể đến các lớp được mở tại các trường đảng tại địa
phương. Mặc dù việc kết nạp các nhà tư bản đã bị cấm chỉ kể từ sau sự kiện
Thiên An Môn (tháng 6 năm 1989), từ năm 2001, sau khi Giang đọc bài diễn văn nổi
tiếng về học thuyết “Ba đại diện”, đảng cầm quyền đã mở cửa lại để đón nhận các
nhà tư bản làm ăn giỏi.
Sở dĩ lãnh đạo đảng
ở mọi cấp đều đóng vai trò bảo trợ, giúp đỡ, hướng dẫn giới kinh doanh tư nhân
là vì họ có chung một mục tiêu: đẩy mạnh “tăng trưởng kinh tế” (economic
growth). Đảng cộng sản cầm quyền vừa muốn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, lại vừa
muốn kiểm soát giới kinh doanh, ngăn ngừa khả năng các nhà tư bản hỗ trợ cho
các hoạt động dân chủ. Do đó hình thành một mối quan hệ “ấm cúng”, “thoải mái”
giữa một bên là đảng-nhà nước và bên kia là khu vực tư nhân. Cả hai bên đều hưởng
lợi từ sự phát triển kinh tế và chủ trương tư nhân hóa. Sự thỏa hiệp chính trị,
mối quan hệ cộng sinh này đã dẫn đến tình trạng bất ổn ngày càng tăng trong xã
hội. Các cuộc đấu tranh phản kháng tại các địa phương đã tăng từ 32 ngàn vụ
(năm 1999) đến 87 ngàn vụ (năm 2005). Nguyên nhân của các cuộc đấu tranh này rất
đa dạng: nông dân mất đất do bị chiếm đoạt bất hợp pháp và do tham nhũng, công
nhân không được trả lương đầy đủ hay bị buộc làm việc trong những điều kiện
không an toàn, công nhân bị cho thôi việc hay về hưu không nhận được trợ cấp hoặc
tiền bảo hiểm như đã hứa, cư dân đô thị bị dời đi để “quy hoạch” nhằm tạo không
gian xây dựng cho các công trình mới, v.v…
Mối quan hệ cộng
sinh này đã khiến cho giới cầm quyền và giới kinh doanh cộng tác với nhau trong
việc giữ gìn ổn định, trật tự xã hội. Trái với luận điểm của nhiều nhà chính trị
học phương Tây cho rằng kinh tế thị trường phát triển sẽ dẫn đến sự ra đời của
một giai cấp tư sản thành thị ủng hộ dân chủ, theo nhận xét của Dickson, các
nhà tư sản ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc chỉ chiếm một thiểu số rất nhỏ và
không có ảnh hưởng đáng kể, trong khi đại bộ phận các nhà tư bản (mà nòng cốt
là tầng lớp tư bản đỏ) đã cộng tác với đảng cộng sản cầm quyền để cùng tồn tại
và cùng hưởng lợi.
Nói tóm lại, chủ
nghĩa cộng sản thân hữu tại Trung Quốc không phải chỉ là sự câu kết, thông đồng
giữa các nhà tư bản và những quan chức trong bộ máy nhà nước, mà là sự hợp nhất,
tích hợp (integration) giữa quyền và tiền, trở thành một thể thống nhất. Điển
hình là các nhà tư bản đỏ (red capitalists) – vừa có tài sản, lại vừa có thế đứng
về chính trị. Nói cách khác, các nhà tư bản đỏ là cái gạch nối giữa giai cấp tư
sản nói chung với đảng cộng sản cầm quyền. Quyền và tiền quyện chặt với nhau,
trở thành nguồn gốc của nạn tham nhũng ngày càng trầm trọng tại Trung Hoa lục địa.
Giai cấp tư sản
tại Trung Quốc phát triển rất nhanh chóng. Theo danh sách các tỷ phú do tạp chí
Forbes công bố hàng năm, vào năm 2015 (2-3-2015), Trung Quốc có 213 tỷ phú
(tính theo đô-la Mỹ), đứng hàng thứ hai trên thế giới – chỉ sau Hoa Kỳ (536 người).
Nhưng danh sách của Forbes thường không tính đến các “thái tử đảng”
(princelings)[3] , là những người luôn tìm cách che giấu tài sản của mình. Theo
một danh sách khác do nhà sưu tập người Anh Rupert Hoogewerf công bố – thường gọi
là Báo cáo Hồ Nhuận (Hurun Report), vào thời điểm 3-2-2015, Trung Quốc có 430
nhà tỷ phú, chỉ sau Hoa Kỳ (537 người). Nhưng đến 15 -10-2015, báo cáo Hồ Nhuận
cho biết Trung Quốc có đến 596 nhà tỷ phú, lần đầu tiên vượt Hoa Kỳ (537 người)
về số lượng các nhà tỷ phú, mặc dù nếu tính về tài sản thì vẫn chưa sánh bằng[5].
Điều có ý nghĩa biểu tượng là trong cả hai danh sách của Forbes và Hồ Nhuận,
Wang Jianlin (王健林
Vương Kiện Lâm) được coi là người giàu nhất Trung Hoa lục địa, là một đảng viên
cộng sản và đã từng phục vụ trong quân đội 16 năm.
Các danh sách
này không cho biết có bao nhiêu nhà tỷ phú tại Trung Quốc là “tư bản đỏ”. Nhưng
tầm quan trọng của các nhà tư bản đỏ thật ra không nằm ở chỗ “chiếm tỷ lệ bao
nhiêu” hoặc “có tài sản lớn bao nhiêu”? Tầm quan trọng là ở chỗ các nhà tư bản
đỏ tạo ra chiếc cầu nối giữa đảng-nhà nước với giới kinh doanh, và là xương sống
của chủ nghĩa cộng sản thân hữu. Điều đó khiến cho nạn tham nhũng tại Trung Quốc
trở thành một tệ nạn rất khó cứu chữa vì các mối liên hệ giữa quyền và tiền có
được tính chính danh (legitimity) mà ở các nước dân chủ, các nhà tư bản thân hữu
không bao giờ đạt được.
Hiệu quả của chiến
dịch “đả hổ diệt ruồi”:
Những người còn
tin tưởng vào tính ưu việt của chế độ chính trị kiểu Trung Quốc thường cho rằng
Tập Cận Bình là người có “quyết tâm làm trong sạch Đảng” và rất kiên định trong
việc trừng trị những cán bộ tham nhũng. Nhưng thực chất của công cuộc “đả hổ diệt
ruồi” là gì? Đó là một nỗ lực chống tham nhũng thật sự hay chỉ là một màn trình
diễn ngoạn mục để mị dân, một cuộc đấu đá hạ bệ một phe phái khác nhằm củng cố
quyền lực cho tập đoàn lãnh đạo mới?
Hồi đầu tháng 6
năm 2015, trong một bài báo mà bản dịch tiếng Anh được đăng trên tờ New York
Times [6], nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Bào Đồng (nguyên là cố vấn lâu năm
của cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương) đã nhận xét rằng nguồn gốc của nạn tham
nhũng hiện nay đang hoành hành trên đất nước Trung Hoa chính là đường lối của Đặng
Tiểu Bình. Trong chuyến tuần du Hoa Nam vào năm 1992, Đặng đã tuyên bố một câu
nổi tiếng: “Nếu không thay đổi, chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt! Ai không tán thành
cải cách, hãy từ chức đi! Một số người sẽ làm giàu trước!” Nhưng trong một đất
nước mà quyền bính đều nằm trong tay đảng cộng sản, ai có khả năng làm giàu trước
tiên? Theo Bào Đồng, những người làm giàu trước tiên chính là “các đảng viên và
gia đình, cùng các cộng sự gần gũi của họ”. Ông viết tiếp: “Thành quả cuối cùng
trong cuộc cách mạng của Đặng là ai có quyền lực lớn sẽ giàu to, ai có quyền lực
nhỏ sẽ giàu ít, và những người không có quyền lực sẽ vẫn sống trong nghèo đói.”
So sánh sự nghiệp
của hai nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, Bào Đồng viết: “Mao Trạch Đông quốc hữu
hoá tài sản cá nhân. Đặng Tiểu Bình chuyển giao tài sản quốc gia, với cái giá rất
hời, chủ yếu mang tính tượng trưng, vào tay giới tinh hoa của đảng. Kết quả là
hiện nay, các “thái tử đảng” – hậu duệ của thế hệ cách mạng sáng lập đảng, kiểm
soát phần lớn của cải ở Trung Quốc.” Vì thế, ông không tin cuộc đấu tranh chống
tham nhũng của Tập Cận Bình sẽ thành công.
Nhà bất đồng
chính kiến đã từng ngồi tù 7 năm nhấn mạnh : “… chừng nào Trung Quốc còn tiếp tục
đi theo con đường mà Đặng Tiểu Bình đã vạch ra, nó sẽ không giải quyết triệt để
được nạn tham nhũng. “Đả hổ diệt ruồi” không phải là phương thuốc cứu chữa từ gốc
đến ngọn; thậm chí còn không giảm nhẹ được những triệu chứng nặng nhất. Hổ còn
ngao du khắp chốn, và ruồi còn che kín mặt trời: có thể tấn công cả trăm, hoặc
cả ngàn trong số chúng, nhưng điều đó sẽ không thay đổi được bản chất của con
đường tham nhũng.”
Việt Nam và mô
hình Trung Quốc:
Từ đầu thập niên
1990, nghĩa là từ khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) bắt tay hóa giải
hận thù với “người đồng chí Trung Quốc” nhằm giữ vững độc quyền chính trị trong
nước, chủ nghĩa cộng sản thân hữu tại Việt Nam đã phát triển theo cùng một hướng
với Trung Quốc, tuy có phần chậm hơn và với quy mô nhỏ hơn:
Trung Quốc bắt đầu
đổi mới kinh tế vào năm 1978 (ngay khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền bính)
trong khi tại Việt Nam, mãi đến năm 1986 Đảng CSVN mới quyết định đổi mới kinh
tế sau khi đã trải qua một cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phái cải cách và bảo
thủ. Việc chính thức công nhận tư bản tư nhân là một thành phần kinh tế căn bản
cũng chậm hơn so với Trung Quốc. Mãi đến 2001, nghĩa là 15 năm sau khi tiến
hành đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ IX mới chính thức thừa nhận kinh tế tư nhân
là “bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa”.
Hai thập niên
sau khi tiến hành đổi mới kinh tế, tại Đại hội lần thứ X (năm 2006), ĐCSVN đã
thực hiện một bước ngoặt lịch sử khi chính thức khẳng định “kinh tế tư nhân có
vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”, đồng thời cho
phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân. Ngày 29-8-2006, Hội nghị lần thứ ba của
Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN đã thông qua quy định về việc đảng viên làm kinh
tế tư nhân. Có thể coi đây là một bước ngoặt, đánh dấu sự chính thức chuyển đổi
đảng cộng sản – một đảng được thành lập nhân danh “nhân dân lao động” (công
nhân và nhất là nông dân) nhằm đánh đổ các giai cấp bóc lột (địa chủ và tư sản),
trở thành một đảng của “quyền và tiền”.
Từ đây, đảng
viên đảng cộng sản có thể làm giàu và trở thành nhà tư sản mà không mang tiếng
là “bóc lột”, “áp bức”, chỉ cần tuyệt đối trung thành với đảng. Thay cho cái
tên “nhà tư bản” hay “giai cấp tư sản” thường gợi nhớ đến thời kỳ đấu tranh
giai cấp đầy sắt máu, các nhà tư bản trong nền kinh tế “theo định hướng xã hội
chủ nghĩa” được gọi là “doanh nhân” (businessman, entrepreneur). Các hội doanh
nhân mọc lên như nấm: ngoài các hội doanh nhân thông thường còn có các hội nữ
doanh nhân, hội doanh nhân trẻ, và thậm chí có cả “hội doanh nhân cựu chiến
binh”, v.v…
Điều đáng tiếc
là cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách nghiêm túc,
khách quan về tầng lớp tư bản đỏ tại Việt Nam, cho nên chúng ta chưa thể biết
chính xác quy mô và vai trò của tầng lớp đó đối với toàn bộ nền kinh tế. Tuy
nhiên nhìn vào thực tế của môi trường kinh doanh hiện nay, ai cũng có thể nhìn
thấy sự hiện diện một cách chính danh của các nhà “tư bản đỏ” bên cạnh các nhà
“tư bản thân hữu”, ít nhất là từ năm 2006. Có một sự thật tại Việt Nam mà giới
lý luận chính thống thường muốn che đậy, đó là: muốn làm giàu nhanh, một doanh
nhân (nghĩa là một nhà tư bản) luôn cần đến sự bảo trợ của một hay nhiều quan
chức trong bộ máy cầm quyền. Trong hoàn cảnh đó, mỗi nhà tư bản-đảng viên (tức
là nhà tư bản đỏ) đều có thể trở thành một chiếc cầu nối, một mối dây liên lạc
giữa các nhân vật có quyền trong bộ máy đảng-nhà nước với giới kinh doanh bên
ngoài. Đó là chưa kể đến sức mạnh tiềm tàng ngay trong bản thân họ, bởi vì mỗi
nhà tư bản đỏ đều có khả năng tìm kiếm “đặc lợi”, lại vừa có khả năng tìm kiếm
“đặc quyền”.
Trong thực tế,
tham nhũng và hối lộ đã nhanh chóng trở thành chất dầu bôi trơn cơ chế vận hành
nền kinh tế thị trường “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ngay cả những người
nghiêm túc, cứng cỏi nhất cũng phải chấp nhận quy luật này, bởi vì không ai dại
dột tự triệt tiêu con đường làm ăn của mình bằng cách làm đơn kiện “chống trời”!
Cũng có một số đặc
điểm riêng biệt của Việt Nam so với Trung Quốc, như chủ trương “quân đội làm
kinh tế” chẳng hạn. Tại Trung Quốc, quân đội đã tham gia kinh doanh từ năm 1982
do chủ trương của Đặng Tiểu Bình. Vào năm 1998, người ta ước tính có từ 10 đến
15 ngàn cơ sở kinh doanh thuộc sở hữu của quân đội. Mặc dù đạt hiệu quả kinh tế
cao, việc quân đội tham gia kinh doanh đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc
biệt là làm cho quân đội xao lãng nhiệm vụ chính và gây ra nạn tham nhũng. Vì
thế, vào tháng 7 năm 1998, Giang Trạch Dân đã ra lệnh cho quân đội và PAP (Lực
lượng cảnh sát vũ trang) chấm dứt các hoạt động thương mại. Lệnh cấm của Giang
Trạch Dân đã làm suy giảm đáng kể hoạt động kinh doanh của quân đội, nhưng vẫn
không chấm dứt được tình trạng quân đội lén lút “làm ăn” bằng nhiều cách khác.
Mới đây, vào cuối tháng 11 năm 2015 (nghĩa là 17 năm sau lệnh cấm của Giang Trạch
Dân), Tập Cận Bình lại phải ra lệnh quân đội chấm dứt các hoạt động nhằm kiếm lợi
nhuận như : múa hát thuê cho các sự kiện, chữa bệnh cho người ngoài quân đội để
thu viện phí, mở lớp học cho dân thường để thu học phí, cho thuê các kho bãi để
làm cơ sở thương mại, nhận thầu các công trình xây dựng, v.v…
Có một điều nghịch
lý đập vào mắt người dân nước ta: trong khi quân đội Trung Quốc – một quân đội
có nhiệm vụ bành trướng lãnh thổ và lấn chiếm Biển Đông, luôn tìm cách chỉnh đốn
hàng ngũ của mình thì quân đội Việt Nam – một quân đội có nhiệm vụ bảo vệ lãnh
thổ và lãnh hải chống âm mưu lấn chiếm của nước ngoài, lại suốt ngày say sưa
làm ăn để tìm kiếm lợi nhuận. Chẳng những thế, người ta còn đề cao, khen thưởng
các vị tướng, tá “kinh doanh giỏi”[8]. Vậy mà, trên diễn đàn của Quốc hội, các
ông bà “đại biểu nhân dân” – kể cả những người được ngợi ca là “dũng cảm”, là
“yêu nước” nhất, dường như vẫn bình chân như vại, chưa thấy ai ”tâm tư”, áy náy
về điều này!
Tóm lại, ngoài
các nhà tư bản thân hữu, các nhà tư bản đỏ (tức nhà tư bản-đảng viên) còn có những
tập thể tư bản đỏ mang bảng hiệu một “cơ quan” của chính quyền hay của Đảng lao
vào lĩnh vực kinh doanh. Có thể nói ở Việt Nam đã hình thành nên một mạng lưới
của chủ nghĩa cộng sản thân hữu rộng khắp, với hàng ngàn, hàng vạn “cửa ngõ”
thông thương giữa bộ máy đảng-nhà nước và lĩnh vực kinh doanh. Có thể vì lẽ đó
mà công cuộc chống tham nhũng trở nên khó khăn đến mức ông Chủ tịch nước sắp từ
giã chính trường có lần đã ví những quan chức tham nhũng là “bầy sâu”.
Vấn đề đặt ra là : có bao nhiêu bầy sâu và tại sao lại sinh ra các bầy sâu? Nếu chỉ có một hay vài bầy sâu và mỗi bầy sâu được sinh ra từ một con sâu chúa, người ta có thể diệt trừ bằng cách “vừa diệt sâu chúa, vừa diệt sâu con” dựa theo cách “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc. Nhưng nếu các bầy sâu lại được sinh ra từ một môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của loài sâu thì tình hình sẽ ra sao? Chúng ta có thể hình dung một môi trường ô nhiễm “thuận lợi cho sâu” trong đó hàng ngày hàng giờ đẻ ra hàng ngàn, hàng vạn con sâu con; mặt khác do “thời cơ”, bất cứ con sâu con nào cũng có thể trở thành một con sâu lớn – thậm chí trở thành sâu chúa, thì vấn đề diệt hết các “bầy sâu” sẽ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
Vấn đề đặt ra là : có bao nhiêu bầy sâu và tại sao lại sinh ra các bầy sâu? Nếu chỉ có một hay vài bầy sâu và mỗi bầy sâu được sinh ra từ một con sâu chúa, người ta có thể diệt trừ bằng cách “vừa diệt sâu chúa, vừa diệt sâu con” dựa theo cách “đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc. Nhưng nếu các bầy sâu lại được sinh ra từ một môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi nảy nở của loài sâu thì tình hình sẽ ra sao? Chúng ta có thể hình dung một môi trường ô nhiễm “thuận lợi cho sâu” trong đó hàng ngày hàng giờ đẻ ra hàng ngàn, hàng vạn con sâu con; mặt khác do “thời cơ”, bất cứ con sâu con nào cũng có thể trở thành một con sâu lớn – thậm chí trở thành sâu chúa, thì vấn đề diệt hết các “bầy sâu” sẽ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”.
Hiện nay, vẫn
còn một số người – kể cả trí thức được coi là “cấp tiến” lẫn một số nhà đấu
tranh cho dân chủ, tin rằng sau Đại hội XII, Bộ Chính trị mới “gồm những người
trong sạch hơn” sẽ thanh lọc được hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam và tìm
cách “thoát Trung”. Nhưng nếu bình tâm suy xét, chúng ta sẽ thấy ước vọng đó có
thể chỉ là “mơ ước viển vông” và rất dễ biến thành “ảo vọng”. Với nguyên tắc
“đánh chuột nhưng tránh làm vỡ bình”, có thể sắp tới sẽ có nhiều vụ án được xử
công khai, nhiều trận đánh tham nhũng được tiến hành để làm yên lòng dân, nâng
cao lòng tin của cán bộ, đảng viên. Nhưng suy cho cùng, cho dù đạt mức cao nhất,
các màn trình diễn đó khó có thể hấp dẫn hơn, nhiều kịch tính hơn những màn
trình diễn ngoạn mục vừa qua của ông Tập Cận Bình. Vậy mà ở “nước bạn”, tương
lai của công cuộc chống tham nhũng sẽ ra sao? Ý kiến của các nhà chính trị học
và của ông Bào Đồng đủ để giúp chúng ta thấy tương lai của công cuộc chống tham
nhũng tại Trung Quốc.
Vào tháng 3 năm
2013, bốn tháng rưỡi sau ngày Tập Cận Bình trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của
Trung Hoa lục địa, nhà chính trị học Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) có viết trên tờ
The Diplomat một bài báo nhan đề “Một nhà lãnh đạo xô-viết mà Trung Hoa có thể
bắt chước… và đó không phải là Gorbachev”, trong đó ông đã tiên đoán một cách
chính xác rằng Tập Cận Bình sẽ chọn đường lối của Yuri Andropov chứ không chọn
đường lối của Gorbachev[9].
Yuri
Vladimirovich Andropov (1914 – 1984) là Tổng bí thư đầu tiên và duy nhất của Đảng
Cộng sản Liên Xô thăng tiến từ chức vụ Giám đốc KGB – cơ quan công an khét tiếng
toàn thế giới. Có thể tóm tắt mô hình của Andropov bằng nguyên tắc “làm trong sạch
đảng cầm quyền từ bên trong” (cleansing the ruling party from within). Điều lý
thú là ở cuối bài báo, Minxin Pei nhận định rằng mô hình đó một “con đường
không dẫn đến đâu” (a road to nowhere).
Ông còn nhận
xét: chính Gorbachev ngay lúc đầu cũng không phải là một nhà cải cách triệt để.
Trong hai năm đầu của nhiệm kỳ, Gorbachev đã theo đuổi đường lối của Andropov
cho đến khi nhận thức được rằng đường lối đó không có hiệu quả và thay thế bằng
con đường glanost (công khai).
Dường như ĐCSVN
hiện nay cũng đang ở vào hoàn cảnh tương tự. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ
Chính trị mới sẽ chọn con đường nào: chống tham nhũng bằng cách làm trong sạch
Đảng từ bên trong với nguyên tắc “đánh chuột nhưng tránh làm vỡ bình” hay chống
tham nhũng bằng cách mở cửa cho toàn dân tham gia?
Đành rằng đi
theo con đường thứ hai có thể làm “vỡ bình”, nhưng” vỡ bình” không đồng nghĩa với
“đại họa”, nhất là khi người ta nhận thức được rằng một “đảng chính trị” không
thể quan trọng bằng “quốc gia” và “dân tộc”. Còn đi theo con đường thứ nhất
(như Tập Cận Bình đã làm) thì số phận thế nào, chúng ta cũng có thể đoán trước:
đó là một con đường “không dẫn đến đâu”. Và vì con đường đó “không dẫn đến
đâu”, đến một lúc nào đó nhân dân sẽ tự tìm ra được con đường thích hợp.
Đến lúc đó thì
cho dù chiếc bình vẫn còn, nó có thể trở nên vô dụng hoặc nếu may mắn hơn, chỉ
có thể được dùng để trưng bày trong kho đồ cổ hoặc viện bảo tàng để “làm kỷ niệm”!
Đà Lạt 31-1-2016
MAI THÁI LĨNH
1. Bruce
J. Dickson, “Who Consents to the Beijing Consensus: Crony Communism in China,”
presented at the “Washington Consensus versus Beijing Consensus “ conference,
University of Denver, May 29-June 1, 2008. In S. Philip Hsu, Yu-Shan Wu,
Suisheng Zhao (editors), In Search of China’s Development Model: Beyond
the Beijing Consensus, Routledge – Taylor & Francis Group, London
and New York, 2011, pp. 189-203.
2. Hạ
hải (xia hai) có nghĩa là “xuống biển” (lĩnh vực kinh doanh
được ví như biển cả).
3. Thái
tử đảng 太子党
(Princelings, hay Crown Prince Party) là một thuật ngữ thường
được dùng theo nghĩa xấu nhằm để chỉ con cháu của các quan chức cộng sản cao cấp
tại Trung Hoa lục địa, nhất là những người hưởng lợi từ chủ nghĩa thân hữu
(cronyism) và chủ nghĩa thân tộc (nepotism), tương tự như các thái tử trong các
chế độ quân chủ thừa kế.
4. Jonathan
Chew, “China now has more billionaires than the U.S.”, Fortune, October
15, 2015:http://fortune.com/2015/10/15/china-billionaires/
5. Bao
Tong, “How Deng Xiaoping Helped Create a Corrupt China”, New York Times June
3, 2015: http://short4u.de/56af8faf15e22
6. Shirley
A. Kan, China’s Military-Owned Businesses, Report 98-197,
Congressional Research Service, January 17, 2001.
7. Minnie
Chan and Zhen Liu, “China’s President Xi Jinping wants ‘PLA Inc’ to stop its
song and dance, plans end for profit-making activities”, South China
Morning Post, 28 November 2015: http://short4u.de/56af8efdad795
8. “Tướng quân đội đi làm kinh tế”,
Đời sống và Pháp luật, 08-01-2015:
Đời sống và Pháp luật, 08-01-2015:
http://short4u.de/56af8f3592354
9. Minxin Pei, One Soviet Leader China Could Emulate…and It’s Not
Gorbachev”,
The
Diplomat April 04, 2013:
http://short4u.de/56af8f8fc2b6b
http://short4u.de/56af8f8fc2b6b
Nguồn: https://tiengquehuong.wordpress.com/2016/02/01/chu-nghia-cong-san-than-huu/