* Ts. TRẦN VINH
DỰ
Trong khoảng hơn
một tháng trở lại đây, báo chí thế giới đặc biệt chú ý nhiều đến Việt Nam, từ Business
Week, the Economist, Bloomberg, Wall
Street Journal,New
York Times, đến Asia
Sentinel, the
Diplomat. Mật độ các bài viết trên báo chí nước ngoài về Việt Nam ngày
càng dày đặc kể từ vụ ông Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) bị bắt.
Trong
một động thái có thể nói là chưa từng có, báo New York Times có liên tiếp nhiều
bài viết về Việt Nam và gọi tình trạng kinh tế của Việt Nam hiện nay là “crony
capitalism” (chủ nghĩa tư bản thân hữu). Trong số ra ngày 22 tháng 8 (In
Vietnam, Growing Fears of an Economic Meltdown), NYT viết rằng: “nếu như cuộc
khủng hoảng năm 1997 (ở Đông Á) vẫn bị cho là do “chủ nghĩa tư bản thân hữu”
thì các vấn đề của Việt Nam hiện nay có thể được mô tả là chủ nghĩa tư bản thân
hữu với phong vị riêng của cộng sản”. Phong vị riêng, theo NYT là “các công ty
của nhà nước đông nghẹt những bạn bè và đồng minh của các quan chức trong hệ thống
quyền lực của Đảng Cộng Sản”.
Trong số ra ngày
1 tháng 9 (In Vietnam, Message of Equality Is Challenged by Widening Wealth
Gap), NYT lại viết: “sự giận dữ tập trung chủ yếu vào phiên bản Việt Nam của chủ
nghĩa tư bản thân hữu – mối quan hệ chặt chẽ giữa các đại gia và các quan chức
cao cấp của Đảng Cộng Sản. Sự phê phán/lên án này được dịp bùng lên vì các tin
tức liên quan đến việc lợi dụng (quyền hạn) đã bị lộ ra từ các công ty của nhà
nước - vốn vẫn là phần trung tâm của nền kinh tế, nhưng gần đây đã bị trục chặc
lớn, và góp phần tạo ra tình trạng khủng hoảng tài chính rất trầm trọng hiện
nay”.
Có lẽ trong lịch
sử Việt Nam hiện đại, chưa một lần nào Việt Nam được mô tả
là một nền kinh tế theo kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Bản chất của khái niệm
này là gì, sự “kết án” của NYT nghiêm trọng đến thế nào, và vai trò của “chủ
nghĩa tư bản thân hữu” trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông và Đông Nam Á hồi
năm 1997 như thế nào?...sẽ là chủ đề của bài viết nhiều kỳ này.
Chủ nghĩa tư bản
thân hữu
“Chủ nghĩa tư bản
thân hữu” là một khái niệm không được định nghĩa với nội hàm rõ ràng. Nó thường
được dùng để chỉ các nền kinh tế mà trong đó hệ thống doanh nghiệp có những mối
quan hệ mang tính cấu kết với các quan chức trong hệ thống nhà nước, qua đó tạo
thành các mạng lưới “thân hữu” (những người bạn thân) giữa hai giới doanh nhân
và quan chức. Theo một nghiên cứu của Surajit Mazumdar (CRONY CAPITALISM: Caricature or
Category?) Mối quan hệ “thân hữu” này dẫn tới hai hệ luỵ hiển nhiên:
Thứ nhất,
nó ảnh hưởng tới sự phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả của nền kinh tế. Các
quan chức cấu kết với các doanh nhân sẽ đẻ ra các chính sách và quyết định
chính trị liên quan đến việc phân bổ nguồn lực có lợi cho các thân hữu của họ
trong giới làm ăn. Thí dụ, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, trợ giá, lãi suất,
kích cầu… có lợi cho một số doanh nghiệp nhất định. Sự ban phát các lợi ích này
không phải miễn phí mà nó là kết quả của quan hệ “thân hữu” dựa trên lợi ích.
Quan chức của chính phủ thì tìm kiếm lợi ích (rent seeking) dưới các dạng như
tiền hối lộ, các đóng góp vào các quỹ tranh cử...còn giới doanh nghiệp thì tìm
cách kiếm lợi bất chính dưới bóng của các thân hữu trong bộ máy chính quyền.
Thứ hai, các
quan hệ “thân hữu” giữa quan chức và doanh nhân sẽ phá hỏng chức năng của nhà
nước với tư cách là cơ quan giám sát và điều tiết các hoạt động của thị trường,
thí dụ như việc giám sát các tiêu chuẩn liên quan đến việc đóng thuế, tuân thủ
các tiêu chuẩn về môi trường, các quy định về sử dụng và đối xử với người lao động…
Lý do là các “thân hữu” trong hệ thống chính quyền bị các “thân hữu” trong hệ
thống doanh nghiệp vô hiệu hoá, há miệng mắc quai. Việc này đến lượt nó lại tạo
ra một môi trường kinh doanh không dựa trên pháp luật, hoặc nói đúng hơn, pháp
luật chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp nhỏ hoặc “cô thế” không có các thân hữu
trong hệ thống quyền lực nhà nước hỗ trợ.
Mức độ nghiêm trọng
của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” như thế nào thì còn tuỳ thuộc vào mức độ phổ biến
của các quan hệ dạng này, sực chằng chịt của hệ thống mạng lưới lợi ích được
đan lên giữa hai giới doanh nhân và quan chức, cũng như hình thái thể chế chính
trị của chế độ, các yếu tố thuộc về nền tảng văn hoá và vai trò cũng như sự trưởng
thành của hệ thống luật pháp. Nhìn dưới mức độ chung nhất, thì các quan hệ theo
kiểu “thân hữu” này ở đâu cũng có – trong hệ thống các nền kinh tế thị trường
hiện đại hiện nay.
Thí dụ như ở Mỹ,
trong cuộc tranh cử đang diễn ra giữa ứng cử viên đảng cộng hoà Mitt Romney và
đương kim tổng thống thuộc đảng dân chủ Barack Obama, ông Romney cũng tấn
công ông Obama bằng khái niệm chủ nghĩa tư bản thân hữu. Hồi giữa
tháng trước, khi phát biểu trước cử tri, ông Romney cho rằng: “tôi lấy làm xấu
hổ để nói rằng chúng ta đang nhìn thấy tổng thống của chúng ta đưa tiền cho các
doanh nghiệp của những người đóng góp tài chính cho chiến dịch tranh cử của tổng
thống, khi ông ấy đưa tiền ra, 500 triệu USD dưới dạng cho vay, cho một công ty
tên là Fisker là công ty sản xuất xe ô tô điện cao cấp, và giờ công ty này đang
sản xuất loại xe đó ở Phần Lan. Làm như thế là rất sai, và phải dừng lại. Cái
kiểu chủ nghĩa tư bản thân hữu đó không tạo ra công ăn việc làm và không tạo ra
công ăn việc làm ở đất nước này.”
Chính thức hơn,
một số thông kê, thí dụ như của Rasmussen
Reports hồi đầu năm 2012 cho thấy tới 39% người Mỹ cho rằng nước Mỹ
đang là một nền kinh tế theo kiểu “chủ nghĩa tư bản thân hữu. Theo một
điều tra khác, cũng của Rasmussen Reports, 66% người Mỹ được hỏi cho rằng
các quan hệ thân hữu đang chi phối các hợp đồng của chính phủ Mỹ với khối doanh
nghiệp tư nhân; trong khi đó với tỉ lệ 3-1, các cử chi cho rằng các chính khách
được bầu ra của Mỹ thường xuyên giúp đỡ các công ty mà họ có quan hệ gần gũi;
và, với tỷ lệ 70% người Mỹ cho rằng chính quyền Mỹ và các đại công ty đi đêm với
nhau và chống lại lợi ích của số đông người dân Mỹ.
---------------------
Lý thuyết về
CNTB thân hữu
Cần phải nói rằng
khái niệm “chủ nghĩa tư bản thân hữu” trước nay được nhắc đến nhiều, tuy nhiên
nó chỉ thực sự được xem xét cẩn thận khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 nổ
ra ở Đông và Đông Nam Á. Trước khi cuộc khủng hoảng này nổ ra, thành công trong
tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng
Koong, và Singapore được coi là thành công thần kỳ (spectacular success – theo
cách nói của World Bank năm 1993). Nhiều học giả thời đó tìm cách giải thích sự
thần kỳ của 4 “con hổ Châu Á” này và các chú “tiểu hổ” tiếp theo ở Đông Nam Á
(bao gồm Thái Lan, Malaysia, và Indonesia) bằng nhiều lý thuyết khác nhau như
“mô hình tăng trưởng đông á” hoặc là “nhà nước phát triển” – ám chỉ vai trò dẫn
dắt của một nhà nước thông minh nhằm định hướng cho thị trường vượt qua các “bẫy”
của kinh tế tự do để đạt được thành công nhanh hơn.
Tuy nhiên, nói
như Jong-Sung You (Đại
học Harvard), thì “cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á đã làm thay đổi cách nhìn
của thế giới về các nước này, đặc biệt là Hàn Quốc. Rất nhiều người, bao gồm cả
IMF, đã cho rằng chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Hàn Quốc và các nền kinh tế khác
trong khu vực chính là thủ phạm gây ra khủng hoảng. Vì thế mà chỉ trong một
đêm, Hàn Quốc từ chỗ là hình mẫu lý tưởng của một “nhà nước phát triển” với hệ
thống cai trị tốt chuyển sang một đất nước đầy những tệ tham nhũng và bè phái.”
Điều này tạo ra
nhiều bí ẩn khó giải thích: tại sao vẫn là các nền kinh tế này, vẫn những hệ thống
chính trị đó, vẫn các mối quan hệ mang tính bè phái và tham nhũng đó, nhưng lại
có thời kỳ lại tạo ra những điều thần kỳ trong phát triển, còn những lúc khác lại
đem đến khủng hoảng và đổ vỡ? Thêm nữa, các nền kinh tế Đông Á đều có mức độ
tham nhũng cao, đều là chủ nghĩa tư bản thân hữu, nhưng có những nền kinh tế
thành công hơn về mọi mặt (như Hàn Quốc) nhưng lại có những nền kinh tế tệ hơn
về mọi mặt (như Philippines)?
David C. Kang –
giáo sư đại học Dartmouth – có lẽ là học giả có nghiên cứu sâu sắc nhất
về lĩnh vực này. Cuốn sách của ông “Crony
Capitalism: Corruption and Development in South Korea and the Philipipnes”
là một cuốn sách được nhắc đến thường xuyên trong các nghiên cứu về chủ nghĩa
tư bản thân hữu ở Châu Á. Trong cuốn sách này, Kang đưa ra một lý thuyết về chủ
nghĩa tư bản thân hữu nhằm giải đáp cho bí ẩn trên.
Cách tiếp cận của
Kang là cách tiếp cận chính trị thực dụng. Theo Kang, bản chất của mối quan hệ
giữa các doanh nghiệp và nhà nước là mối quan hệ mang tính tìm kiếm lợi ích từ
chính sách (rent seeking). Rent được hiểu là món lợi nhuận đặc biệt tạo ra từ
các chính sách.
Thí dụ một chính
sách hạn chế nhập khẩu sẽ bóp méo thị trường trong nước về hàng nhập khẩu đó,
làm cho nguồn cung bị hạn chế lại và vì thế những doanh nghiệp nào nhận được
quotas để nhập khẩu sẽ được lợi vì có thể bán được giá cao. Vì thế chính sách
này tạo ra một thứ lợi ích vốn dĩ không có nếu không có chính sách này ra đời,
món lợi đó được gọi là rent.
Một thí dụ khác
là các chính sách hỗ trợ phát triển, theo đó nhà nước thành lập ra các quỹ (thí
dụ quỹ để kích cầu) và cho một số doanh nghiệp nhất định hưởng các khoản ưu đãi
lấy ra từ quỹ này như cho vay với chi phí lãi vay rất thấp hoặc bằng không, hay
là mua hàng hoá từ các doanh nghiệp này với số lượng lớn (thí dụ như đổ tiền
làm cơ sở hạ tầng).
Các quan chức
nhà nước có quyền lực để tạo ra các chính sách nhất định và các chính sách này
lại tạo ra rent. Các doanh nghiệp biết rõ điều này, và vì thế, họ luôn tìm
cách tác động lên các quan chức nhà nước để bộ máy nhà nước sản sinh ra các
chính sách tạo ra rent và họ là người hưởng lợi. Các quan chức cũng
biết rõ điều này, vì vậy trong khuôn khổ cho phép, họ cũng tìm cách tạo ra các
chính sách bóp méo để tạo rent, và phân phát các lợi ích này tới các doanh
nghiệp “thân hữu” của họ để các thân hữu này lại chia cho họ một phần rent kiếm
được.
Rent
seeking là bản chất của quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà nước. Thế nhưng,
theo Kang, mức độ mà các quan chức tạo ra rent và đi kèm với nó là mức độ tham
nhũng, lại phụ thuộc vào cấu trúc của hệ thống doanh nghiệp cũng như cấu trúc của
hệ thống chính trị. Lý thuyết của Kang có thể được tóm lược bằng một bảng hai
chiều mô tả quan hệ này.
Ông mô tả quyền
lực của nhà nước theo hai nhóm: Thứ nhất là các nhà nước mạnh – là các nhà nước
mà các quan chức lãnh đạo đất nước có thể tuỳ ý ra các quyết định/chính sách mà
không chịu sự ảnh hưởng đáng kể nào từ xã hội hoặc các chính đảng cạnh tranh
(thí dụ như nhà nước độc tài của Park Chung-Hee ở Hàn Quốc).
Thứ hai là các
các nhà nước yếu – là các nhà nước mà các quan chức lãnh đạo đất nước không thể
tuỳ tiện ban hành các quyết định hay chính sách mà các quyết định này chịu sự
chi phối mạnh mẽ của môi trường chính trị (thí dụ có các chính đảng đối lập mạnh),
hoặc của khối doanh nghiệp và các thế lực xã hội khác (thí dụ nhà nước mới
thành lập).
Ông cũng mô tả
quyền lực của khối doanh nghiệp thành hai nhóm:
Thứ nhất là các
nền kinh tế với hệ thống doanh nghiệp tập trung, bao gồm một số ít các doanh
nghiệp quy mô rất lớn và có quyền lực hùng mạnh trong xã hội (thí dụ như mô
hình các đại công ty Cheabol của Hàn Quốc hoặcKeiretsu của Nhật
Bản).
Thứ hai là các nền
kinh tế với hệ thống doanh nghiệp khá phân tán và không có các đại công ty có sức
mạnh chi phối hệ thống (thí dụ các nền kinh tế thị trường đã phát triển với nhiều
công ty, tập đoàn lớn, nhưng không có công ty, tập đoàn nào có sức mạnh lấn át
các đối thủ khác).
Nhà
nước mạnh
|
Nhà
nước yếu
|
|
Doanh
nghiệp tập trung
|
Loại
1: Cùng là con tin
Mô thức: cấu kết Mức độ tham nhũng: vừa |
Loại
2: Tìm kiếm rent
Mô thức: từ dưới lên Mức độ tham nhũng: lớn |
Doanh
nghiệp không tập trung
|
Loại
3: Nhà nước thợ săn
Mô thức: từ trên xuống Mức độ tham nhũng: lớn |
Loại
4: Kinh tế tự do
Mô thức: phân tán Mức độ tham nhũng: thấp |
Theo Kang, nếu hệ
thống chính trị, nền tảng xã hội, luật pháp không cho phép các quan chức nhà nước
tuỳ tiện hành động nhằm tìm kiếm rent, và hệ thống doanh nghiệp cũng không tập
trung để có một nhóm nhỏ các doanh nghiệp có thể thao túng, thì nền kinh tế ấy
rơi vào tình trạng nền kinh tế tự do.
Các doanh nghiệp
không dễ vận động hành lang và các quan chức cũng không dễ tạo ra các chính
sách bóp méo để thu rent vì cả hai cấu trúc này đều quá phân tán về quyền lực.
Đó là mô hình của các nền kinh tế thị trường đã phát triển với hệ thống luật
pháp minh bạch và nền chính trị dân chủ đã trưởng thành. Trong trường hợp này,
tham nhũng ở mức thấp, và sự cấu kết giữa doanh nghiệp và quan chức, nếu có, chỉ
ở mức lẻ tẻ và phân tán. Các biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không
đáng kể, và không nghiêm trọng.
------------------/
Ba loại chủ
nghĩa tư bản thân hữu
Theo Kang, trong
trường hợp hệ thống doanh nghiệp tập trung vào một nhóm nhỏ có quyền lực chi phối,
và hệ thống nhà nước cũng mạnh, thì đất nước rơi vào tình trạng cả hai phe phái
cùng là con tin của nhau. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp mạnh trực tiếp
đàm phán với nhà nước về cách thức và cơ chế chia sẻ lợi ích khi cấu kết với
nhau. Do không bên nào có thể ép được bên nào, quyền lợi được chia đều hơn, mức
độ tham nhũng vì thế chỉ ở mức vừa phải.
Đây là mô hình
xuất hiện ở Hàn Quốc dưới thời Park Chung-Hee. Đặc trưng của nó vẫn là một dạng
chủ nghĩa tư bản thân hữu, tuy nhiên mức độ tham nhũng không quá nghiêm trọng.
Thêm nữa, do hai bên doanh nghiệp và chính quyền có thể dễ dàng chia sẻ thông
tin và lập trường (doanh nghiệp dễ đề đạt nguyện vọng và nhà nước cũng có quyền
lực để quyết định nhanh), chi phí giao dịch trong trường hợp này thấp đáng kể.
Đây làm một lợi điểm mà theo Kang, không phải là do Park Chung-Hee cố tình tạo
ra mà đơn giản là một kết quả ngẫu nhiên khi ông này thực hiện tập trung quyền
lực cả về chính trị và kinh tế.
Trong trường hợp
nhà nước mạnh nhưng hệ thống doanh nghiệp lại phân tán, không hình thành được
các quyền lực đối trọng với nhà nước, thì theo Kang, nhà nước biến thành một dạng
“nhà nước thợ săn” – theo đó các quan chức nhà nước nắm trong tay quyền lực lớn,
tự tung tự tác, và không gặp phải sự kháng cự đáng kể từ khối các doanh nghiệp
nên thoả sức thu rent dưới mọi hình thức. Doanh nghiệp sẽ phát triển
khó khăn, tham nhũng lớn, và theo mô hình từ trên xuống (quan chức đi
thu tô).
Trường hợp cuối
cùng, là nhà nước không tập trung quyền lực, nhưng khối doanh nghiệp lại tập
trung trong một số ít các doanh nghiệp lớn. Trong trường hợp này, quyền lực của
kinh doanh lấn át quyền lực chính trị. Các đại gia có thể can thiệp để nâng người
này, hạ người kia trong hệ thống chính trị. Các doanh nghiệp đầy quyền lực này
sẽ thoả sức thao túng, vô hiệu hoá các chính sách của nhà nước, vận động hành
lang để tạo ra các chính sách bóp méo để thu rent. Tham nhũng trong các nền
kinh tế thuộc dạng này cũng rất lớn, nhưng theo mô hình từ dưới lên (doanh nghiệp
vận động chính sách để lấyrent).
Theo Kang,
Philippines khác với Hàn Quốc ở chỗ đây là đất nước mà quan hệ doanh nghiệp –
chính trị (Kang gọi là “chính trị tiền bạc” – money politics) đảo như một con lắc
giữa hai thái cực – từ chỗ nhà nước yếu, doanh nghiệp mạnh và tham nhũng từ dưới
lên vào những năm 1946 đến 1972 khi đất nước còn trong giai đoạn dân chủ - sang
trạng thái nhà nước độc tài thiết quân luật dưới chế độ của Marcos từ năm 1972
trở đi, khi mà Marcos cũng các thân hữu của ông đã trấn áp tất cả các thế lực
khác, kể cả hệ thống doanh nghiệp, và biến nền kinh tế từ chỗ một xã hội tìm
kiếm rent sang một xã hội với nhà nước thợ săn. Theo Kang,
Philippines đã đánh mất đi cơ hội chuyển từ xã hộitìm kiếm rent sang xã hội cùng
là con tin (giống như ở Hàn Quốc dưới thời Park Chung-Hee) vì Marcos đã
không biết tự tiết chế quyền lực của mình và chung sống hoà bình với các doanh
nghiệp mạnh.
Hàn Quốc và Philippines trong
khủng hoảng 1997
Mô hình chính trị
tiền bạc ở Hàn Quốc và Philippines như mô tả ở trên tồn tại trong vài thập kỷ
trước thập kỷ 90 và đem lại sự khác biệt to lớn cho hai quốc gia. Trong khi cấu
trúc “cùng là con tin” ở Hàn Quốc giúp cho nước này phát triển mau chóng, thì
việc đảo qua đảo về giữa hai thái cực xã hội tìm kiếm rentvà xã hội nhà
nước thợ săn khiến cho Philippines chìm đắm trong nghèo đói và lạc hậu.
Tuy nhiên, theo
Kang, các cấu trúc chính trị tiền bạc này ở hai nước có sự thay đổi lớn vào nửa
sau của thập kỷ 80. Ở Hàn Quốc, cuộc chuyển đổi sang dân chủ hồi năm 1987 làm
suy yếu quyền lực của nhà nước. Các chính đảng phải cạnh tranh quyết liệt với
nhau để dành quyền lực qua lá phiếu và vì thế sức đề kháng của nhà nước trước
các đòi hỏi của xã hội và các doanh nghiệp cũng bị kém đi nhiều. Một số nhỏ các
đại công ty của Hàn Quốc, không chịu sự kiểm soát của các quy luật thị trường
vì quy mô quá lớn của họ, đã theo đuổi các quyết định ngày càng rủi ro hơn.
Nói cách khác,
Hàn Quốc đã chuyển từ cấu trúc “cùng là con tin” sang cấu trúc “tìm kiếm rent”.
Vì thế, dân chủ “quá nhiều” kết hợp với mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp
– nhà nước đã đẩy tới việc xuất hiện nhiều chính sách không hiệu quả. Và cuộc
khủng hoảng năm 1997 đã đưa tất cả các ung nhọt này ra ánh sáng.
Trong khi đó,
theo Kang, sự tan hoang của đất nước Philippines dưới thời Ferdinand
Marcos đã dẫn tới cao trào “Quyền lực của Dân” (People Power) vào năm 1986 và sự
phát triển mới này đã san phẳng sân chơi của nhà nước và doanh nghiệp. Khi Philippines dần
dần hồi phục, cả doanh nghiệp và nhà nước đều có ít quyền lực hơn. Philippines phải
trải qua một cuộc tái cấu trúc đầy đau đớn trong những năm đầu của thập kỷ 90 để
chuyển sang một cấu trúc mới “kinh tế tự do”. Sự ra đi của Marcos đã khiến các
quan hệ “thân hữu” giữa nhà nước và doanh nghiệp bị xoá bỏ. Philippines đã
thực hiện được việc cải cách chính sách và tăng cường các luật lệ giám sát về
tài chính. Kết quả là, khi cuộc khủng hoảng năm 1997 xuất hiện,Philippines đã
có sức chịu đựng tốt hơn. Theo Kang, triển vọng của Philippines sau cuộc khủng
hoảng 1997 cũng có vẻ như sáng sủa hơn với một cấu trúc chính trị tiền bạc lành
mạnh hơn, ít mang tính “thân hữu” hơn.
Kết luận
Lý thuyết của
David C. Kang về chủ nghĩa tư bản thân hữu, ra đời cách đây cả 10 năm, mặc dù
khá đơn giản, nhưng cũng đem lại một cách giải thích khá thuyết phục cho cả hai
“bí ẩn” về các nền kinh tế mới nổi ở Đông và Đông Nam Á: Tại sao cũng là chủ
nghĩa tư bản thân hữu nhưng có những nước phát triển tốt hơn (như Hàn Quốc) và
có những nước phát triển kém hơn hẳn (như Philippines), và tại sao cũng là chủ
nghĩa tư bản thân hữu nhưng một số nước lại chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng
hoảng 1997 hơn các nước khác.
Đương nhiên đây
chỉ là một góc nhìn được đơn giản hoá chứ không phải là một sự giải thích rốt
ráo về lịch sử phát triển cũng như nguyên nhân của khủng hoảng ở các nước này.
Tuy nhiên, dẫu sao, nó cũng đem lại một góc nhìn sâu sắc hơn về khái niệm “chủ
nghĩa tư bản thân hữu” và các ngụ ý của nó đối với các nước đi sau như Việt Nam
cũng đáng để suy ngẫm.
TVD
-----------------/
(*) Tiến
sĩ Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của ViệtNam,
Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về
các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến
sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia
tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ
nghiên cứu Biển Đông.
Nguồn:http://bongbvt.blogspot.com/2015/06/chu-nghia-tu-ban-than-huu.html